HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Con Nhà Nghèo

Chương một - phần 1 (a)

Xóm Đập Ông Canh nằm dựa bên Gò Công qua Mỹ Tho, ngang qua ngã ba tẻ vô Ụ Giữa, bây giờ nhà chen rất đông đảo, cây đua mọc sum suê. Cái nhà việc cũ sùm sụp của làng hồi trước đã dỡ bao giờ mà cất lại một toà nhà mới, nền cao khoảng khoát, nóc phơi đỏ lòm. Vài cái nhà lá tum hùm, cửa xịt xạc, vách tả tơi, hồi trước ở rải rác chung quanh đó cũng điêu tàn bao giờ mà nhường chỗ lại cho hơn chục cái nhà khác, tuy cũng lợp bằng lá dừa, song cột kê táng, vách đóng be, coi rất đẹp đẽ thơ thới.

Cảnh cũ đổi mới, nhà ít thêm đông, nhưng mà mấy chuyện nào trong xóm từ xưa đến nay thì mấy ông già cũng còn nhớ hết. Có khi ăn đám giỗ, người ta thử hỏi ông Tám Tiền, ông câu Hữu vậy chớ nhà việc mới cất hồi nào, ông thôn Tà mất bao giờ, chú chệt Chà về đó mấy năm rồi, thì hai ông trả lời liền, không do dự mà cũng không sai lầm. Có một chuyện hai ổng không chịu nói, là chuyện Cai tuần Bưởi.

Một lần nọ, người trong xóm, nhơn trăng rằm tháng giêng tỏ rạng, tựu lại sân ông câu Hữu coi đạp lúa. Mỗi người đều nhắc chuyện xưa lại nghe chơi. Có người hỏi tại sao Cai tuần Bưởi lại bán nhà mà đi, thì ông câu Hữu nhíu mặt, châu mày, nín thinh một hồi lâu rồi nói rằng: “Các chú đừng có hỏi. Việc đó nói ra chắc sanh xào xáo trong xóm. Các chú không muốn ở yên chỗ nầy hay sao, nên hỏi tới chuyện Cai tuần Bưởi ?”.

Ai nấy nghe nói như vậy thì sợ, nên ngó nhau rồi nói lãng sang chuyện khác, mà từ đó về sau cũng hết dám hỏi tới chuyện Cai Tuần Bưởi nữa.

Nói chuyện Cai tuần Bưởi thì phải bị nạn gì mà người ta sợ đến thế ?

Mình không phải ở xóm Đập Ông Canh mà sợ. Vậy để mình thuật Cai tuần Bưởi cho mỗi người nghe một chút.

Cách chừng hai mươi mấy năm trước, trong xóm Đập Ông Canh, ở phía sau nhà việc, có một cái nhà ba căn, cột bằng cây bần, nóc lợp lá xé, cửa cặp lá chầm, vách gài bằng tre, trước sân một bên bắt một đống rơm, một bên trồng một cây me, sau kè chuối lá xiêm xơ rơ mấy bụi, mía thâm dịu[1] lố xố mấy giồng. Cái nhà đó là nhà Cai tuần Bưởi.

Cai tuần Bưởi sanh trưởng ở xóm nầy, từ hồi cha cho đến bây giờ cũng ở trên đất nầy là đất của ông Cai Hiếu. Ông ta là con của ông trùm Lại, cha mẹ khuất hết, anh em chỉ có ba người mà thôi. Anh ta là lớn, năm nay đã được ba mươi hai tuổi rồi, có vợ là Thị Tố, gốc ở trên làng Bình Phú Tây. Thằng em kế đó tên Cam, năm nay được hai mươi lăm tuổi, hồi trước nó ở đợ đánh xe ngựa cho Hai Thu ở trong Ụ Giữa, ngựa sanh chứng lật xe gãy bánh, chủ đánh chửi nó nên nó giận, bỏ trốn đi mất mấy năm nay, không lai vãng về Đập Ông Canh, mà cũng không ai gặp nó nơi nào hết. Còn đứa em út là gái, tên nó là Lựu, năm nay nó mới được mười tám tuổi, tuy con nhà nghèo ăn mặc lam lũ, song nết na đằm thắm, đi đứng dịu dàng, ăn nói có duyên, mặt mầy sáng sủa, nó ở với anh nó thuở nay.

Cai tuần Bưởi làm bạn với Thị Tố đã tám năm rồi, sanh được năm đứa con, ba trai hai gái. Thuở nay anh ta mướn hai dây ruộng của bà Cai Hiếu mà làm, mỗi năm phải đong lúa mướn ba trăm giạ, năm nào lúa trúng thì té ra chừng một trăm giạ đủ nuôi vợ nuôi con và em, năm nào lúa thất, đong lúa ruộng rồi không còn dư hột nào, thì phải lo làm mướn đặng lấy tiền độ nhựt. Mùa mới rồi, lúa cấy xong, lúa vừa mới bén, kế bị trời hạn, nắng cháy đọt, nước nóng gốc, lúa nở không được. Cai Tuần Bưởi đi thăm ruộng về, mặt mày buồn hiu, ngồi khoanh tay thở dài mà than rằng: “Trời muốn giết con nhà nghèo”. Chẳng hiểu trời sợ con nhà nghèo chết, hay là sợ chủ điền góp lúa không đặng, mà Cai tuần Bưởi than như vậy. Rồi cách vài bữa trời mưa một đám thật lớn trong cánh đồng Đập Ông Canh. Lúa nhờ mưa mát mẻ nên đâm đọt bén lại, nhưng vì bị hạn đã mất sức rồi, bởi vậy chừng trổ bông vắn vắn mà hột lại thưa thớt nữa. Thương cho Cai tuần Bưởi khi đến gặt, thì số lúa bó coi không thất bao nhiêu mà đến chừng đạp rồi, lường lúa hột thì chỉ có ba trăm hai chục giạ. Số lúa ruộng mướn của chủ điền bề nào cũng phải đong cho đủ ba trăm giạ. Thế thì cực nhọc trót một năm trường dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ chỉ còn lời có hai mươi giạ mà thôi! Mà trong đó còn phải đong lúa mướn trâu, còn phải trả tiền công cấy thì dư nỗi gì.

Đong lúa ruộng rồi, Cai tuần Bưởi nhắm thế nguy cấp, nếu ngồi khoanh tay mà than dài, thì chắc vợ con không khỏi chết đói, bởi vậy anh ta gói một cái quần ngắn, một áo cụt và một cái khăn tắm, rồi cặp nách tuốt vô Ụ Giữa, xin với ông Năm Vi, là lái lúa, mà ở bạn chèo ghe.

Qua năm nầy trời mưa xuống, ruộng nổi nước, Cai tuần Bưởi mới trở về, trong lưng có dư đuợc vài chục đồng bạc, đủ làm vốn mà cày cấy nữa, nên lăng xăng mua gióng mạ, mướn trâu đi cày, thấy vợ con vui mừng thì anh ta cũng vui, coi bộ đã quên những sự cực khổ mới qua rồi, mà cũng không sợ cái buồn rầu tới nữa.

Năm nay thuận mùa, lúa cấy mới nửa tháng mà coi mòi tốt lắm. Cai Tuần Bưởi hớn hở trong lòng nên một bữa từ hồi ăn cơm chiều cho tới lúc đỏ đèn, đi ra đi vô cứ nói: “Vái trời mưa thuận gió may như vậy hoài cho tôi, thì tới mùa ruộng mình không mất 500 giạ lúa”.

Con Lựu bưng một chong đèn để trên bộ ván giữa rồi vô buồng mà dỗ cháu ngủ. Cai tuần Bưởi nằm trên võng lát giăng phía đầu song trên mà đưa cọt kẹt. Thị Tố thì nằm trên chõng tre lót phía đầu song dưới mà cho thằng con nhỏ bú. Con mèo mướp chui dưới bàn thờ phía trong mà kiếm chuột kêu tiếng ngao ngao, con chó vàng đứng tại cửa giữa nhà vảnh tai ngó ra sân nghe giọt mưa rỉ rả.

Cai tuần Bưởi nằm không một hồi, chắc là trong bụng anh ta buồn, nên cất tiếng ngâm thơ Lục Vân Tiên mà giải muộn. Sắp nhỏ nhờ nghe giông ngoài, giọt mưa đổ rỉ rả, trong tiếng ngâm thơ ê a bổng trầm, nên êm tai ngủ hết thảy. Thị Tố đắp mền bỏ mùng cho đứa nhỏ rồi chị mới đi sập cửa mà gài lại.

Cai tuần Bưởi thấy vợ đã rảnh, anh ta ngừng ngâm thơ, bước lại ngồi dựa chông đèn vấn thuốc mà hút. Thị Tố muốn nói chuyện với chồng, nên lại đứng cà rà một bên, mà rồi không nói, lại bước vô bàn thờ bưng khay trầu đem ra, cũng để gần cái chông đèn, rồi têm trầu mà ăn, Cai tuần Bưởi hút thuốc rê, phần bị trời mưa thuốc ướt, phần bị thuốc phèn chậm lửa, nên kê vô đèn đốt hoài mà thuốc không chịu cháy.

Thị Tố nhai trầu nhóc nhách, với tay lấy gói thuốc của chồng mở ra rứt một miếng mà xỉa, rồi ngó chồng cười mơn mà hỏi:

- Mình đi ghe về xưa rày, mình có hay giống gì không?

- Không, có hay giống gì đâu?

Thị Tố cười, ngoái tay xỉa thuốc một hồi nữa, rồi mới hỏi lớn tiếng rằng:

- Vậy chớ mình không thấy cậu Hai khác hơn mọi lần hay sao?

- Cậu Hai nào?

- Cậu Hai con bà Cai chớ cậu Hai nào?

- Ờ. Tưởng mình nói cậu Hai nào chớ, ai mà dè đâu. Cậu Hai thì cũng vậy chớ khác giống gì?

- Xưa rày mình gặp cậu, vậy chớ cậu có nói gì hay không?

- Không, có nói giống gì đâu!

Thị Tố châu mày, ngồi nín thinh, coi bộ lo ra. Cai tuần Bưởi bơ bơ, cặp điếu thuốc mà hút, ngặt vì thuốc tắt nữa, nên phải kê vô đèn mà đốt lại. Thị Tố suy nghĩ một hồi rồi ngồi xích lại một bên chồng mà nói rằng:

- Vậy mà cậu hứa chắc với tôi để cậu nói với mình.

- Nói giống gì?. Từ hôm tôi về tới nay đã gần bốn tháng rồi, tôi gặp cậu hoài, tôi thấy cậu có nói giống gì đâu. Cậu muốn nói chuyện gì đó?

- Cậu muốn nói chuyện con Lựu.

- Chuyện con Lựu là chuyện gì? Cậu muốn nó ở hay sao?

- Không, ở éo gì đâu!. . . Vậy chớ mình không hay giống gì hết hay sao?

- Thiệt đa. Không hay giống gì hết.

- Hôm tháng giêng mình đi ghe, ở nhà cậu Hai tới chèo chẹo hoài, chịu không nổi. Đôi ba bữa cậu xuống một bữa. Mà hễ cậu xuống thì cậu sai tôi đi đầu nầy đầu kia, rồi cậu ở nhà chọc ghẹo giỡn hớt với con Lựu. Con nhỏ phần thì nó khờ, phần nó sợ cậu, nên nó có dám nói gì đâu. Ban đầu tôi không hay, ai dè cậu như vậy mà đi muốn con Lựu. Đến chừng tôi hay mới hỏi nó, nó mới nói thiệt. Bữa sau cậu xuống thì tôi mới cằn nhằn trách cậu. Tôi nói làm như vậy nhà tôi về đây nó rầy la tôi, mà mợ Hai đây mợ hay chắc là mợ cũng cào nhà tôi xuống sông nữa. Cậu nói không sao mà sợ, để mình về cậu sẽ nói với mình, còn mợ Hai một ngày chí tối lục đục trong nhà hoài, có đi đâu mà hay. Cậu mua một cái áo xuyến, một quần lãnh, một chiếc đồng hồ, một đôi bông nhận hột cho con Lựu. Cậu lại cho nó mấy chục bạc nữa.

Cai tuần Bưởi nghe nói tới đó, anh ta quăng điếu thuốc xuống đất rồi hỏi rằng:

- Con Lựu có chịu hay không?

- Không chịu sao được. Cậu bám sát quá mà.

- Còn mình đó chi.

- Tôi dám cãi hay sao? Tôi tưởng dầu có mình ở nhà cũng không làm sao được.

Cai tuần Bưởi đứng dậy đi lại võng nằm gác tay lên trán không nói chi nữa hết. Đứa nhỏ nằm trong mùng khóc óe lên. Thị Tố lật đật vô cho con bú.

Ngoài sân trời mưa đã dứt hột, mặt trăng vẹt mây mà rọi lờ mờ, gió nam thổi lao rao, đánh mấy tàu lá dừa phía đầu song nghe lạch xạch. Trong vách nghe chuột xạ kêu lít chít, ngoài hào ểnh ương rống uênh oang. Tình đương buồn, mà gặp cảnh cũng buồn. Bởi vậy Cai tuần Bưởi nằm nín khe mà trong ruột như dao cắt.

Thị Tố dỗ con ngủ lại rồi, chị ta chui ra thấy chồng nằm buồn hiu, mới men lại ngồi chồm hổm nơi đầu võng mà nói rằng:

- Thôi, việc đã lỡ rồi, mình buồn làm chi. Mình nghèo mà cậu Hai thương nó cũng là một cái may. Miễn là cậu Hai thương nó hoài, thì thân nó cũng không đến nỗi cực khổ.

- Cậu là bực giàu sang, cậu chơi qua đường rồi cậu bỏ, chớ phải cậu đem nó về làm bé làm mọn gì đó hay sao.

- Bỏ sao được. Bỏ là hồi mới kia, chớ nó có thai có nghén rồi mà bỏ nỗi gì.

Cai tuần Bưởi vùng ngồi dậy ngó vợ trân trân mà hỏi rằng:

- Con Lựu có chửa rồi hay sao?

- Chớ sao. Nó có chửa đã hơn sáu tháng rồi.

- Trời ơi!

- Vậy chớ mình không thấy cái bụng của nó đó sao?

- Tôi có dè đâu. . . Cha mẹ sanh ba anh em, có mình nó là gái. Vì nhà nghèo tôi không sắm ăn sắm mặc tử tế như con người ta được, nhưng tôi thương nó nhiều lắm. Tôi thấy thằng Cu thiệt thà giỏi giắn nên tôi thương, nên tôi tính để chừng gặt hái xong rồi tôi gả nó cho thằng Cu đặng nó có đôi bạn làm ăn với người ta. Cậu Hai làm như vậy thì còn gì mà kể!

- Tại cậu Hai, chớ phải tại nó hay sao. Tôi tưởng dầu mà mình gả nó cho thằng Cu đi nữa, nếu cậu Hai muốn, thằng Cu cũng không biết làm sao cho được, chẳng luận là mình.

- Con nhà nghèo thiệt là dở quá! Thôi thì phận số nó như vậy, tôi cũng không biết làm sao được. Tôi lo có một nỗi là lo mợ Hai hay đây nó mang khốn.

- Không. Cậu Hai bảo biết chuyện đó rồi.

- Đờn bà chừng họ ghen thì rầy rà to chuyện lắm.

- To chuyện thì to chuyện, chớ có phép nào dám giết người ta hay sao. Nói cùng mà nghe, dầu mợ hai hay muốn làm dữ, thì có cậu Hai đó.

- Biết cậu Hai có xử êm được hay không?

- Sao lại không được. Cậu thương con Lựu lắm mà.

- Thương sao mà tôi về mấy tháng nay tôi không thấy cậu Hai léo xuống đây.

- Cậu sợ thấy mặt mình cậu ngỡ ngàng, nên cậu tránh. Bề nào chừng con nọ đẻ rồi, cậu cũng phải ra mặt chớ. Hôm tháng trước tôi có than với cậu. Tôi nói nhà mình nghèo, không biết chừng đây con nhỏ đẻ rồi làm sao. Cậu nói để chừng đó cậu sẽ cho nó tiền để nó ăn nó đẻ.

- Không biết lối xóm có hay chuyện nầy hay không?

- Sao lại không hay. Thiên hạ họ đều hay hết, song họ không dám nói chớ.

- Nếu thiên hạ hay thì mợ Hai hay còn gì?

- Mợ Hai chưa hay đâu. Có ai học với mợ đâu mà hay.

Hai vợ chồng đương nói chuyện nho nhỏ với nhau, bỗng con chó vàng nằm dựa cửa hực hực hai ba tiếng, rồi chun lỗ chạy ra sân đứng sủa om sòm. Thị Tố bước lại vạch kẹt cửa mà dòm thì thấy có một người bận quần đen áo trắng đương xâm xâm đi vô sân. Chị ta hỏi:

- Ai đi đó?

Người ấy đáp rằng:

- Tôi.

- Tôi là ai?

- Tôi là Cu.

Thị Tố day lại ngó chồng. Cai tuần Bưởi bước lại vừa mở cửa vừa hỏi rằng:

- Cu, mầy đi đâu chừng nầy mậy?

Ở ngoài Cu đáp rằng:

- Có anh Cai tuần ở nhà đó không?

- Có. Hỏi chi vậy?

- Anh đó phải không anh Hai?

- Ừ.

- Mở cửa cho tôi vô chơi với, anh Hai.

Cai tuần Bưởi mở cửa rồi, thì Cu dỡ lên mà chui vô.

Thằng Cu là trai ở xóm trên, mặt đen, môi dầy, hàm răng thưa, chân mày rậm, vóc trung trung, mà bộ tướng coi mạnh dạn lắm. Nó mồ côi cha mẹ mà cũng không có anh em chi hết. Năm nay nó được 23 tuổi rồi. Mẹ nó mất hồi nó được 20 tuổi. Từ bấy đến nay nó ở bạn cầm cày cho ông Cả Trí. Nó làm thiệt là siêng năng xốc vác, mà ông Cả Trí mướn nó một năm có bốn chục đồng bạc. Có nhiều người muốn mướn nó một năm năm chục đồng, mà nó không chịu ở, nó nói rằng nhờ ông Cả cho nó mượn tiền mà chôn mẹ được mồ yên mả đẹp, không lẽ bây giờ nó ham tiền rồi bỏ ông Cả đi ở chủ khác.

Thằng Cu vô rồi ngó Cai tuần Bưởi miệng cười ngỏn ngoẻn. Thị Tố hỏi nó rằng:

- Có chuyện chi mà em xuống tối dữ vậy?

Nó cúi mặt xuống, một tay vịn cây cột, một tay gãi đầu mà đáp rằng:

- Xuống chơi chớ có chuyện chi đâu.

- Trời mưa ướt át mà đi chơi xa dữ hôn!

Thằng Cu nín thinh, không nói nữa, mà bộ nó bỡ ngỡ lắm. Cai tuần Bưởi ngồi lại bộ ván, bưng cái đèn để xê vô một chút rồi nói rằng:

- Ngồi đó chơi em.

Thằng Cu nói: „Để đó cho tôi, anh Hai“ rồi nó ngồi ghé nơi góc ván, mà cũng nín khe, không nói chi hết. Thị Tố thấy vậy mới bỏ đi lại võng nằm đưa cút kít. Cai tuần Bưởi mở gói thuốc ra và xé giấy vấn thuốc và nói rằng:

- Hút thuốc đây em.

- Dạ, tôi không biết hút thuốc.

- Ruộng ông Cả cấy rồi hết hay chưa?

- Còn vài dây nữa, mai mốt đây cũng cấy.

- Lúa coi mòi tốt hay không?

- Tốt.

- Ruộng nhà giàu lúa tốt luôn luôn, bởi vậy họ giàu thêm hoài.

- Tôi thấy lúa của anh năm nay cũng tốt lắm mà.

- Phải. Lúa năm nay khá. Năm ngoái bị thất một mùa rồi, nếu năm nay thất nữa thì chết còn gì.

Hai người nói tới đó thì hết chuyện, nên ngồi lặng thinh nữa. Thị Tố bèn hỏi thằng Cu rằng:

- Em đã lớn rồi sao em chưa tính cưới vợ, em Cu? Cưới vợ rồi cất nhà cất cửa lo làm ăn với người ta, chớ ở đợ già đời hay sao?

Thằng Cu cười và cúi mặt mà nói rằng:

- Năm nay tôi cũng cưới đa. Nếu anh Hai chị Hai thương tôi, gả cô Tư Lựu cho tôi thì tôi cưới.

Thị Tố vừa nghe nói, vùng ngồi dậy mà đáp rằng:

- Úy! Sao được!

Thằng Cu chưng hửng, sắc mặt mới tươi cười hồi nãy, bây giờ hoá ra buồn rũ. Nó nín thinh một hồi rồi nói nho nhỏ rằng:

- Nếu tôi cưới cô Tư Lựu không được thì thôi, tôi không thèm cưới vợ nữa.

Thị Tố cười mà nói rằng:

- Tưởng đâu có mình con Lựu là con gái hay sao?

- Con gái của họ thiếu gì, mà điều tôi thương có một mình cô Tư thôi.

- Thương sao từ hồi nào tới bây giờ không nói?

- Chị Hai nghĩ đó coi, muốn cưới vợ thì phải có tiền, chớ không tiền mà cưới vợ nỗi gì. Phận tôi nghèo tôi không có nhà cửa chi hết. Phần thì lúc bà già tôi qua đời rồi, tôi thiếu nợ người ta tới bốn năm chục đồng bạc. Tôi muốn cô Lựu mấy năm nay rồi, ngặt vì không có tiền, nên tôi không dám nói ra. Đã biết, nếu tôi xin lãnh bạc trước của chủ tôi đặng cưới vợ, rồi sau tôi ở đợ trừ cũng được. Mắc tôi nghe họ nói cái nợ cưới vợ già đời trả không nổi, bởi vậy tôi sợ quá, tôi không dám làm bướng. Chẳng giấu chi anh Hai chị Hai, số nợ tôi chôn cất bà già tôi trước, tôi ở mà trừ đã dứt rồi. Bây giờ tôi còn gởi nơi chủ tôi được sáu chục đồng bạc. Bạc đó tôi không dám lãnh mà xài, là vì tôi tính để dành cưới vợ. Chuyến trước tôi xuống chơi, tôi muốn nói, mà rồi nghĩ năm nay tôi đúng tuổi bắt thăm đi lính, nếu tôi cưới vợ, rủi tôi bắt nhằm số một, số hai, quan trên chấm tôi đi lính làm sao. Hôm qua bắt thăm. Tôi bắt nhằm số bảy hai. Cậu thôn nói tôi khỏi bị điền lính. Tôi mừng quá, nên tôi mới xuống đây. Tôi nói thiệt với anh Hai chị Hai, phận của tôi bây giờ là vậy đó. Tôi không có thiếu nợ ai hết. Vậy xin anh Hai chị Hai liệu coi có gả cô Tư Lựu cho tôi được, thì tôi mang ơn lắm.

Cai tuần Bưởi ngồi nghe thằng Cu nói chuyện mà sắc mặt buồn xo. Chừng nó nói dứt rồi anh ta cũng không trả lời, cứ châu mày chong mắt ngó sững ngọn đèn. Thị Tố biết chồng rối trí không trả lời thằng Cu được, nên rước mà đáp rằng:

- Vợ chồng qua thấy tính em ăn ở thật thà chắc chắn là thương em lắm, mà còn gả con Lựu cho em chắc là không được.

- Sao vậy chị Hai? Chị chê tôi nghèo hèn phải không?

- Không phải tại vợ chồng qua. Vậy chớ, như em thấy, vợ chồng qua giàu có sang trọng gì hay sao mà chê em nghèo hèn.

- Nếu vậy thì cô Tư Lựu chê tôi chớ gì!

Thằng Cu than mấy tiếng rồi nó đau đớn trong lòng quá, không biết sao mà nói nữa được, nên ngồi cúi mặt mà nước mắt rưng rưng, Cai tuần Bưởi thấy càng thêm buồn nên ngồi day mặt qua phía bóng tối, không dám ngó mặt thằng Cu nữa. Ba người ngồi im lìm một hồi rất lâu, rồi thằng Cu mới nói rằng:

- Tôi không cưới được cô Tư Lựu thì tôi không thèm cưới con ai hết, mà chắc là cũng bỏ xứ nầy tôi đi, còn ở đây nữa mà làm gì. Xin anh Hai chị Hai làm ơn nói giùm lại với cô Tư Lựu, không biết duyên nợ trời khiến làm sao mà tôi thương cô lung lắm. Mấy năm nay tuy tôi không nói ra, nhưng mà trong bụng tôi cứ tính làm vợ chồng với cô hoài. Nếu cô không ưng tôi thì tôi buồn rầu lắm, chắc chịu không nổi. Tôi mồ côi mồ cút, ở đợ ở đần, song tôi biết làm ăn, chớ không phải ham cờ bạc rượu trà như họ. Hễ tôi cưới cô rồi, như cô muốn ở tư ở riêng, thì tôi lo cất nhà cất cửa cho cô ở, cô muốn thế nào mà tôi có thể làm vừa lòng được tôi cũng chịu hết. Đạo vợ chồng miễn là thương nhau thì thôi, dầu nghèo hột muối cắn làm hai cũng vui, giàu có làm giống gì. Nếu anh Hai chị Hai thương tôi, nói giùm, thì chắc cô hết chê tôi nữa.

Cai tuần Bưởi day lại mà nói rằng:

- Không phải con Lựu nó chê em nghèo mà không ưng đâu.

- Vậy chớ tại sao?

- Qua thương em lắm. Vợ chồng qua mới nói chuyện với nhau hồi nãy đây, qua cũng có nói muốn gả nó cho em. Qua mà gả không được, là vì có chuyện riêng, khó nói cho em nghe lắm.

- Việc gì? Anh Hai đừng ngại chi hết, anh nói đại ra đi. Hay là có chỗ nào tử tế hơn tôi họ nói rồi chớ gì?

- Không phải. Nếu mà qua gả nó được thì qua gả cho em liền. Để rồi em coi, qua không gả cho ai hết đâu.

- Anh nói cái gì nghe lạ lắm vậy? Tại sao mà anh gả không được?

Cai tuần Bưởi ngồi ngẫm nghĩ một chút rồi bước lại gần thằng Cu mà nói nho nhỏ rằng:

- Qua không giấu em làm chi. Qua mắc đi ghe mấy tháng, cậu Hai Nghĩa ở nhà tới ve vãn nó, nó dại nên lấy cậu đã có chửa rồi.

Thằng Cu nghe mấy lời dường như sét đánh bên tai, nên vùng la "trời đất ơi" và đứng dậy ngó Cai tuần Bưởi trân trân. Hai người ngó nhau không ai nói được tiếng chi hết. Thằng Cu chắc lưỡi lắc đầu nước mắt chảy ròng ròng, bước ra dỡ cửa mà đi về, quên từ giã vợ chồng Cai tuần Bưởi.

Cai tuần Bưởi thấy vậy bèn kêu mà dặn với rằng: "Chuyện đó qua nói cho một mình em biết mà thôi; em đừng có nói bậy bạ cho thiên hạ hay, nghe không em Cu ".

Không biết thằng Cu có nghe mấy lời dặn đó hay không mà nó đi tuốt, không nghe nó trả lời trả tiếng chi hết.

Qua tháng mười một, mấy đám ruộng cấy lúa sớm đã chín rồi nên phơi màu vàng vàng, còn mấy đám ruộng cấy lúa mùa[2] thì lúa vừa mới trổ đều, nên màu coi xám xám. Mùa nầy nhờ trời mưa thuận gió hòa làm lúa sớm lúa mùa đều trúng hết thẩy, bởi vậy con nhà làm ruộng ở miệt Đập Ông Canh ai cũng hớn hở vui mừng.

Cai tuần Bưởi làm lúa mùa, nên bông lúa vừa mới ngậm sữa, mà đã thấy mòi nặng hột lắm. Một buổi sớm mai, anh ta đi thăm ruộng, ra tới đó đứng trên bờ mà ngó mong. Anh ta thấy lúa vung chùng dài bông sai hột, thì trong lòng khấp khởi, thầm tính nếu trời nhểu phước đừng có gió chướng sớm thì mùa nầy chắc có 500 giạ lúa trong nhà. Số lúa ấy phải đong lúa ruộng 300 giạ, và đong lúa trâu lúa vay 50 giạ, thì bề nào cũng còn dư 150 giạ. Thôi, năm nay mình khỏi đi chèo ghe mướn rồi. Mà anh ta tính tới sự đong lúa ruộng thì nhớ tới con bà chủ điền là cậu Hai Nghĩa. Tại sao cậu nói thương con Lựu mà mấy tháng nay không thấy cậu ghé thăm nó, mà lần nào gặp mình cậu cũng không nói tới chuyện đó? Cậu tính sao đây? Chừng con Lựu nó đẻ mới làm sao?

Anh ta coi lúa mới vun đó, mà nhớ tới việc của em lại buồn ủ rũ ngay. Anh ta châu mày xịu mặt, quày quả bỏ về. Vô tới đầu xóm gặp chú câu Hữu vác cây dù trên vai đương lơn tơn đi ra. Câu Hữu hỏi: "Mầy đi đâu về đó vậy Cai tuần?" Anh ta nói "đi chơi" rồi đi tuốt, không đứng lại mà nói dằng dai như mọi lần trước.

Cai tuần Bưởi về tới sân thì thấy trong nhà chộn rộn, không biết có việc chi, nên lật đật đi riết vô. Lúc bước vô cửa thì Thị Tố ở trong buồng chạy ra nói rằng: "Con Lựu chuyển bụng. Mình vừa bước ra đó thì nó đau bụng liền. Tôi mượn thằng cu Tý nó đi rước mụ. Bà mụ coi mới rồi, bà nói nội giờ tỵ nầy nó sổ".

Cai tuần Bưởi biến sắc. Anh ta lột khăn bịt đầu xuống mà lau mồ hôi mặt rồi leo lên võng mà nằm. Mấy đứa con chạy lu bu chung quanh, đứa nắm tay, đứa ôm chân, đứa nằm sấp trên bụng, đua nhau nói đỏ đẻ bên tai, mà anh nằm im như khúc gỗ, không thèm rờ tới đứa nào hết.

Trong buồng con Lựu rên tiếng nhỏ nhỏ. Bà mụ với Thị Tố lăng xăng chạy ra chạy vô một hồi rồi nghe tiếng con nít khóc oa oa. Cai tuần Bưởi biết đã sổ rồi, nên bớt lo, mới ngồi dậy vấn thuốc mà hút.

Thị Tố bước ra cười ngỏn ngoẻn và nói rằng:

- Nó sổ rồi, con trai. Thằng nhỏ trộng đến, tóc đen trạy. Tôi muốn mình chạy lên nói cho cậu Hai hay đặng cậu mừng, được không?

Cai tuần Bưởi liền đứng dậy mà nói rằng:

- Để tôi đi.

- Nè, mà mình lên đó phải có ý nghe không? Đợi chừng nào cậu Hai ngồi một mình thì sẽ nói nhỏ với cậu, chớ có người ta thì đừng có nói đa.

- Tôi biết mà.

- Mình nhớ hỏi cậu coi muốn đặt tên gì, và mời cậu có rảnh xuống chơi đặng thấy con của cậu luôn thể.
Cai tuần Bưởi lấy cây dù cặp nách rồi bước ra cửa mà đi. Hai đứa con lớn chạy theo hỏi: "Cha đi đâu đó cha?" Anh ta nạt chúng nó trở lại, rồi anh ta giương cây dù lên che mà đi.


[1] loại mía có thân và lá màu tím lợt, không ngọt bằng các loại mía khác

[2] lúa sớm: loại lúa chín sớm hơn lúa mùa quãng 1 tháng: lúa tháng mười. Nông dân thời đó thường cấy một ít lúa sớm để có ăn khi đã hết lúa của mùa trước. Ngoài việc chọn giống lúa sớm, họ còn dùng lối „cấy lúa cây“ để thu ngắn thời gian cấy-gặt trong những mùa thiếu thốn. Lúa mùa là loại lúa chín vào quãng cuối tháng 11