|
1- HÒN PHÚ QUỐC
Hòn Phú Quốc là một hải đảo lớn nhứt thuộc về chủ quyền và nằm trong hải phận của nước Việt Nam từ xưa đến nay.
Tuy chúng tôi chưa nghe một văn nhơn hay thi sĩ nào ngâm vịnh mà tán dương thắng cảnh của hòn nầy, song xem địa dư, đọc sử ký chúng tôi được biết dĩ vãng lịch sử của Phú Quốc rất vẻ vang, được thấy vị trí chiến lược rất trọng yếu, được hiểu nguồn lợi kinh tế rất phong phú, bởi vậy chúng tôi thường lưu ý, mặc dầu chưa để chưn hay ghé mắt lên hòn Phú Quốc.
Cũng như ai, thuở nay chúng tôi chỉ biết Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, cách thị xã trấn Hà Tiên chừng bốn năm chục hải lý, nghĩa là kéo đường ngay không tới một trăm cây số ngàn. Gặp mùa gió xuôi, thuyền buồm từ Hà Tiên chạy chừng hai phần ngày thì ra tới, còn hiện giờ thì phi cơ bay có hai mươi phút đông hồ.
Theo quốc sử, thì hồi cuối thế kỹ 17, Mạc Cửu là một di thần của nhà Minh bên Trung Quốc, không chịu hàng phục nhà Thanh, người chở bốn bộ binh qua chiếm đảo Phú Quốc làm căn cứ mà dung thân. Dòm thấy xứ Chơn Lạp đang loạn lạc, người thừa dip mới đổ bộ vào lục địa chiếm luôn một vùng duyên hải Hà Tiên xuống tới mũi Cà Mau.
Năm 1698, chúa Nguyễn ở Thuận Hóa sai cụ Nguyễn Hữu Cảnh đem binh vào dẹp loạn giùm cho vua Chơn Lạp, lập ra Hai Trấn là Trấn Biên Dinh tại Biên Hòa với Phiên Trấn Dinh tại Gia Định rồi di dân đàng ngoài vào lập làng, lập xã, mà khai thác ruộng vườn. Mạc Cữu đã có lập đuợc bảy làng trong vùng Hà Tiên nên năm 1708, người mới đem cả phần đất nầy mà dưng cho chúa Nguyễn. Triều đình bèn lập Hà Tiên thêm một trấn nữa và phong cho Mạc Cữu chức Tổng Binh cầm quyền cai trị trấn nầy.
Đến giữa thế kỷ 18, Tây Sơn dấy nghiệp, hiệp binh với binh của chúa Trịnh miền Bắc mà đánh ép Thuận Hóa. Chúa Nguyễn phải mông trần vào đất Gia Định mà lánh nạn. Chúa Nguyễn Ánh cùng nhiều danh tướng là các cụ Châu Văn Tiếp, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Hội, Nguyễn Huỳnh Đức ẩn núp trong hòn Phú Quốc nhiều lần và có lần phải nuơng náu một thời gian khá lâu, sau mới khôi phục được giang san, lên ngôi báu mà lập nhà Nguyễn.
Phú Quốc đã có một lịch sử vẻ vang như vậy, lại thêm nằm dài theo duyên hải Nam phần Việt Nam: hòn Phú Quốc phía trên, quần đảo Côn Nôn phí dưới, đó là 2 căn cứ thiên nhiên của hải quân để phòng thủ cả vùng nầy. Mà xưa nay Phú Quốc còn nổi danh sản xuất thứ nước mắm cá cơm là nước mắm hòn, lại có mắm nêm, có đồn đột, có cá biển, có đồi mồi, có huyền, có tiêu, có dừa, đó là một điểm chỉ cho người ta thấy Phú Quốc có tương lai đầy hứa hẹn về ngư nghiệp, nông nghiệp và khoáng nghiệp.
Chúng tôi không quan tâm về kinh tế, mà lại mang cái tật ưa xem mấy cổ tích, ưa dạo khắp núi sông, ưa ngồi chỗ vắng vẻ mà nhìn non, nhìn biển, nhìn cỏ, nhìn cây, để thưởng thức cảnh thú thiên nhiên của tạo hóa xây dựng. Gần trót đời chúng tôi đã để bước dạo xem nhiều nơi trong xứ. Chúng tôi được viếng Bắc phần Việt Nam một lần ở được mươi ngày, có dạo chơi Trung phần nhiều lần, nhiều chỗ, cũng có biết Nam Vang, Biển Hồ, Xiêm Rạp. Tròn hai mươi tỉnh Nam phần Việt Nam thì ngoại trừ Hà Tiên, chỗ nào chúng tôi cũng có để dấu chưn khắp hết.
Năm 1943, chúng tôi được rảnh rang thong thả. Một ông bạn thân có dịp đi Hà Tiên, ông mời chúng tôi đi với ông một vòng Lục tỉnh chơi. Chúng tôi xách hành lý lên xe đi liền với bạn.
Một buổi sớm mơi, mặt trời xán lạn, xe tới ba Hòn là chỗ đường Rạch Giá qua gặp đường Hà Tiên xuống Hòn Chông chạy dọc theo mé biển. Chợt thấy một quang cảnh đồ sộ xanh dờn, dài thòn, cao vọi hiện lên ngoài biển. Chúng tôi biểu ngừng xe, leo xuống, hỏi cái gì? Người ta nói đó là hòn Phú Quốc. Té ra hòn Phú Quốc là vậy đó.
Chúng tôi ngạc nhiên, đứng đó trân trân, mặt ngơ ngáo, lòng xúc động. Thuở nay xem địa dư vẽ hòn Phú Quốc, chúng tôi tưởng nó nhỏ, lại nằm ngoài xa, trong bờ thấy dạng vậy thôi, chớ dè đâu nó hùng vĩ, cao ngất, lại có vẻ âm u, trù mật, nằm dưới gầm trời, trên mặt biển, một đống đồ sộ từ dưới Hòn Chông lên gần tới Cần Vọt như vầy đâu.
Tuy trạo trực cứ muốn ra viếng cho được Phú Quốc, bởi vậy lên tới Hà Tiên, chúng tôi đi xem các thắng cảnh mà xưa nay người ta thường ngâm vịnh. Xem phần mộ của họ Mạc, xem cảnh thú Đông Hồ, xem mũi Pháo Đài, xem chùa Thạch Động, dầu vui chơi phỉ chí, chúng tôi cũng không quên hòn Phú quốc sừng sựng xanh dờn, cao vọi nằm trên mặt biển kia. Chúng tôi cứ thơ thẩn trước chợ Hà Tiên, mắt nhìn, trí hỏi: ai ở trong hòn đó, ở làm chi, cách xa lục địa ồn ào chen lấn, hăng hái cạnh tranh, vậy mà có thấy được thú vui, có tìm được hạnh phúc gì hay không, hay là cũng phải mang nặng túi sầu gánh thảm, là hình phạt dĩ nhiên của loài người trong trần thế, trốn đi đâu cũng không khỏi?
Đương bàng hoàng tư lự may chúng tôi gặp một cụ kỳ lão, chủ một liêu nuớc mắm ở Phú Quốc vì có việc nên vô Hà Tiên đã mấy bữa rồi. Chúng tôi làm quen và bày tỏ cảm tình đối với hòn Phú Quốc, muốn ra đó xem chơi đặng thưởng thức cảnh thú im lìm núi rừng minh mông trời nuớc. Cụ kỳ lão nói lúc nầy gió ngược, đi ghe buồm ra hòn thì bất tiện lại hiểm nguy nữa, bởi vậy ai muốn đi chơi cũng đợi mùa gió xuôi mới đi. Biết không thể đi được, nhưng muốn hiểu cảnh vật ngoài hòn, chúng tôi bèn ân cần mời cụ về phòng chúng tôi ở uống trà nói chuyện chơi. Nhờ cuộc hội đàm nầy nên chúng tôi đuợc biết Phú Quốc về diện tích, nhơn số, nghề nghiệp, giao thông, hành chánh, không sót điểm nào hết. Mà những điểm đó không phải là điểm chúng tôi cần biết, chúng tôi mới hỏi cụ về chuyện xưa, tích cũ, về phong hóa, dân gian, về cảnh vật thanh nhàn, nếu cụ có biết việc chi khác thường xin cụ nói cho chúng tôi nghe chơi.
Cụ mới cười và nói: ”Việc Đức Cao Hoàng ngày xưa mông trần cùng cung quyến và vài bộ tướng ra Phú Quốc lánh nạn, việc ấy mấy ông đều biết, cần gì phải nói. Còn dân cư trong làng người chất phác, ngày đêm chỉ biết sống với trời nước, vui với gió mây, bạn vói cây rừng, ở với đá núi, bởi vậy bền gan chắc dạ, quen tánh giản dị, yêu thú thiên nhiên, mãn đời lục đục trong thảo lư, chừng chết yên mồ dưới sơn cước, nghĩ cũng không có việc gì đáng nói”.
Chúng tôi nói: „chúng tôi sanh trưởng giữa chốn phiền ba danh lợi, thuở nay cứ ham chen lấn mà giựt giành vui sướng, chưa hề nghĩ tới sự an bần lạc đạo bao giờ. Nay nghe cụ tả cảnh đời của dân cư trong hòn, chúng tôi xúc cảm rồi giựt mình. Nếu họ lánh xa danh lợi rộn ràng để sống im lìm với núi rừng, với trời nước, mà họ được vui sướng, khỏi buồn lo, té ra họ khôn hơn chúng tôi nhiều quá. Vậy nếu cụ ngồi chưa mỏi, xin cụ vui lòng kể sơ một vài chuyện cho chúng tôi hiểu tâm hồn, tình cảm, sở thích, cùng nguyện vọng của hạng bình dân coi có giống với người trong lục địa hay không?”
Cụ kỳ lão vuốt râu và cười mà nói: ”Hạng bình dân ở đâu cũng vậy, ai cũng kính kẻ phải, ghét người quấy, ai cũng cảm trí ân, ai cũng mong sống được ấm no an ổn, chớ không có nguyện vọng cao xa gì hết. Có ít người ở trong lục đị họ có tiền, họ đem vốn ra đây ở mà lập nghiệp, hoặc trồng tiêu, hoặc làm nước mắm. Mấy người đó chí quyết xạ lợi, bởi vậy dân trong hòn tuy nhờ họ được dễ bề làm ăn song không có cảm tình chi lắm.
Còn có một hạng người nữa “hạng nầy cũng không nhiều, ở trong lục địa, họ gặp cuộc đời chẳng may hay là có việc ức uất sao đó nên họ ra đây, hết ham vui sướng, cũng không tính thủ lợi, hoặc họ kiếm chùa ở mà tu, hoặc lo dùi thân nơi hẻo lánh, trồng khoai tỉa bắp mà sống, dường như không muốn gần gũi với người đời nữa. Mấy người đó đáng thương, bởi vậy cách mấy mươi năm trước có hai cô sống trong hoàn cảnh đó, lúc sống ai cũng kính, chừng chết ai cũng tiếc”.
Ham tìm nghe những chuyện dị thường như vậy, chúng tôi nài nỉ cụ kỳ lão thuật rõ chuyện của hai nàng thiếu phụ đó cho chúng tôi nghe. Chuyện cụ nói sao mường tượng như thiên tình sử củ chàng Paul và nàng Virginie do nhà văn hào pháp Bernardin de Saint Pierre viết ngày xưa, một ái tình thành thiệt, nhờ bần hàn bồi đáp nên được âu yếm an vui, rồi bị lợi danh lôi cuốn mà phải rã rời chết hết. Ðược nghe câu chuyện “Sống thác với tình“ nầy, chúng tôi cảm xúc cực điểm, quyết phải đến tận nơi mà thấy dấu tích của cặp nam nữ thanh niên chết vì tình đó. Cụ kỳ lão hứa với chúng tôi ngày nào chúng tôi ra tới chợ Dương Đông cụ sẽ đưa chúng tôi đi xem hai cái mồ nằm song song trên đồi, lại có một cái mồ của một bà mẹ nằm trên mà gìn giữ.
Trở về Sài Gòn từ ấy đến nay chúng tôi cứ mong mỏi đi ra Phú Quốc. trót mười mấy năm, vì thời cuộc lộn xộn, chúng tôi không thể đi được. Đến bây giờ đường giao thông mới đuợc thong thả dễ dàng, có phi cơ đưa hành khách mỗi tuần đi một chuyến, sớm mơi đi chiều về, nhờ vậy nên chúng tôi mới được mãn nguyện.
Nhưng ra tới phú quốc thì cụ kỳ lão nói chuyện với chúng tôi cách 13 năm truớc, cụ đã chết mất lâu rồi. May nhờ có người khác cũng biết chỗ nạn nhơn của ái tình ở hồi trước, họ đưa dùm chúng tôi qua rạch leo đồi, vẹt cây lên núi, đến một cái suối nước trên cao chảy xuống ro re, chảy qua cái trảng nhỏ có mấy cây dừa đứng xơ rơ còi cọc. Người chỉ khoảnh dất dựa bên khe nước mà nói đó là chỗ nạn nhơn của ái tình cất chòi sống hẩm hút với nhau ngày xưa, rồi chỉ lên trên sườn núi mà nói đó là mồ của mấy người đau khổ vì tình, đã trả dứt nợ trần nên mới đuợc ngàn thu yên giấc.
Chúng tôi bái trước mồ mà khấn vái, rồi đứng nhìn quang cảnh rừng núi tịch mịch bao la. Chúng tôi đau đớn bồi hồi đến rơi nước mắt.
Người đưa đường chúng tôi lên đây lại nói lúc sanh tiền mấy nạn nhơn thường gần gũi với ông lão sư tu trên am An Viên trong vùng núi Chóp Chài, là vùng có đảnh cao nhứt trong hòn, cao tới 925 thước. Chúng tôi cậy người dẫn đường cho chúng tôi đến am An Viên mà hỏi thăm.
Am An Viên cất trên triền núi. Chúng tôi bước vô thì thấy cụ lão sư tóc râu bạc trắng, cụ tu theo Đạo Giáo, tuổi đã quá thất tuần mà sức khỏe vẫn chưa giảm suy. Nghe chúng tôi hỏi đám nạn nhơn của ái tình thì cụ nói: đã hiểu rồi, còn hỏi làm chi nữa. "Ðạo tự nhiên sanh Đức. Hễ Đức tan, tự nhiên trở về Đạo, cuộc đời cứ tuần hoàn luân chuyển như vậy hoài, chớ có việc chi đâu mà hỏi”.
Chúng tôi phải nài nỉ cạn lời, cụ lão sư mới chịu nói gốc tích, tên tuổi của nạn nhơn cho chúng tôi biết. Thuật đủ mọi việc rồi cụ tóm tắt mà nói cụ rất tiếc người đời có sẵn hạnh phúc dĩ nhiên của núi rừng, trời nước dành để mà không chịu an hưởng lại lặn lội tranh đua mà tìm thứ hạnh phúc gì đâu nên mới bị tại họa. Thấy mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi phải cáo từ cụ lão sư mà trở lại Dương Đông.
Về Sài Gòn hổm nay, chúng tôi góp các lời của lão sư mà tả lại thành thiên thảm sử ”Sống thác với tình“ để cống hiến cho các bạn thanh niên nam nữ đã biết đọc thiên tình sử nầy, chắc không vui mà có lẽ phải giận. Nhưng nghĩ vì phải có buồn rồi mới được vui, phải có giận thì mới biết thương, bởi vậy chúng tôi không nệ công lao, chỉ mong khỏi lời chấp trách.
|