Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười

Toàn bộ dạng PDF

Tỉnh Mộng

(1)

Dọc theo mé sông từ Tân-An qua Mỹ-Tho, nhà cất liên tiếp, cây trồng giao nhành, người lạ ngồi thuyền đi qua đó ai cũng khen là chỗ dân cư trù mật. Cách ít năm trước, ở chợ Tân-An, do theo quan lộ đi dựa mé sông ấy, vô chừng vài ngàn thước thì thấy có một tòa nhà ngói cũ ba căn hai chái, nền đúc, cửa cuốn, vách gạch, cột gõ. Nhà cất day cửa xuống mé sông, trước cửa kiểng vật đủ thứ: nào là vạn-niên-tùng, nào là bá-trắc-diệp, nào là bùm-sụm, nào là càng-thăng, nào là thủy-tiên, nào là kim-quít. Hai bên đường vô cửa lại có mấy bồn bông lan, bông huệ, vạn-thọ, mồng-gà, đinh lăn, sao-nháy. Bên chái trên có mấy nọc trầu vàng sum-sê, gió thổi lá đòng đưa khoe màu tươi mướt. Phía chái trên có chuồng bồ-câu sơn đỏ, mà vì mưa sa nắng táp làm phai lợt màu son. Ở sau nhà lớn thì có một cái nhà ngói nhỏ ba căn song để chứa đồ và nấu nướng. Còn từ đó ra phía sau nữa thì là một khoảnh vườn lớn gần nửa mẫu, chung-quanh trồng mấy hàng dừa, cây cong-vòng, cây suông đuột, buồng sai, tàu xụ, xem rất u-nhàn. Trong vườn thì xẻ mương nhỏ cái dọc, cái ngang, rồi trên mấy liếp trồng chuối lộn với cau, chuối nhảy con bùm-sùm, cau ngay hàng thẳng rẳng.

Nhà nầy nhà của quan Phủ Phan-hữu-Tiền. Quan Phủ qua đời đã hơn 6 năm rồi, không có con trai, để lại một đứa con gái, năm nay đã 19 tuổi, tên là Phan-yến-Tuyết, mà người ta thường kêu là cô hai Tuyết, ở hủ hỉ với bà Phủ. Quan Phủ Tiền là người gốc-gác ở Bà-rịa nhưng mà lúc ngài còn sanh tiền, ngài giúp việc cho nhà nước có ở nhiều tỉnh và tới chỗ nào ngài cũng ở lâu năm, nên ngài coi mấy chỗ ấy như quê quán của ngài, bởi vậy ít ai biết chắc ngài sinh trưởng tại xứ nào. Lúc ngài già yếu ngài nghĩ nhà không có con trai, có nuôi một đứa cháu kêu bà Phủ bằng dì, cho đi học đã thành thân rồi, không cần phải lao tâm nhọc trí chi nữa, nên ngài xin hồi hưu rồi mua khoảnh vườn nầy cất nhà mà ở đặng an hưởng thanh nhàn.

Từ ngày quan Phủ qua đời, thì bà Phủ vào ra quạnh-quẽ, buồn lòng xót dạ nên không lo dọn dẹp nhà cửa cho lắm. Ngoài ngõ tuy có bắc thêm một cái cầu thang để xuống sông cho dễ, song kiểng vật không ai uốn nhành cắt lá, nên cây lên tự nhiên coi không đẹp như xưa. Trong nhà thì ghế bàn tủ ván đóng cây đã tốt, mà kiểu cũng lanh, song ít hay lau chùi nên coi không còn nước bóng.

Bà Phủ không giàu, mà quan Phủ qua đời rồi, bà tom góp tiền bạc mua được một sở ruộng ở Kỳ-Sơn huê lợi mỗi năm góp được một ngàn giạ, nhập với huê-lợi cây trái trong vườn được vài trăm đồng bạc nữa, thì mẹ con ăn xài không hết.

Tiết tháng chạp, trời chiều mát mẻ, sông nước dẫy đầy. Cô hai Tuyết ăn cơm rồi mới lần bước ra ngoài cầu thang ngồi mà hứng gió. Cô mặc một cái áo bà-ba lục-soạn trắng, mới giặt ủi nên lằn xếp còn ràng-ràng; mặc một cái quần lãnh đen tuy cũ song láng mướt coi cũng như quần mới. Dưới chân có mang một đôi dép quai đen, mà trên quai lại có kết bông màu hường. Cô là một người con gái vóc vừa vừa không lớn mà cũng không nhỏ, không mập lung mà cũng không ốm quá; đã vậy mà cô nhỏ xương nên tướng đi yểu điệu; thuở nay cô thêu thùa may vá, hoặc viết thơ, hoặc đọc sách mà thôi, chớ không nấu nướng, không làm công việc trong nhà, không dan nắng, không dầm mưa, nên nước da cô trắng đỏ mà lại trong bóng. Cô không gỡ đầu nên tóc xấp xải hai bên bàn tang, mà có nhiều sợi gió thổi ngã xuống tới gò má, làm cho cô một lát phải lấy tay mà vuốt lên, lòi cái mặt sáng rỡ, lại thêm đôi bông hột xoàn chiếu ánh sáng mặt trời chiều chớp nhoáng hai bên trái tai. Mỗi lần cô vuốt tóc thì thấy mấy ngón tay cô nhỏ mà lại dài, còn bàn tay dịu nhiễu, cườm tay no tròn, chiếc đồng bánh ú đeo khít-rịt. Cô mặc áo không có bâu, nên bày trọn cái cổ trắng trong, lại có sợi dây chuyền nhỏ vòng theo coi thiệt là đẹp. Cô đứng trên cầu mà ngó bầy cá lòng-tong ăn bọt nước, gió thổi ống quần phất-phơ lòi hai bàn chân ra ngón nhỏ xíu, gót đỏ lòm, trên bàn chân thịt vung líp luôn tới mắt cá.

Thuyền chèo ngang ai thấy cô đứng trên cầu cũng đều dòm ngó, nhưng mà cô không dè cái sắc của cô đến nỗi làm cho người nghiêng tròng, bởi vậy cô đứng chơi tự nhiên, lượm đất nhỏ liệng cá lòng-tong đã thèm, rồi nhổ nước miếng xuống sông cho cá lìm-kìm nổi lên hớp bọt.         

Mặt trời lặn mất rồi, cô hai Tuyết mới lần bước trở vô nhà. Cô qua khỏi cửa ngõ thấy một bụi huệ trổ bông bay mùi thơm tho, khoe màu trắng nõn, cô đứng lại cúi mặt xuống rồi cầm một cộng, kề ngang lỗ mũi mà hưởi. Nhánh bông huệ kề gần gò má, mấy ngón tay của cô coi cũng như bông búp, còn nước da mặt của cô coi cũng không kém màu mấy bông đã nở chút nào.

Có một con kiến hôi ở trong nhánh bông bò qua ngang gò má, làm cho cô nhột nên phải lấy tay mà phủi; song cô dịu-dàng quá, nên con kiến không chết, lại leo qua tay cô mà bò. Cô chúm-chím cười bày hai hàm răng trắng trong, rồi nhè nhẹ kề bàn tay gần lá huệ cho con kiến bò đi, chớ cô không nỡ giết.

Cô còn đương xem hoa, bỗng thấy thằng Quới, là đứa ở, quẹt lửa đốt đèn trong nhà. Cô bước vô thấy bà Phủ đương nằm trên ván mà quạt hơi, cô mới hỏi:

-   Trời mát quá, sao chiều nay má không ra ngoài mé sông mà chơi, má?

-   Từ hồi trưa đến bây giờ sao nó nặng đầu quá. Con đưa ve dầu măng[1]  cho má một chút con.

-   Cô hai Tuyết lại ghế ăn trầu kiếm ve dầu măng đem đưa cho bà Phủ, rồi ngồi lại một bên, rờ tay rờ trán và hỏi rằng:

-   Má có dún mình[2] hay không?

-   Không.

-   Tại hồi trưa má ra sau vườn coi bầy trẻ bẻ cau nên chói nắng mà nhức đầu đó chớ gì. Trưa nắng má đừng có đi như vậy nữa nghe không má.

-   Tại nó nhức đầu thì nó nhức, chớ phải tại đi ra vườn hay sao. Hôm trước anh ba nó biểu con làm cho nó một chục khăn hỉ mũi, con làm đã rồi hay chưa? Nó nói bữa nào đây nó qua đa. Như con làm chưa rồi thì làm riết đi, đặng nó qua đưa cho nó.

-   Con làm được 8 cái rồi. Anh đó ảnh làm rộn quá! Có vợ mà sao không biểu vợ nó làm cho mà dùng, để đi mượn người ta.

-   Con nói sao vậy? Bởi chị ba con không biết làm, nên thẳng nó mới mượn con chớ.

-   Ai biểu ảnh cưới vợ vụng như vậy làm chi.

-   Nó vụng mà nó có nhiều tiền, đời nay hễ có tiền thì hơn, chớ cần gì khéo vụng, con.

-   Có tiền nhiều mà như vậy ai thèm. Nầy má, anh ba ảnh lịch-sự trai quá chớ, không biết tại sao hồi đó ảnh cưới chị ba chi vậy, coi kỳ quá, má há? Chị mập ú, cặp mắt băng xiên băng nai, mà văn nói nghe cụt ngủn, anh ba ảnh thương sao được không biết.

-   Cưới vợ cần gì nhan sắc, con.

-   Lúc ảnh nói vợ, con mắc đi học trên nhà trắng, chớ phải con ở nhà con cản; thiếu gì con gái hay sao mà lựa vợ như vậy.

-   Con đừng nói tầm bậy, chị ba con nó hay được nó phiền.

-   Nầy má, hồi trước ba với má đứng cưới vợ cho ảnh, hay là ảnh lựa một mình ảnh vậy má?

-   Hồi đó nó học đã thi lấy bằng cấp, rủi dì với dượng con khuất đi, má với ba con thấy nó côi-cút tội nghiệp mới nuôi nó cho nó học đặng thành thân với người ta. Chừng nó ra trường rồi ba con mới lo cho nó vô làm thông-ngôn Tòa, rồi đổi xuống Mỹ-tho.

-   Hồi đó con còn nhỏ quá nên không biết.

-   Ừ, hồi đó con mới được tám chín tuổi.

-   Con nhớ ảnh đi học hễ bãi trường ảnh về thì ảnh đem hình về cho con, con thương ảnh lắm. Hồi đó mình ở trên Biên-Hòa, phải hay không má?

-   Ừ.

-   Ảnh làm thông ngôn ở Mỹ -Tho rồi ảnh mới đụng[3] chỉ đó phải hay không.

-   Ừ. Nó làm việc có thời, quan yêu dân chuộng, mà nó lại khá trai, thầy Cai Tường ở Bến Tranh thấy nó thẩy thương, thẩy mời nó vô nhà chơi đôi ba lần rồi thẩy tính gả con cho nó. Nó thấy thẩy giàu có lớn, huê-lợi đến gần 20 ngàn giạ, mà có một mình chị ba con đó mà thôi, chớ không có con trai, nó muốn ưng ngặc chị ba con có hèn đứa[4] một chút nên nó dục-dặc trót hơn một năm không chịu đi nói. Sau má nghe má rầy nó, má nói người ta giàu lớn, về nhà đó cũng như chuột rớt hũ gạo, ở không ăn đến già cũng không hết của, dại gì mà không chịu; nó nghe nói phải nó mới chịu đi nói, rồi ba con với má đứng cưới cho nó đa. Nó nghe lời má bây giờ phải sung sướng tấm thân hay không? Cưới vợ có ít tháng thì thầy Cai biểu xin thôi về ở với thẩy. Thẩy góa vợ nên thẩy giao chìa khóa tủ sắt cho vợ chồng nó cầm. Nó về Bến-Tranh làm làng chơi ít năm rồi làm Hội-đồng địa-hạt. Cha vợ làm Cai-tổng, chàng rể làm Hội-đồng, nhà có ghe hầu, có xe ngựa, có xe hơi, sang trọng biết chừng nào.

-   Lúc nọ con nghe ảnh nói với má, ảnh tính tranh cử Hội-đồng quản-hạt, rồi sao êm, không nghe nói tới chuyện đó nữa vậy má?

-   Nó muốn làm Hội-đồng quản-hạt lắm, song thầy Cai thẩy cản, thẩy nói rằng tranh cử phải tốn một đôi muôn đồng bạc, mà làm có 4 năm rồi mãn khóa không ích lợi gì. Thẩy mới tính với nó hễ thẩy xin hưu trí rồi thì nó ra làm thế cho thẩy; cỡ Cai-tổng bây giờ không ai giành lại nó, bởi vì nó giỏi chữ Tây, mà lại giàu lớn, trong tổng có ai mà theo kịp nó. Hôm trước nó qua nó nói thầy Cai sửa-soạn xin hưu trí chắc trong ít tháng nữa đây nó lên Cai-tổng rồi.

-   Hứ! Chị giàu thì giàu chớ trong bụng ảnh có vui sướng gì đâu, má.

-   Sao vậy?

-   Vậy chớ hôm trước thằng Quới đi qua bển nó về nó nói chuyện lại má không nghe hay sao?

-   Nói chuyện gì?

-   Nó nói chị ba hỗn-hào lắm, nói với ảnh cũng như nói với đầy tớ, từ sớm mơi đến tối mắng ảnh luôn luôn, hễ ảnh cự lại chỉ nói ảnh là đồ ăn chực. Giàu mà thô-tục quá như vậy, dầu vào đó hốt vàng cũng không ai thèm.

-   Thằng Quới nó đồn tầm bậy, sao con không rầy nó, lại tin lời nó nói làm gì. Để sáng mai tao hỏi lại nó rồi nó coi tao.

Cô hai Tuyết thấy mẹ có sắc giận thì cười và nói rằng:

-   Con đặt chuyện nói chơi, chớ không phải thằng Quới nói đâu má. Má đừng rầy nó tội nghiệp.

-   Ờ, có lẽ con bày đặt, chớ thằng Quới nào mà dám nói láo như vậy.

Cô hai Tuyết vào trong buồng lấy quả may ra, rồi đem đèn để trên ván ngồi mà rút khăn hỉ mũi. Bà Phủ nằm ngó con một hồi rồi nghĩ thầm trong trí rằng: con mình lớn rồi, thế nào cũng phải lo mà gả nó lấy chồng. Cha chả, mà gả nó lấy chồng rồi ai ở với mình. Tuy hai năm nay nó thôi học về ở nhà thì ở không mà chơi, có siêng thì nó rút khăn, thêu giày mà dùng, hoặc nó đọc truyện cho mình nghe, chớ nấu cơm, nấu nước, hoặc dọn dẹp trong nhà có tôi tớ, mình không cho nó làm. Bởi vậy nó ở nhà cũng không lợi ích chi. Song có mẹ con hủ hỉ mới khỏi buồn, nếu nó lấy chồng chắc là mình buồn lắm. Chớ chi có thằng nào chịu cưới rồi về đây ở với mình thì mình khỏi lo. Mà mình có của đủ ăn mà thôi, chớ không phải giàu muôn hộ chi đây mà tính nuôi rể. Nếu mình kiếm mấy đứa mồ-côi nghèo khổ mình gả cho nó thì có lẽ mình ép vợ chồng nó phải ở đây với mình được. Ngặt vì mấy đứa mồ-côi nghèo khổ nếu nó học giỏi thì nó mong kiếm vợ cho thiệt giàu, rồi vợ chồng nó dắt nhau đi làm việc quan húng-hính chơi cho sung-sướng; mình không giàu nó đã không thèm nói con mình, có đâu nó chịu ở theo bên vợ. Hoặc là mấy đứa có học lam nham, nếu mình kêu mà gả thì chắc nó chịu, ngặt con mình văn nói dịu-dàng, đi đứng yểu-điệu, thêu thùa đã giỏi, mà chữ nghĩa cũng thông, không lẽ có con như vầy mà mình đem gả nó cho đứa học dở. Ví dầu mình có gả bướng đi nữa, sợ con mình nó cũng không chịu đâu. Khó, khó lắm! Chớ chi có con ai thiệt nhà giàu lớn mà đi nói nó, thì mình gả phứt cho rảnh. Thà gả cho nhà giàu.

Bà Phủ đương suy nghĩ đến đó, bỗng nghe cô hai Tuyết nói:

-   Má nầy, hôm trước con đi Sài-gòn với má con có gặp chị Nhan, chỉ nói chỉ có chồng rồi, chồng chỉ làm thầy-thông gì đó không biết.

-   Chị Nhan nào?

-   Chị Nhan là bạn học của con. Chị là con thầy Cai-tổng gì ở dưới Cần-Thơ đó không biết. Hồi con còn đi học có một lần má đi thăm, má gặp chỉ rồi má khen chỉ miệng nói có duyên đó, má nhớ hay không?

-   Lâu quá má nhớ được đâu.

-   Chỉ đen mà lùn bân, chỉ xấu quá, duy được cái lỗ miệng. Hứ! Vậy mà được lấy chồng làm thầy-thông thầy-ký cũng khá quá.

Cô hai Tuyết nói tới đó miệng chúm-chím cười, rồi cúi xuống mà may khăn.

Cách ít ngày có cô ba Hương ở Sài Gòn đi bán hột xoàn, cô quen với bà Phủ Tiền, nên nhân dịp xuống Tân-An cô mới mướn xe vô nhà thăm bà Phủ. Cô nầy tuổi quá 40, lanh lợi bặt thiệp lắm, lại vì cô đi cùng các tỉnh mà bán bông tai, cà-rá, nên cô quen biết nhiều người. Vừa bước vô tới cửa ngõ thì cô kêu om-sòm mà hỏi rằng: “Phải nhà chị Phủ ở đây hay không? Có khách Sài Gòn xuống thăm đây nè”.

Bà Phủ ngồi trong nhà nghe hỏi vang-rân ngoài cửa, không biết là ai, nên lật đật chạy ra. Bà thấy cô ba Hương thì bà mừng quá nên hỏi:

-   Cha chả! Tôi ở vườn tược quê mùa, khách Sài Gòn nào mà tìm tới đây vậy?

-   Ở Sài Gòn người ta đi ăn nem Thủ Đức, đi coi hát cải-lương đã thèm rồi, bây giờ người ta thèm dừa xiêm, thèm chuối phơi khô, nên người ta tìm tới đây xin ăn, chị cho ăn hay không?

Hai người cười với nhau, rồi dắt nhau vô nhà. Cô ba Hương mới hỏi:

-   Chị làm giống gì mà mấy tháng nay chị không lên Sài Gòn chơi vậy chị Phủ? Xưa rày chị mạnh giỏi thế nào?

-   Tôi không đau mà cũng không mạnh cho lắm. Tôi có tật hễ ít bữa thì nặng đầu một lần, nên ít muốn đi đâu.

-   Tại chị ở nhà hoài, trí tù-tún nên chị đau như vậy chớ gì. Phải chị đi chơi như tôi vầy thì chị có đau đâu.

-   Cô xuống dưới nầy chơi hay là có chuyện chi?

-   Tôi đi Tân-An có việc, tôi nhớ chị quá nên tôi chạy vô đây thăm chị một lát.

-   Cám ơn cô quá! Hai đứa nhỏ cô bây giờ làm việc ở đâu?

-   Thằng lớn làm thông-ngôn dưới Bạc-Liêu còn thằng nhỏ bây giờ nó bỏ hãng sắt, mới vô sở Trường-Tiền hôm đầu tháng tới nay.

-   Hai đứa có con rồi hết há?

-   Thằng lớn có hai đứa con, còn thằng nhỏ chưa có.

Cô hai Tuyết nằm trong phòng mà xem truyện, nghe có khách lật đật cắt trầu, bửa cau rồi bưng ra. Cô chào hỏi cô ba Hương rồi vô cửa buồng đứng hối chị chín Hữu, là người ở đi chợ nấu ăn nấu nước riết đặng chế một bình trà ngon mà đãi khách. Cô ba Hương thấy Yến-Tuyết thì ngó trân trân rồi nói với bà Phủ rằng:

-   Con cháu năm nay đã trọng đến há? Chị có định gả nó cho chỗ nào chưa vậy chị Phủ?

-   Ổng khuất rồi, tôi còn có một mình nó hủ hỉ hôm sớm cho vui, nếu gả chồng thì chắc là buồn lắm, nên tôi chưa muốn gả.

-   Con nó đã lớn rồi, mình phải tính đôi bạn cho nó chớ. Nầy chị, chị để tôi kiếm chỗ tôi làm mai cho cháu nhé. Tôi làm mai dễ lắm; tôi không đòi năm bảy cái đầu heo đâu mà sợ. Ở bên Bến-tre có một thầy Cai giàu quá. Hôm trước tôi xuống bán cho vợ chồng thầy một bộ cà-rá một ngàn bảy, tôi ở chơi hai bữa thấy vợ chồng thầy thiệt là người tử tế. Thẩy mới gả đứa con gái lớn lấy chồng, chỗ đó cũng giàu dữ! Thẩy còn thằng con trai năm nay lối 20, 21 tuổi mà chưa có vợ, chị chịu thì tôi làm mai giùm cho cháu.

Cô hai Tuyết đứng trong cửa buồng nghe hai bà nói chuyện tới đó thì mắc cở, nên bỏ qua phòng bên mà nằm. Mà bộ ván chỗ hai bà ngồi nói chuyện thì cách phòng có một tấm vách ván mà thôi, nên ở ngoài nói chuyện gì thì cô nằm trong đều nghe hết. Bà Phủ nghe cô ba Hương nói muốn làm mai con thầy Cai ở bên Bến-Tre cho con mình, mà thầy Cai ấy nhà giàu có lớn, thì bà lấy trầu têm và cười, coi bộ suy nghĩ lắm. Cách một hồi bà mới hỏi:

-   Vậy chớ thằng đó học hành có bằng-cấp gì hay không?

-   Cha chả! Việc đó tôi không hiểu đa. Mà tôi coi bộ cậu ta là con nhà giàu lớn, chắc là cậu ta học sơ-sài, biết ít chữ rồi về ở nhà, chớ không bằng người ta. Ý! Mà cậu ta mềm mỏng lắm, trình thưa dậm dại chớ không phải dút dát như mấy cậu công-tử bột vậy đâu.

-   Theo ý tôi hễ chỗ nào phải thì tôi gả, không cần giàu nghèo, không cần học giỏi dở. Ngặt con nhỏ tôi ý nó chê mấy người học không có bằng-cấp, mà chỗ đó lại xa quá, sợ nó không bằng lòng.

-   Nếu chị không chịu chỗ đó để tôi lựa cho chị một chàng rể đúng mực đặng chừng già yếu chị nhờ cậy cho được kìa, chớ thứ đồ bá-vơ, diện bộ hình coi láng bóng, nói lỗ miệng nghe lốp-bốp, mà không nên thân, thì gả làm chi.

Cô ba Hương thăm chơi trót giờ rồi muốn từ đặng trở ra chợ Tân-An đi xe lửa mà về. Bà Phủ cầm quá nên cô phải ở lại dùng một bữa cơm. Cô hai Tuyết mắc cỡ nên không chịu ra ăn cơm, mà chừng khách về cô cũng không ra đưa khách.



[1] (tiếng Pháp) menthe, một loại dầu gió

[2] nhún mình, khom lưng chào, tỏ ý khiêm nhượng

[3] gặp

[4] thô kệch, không đẹp


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10