Trường-Xuân rầy rà với vợ rồi giận bỏ nhà đi; tôi tớ trong nhà xầm-xì với nhau đứa thì nói làm bộ đi vài bữa rồi về, đứa thì nói xấu hổ quá nên sợ đi luôn, té ra mới đi có ít ngày, thầy Cai với cô hai Hảo qua rồi riu-ríu theo mà về. Về nhà rồi thì cũng vui cười như thường, dường như chẳng xích-mích chi hết vậy.
Trường-Xuân về nhà nằm đêm nhớ tới Yến-Tuyết thì trong lòng khoan-khoái vô cùng. Có lúc anh ta ăn-năn, nghĩ rằng nó với mình là anh em mình làm như vậy thì quấy lắm. Mà rồi anh ta lại nghĩ rằng theo luật đời nay rất đổi là anh em chú bác, đồng một họ với nhau mà người ta còn cho phép cưới gả cho nhau đó sao, mình với nó là anh em bạn dì, khác họ với nhau, có can chi mà ngại. Anh ta muốn qua thăm bà Phủ lắm, đặng thấy mặt Yến-Tuyết, ngặt ở bển mới về nếu đi nữa sợ vợ nghi nên không dám.
Tới Tết, Trường-Xuân ngồi xe hơi đi một mình qua mừng tuổi dì. Yến-Tuyết thấy dạng anh ta thì lật đật đi vô buồng rồi khóa cửa lại nằm im-lìm không muốn cho thấy mặt.
Trường-Xuân mặc áo tố lót màu trứng sáo, mang một đôi giày mới tinh, hút thuốc xì-gà phà khói lên nghi ngút, ngồi nói chuyện với bà Phủ một hồi rồi hỏi rằng: “Ngày Tết mà con hai nó đi đâu vắng dì há?” Bà Phủ thấy Trường-Xuân thì đã có ý quở trách sự anh ta loạn-luân phạm nghĩa, song bà nghĩ ngày xuân không lẽ đem chuyện không tốt ra mà nói, đã vậy mà ban ngày tôi-tớ ra vào lộn-xộn, nếu nói ra sợ chúng nó nghe được thì xấu hổ, bởi vậy bà làm lơ giả như không hay biết chuyện chi hết vậy, song bà cũng lặng-thinh không thèm trả lời.
Trường-Xuân trong mình có tịch nên hổ thầm, bởi vậy bụng thì muốn biết coi Yến-Tuyết đi đâu mà miệng không dám hỏi nữa.
Anh ta ngồi chơi hơn một giờ đồng-hồ rồi đứng dậy từ mà về đặng có đi mừng tuổi chỗ khác. Khi ra cửa bà phủ kêu mà nói vói rằng. “Ra ngoài ngày bữa nào cháu rảnh rang thì qua bên dì chơi đặng dì tỏ việc nhà cho cháu nghe”. Trường-Xuân dạ rân rồi lên xe hơi mà đi.
Về dọc đường anh ta ngồi suy nghĩ hoài, không hiểu bà phủ biểu qua đặng tỏ việc gì. Hay là dì đã hay sự mình làm quấy nên biểu qua mà ..... chăng? Không lẽ dì hay được, việc ấy âm thầm ..... biết mà học. Yến-Tuyết là con gái tự nhiên nó mắc-cở, có lẽ nào mà nó học hay sao? Chắc là biểu qua đặng nói việc chi khác, chớ không phải việc đó. Còn con nọ ngày Tết mà nó bỏ đi đâu kìa! Mình trông cho có dịp qua thấy mặt nó, té ra qua mà nó đi đâu mất, làm mình buồn quá. Để bữa nào rồi mình kiếm chuyện đi qua nữa.
Đến rằng tháng giêng Trường-Xuân thay áo đổi quần sửa-soạn đi qua thăm bà Phủ. Vợ nói đi sao đi hoài, mới qua thăm hôm Tết rồi còn qua chi nữa,làm cho anh ta thụt ở nhà không dám đi.
Ở bên nây bà Phủ có ý trông Trường-Xuân qua quở trách đặng cho anh ta chừa cái thói xấu ấy đi, rồi sau biểu anh ta kiếm chỗ làm mai đặng bà gả phứt Yến-Tuyết cho rồi, chớ để lâu ngày sợ tiếng thị phi khó chịu. Chẳng dè bà trông hoài đến nửa tháng hai mà cũng chưa thấy.
Từ qua khỏi Tết rồi thì Yến-Tuyết coi bộ bớt buồn, nhưng mà cuối tháng giêng trở về sau trong mình cô ta lại dã-dượi bần-thần, hôi cơm tanh cá, ăn không biết ngon, mà sao lại hay buồn ngủ lắm. Bà Phủ dòm thấy con mặt mày chao-vao, bộ-tịch khác thường , thì trong lòng phát nghi, muốn rước thầy thuốc chẩn mạch thử coi có phải là có thai nghén chi đây hay không, song bà sợ nếu thiệt có thai mà mình để cho thầy thuốc biết, thì ắt người ngoài họ hay hết thảy, rồi còn gì danh-giá nhà mình, bởi vậy bà để im-lìm mà coi chừng, không dám hở môi với ai hết. Đến nửa tháng hai, bà coi thì thiệt quả Yến-Tuyết đã có chửa. Bà buồn rầu hết sức, tuy bà không dám than phiền với con, song hễ bà nằm một mình thì nước mắt chảy dầm-dề, bà lo tới tính lui, không biết làm thế nào mà che đậy đặng cho người ta đừng biết.
Đêm nọ canh khuya vắng-vẻ tôi-tớ ngủ hết, bà mới bước vào phòng kêu con thức dậy rồi bà to nhỏ mà tỏ với con rằng: “Con ôi! Má coi bộ con có nghén rồi đó con! Nếu thiệt quả như vậy thì nhà ta vô phước lắm.” Yến-Tuyết nghe mẹ nói mấy lời thì ngã ngửa trên gường nằm chơn tay lạnh-ngắt. Bà Phủ thất kinh, lật-đật kêu chín Hữu rồi hối nhúm lửa bưng vào cho bà hơ. Cách một hồi Yến-Tuyết tỉnh dậy ngó mẹ mà nước mắt tuôn như mưa. Cô chắc lưỡi lắc đầu hai tay ôm mẹ vừa khóc vừa nói rằng: “Thế nầy thì con phải chết mới xong, má ôi!”
Bà Phủ ngồi tay vịn con, tay ôm mặt mà khóc rấm-rút, nghẹn-nghùng nói không được. Bà thấy dạng chín Hữu đi ngang qua cửa buồng, bà lật đật lau nước mắt rồi bước ra nói rằng: “Khuya rồi, thôi con chín đi nghỉ đi con”. Bà khép cửa trở vô mới ngồi dựa bên con mà nói rằng: “Nầy con, việc đã lỡ rồi, bây giờ con sầu não cho lắm đi nữa cũng chẳng có ích chi. Má nghĩ nếu việc nầy tiết lậu ra ngoài thiên hạ hay thì xấu-hổ lắm. Con là con ông Phủ, chớ không phải con nhà dân-dã, hễ một người hay được thì cả lục-tỉnh đều hay, rồi chẳng những con mang nhơ mà thôi, mà má đây cũng mang nhục với người nữa. Vậy má tính phải giấu-giếm cho lắm mới được. Thôi, để mai mốt má đi Sài Gòn kiếm mướn một căn phố xấu xấu ở trong đường hẻm rồi đem con lên đó mà ở. Con ở đó ít tháng chờ đến ngày lâm bồn thì vô nhà bảo-sanh mà nằm. Đẻ song rồi thì đem đứa nhỏ cho nhà mồ-côi cho họ nuôi rồi má rước con về. Bây giờ thì má nói với họ rằng má đem con vô nhà trắng đặng con học thêu thêm một năm nữa, làm như vậy con đi ra mới khỏi người ta nghi, mà chừng con về mới khỏi người ta dị-nghị. Má tính kế ấy vẹn toàn lắm, con nghĩ thử coi có được hay không.”
Yến-Tuyết lau nước mắt rồi ngó mẹ mà nói rằng: “Thưa má, phận con là con gái không biết giữ tiết hạnh, đã làm cho má buồn rầu gần 2 tháng nay, mà rồi đây con sẽ làm cho cha mẹ phải nhơ-nhuốc với thiên hạ nữa, thiệt con lỗi với cha mẹ nhiều lắm. Vậy nên con tính con phải chết thì má mới khỏi mang tiếng xấu. Con làm quấy thì con phải chịu, xin má đừng có lo lắng cho con làm gì mà nhọc lòng. Thiệt bây giờ con chết, thì con không tiếc thân con chút nào hết. Vậy xin má ở lại dương-trần mà vui hưởng ngày già, để cho cho dứt phứt nợ trần cho rồi đặng con mát tấm thân và má khỏi mang tiếng xấu.”
Yến-Tuyết nói dứt lời liền ngồi xuống đất mà lạy mẹ. Bà Phủ lật-đật đỡ đứng dậy, kéo con lên giường rồi mẹ con ôm nhau mà khóc. Trong phòng bóng đèn leo-lét, sau hè gà gáy tấm-te, cảnh đã buồn mà người cũng buồn, thợ trời khéo vẽ một bức tranh rất bi-thảm, tưởng ai trông vào cũng phải đau lòng ủ mặt. Bà Phủ to nhỏ mà khuyên giải con, bà nói rằng nếu Yến-Tuyết mà chết thì bà cũng tự vận mà chết theo, chớ bà không thế nào mà sống ở một mình trên dương-trần cho được. Bà nói quá nên Yến-Tuyết động lòng nên không tính tới việc tự tử nữa, nhưng mà hễ bà nhắc tới chuyện lên Sài Gòn mướn phố giấu cô thì cô cự hẳn, cô không bằng lòng, cô nói rằng ở đời việc gì mình giấu lung chừng nào thiên hạ càng hay nhiều chừng nấy. Bây giờ mình tính đi lánh mặt đặng chờ ngày đẻ xong rồi sẽ về; mình làm như vậy tưởng là che miệng thế gian được, mà có chắc gì thiên hạ không hay. Mà ví dầu không ai biết đi nữa, mình biết việc mình, tự nhiên mình cũng hổ thầm. Chi bằng mình đã làm quấy rồi thì mình cứ chịu quấy ngay đi, đừng giấu-giếm, đừng gạt-gẫm ai hết. Đã biết lúc ban đầu thì thiên-hạ họ chê cười, mà thà là mình bị họ cười trước mặt, chớ không nên để hổ thầm trong lòng. Huống chi mình đã làm quấy thì mình phải chịu phạt, chớ mình làm quấy mà còn muốn làm mặt phải, dường ấy cái quấy của mình lại càng lớn hơn nữa.
Bà Phủ nghe tỏ ý như vậy thì bà lấy làm kỳ, bởi vậy bà mới hỏi gạn lại rằng:
- Bây giờ con tính cứ ở nhà như thường chừng đẻ con ra thì con nuôi, ai cười chê mặc ai hay sao?
- Dạ.
- Ứ hự! Con tính nghe kỳ quá. Thuở nay má chưa từng thấy ai mà tính như con vậy bao giờ.
- Ấy là tại họ hư mà muốn làm mặt nên bởi vậy họ tính giấu-giếm. Chớ phận con đây con đã hư rồi con chịu hư, nên con không thèm giấu ai hết.
- Con nói hơi liều mạng như vậy sao đươc. Con ở nhà thì họ cười con đã đành rồi mà họ cười luôn tới má nữa mới là khổ cho chớ. Con đành lòng để họ cười má rồi cười luôn vong hồn của ba con nữa sao?
Yến-Tuyết nghe nói tới vong-hồn cha thì mủi lòng, nên ngồi khóc tấm-tức tấm-tưởi, làm cho bà Phủ phải kiếm lời mà khuyên giải nữa.
Bà Phủ sợ con thất chí rồi làm bậy, nên bà ngủ chung với con, chớ không để cho con nằm một mình. Qua đêm sau bà lại lo mưu tính kế mà giấu-giếm nữa; bà muốn dắt Yến-Tuyết về Bà-Rịa, rồi đem ra phía Lưới-Rê mà gởi cho bà con, mà bà tỏ ý ra thì Yến-Tuyết cứ khóc hoài, ý muốn ở nhà chớ không chịu đi đâu hết.
Hai mẹ con hễ ban ngày thì ra vô ăn uống như thường, còn ban đêm thì đóng cửa vào trong phòng mà tính việc nhà. Mà ngặc con một ý, mẹ một ý, nên tính hoài mà cũng không nhứt định lẽ nào. Lối nửa tháng hai Trường-Xuân mới nói với vợ để qua thăm dì được. Anh ta thoát ra khỏi nhà thì mừng rỡ vô cùng tính đi riết qua đặng thấy mặt Yến-Tuyết. Anh ta xuống xe đi vô nhà chơn bước khấp-khởi, miệng cười ngỏn-ngoẻn, tưởng là mình lâu qua hễ qua tới thì dì mừng rỡ em vui cười, chẳng dè bước vô nhà thì bà Phủ chào sơ sài rồi ngó chỗ khác mà ăn trầu, không niềm-nỡ như xưa nay vậy, còn Yến-Tuyết thì đi đâu mất, không thấy tăm dạng chi hết. Anh ta kéo ghế mà ngồi, không biết có việc chi mà coi bộ dì buồn dữ vậy, trong lòng lấy làm ái-ngại, song không lẽ ngồi lặng-thinh hoài, nên phải làm gượng mà nói rằng: “Hổm nay dì ở bên nây mạnh giỏi thế nào? Hôm Tết dì dặn cháu có rảnh thì qua dì nói chuyện, mà xưa rày mắc lận-đận hoài đi không được. Không biết dì có việc chi đó vậy dì há?
Bà Phủ không trả lời. Bà kêu thằng Quới sai đi chợ, và biểu chín Hữu coi nấu cơm ăn, rồi bà mới day qua ngó Trường-Xuân mà nói rằng: “Ừ, dì có việc muốn nói với cháu, xưa rày dì có ý trông hoài, mà không thấy cháu qua. Cháu là một đứa khốn-nạn lắm. Cháu đã có học-thức mà lại làm ông nầy ông kia với người ta, sao cháu không biết giữ luân thường; em cháu khờ dại, lẽ thì cháu phải lo gìn giữ giùm danh tiết cho nó mới phải, chớ sao cháu lại đành lòng làm những điều tồi phong bại tục, khiến cho em cháu nó nhơ danh xủ tiết như vậy?”
Trường-Xuân lấy làm hổ-thẹn nên ngồi gục mặt xuống đất mà lặng thinh không biết sao mà trả lời, mà cũng không dám ngó bà Phủ. Bà Phủ thấy vậy mới nói tiếp rằng: “Thôi, việc cháu làm thì cháu phải chịu, bây giờ nó đã có nghén lỡ rồi, vậy cháu tính sao thì cháu tính đi cho xong, chớ để vài tháng nữa bụng nó lớn đây mang xấu hết cả bầy cả lũ”.
Bà Phủ nói mà nước mắt rưng-rưng. Trường-Xuân nghe Yến-Tuyết có nghén thì thất kinh, mày mặt tái xanh, mồ-hôi nhỏ giọt, bối-rối trong lòng, không biết nói sao cho được, duy nói nhỏ rằng: “Cháu có dè mà hại đến như vầy đâu”. Bà Phủ thấy vậy mới tiếp mà nói rằng: “Dì nghĩ lại dì giận cháu lắm. Tại cháu làm mà hai tháng nay dì khóc hết nước mắt, ăn ngủ không đặng. Còn con nhỏ nó tức tối hổ-thẹn chịu không kham, nay nó đòi thắt họng, mai nó đòi uống thuốc độc, làm cho dì lo sợ không biết chừng nào. Cháu nghĩ coi việc cháu làm nó hại dường nào. Hổm nay dì tính để đi Sài Gòn mướn phố trong hóc trong hẻm mà giấu nó, nuôi đến chừng nào nó đẻ rồi dì sẽ đem nó về, mà nó không chịu, nó quyết ở nhà mà thôi, không thèm giấu-giếm ai hết, ai cười thì nó chịu, bởi vì nó dại nó lầm lỡ thì nó phải mang tiếng quấy. Nếu để nó ở đây thiên-hạ họ hay thì xấu hổ cả và tông-môn, bởi vậy dì mới không bằng lòng; dì sợ nó cùn trí rồi tự-vận lại càng khốn-khổ hơn nữa, nên dì không dám rúng ép”.
Trường-Xuân nghe rõ đầu đuôi, ngồi thở ra lặng thinh một hồi rồi hỏi rằng:
- Sao dì chắc nó có nghén.
- Sao lại không chắc.
- Nếu nó không chịu đi Sài Gòn thôi thì đem nó vô trong ruộng hoặc trong vườn mà giấu nó có được hay không?
- Dì cũng có tính như vậy mà nó cũng không chịu.
- Cha chả! Nếu vậy thì khó quá.
- Bởi vậy hổm nay dì rầu biết chừng nào. Nếu nghe lời nó cứ để nó ở trong nhà hoài, trong vài tháng nữa bụng nó lớn đây thì thiên-hạ họ cười chết, dì chịu sao nổi. Mà dì lại còn sợ một nỗi nữa con ba ở bển nó hay được thì còn gì thể-diện của dì.
Trường-Xuân nghe nói tới chuyện vợ hay thì lo sợ quá đỗi, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Cha chả! Nếu vợ cháu mà nó nói thì xấu hổ lắm. Mà lúc nầy đã có giấy cho ông gia cháu hưu trí rồi, cháu đương sửa-soạn ra tranh chức Cai-tổng, nếu nó hay nó phá hoang thì khổ cho cháu biết chừng nào.
- Vậy chớ biết làm sao bây giờ? Chớ chi hôm lúc Tết có ai đi nói, dì gả phứt nó thì xong quá.
- Thưa dì, cháu tính như vầy, dì nghĩ thử coi có được hay không?
- Cháu tính sao đó?
- Dì cũng biết, việc gia-đạo của cháu khó lắm. Thuở nay cháu được đẹp mày nở mặt với người ta ấy là nhờ bên vợ. Nay mà cháu được làm Tổng hay là không được thì cũng là nhờ bên vợ nữa. Nếu việc nầy mà lậu ra đến tai con vợ cháu thì dì đã hổ thẹn, mà cái thân cháu đây cũng phải mang khổ. Vậy mình phải lo làm sao mà giấu cho nhẹm việc nầy mới được. Dì mới ước rằng phải có ai đi nói, dì gả phứt con hai cho êm, vậy cháu xin dì cho phép cháu kiếm người nôm nó, cháu kiếm đứa nghèo khổ cháu cho tiền bạc nhiều thì tự nhiên nó chịu liền chớ không khó gì.
- Dì ước là ước hồi nó chưa có nghén kìa, chớ bây giờ nó nghén đã gần 2 tháng rồi ai mà chịu đi cưới. Nếu mình gạt họ rồi chừng họ đi cưới bụng nó thè-lè thì mình làm sao mà nói với họ?
- Thưa dì, việc đó không hại gì. Cháu nói thiệt trước với người ta, hễ họ đành như vậy mình mới cho cưới chớ. Thuở nay con nhà giàu sang nếu rủi ro chửa oan thì họ làm như vậy thiếu gì.
- Cha chả! Mà biết họ chịu hay không?
- Cháu lựa mấy đứa nghèo nàn, cháu cho một đôi ngàn thì nó chịu liền, có khó gì đâu.
- Sợ mấy đứa tầm bậy, con nhỏ nó không ưng.
- Phải ưng đỡ đặng mà che miệng thiên-hạ. Chớ chọn lựa chỗ đương môn đối hộ thì họ có chịu đâu.
- Thôi, cháu đi ra ngoài chợ mà chơi một chút, để dì dọ ý con nhỏ thử coi, rồi cháu trở về đây dì sẽ trả lời cho cháu.
Trường-Xuân nghe lời leo lên xe hơi mà đi. Bà Phủ vô buồng thấy cửa buồng khóa chặt, bà gõ cửa mà kêu. Yến-Tuyết đi lại mở cửa, rồi hỏi mẹ rằng: “Anh khốn-nạn đó còn lân-la tới nhà chi nữa vậy?”
Bà Phủ ngồi trên giường biểu con lại ngồi một bên rồi bà òn-ỷ mà tỏ sự bà muốn kiếm người nghèo cực đặng họ nôm đỡ, trước là danh tiếng của mẹ con vẹn-toàn, sau nữa đường công-danh của Trường-Xuân khỏi lỡ-dở. Yến-Tuyết nghe nói liền hỏi rằng:
- Anh đó ảnh bày như vậy phải không má?
- Ơ … ừ … Nó tính như vậy đó, mà má nghĩ tính như vậy thì hay lắm đa con, nếu con bằng lòng thì mẹ con ta khỏi mang tiếng.
- Má tưởng làm như vậy rồi khỏi xấu hay sao?
- Có ai biết đâu mà họ cười. Hễ kiếm được người rồi thì má cho cưới liền.
- Nếu cưới có 6, 7 tháng rồi con đẻ, thì làm sao mà họ không biết con có chửa hoang?
- Thiếu gì cách nói. Mình nói đẻ thiếu tháng cũng được mà.
- Mà ví dầu mình dối người ngoài được đi nữa, còn cái anh đi nôm đó làm sao mà dối ảnh?
- Thì mình đã nói trước cho nó biết rồi, mình có dối trá gì đâu.
- Nếu nói trước ai thèm cưới.
- Má làm sao thì má làm, miễn là có người ta chịu cưới con thì thôi, con đừng lo.
- Con đã thất tiết thất trinh rồi, bây giờ con còn mặt mũi nào mà dám động phòng hoa chúc. Thưa má, xin má để cho con chết phứt cho rồi, chớ lấy chồng như vậy hổ-thẹn, con làm không được.
- Nếu con cãi lời má hoài, thì cũng như con bưng danh-giá của tông-môn mình mà con trút xuống sông vậy.
Bà Phủ nói dứt lời, thì ngồi khóc coi thảm thiết lắm. Yến-Tuyết nghĩ mình làm quấy để mẹ ưu phiền, thì trong lòng đau đớn chịu không được bởi vậy cô cũng khóc òa mà thưa rằng: “Con thấy má ưu phiền chừng nào con càng muốn chết chừng nấy. Thôi xin má đừng có khóc nữa, má tính thế nào con cũng bằng lòng. Ngặt vì thuở nay con vẫn mong đem tấm gương trong mà gởi cho chồng, nay tấm gương của con đã đục rồi, nếu con trao cho chồng thì con hổ lắm. Má tính để má kiếm người nghèo cực mà mướn họ nôm đỡ. Vậy thì con xin má cho họ tiền bạc cho nhiều đặng giao với họ cưới thì cưới mà họ không được ăn nằm với con. Nếu được như vậy thì con mới bằng lòng, bởi vì ý con đã nhứt định không chịu thất thân với ai hết. Con nghĩ người nào mà chịu cưới con là vì có bạc tiền nên họ mới chịu, bởi vậy nếu mình buộc thêm việc ấy họ cũng chẳng kèo nài gì.”
Bà Phủ nghe con nói như vậy thì ngồi suy nghĩ một hồi rồi bỏ đi ra ngoài. Cách chừng nửa giờ Trường-Xuân trở lại, bà Phủ mới thuật mấy lời của Yến-Tuyết lại cho Trường-Xuân nghe, Trường-Xuân gật đầu và đáp rằng: “Con hai nó tính như vậy cũng phải. Thôi, việc ấy cháu xin dì đừng lo, để cháu tính trong năm ba bữa cháu sẽ qua cho dì hay”.
Trường-Xuân từ giã bà Phủ ra về. Lên xe ngồi anh ta nghĩ bên Bến-Tranh không có ai, nhưng nếu về bển mà kiếm người thì lấy làm bất tiện lắm, chi bằng mình ra ghé chợ Tân-An mà nói thiệt với em mình là thầy giáo Nguyễn-tế-Thế nghe, rồi mình cậy nó tính giùm, dầu tốn hao năm ba ngàn đồng mình cũng chịu, chớ để đổ bể ra đây mình chắc hụt làm Tổng, mà lại sợ hết đi xe hơi nữa được.
Thầy giáo Nguyễn-tế-Thế là anh em với Trường-Xuân, một đàng là con nhà cô, một đàng là con nhà cậu. Thầy đã 25 tuổi mà chưa có vợ, nhà ở gần lối trường học. Trường-Xuân ghé xe trước nhà, thì thầy đi dạy học cũng vừa mới về tới đó. Anh em mừng rỡ nhau rồi Tế-Thế mời Trường-Xuân vô nhà, hối trẻ nấu nước mà đãi khách. Trường-Xuân thấy trời gần tối ý muốn về cho mau, nên cản không cho nấu nước nôi chi hết, vừa ngồi xuống thì kêu Tế-Thế mà nói rằng:
- Nầy em, qua có một việc rối quá, nên ghé cậy em phải giúp qua mới được.
- Việc gì vậy?
- Để qua nói thiệt em nghe. Dì Phủ của qua em biết không?
- Biết.
- Ờ, dĩ có một đứa con gái, là con hai Tuyết, đã khôn-khéo mà đẹp-đẽ lắm.
- Cô đẹp thiệt, mà anh để cho người ta khen chớ anh khen sao phải.
- Để qua nói em nghe. Bởi vì nó đẹp quá nên hôm tháng chạp qua đến chơi, qua thấy nhan sắc của nó qua dằn không được, qua làm bậy trai gái với nó bây giờ lỡ nó có chửa rồi, em.
- Húy! Trời ơi!
- Thiệt khổ lắm! Bữa nay qua đi thăm qua mới hay. Việc nầy chưa ai hay hết. Qua tin em lắm qua mới tỏ thiệt với em.
- Bây giờ anh biểu tôi nôm hay sao anh?
- Không .. Mà ví dầu em nôm, nghĩ cũng không hại gì.
- Trời ôi! Anh khéo nói không! Ai đi làm như vậy cho được anh.
- Nó lịch sự lắm em.
- Ủa! Lịch sự mà làm gì?
- Mà nó có của nữa.
- Có của thì có chớ.
- Mà không phải qua cậy em nôm đâu mà em sợ. Em cũng biết, con gái mà có chửa oan thì xấu hổ lắm. Huống chi hai Tuyết là con quan, nếu thiên-hạ hay thì còn gì danh tiếng. Mà phận nó mang tiếng xấu đã đành, ngặt lúc nầy qua đương tính tranh Cai-tổng, nếu đổ bể thì khổ cho qua lắm. Vậy qua tính kiếm người nghèo-nàn đặng mướn họ nôm đỡ nó, họ đòi năm ba ngàn gì qua cũng chịu hết thảy, miễn là giấu cho nhẹm thì thôi. Em làm ơn kiếm giùm một người cho qua, tốn hao bao nhiêu em đừng ngại. Họ đòi ăn tiền bao nhiêu cũng được, song qua buộc họ hai điều này: điều thứ nhứt là họ cưới mà họ không được ăn nằm với con hai Tuyết; điều thứ nhì là chừng nào con hai Tuyết đẻ xong rồi, bất luận là ngày nào, hễ qua biểu họ thôi thì họ phải thôi liền. Tại ý dì Phủ muốn như vậy, chớ qua không can gì. Em làm ơn giùm cho mau mau, nếu việc thành rồi qua thưởng công em trọng lắm. Mà việc nầy kín lắm, em đừng có nói bậy cho họ hay nghe không em.
Tế-Thế ngồi ngẫm-nghĩ một hồi rồi đáp rằng: “Có lẽ được. Hôm tháng trước tôi đi chơi bên Mỹ-Tho, tôi có gặp một người bạn học hồi trước đi lình-xình ở bển, quần áo lang-thang, coi bộ nghèo-khổ lắm. Tôi hỏi thăm thì anh ta nói anh ta làm việc Trạng-sư. Thôi, để mai nhằm ngày chúa-nhựt tôi đi qua nói giùm thử coi, nếu anh cho tiền nhiều thì chắc anh ta chịu”.
Trường-Xuân nghe nói thì mừng hết sức liền móc túi lấy ra một tấm giấy hai chục đồng mà đưa cho Tế-Thế đặng làm phí-lộ mà đi, rồi đứng dậy từ mà về. Tế-Thế đưa ra tới ngoài đường. Trường-Xuân lên xe rồi dặn với rằng: “Em ráng hết lòng mà lo giùm việc đó cho qua nghé. Hễ được thì đánh dây thép cho qua hay … Mà thôi, để trưa thứ hai tới qua đây mà hỏi thăm thì tiện hơn. Em vô nghỉ, qua về nhé.”
Tế-Thế trở vô nhà đi qua đi lại miệng chúm-chím cười hoài.