9- ĐÂY TRÔNG ĐÓ ĐỢI.
Xuân Sơn với Thu Thủy trí non nớt, lòng thơ ngây, tánh chất phác thiệt thà. Hai trẻ bị ông Phán Cao cám dỗ luôn mấy bữa, ông đem những cảnh thần tiên sung sướng mà trêu bẹo nhem thèm, nào nhà lầu, nào xe hơi, nào hát xướng, vui chơi, nào áo quần loè loạt, ông nhồi sọ làm hai trẻ mê mết và quên hết cảnh thú thiên nhiên nhàn lạc thuở nay và mong ước những cảnh thú lạ, tưởng hưởng cảnh thú rực rỡ tưng bừng đó mới thiệt là hạnh phúc.
Tại trí của hai trẻ đã biến chuyển như vậy nên khi nghe hai mẹ nói chánh thức rằng chờ trong một vài năm nữa cho hai trẻ khôn lớn rồi sẽ cho hai trẻ phối hiệp vợ chồng thì cả hai đều hớn hở trong lòng. Xuân Sơn bây giờ được cha với ông nội giàu sang nhìn là con cháu, nên cho người đi ruớc. Vậy chàng phải đi thăm cha với ông nội mà cầu thân đặng ngày sau mới có tiền bạc, có nhà lầu, có xe hơi cho vợ chồng chung hưởng sung sướng, vui chơi với nhau cho ngỏa nguê rực rỡ.
Chắc sẽ được Thu Thủy làm vợ thì Xuân Sơn mừng lại nghe ông cha giàu sang có tiền bạc nhiều thì muốn cậy thế lực kim tiền ấy mà xây đắp nền hạnh phúc thần tiên để cho người vợ yêu được hưởng cho sung sướng với mình, bởi vậy Xuân Sơn chịu tạm lìa Thu Thủy trong ít ngày để gặp cuộc tương lai mãn đời vui vẻ.
Còn Thu Thủy từ mới biết đi biết nói cho tới bây gìơ nàng không rời Xuân Sơn ra tới một bước, vắng mặt chàng trong một buổi thì nàng buồn bực xốn xang. Hôm nay cũng vì mê cảnh thú rực rỡ giàu sang cho vợ chồng được sung sướng nên nàng dằn lòng bịn rịn để cho Xuân Sơn đi tạo nền tương lai hạnh phúc đặng vợ chồng chung vui.
Nhưng mà đến lúc hai trẻ nhìn nhau đặng phân tay chia rẽ thì cả hai chẳng khỏi bận bịu đau lòng. Xuân Sơn tuy rán làm cứng dặn dò ít tiếng rồi bước xuống thuyền mà đi, nhưng chàng đau khổ trong lòng đến ứa nước mắt. Còn Thu Thủy xúc động quá cứ đứng trân trân ngó theo, nước mắt tuôn dầm dề, chừng thuyền đi mất dạng rồi, nàng gắng gượng theo hai mẹ mà về, trong lòng ảo não bồi hồi như kẻ mất hồn hay đuối sức.
Hai mẹ cũng buồn hết sức, nhưng phải rán làm tỉnh cho con yên lòng, bày chuyện vui mà nói cho con khuây lãng, thêu dệt cảnh tương lai tươi cười xán lạn cho con ham mà quên nỗi biệt ly đau khổ bây giờ. Mà nói cách gì Thu Thủy cũng lặng thinh cứ lau nước mắt àm đi theo, chớ không vui vẻ chút nào hết.
Về đến nhà Thu Thủy nằm dàu dàu. Diệp nấu thêm cơm dọn ra. Hai mẹ ép lắm nàng phải rán ăn nửa chén rồi đi thơ thẩn một mình ngoài vườn, lúc ngồi trên mé suối mà xem nước chảy, lúc ngồi dưới bóng cây mà đón gió mây.
Hai mẹ biết con nhớ Xuân Sơn mới biểu Diệp dọn chén bát rửa rồi theo nói chuyện chơi với Thu Thủy cho nàng khuây lãng.
Diệp rủ đi kiếm chuối đúng vóc mà đốn rồi qua rẫy thơm kiếm thơm chín mà cắt, bày cho có việc đặng Thu Thủy làm với mình, vừa làm vừa nói chuyện cho vui. Mà nói giống gì một lát Thu Thủy cũng nhắc tới Xuân Sơn một lần hoặc nói bây giờ Xuân Sơn đương lêu bêu ngoài biển hoặc hỏi chừng nào Xuân Sơn mới vô tới Hà Tiên.
Hai mẹ với Diệp kiếm dủ cách mà giải buồn cho Thu Thủy. Nàng ngồi đâu hoặc đi câu cũng có một người đi theo một bên kiếm chuyện nói cho nàng vui.
Mỗi ngày hễ nấu cơm thì Diệp kêu biểu phụ bếp, hễ rảnh thì rủ ra săn sóc vườn tược, tưới rau, ương đậu, đốn chuối, hái tiêu, hoặc rủ đi câu, hoặc dắt đi chặt củi.
Ăn cơm chiều rồi thì hai mẹ làm như thường lệ, trải chiếu dựa gốc cây rồi xúm nhau ngồi nói chuyện chơi. Giờ đó là giờ Thu Thủy buồn hơn hết, vì thiếu Xuân Sơn với ông ngoại nên nàng nhớ, cứ ngồi khóc không nói chi hết.
Nhờ hai mẹ an ủi và nhờ Diệp kiếm thế giải buồn nên Thu Thủy đi câu, đi chặt củi, hoặc ra làm vườn, khây lãng được chút đỉnh. Nhưng đến bữa ăn, nàng rán ngồi ăn, mà ăn không biết ngon. Ban ngày hễ rảnh thì nàng ra viên đá chỗ Xuân Sơn thường ngồi chơi với nàng thuở nay, nàng ngồi đó mà tưởng nhớ bạn rồi rơi nước mắt. Ban đêm ngủ với mẹ, tuy nàng nằm im lìm, song trong lòng thương nhớ, trông đợi không nguôi, bởi vậy nàng ít ngủ được ngon giấc.
Ngày trông đêm đợi đã đủ nửa tháng rồi mà chưa thấy Xuân Sơn trở về. Thu Thủy mới rủ Diệp đi câu mỗi ngày đặng ra mé biển ngó chừng coi có ghe nào ở Hà Tiên ra hay không. Bữa nào Diệp mắc làm công việc khác đi câu không đuợc thì nàng đi một mình. Cô Lê thấy cô không yên lòng nên Diệp đi không được thì cô đi thế, không muốn để Thu Thủy ngồi một mình ngoài mé biển.
Hai mẹ nhận thấy Thu Thủy bây giờ ốm hơn hồi trước, vì rầu buồn thương nhớ, ăn ngủ không được nên ốm, chớ không phải đau. Nhưng Hai mẹ cũng buồn rồi lo sợ Xuân Sơn đi vô Saigòn và vái van trời đất xui khiến chàng không chịu ở trỏng, theo ông ngoại mà trở về cho mau. Mà ông ngoại cũng biệt không về, bởi vậy không biết liệu làm sao cho được.
Cô Lê bối rối, một bữa đương ngồi ăn cơm chiều, cô vụt nói: “Sao đi gần một tháng mà chú Hai chưa về vậy không biết. thế khi ông được ngon cơm ngọt canh rồi mê mết ở luôn trỏng mà bỏ bà con mình hay sao mà”. Ấy là lời than vì buồn bực mà phát sanh, nhưng Thu Thủy xúc động tận đáy lòng, nàng biến sắc rồi buông đũa đi ra sau hè ngồi gục mà khóc.
Ông cháu ông Hai Cường ra đi, ở nhà cũng đếm từ ngày. Một buổi sớm mơi, Diệp thức dậy ra vô một lát: „Bữa nay nữa là 35 ngày, nghĩa là một tháng năm ngày mà chưa về”.
Cô Thiên Hương với cô Lê nhìn nhau châu mày. Thu Thủy ré lên khóc tức tửi. Hai mẹ xúm lại dỗ con.
Mấy mẹ con, kẻ khóc người nói, đương gây quang cảnh buồn thảm trong nhà, tình cờ Diệp đương ôm củi bên hè vùng la lớn “ông Hai về!”
Mấy mẹ con nín một lượt như âm nhạc dứt hẳn và đồng ra ngoài sân mà đó. Thiệt quả ông Hai Cường vừa ra khỏi mé rừng, ông đương đi dọc theo mấy giồng khoai mì, vai ông mang một gói bao vải trắng, còn một tay xách cái túi bằng bố và một tay xách một cái bao hàng coi bộ nặng dữ. Diệp chạy ra tiếp xách cái bao hàng giùm cho ông.
Cô Lê kêu hỏi: „Còn Xuân Sơn đâu? Nó không về hay sao?”
Ông Hai còn đi ngoài xa, nhưng thấy có Thu Thủy đứng chờ nên ông trả lời liền:
- Ông nội với cha nó cầm nó ở lại chơi thêm ít ngày rồi sẽ cho người đưa nó về sau. Chú nóng nảy sợ ở nhà trông nên chú xin về trước. Mà cũng cứ theo cầm hoài đến giáp tháng mới chịu cho chú về trước đây.
- Con Thu Thủy ở nhà nó trông quá, ăn ngủ không được. Nó mới nhớ nó khóc, kế nghe chú về đó.
- Khóc nỗi gì. Ở nhà có Hai má với dì. Xuân Sơn đi đường thì có ngoại. Vô trỏng có thêm cha với ông nội nó nữa. Có sao đâu, nên lo sợ mà khóc. Thôi vô nhà rồi sẽ nói chuyện. Ở trỏng có gởi đồ cho mấy mẹ con đủ thứ đây. Vô coi.
Cô Lê rước cái túi bố cô xách. Ông Hai rảnh hai tay, ông đi trước, mấy người nhà đi theo sau. Thu Thủy hay Xuân Sơn chưa về, không khóc nưữa, nhưng sắc đầm đầm chán nản, nên buồn hiu.
Cô Thiên Hương muốn gỡ nỗi buồn cho con, nên theo hỏi gấp ông Hai:
- Chú về mà Xuân Sơn chịu ở lại một mình hay sao?
- Nó không chịu chớ. Nó nói có hứa với Thu Thủy vô thăm cha với ông nội ít bữa rồi nó về, sợ ở lại lâu Thu Thủy buồn. Tại cha nó trìu mến, còn ông nội nó thì vui mừng quá, hai cha con cứ theo o bế, dụ dỗ, làm đủ cách cho nó vui lòng. Nó không biết nói sao mà về được, cực chẳng đã phải ở lại. Song nó dặn chú mà về được, biểu Thu Thủy đừng có buồn. Để nó ở trỏng một thời gian cho ông nội với cha nó vui lòng rồi nó sẽ về rước hết vô ở với nó, được như vậy nó mới chịu ở luôn. Ông nội với cha nó cũng chịu như vậy. Nó chịu ở lại mà nó có xin cha nó mua hàng cây, mua bông tai, lại cũng mua một đôi vòng vàng mà gởi cho Thu Thủy. Ông chịu hết. Ông sai người đi mua đủ thứ mà gởi về cho Thu Thủy đây. Để rồi soạn ra mà coi.
- Nếu vậy thì chú đưa Xuân Sơn vô, thiệt người ta mừng lắm hay sao?
- Mừng dữ lắm mà. Hai cha con cứ tiếc sao không dắt đi hết một lượt vô cho rồi.
- Chú về tới đây hồi nào?
- Vô tới Hà Tiên phải ở lại đó tới hai bữa mới có ghe ra hòn mà quá giang. Ghe mới tới hồi sao mai mọc, chú đợi hừng sáng chú mơi xách đồ đi về đây.
- Hơn 20 ngày rồi, bữa nào con Thu Thủy cũng vác cần câu ra mé biển ngồi câu mà ngó chừng, không thấy gì hết; bữa nào chiều về nó cũng buồn hiu.
- Tội nghiệp dữ hôn!
Vô nhà, ông Hai Cường lột cái nón quăng trên bàn. Ngó thấy Lê và Diệp xách bao với túi vô để trên ván ông tháo cái gói mang trên vai ra rồi xách đem để luôn trên ván.
Diệp cười và nói: „Ông Hai về Sài Gòn mua nón Tây với áo bành tô coi được quá”.
Ông Hai cười mà nói: „Ối! Ông nội thằng Xuân Sơn bày mua sắm đặng đi xe hơi chơi với ổng đó, chớ ông già rồi lại ở cheo leo ngoài hòn, ăn mặc thứ gì cũng được, ông kể lòng kể dạ, ông có thèm kể áo quần giày nón đâu con”.
Ông móc túi áo bành tô lấy ra một cái hộp giấy đưa cho Thu Thủy mà nói: „Xuân Sơn biểu cha nó mua đồ mà gởi riêng cho con đó. Giở ra mà coi”.
Cô Lê lấy hộp giở ra thì thấy một đôi vàng chạm, một sợ dây chuyền vàng nhỏ với một đôi bông tai vàng.
Cô Thiên Hương biểu Thu Thủy lột đôi bông tai huyền ra rồi cô đeo đôi bông tai vàng vô cho con. Cô cũng mở dây chuyền ra mà đeo luôn nữa. Cô Lê biểu Thu Thủy đưa tay đặng cô đeo đôi vòng thử coi vừa hay không.
Vì lúc nầy Thu Thủy ốm nên đôi vòng rộng một chút, chớ hai món kia thì vừa.
Ông Hai nói: „Tuy không nói ra, chớ Khải Quang mua đồ gởi cho dâu đó, cũng như đi lễ hỏi. Ông nội Xuân Sơn lại nói chừng nào về trỏng ổng sẽ đưa bông tai nhận hột xoàn cho mà đeo.”
Thu Thủy chúm chím cười.
Hơn một tháng nay mới được thấy nụ cười của con trở lại, bởi vậy hai bà mẹ vui hết sức, biểu Thu Thủy đeo luôn đồ mà chơi, tối có sợ ngủ cấn mép thì cởi đôi vàng mà cất, còn hai món kia đeo hoài được.
Ông Hai mở cái gói của ông mang mà lấy ra hai cây lãnh đen, bốn quần với bốn vóc áo xuyến mà nói: „Ông nội thằng sơn nghe ngoài hòn không có bán hàng lụa, ổng đếm đàn bà trong nhà mình lớn nhỏ hết thảy là bốn người, nên ổng sai đi mua hàng gởi để may đủ bốn bộ đồ đặng chừng về có sẵn áo quần mà đi, về trỏng rồi sẽ may nữa”.
Diệp thấy mình cũng được một bộ đồ bóng thì khoái nên khen ông già tử tế quá.
Ông Hai nói: „Chừng về trỏng rồi sẽ biết mà. Ừ, ông còn quên cái nầy nữa chớ!”
Ông móc túi lấy ra một gói nhỏ, mở đưa cho cô Lê một ghim giấy bạc mà nói cha thằng Sơn gởi thêm một ngàn nữa biểu để dành đặng chừng nào bà con mình vô đuợc thì có sẵn tiền bạc mà đi, không lấy ông không nghe nên buộc lòng phải lấy. Ông lại đưa một tấm hình chụp cho Thu Thủy mà nói: „Xuân Sơn gởi hình nó về cho con đó. Bữa hổm đi chơi rồi nó chụp hình với ông nội, ông ngoại nó đó.”
Hai bà mẹ và Diệp xúm lại coi hình thì thấy Xuân Sơn mặc âu phục đàng hoàng, đứng với ông ngoại một bên, ông nội một bên, hai ông cũng mặc đồ tây, sau lưng có chiếc xe hơi thiệt tốt.
Cô Lê nói: „Thiệt mà! Hôm trước tưởng ông Phán nói dóc chớ”. Thu Thủy cười nữa.
Ông Hai biểu Diệp mở bao hàng lấy đồ ra, còn ông lo mở cái túi. Ông rút ra một đôi giày da đen, một cái quần tây một cái áo sơ mi với đồ cũ của ông, lại có một bộ đồ mát may bằng lụa trắng nữa.
Con Diệp sắp ra trên ván đủ thứ: bánh mì hộp, sữa bò, nho khô, trái bôm, xá lỵ.
Bây giờ cả nhà đều vui. Thu Thủy cũng hết buồn coi bộ không ai nhớ hạnh phuc thiên nhiên nhàn lạc của sư An Viên thường giảng dạy, mắc mừng vàng bạc, quần áo, xe hơi tốt, đồ ăn ngon. Vui sướng với nhau một hồi cô Lê biểu Diệp đi nấu cơm cho chú ăn, sợ đi dưới ghe hôm qua chú ăn không được no nên đói bụng.
Mặt trời mọc đã cao rồi. Ông Hai thay đồ, ông mặc quần vắn, ở trần, tay cầm gói tiền lẻ còn được một trăm mấy. Thấy hai cô mắc dọn dẹp đồ, ông đưa gói tiền cho Thu Thủy và biểu gọt bôm, xá lỵ, mà ăn hay là mở mấy hộp bánh mà ăn cũng được, đồ của Xuân Sơn mua gởi cho mấy mẹ con ăn chơi, để dành làm chi. Ông nói rồi ông đi ra ngoài mà thăm đồ của ông trồng.
Thiên Hương với Lê nhận thấy ông chú lanh lợi, ông nói xuôi sắp khéo, làm cho Thu Thủy hết buồn thì Hai cô mừng. Coi mấy vóc áo quần rồi gói lại, xếp đồ của ông chú, mở tủ cất hết. Thấy Thu Thủy cứ ngồi nhìn mình, hai cô mới lấy dao gọt một trái bôm với một trái xá lỵ, biểu con ăn, nói trái cây tươi ăn cho rồi để lâu nó thúi, còn bánh trong hộp để dành được.
Thu Thủy ăn trái cây với hai mẹ, lại lấy mỗi thứ một miếng đem vô bếp cho Diệp ăn.
Cơm chín rồi, Thu Thủy ra vườn mời ông ngoại vô ăn. Trong lúc ăn cơm, ông Hai Cường mới thuật việc nhà của Lê cho Lê nghe. Ông nói ông có đến kiếm thăm anh chị là cha mẹ của Lê. Cha của Lê già chết đã bốn năm rồi. Mẹ của Lê cũng còn ở căn phố hồi trước đó, nhờ buôn bán khá nên bây giờ có năm bảy ngàn. Anh của Lê hồi trước làm tài xế, tiện tặn nên sắm được một chiếc xe cam-nhông-nết[1] đưa hành khách đường Sài Gòn-Thủ Dầu một. Còn hai đứa em của Lê, đứa gái giúp mẹ mua bán, đứa trai làm việc nhà in, cũng thong thả.
Cô Lê nghe cha mất thì buồn, chừng nghe nói mẹ với anh em khá hết thì yên bụng.
Ông Hai nói mẹ của Lê đã hết giận Lê. Bà nghe ông nói ông nuôi Lê 16 năm nay, Lê sanh con trai, bây giờ bên nội đứa nhỏ kiếm nhìn nó, ông đưa nó về cho cha nó rồi, sau ông sẽ đưa Lê vô nữa; bà hay như vậy bà mừng lắm.
Ông Hai cũng nói luôn chuyện gia đình của Thiên Hương nữa. Vô chơi được ít bữa, ông tính đi Mỹ Tho và Nhựt Tảo. Khải Quang hỏi ông đi có việc chi. Ông thuật sơ việc nhà của Thiên Hương cho chàng nghe. Chàng cản không cho ông đi, nói không thể gì ông dọ được. Chàng cất miếng giấy của Thiên Hương viết và hứa để chàng cậy người tai mắt ở Mỹ Tho và Nhật Tảo nói chuyện ngay với ông ngoại và ông nội của Thu Thủy cho. Nếu ông nào chịu nhìn mẹ con Thu Thủy là con cháu thì ông sẽ cho người rước hết lên, rồi ông nội của Xuân Sơn nói chuyện làm sui với ông nội hay ông ngoại của Thu Thủy đặng làm lễ cưới xứng sui, xứng gia cho rõ ràng.
Mẹ con Thu Thủy nghe như vậy thì mừng. Nhưng cô Lê nói: „Cũng cứ tính đương môn đối hộ hoài! Tục đó cũng chưa chịu bỏ”.
Ông Hai nói: „Không phải đâu con. Tại khác đạo nên mới sanh rắc rối chớ”.
Cô Lê nói: „Hai đứa nhỏ nó quen đạo thiên nhiên, coi xong quá rồi. Con trưởng không cần làm rình rang làm chi cho sanh chuyện”.
Thiên Hương nói: „Để ông Khải Quang hỏi coi cha mẹ chị còn mạnh giỏi hay không và có tha tội cho chị chưa. Còn bên nội của Thu Thủy có nhìn hay không nhìn, chị không cần. Dầu hai bên, ai không chịu nhìn hết mà sắp nhỏ yêu nhau, đợi nó lớn thì cưới gả”.
Cô Lê hỏi ông Hai vậy chớ ông cháu đi mấy bữa mới tới và cha với ông nội Xuân Sơn đối đãi thế nào?
Ông Hai Cường ăn rồi, ông đi uống nuớc. Đợi dọn dẹp xong hết, có đủ mẹ con Thu Thủy ông mới nói: „Hôm đó nhờ gió xuôi nên gần tối vô tới Hà Tiên. Mướn phòng nghỉ một đêm, Xuân Sơn nhớ nhà lục đục, thức hoài. Chỉ có xe đò chạy ngã Châu Đốc thôi nên sáng bữa sau lên xe đò mà đi. Phải nghỉ đó một đêm nữa, chờ sáng ngày thứ ba mới đi được, mà bị trục trặc dọc đường nên tối mò mới tới Sài Gòn. Xuân Sơn thiệt là quê mùa, tới Chợ Lớn nó thấy thiên hạ đông đúc, diện sang như ban ngày nó khiếp sợ nên không dám hó hé. Xe tới bến, ông Phán kêu ba chiếc xe kéo chở hết về cầu kho. Tối nên có Khải Quang ở nhà. Hai cha con mừng quá, cám ơn ông Phán, hỏi sao không vô cho đủ hết luôn thể. Hai người ôm Xuân Sơn mà nói lăng xăng, ông cụ nói nó giống cha, Khải Quang khen nó mạnh khoẻ bậm trợn. Ông Phán cắt nghĩa nói má nó bị rét nên yếu chưa đi được, để sau sẽ vô với mẹ con Thiên Hương. Ông cụ biểu chú bếp đi mua đồ nấu cơm dọn ăn đỡ, kêu bồi dặn sáng bữa sau phải lại chợ cầu kho kêu một ngườI may đồ tây với một chị thợ may đồ mát đo ông cháu đặng may cho mỗi người có mỗi thứ một bộ mà bận liền, rồi sau sẽ ra Sài Gòn đặt may thêm. Khải Quang tiếp dặn anh bồi bữa sau phải đo đầu, đo chưn ông cháu chú rồi ra Sài Gòn mua giày mua nón cho đủ bộ vận.
Ăn cơm rồi ông Phán xin về thăm nhà cho vợ con mừng. Ông cụ biểu bồi dọn thêm một cái phòng trên lầu đặng ông cháu chú ngủ. Khải Quang hỏi chú mười mấy năm nay chú ra Phú Quốc sống cách nào. Chú thuật hết cảnh đời thiên nhiên nhàn lạc, thân yêu đầm ấm của bà con mình ngoài nầy cho Hai cha con nghe, chú không giấu giếm điểm nào hết. Chú chũng nói thiệt tình Thu Thủy với Xuân Sơn trìu mến nhau không chịu rời. Nói chuyện đến khuya thấy Xuân Sơn buồn ngủ, ông cụ mới biểu đi ngủ, để bữa khác sẽ nói chuyện nữa.
Sáng bữa sau, Khải Quang đem xe hơi ra đi làm việc. Ông cụ biểu phải lựa mua thêm một chiếc xe nữa và muớn sớp phơ lái đặng cụ đi chơi với Xuân Sơn. Ở Sài Gòn, hễ có tiền muốn thứ gì cũng có hết, chú có mỗi người một bộ đồ mát bằng lụa trắng, một bộ đồ Tây, với giày vớ và giày hàm ếch để đi trong nhà. Bữa sau mua thêm được một chiếc xe hơi mới nữa có sớp phơ lái cho ông cụ đi chơi với ông cháu chú, xe cũ thì Khải Quang cầm tay lái mà đi làm việc.
Có quần áo, có xe hơi rồi, ông cụ bắt ông cháu chú phải đi chơi với ông hoài. Đi xem chợ, đi khắp hết các nẻo đường ngoài Sài Gòn cho Xuân Sơn biết, rồi bữa khác đi Chợ Lớn đi vô tới Bình Tây, Đình Đông, Xóm Củi, không bỏ sót chỗ nào.
Khải Quang hỏi con nhỏ lớn có học chữ hay không. Xuân Sơn nói nhờ má Hai nó dạy nên nó với Thu Thủy biết viết rành rẽ. Cha nó biểu đọc và viết cho ổng coi. Ổng vừa lòng. Ổng hỏi sơ địa dư sử ký, nó trả lời được. Ổng ra toán rẻ rẻ, nó làm cũng xong, ổng khen lắm, song ổng nói đời nay biết chữ Việt chưa đủ, phải biết nói tiếng Pháp, tiếng Anh nữa mới đắc dụng. Ổng mướn một người mỗi buổi sớm mơi lại nhà dạy Xuân Sơn học chữ pháp rồi buổi chiều sẽ đi chơi. Xuân Sơn chịu học chữ Pháp lắm.
Buổi chiều đi chơi thì ông nội nó chở đi, bữa vô sở thú coi cọp, coi voi, bữa xuống mé sông coi tàu buôn, tàu trận.
Tối có bữa ăn cơm nhà, có bữa cha nó chở hết ra Sài Gòn ăn cơm Tây, có bữa chở vô chợ lớn ăn cơm tàu, ăn rồi khi đi coi hát Quảng Đông, khi đi coi hát cải lương, khi đi xem chớp bóng.
Đi chơi bên vùng Khán Hội, chú nhớ cảnh đời sống của chú ngày trước, chú buồn quá. Xa lánh phong trần mười mấy năm, bây giờ trở về Sài Gòn thấy thiên hạ đông đảo lăng xăng, rần rộ, chú ngán hết sức, muốn về Phú Quốc cho mau. Ngặt hai cha con cứ theo cầm ở chơi hoài về không được, lại biểu ở cho Xuân Sơn học tiếng pháp. Ở đúng một tháng rồi chú nói chú phải về, vì bỏ mấy con cháu ngoài nầy, lại mẹ Xuân Sơn không đuợc mạnh, nên chú không yên lòng. Hai cha con mới chịu để cho chú về, song năn nỉ để Xuân Sơn ở lại đặng học ít tháng. Trong lúc ấy Khải Quang dọ ý bên nội bên ngoại của Thu Thủy coi thuận nghịch lẽ nào rồi sẽ cậy người ra cho hay và rước mấy mẹ con vô luôn thể. Thấy nói quá, cực chẳng đã Xuân Sơn phải chịu ở lại và chú phải chịu đi về một mình. Rồi đó hai cha con mới sai đi mua đồ cà túc cà tan, cái thì cho hai con, cái thì cho Thu Thủy đặng chú đem về đó”.
Ông Hai Cường nói xuôi rót. Thu Thủy nghe Xuân Sơn được bên nội hoan nghinh, phải ở đặng ăn học, nhưng chàng không quên nàng, mà Khải Quang cũng lãnh lo công việc nhà cho mẹ nàng nữa, bởi vậy nàng không buồn. cô Lê với cô Thiên Hương thấy vậy hai cô cũng yên lòng.
Buổi chiều, ông Hai ra thăm quan Quận đặng cho hay ông đã về rồi và chuyển đạt lời cám ơn của Khải Quang.
Bữa sau, cô Lê tính cắt quần áo mà may trước cho Diệp với Thu Thủy. Cô biểu Diệp đi chợ mua thịt cá và mua chỉ cho sẵn đặng cô may. Thu Thủy bây giờ không có Xuân Sơn nữa nên đòi đi theo Diệp chơi. Nàng sợ đeo đôi vàng rủi đụng chạm móp uổng nên cởi giao cho mẹ cất để đeo đôi bông tai huyền với sợi dây chuyền mà thôi.
Cô Lê và cô Thiên Hương ở nhà với ông Hai, hai cô có ý mừng Xuân Sơn chịu ở lại trong Sài Gòn và mừng Thu Thủy cũng yên lòng nên không buồn bực lắm như hôm Xuân Sơn mới ra đi.
Ông Hai mới tỏ thiệt rằng bữa trước thuật chuyện vì có Thu Thủy ngồi nghe, ông sợ nàng buồn nên ông phải thêu dệt mà sửa sự thiệt lại chút đỉnh cho êm. Ông nói vô tới thiệt hai cha con Khải Quang mừng rỡ hết sức, lại trách sao không chịu vô hết một lượt đặng đoàn tụ một nhà cho vui. Đêm đầu ngủ trên lầu với Xuân Sơn cho chàng quen. Nhưng kể từ đêm sau thì ông xin ngủ lại cái phòng khách từng dưới đặng ông ra ngoài cho tiện. Khuya Khải Quang xuống hỏi thăm bề ăn ở ngoài hòn nữa và trách mẹ Xuân Sơn với mẹ con Thu Thủy sao không chịu vô, nói Lê có bịnh thì phải vô trỏng mới có thầy có thuốc mà uống, còn Thiên Hương là chị em của Lê, Thu Thủy là em của Xuân Sơn thì chàng xem như chị em con cháu của chàng, có chi đâu mà ái ngại. Ông Hai phải nói thiệt cho Khải Quang biết Hai trẻ sống chung với nhau từ khi mới lọt lòng nên trìu mến không chịu rời nhau. Mới mười sáu tuổi mà lửa tình đã ngún, coi bộ muốn làm vợ chồng. Hai mẹ muốn để vài năm nữa lớn khôn rồi sẽ cho phối hệp. Vì vậy nên hai mẹ thừa dịp mớI khuyên dỗ cho đứa chịu đi, đứa chịu ở, phân rẽ nhau trong một thời gian cho Xuân Sơn thông thạo việc đời và cho Thu Thủy khôn lớn rồi sẽ cho gần nhau lại.
Khải Quang suy nghĩ rồi ông ta cho tính như vậy là phải, mới rước thầy dạy Xuân Sơn học chữ pháp, cho Xuân Sơn đi chơi đặng thạo việc đời. Hai cha con tưng tiu, chiều chụông quá làm cho Xuân Sơn mê mùi phú quí vui sướng mới chịu ở lại mà để ông về. Khải Quang có hứa sẽ hết lòng nuôi dạy Xuân Sơn và kiếm người nói cho ông hội đồng Mỹ Tho tha lỗi cho Thiên Hương và cho ông tổng ở Nhựt Tảo nhìn Thu Thủy là cháu nội. Mà dầu nói được hay không, hễ Xuân Sơn hoặc buồn nhớ, hoặc thạo việc đời rồi ông ta sẽ cậy ông Phán ra rước hết về đặng đoàn tụ cùng nhau một cửa cho vui.
Cô Lê mừng con có ông và cha lo nuôi dạy mà cô cũng khỏi xa chú gấp. Cô Thiên Hương thì mừng có người lãnh lo nói giùm cho cha mẹ cô hết phiền giận cô. Hai cô yên lòng, bây giờ chỉ còn chăm nom dỗ cho Thu Thủy đừng buồn nhớ Xuân Sơn, lo tập nữ công đặng sau ngồi cái địa vị nội trợ cho xứng đáng.
Nhờ Hai mẹ an ủi nên từ đó Thu Thủy lo tập may vá và phụ nấu cơm. Có rảnh thì theo Diệp đi câu hoặc theo ông ngoại ra vườn phụ tưới rau, nhổ cỏ.
Ông ngoại nói Khải Quang ép buộc Xuân Sơn ở lại chơi ít ngày rồi sẽ cho người đưa về sau. Đã gần 4 tháng rồi àm Thu Thủy không thấy tăm dạng gì hết. Nàng bắt đầu buồn nhớ. Nàng thường lấy tấm hình chụp của Xuân Sơn ra nằm mà nhìn. Có bữa nhìn cả giờ mà không biết chán, có bữa nhìn rồi chảy nước mắt.
Hai mẹ cũng bắt đầu lo, nên kiếm chuyện mà khuyên giảI, nói chắc là Xuân Sơn mắc học chữ pháp nên chưa về được.
Người vướng bịnh tình chỉ có người tình mới trị hết bịnh được, chớ người khác khuyên giải cũng như nước đổ trên lá môn có thấm tháp gì đâu, bởi vậy hai mẹ nói thế nào cũng không phá tan nỗi sầu cho Thu Thủy được.
Ông Hai Cường về được nửa năm rồi, một bữa quan Quận sai người đem vô giao cho ông Hai một phong thơ. Ông Hai cám ơn rồi cầm thơ vô nhà trao cho Thiên Hương với Lê biểu mở ra coi thơ của ai. Thu Thủy với Diệp ở trong bếp nghe nói có thơ lật đật ra xem.
Thiên Hương xé bao thơ ra Hai bức thơ, một bức của Khải Quang, còn một bức chữ Xuân Sơn viết. Cô đọc của Xuân Sơn trước thì Xuân Sơn gởi lời thăm ông ngoại, hai mẹ, Thu Thủy với dì Diệp. Chàng mạnh khoẻ, học mau tinh tấn, mới mấy tháng mà chàng đọc chữ Pháp được rồi, ông thầy hứa ông dạy trong hai năm sẽ nói chuyện thường với người pháp được.
Chàng nói chàng vui vẻ và mạnh khỏe như thường. Chàng tập lái xe hơi được rồi, nhưng vì chưa đúng tuổi nên chưa thi mà lấy giấy phép chạy xe được. Chừng nào hai mẹ với Thu Thủy vô, chàng sẽ chở cho đi chơi, vì Sài Gòn có nhiều cuộc vui, nhiều cảnh đẹp, chớ không phải như ngoài Phú Quốc.
Còn thơ của Khải Quang thì ông ta cũng thăm hết cả nhà, nói Xuân Sơn ham học nên học mau lắm. Vậy ông Hai với hai bà mẹ yên lòng để cho Xuân Sơn ở trỏng mà học. Ông ta lại nói ông có cậy người hỏi qua việc nhà của cô Thiên Hương. Ông nói rằng ông tổng Bình ở Nhựt Tảo đã qua đời rồi, còn ông Hội đồng Niệm ở Mỹ Tho thì ông bà đều còn mạnh khỏe. Hôm chúa nhựt rồi ông có đi Mỹ Tho tính thăm ông Hội đồng đặng nói chuyện và xin lỗi giùm cho cô Thiên Hương, rủi Hai ông bà đều đi khỏi nên ông gặp được. vậy việc không gấp, để bữa nào rảnh ông sẽ xuống nữa.
Thu Thủy đợi mẹ đọc hết rồi nàng mới lấy cả Hai bức thơ đem ra viên đá dựa gốc cây ngồi đọc lại. Nàng nhận thấy Xuân Sơn không nói chừng nào về thì chắc là mê cảnh vui sướng ở Sài Gòn rồi, không tính về nữa; mà cũng không biểu nàng vô thì chắc cũng không cần nàng vô. Chàng nói: “Chừng nào hai mẹ với Thu Thủy vô”, ấy là già rồi sẽ vô cũng được. Mà Khải Quang cũng không nói chuyện chọn người đưa chàng về hay là rước nàng vô, thế thì chàng với nàng vĩnh biệt cùng nhau rồi, không thế gì mà gặp nhau lại được. Nàng nghĩ tới đó rồi nàng khóc.
Trong nhà cô Lê, nghe đọc thơ rồi cô nằm nhớ con. Tuy cô bày mưu chia lìa hai trẻ trong Hai năm, song bây giờ con không nói chuyện trở về hay là chuyện rước cô vô, thì cô trách con bội bạc, nó được gần cha giàu sang rồi nó không thèm nhớ tới mẹ nghèo hèn nữa. Cô cũng giận luôn Khải Quang nữa, cô nghi ông ta nong nả tìm kiếm chỉ vì muốn bắt đứa con mà thôi, chớ không kể gì đến mẹ. Người ta cho tiền bạc, quần áo, vòng vàng là trả tiền mua lại đứa con trai, trả tiền công mình đẻ và nuôi cho con khôn lớn, chớ không tình nghĩa gì với mình. Mình dại nên bị người ta gạt một lần nữa. vậy không cần lết về Sài Gòn mà làm chi, về bị người ta hân hủi càng thêm hổ thẹn.
Còn cô Thiên Hương, cô hay cha mẹ cô còn mạnh giỏi thì cô mừng. Cô cảm ơn Khải Quang lo giùm gia đạo cho cô. Cô lại vui lòng khi nhận thấy Xuân Sơn không đòi trở về phú quốc, còn Khải Quang không đem Thu Thủy vô gấp. Tính phân rẽ vài năm cho Hai trẻ khôn lớn rồi sẽ cho phối hiệp đã có mòi xuôi thuận rồi.
Ông Hai Cường cũng thầm vui mà nhận thấy Khải Quang đồng ý nên làm y theo lời ông mong muốn.
Hai mẹ cũng như ông ngoại không ai nhắc tới chuyện Xuân Sơn trở về mà cũng không tính tới việc đi vô Sài Gòn. Thu Thủy mất hết hy vọng tái hiệp với người yêu. Ban ngày nàng đi thơ thẩn, ban đêm nàng nằm im lìm dường như hết biết cười, không muốn nói.
Thu Thủy sống với tâm hồn chán nản, ăn ngủ không ngon, cử động gượng gạo như vậy được ba bốn tháng nữa, rồi một bữa kia quan Quận sai người đem vô một cái thơ khác của Khải Quang gởi nói rằng người đã giáp mặt với ông bà Hội đồng dưới Mỹ Tho mà nói chuyện. Người cho ông bà hay cô Thiên Hương ngày trước theo tình nhơn lên Nam Vang ở làm việc được lối một năm cô thọ thai rồi rủi tình nhơn bất hạnh. Cô vất vả xiêu lạc ra hòn Phú Quốc kết tình chị em với một thiếu phụ cũng lỡ bước nên chịu tai nạn hư cô. Chị em hẩm hút chung sống với nhau. Cô sanh được một đứa con gái năm nay 16 tuổi. Người có nói với ông bà Hội đồng thuở nay người không biết cô Thiên Hương. Người mới gặp một cụ kỳ lão ngoài phú quốc thuật tâm sự thê thảm của cô cho người nghe. Người động lòng nên xuống xin ông bà hội đồng vui lòng tha thứ tội lỗi xưa của con, cho cô Thiên Hương trở về xứ sở, trước gần gũi với cha mẹ, sau liệu lo lập cảnh đời tương lai cho đứa con vô tội. Ông bà hội đồng đều khư khư không chịu nhìn nhận Thiên Hương là con, nói không quen biết với cô đó, cô muốn đâu tùy ý.
Trong thơ Khải Quang lại nói đường đó đã bít rồi, người trở về ghé Nhựt Tảo nói chuyện với bà Tổng, có con trưởng nam của bà tên Lâm Công Phong ở chung trong nhà, bây giờ cũng làm Tổng thế cho cha. Người thuật chuyện Lâm Công Thành hồi trước ăn ở với cô Thiên Hương, chết để lại một đứa con gái năm nay 16 tuổi. Người muốn biết coi bà tổng muốn nhìn cháu nội hay không. Cả mẹ con đều từ chối, nói không hay biết chuyện đó mà dám nhìn, vì sợ anh em trong thân tộc không chịu rồi sanh ra xào xáo. Khải Quang nói người hiểu ý người ta không chịu nhìn là tại sợ phải chia một phần ăn gia tài cho Thu Thủy chớ không có chi khác. Người khuyên cô Thiên Hương đừng thèm buồn. Người đã thay mặt giùm cho cô mà làm tròn đạo về gia đình cả hai bên. Cô không còn lỗi gì nữa mà lo ngại. Về đời tương lai của Thu Thủy thì cháu có phước đức riêng của nó, sẽ có người trọng nghĩa khinh tài ủng hộ, không đến đổi nghèo khổ đâu mà lo.
Còn về phần Xuân Sơn thì Khải Quang viết có vài hàng nói chàng vui vẻ và chăm nom học vậy thôi, chớ không nói tính đưa Xuân Sơn về phú quốc hay mong rước hết về Sài Gòn.
Mà thơ nầy lại không có thơ của Xuân Sơn gởi theo, bởi vậy Thu Thủy thất vọng cực điểm.
Cô Thiên Hương được tin bên ngọai cũng như bên nội không ai thương con của cô hết, cô tủi phận cho con nên cô ngó con mà chảy nước mắt. Thu Thủy không hiểu ý, tưởng Xuân Sơn đã bỏ mình rồi nên mẹ tội nghiệp cho mình mà mẹ khóc. Nàng càng buồn rầu thêm nữa, bỏ đi ra sau hè ngồi khóc một mình.
Từ đây Thu Thủy ăn ngủ không được nữa. Đến bữa ăn ban đầu còn rán ăn được một chén cơm, lần lần ăn còn nửa chén, riết rồi ăn vài miếng không vô làm sao mà ăn cho được.
Ban đêm nàng nằm im lìm như ngủ song nước mắt cứ tuôn ra hoài, ngủ không được.
Không tới Hai tháng thì Thu Thủy vì buồn rầu tưởng nhớ, ăn không ngon, ngủ không đuợc, nên ốm còn da bọc xương.
Cô Lê với cô Thiên Hương lo sợ mới bàn với ông Hai Cường rồi cô Lê viết một bức thơ cho Khải Quang xin người cho Xuân Sơn về ít ngày, bởi vì Thu Thủy thương nhớ ăn ngủ không được nên ốm quá mà sanh bịnh, bịnh nhiều làm cho ông ngoại với hai má đều lo sợ.
Thơ viết rồi, ông Hai Cường cầm ra quận cậy quan Quận gởi giùm vô Sài Gòn cho Khải Quang. Quan Quận sẵn lòng, ông hứa sẽ gởi liền, lâu lắm là một tuần lễ Khải Quang sẽ được thơ. Ông khuyên rán vỗ về an ủi cháu. Ông sai chú cai đi mua một hộp sữa bò gởi cho Thu Thủy. Ông nói ăn cơm không được thì khuấy sữa bò cho uống cũng bổ vậy.
|