Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12

Toàn bộ với dạng PDF

Sống Thác Với Tình

4- TÌNH YẾU THƠ NGÂY

Cảnh thú cũng như nhơn vật trong cái trảng nầy đã biến đổi bộn bộn.

Cái suối cũng vẫn tuôn nước trên nguồn xuống trong veo. Rừng bao chung quanh cũng vẫn im lìm tịch mịch. Mấy đảnh núi xa xa cũng vẫn lố nhố xanh rì. Mé biển cũng vẫn còn nhiều cá để giúp cho con người sống.

Nhưng mà nhờ sức của chú Hai Cường còn đầy đủ, lại thêm sức con Diệp nay nó đã lớn rồi, bởi vậy mé suối bên nầy đã trồng tỉa giáp hết. Gần nhà thì rau cải, xa xa một chút khoai, bắp, đậu, cà, rồi tới đu đủ và mít. Gần sát mé rừng thì chuối trồng nhiều giống, mỗi năm cứ bứng con mà trồng thêm ra hoài. Dọc theo mé suối mỗi bên đã có vài ba cây dừa, đã lên cao khỏi đầu, cây nào cũng mạnh mẽ.

Vạt đất phía bên kia suối đã có được ít cây xoài mới lên được chừng một thước, nhưng có một đám thơm nho nhỏ đã bắt đầu ra trái rồi.

Còn ở trên đồi thì đã gây ra được bốn nọc tiêu. Hai Cường tính thủng thẳng gây thêm cho giáp hết cái đồi, thì huê lợi lớn lắm, cung cấp cơm gạo, áo quần cho gia đình dư dã.

Hiện giờ, năm ba bữa một lần, con Diệp đã có gánh chuối, đu đủ, bắp, khoai, bầu, mướp, xuống chợ mà bán rồi lấy tiền mua gạo, nước mắm, đem về ăn đã đỡ được nhiều rồi.

Trong nhà bây giờ đã có bàn, có ghế, có tủ cũng như ai. Hai Cường năm trước chống cự, chú muốn sống trong cảnh thiên nhiên, sống với màn trời, chiếu đất, mà vì thương con cháu, thấy con cháu ao ước hoài, chú động lòng nên lần lần chú phải mua sắm cho con cháu vui mà quên hết chuyện xưa đặng sống với đời mới.

Xuân Sơn cũng như Thu Thủy, năm nay cả Hai đều được 4 tuổi, sanh cách nhau có mấy tháng mà thôi, bởi vậy biết nói đủ, biết chạy chơi khỏi ẵm bồng, lại chung quanh là rừng, không sợ ngựa xe, còn nước suối thì cạn chớ không phải sông rạch, nên cũng khỏi gìn giữ.

Xuân Sơn là trai nên mạnh mẽ, bậm trợn, còn Thu Thủy là gái nên yểu điệu, mỹ miều. Hai trẻ mặc bô vải, đi chưn không, theo nhau chơi tối ngày, hễ thấy Sơn thì có Thủy, mà thấy Thủy thì cũng tự nhiên có Sơn một bên; Sơn với Thủy không bao giờ rời nhau. Hai đứa trẻ được cả nhà tập nói từ khi mới biết nói tiếng một, nên bây giờ đồng kêu Hai Cường là ông ngọai, kêu Thiên Hương là má Hai, kêu Lê là má ba, kêu Diệp là dì Diệp.

Mối tình thơ ngây kêt chặt, lòng Hai trẻ dan díu nhau biểu lộ rõ ràng ai cũng thấy. Ví như Sơn mê moi cát chơi, chừng day lại mất Thủy thì bỏ chạy đi kiếm kêu gọi om sòm, cũng như Thủy đương chơi phía sau nhà mà Sơn bỏ đi ra phía trước thì Thủy lật đật chạy theo, không chịu rời nhau giây lát. Ăn cơm Hai trẻ ngồi khít một bên nhau chớ không chịu cách xa. Nằm ngủ hai trẻ cũng nằm chung nhau một ván, nằm đụng nhau, có khi thấy ôm nhau mà ngủ.

Sớm mơi với chiều trời mát, hai trẻ thường rủ nhau ra ngoài chơi, khi nắm tay nhau đứng coi ông ngọai cuốc đất trồng khoai, khi ngồi trên mé suối choàng tay cặp kè nhau mà ngó giọt nước chảy không ngừng, khi kề vai nhau đứng dòm trái đu đủ chín, khi Sơn ngồi dựa gốc cây lớn, duỗi chưn ra cho Thủy gối đầu nằm chơi.

Hễ trời mưa thì hai trẻ cởi quần áo ra sân tắm, giỡn với nhau. Bữa nào không có mưa thì con Diệp hoặc một bà mẹ phải dắt hai trẻ ra suối rồi cũng tuột hết quần áo cho trẻ và múc nước xối mà kỳ cho sạch.

Một bữa, ăn cơm sớm mơi rồi Hai Cường với Diệp đi câu. Xuân Sơn với Thu Thủy ngồi chơi với nhau trong bóng mát dựa bên hè. Lê nằm trong nhà nói chuyện với Thiên Hương.

Hai cô nhớ lời của sư An Viên nói cách mấy năm trước về hạnh phúc ở thế gian. Hai cô đều công nhận lời của sư luận thiệt là hạp lý. Con người phải sống với cảnh đời thiên nhiên, mới được thong thả, hạnh phúc, mới được hưởng hạnh phúc chơn chánh, hạnh phúc của Tạo Hoá sắp đặt, nên khỏi ai giựt giành, khỏi ai giận ghét, mà lại được hưởng êm ấm mà lâu dài nữa.

Thiên Hương tuy cho lời của sư An Viên luận đúng, song cô lại nói: „Phận chị em mình là vậy đã đành, còn con của mình? Hai đứa nó có tâm hồn yểm thế, phẩn thời như chị em mình sao? Sợ e chúng mang đầu óc say mê danh lợi, mong muốn vui chơi, chúng nó có chịu hưởng cái hạnh phúc ấm êm mà buồn tẻ như mình vầy đâu em“.

Nghe nhắc tới sắp nhỏ, cô Lê sực nhớ nãy giờ không nghe tiếng Hai đứa nhỏ chơi sau hè nữa, cô cất tiếng lên kêu. Không nghe trả lời.

Cô Thiên Hương lo sợ nên cô lật đật bước ra, để cho Lê kiếm chung quanh nhà, cô đi ngay xuống suối. Cô dòm hết không thấy.Ngó phía hàng đu đủ, cũng không có. Cô trở về nhà. Cô Lê nói đã kiếm khắp từ ngoài vô trong không gặp.

Hai cô điều tái mặt, mới dắt nhau lại đường mòn kiếm khắp từ ngoài vô trong không gặp. Hai cô điều tái mặt, mới dắt nhau lại đương mòn mà đi vô rừng. Cô Lê hăm hở đi trước, Thiên Hương đi sau. Ði được chừng 50 bước, hai cô chợt thấy dưới gốc một cây dầu lớn, tàn che mát rượi, lá khô rụng nằm lấp hết mặt đất, Xuân Sơn nằm ngửa sải tay. Thu Thủy gối đầu trên cánh tay Sơn, day mặt qua phía Sơn, gác một tay qua bụng Sơn, cả Hai điều ngủ hết.

Hai cô chưng hửng, nhìn nhau mà cười, rồi nhè nhẹ bước lại một chỗ mát khác cùng nhau ngồi coi chừng cho hai con ngủ thẳng giấc.

Thiên Hương nói: „Hai trẻ dan díu với nhau quá. Chừng chúng nó khôn lớn mình khó cưới vợ nào khác cho Sơn được, mà ép gả Thủy cho trai nào khác cũng không phải dể“.

Cô Lê nói: „Em có ý tính chừng Hai đứa nó khôn lớn mình cho chúng nó làm vợ chồng với nhau cho xong, chớ gả cưới cho ai làm chi. Tuy chị em mình kết nghĩa với nhau, mình chung nuôi hai đứa, đứa nào chị cũng cho bú, đút cơm tắm rửa, em cũng vậy, cả hai đều là con chung của chị và của em, song chúng nó có phải là anh em một máu một thịt mà ra đâu nên sợ loạn luân phạm nghĩa. Chúng nó dan díu với nhau từ lúc còn thơ ngây thì sau làm vợ chồng chúng nó đồng tình, đồng chí, đồng yêu nhau sẵn, chúng nó mới hòa thuận mà ăn ở với nhau trọn đời, đến chết cũng không chịu chia lìa. Em nghĩ ý của em đó tốt lắm chớ có hại chi mà ngại“.

Thiên Hương nói: „Tốt lắm chớ, đâu có hại. Từ ngày chị sanh con Thu Thủy chị thấy nó là gái, thì chị đã có ý để sau nó làm vợ Xuân Sơn rồi. Nhưng Hai đứa nó là con nít, đường còn dài nói trước không nên, chị chưa dám hở môi chớ. Chị khuyên em có tính như vậy nên để bụng, phải cử đừng có nói trước cho ai biết, đợi hai đứa nó khôn lớn rồi sẽ hay, để mình dạy dỗ đã, chị dạy cho hai đứa biết chữ, biết khôn, em dạy riêng cho con Thu Thủy về việc nữ công, biết nấu cơm mà ăn, biết may áo mà bận“.

Hai cô nói chuyện tới đó rồi thấy Thu Thủy cựa mình ngồi dậy. Nó kéo Xuân Sơn cũng ngồi dậy nữa. Hai cô mới đi lại đó. Hai đứa nhỏ thấy đủ hai mẹ bèn chạy ào lại mà ôm. Sơn ôm Thiên Hương, còn Thủy ôm cô Lê.

Cô Lê vui vẻ trách: „Hai con dại quá, sao dám vô trong rừng mà không cho hai má hay? Hai má thấy mất, hết hồn hết vía, chạy đi kiếm dữ quá”.

Thu Thủy thỏ thẻ nói: ”con thấy con chim tốt lắm, con biểu anh Sơn bắt cho con nuôi. Chim nó bay. Hai con đi theo vô đến đây nó đậu trên cao nó kêu hoài, làm sao mà bắt được. Hai con nằm ngó nó chơi rồi ngủ”.

Thiên Hương nói: „Hai con đừng có dại đi bậy như vậy nữa. Muốn đi chơi phải cho Hai má hay chớ đi bậy lạc trong rừng rồi biết đường đâu mà về. Đi phải có người lớn đi theo. Hai con đi lang thang đố khỏi có bữa bị chúng bắt mất, rồi hai má biết đâu mà kiếm”.

Thu Thủy nói: „Có anh Sơn, con không sợ”.

Cô Lê cười và nói: “ anh Sơn của con giỏi dữa há! Thôi về”.

Xuân Sơn nói: ”Về rồi tắm nghe hôn má”.

Thiên Hương nói: „Ừ, về tắm cho mát”.

Hai trẻ nắm tay nhau, vẹt mấy nhánh cây gie ngang đường mà đi trước. Hai mẹ chẫm rãi đi theo sau.

Trên nhành con chim kêu cheo chét. Gió nam thổi lá cây phất phơ. Xa xa có tiếng ve kêu rồi lại có tiếng cu gáy cũng như đờn có nhịp.

Thú rừng tiêu diêu, thơ thới. Cô Lê với Thiên Hương nếm mấy năm đã say mùi, dầu có cảnh thú nào quí hơn cũng không màng, không chuộng.

| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12