HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Con Nhà Nghèo

Chương 5

Vợ chồng Hương chủ Khanh từ khi quen biết Kinh lý Hai, thì cứ trầm trồ khen ngợi hoài. Vì Hai vợ chồng có tiền mà kiến thức hẹp hòi, nên không thấu đáo tài đức của ông Kinh lý được, bởi vậy khen đây là người tuổi trẻ, mà chức to, khen mỗi tháng lãnh lương nhiều, khen nói chuyện vui vẻ bặt thiệp, khen không kiêu căng xấc xược, khen được thiên hạ kêu bằng “ông”. Tuy bà Chủ không tỏ ý cho chồng biết, song bà đã định trong trí, để bà lập thế làm mai gả cháu bà là cô Tư Thục cho quan Kinh lý.

Cách ít bữa, bà Hội Đồng Nghĩa đi chợ, luôn dịp ghé thăm hai vợ chồng Hương Chủ. Bà chủ tánh ý mau mắn, nên Bà Hội Đồng vừa tới thì bà nói liền:

-         Nè chị Hai, tôi có một chuyện ngộ lắm. Tôi tính ra nhà nói với chị kế chị vô đây, may quá, tôi khỏi đi.

-         Chuyện gì mà ngộ?

-         Có quan Kinh lý mới lại mấy bữa rày, ở đo đất trong làng.

-         Quan Kinh lý lại đo đất mà ngộ giống gì? Tôi có mười mấy mẫu ruộng trong nầy, ổng không lại đo sao?

-         Ậy! Chị nóng quá, để tôi nói cho chị nghe mà. Ông quan Kinh lý nầy ngộ quá, mới 25 tuổi, lịch sự, ăn nói hoà nhã, dễ thương lắm mà chưa có vợ. Tôi muốn làm mai cho ổng cưới con Thục chơi. Con Thục đụng chỗ nầy nó có phước lắm chớ không phải như con Diệu đâu. Hễ chồng cưới rồi thì người ta kêu nó là “bà Kinh lý” liền.

-         Cô nói ông Kinh lý mới lại mấy bữa rày sao cô biết tuổi ổng, sao cô lại biết ổng chưa có vợ?

-         Ậy, ông qua ăn cơm bên nây, tôi hỏi ổng nên tôi mới biết chớ. Ổng ưa ông Chủ của tôi lắm. Tôi với ông Chủ hỏi thăm ổng có vợ hay chưa, thì ổng cười ngất, rồi ổng cậy tôi với ông Chủ có biết chỗ nào thì làm mai giùm cho ổng. May quá! Hôm trước chị nói muốn gả con Thục cho người làm việc quan, nó tưng tiu khỏe thân nó, chớ chị không muốn gả cho con nhà giàu mà dốt nát như chồng con Diệu vậy nữa. Chỗ nầy đúng rồi, người ta làm quan không phải như hạng thầy thông, thầy ký hay là thầy giáo vậy đâu. Người ta làm “Ông” kia, chị coi sang trọng là dường nào chớ không phải lơ mơ.

Bà Hội đón với tay lấy trầu mà ăn, tuy bà lặng thinh mà trí bà suy nghĩ lung lắm. Chẳng biết bà suy nghĩ thế nào, mà cách hồi lâu, bà lại hỏi bà Chủ:

-         Ông Kinh lý đó giàu không?

-         Trời ơi! Chị hỏi kỳ quá, mới quen với ổng, ai mà biết gia đạo của ổng được. Ông nói vậy thì hay vậy, ai mà dám hỏi ổng giàu hay nghèo. Mà chị đã nhứt định gả con Thục cho nhà quan, không cần giàu nghèo, thì chị còn hỏi việc đó làm chi?

-         Không. Hỏi cho biết vậy chớ. Nếu người làm quan mà cha mẹ giàu thì càng quý hơn nữa.

-         Tôi đã nói người ta làm “Ông Kinh lý” hễ gả con mình về đó thì con mình làm “Bà Kinh lý” không quý hay sao, mà chị còn muốn giàu nữa. Gia tài của chị lớn sộn, chị có hai đứa con gái. Nếu chị muốn cho chồng con Thục sang mà lại giàu nữa, thì hễ cưới rồi chị sớt gia tài cho nó thì nó giàu chớ gì.

-         Sợ thứ rể sang mà nghèo, nó theo nó khẻ tiền mình hoài mà khổ cho mình chớ.

-         Chị đừng lo. Ông Kinh lý nầy hẳn hòi lắm, chớ không phải như cái hạng rể mà chị nói vậy đâu. Ổng có nói với ông Chủ tôi, ổng ăn lương mỗi tháng đến một trăm hai; đi đo ổng lãnh thêm tiền gì đó không biết, mà cộng chung hết thảy hai trăm lận. Chị nghĩ coi, người ta làm quan ăn lương như vậy, người ta đương thèm bòn của vợ đa.

-         Ổng mới tới mà ổng cậy cô dượng Chủ làm mai cho ổng cưới vợ, cái cách hốt tốc đó làm cho nghi ổng điếm đàng chớ.

-         Không có đâu. Ổng nói pha lửng mà ngộ lắm, chớ không phải ổng môi miếng nên sợ ổng điếm đàng. Tức quá, tôi nói hễ chị thấy mặt ổng, chị nghe ổng nói chuyện thì chị thương liền. Chị về nói chuyện lại cho anh Hai nghe, rồi như muốn đi coi mặt ổng, thì anh chị vô đây, tôi mời ổng qua nhà cho mà coi.

-         Nói chuyện với ông nhà tôi mà làm giống gì. Ổng gả con Diệu không nên thân, tôi phát ghét. Bây giờ tới phiên con Thục tôi có cho ổng xía miệng vô nữa đâu.

-         Gả con lấy chồng, là định cuộc trăm năm cho con. Việc đó không phải là việc nhỏ. Vợ chồng phải hiệp nhau mà bàn tính, chớ chị tự chuyên chị không kể đến ảnh sao phải.

Bà Hội Đồng ngồi suy nghĩ rồi bà đứng dậy cáo từ và nói:

-         Trưa rồi. Tôi kiếu cô, để tôi về kẻo nắng. Để tôi về tôi tính lại ít bữa rồi tôi sẽ nói cho cô hay.

Bà Chủ đáp:

-         Chị tính đi. Tính rồi chị trả lời cho mau mau, nghe. Nè, tôi nói thiệt, dầu mà anh với chị không chịu gả, tôi cũng bắt con Thục về trong nầy tôi gả liền. Chỗ xứng đáng lắm mà, mình làm dày làm mỏng, rồi người ta đi nói vợ chỗ khác uổng lắm chớ.

Không biết bà Hội Đồng về nhà bà có bàn tính với chồng hay không, mà cách năm ngày sau, bà đi chợ với cô Tư Thục, bà ghé nhà Hương chủ Khanh nữa. Cô Tư Thục bận áo tím, quần hàng Bom bay trắng, chân đi giày nhung xanh, tay che dù màu trứng gà, tai đeo hột xoàn, cổ đeo dây chuyền ba sợi.

Bà Chủ vừa thấy chị dâu với cháu đi vô tới sân, thì lật đật bước ra thềm tiếp rước. Chủ khách dắt nhau đi vô nhà, ông Hương chủ chưa kịp chào hỏi, thì bà chủ liền nhanh nhẩu hỏi bà Hội Đồng trước:

-         Sao? Chị tính được hay không?

Bà Hội Đồng liếc mắt ngó con, rồi bà cười và gật đầu.

-         Bà Chủ hiểu ý nên hớn hở, lật đật mời chị dâu đi thẳng vào trong. Hai bà ngồi tại bộ ván phía trong, còn cô Tư Thục thì cô để cây dù dựa bên đó rồi cô đi luôn xuống nhà bếp.

Vừa mới ngồi yên, bà Chủ hỏi:

-         Chị muốn tôi mời ổng qua đây, đặng ổng thấy con Thục hay sao?

-         Cô gấp quá! Ai cho coi dâu kỳ cục vậy.

-         Vậy chớ chị muốn làm sao?

-         Tôi về tôi nói lại với cha bầy trẻ, rồi vợ chồng tôi có ý dọ con Thục. Coi bộ con nhỏ nó chịu.

-         Cầu lấy chớ. Còn đợi giống gì nữa mà không chịu.

-         Hổm nay cô có nói hơi hơi với ổng hay chưa?

-         Chưa. Hổm nay ổng không có qua bên nây. Mà chị chưa trả lời ai dám nói vội vàng như vậy được. Để coi anh Hai với chị tính lẽ nào rồi tôi sẽ nói chớ.

-         Ừ được a. Cô khoan nói đã. Để cho vợ chồng tôi coi mắt ổng, rồi cô sẽ nói. Bây giờ cô tính làm sao cho hai vợ chồng tôi gặp mặt ổng nè.

-         Có khó gì. Chị muốn gặp ổng ngày nào cũng được. Chị muốn bữa nào chị nói đi. Tôi nói với ông Chủ mời ổng qua ăn cơm thì  gặp chị chớ gì.

-         Nếu vậy thì được. Bữa nay là 20 tháng 8 rồi phải hôn? Thôi, cô nói với dượng Chủ mời ổng bữa 24 ta đi. Bữa đó hai vợ chồng tôi vô.

-         Bữa 24 mà sớm hay chiều?

-         Sớm mai chớ chiều mưa gió tôi về cực lắm.

-         Sớm mai không được. Tôi nghe nói buổi sớm mai ổng mắc đi đo đất, bữa nào ổng cũng về trưa lắm. Để mời buổi chiều tiện hơn.

-         Thôi thì chiều.

-         Để tôi kêu phức ông Chủ vô đây đặng tính với ổng cho ăn chắc.

Bà Chủ bèn sai trẻ ở ra trước mời ông Chủ vô trong rồi bà nói:

-         Tôi thấy quan Kinh lý tử tế quá nên tôi tính làm mai đặng ổng cưới con Thục. Tôi nói thì anh Hai với chị Hai cũng chịu rồi, song hai ông bà muốn thấy mặt quan Kinh lý coi người ta làm sao rồi sẽ cho tôi làm mai. Vậy ông mời giùm ông Kinh lý buổi chiều 24 ổng qua nhà mình ăn cơm đặng cho anh Hai với chị Hai thấy mặt ổng một chút.

Hương Chủ Khanh vừa vuốt râu cười mà nói:

-         Được. Gả con Thục cho quan Kinh lý thì xứng đáng lắm. Sợ ổng không chịu chớ nều ổng chịu thì mình cầu mà gả. Để mai tôi qua nhà việc thăm ổng chơi rồi tôi mời ổng. Chị Hai về thưa giùm lại với ảnh chiều 24 vô đây. Tôi mời chắc ổng đi chớ không có chi ngăn trở đâu.

Bà Hội Đồng ngồi chơi một lát rồi bà kêu cô Tư Thục lên từ giã vợ chồng Hương chủ Khanh mà về. Chiều lại Hương chủ Khanh đi qua nhà việc thăm quan Kinh lý và mời ông chiều 24 qua nhà ăn cơm. Quan Kinh lý được lời mời thì ông cười mà đáp:

-         Hổm nay tôi bận việc, không qua thăm ông Chủ bà Chủ được, thiệt tôi có lỗi nhiều lắm. Nay ông mời ăn cơm nữa, nều tôi từ thì cái lỗi càng thêm nặng. Phải không ông Chủ? Vậy tôi xin vâng. Ông sẵn lòng chịu cơm, có lẽ nào tôi lại không sẵn lòng chịu thất công cái miệng. Xin ông làm ơn nói lại với bà Chủ bữa 24 tôi uống thuốc xổ, rồi tôi để bụng trống qua ăn đồ ngon của bà Chủ, đặng làm vui lòng bà.

Hương chủ không thạo nói chơi, nên khi nghe mấy lời pha lửng hữu duyên ấy, thì ông cứ ngồi ngây ra mà cười chớ không biết kiếm lời chi đối lại.

Bữa 24, vừa xế qua, thì xe của Hội Đồng Nghĩa đã vô tới. Hai vợ chồng thầy Hội Đồng vô cũng dắt cô Thục theo nữa. Thầy Hội Đồng bịt khăn đen, bận áo lót, đi giày tây, tiếc vì cái mặt có thẹo, chớ không, coi đàng hoàng lắm. Bà Hội Đồng cũng bận áo lót đi giày thêu. Còn cô Tư Thục, bữa nay cô bận áo hàng Thượng Hải màu trứng gà mà bông thêu nổi màu tím nhạt, cườm tay mặt cô đeo ba chiếc cà rá. Tuy nước da cô không trắng, nhưng nhờ cô trang điểm, nhứt là nhờ cặp mắt của cô long lanh gợn sóng, nên không ai dám cho cô là gái thiếu sắc.

Bà Chủ yêu quan Kinh lý lắm, hổm nay bà cứ tiếc rằng bữa ổng mới lại tới, ổng qua ăn cơm thình lình, bà không có giờ mà dọn một bữa ăn cho xứng đáng. Bữa nay bà muốn chuộc cái tội sơ sài hôm nọ, nên hồi sớm mai bổn thân bà đi chợ mua thịt, cá, tôm, cua đủ hết, thịt thì bà chia ra cái kho, cái hầm, cái xắt phay, cá thì tính để một con đặng chưng, và để một con nấu chua, tôm càng thì bà kho tàu, tôm đất bà lăn bột mà chiên, tôm bạc thì bà luộc mà trộn gỏi, cua thì bà làm chả rồi bà xắt miếng nho nhỏ đặng gấp cho vừa đủ. Đồ ăn thì bộn rồi, mà bà còn làm thêm một con vịt mà tiềm và thêm một con gà đặng nấu cà- ri.

Bà có mượn vài chị đờn bà ở trong đất lại phụ nấu nướng, nên hai vợ chồng và con thầy Hội Đồng vô tới thì công việc nhà bếp đã sắp đặt gần xong. Hương Chủ Khanh lấy áo dài bận cho đủ lễ. Còn bà Chủ gỡ đầu, rửa mặt rồi thay áo lụa trắng đặng coi cho sạch sẽ. Bà Chủ ngắm cô Tư Thục rồi nói:

-         Con nhỏ bới tóc vụng quá. Đem qua đây cô bới lại giùm cho.

Bà ngồi bới tóc cho cháu vừa xong thì nghe ở phía trước quan Kinh lý đã qua tới.

Quan Kinh lý vừa bước lên thềm và nói lớn:

-         Ông mời tôi ăn cơm nên chiều nay nghỉ làm việc, chớ đi đo đất mệt rồi ăn không được nhiều ông bà phiền.

Ông thấy thầy Hội Đồng Nghĩa, ông không biết là ai, song ông cũng cuối đầu chào.  Thầy Hội Đồng lật đật đáp lễ, còn Hương Chủ Khanh thì nói rằng:

-         Anh Hội Đồng đây là anh ruột của nhà tôi. Anh ở ngoài làng Vĩnh Thạnh.

Quan Kinh lý cúi đầu thi lễ một lần nữa và ngó thầy Hội Đồng và nói:

-         Tôi được biết ông, tôi lấy làm vinh hạnh lắm. Ông làm Hội Đồng được mấy khóa rồi?

-         Tôi mới làm được khóa nầy.

-         Làng Vĩnh Thạnh giáp ranh với làng nầy không biết chừng tôi đo Vĩnh Lợi, Vĩnh Hữu rồi quan trên sẽ dạy tôi đo Vĩnh Thạnh nữa, chừng ấy tôi sẽ tới lui với ông chơi.

-         Nhà tôi ở phía ngoài lộ dây thép, cách chừng năm sáu ngàn thước, bao giờ ông ra chơi cũng được. Vậy mời ông bữa nào có rảnh đi với dượng Chủ ra nhà tôi chơi.

-         Cám ơn ông. Tôi không dám hứa chắc, nhưng có lẽ tôi sẽ đi.

Bà Chủ với bà Hội Đồng ở trong bước ra chào quan Kinh lý còn cô Tư Thục đứng nép dựa cửa buồng mà dòm. Quan Kinh lý đứng dậy đáp lễ. Bà Chủ tiến dẫn bà Hội Đồng cho Quan Kinh lý biết. Quan Kinh lý vừa cười vừa nói:

-         Ông Chủ mời tôi ăn cơm mà không nói có khách khác. Tôi tưởng qua ăn cơm nói chuyện chơi cũng như hôm trước nên tôi không thay đồ, làm bận đồ xám, còn sơ- mi cổ lật, coi dơ dáy và vô lễ quá. Xin hai ông bà miễn chấp.

Bà Chủ cũng cười và đáp:

-         Bẩm quan Kinh lý, xin quan Kinh lý đừng ngại. Đây là anh với chị tôi, chớ có khách nào lạ đâu. Quan Kinh lý ăn bận như vậy mới thiệt tình.

-         Bà thương tôi nên bà rộng dung, thiệt tôi cảm ơn lắm. Tôi chắc bữa nay trong nhà có việc chi đây mà ông Chủ giấu tôi.

-         Bẩm, không. Có việc chi đâu. Vợ chồng tôi muốn mời quan Kinh lý ăn cơm chơi. May hồi xế nầy anh Hai chị Hai tôi đi chợ, ảnh chỉ ghé thăm, vợ chồng tôi cầm ở lại đặng dùng cơm với quan Kinh lý cho vui.

-         Nếu vậy thì may cho tôi lắm, ăn cơm mà còn được làm quen với ông Hội Đồng và bà Hội Đồng thêm nữa.

Bà Chủ cười rồi dắt bà Hội Đồng lại bộ ván dựa cửa sổ ngồi ăn trầu. Quan Kinh lý ngồi tại bộ ghế giữa, nói chuyện với hai ông cười om. Hai bà ngồi bên nầy nói chuyện xầm xì mà bà Hội Đồng ngó quan Kinh lý không nháy mắt.

Mấy người ở trong nhà sửa soạn bàn ghế rồi bưng đồ ăn lên mà sắp. Hương Chủ để thầy Hội Ðồng nói chuyện với quan Kinh lý, còn ông đi mở tủ lấy rượu đem ra cho khách uống khai vị. Quan Kinh lý thấy rượu thì nói:

-         Tôi xin chịu lỗi, tôi không uống rượu. Hai ông dùng đi, thuở nay tôi không biết uống, tôi uống nước mà thôi.

Hương Chủ nói:

-         Quan Kinh lý không uống nhiều thì uống ít, phải uống một chút đặng đói bụng mà dùng cơm chớ.

-         Đồ của bà Chủ coi nấu, hễ thấy thì là muốn ăn rồi, có cần gì phải uống rượu mới khai vị.

Bà Hội Đồng nghe nói như vậy thì ngó bà Chủ mà cười, coi bộ đắc ý lắm. Thầy Hội Đồng lấy một cái ly để ngay trước mặt quan Kinh lý rồi bưng chai nước sô-đa[1] vừa rót vừa nói:

-         Ông không uống rượu, thôi ông uống nước được mà.

Quan Kinh lý bưng ly đưa lên thấy rót được phân nửa rồi bèn nói:

-         Cám ơn ông. Tôi làm nhọc lòng ông quá. Vậy tôi vâng lời uống một chút. Song tôi nói trước cho ông biết, nếu từ rày sắp lên, mấy cô họ chê tôi có tật rượu trà thì tôi đổ thừa tại ông đa.

Mấy ông mấy bà nghe nói như vậy thì thảy đều cười ngất.

Rượu uống xong rồi thì cơm dọn cũng đã xong. Vợ chồng Hương Chủ mời khách ngồi bàn. Quan Kinh lý bước lại thấy đồ dọn đầy bàn thì ngó bà Chủ và nói:

-         Cha chả! Bữa nay bà muốn cho tôi ăn nứt bụng hay sao, nên bà cho tôi ăn đồ nhiều quá như vậy?

-         Bẩm quan Kinh lý, đồ thường chớ có chi đâu.

-         Tôi biết rồi. Hai ông bà gạt tôi. Trong nhà có việc chi đây.

-         Bẩm, không. . . Mời quan Kinh lý ngồi.

Năm người ngồi lại, quan Kinh lý ngồi giữa hai ông cặp hai bên, còn phía bên đây hai bà. Quan Kinh lý vừa ngồi vừa nói:

-         Trong nhà còn ai nữa, xin mời hết ra đây ăn cho vui. Tôi cũng như bà con chớ phải xa lạ hay sao mà sợ.

Bà Chủ đáp:

-         Bẩm, không còn ai nữa.

-         Hồi nãy tôi thấy có ai trong kia nữa mà?

-         Bẩm, con cháu tôi. Con của anh Hai chị Hai tôi đây.

-         Mời cổ ra ăn luôn thể.

-         Nó mắc cỡ, nó không chịu ngồi. Thôi để nó ăn ở trong với thằng nhỏ tôi.

-         Bà con mà mắc cỡ giống gì. Nãy giờ tôi quên trò nhỏ đó nữa chớ.

Bà Chủ với bà Hội Đồng đều chúm chím cười. Ăn được vài miếng, bà Hội Đồng bèn nói:

-         Thầy Hội Đồng của tôi có đứng bộ một sở ruộng trong làng nầy. Vậy quan Kinh lý có đo tới xin làm ơn giữ ranh rấp giùm cho đủ số sào mẫu bởi vì vợ chồng tôi ở xa, nên chủ ruộng kế cận họ xúi tá điền lấn ranh hoài.

-         Xin bà đừng lo. Với ai thì không được lấn lướt ai hết đâu.

-         Bẩm quan Kinh lý, không biết quan Kinh lý gốc ở đâu?

-         Thưa, tôi là người Bạc Liêu. Cha Mẹ tôi ở làng Vĩnh Mỹ.

-         Tôi nghe nói ở Bạc Liêu ruộng đất tốt, nên họ giàu lắm.

-         Thưa, giàu là người ta kia, chớ tôi không có giàu. Cha mẹ tôi có ít chục mẫu đất đủ làm ăn mà thôi.

-         Có ít chục mẫu đất, còn giống gì nữa. Ở đây được vậy thì giàu rồi.

-         Thưa, ở xứ nầy ruộng đất hẹp, nên ai có ít chục mẫu thì gọi là giàu. Ở dưới tôi, ruộng đất rộng, ai có mấy ngàn mẫu đất mới dám khoe là giàu được.

-         Bẩm quan Kinh lý, ông ở nhà có làm chức gì hay không?

-         Ông thân tôi làm làng, làm Hương sư.

-         Tôi nghe cô Chủ nói quan Kinh lý có một mình chớ không có anh em chi hết. Quan Kinh lý làm việc đổi đi xa, chắc ông bà ở nhà buồn lắm.

-         Buồn thì chắc rồi. Nhưng ở đời phải lo làm ăn, chớ biết làm sao bây giờ. Cha với má tôi còn mạnh, chừng nào già yếu rồi thì tôi phải về mà nuôi dưỡng. Để tôi ở lâu rồi tôi sẽ gởi thơ mời cha với má tôi lên trên nầy chơi ít ngày.

-         Lúc nầy ruộng cấy xong hết rồi. Chắc là ông bà rảnh rang. Tôi tưởng quan Kinh lý muốn ông bà lên chơi thì mời trong lúc nầy có lẽ tiện hơn.

-         Bà nói phải lắm. Để bữa nào rồi tôi viết thơ.

-         Tôi mời quan Kinh lý bữa nào rảnh ra nhà tôi cho biết nhà.

-         Cám ơn ông bà. Ông Hội Đồng hồi nãy có mời tôi rồi. Tôi không dám từ, mà không dám hứa chắc. Để tôi liệu coi nếu có bữa nào có rảnh thì tôi rủ ông Chủ đi với tôi.

-         Bữa nào quan Kinh lý có đi thì phải cho vợ chồng tôi hay trước được chớ. Nếu không hẹn trước vợ chồng tôi đi khỏi rồi làm sao.

-         Lúc nầy tôi đi chơi chưa được. Xin để thủng thẳng ít bữa rồi sẽ hay.

Ăn cơm rồi thì mặt trời đã chen lặn. Hai bà dắt nhau vô trong mà ăn trầu. Bà Chủ hỏi chị:

-         Sao? Chị coi được không?

-         Được lắm.

-         Tôi nói người dễ thương lắm mà.

-         Cũng là con nhà có tiền chớ. Ông già có ít chục mẫu ruộng còn gì nữa. Làm Hương sư đó, như vậy cũng khá mà.

-         Bây giờ, chị tính sao đây?

-         Gả thì gả chớ sao?

-         Thôi, để mai mốt tôi nói với ổng nghe không?

-         Ông chưa thấy con Thục, biết ổng chịu hay không mà nói.

-         Thì tôi nói, rồi như ổng đành thì ổng ra nhà, chị sẽ cho coi chớ.

-         Ổng coi rồi ổng chê, thì mình làm sao?

-         Giống gì mà chê, tôi liệu được mà.

-         Ổng chê mình mắc cỡ lắm chớ. Tôi muốn cô đừng nói gì hết. Cô với dượng rủ ổng ra nhà chơi. Tôi cho con Thục ra vô như thường, dọn ăn uống cho ổng thấy chán chường. Chừng về, cô dọ ý ổng, chịu thì cô làm mai.

-         Phải. Chị tính như vậy hay lắm. Thôi để ít bữa tôi biểu ông Chủ mời ổng. Hễ ổng hứa đi bữa nào thì tôi cho chị hay trước đặng chị sắm sửa đồ ăn.

-         Phải cho tôi hay trước vài ba bữa đặng tôi dạy con Thục cho nó biết cách thức, để nó dại nó mắc cỡ rồi nó co đầu rút cổ mà hư việc chớ.

Chị em sắp đặt xong rồi, bà Hội Đồng bước ra kêu chồng cáo từ mà về kẻo trời tối. Bắt kế xe rồi, vợ chồng thầy Hội Đồng từ giả quan Kinh lý và chủ nhà đặng về. Quan Kinh lý đưa ra xe, vợ chồng Hương Chủ cũng đi theo. Ra tới sân, quan Kinh lý thấy cô Tư Thục ngồi trên xe mà day mặt chỗ khác. Ông chưng hửng, lại ở đằng xa chớ không dám bước tới nữa. Vợ chồng thầy Hội Đồng mời ổng ra nhà một lần nữa rồi mới lên xe mà đi. Quan Kinh lý cũng từ giã chủ nhà mà về luôn.



[1] nước suối có hơi