Ai mà quyết nuôi chí lo làm ăn, không ham se sua, không chịu lãng phí, nếu biết trọng nhơn nghĩa thêm nữa, chịu ơn ai thì đêm ngày đau đáu lo trả ơn, con người ăn ở được như vậy hễ gặp dịp may, có người giúp đỡ, chắc sẽ làm giàu. Mà ví dụ không được giàu đi nữa, thì cũng thảnh thơi, chớ không đến nỗi vất vả đói rách.
Vợ chồng anh Thái với chị Hòa mới cách có 18 tháng trước người ta thấy hẩm hút ở trong cái chòi lá nhỏ cheo leo bên đường gần chợ Thị Nghè đó, mà bây giờ lại dời ra ở dựa đường lớn từ Bà Chiểu ra Đất Mộ, gọi là đường Lê Văn Duyệt, ở trong một cái nhà lá 3 căn, cao ráo, rộng rãi, cửa và vách đều đóng ván chắc chắn, nền có lót gạch đỏ lòm. Vợ chồng với hai đứa con ở căn giữa, ngoài có bàn ghế để tiếp khách có ván gõ lớn để nằm nghỉ lưng, còn trong có tủ áo, có bàn cơm, có một cái giường lớn và một cái giường nhỏ để ngủ.
Căn bên tay mặt thì chứa bàn ghế tủ giường, ván gõ, di-van đủ thứ, trên cửa có gắn một tấm bản ngang đề chữ:
THÁI HÒA
Tiệm bán tủ bàn giường ván
Còn căn nhà phía tay trái là trại mộc, có 3 người thợ lui cui cưa bào đục đẻo cây ván mà đóng bàn ghế tủ giường, làm lộp cộp tối ngày.
Hai em Đào với Lý biết đi biết nói. Xẩn bẩn trong nhà chơi với nhau, vì con gái nên êm thắm chớ không chạy giỡn như con trai; lại trìu mến thương yêu nhau nên không rầy rà xích mích. Tuy vậy mà chị Hòa không chịu rời xa hai con, chị mướn một người đàn bà đi chợ nấu ăn để chị rảnh mà chăm nom săn sóc 2 đứa nhỏ, sớm mơi thay áo quần, trưa dắt vô tắm rửa, tối thì giũ mùng trải chiếu dỗ ngủ. Hai đứa nhỏ bận áo quần một thứ với nhau luôn luôn, ai cũng tưởng là con sanh đôi, không ai nghi điều chi hết, mặc dầu gương mặt không giống nhau, mà Đào thì vui vẻ nhậm lẹ, còn Lý thì trầm tĩnh ôn hoà, lại bộ tướng thanh bai yểu điệu hơn.
Đường Lê Văn Duyệt thiên hạ qua lại, lớp đi bộ, lớp đi xe, dập dìu tối ngày không ngớt. Tiệm Thái Hòa lập chỗ đông đảo như vậy ai cũng ngó thấy. Lại khi khai trương, anh Thái có đăng quảng cáo trong vài tờ nhựt báo lớn, bởi vậy mới mở cửa một tháng thì khách hàng đã tới thường rồi. Khắp vùng Bà Chiểu chỉ có một tiệm bán bàn ghế nầy mà thôi; ai cũng tới đây mà mua đặng chở về cho gần, chớ đi mua ngoài Sài Gòn hay trên Phú Nhuận tốn tiền chở nặng qúa.
Tối ngày anh Thái mắc ở bên căn bán đồ mà tiếp khách hoặc qua trại mộc đưa kiểu vở và nói thước tấc cho ông Hai già đặng ông chỉ biểu cho thợ phụ làm. Anh bận rộn với nghề nghiệp của anh. Có ban đêm nghỉ, anh mới vui chơi được với hai đứa nhỏ. Anh phú hết việc gia đình cho vợ. Anh căn dặn vợ phải dạy dỗ chúng nó, tập chúng nó nói chuyện cho có lễ phép, ăn uống cho có độ lượng, đi đứng cho có dạng nghiêm trang, chơi bời cho có vẽ thanh nhã. Anh nói con sanh đôi tục thường hễ đứa nào ra trước là lớn, đứa nào ra sau là nhỏ. Quan niệm lớn nhỏ như vậy không đúng với lẽ trời. Theo ý anh khi còn ở trong bụng mẹ, đứa cấu thành hình trước nó phải nằm trên nên nó ra sau, còn đứa cấu thành hình sau nó phải nằm ngoài nên nó mới ra trước. Vậy đứa ra sau là chị, đứa ra trước là em mới phải.
Chị Hòa không chịu phục cái thuyết đó. Chị nói nó cấu tạo hồi nào ở trong bụng ai mà biết được. Hễ mình thấy mặt đứa nào trước, nghĩa là nó ra chào đời trước, thì nó lớn hơn đứa sau. Vợ chồng cãi với nhau rồi áp dụng giải pháp dung hòa: hai đứa nói chuyện với nhau đứa nào cũng phải gọi đứa kia bằng chị, còn xưng mình là em.
Anh Thái dặn vợ cứ dạy con xưng hô với nhau như vậy. Anh lại khuyên riêng vợ: “Con Lý đã lớn rồi. Bây giờ áo mền giày mũ với tã của nó không dùng được nữa, thì giặt ủi rồi gói lại cất trong cái rương của nó mà để dành. Kiếm một cái hộp đựng bức thơ với sợi dây chuyền của nó mà cất riêng trong tủ; cất cho kỹ, đừng để lạc mất. Những vật ấy là dấu tích của nó. Mình phải giữ gìn phòng ngày sau có ai tìm nó mà nhìn con nhìn cháu, nếu mình xem hạp nghĩa, thì mình đem ra mà đối chiếu.
Chị Hòa làm y theo lời chồng dặn. Chị nghĩ cái rương bằng tre sợ lâu năm mối mọt ăn rã hết. Chị mới mua dầu vec-ni[1] mà đánh tới hai lớp rồi sắp hết đồ của Lý vô, lấy bố bao kín phía ngoài và để lên nóc tủ áo mà cất.
Cuộc buôn bán của Thái ngày càng phát đạt, đồ không đóng kịp cho đủ bán: lại người ta biết danh ông thợ Hai đứng cái[2], ông cho kiểu mới lạ, đóng bàn đóng tủ khéo và đẹp, nên người ta áp tới đặt hàng nhiều quá. Anh Thái phải kêu thêm thợ nữa. mà trại nhỏ, thợ nhiều, chật hẹp, phải chen nhau mà làm, thiệt là bất tiện. Anh mướn đất đai thêm phía sau nhà, rồi cất riêng một trại ba căn nữa. Bây giờ số thợ đếm cả chục rần rộ làm tối ngày.
Ông thợ Hai tuy già song còn mạnh khoẻ, ông phải phụ giúp với chủ tiệm mà tiếp khách. Ông ra mực rồi coi chừng và chỉ bảo cho thợ làm. Ông còn phải thế cho anh Thái đi kiếm mua cây ván quí giá như nu, gõ, cẩm lai, bởi vì bây giờ khách hàng đặt đóng đồ bằng loại cây đó thường hơn là cây dầu. Phải đi xa và phải quen với mấy chủ bán cây, trên Tây Ninh và Thủ Dầu Một mới mua cây quí được. Anh Thái mắc bận việc giao thiệp với khách hàng, tuy Đào và Lý lớn lần lần, chị Hòa rảnh rang coi phụ với chồng mà tiếp khách, song Thái cũng không bỏ tiệm mà đi lâu được. Đi xa kiếm cây ván mà mua, phải vắng mặt đến đôi ba ngày thì anh cậy ông thợ Hai đi giùm. Còn đi Lái Thiêu lựa ván gõ mua về dồi[3] mà bán lại hoặc cưa đi mà đóng di-van hay đóng tủ thì anh để cho vợ đi, anh ở nhà vừa tiếp khách vừa chăm nom hai đứa con được.
Mà đến năm Đào với Lý được 4 tuổi, tiệm Thái Hòa đương phát đạt, thì chị Hòa lại có thai nữa. Vợ chồng mừng với nhau ước mong sanh được một đứa con trai, đặng có gái có trai mới mãn nguyện. Nhưng Thái mừng và nói với vợ rằng Đào với Lý là cái ngòi gây hạnh phúc gia đình cho mình, nhờ hai đứa nó vợ chồng mới hiển đạt, cuộc làm ăn xân xẫn, mới có 4 năm mà vốn liếng đã nở ra đến hai ba muôn. Vậy dầu có con thêm cũng không được hất hủi hai chị em, phải chăm nom săn sóc dạy chúng nó luôn luôn.
Chị Hòa sợ rồi đây chị mắc em nhỏ chị không thể săn sóc hai con lớn cho chu đáo được. Chị mới tính kiếm mướn một người trọng tuổi ở mà săn sóc Đào với Lý tiếp với chị. May có cô Thành lối 30 tuổi, có một đứa con 3 tuổi rồi chồng bỏ cô mà đi mất; cô nghèo khổ lại bơ vơ, con đau không có tiền chạy thuốc nên con phải chết. Cô buồn rầu, vất vả. Cô kiếm chỗ ở làm công đặng có nơi nương dựa cho no ấm tấm thân.
Chị Hòa nói chuyện với cô Thành, hay cô đương đau khổ về việc chồng con thì chị động lòng. Chị thấy Thành sạch sẽ, ăn nói nhỏ nhoi lễ phép chị đem lòng thương. Chị mới mướn Thành ở giúp việc trong nhà, mà giao gắt là phải tận tâm chăm sóc Đào với Lý.
Cô Thành ở được ít ngày. Chị Hòa dòm thấy Thành siêng năng, kỹ lưỡng, vén khéo sạch sẽ, tánh nết được lắm, lại biết khuyên lơn chìu chuộng hai em, thì chị lấy làm vừa ý.
Cách vài tháng sau chị Hòa sanh được một đứa con trai. Vợ chồng Thái mãn nguyện, có con gái con trai đủ hết nên vui mừng cực điểm. Vợ chồng bàn tính rồi đặt cho con cái tên Tòng cũng thuộc loại cây, mà cây không sợ sương tuyết.
Chị Hòa mạnh khoẻ, có sữa nhiều nên chị cho con bú, không cần mướn vú, mà cũng khỏi cho bú giặm sữa bò.
Mấy năm nay, anh Thái mắc bận việc buôn bán, ít gần con bởi vậy Đào với Lý trìu mến mẹ hơn cha. Bây giờ mẹ mắc con nhỏ thì có cô Thành thay thế mà săn sóc. Tuy vậy mà Đào với Lý hễ thấy cha rảnh, ngồi một mình thì chạy qua chơi với cha. Hai đứa đỏ đẻ nói chuyện làm thêm vui tiệm.
Đã có tiền nhiều, mà lại có con gái con trai đủ, vợ chồng Thái đắc chí vô cùng.
[1] (verni): nước sơn trong
[3] lấp những chỗ khuyết và mài cho bóng.