HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Con Nhà Nghèo

Chương 2

Một buổi chiều, trời mưa mới dứt hột, nên trong rào cây cỏ còn loi ngoi, trước sân nước còn ứa đọng thành vũng. Mấy đám ruộng nào lúa cấy đã bén rồi thì phơi màu xanh lét, còn mấy đám ruộng mới cấy vài bữa, thì màu còn vàng khè.

Trong bưng ễnh ương nối nhau mà khóc tiếng nghe uềnh oang. Sau hè nhái nhỏ đua nhau mà la tiếng nghe lét chét. Thị Tố với con Lựu nấu cơm xong rồi bèn dọn để trên một cái chõng tre. Cai tuần Bưởi kêu sắp nhỏ áp lại ngồi chung quanh mâm cơm. Con Lựu bưng nồi cơm để trước mặt mà bới cho mỗi người một chén. Trong mâm cây chỉ có hai món ăn mà thôi, một chén muối sả với một dĩa cá lóc chừng ba bốn khứa, mà là cá Cai tuần Bưởi câu được hồi trưa, chớ không phải cá mua ngoài chợ nên mỗi khứa lớn chừng bằng ngón chơn. Mấy đứa nhỏ chen đũa mà gắp cá, còn ba người lớn thì húp nước, hoặc quẹt muối sả, mà người nào ăn coi cũng ngon lắm.

Thị Tố bưng chén cơm mà và, cơm còn nóng nên khói lên nghi ngút. Chị ta vừa muốn thò đũa quẹt muối mà rồi chị ta thụt tay và ngó chồng mà nói rằng:

-         Hồi xế tôi đi xóm Chòi về, đi tới cửa Hương thân Chiểu bị mắc mưa nên tôi ghé nhà tôi đụt. Cậu Hương thân nói chuyện nghe tức cười quá.

-         Cậu nói gì mà tức cười?

-         Cậu nói với tôi, cậu muốn cưới con Lựu.

-         Cậu lớn quá, gả như vậy coi sao được.

-         Không lớn gì. Cậu năm nay giỏi chừng bốn lăm bốn bảy gì đó chớ bao lớn.

-         Còn giống gì nữa! Bốn lăm bốn bảy đó đẻ con Lựu không được hay sao?

-         Nói như mình vậy thì thôi! Vậy chớ mình không nghe người ta nói bảy mươi có của cũng vừa mười lăm hay sao?

-         Nói bậy nà!

-         Nói thiệt chớ nói bậy. Cậu Hương thân than với tôi rằng vợ cậu mất mấy tháng nay, không ai coi sóc trong nhà, nên cậu bê bối lung lắm. Phần thì sắp con nhỏ lúc nhúc, phần thì ruộng làm mê mê, cậu cực quá chịu không nổi. Cậu nói nếu vợ chồng mình chịu gả thì cậu cưới một trăm đồng bạc rồi thì mùa tới mình muốn làm ruộng thì cậu nhín lại một hai dây cho mình làm.

Cai tuần Bưởi nín khe không cãi với vợ nữa. Chừng anh ta ăn cơm rồi, anh ta vừa bước chân xuống đất vừa hỏi con Lựu:

-         Em ưng Hương thân Chiểu hay không em Lựu?

Con Lựu ngó anh mà đáp:

-         Thân em còn lấy chồng làm chi nữa mà anh hỏi.

-         Ủa, sao vậy?

-         Ai thèm nữa mà em mong lấy chồng.

-         Hương thân Chiểu chịu cưới đó.

-         Theo những lời chị Hai nói hồi nãy đó, thì Hương thân Chiểu muốn mua em về mà làm tôi mọi, chớ có phải cưới vợ đâu.

-         Em nói nghe kỳ cục quá! Hễ người ta cưới em, thì em phải lo coi sóc việc nhà cho người ta chớ. Ai mà cưới vợ để ở không coi chơi bao giờ.

-         Phải. Em cũng biết đạo làm vợ là lo giúp đỡ chồng những việc trong nhà. Nhưng mà vợ chồng phải có cái tình thì ở với nhau mới được. Cái cách chú Hương thân Chiểu nói đó thì chú không có tình chi hết. Chú cưới vợ là kiếm người giữ con, nấu cơm, coi nhà cho chú mà thôi. Lấy chồng như vậy thì vui vẻ gì đó mà ham.

-         Tình là cái gì kia. Vậy chớ qua với chị Hai em đây có tình gì đâu, mà vợ chồng qua cũng vui vẻ với nhau vậy đó sao.

-         Sao lại không có tình. Mà dầu anh với chị Hai không có tình thì cũng có nghĩa, chớ Hương thân Chiểu không tình mà cũng không nghĩa thì em ưng nỗi gì. Không được đâu anh Hai; em đã ngán đời rồi. Cậu Hai Nghĩa giàu lớn, cậu bỏ tiền mua vui. Chú Hương thân giàu nhỏ, chú xuất tiền mua mọi. Thiệt thói đời là vậy em nghĩ em giận lắm.

-         Nói như vậy thôi, có lấy chồng được đâu.

-         Em nói thiệt với anh Hai chị Hai, nếu em phải lấy chồng, em chỉ ưng anh Cu mà thôi, chớ em không ưng ai khác.

-         Sao vậy?

-         Em coi anh Cu có tình mà lại có nghĩa nữa. Tuy ảnh nghèo, ảnh đi ở đày tớ cho người ta, mà ảnh hơn cậu Hai Nghĩa, hơn Hương thân Chiểu thập bội.

-         Hồi trước nó muốn cưới em. Qua cũng thương nó lắm. Ngặt mắc chuyện lộn xộn đó, bây giờ biết nó chịu cưới hay không?

-         Em nói chuyện đời cho anh nghe mà thôi, chớ không phải em muốn cho anh Cu cưới em đâu. Nếu bây giờ ảnh nói em mà cưới thì em xấu hổ thầm với ảnh lắm.

Cai tuần Bưởi thở ra rồi bỏ đi xuống nhà Ba Rạng mà chơi, không nói chuyện nữa.

Cách vài bữa sau, thằng Cu lơn tơn lên thăm vợ chồng Cai tuần Bưởi. Nó lên tới Bình Phú Tây thì trời đã chạng vạng tối rồi. Nó ghé nhà Ba Rạng trước, rồi mới rủ Ba Rạng đi với nó mà qua nhà Cai tuần Bưởi. Mấy người nói chuyện chơi với nhau một hồi, rồi Cai tuần Bưởi vùng nói:

-         Hương thân Chiểu muốn cưới con Lựu, con nọ không ưng, mà bữa nay ảnh gặp tôi ảnh còn nói nữa chớ.

Thằng Cu nghe nói biến sắc; nó liếc mắt ngó con Lựu rồi hỏi Cai tuần Bưởi:

-         Hương thân Chiểu ở đâu?

-         Ở dưới xóm Chòi.

-         Giàu hay nghèo?

-         Nhà có ăn, nghe nói ảnh có ruộng chút đỉnh đủ làm.

-         Người ta nói, mà anh gả hôn?

-         Gả chỗ đó được lắm, ngặt vì con Lựu chê lớn tuổi, nó không ưng, qua biết làm sao mà gả.

Thằng Cu ngồi lặng thinh hồi lâu rồi nói:

-         Giàu mà làm giống gì. Giàu cho bằng cậu Hai Nghĩa hay sao, mà cậu Hai Nghĩa lại ra giống gì đó.

Thị Tố xen vô nói:

-         Con Lựu nó đã mang tiếng mang tăm, mà nó lại có một đứa con nữa. Bây giờ có mấy người chết vợ hoặc để vợ, họ mới nói chớ con trai mới lớn lên ai mà cưới.

Thằng Cu châu mày mà đáp:

-         Sao lại không cưới. . . Tôi nói thiệt với anh Hai chị Hai, nếu cô Tư ưng tôi thì tôi cưới liền.

-         Nó có con rồi mà em cưới giống gì?

-         Con của cổ là con của tôi. Người ta bỏ tôi nuôi. Thằng nhỏ không có cha, tôi lãnh tôi làm cha.

-         Sao từ hồi đó tới bây giờ em không nói?

-         Tôi có nói một lần, chị Hai quên hay sao? Tại anh Hai chị Hai không nói được, vì cậu Hai Nghĩa đã ăn ở với cô Tư có nghén rồi bỏ; tôi xét phận tôi với cậu Hai Nghĩa thì tôi thấp quá, bởi vậy tôi không dám nói nữa. Từ hồi đó đến giờ tôi thề không cưới vợ. Có cưới thì cưới cô Tư mà không được thì thôi.

Ba Rạng mới quen thằng Cu, mà thấy tánh tình nó trung hậu cũng thương, nên nghe nói mấy lời thiệt thà mà hữu tình ấy thì cười ngất, rồi kêu con Lựu mà hỏi rằng:

-         Sao em Tư? Chú Cu nói vậy đó em nghĩ sao? Nội đây đều bà con hết thảy em đừng mắc cỡ gì hết. Em ưng hay không, em nói phứt một câu?

Con Lựu ngó xuống đất mà đáp rằng:

-         Hôm trước em đã có nói với anh Hai em một lần rồi; nếu em phải lấy chồng thì em chỉ ưng một mình anh Cu thôi, chớ em không ưng ai hết. Ngặt vì anh Cu là một người phải, còn em là một người đờn bà hư, nếu em làm vợ của ảnh thì hổ thẹn quá.

Ba Rạng cười mà nói:

-         Em nói một chút mà qua hiểu nhiều lắm. Mấy lời em nói đó thiệt là đúng đắn. Mà mấy lời chú Cu nói hồi nãy cũng đúng lắm nữa. Thiệt thiên hạ cho em là gái hư, mà em biết xét phận em như vậy thì gái nên cũng khó sánh. Còn chú Cu, tuy chú nghèo nàn, song đối với em mà chú có tấm tình như vậy, qua coi chú hơn người giàu sang xa lắm. Thôi để qua đứng làm ông Tơ bà Nguyệt cho đôi bên. Em ưng đi, đừng ái ngại chi nữa. Qua dám chắc vợ chồng như hai em đây trời không nỡ để nghèo khổ đâu, mà dầu có nghèo đi nữa, cũng thuận hòa vui vẻ, hơn vợ chồng họ nhiều lắm.

Con Lựu nghe mấy lời cảm động nên chảy nước mắt, lật đật đứng dậy mà đi vô buồng.
Vợ chồng Cai tuần Bưởi hiểu ý em đã chịu rồi, nên biểu Cu về bữa nào rảnh rang trở lên sẽ tính việc cưới.

Chiều bữa sau, Cu lót cót lên nữa. Nó nói nó gởi cho chủ nó về trước về sau được 80 đồng bạc. Con Lựu nhứt định không nhận tiền bạc chi hết; chỉ xin 20 đồng bạc đặng đưa cho chị Hai nó đi mua đồ nấu cúng cha mẹ nó một bữa mà thôi. Trước bữa cưới, nó gói mà đưa hết cho Thị Tố những áo quần, vòng, bông của cậu Hai Nghĩa đưa nó hồi trước mà nói rằng:

-         Những đồ nầy là đồ làm cho thân em nhơ nhuốc. Em thấy nó càng thêm hổ thẹn. Vậy em cho chị, chị muốn bán hay là bỏ tự ý chị.

Đám cưới xong rồi, Cai tuần Bưởi cậy Ba Rạng viết giùm một bức thơ gởi nói cho Ba Cam hay. Anh ta khuyên thằng Cu đừng ở với Cả Tri nữa, về ở chung với mình, đặng mùa tới anh em kiếm ruộng mướn mà làm với nhau. Cu nghe lời về ở Bình Phú Tây với anh vợ.

Dầu không nói, ai cũng biết chắc vợ chồng thằng Cu vui vẻ hòa thuận với nhau hơn vợ chồng khác hết thảy. Cu phỉ nguyện nên quên hết việc trước của vợ; còn Lựu yên thân song ngó chồng cũng còn chút hổ thẹn. Cu bồng thằng Hai mà hun hít nựng nịu tối ngày; Lựu thấy vậy lại càng thêm kính trọng.

Qua tháng tám, lúa sớm gần đứng cái[1], lúa mùa đã nở bụi, ngó ra đồng tứ phía đều xanh rì. Một buổi sớm mai, Thị Tố đi chợ, Cai tuần Bưởi vác cần câu vô bưng mà câu rê[2]. Con Lựu lục đục sau bếp nấu cơm. Thằng Cu bồng con ghẻ ngồi dựa cửa mà coi con mèo rình chụp con rắn mối.

Bỗng đâu có một người đờn bà trạc chừng 22 hoặc 23 tuổi, nước da trắng, gương mặt tròn, mình mặc áo lụa trắng, quần lãnh đen, đầu đội khăn màu bông hường, chân mang giày thêu nhung đỏ, thủng thẳng đi vô sân của Ba Rạng, sau lưng lại có một đứa con gái chừng 15, 16 tuổi, mặc quần áo vải đen đi theo. Thằng Cu thấy người đờn bà ấy hỏi vợ Ba Rạng việc gì không biết, mà vợ Ba Rạng chỉ ngay nhà Cai tuần Bưởi rồi người đờn bà xăm xăm đi lại. Khi người ấy vô gần tới cửa, Cu dòm kỹ thì nghi là cô Ba Nhơn con gái bà Cai Hiếu. Nó nghĩ mà thôi, chớ không dám chắc, bởi vì hồi trước nó gặp cô Ba vài lần, mà mấy năm nay cô có chồng, về ở theo bên chồng trong chợ Giồng Ông Huê nó không gặp nữa. Tuy vậy mà nó bồng thằng Hai đứng dậy, cúi đầu chào khách. Người đờn bà ấy vừa ngó vừa hỏi:

-         Phải nhà Cai tuần Bưởi ở đây hay không?

-         Thưa phải.

-         Có vợ chồng Cai tuần Bưởi ở nhà hay không?

-         Thưa, không. Chị Hai tôi đi chợ, còn anh Hai tôi đi câu.

-         Chú là giống gì của Cai tuần Bưởi.

-         Tôi là em rể. Thưa cô ở đâu lại, hỏi anh Hai chị Hai tôi có việc chi hay sao?

Người khách không trả lời mà ngó thằng Cu trân trân rồi ngó thằng nhỏ bồng trong tay đó. Thằng Cu bèn nói rằng:

-         Mời cô bước vô nhà. Chị Hai tôi đi chợ cũng gần về a.

Người khách liền đi xốc vô nhà, rồi vén áo ngồi chỗ bộ ván giữa. Sắp con của Cai tuần Bưởi thấy có người lạ, không dám giỡn nữa, nên ôm gốc cây cột nhà ngó. Con Lựu đương nấu cơm sau bếp vạt áo trước vắt ngang lưng, cũng lơn tơn chạy lên coi ai cho biết. Người khách ngó Lựu rồi hỏi Cu rằng:

-         Vợ chú đó phải không?

-         Thưa, phải.

-         Tên gì?

-         Thưa, tên Lựu.

Người khách nhìn Lựu trân trân, Lựu thấy vậy bèn bước tới chào, và hỏi rằng:

-         Thưa, cô ở đâu lạ, có việc chi hỏi tôi?

-         Tôi ở trong chợ Giồng. Nghe nói em có một đứa con trai, em muốn kiếm người nào không con, em cho họ nuôi mà làm con nuôi, nên tôi ra đây coi thằng nhỏ ra làm sao rồi tôi xin về tôi nuôi.

-         Thưa, không. Con tôi thì tôi nuôi, chớ tôi có tính cho ai đâu.

-         Thằng nhỏ đâu nào? Được bao lớn?

Thằng Cu bồng con bước lại một bước, miệng chúm chím cười và đáp:

-         Con tôi đây. Thưa cô, xin lỗi cô, không biết cô có phải là cô Ba, con của bà Cai ở dưới Vĩnh Thạnh hay không?

Người khách thấy người ta đã biết nên không cần giấu giếm nữa, nên cười mà hỏi rằng:

-         Sao chú biết tôi?

-         Thưa, trước đây tôi có thấy cô Ba một lần.

Con Lựu chưng hửng, nên đứng nhìn cô Ba Nhơn, coi nét mặt kém vui. Cô Ba Nhơn vói tay bồng thằng Hai rồi ngó Lựu mà hỏi:

-         Thằng nhỏ được mấy tháng rồi đây?

-         Gần 10 tháng.

-         Bộ nó cứng cỏi, dễ thương quá chớ. Đặt tên là gì?

-         Tên Hai.

-         Tội nghiệp quá, mới bây lớn mà bận áo xấu quá. Sao không may quần yếm cho em bận?

-         Tôi nghèo, sắm được cái áo đó là may. Tiền đâu có dư mà vẽ viền quần lồng quần yếm.

-         Thôi, cho tôi đặng tôi nuôi. Tôi thấy thằng nhỏ tôi thương quá. Tôi không có con. Tôi nuôi nó, tôi may quần áo lụa cho nó bận, chừng nó lớn tôi cho nó đi học. Coi bộ hai vợ chồng nghèo quá, có con cực khổ, để nuôi làm giống gì.

Thằng Cu nghe mấy lời ấy, trong bụng nó phiền nên cười gằn và đáp:

-         Thưa cô, cô nói như vậy thì tội nghiệp cho con nhà nghèo lắm. Nhà giàu thương con, nhà nghèo cũng biết thương con vậy chớ. Ai nỡ cắt thịt mà trao người khác được. Vợ chồng tôi nghèo thì nuôi con theo phận nghèo. Cái tình thương con là quý, chớ giàu nghèo có nghĩa gì đâu.

-         Nghe nói thằng nhỏ nầy không phải là con của chú, mà chú cản trở nỗi gì?

-         Thưa, con gì cũng vậy, hễ đặt là con thì tự nhiên mình thương. Mà thằng Hai đây tôi thương nó không biết chừng hơn con ruột của tôi nữa, bởi vì cha nó không nhìn, tôi ra nhìn thế, nên tôi phải thương nó bằng hai.

-         Thôi, chú đừng có nhiều chuyện. Tôi nói phứt một câu: để thằng nhỏ cho tôi nuôi, tôi cho hai vợ chồng một trăm đồng bạc làm vốn mà làm ăn.

-         Nhơn nghĩa mới quý, chớ một trăm đồng bạc có phải là quý đâu.

Nãy giờ con Lựu đứng lóng tai nghe chồng đối đáp với cô Ba Nhơn, chừng nó nghe cô Ba Nhơn nói cho một trăm đồng bạc mà bắt thằng bé thì nó giận nên nói rằng:

-         Tôi nghèo, song tôi cũng có danh giá như ai vậy. Nghèo gì ham tiền bạc lại bán con mà ăn. Cô đừng có nói tiếng đó tôi phiền lắm.

Cô Ba Nhơn không dè vợ chồng thằng Cu biết điều đến thế, bởi vậy cô mới bị Cu, rồi bị luôn Lựu nữa, cô bợ ngợ, không kiếm được lời chi khác mà nói, túng thế cô nói:

-         Tôi không có con, tôi thấy thằng nhỏ tôi thương quá, cho tôi nuôi đi mà.

Cu ngó vợ và lắc đầu, Lựu cười và nói:

-         Tôi đẻ nó nên tôi thương, chớ cô với nó có nghĩa gì đâu mà cô thương.

Cô Ba Nhơn ngó Lựu vừa cười vừa đáp rằng:

-         Cô cháu sao lại không có nghĩa.

Lựu mắc cỡ, nên xây lưng đi vô bếp. Cô Ba Nhơn biết thế không dễ gì mà nói được, nên cô nựng nịu thằng Hai rồi cô trả nó cho Cu đặng về. Cô đứng dậy rồi cô kêu Lựu ra mà từ giã. Lựu bước ra, cô nói:

-         Anh Hai tôi bị chỉ nên ảnh mới hoá ra người quấy. Tôi không chịu như vậy. Tôi xin hai vợ chồng để cháu cho tôi nuôi, muốn hai ba trăm tôi cũng cho. Vợ chồng suy nghĩ lại đi, rồi vô trả lời cho tôi biết.

Cu lắc đầu đáp rằng:

-         Mấy ngàn, mấy muôn tôi cũng không ham, chẳng luận mấy trăm.

Cô Ba Nhơn ra về một hồi lâu, rồi vợ chồng Cai tuần Bưởi mới về tới. Lúc ăn cơm, Cu thỏ thẻ thuật lại việc cô Ba Nhơn tới xin chuộc thằng Hai lại cho vợ chồng Bưởi nghe.

Hôm sau vợ chồng Cai tuần Bưởi nhận được thơ của Ba Cam. Mọi người mừng rỡ xúm xít đọc:

„Em xin tỏ với anh một việc. Ông Thầy Kiện mới khẩn một sở đất 800 mẫu tại làng Vĩnh Mỹ thuộc về hạt Bạc Liêu. Ông đương qui dân làm ruộng đặng đem xuống lo mà khai phá. Ổng sắm trâu bò nhà cửa lúa thóc sẵn hết thảy, tá điền xuống đó mướn bao nhiêu thì người ta đo cho mà làm, tới mùa trả lúa ruộng rồi còn dư bao nhiêu thì mình lấy.

Xứ Gò Công mình ruộng đất hẹp hòi quá, mướn mắc quá nên làm không có lời. Em muốn anh chị với hai vợ chồng con Lựu dắt nhau đi hết xuống Bạc Liêu mà làm ruộng của ông Thầy Kiện, hoặc may có khá được. Hôm em về, em có hứa với con Lựu rằng em sẽ lo bảo bọc cho nó. Bây giờ nó có chồng, nó ở chung chạ với anh nữa coi thể bất tiện. Em đã có mướn một căn phố rồi, em muốn vợ chồng nó lên ở với em, thằng Cu thì em kiếm sở cho nó làm, còn con Lựu thì nó nấu cơm cho em ăn. Như vợ chồng nó muốn đi làm ruộng Bạc Liêu thì em sẽ giúp cho chúng nó đi.

Được thơ nầy, dầu anh chị không chịu bỏ xứ mà đi Bạc Liêu đi nữa, thì cũng biểu vợ chồng con Lựu phải lên ở với em. Em trông lắm. Nhứt định bữa nào đi thì phải gởi thơ trước cho em biết đặng em vô chợ Lớn đón tàu em rước. Xin anh Hai nói giùm em kính lời thăm vợ chồng anh Ba Rạng.

BaCam

Sớp - phơ của ông Thầy Kiện Tô Lê

N112  đường Kinh Lấp Sài Gòn „

Cai tuần Bưởi đương trông ruộng làm, nên được thơ nầy thì có ý muốn đi Bạc Liêu, ngặt vì Thị Tố than sự con đông, đến xứ lạ không biết khó dễ thế nào, làm cho anh ta dụ dự không quyết định. Tuy vậy mà anh ta đốc vợ chồng Cu đi, anh ta biểu đi trước thử coi việc ra làm sao rồi anh ta sẽ theo sau.

Vợ chồng Cu bàn tính với nhau, nghĩ ở đây làm ăn khó khá được, lại thêm cô Ba Nhơn vận trù[3] về sự thằng con hoài, bởi vậy nhứt định lên Sài Gòn mà hỏi dọ cho chắc rồi liệu nếu đi Bạc Liêu thì đi, bằng không nên đi thì ở Sài Gòn kiếm công việc mà làm.

Cu cậy Ba Rạng viết thơ gởi giùm trước cho Ba Cam, rồi đến ngày hẹn vợ chồng anh từ giã anh chị xóm giềng và bồng con mang gói mà lên đường.



[1] thời kỳ lúa hết tiếp tục đâm chồi

[2] một trong ba cách câu cá lóc: câu nhắp, câu thược và câu rê. Ðiểm đặc biệt của cần câu thược và rê là có nhợ rất dài và cần câu có gắn nạng để kê lên bắp vế. Câu rê là kỹ thuật câu ở những nơi không có chướng ngại vật, câu nhắp là cách câu trong ruộng lúa, câu thược là cách câu những nơi có nhiều lùm cỏ hay lục bình …

[3] lo mưu tính kế