VoGiaChongTre

Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười

Toàn bộ dạng PDF

Vợ già chồng trẻ

Phần hai:

      Cách ba bữa sau.

      Gà cồ trong xóm Ụ Tàu tiếp nhau gáy sáng. Gà ở mé kinh bên kia cũng hưởng ứng gáy theo.

      Cô Hiền, là con gái của bà Lữ, góa chồng, ở gần nhà thợ Hai Túc, nghe tiếng gà gáy thúc mới mở hé cửa dòm ra ngoài. Thấy ngoài đường sắp sáng gấp, nên đi được, cô bèn lấy cái khăn vằn sọc xanh mà choàng đầu, rồi bưng thúng xôi đi bán dạo.

      Ra tới đường quan lộ có trải đá, cô Hiền đi được chừng mười bước cô thấy có người nằm nghiêng vắt ngang trên khúc cây bần[1] người ta đốn bỏ bên mé đường để khô rồi sẽ khiêng về mà bửa làm củi. Cô không hiểu ai làm gì nằm đó, cô bước lại gần mà coi mặt. Trời chưa sáng, thấy không rõ, nhưng gương mặt mường tượng thợ Hai Túc, cô vội vã thối lại mà đi riết vô nhà Hai Túc kêu chị Hai Xuyến hỏi có Túc ở nhà hay không.

      Hai Xuyến đã thức dậy lâu rồi nhưng thấy trời chưa sáng thiệt nên chưa mở cửa. Cô nghe Hiền kêu mà hỏi thì cô vừa mở cửa, vừa trả lời:

-         Không có ở nhà. Đi làm mà chiều hôm qua không có về ăn cơm, đi mất luôn đêm nay nữa. Cô hỏi chi vậy?

-         Chị ra đây coi. Tôi đi bán, ra tới lộ tôi thấy có ai nằm vắt ngang trên khúc cây bần, bộ giống ảnh quá. Chị ra coi phải ảnh hay không?

-         Trời Đất ơi! Hay là đi về mà say quá nên té nằm đó. Đâu, chỗ nào đâu, cô dắt chỉ cho tôi coi.

      Hai người vừa đi vừa chạy.

      Trời sáng lần lần, bây giờ đã thấy rõ, nên đi gần tới Xuyến vừa ngó thì biết là chồng, mới chạy lại ôm ngang mình mà đỡ dậy.

      Hai Túc không cựa quậy, cặp mắt mỡ trao tráo. Xuyến đỡ không nổi. Cô rờ tay chưn đều lạnh ngắt. Cô đưa tay ngay lỗ mũi thì không còn thở. Cô vùng la lớn: “Trời Đất ơi! Chết rồi còn gì đâu! ”

      Xuyến đứng dậy vừa cậy Hiền làm ơn chạy về kêu anh Bảy Cao với Giao. Cô đứng một mình ngó thây chồng mà khóc, không dám rờ tới nữa.

      Vợ chồng Bảy Cao thức dậy rồi, nghe Hiền kêu Giao mà nói Hai Túc chết thì kinh tâm, vội vã tung cửa ra hỏi chết ở đâu. Hiền chỉ ngoài lộ và nói có Hai Xuyến ra ngoài chỗ đó rồi. Cao biểu kêu giùm Giao dậy. Anh chạy riết ra lộ.

      Giao còn đương ngủ, nghe kẻ kêu người hỏi om sòm, giựt mình ngồi dậy nghe nói Hai Túc chết ngoài lộ thì tái mặt, mắt nhắm mắt mở, nó nhảy xuống đất xô cửa mà ra, rồi thấy Bảy Cao chạy, nó cứ chạy theo, không thèm hỏi hai chị đàn bà đương nói chuyện. Hai chị cũng lật đật đi theo. Qua khỏi nhà Hai Túc, Giao gặp con Tý đương chạy ra lộ. Giao tránh nó mà dông[2] theo cho kịp Bảy Cao.

      Cao với Giao đến một lượt. Hai Xuyến khóc mà nói: “Chết rồi, còn gì đâu anh em. Chiều hôm qua đi làm không có về, mất biệt luôn tới đêm nay. Hồi nãy cô Hiền đi bán xôi, cô thấy nằm đây. Cô chạy về kêu tôi. Tôi ra thì đã chết bao giờ rồi. Tôi đỡ lên không nổi. Vậy hai anh em làm ơn khiêng giùm về nhà.”

      Bảy Cao nói: “Không được. Chú Hai chết nằm bên đường, chết hồi nào và tại sao mà chết mình không biết. Vậy mình không nên động tới tử thi. Phải đi ra bót mà báo cho ông cò[3] vô tra xét coi chú có thương tích gì hay không, tại sao chú chết. Không biết chừng chú bị người ta đánh chết. Phải để cho nhà chức trách tra xét rồi mình sẽ xin xác về mà chôn chớ. Em Giao em chạy ra bót mà báo cho ông cò hay giùm chút em.”

      Giao nói nó ở trần, nó tới bót[4] vô phép quá. Để nó về bận áo rồi nó đi. Cao nói thôi nó ở nhà coi chừng để Cao đi ra bót.

      Hiền bưng xôi đi bán để vợ Bảy Cao ở đó với Hai Xuyến. Con Tý ngồi ngó thây cha mà khóc làm cho Giao động lòng. Giao chạy về nhà rửa mặt và bận áo rồi trở ra.

      Hai Xuyến cứ khóc hoài. Thấy Giao ra, cô nói cô chắc chồng cô say quá, đi về dọc đường ba chùm ba chân vấp té rồi nằm đó, dậy không nổi nên nhiễm gió mà chết, chớ không phải bị ai đánh. Nếu đánh lộn thì phải có vết tích. Không có máu, còn mặt mày không sưng không bằm có phải bị đánh đâu.

      Vợ Bảy Cao nói phải để cho quan thầy khám nghiệm, người ta mới biết tại sao mà chết. Không chừng đâu trong mình làm sao mình thấy được.

      Mặt trời vừa mọc thì có một thầy đội với hai anh lính cỡi xe máy vô tới. Ba người xúm lại xem tử thi. Thầy đội biểu Giao dở áo của Túc coi, thì ngực và lưng không có vết tích chi hết.

      Bảy Cao về tới, Giao nói không có bị đánh, chắc uống rượu say té nhiễm gió.

      Thầy đội nói thầy ở Vĩnh Hội mấy năm rồi, thầy biết anh thợ máy nầy có tật say. Tuy vậy mà để thầy tra hỏi mấy quán dọc đường coi hồi hôm anh ta nhậu nhẹt quán nào, nhậu với ai rồi sẽ biết. Thầy biểu hai anh lính ở đó gác, để thầy về kêu xe Hồng Thập Tự chở lên nhà xác cho quan thầy khám nghiệm.

      Giao nói với Hai Xuyến để nó với Bảy Cao ra hãng cho anh em trong sở hay và xin với ông xếp ở nhà đặng giúp chị mà lo cuộc tống táng Hai Túc.

      Thầy đội cỡi xe máy đi về.

      Vợ Bảy Cao không nỡ bỏ mà về nên phải ngồi lại đó mà an ủi mẹ con Hai Xuyến.

      Gần 8 giờ, Bảy Cao trở lại, có Tư Thìn theo. Hai người cỡi hai chiếc xe máy. Bảy Cao nói với Hai Xuyến rằng thằng Giao xin phép nghỉ không được, bởi vì Hai Túc mất thì nó phải thế mà cho máy chạy, nếu nó nghỉ thì không ai coi. Ông xếp cho phép Bảy Cao với Tư Thìn ở nhà đặng lo làm đám ma cho Hai Túc cũng đủ. Thầy Năm Giác lãnh làm sổ đặng góp tiền anh em lớn nhỏ trong hãng ai muốn phúng điếu bao nhiêu thẩy[5] thâu giùm cho.

      Vợ Bảy Cao hỏi xe máy ở đâu mà ảnh cỡi đi đó. Ảnh nói của anh em trong hãng cho mượn đặng ảnh đi lo công việc cho lẹ.

      Một lát có xe Hồng Thập Tự lại chở tử thi đem lên nhà xác. Hai Xuyến hỏi phải đem lên đó mà mổ hay sao. Người ta nói đem lên cho quan thầy thuốc khám nghiệm coi chết vì cớ nào và chết hồi mấy giờ. Có khi quan thầy không cần mỗ thì mình xin xác liền chở về làm đám ma. Còn nếu phải mổ rồi thì mình liệm rồi cũng xin phép đem về mà tế lễ được. Hai Xuyến gởi con Tý ở nhà với vợ Bảy Cao. Chị về lấy tiền bạc rồi kêu xe xích lô đi theo xác chồng với Bảy Cao và Tư Thìn.

      Xe hơi Hồng Thập Tự chạy mau, mấy người theo không kịp. Tư Thìn nói không hại gì. Anh biểu Bảy Cao cứ lên nhà xác ở đó mà chờ, để anh ghé trại hòm Cầu Ông Lãnh biểu trại hòm cho xe lên chở tử thi về Ụ Tàu rồi chở hòm qua đó mà liệm. Còn như quan thầy định phải mổ thì anh trở về biểu trại hòm chở hòm với đủ đồ tẩm liệm đem lên nhà xác mà liệm rồi sẽ chở về Ụ Tàu mà cúng tế. Bề nào cũng phải bữa sau mới chôn được.

      Hai Xuyến với Bảy Cao lên nhà xác ngồi dựa gốc cây mà chờ hơn nửa giờ thì anh Tư Thìn cũng lên tới. Anh nói anh sắp đặt đã xong rồi hết.Vì anh quen với chủ đồ âm công nên họ tính với giá rẻ, lại cho chôn trong đất riêng của họ nữa. Họ cũng lãnh đi khai tử và lo giấy tờ phép tắc, mình khỏi lo gì hết.

      Đến 11 giờ, Ông Đốc tơ[6] mới lên nhà xác. Nhân viên trong nhà xác đã lột hết áo quần của Hai Túc, để anh nằm trần truồng trên bàn sẵn ra. Đốc tơ xem phía trước rồi biểu lật cho ông xem sau lưng và hai bên hông. Tuy không thấy vết tích chi hết mà Đốc tơ định phải mổ.

      Tư Thìn nghe nói mổ thì anh biểu Bảy Cao với cô Hai Xuyến ở đó, anh cởi xe máy đi xuống Cầu Ông Lãnh liền.

      Đốc tơ mổ ngay lá mía thì thấy lá mía bể, nên nạn nhơn mới chết. Nhưng coi ngoài ra ngay chỗ đó thì không thấy bầm hoặc có một dấu chi hết. Ông nói có lẽ người ta đá hoặc đập một cây ngay chỗ đó nên lá mía bể mà ngoài ra không có một vết thương chi hết. Ông coi trái tim và nói nạn nhơn tắt thở trong khoảng từ 9 tới 10 giờ trong đêm rồi. Thầy y tá gom đồ mổ bỏ vào cái hoa ly rồi xách lên xe đi với ông Đốc tơ.

      Cách một chút xe hơi chở hòm lên tới, cô Tư Thìn đem xe máy lên để trên xe mà ngồi.

      Nhơn viên của nhà âm công[7] khiêng hòm và đồ vô nhà xác mà liệm Hai Túc, trước mặt vợ anh đứng khóc dầm và hai người bạn rất cảm xúc.

      Liệm xong rồi mới khiêng để lên xe hơi. Anh sớp phơ nói xe rộng nên anh mời cô Hai Xuyến và Thìn bỏ xe máy lên xe hơi rồi anh chở hết về Vĩnh Hội cho mau.

      Gần một giờ trưa xe chở quan tài mới về tới Ụ Tàu. Thằng Giao chưa đi làm buổi chiều, nó dắt con Tý chạy ra tiếp rước. Vợ Bảy Cao, mẹ con bà Lữ, vợ chồng ông Kèo đều có ra đủ hết.

      Bảy Cao biểu Giao theo anh trở vô dọn chỗ đặng để quan tài. Vác ván bưng bàn đem để ngoài sân cho trống hết phía trước rồi người ta khiêng quan tài vô. Mấy người ở xóm trong hay tin kéo nhau ra phân ưu với cô Hai Xuyến.

      Tư Thìn định trưa bữa sau, lối 12 giờ rưỡi thì phát hành đi chôn đặng anh em trong hãng có thể đưa một khúc đường cho được. Nhơn viên nhà âm công hứa sẽ đem xe có phủ mộ lại trước 12 giờ, rồi lên xe đi về.

      Bây giờ Tư Thìn với Bảy Cao giao cho đàn bà trong xóm lo việc cúng quải, hai anh đi ra quán ăn cơm rồi lo việc khác, người đi cho anh em trong hãng hay quan tài chở về rồi và định giờ chôn cũng rồi, người đem giấy căn cước của Hai Túc giao cho chủ đồ âm công mà cậy đi khai tử, xin phép chôn và dặn đào huyệt cho tử tế.

      Được tờ chứng chỉ của ông Đốc tơ về cuộc khám nghiệm tử thi, ông xếp bót Vĩnh Hội nghi Hai Túc có đánh lộn với ai, bị người ta đá hoặc đập bể lá mía nên mới chết, bởi vậy buổi chiều ông mở cuộc điều tra liền. Ông xét hỏi thì chiều bữa trước, mãn giờ làm việc rồi, Hai Túc về trong kinh có ghé quán thím Phòn mà ăn nhậu. Đòi thím Phòn ra bót thì thím chịu có như vậy. Thím khai thì hồi chiều Hai Túc ngồi nhậu một mình. Đến chạng vạng tối thì có tên Quì với tên Kèn làm việc cho hãng dầu phọng bên Cầu Kho, nhà ở phía dưới sở rác, hai người ghé quán ăn uống nữa. Hai Túc quen với tên Quì nên ban đầu hai người nói chuyện với nhau rất vui vẻ và thân thiết. Ly nầy tiếp ly nọ, ba người ngồi nhậu hoài không ai chịu về.

      Nhậu đến quá 9 giờ, Hai Túc với tên Kèn say nhiều, duy có tên Quì còn tỉnh táo. Túc với Kèn nói chuyện rồi cãi lẽ với nhau, la lớn tiếng lại muốn gây lộn nữa. Tên Quì tỉnh nên can gián, trả tiền rượu, rồi nắm tay kéo tên Kèn ra lộ và dắt đi về phía dưới nhà máy. Hai Túc cũng trả tiền ăn uống rồi đi về sau, đi vô phía hãng dệt, mà ra lộ rồi thì chưn bước tới, chưn thối lui, đâm qua vát lại, bộ đi không vững. Đòi tên Quì với tên Kèn mà hỏi thì hai tên nầy cũng khai y như lời của thím Phòn. Quì cương quyết nói thấy Kèn say quá nên nó dắt về trước, bỏ Túc ở lại sau, không hiểu Túc đi đâu hay là còn uống tới chừng nào. Hai người ở phía dưới nhà máy khai có gặp dắt Kèn về. Bà già ở khít vách với Kèn khai đêm đó Kèn say về mửa rồi ngủ khò tới sáng, không nghe la rầy chi hết.

      Ông xếp bót đòi cô Hiền bán xôi mà hỏi cô gặp tử thi hồi nào và thấy nằm cách nào. Hỏi xong hết rồi, ông đoán Hai Túc say quá đi không vững, ba chùm ba chân vấp khúc cây bần mà té, rủi khúc cây chạm ngay chỗ lá mía mà chết, chớ không phải bị ai đánh đá.

      Thợ thuyền trong xóm Ụ Tàu hay Hai Túc chết vì rượu thì giựt mình, ai cũng quyết bỏ cái tật hễ đến bữa lãnh tiền thì rủ nhau ghé quán nhậu nhẹt. Thằng Giao thề trước mặt vợ chồng Bảy Cao trọn đời nó không bưng ly rượu mà uống.

      Hạng bình dân ở với nhau thật có lòng. Dầu bình thường hai người không ưa nhau đi nữa, rủi có người nầy chết thì người kia cũng tận tâm lo lắng. Nông dân ở chốn thôn quê cũng vậy, mà thợ thuyền ở nơi thành thị cũng vậy. Họ có tình đoàn kết dĩ nhiên. Quan, hôn, tang, tế phải giúp nhau. Một người được vui cả thảy đến mừng. Một nhà bị tai họa cả thảy đến chia buồn và lo lắng. Đó là cái tập quán di tích của phong hóa cổ truyền. Người ở trong xóm một làng thì chung vui chia buồn với nhau, không cần ai ép buộc hay rù quến. Phải có ở chung lộn với giới bình đân Việt Nam mới thấy rõ cái cá tánh đặc biệt của dân tộc đó.

      Vì cái tình đoàn kết cố hữu như vậy mà buổi chiều đó cả xóm Ụ Tàu ra tới xóm dọc theo mé kinh, ai có ở nhà thì đều đến thăm Hai Xuyến tỏ lời phân ưu và cúng chút đỉnh để tống táng người quen biết cho linh hồn người được an vui nơi chín suối. Gần tối thầy Năm Giác, nhơn viên của hãng cưa, với bốn anh thợ thuyền làm trong hãng, thay mặt cho anh em lớn nhỏ đem nhan đèn với một bó hoa tươi vô cúng Hai Túc với năm trăm đồng bạc của anh em chung đậu và cũng có ông chủ với mấy ông xếp phụ thêm để góp sức mà lo cuộc tống chung của Hai Túc.

      Tư Thìn lãnh chấp hết các số tiền phúng điếu để rồi đám trả tiền mua hòm tẩn liệm, tiền phủ mộ chở đi chôn, cùng các số tiền tổn phí lặt vặt khác.

      Trưa bữa sau đi chôn thì người trong xóm với anh em ngoài hãng theo đưa cả trăm. Những người mắc làm việc thì đưa ra tới bến đò Cầu Kho rồi đi làm, để cho Tư Thìn với Bảy Cao được phép nghỉ trưa luôn lên tới Hoà Hưng với cô Hai Xuyến và mấy chị đàn bà ở xóm Ụ Tàu.

      Chiều Giao đi làm về, thấy chị Hai Xuyến chôn cất chồng xong, chị đã về rồi, thì Giao ghé vô mà hỏi thăm. Hai Xuyến mượn Giao phụ với chị khiêng cái bàn ngoài sân vô để dựa tấm vách buồng làm bàn thờ Hai Túc. Còn bộ ván[8] dầu nhỏ chị muốn lót dựa vách, gần ngoài cửa cho sáng đặng chị ngồi may. Giao không cho chị khiêng, biểu để một mình nó ôm nổi, nó mới ôm ván vô lót chắc chắn theo ý chị muốn.

      Giao dọn dẹp giùm rồi mới về ăn cơm với vợ chồng Bảy Cao. Bảy Cao nói Hai Túc chết rồi chắc Giao sẽ đứng coi cho máy chạy thế cho Hai Túc. Giao nói ông xếp đã có tính như vậy rồi, vì kêu thợ khác sợ họ không quen rồi máy trục trặc.

      Đến tối Tư Thìn vô kêu Bảy Cao đi với anh lại nhà Hai Xuyến mà tính sổ xuất phát. Giao với vợ Bảy Cao đi theo coi chơi.

      Tính sổ thì tiền phúng điếu được gần sáu trăm. Tư Thìn trả tiền tẩn liệm chôn cất đủ hết rồi thì còn dư được 52 đồng. Anh đếm mà giao cho Hai Xuyến. Vợ Bảy Cao nói hai bữa rày Hai Xuyến cũng tốn bộn, mua vải may đồ chế[9] cho hai mẹ con, mua đồ để cúng quải, sắm trầu cau, trà lá để đãi khách. Số tiền dư năm mươi mấy đồng đó chắc vừa đủ ngám[10] chớ không dư gì.

      Hai Xuyến nói chị bị tai họa nhờ anh em giúp công, giúp trí, giúp bạc, giúp lời, nếu không có vậy thì chị không biết làm sao mà chôn chồng cho được. Chị cám ơn Bảy Cao với Tư Thìn và cậy hai anh trao lời cám ơn của chị với các anh em lớn nhỏ trong hãng, ơn ấy không bao giờ chị quên.

      Các việc xong rồi mới rã.

      Vợ chồng Bảy Cao với Giao cũng về, ai về nhà nấy, không bàn luận tới sự Hai Túc chết. Nhưng mà đêm đó ba người nầy nằm suy nghĩ chắc chẳng khỏi nói thầm trong trí rằng Hai Túc chết thì Hai Xuyến hết tai họa, hết buồn rầu rồi.

      Tối một lát, chị Hai Xuyến đốt đèn để trên bộ ván gần cửa rồi bưng rổ may ra ngồi dựa ánh đèn mà may riết cái áo bà-ba bằng vải trắng cho rồi đặng sáng bữa sau người ta lấy.

      Vì sợ gió phất làm chao ngọn đèn nên chị khép bớt cánh cửa. Chị chăm chỉ ngồi may. Con Tý nằm chơi một bên, nó nói đỏ đẻ với mẹ một lát rồi ngủ khò. Giao ăn cơm rồi nó ngồi nói chuyện chơi với Bảy Cao một hồi rồi đi về, để cho ảnh nghỉ. Về tới cửa nó ngó thấy bên nhà Hai Túc có ánh đèn giọi ra ngoài. Nó nghĩ còn sớm về nằm một mình thì buồn, chớ chưa ngủ nghê gì được, nó bèn đi luôn, tính lại thăm chị Hai Xuyến một chút.

      Hai Xuyến ngồi may, tư bề vắng vẻ bỗng nghe như có người đi vô cửa, chị bèn ngước mặt lên mà ngó.

      Giao đứng tại cửa ngó vô mà hỏi:

-         Chị may tới ban đêm hay sao chị Hai?

-         Ừ, có cái áo gấp nên may cho rồi đặng mai giao cho người ta.

-         Tôi thấy đàng nầy đốt đèn, tôi tưởng có việc chi, nên tôi lại coi chị có cần dùng tôi hay không. Bất luận việc chi, hễ chị muốn có người giúp thì chị cứ kêu tôi, nghe hôn chị Hai. Chuyện chị em tôi không tiếc công với chị đâu. Hồi ảnh còn, tôi ăn ở làm sao thì bây giờ cũng vậy, chị đừng ngại chi hết.

-         Cám ơn em, em vô ngồi chơi.

      Giao vừa bước vô, vừa nói: “Chị mắc may. Tôi vô nói chuyện sợ làm mất thời giờ của chị.”

      Hai Xuyến chúm chím cười và nói: “May với tay, chớ phải may với miệng hay sao mà sợ mất thì giờ. Nhắc cái ghế kia ngồi nói chuyện chơi em.”

      Giao xách cái ghế đẩu đem để gần cái đèn mà ngồi, đối diện với Hai Xuyến. Nó ngó con Tý nằm day mặt vô vách rồi nó nói:

-         Con Tý ngủ rồi? Ngủ sớm dữ.

-         Nó ngủ nãy giờ. Có hai mẹ con, nó nói khào một lát rồi buồn nên ngủ.

-         Ảnh mất hổm nay coi bộ nó buồn hay không chị?

-         Thuở nay xẩn bẩn theo tôi, ít gần cha, bởi vậy nó không trìu mến cho lắm. Tuy vậy mà nó cũng buồn buồn. Hổm nay em làm gì ở đâu mà không lại đằng nầy chơi?

-         Hồi trước tôi lại có ảnh. Anh em ngồi nói chuyện chơi. Bây giờ tôi lại còn có một mình. Tôi sợ chị thấy tôi chị nhớ ảnh rồi chị buồn, nên tôi không muốn lại.

-         Thấy được một người cũng còn đỡ. Không thấy người nào hết mới buồn chớ.

-         Vậy à? Hổm nay tôi lo cho chị một chuyện, tôi lo quá.

-         Chuyện chi vậy em?

-         Thuở nay tuy ảnh hay nhậu nhẹt, song mỗi kỳ lãnh tiền ảnh cũng đưa cho chị mớ nhấm để mua cơm gạo mà ăn. Bây giờ không có ảnh nữa, chị với con Tý mới làm sao mà sống.

-         Tôi rất cám ơn em có lòng tốt lo cho phận mẹ con tôi. Thiệt hôm cô Hiền chạy về kêu tôi ra, tôi thấy ảnh nằm chết tôi bủn rủn tay chưn. Tôi cũng muốn chết phứt cho rồi. Em nghĩ coi trong nhà có năm ba đồng, chứ không có tiền dư nhiều. Tôi lấy gì mà chôn cất ảnh. Bà con anh em có thương ra tiền cho mượn thì tôi phải mắc nợ. Nợ đó là nợ ơn nghĩa, tôi phải lo mà trả người ta, chớ để day dưa sao được. Tôi làm gì có đủ tiền mà trả. Tôi nhờ anh em ngoài hãng với bà con trong xóm thương, ai cũng phụ giúp nên chôn ảnh tử tế lại còn có dư ít chục nữa. Tôi khỏi mắc nợ thiệt may hết sức. Còn phận mẹ con tôi thì tôi có lo đâu. Mẹ con tôi hẩm hút với nhau, không tốn hao bao nhiêu. Tôi nhờ nghề may của tôi, tuy ở đây may đồ vải nên tiền công không được nhiều song thế nào cũng đủ cơm gạo mà sống chứ. Tôi còn có nghề làm bánh nữa, bánh cam, bánh ếch, bánh ú, thứ nào tôi làm cũng ngon. Đợi ít năm nữa con Tý trộng rồi, tôi làm bánh cho nó bưng đi bán, hoặc nó coi nhà cho tôi đi, thì mỗi bữa kiếm lời dễ như chơi, làm sao mà đói.

-         Tôi nghe chị nói như vậy tôi mới hết lo. Hổm nay thiệt tôi lo cho chị về khoảng đó lung lắm. Tôi thiệt tình mà nói với chị. Nếu chị có thiếu hụt thì cho tôi hay. Tôi không phải giàu có gì, nhưng tôi có một mình nên bề của tôi dễ lắm. Tôi có thể nhín nhúc mà giúp cho chị được.

-         Tôi rất cám ơn em. Em cũng nghèo mà em thương bạn nghèo như vậy thì quí lắm. Lòng dạ tốt đó ít ai có.

      Giao đứng dậy ngó Xuyến mà nói: “Tại tôi có tánh kỳ cục lắm. Thấy ai bị hoạn nạn tôi chịu không được. Cũng tại cái tánh đó nên mỗi lần ảnh đánh chửi chị, tôi nghe chị la, chị khóc, tôi chạy lại tôi can liền. Mấy lần ảnh chửi luôn tới tôi, hay là ảnh thoi tôi, về nhà nằm nghĩ lại tôi phiền. Tôi làm ơn mà lại mắc oán. Tôi nhứt định không thèm can thiệp nữa, để cho ảnh giết chị đặng ảnh ở tù cho ảnh biết chừng. Té ra chừng ảnh làm dữ nữa, tôi nghe chị la khóc, tôi chịu không nổi, tôi cũng mang đầu chạy lại can nữa.”

      Xuyến nói: “Thiệt cha con Tý hễ say rượu thì ảnh như thằng điên, không biết phải quấy gì hết. Em út thương ảnh hết sức mà ảnh không biết ơn. Đánh vợ thì chòm xóm khuyên can, ảnh không kể, ảnh đánh chửi người ta mà có khi còn nói bậy nói bạ nữa chớ. ”

      Giao cười mà nói: “Ảnh là anh mà lại say nữa. Ảnh muốn nói giống gì ảnh nói, tôi không thèm kể, chớ người khác đối đãi tôi như vậy sao được chị Hai. Nói chuyện nghe chơi chứ ảnh chết rồi thì để cho vong hồn của ảnh bình yên, không nên nhắc cái quấy của ảnh. ”

      Giao bước lại trước bàn thờ đứng ngó, rồi đi luôn qua cửa buồng dòm vô trong tối đen. Nó vùng xây lưng đi ra và nói: “Thôi, tôi về nghe hôn chị Hai.”

      Xuyến buông kim ngó theo mà hỏi:

-         Em về hay sao? Sao không ở chơi? Còn sớm mà.

-         Về nghỉ để cho chị may. Bữa nào chị rảnh rồi sẽ lại nữa.

Giao ra cửa, đưa tay nắm cánh cửa, đứng ngó xuống mé kinh, dường như chưa muốn về gấp.

      Xuyến ngó theo mà nói: “Thôi tối mai em lại chơi. Mai không còn đồ phải may gấp nữa.”

      Giao ừ rồi bước ra đi liền.



[1] loại cây mọc nơi nước lên xuống, ngoài rễ đất còn có rễ phổi gọi là cặc bần, bông trắng, trái tròn dẹp.

[2] chạy lẹ.

[3]   cò : commissaire de police: cảnh sát điều tra, nhưng người bình dân gọi cảnh sát là cò, không nhất thiết là cảnh sát điều tra.
[4] (poste): trạm cảnh sát

[5] thầy ấy

[6] bác sĩ

[7] cửa tiệm lo việc chôn cất

[8] là một loại "bàn" thấp để nằm hoặc ngồi

[9] tang phục

[10] từ ngữ Việt hóa từ tiếng Hoa:vừa ngám=đúng kích thước, vừa đủ không dư không thiếu
[8] là một loại "bàn" thấp để nằm hoặc ngồi
[9] tang phục
[10] vừa đủ không dư không thiếu


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10