Phần mười:
Ðược nghe mẹ bày tỏ nỗi lòng, cô Tý cảm xúc quá, thương mẹ một là vì tình hai là nghĩa, nên phải ôm lòng đau khổ mà chịu, không dám làm buồn cho chồng. Ðêm đó cô thổn thức liệu lo, không biết làm sao gỡ mối sầu cho mẹ, bởi vậy gần hai giờ khuya, mệt mỏi hết sức cô mới ngủ được.
Ðến sáng chúa nhựt, quá 7 giờ rồi, mặt trời đã mọc lên cao, cô Tý mới thức dậy. Cô không thấy mẹ, chỉ có con Hoà bồng em ngồi chơi dựa cửa, cô hỏi nó vậy chớ bà đi đâu. Con Hòa nói hồi tảng sáng bà khuấy giùm sữa cho em bú rồi bà xách giỏ đi chợ.
Cô Tý đi rửa mặt rồi gỡ[1] đầu mà bới tóc.
Cô Xuyến đi chợ về, cô thấy con thì cô vui vẻ nói:
- Hồi sáng thấy con ngủ ngon quá, má để êm cho con ngủ, má đi chợ một lát. Má có mua ít gói xôi với vài cái bánh ú đây. Con muốn ăn thứ nào con ăn, hay là con muốn ăn hủ tiếu thì biểu con Hòa lấy tô đi lại đầu đường kia nó mua cho.
- Thôi, để con ăn một cái bánh ú cũng đủ...Sáng nay mà ba cũng chưa về thấy hôn má?
- Ừ, chừng nầy mà chưa về chắc chiều mới về.
Cô Xuyến lấy hai dĩa sắp xôi với bánh ú ra. Cô kêu con Hoà đem em vô để nó nằm chơi. Cô đưa cho Hoà một gói xôi biểu ngồi đó ăn với em.
Tý lấy một cái bánh ú mà ăn, rồi thay đồ mặc áo dài đàng hoàng. Cô Xuyến hỏi con tính đi đâu thì Tý nói ra chợ Sài gòn kiếm vải mà mua. Tý dặn Hoà ở nhà đúng 9 giờ khuấy sữa cho em bú rồi cô cầm bóp mà đi.
Ra tới đường lớn cô gặp một chiếc xe xích lô, cô bước lên mà ngồi, rồi biểu xa phu đi qua Cầu Dừa.
Hồi nãy sợ mẹ cản, nên cô phải nói dối với mẹ rằng cô đi chợ Sài gòn, chớ kỳ thiệt cô quyết đi tìm cha mà năn nỉ cho cha về. Cô tính nói thiệt cho cha biết nếu cha bỏ mẹ cô mà đi hoài như vầy thì chắc mẹ cô sẽ chết gấp, cô phải nói ngay ra coi cha nhẫn tâm mà giết người đàn bà ngày trước tin tình yêu bền vững của cha nên mới trao thân gởi phận.
Xe qua tới dốc Cầu Dừa, cô biểu xa phu ngừng lại, cô bước xuống mở bóp trả tiền xe. Nhớ lời mẹ nói hồi hôm cô lại con đường nhỏ dọc theo mé rạch mà đi vô. Vừa khỏi hai cái nhà lá thì cô thấy có một cái nhà ngói hai căn, lại thấy rõ ràng có Giao đương đứng trước cửa ngó xuống rạch.
Cô Tý đi riết lại gần tới và kêu “Ba” một tiếng lớn. Giao quay qua ngó thấy Tý thì chưng hửng, nên đứng trơ trơ, không kịp tính trốn lánh ngả nào hết.
Cô Tý cứ mạnh dạn đi vô. Giao hỏi: “Con đi đâu đây?”
Tý vui vẻ cười mà đáp: “Con đi kiếm ba.”
Giao ngẩn ngơ, không kịp hỏi có việc chi mà kiếm, thì Tý lại hỏi:
- Phải nhà chị Lựu đây không ba?
- Phải. Sao con biết?
- Chị em bạn học của con hồi còn học trường Cầu Kho.
- Vậy hay sao?
- Thiệt chớ. Có chị Lựu ở nhà hay không vậy ba?
- Có. Ở đàng sau.
- Có ba má chỉ ở nhà hay không?
- Không có. Ba cô đi Lái thiêu, còn má cô đi bán hàng ngoài Ông Lãnh. Cô ở nhà có một mình.
- Xin ba làm ơn kêu chỉ ra cho con hỏi thăm một chút.
- Con muốn hỏi chuyện gì?
- Con không hỏi chỉ chuyện gì hết. Con xin chỉ cho phép con ngồi trong nhà mà nói chuyện với ba một lát mà thôi. Ở nhà có má, con nói chuyện riêng với ba không tiện, nên con phải qua bên nầy mà kiếm ba đây.
Nãy giờ Giao nghi Tý hay tình sự của chàng nên Tý binh mẹ mới qua đây kiếm chuyện mà rầy, bởi vậy chàng có ý lo ngại. Chừng thấy Tý bình tỉnh, vui vẻ, không có sắc giận hờn, thì chàng bớt lo. Chàng lại nghĩ Tý muốn làm dữ, thì có chàng ở đây, chàng ngăn cản được, không đến nỗi dở lỡ đâu mà sợ. Chàng mới biểu Tý vô ván ngồi chơi rồi chàng đi thẳng vô phía sau bếp.
Cách một hồi Giao trở ra, có cô Lựu theo sau. Cô Tý vừa thấy cô Lựu thì vội vã đứng dậy nói: “Chị Lựu, dữ quá, đến bảy tám năm rồi chị em mới gặp mặt nhau đây! Chị mạnh giỏi hả? Chị nhớ em hay không?”
Cô Lựu vừa hổ thẹn, vừa lo ngại, nên bợ ngợ. Cô ú ớ đáp:
- Nhớ chớ...Chị Tý mà...Tưởng ai lạ.
- Phải. Em là Tý đây. Hồi học bên Cầu Kho, em ở phía sau nhà trường đó.
- Tôi nhớ rồi. Năm ngoái đi xe điển tôi có gặp chị Danh, chỉ làm cô giáo dạy trường Chợ Quán. Chỉ nói chị cũng thi đậu một lượt với chỉ và chị cũng làm cô giáo nữa mà.
- Phải. Em làm cô giáo dạy dưói Gò Công đã ba năm nay.
- Tôi rất mừng cho chị. Chị kiếm tôi có việc chi hay không?
Cô Tý vừa ngồi lại trên ván, vừa nói: “Em có chút chuyện riêng cần phải nói với ba em đây. Nghe nói ba em chơi bên nầy nên em qua em kiếm. Chị có thể cho phép em ngồi đây nói chuyện riêng với ba em một lát hay không?”
Cô Lựu vội vã đáp: “Ðược, được mà. Nhà tôi cũng như nhà anh chị. Chị thong thả tự tiện, đừng ngại chi hết. Xin lỗi chị, tôi mắc lỡ tay trong nầy một chút. Chị nói chuyện đi.”
Cô Lựu nói rồi cô quày đi vô phía sau, có ý để cho cha con cô Tý nói chuyện riêng.
Cô Tý ngó quanh quất thấy căn bên kia có một cái bàn với bốn cái ghế, cô bèn nói với Giao: “Mời ba lại kia ngồi cho con hỏi thăm ba một chút.” Giao thấy Tý với Lựu quen biết nhau, lại hai nàng thuận hòa, nói chuyện với nhau nhã nhặn, thì có bụng mừng, không còn lo sợ rầy rà nữa, nên đi theo Tý liền, coi Tý muốn nói chuyện chi.
Cô Tý nhắc một cái ghế để tại đầu bàn mời cha ngồi, cô ngồi cái ghế gần một bên đó rồi nhỏ nhẹ hỏi cha:
- Con xin phép hỏi ba từ ngày con đi dạy học cho tới bây giờ, má con ở nhà có khi nào má con than phiền việc chi hay không?
- Không. Con được làm cô giáo, má con đắc chí lắm, có phiền con về việc chi đâu.
- Con muốn hỏi đối với ba, má có phiền trách ba hay không kìa?
- Cũng không. Má con chiều chuộng ba, vui vẻ với ba luôn luôn, cũng như hồi con còn ở nhà, không đổi tánh ý chút nào hết.
- Có khi nào ba thấy má lộ sắc buồn rầu hay không?
- Ðâu mà có. Ba đi làm về thì má con vui vẻ lắm, lo miếng ăn chỗ ngủ cho ba từ chút, có bao giờ ba thấy má con buồn đâu con. Tại sao mà con hỏi như vậy?
- Con xin thưa thiệt với ba, con không có bà con thân tộc nào khác hơn ba với má. Má có công đẻ con ra rồi ẵm bồng đút cơm cho bú, con mới nên vai nên vóc. Còn ba tuy không phải là cha ruột, song ba làm nghĩa nuôi dạy con từ hồi con mới bảy tuổi, ba cho ăn học, ba lập thân danh cho con, dầu cha ruột cũng không bì kịp, công ơn cao cả đó dầu thế nào con cũng không dám quên. Từ nhỏ con thương yêu kính mến ba má hơn tất cả mọi người trên thế gian. Bây giờ con có chồng có con rồi, nhưng tình con thương ba má vẫn đậm đà, xa ba má con càng thương nhiều hơn nữa. Chuyến nầy con về thăm ba má, bước vô nhà, con xốn xang khó chịu. Con hỏi má có bịnh hay không thì má nói không. Con hỏi tiền bạc có đủ mà ăn xài hay không thì má nói dư dả. Con hỏi việc nhà có điều chi làm buồn hay không thì má nói không có. Má trả lời xuôi hết như vậy thì con không tin. Con chắc phải có việc gì làm cho má con ưu sầu, ăn ngủ không được nên mới ốm, mới mau già như vậy. Hồi hôm nầy ba đi chơi rồi, con ở nhà với má, con gạn hỏi lại. Ban đầu má con cứ nói nhờ ba mà thân má cũng như bụi cây khô héo, may được người vun phân tưới nước nên nhành lá sum suê, nhờ tình yêu của ba nên má mới được nếm mùi hạnh phúc mà trước kia má kể chắc đã tuyệt vọng. Ba đã giúp cho má say sưa tình yêu, ngỏa nguê hạnh phúc, được mười mấy năm dài, má đã thỏa mãn, không còn mong muốn điều chi nữa mà buồn. Con không tin, con cứ nài nỉ hoài đến khuya má mới chịu tỏ thiệt với con, má có một tâm sự trót hai năm nay nó làm cho má đau khổ đêm ngày, đau khổ nhưng phải cắn răng mà chịu, không thể than thở với ai được. Má khóc má nhắc trường hợp trớ trêu khiến cho ba với má thề nguyền kết tóc trăm năm cùng nhau, mặc dầu ba còn trai trẻ mới 20 tuổi, còn má là người đàn bà đã 31 tuổi, đã có một đời chồng, lại có một đứa con 7 tuổi lòng thòng theo nữa. Ba hứa với má, ba sẽ gắng công đưa tất cả tình yêu, gây cho được hạnh phúc để má hưởng. Con của má tức là con của ba, ba sẽ thương yêu nuôi dạy như con ruột. Ba chỉ kể tình yêu của ba với má mà thôi, ba không cần lời khen tiếng chê của thiên hạ. Má còn lo ngại về sự tuổi tác bất đồng, trong ít năm má già, sắc phai sức yếu, già trước ba rồi ba ăn năn, ba lợt lạt tình yêu, hoặc ba bỏ má, thì má phải chịu đau khổ một lần nữa. Về cái điểm nầy thì ba cương quyết mà thề thốt ba sẽ yêu má trọn đời, không bao giờ ba ăn năn mà bỏ bê má. Phải vậy không ba?
- Phải, má con nói đúng.
- Hồi đó con còn nhỏ quá, con không hiểu. Nay nghe má con nói lại, con muốn hỏi ba cho chắc ý.
- Ba công nhận má con nói đúng. Vậy mà má con có công nhận các điều ba hứa đó ba giữ vuông tròn hết hay không?
- Ðiều nào má cũng công nhận hết. Má nói ba cho má hưởng tình nghĩa tràn trề, hưởng tới mười mấy năm, má mang nặng tình sâu nghĩa cả của ba, má không biết làm sao mà đền đáp cho vừa.
- Má con đã công nhận ba không thất ước, vậy thì còn tâm sự gì nữa mà má con đau khổ?
- Má con đau khổ là vì má con nhận thấy cái điều má con lo ngại ngày trước, mà vì cảm tình yêu nồng nhiệt của ba, má con bỏ dẹp, không thèm kể, bây giờ điều đó phát hiện, nó làm cho má con bối rối, không biết xử trí cách nào cho thỏa tình hiệp nghĩa, nên má con buồn rầu ăn ngủ không được, rồi ốm lần lần, già sắp tới, có lẽ sẽ chết nay chết mai, mà chưa đáp tình trả nghĩa đầy đủ cho ba được.
- Má con đau khổ như vậy, sao không nói cho ba biết. Mà ba thấy má con cũng vui vẻ luôn luôn, chớ có buồn rầu bao giờ đâu.
- Chính đau khổ mà không nói ra cho ba biết, không dám biểu lộ cho ba thấy, cứ ôm mấp dấu kín trong thâm tâm, nên mới ốm, mới tiều tụy đó. Má nói ba hai năm nay hay sanh tật thả đi chơi đêm, có khi đi sáng đêm, chúa nhựt thì đi luôn cả ngày đêm, má lại càng phải làm vui không dám buồn, không dám hỏi, vì má sợ làm nhọc lòng, bực trí ba, thì ba giận, ba ghét, ba đi luôn, không thèm về nhà, càng khổ hơn nữa. Thà là làm lơ, giả vui, giả dại, cho ba vừa lòng mà để chút cảm tình với má, tốt hơn là than khóc hay giận hờn, hay rình mò, làm cho ba ghét rồi ba bỏ biệt.
- Thiệt hay sao?
- Thiệt vậy, nên ba không thấy má buồn, mà cũng không nghe má than phiền chi hết.
Giao ngồi trầm ngâm suy nghĩ rồi lại hỏi Tý:
- Má con có nói má con biết ba hay đi qua bên nầy hay không?
- Thưa có. Má nói ba đi đâu thì đi, má má không dám hỏi đon hỏi reng, cũng không dám núp lén theo rình rập. Nhưng mà chị em trong xóm họ thường gặp ba đi chơi hoặc đi coi hát với chị Lựu, họ biết hễ ba đi thì đi qua đây chớ có đi đâu. Họ thương phận má cứ lục đục ở nhà ngồi may sáng đêm mà đợi ba, họ học chuyện cho má biết hết. Nhưng biết thì biết, vì sợ làm buồn cho ba, nên má cắn răng mà chịu, có dám nói ra đâu. Buồn rầu, đau khổ mà cứ ôm ấp, không nói ra, cái đó mới mau chết.
Giao châu mày xụ mặt, ngồi lặng thinh.
Cô Tý nhìn cha rồi cô chảy nước mắt và chậm rãi nói tiếp: “Ba nhớ lại coi, ngày ba yêu cầu nài nỉ quyết kết tóc trăm năm với má, tuy má đã được nửa đời người, má lớn tuổi hơn ba nhiều, song sắc má vẫn còn tươi, vóc má còn đẹp nên ba mới yêu má. Nhưng má biết má sẽ già trước ba, má lo sợ về cái điểm đó, sợ một ngày kia má già, tóc bạc da dùn, vóc teo răng rụng, rồi ba hết yêu nữa, ba bỏ má, thì càng khổ cho phận má. Cái ngày má sợ đó nay đã tới rồi. Vả ba có ơn nuôi dạy con, còn má có công sanh thành con, nên con kính mến ba má đồng nhau. Ba ở chung với má, ba không thấy thân thể má biến đổi. Con phân cách má mấy tháng nên về tới thì con liền nhận thấy má khô héo, tiều tụy, con thương quá, nên con đau lòng xót dạ, chịu không nổi. Vậy con xin ba nếu má già ốm, tình yêu của ba lợt phai, ba không gần má nữa, thì ba cho con rước má xuống Gò Công ở với con đặng con nuôi má. Con sẽ rán làm cho má vui lòng đặng má sống lâu với con, chớ má ở với ba, má thấy ba hết yêu má nữa, má coi như ba chê má già, nên ba bỏ má, thì má cứ ôm lòng đau khổ như vầy, chắc má sẽ chết gấp.”
Giao xúc động cực điểm nên vụt đứng dậy mà nói: “Ba có tính bỏ má con bao giờ đâu? Má con bỏ ba mà theo ở với con sao được. Ba không bằng lòng để má con đi. Ðâu để ba về ba hỏi má con lại coi.”
Giao xăng xớm vừa kêu cô Lựu vừa đi lại chỗ móc nón lấy nón nỉ mà đội.
Cô Lựu nghe kêu cô lật đật bước ra.
Giao ngó thấy liền nói: “Coi chừng nhà nghe hôn...Qua về”. Chàng day lại nói với cô Tý đã lau nước mắt và đương cầm bóp đứng dậy: “Thôi, về con.”
Giao đi ra cửa. Tý nói với cô Lựu: “Em xin tạm biệt chị. Mai hoặc mốt em phải ra Vũng Tàu ở ít bữa hứng gió biển với chồng em. Chừng em trở về, nếu em còn ở Sài gòn lâu thì em sẽ mời chị qua nhà chơi. Em chào chị.”
Cô Tý ra cửa đi riết theo cha. Cô Lựu ngơ ngẩn đứng ngó, có sắc thẹn thùa.
Ra tới dốc cầu, cô Tý kêu xích lô, Giao không cho, biểu lại đò qua Cầu Kho mà về đi xe phải đi vòng xa vô ích lại tốn tiền nhiều.
Gần 11 giờ cô Xuyến kho thịt kho cá xong rồi hết, cô bắt nồi cơm mà nấu, cơm cũng đã cạn rồi. Cô biểu con Hòa ở dưới bếp coi chừng, cô bồng em nhỏ ra cửa đứng chơi, có ý chờ Tý.
Tình cờ cô thấy chồng với con ở ngoài xăng xớm đi vô đường hẻm. Cô thụt vô đứng dựa cái bàn. Giao bước vô nhìn vợ trân trân. Cô Tý xớt bồng em nhỏ đi thẳng vô buồng, có ý để cho cha mẹ thong thả mà nói chuyện.
Giao nhìn vợ một chút rồi hỏi:
- Mình buồn rầu cả hai năm nay, sao mình không chịu nói cho tôi hay, để đau khổ ăn ngủ không được đến ốm o như vầy?
- Nói cho mình biết sợ mình không vui lòng.
- Nếu mình nói thì tôi ở nhà, chớ đi chơi làm chi.
- Ðể cho mình đi chơi đặng mình vui chớ. Tôi đã già rồi, tôi phải biết phận tôi. Thà tôi chịu buồn một mình, tôi kéo thêm cho mình buồn với có ích gì?
Giao lắc đầu rồi kéo ghế mà ngồi. Giao biểu vợ ngồi cho chàng nói chuyện. Vợ ngồi ngay mặt chàng mà khóc. Chàng xúc động, nên chàng nói:
- Từ ngày con Tý đi dạy học cho tới bây giờ, tôi thấy mình vẫn vui vẻ như thường, nên tôi đi chơi. Nếu tôi dè như vầy thì tôi có thèm đi đâu. Thời may con Tý về, nó dọ dẫm lòng mình, rồi nó nói tôi hay mình âm thầm mà chịu đau khổ cho tôi vui.
- Tôi phải xét phận tôi. Tôi già rồi mà mình còn trẻ. Vì tôi thành thiệt yêu mình, lại tôi còn phải đáp tình trả nghĩa cho mình nữa, thì tôi phải hy sinh, tôi tránh qua một bên cho mình vui theo tuổi của mình vậy mới phải.
- Mình để cho tôi vui mà mình buồn rầu mình phải chết, thì té ra tôi giết mình, tôi vui làm sao được.
- Tôi chết cũng vừa rồi. Nhờ mình mà tôi được thưởng thức tình yêu, thưởng thức ngỏa nguê trót mười mấy năm trường, thì đã quá sự mong muốn của tôi ngày trước. Tôi còn ức uất gì nữa mà níu sự sống làm cho mình mất vui, thiệt thòi cho phận mình.
- Mình cứ lo phận tôi, mình không kể phận mình.
- Thì trước kia mình cứ lo cho phận tôi, nên bây giờ tôi phải lo cho phận mình chớ sao.
- Con Tý nói với tôi nó xin rước mình xuống Gò Công ở với nó đặng nó nuôi. Mình có tính như vậy hay sao?
- Không. Tôi có tính như vậy bao giờ đâu. Ðể tôi kêu con Tý ra tôi hỏi coi tại sao nó nói kỳ cục như vậy. Tôi đi theo nó tôi bỏ mình sao được. Ai lo cơm nước, áo quần cho mình?
Nãy giờ cô Tý ngồi trong buồng lóng nghe cha mẹ nói chuyện. Chừng nghe nói tới cô thì cô bồng con ra bộ ván trước mà ngồi.
Giao nghe vợ nói không thể bỏ chàng được, thì chàng châu mày mà nói:
- Mình không bỏ tôi được, thì tôi đành bỏ mình hay sao?
- Chừng nào mình bỏ tôi thì tự nhiên tôi phải theo con.
- Tôi có tính bỏ mình hồi nào đâu. Thôi, gần 12 giờ, coi cơm chín thì dọn ăn. Tôi không thèm đi chơi nữa đâu. Mình đừng buồn rầu nữa, phải lo tiếp dưỡng sức khỏe đặng sống lâu với tôi. Hễ tôi hứa thì chắc. Mình đã ngó thấy rồi, chẳng nên nghi tôi nói dóc.
Cô Xuyến đứng dậy đi dọn cơm cho chồng ăn. Cô Tý thấy mẹ cha đã hoà thuận, mẹ đã già cha còn trẻ, mà cả hai vẫn còn giữ tình yêu nồng nhiệt, thì cô hết sức vui mừng, bồng con đi vô giao cho Hòa rồi phụ với mẹ dọn cơm ăn.
Bữa cơm hoà hiệp nầy chứa chan tình thân ái, nên cả cha mẹ và con đều vui vẻ, không ai muốn nhắc tới chuyện đau khổ về cảnh vợ già chồng trẻ nữa, nên cô Xuyến ăn biết ngon, bởi vậy cô ăn nhiều.
Qua trưa thứ hai, Giáo Thành đi Bạc Liêu, thầy trở lên rồi sáng thứ ba đem vợ con đi Vũng Tàu hứng gió.
Tối lại rảnh rang, Giao với Xuyến khép cửa nằm trên ván mà nói chuyện. Cô Xuyến mới hỏi chồng vậy chớ sớm mơi chúa nhựt Tý đi chợ, Tý gặp Giao ở đâu mà cha con dắt nhau trở về đó.
Giao nói Tý qua nhà cô Lựu mà kiếm chàng. Tý gặp chàng tại đó làm cho chàng hổ thẹn bối rối hết sức, tưởng Tý kiếm chuyện mà gây gổ. Chẳng dè Tý với Lựu là chị em bạn học tại trường Cầu Kho hồi trước. Hai đàng mừng nhau, nói chuyện vui vẻ và nhã nhặn, rồi Tý xin phép nói chuyện riêng với chàng. Giao thuật lại cho vợ nghe đủ hết các lời Tý nói với chàng. Nhờ vậy chàng mới hay, hai năm nay chàng đi chơi, chàng làm đau khổ cho vợ ở nhà. Chàng nghe Tý nói chàng động lòng. Chàng ăn năn về sự chàng vô ý, thấy Xuyến vẫn vui vẻ, chăm nom, chàng quên lời thề ước ngày xưa, Cô Tý nhắc chàng mới tỉnh ngộ nên lật đật đi về, kẻo Xuyến lầm tưởng chàng đã dứt tình yêu với nàng, kỳ thiệt dầu nàng đã già nhưng tình yêu của nàng vẫn còn nồng nhiệt như xưa, yêu đến hy sinh cho chồng vui sướng, tình yêu đó là tình yêu quí vô giá, có thế nào mà chàng bỏ được.
Giao nói tới đó, chàng vùng ngồi dậy ngó vợ mà nói tiếp:
- Thà tôi bỏ cô Lựu chớ tôi bỏ mình sao được. Tôi xin mình tha lỗi cho tôi. Tôi vô ý nên mới lầm lạc. Bây giờ tôi biết bụng mình rồi, tôi không nỡ làm cho mình buồn nữa đâu.
- Mình bỏ cô Lựu có lẽ tội nghiệp cho cô. Tôi xin mình nói thiệt cho tôi biết coi cô Lựu phải là con bà Tư Yến bán hàng vải ngoài chợ Ông Lãnh hay không,
- Phải. Cô ở chung với cha mẹ bên xóm Cầu Dừa, ở trong một nhà ngói hai căn. Bà Tư Yến bán hàng. Ông húng hính ở nhà, coi bộ không làm gì hết. Nhưng mà trong nhà cũng đủ ăn.
- Mình kết tình với cô Lựu từ hồi nào? Tôi hỏi cho biết, chớ không phải tôi ghen.
- Năm ngoái tôi đi chơi, tôi gặp cô. Thấy cô vui vẻ tôi làm quen nói chuyện rồi mời cô đi coi hát. Tôi giao tình với cô từ hồi đó, rồi tới lui thăm cô.
- Mình tới nhà cô ở ngày đêm, cha mẹ cô không rầy la, ngăn cản hay sao?
- Vợ chồng ông Tư Yến có một chút con đó mà thôi, nên cưng lắm. Lựu muốn thế nào tự ý, cha mẹ không bao giờ rầy.
- Cô Lựu biết mình có vợ hay không?
- Biết chớ. Tôi có nói. Nhưng cô nghĩ nhà ai nấy ở, nên cô không ngại gì.
- Cô là gái lỡ thời hay là gái bị chồng bỏ hoặc chồng chết?
- Không. Cô là gái mới lớn lên. Năm nay mới được 24 tuổi.
- Té ra lớn hơn con Tý mình một tuổi.
- Hai đứa nó một chạn với nhau, bởi vậy hồi nhỏ mới học một lớp.
- Cô Xuyến gác tay qua trán nằm suy nghĩ một hồi rồi cô cũng ngồi dậy mà nói:
- Không được mình không nên vì tình yêu của tôi mà bỏ cô Lựu. Làm như vậy tội lắm.
- Tội gì? Hồi mới gặp nhau cô biết tôi có vợ. Nhưng cô không nệ, cô nói thương nhau thì gần nhau, nhưng ai ở nhà nấy, có hại chi đâu mà sợ. Bây giờ tôi không tới lui nữa cô biết tôi bỏ, thì cô kiếm chồng khác chớ gì.
- Mình nói nghe dễ quá! Lòng dạ đàn bà khó lắm mình ơi! Nếu cô Lựu thành thiệt yêu mình, mà mình bỏ cô thì cô nói mình gạt mà phá trinh cô, mình vui chơi cho đã rồi mình bỏ. Cô tức giận, cô oán thù rồi cô giết mình chớ phải chơi sao.
- Ðâu có dữ vậy!
- Biết chừng đâu. Con người chừng họ uất ức thì họ có kể tội phước gì nữa. Vậy chớ mình không nghe đàn bà đốt chồng, cắt cổ chồng, tra thuốc độc cho chồng, mà nhựt trình nói rùm beng đó hay sao? Mình không nên bỏ cô Lựu. Tôi không bằng lòng chút nào hết, bởi vì làm như vậy vợ chồng mình đều mang tiếng không tốt, tôi mang tiếng “bà già ghen tương.”, còn mình mang tiếng “đàn ông đản hậu.” Huống chi cô Lựu là gái mới lớn lên, nếu cô thành thiệt yêu mình mà mình gạt cô rồi mình bỏ thì tội nghiệp cho tình của cô lắm, lại cũng tội nghiệp cho danh giá của cô lem luốc nữa. Ðã vậy mà cha mẹ cô có lẽ yêu mình, tin bụng mình lắm, nên từ năm ngoái cho tới giờ mới để cho mình tới lui thong thả. Ổng bả tử tế với mình như vậy mà mình đành lòng làm cho ổng bả xấu hổ buồn rầu hay sao mình?
- Tôi biết làm sao? Tôi xa mình không được, tự nhiên tôi phải bỏ Lựu.
Cô Xuyến suy nghĩ nữa rồi cô nói:
- Tôi thấy có cách nầy thì lưỡng toàn: tối mai mình dắt tôi qua Cầu Dừa đặng tôi làm quen với vợ chồng ông Tư Yến và tôi dọ tánh tình cô Lựu luôn thể. Nếu cô Lựu thiệt yêu mình, tôi xin cưới cô cho mình. Ðời nay thiếu chi người hai vợ.
- Mình chịu chia sớt tình yêu của tôi hay sao?
- Sao lại không chịu. Tình tôi già rồi, tình mình còn trẻ. Tôi phải để tình trẻ phối hiệp với tình trẻ, tình già ở một bên chăm nom săn sóc, làm cho hạnh phúc gia đình bền vững hoài hoài. Vậy không phải là tốt hay sao? Ðược như vậy, gom về ở chung một nhà, tôi hết buồn rầu mà chết gấp, mình được thỏa mãn tình yêu trẻ trung, cô Lựu cũng khỏi uất ức mà oán hận. Ðó là giải pháp hay nhứt, tôi đã có bày tỏ với mình hồi mới gặp nhau, mình còn nhớ hay không?
- Nhớ. Mình muốn thế nào tôi cũng chịu hết, miễn mình khỏi đau khổ nữa thì tôi bằng lòng.
- Vậy thì chiều mai, mãn giờ làm việc, mình ghé cho cô Lựu hay trước, rồi tối mình dắt tôi qua thăm. Nếu liệu được thì tôi sẽ tính cuộc sum hiệp cho đâu đó đều an vui mà chung sống trong cảnh đời thân ái.
Bữa sau, ăn cơm tối xong rồi, Giao với Xuyến mặc y phục đàng hoàng, khóa cửa đi qua Cầu Dừa.
Vợ chồng Tư Yến với cô Lựu, nhờ có Giao ghé cho hay trước hồi chiều rồi, nên cũng sắp đặt sẵn sàng mà tiếp khách.
Vợ chồng Giao vô cửa. Cô Lựu bước ra tiếp chào cô Xuyến mà mời vô nhà. Vợ chồng ông Tư Yến niềm nở chào mừng. Bà Tư mời Xuyến ngồi bên ván với bà mà uống nước, để ông Tư với Giao ngồi ghế gần đó. Lựu lăng xăng lo trầu nước mà đãi khách.
Chủ khách vui vẻ nói chuyện mưa nắng cùng giá sanh hoạt mắc mỏ một hồi thì cô Xuyến nhận thấy vợ chồng ông Tư Yến thiệt thà tử tế, còn cô Lựu không phải là một hoa khôi về sắc đẹp, song gương mặt sáng rỡ, tướng mạo yêu kiều, đi dứng dịu dàng, lời nói khiêm nhượng, điểm trang không son phấn, y phục không lả lơi mà cũng không lòe loẹt. Ðàng kia cô Lựu cũng như cha mẹ cô đều công nhận thấy cô Xuyến trộng tuổi, tánh nết ôn hòa, lời nói hiền lành, gương mặt đạo đức, không có vẻ hung hăng độc hiểm. Hai bên đều vừa ý nhau hết.
Nhưng cô Xuyến chưa biết được tánh tình của cô Lựu nên không dám nói tới việc hôn nhơn. Bà Tư Yến chưa biết ý cô Xuyến nên bà cũng không dám mở lời.
Ông Tư Yến muốn kết thúc công việc phứt cho rồi nên ông hỏi: “Theo lời của Giao nói hồi chiều thì cô hai qua thăm vợ chồng tôi đặng bàn tính chuyện lẹo tẹo giữa Giao với Lựu phải hôn cô Hai?“
Cô Xuyến cười và đáp:
- Thưa phải. Cháu qua trước thăm bác với em Lựu, sao tính chuyện đó cho ổn thỏa, không nên để thầm tối rồi hóa ra tồi tệ người ta chê cười. Nãy giờ cháu chưa biết ý hai bác thế nào, nên cháu không dám nói ra.
- Dầu việc gì cũng vậy, mình lấy lòng thành thiệt mà đối đãi với nhau thì tốt hơn cô hai à. Tại duyên nợ gì đâu không biết mà Giao với Lựu thương nhau từ năm ngoái đến giờ, nó làm cho vợ chồng tôi lo ngại hết sức. Nếu cô hai không nghĩ, cô đến đây làm rầy thì vợ chồng tôi không còn mặt mũi nào ngó chòm xóm.
- Cháu không có vậy đâu bác. Dầu cháu có máu ghen đi nữa thì cháu làm sao chớ có lẽ nào cháu dám nói động tới hai bác. Sanh con há dễ sanh lòng, hai bác lẽ nào xúi con làm việc quấy hay sao mà phiền hai bác. Mà việc của em Lựu với ở nhà[2] cháu đây chắc là cuộc tình duyên của ông trời sắp đặt, theo như lời bác mới nói hồi nãy. Nếu hai bác vui lòng cho phép chánh thức phối hiệp thì càng tốt, cháu mừng lắm chớ sao lại rầy rà. Người ta đồn đãi tới tai cháu lâu rồi, ngặt ở nhà cháu giấu, không nói cho cháu biết, có lẽ sợ cháu buồn, bởi vậy cháu không có phép hở môi ra được. May có con nhỏ cháu về chơi nó hay chuyện nầy, nó khơi ra, ở nhà cháu mới chịu nói thiệt. Bữa nay cháu qua đây cháu có ý muốn thăm dò hai bác có vui lòng cho phép ở nhà cháu chánh thức phối hiệp với em Lựu hay không, đặng cháu tính sắp đặt gia đạo rồi gây cuộc xum hiệp một nhà cho vui.
Bà Tư Yến lộ sắc mừng, bà giành với ông mà trả lời:
- Việc dĩ lỡ rồi, được như vậy thì vợ chồng tôi mừng lắm. Tôi nói thiệt với cô hai, con Lựu đã có nghén hơn hai tháng rồi. Nếu cô hai xuôi thuận thì cô cứu giùm danh giá cả nhà tôi.
- Nếu có vậy thì cháu càng xuôi thuận nhiều hơn nữa. Ðó là phước đức lớn của Trời ban cho nhà cháu. Vậy cháu xin hai bác cho phép cháu mời em Lựu trưa mai qua nhà cháu ăn cơm đặng chị em bàn tính với nhau cho trên thuận dưới hoà trong êm ngoài ấm.
- Ðược. Cô hai thương em út, hễ cô biểu thì nó phải qua, cần gì phải xin phép vợ chồng tôi.
Cô Xuyến nói với Lựu để mai chồng cô làm mãn giờ ghé rước thì đi theo qua ăn cơm. Cô Lựu nói cô biết nhà, chẳng cần phải rước. Cô hỏi Xuyến muốn cô qua giờ nào. Xuyến nói buổi sớm mơi cô đi chợ một lát thì cô về. Lựu muốn qua giờ nào cũng được.
Lựu hứa chừng chín mười giờ cô qua.
Vợ chồng Giao từ mà về. Lựu đưa Xuyến ra tới dốc cầu rồi chị em phân rẽ.
Sáng bữa sau cô Xuyến đi chợ về, cô lui cui làm cá xắt thịt mà kho xong rồi hết, đợi 11 giờ sẽ nấu canh chua và chiên thịt bò.
Cô đi ra trước ngồi chơi. Cô ngó đồng hồ mới 9 giờ một khắc. Cô nghĩ thầm trong trí rằng mình mời ăn cơm trưa mà Lựu biết Giao làm hãng cưa 11 giờ rưỡi mới được nghỉ mà về ăn cơm, thì dầu Lựu có qua sớm cũng lối 11 giờ nàng mới qua tới. Chẳng dè vừa nghĩ như vậy kế thấy Lựu bước vô tay có xách một cái giỏ đồ, đầu đội khăn lụa trắng; chưn mang đôi guốc vông, mình mặc quần lãnh đen với áo dài lụa trắng.
Lựu lột khăn chào Xuyến, Xuyến đứng dậy mà mừng, rồi kéo ghế, mời Lựu ngồi. Lựu không ngồi, cứ xách giỏ đi vô trong, làm như người quen biết trong nhà lâu rồi vậy, chớ không phải người khách.
Xuyến đắt ý nên cô đi theo, miệng chúm chím cười.
Lựu vắt cái khăn trên sào áo, để cái giỏ trên bộ ván, rồi lại cửa ngó xuống bếp, bộ như muốn kiếm vật chi vậy. Xuyến hỏi muốn kiếm chi, thì Lựu xin cho mượn hai cái dĩa. Xuyến lấy đưa hai cái dĩa bàn. Lựu dở giỏ mà sắp ra một dĩa bánh ngọt với một dĩa trái cây.
Xuyến nói: “Mua làm chi nhiều dữ vậy?”
Lựu cười mà nói: “Em đem qua cho chị ăn chơi. Em ra mắt chị phải có lễ vật chút đỉnh. Em xin chị nhận đặng chứng lòng kỉnh thuận của em.”
Nghe lời khiêm nhượng khôn ngoan, Xuyến lấy làm hài lòng nên biểu Lựu ngồi lên ván rồi nói:
- Hồi hôm nghe bà bác nói em có nghén chị mừng quá. Em chắc được mấy tháng rồi?
- Thưa, chừng hai tháng rưỡi.
- Bây giờ chị mới thấy rõ ba con Tý làm phải nên Trời Phật cho hưởng phước. Chị mời em qua chơi, chị có ý muốn bày tỏ việc nhà của chị cho em hiểu, rồi cậy em hiệp với chị mà tạo cảnh gia đình hoàn toàn thân yêu, êm ấm, vì một mình chị không đủ khả năng mà tạo ra. Chị tỏ thiệt với em; khi chị làm bạn trăm năm với ba con Tý thì chị đã lớn tuổi, mà con Tý cũng đã được bảy tuổi rồi. Có lẽ ba nó đã có nói chuyện đó cho em biết chớ.
- Thưa, không có. Té ra cô Tý là con riêng của chị hay sao?
- Con riêng. Vợ chồng chị ăn ở với nhau trót 15 năm nay thuận hòa vui sướng vô cùng. Ba con Tý cho chị hưởng tình yêu ngỏa nguê, lại nuôi dạy cho con Tý lập thân vẻ vang, đó là một việc nghĩa rất lớn. Vì chị lớn tuổi hơn nhiều nên chị già gấp, không còn tình yêu trẻ trung mà đáp với tình yêu của ba nó, cũng không sanh con được đặng trả nghĩa cho ba nó. Vì vậy nên mấy năm sau đây chị buồn rầu ăn ngủ không được, nên chị ốm yếu rồi già thêm mau. Nay gặp được em, chị hết sức vui mừng. Chị mong em về ở chung một nhà với chị đặng em đem tình yêu trẻ trung của em mà đáp cho ba nó giùm cho chị. Em sanh con thì chị bảo lãnh chị thế cho em mà nuôi dạy nó để trả nghĩa cho ba nó. Thiệt ý của chị là vậy đó. Chị xin em đừng nghi ngại bụng chị. Em coi chị cũng như chị ruột của em. Chị già chị không ghen tương gì đâu mà sợ. Chị coi em cũng như em ruột, cái gì em sơ sót chị chỉ bảo cho. Chị chỉ mong em làm trọn đạo người vợ hiền, thì em sẽ được một người chị thân yêu với một người chồng dan díu.
- Em rất cảm động mà được chị thành thiệt thương em. Em sẽ tận tâm lo đền đáp tình nghĩa của chị, dầu cực khổ, dầu nát thân đi nữa em cũng không nệ, nhưng em phải thưa thiệt với chị, cha mẹ em chỉ có một mình em là con mà thôi, thuở nay không rời em. Về ở bên nầy với chị thì em sẵn lòng. Ngặt em sợ cha mẹ em không vui.
- Nói về bên nầy nhưng không phải bắt luôn, không cho em về bển. Ðây với đó không xa xuôi gì. Mỗi ngày em về thăm hai bác cũng được, chớ có bỏ bê gì mà sợ, chị không có cha mẹ, chị sẽ kính mến cha mẹ của em cũng như của chị. Chị em mình hiệp nhau mà chăm nom. Nếu em xuôi thuận thì chị bảo lãnh chị sẽ nói cho hai bác vui lòng.
- Còn việc nầy nữa. Em với cô Tý là chị em bạn học hồi trước. Em về ở bên nầy, cô gặp cô có vui lòng không?
- Em khỏi lo điều đó. Nó là con của chị, nó đâu nghịch ý chị. Mà nó qua đến nhà em mà phân trần việc gia đạo, nó không có nói một tiếng mích lòng em. Bao nhiêu đó cũng đủ thấy nó không có ác cảm gì với em hết.
- Vì em sợ chị nghi em trái ý nên em phải tỏ mấy điều em lo ngại cho chị nghe, chớ chị đã sẵn lòng thương em út, chị muốn lẽ nào em cũng vâng, em đâu dám chối cãi.
- Thôi, bây giờ chị em mình xuống lo làm đồ ăn đặng 12 giờ ba con Tý về có cơm mà ăn.
Cô Lựu cởi áo dài ra mà máng trên sào, cô mặc áo bà ba ở trong mà phụ lo bữa cơm với cô Xuyến.
Chừng Giao về, chàng thấy hai vợ lăng xăng trong bếp thì chàng cười, mừng thầm về sự mình núp lén vợ con mà làm điều quấy, nhưng nhờ con khôn ngoan, biết trọng nghĩa và nhờ vợ thành thiệt đến già mà cũng vẫn nặng tình, bởi vậy cảnh buồn hóa ra cảnh vui, điều quấy biến thành điều phải.
Bữa cơm trưa nầy là bữa cơm thứ nhứt Giao được ăn chung với hai vợ trong bầu không khí chan chứa thân yêu, bởi vậy Giao đắc chí cười hoài, ngó vợ lớn mà ngó vợ nhỏ cũng cười, dường như muốn chia sớt tình yêu đầy đủ cho cả đôi bên, không để bên nào mừng nhiều, còn bên nào chê ít.
Cô Xuyến thuật lại cho chồng nghe các điều cô mới bàn tính với Lựu đặng tổ chức cuộc xum hiệp êm ấm và lâu dài. Cô không giấu chồng về trí ý và về mục đích của cuộc xum hiệp nầy. Cô cũng không quên hai điều mà Lựu ái ngại, một là ở bên nầy sợ cha mẹ buồn, hai là đối với Tý, Lựu khó xử.
Giao khen vợ khéo sắp đặt, khen trí cao thượng, mà cũng khen mục đích nghĩa nhân. Về sự Lựu ái ngại thì Giao nói tối nay hoặc tối mai vợ chồng Giao qua thưa với ông và bà Tư Yến về hảo ý của đôi bên tự nhiên hai ông bà vui lòng; Còn sợ Lựu gặp Tý, Lựu ngỡ ngàng thì chờ vợ chồng Tý hứng gió xong rồi và đã trở về Gò Công rồi sẽ rước Lựu về ở chung, đợi lâu lâu sẽ cho hai đàng gặp nhau tự nhiên hết ngần ngại.
Giao nghe chắc Lựu có thai chàng càng vui mừng thêm nữa, bởi vậy chừng ăn cơm rồi ba người cứ bàn luận về việc đó, ai cũng mong ước Lựu sanh con trai thì phải đặt tên Quì để kỷ niệm sự gặp gỡ nhau và dắt nhau đi coi hát nhằm tuồng họ hát có Tiết Giao với Tiết Quì.
Giao đi làm buổi chiều được một lát rồi Lựu mới xin phép với Xuyến mà về.
Tối bữa đó Giao hỏi Xuyến muốn đi qua nói chuyện với vợ chồng ông Tư Yến hay không. Xuyến nói phải để cho Lựu bàn tính với cha mẹ cho xong rồi mình sẽ qua, chờ một hai bữa nghĩ không muộn.
Ðêm sau vợ chồng Giao qua bày tỏ trí ý tính đem Lựu về ở chung thì vợ chồng ông Tư Yến nói vì tình vì nghĩa nên dầu thương con hai ông bà cũng phải ép bụng để cho con theo chồng. Nhưng hai ông bà xin đôi ba bữa cho Lựu về thăm một lát cho ông bà bớt nhớ.
Tuần sau vợ chồng Thành với Tý đi hứng gió rồi trở về. Cô Xuyến thuật cho Tý nghe chuyện cha mẹ tính rước Lựu về ở chung và ông bà Tư Yến cũng đã thỏa thuận rồi. Tý thấy mẹ có sắc hân hoan, chớ không phải buồn bực như hôm trước nữa, lại nghe Lựu đã có nghén hơn hai tháng thì Tý vui mừng, tán thành cuộc xum hiệp một nhà và hứa không về thăm gấp cho Lựu khỏi ngần ngại.
Vợ chồng Tý ở chơi vài bữa rồi trở về Gò Công.
Vợ chồng Giao qua xin ông Tư Yến chọn ngày tốt rồi đủ hai vợ chồng đi rước Lựu về ở chung một nhà.
Từ đây nhà của Giao chứa đầy hạnh phúc tràn trề. Giao vui với nghĩa, say với tình, quyết yêu hai vợ đồng nhau cho khỏi sanh xích mích. Xuyến cố gắng làm cho xứng đáng bực chị cả. Lựu cũng thành tâm chiều chuộng, thương chồng kỉnh chị cho trọn niềm vợ nhỏ đối với vợ lớn. Lựu lo cơm nước để cho Xuyến may. Nhưng Xuyến có rảnh thì cũng phụ với Lựu hoặc đi chợ nấu cơm, còn giờ nào Lựu rảnh thì dạy Lựu may vá.
Cách sáu bảy tháng sau Lựu sanh con, lại sanh con trai y như ý vợ chồng Giao mong ước. Giao mừng rỡ hết sức, khai sanh cho con chàng đặt tên Quì. Y như lời hứa. Xuyến tận tâm nuôi Lựu lúc còn nằm dưỡng sức tại nhà bảo sanh. Chừng rước về nhà thì Xuyến chăm nom săn sóc em nhỏ châu đáo.
Vợ chồng ông Tư Yến cũng mừng rỡ hết sức, thay phiên nhau qua thăm con, thăm cháu ngoại hằng ngày.
Cô Xuyến gởi thơ cho Tý mà báo tin mừng. Tý hồi âm chúc cho Lựu mau phục sức và hứa bữa ăn đầy tháng nhằm dịp lễ được nghỉ, Tý sẽ về thăm mà chung vui với cha mẹ.
Giao được thỏa mãn đủ mọi điều, thỏa mãn với nghĩa của vợ lớn, với tình vợ nhỏ, với dĩ vãng thân yêu, với tương lai hứa hẹn, bởi vậy chàng khoái chí nên bữa ăn đầy tháng, cô Tý để con ở nhà với chồng, cô về một mình mà chung vui, chàng biểu hai vợ mua đồ làm một tiệc đặng mừng tiếp hạnh phúc.
Trong lúc vợ chồng con cái ăn uống vui cười, Giao cao hứng nên chàng nói: “Người ta thường nói: “Vợ già chồng trẻ là tiên non bồng”. Bây giờ tôi mới công nhận lời ấy thiệt là đúng. Tôi nhờ có vợ già nên tôi mới được vui sướng như tiên ở trong cảnh Bồng Lai như vầy đây.”
Cô Tý cười mà nói: “Con nghe người ta cũng nói Tiên có khi cũng phải đọa trần. Vậy con xin ba nhớ má con lớn hơn ba có 11 tuổi, còn ba lớn hơn dì Lựu tới 12 tuổi. Một ngày kia ba sẽ gặp cái cảnh “chồng già vợ trẻ.” Con sợ ba sẽ đọa trần, ba hết vui sướng nữa.”
Giao cũng cười mà nói: “Chồng già vợ trẻ là duyên.” Duyên nợ là việc Trời định, có sao đâu mà con sợ. Trời định lẽ nào ba cũng phải chịu. Nếu trời biểu ông Tiên nầy phải đọa trần, thì ba đội nón mà đi liền. Mà con cũng phải nhớ nợ trái oan hễ vay thì phải trả. Ba đã vay thì dầu phải trả ba cũng sẵn lòng. Ba không chạy chối đâu con.”
Xuyến với Lựu nhìn nhau mà cười. Tại sao mà cả hai nàng cười? Cười Giao khôn ngoan dùng lời kín đáo mà dạy vợ nhỏ.
Phú Nhuận, tháng 11 1956