HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Chị Ðào Chị Lý
20- HÒA HIỆP 7.2

Rồi đó đời sống của hai nhà vẫn tiếp tục vui vẻ thân yêu như thường, không thay đổi chi hết. Nhưng một hôm bà Hòa đi một mình vô tiệm nói giá đường bán sỉ hiện thời cho chồng biết, bà gặp ông Thái đương ngồi uống trà mà đàm luận việc đời với ông Giáo Hiệp bà mới đem chuyện bà Ngọc muốn làm sui mà thuật lại cho chồng nghe.

Ông Thái nói: “Bà Ngọc quen với mình lâu rồi, mình biết bà tuy giàu có, song không kiêu căng, không độc ác. Trái lại bà ham đạo đức, biết nghĩa nhơn, hiền lành ngay thẳng, biết nghe lời phải biết thương người nghèo. Bà lại là ân nhơn của mình, mà mình cũng làm nghĩa với bà nữa. nếu hai đàng làm sui với nhau thì ân nghĩa kéo thêm dài, có chi đâu mà ngại. Còn cậu Khánh, mình cũng biết rõ tánh tình cậu, hiền lành, mềm mỏng, dễ thương, ý cậu giống mẹ, lại ở với mẹ có hiếu. Con nhà giàu có lớn mà dám hiến thân giúp nước, mình có rể như vậy thì xứng đáng quá, chớ còn mong gì nữa. Con Đào học tuy gần làm Đốc-tơ, song nếu nó chê Khánh, thì chắc gì nó kiếm chồng khác mà hơn Khánh được. Ngặt đời của Khánh có một điểm đen tối: Khánh vốn con của một người bất lương lại tàn ác, bình sanh phản bội non nước, sát hại dồng bào, chết rồi mà tiếng xấu còn bia miệng người, bởi vậy tôi ái ngại chỗ đó. Tuy vợ chồng mình ở chốn hèn hạ mà xuất thân, chớ không phải dòng giống quý tộc, song mình hiền lành, ngay thẳng, đối với non nước mình không hổ ngươi, đối với đồng bào mình không tội lỗi. Mình gả con cho con của một người hung dữ độc ác, sợ thằng rể mình nó phải đền tội ác của cha nó hồi trước, rồi cái khổ nó sẽ lây tới con gái của mình hay không. Tôi lo chỗ đó lắm “.

Ông Giáo Hiệp nói: “Tôi xin ông chủ cho phép tôi chen vô mà bàn việc nầy ít lời. Theo luật pháp của nhơn loại, người nào làm quấy người đó bị phạt, chớ có bắt tội tới vợ con đâu. Luật trời cũng vậy. Ông kia ở quấy mà ổng chết rồi, lại nghe nói ổng chết một cách thê thảm. Ấy vậy trời đã phạt về tội ác của ổng rồi, mà trời có bắt tội luôn vợ con ổng đâu. Vợ con ổng hiền lành, không chịu làm quấy như ổng, thì có tội gì đâu mà trời phạt. Bằng cớ đã thấy hiển nhiên. Bởi bà vợ không có tội mà trời khiến ông bà chủ về ở gần, hai nhà làm quen với nhau, rồi bà nhờ ông chủ khuyên lơn, an ủi, bà hết buồn rầu, hết đau ốm, lại vui vẻ hăng hái lo dựng nghiệp lại cho cha. Bởi đứa con không có tội nên nó mới học giỏi, nhu mì, mà khỏi chết. Dầu cha của cậu Khánh hồi trước có tội bao nhiêu đi nữa, ngày nay cậu làm tròn nghĩa vụ nam nhi Việt Nam thì ai cũng phải kỉnh mến cậu, chớ phận cậu có lỗi gì đâu mà khinh rẻ cậu được. Theo ý tôi nếu cậu Khánh xin cưới cô Đào thì hai ông bà gả được, không có chi đâu mà ngại. Hai nhà làm sui siết chặt thêm dây thân ái càng tốt lắm chớ“.

Ông Thái gật đầu mà nói: “Lời phân trần của ông Giáo nghĩ cũng phải. Gả con mà xét tới gốc tích của ông cha chết mất lâu rồi thì gắt quá, làm như vậy tội nghiệp cho cô Hai. Nghĩ tới cho kỹ thì bây giờ nói cho sôm, chớ hồi trước không nhiều thì ít mặt nào cũng là tay sai của thực dân hết, hơi đâu mà chọn lọc. Nhưng má nó khoan hứa với cô Hai, cũng đừng nói cho con Đào hay, để cho nó yên tâm mà ăn học. Đợi cậu Khánh về đây coi cậu tính làm sao rồi mình sẽ liệu không gấp gì“.

Qua tháng chạp bà Ngọc mua 25 thước vải đen và 25 thước vải trắng đem lên sở, mà phát cho ông Ba Lự, ba người làm vườn với đứa nhỏ coi trâu bò đặng mỗi người 5 thước vải đen và 5 thước vải trắng đặng may áo quần mà bận Tết.

Bữa 25 tháng chạp chở lên một bao gạo. Bà thấy mồ mả của cha mẹ bà sạch sẽ chung quanh không có một bụi cỏ hay một cọng rác nào hết, bà lấy làm vui lòng. Bà biểu ông Ba Lự kêu hết 3 người làm tháng với thằng nhỏ lại mà giao bao gạo cho ông Ba chia đều cho 5 người ăn Tết. Bà cho riêng ông Ba 300 đồng bạc còn 4 người kia mỗi người 200 đồng, biểu trao lại cho gia đình mua đồ cúng ông bà trong mấy ngày xuân. Nhỏ lớn đều cảm tình bà hết sức. Ở rẫy bái quê mùa họ không đủ lời nói nhiều mà cảm ơn. Song ngó cặp mắt với sắc mặt của họ thì biết họ cảm đức phục tùng, dầu chết họ cũng không phụ bạc.

Mùa nầy vừa qua Tết thì bắt đầu đốn mía xe về lò liền.

Ba người làm vườn để cho ông ba Lự ở nhà coi vườn giữ lò, cả ba đều phải ra sở mía vừa làm vừa đốc sức cho người ta làm đã quen rồi, không còn lo sợ gì nữa; tuy vậy mà từ ngày khởi công đốn mía thì ông Thái luôn luôn mỗi bữa đều lên sở, đem bánh mì thịt nguội theo đặng trưa ăn đỡ đói, ở đến gần tối ông mới giao cho ông Ba Lự mà về.

Bà Ngọc với bà Hòa bữa nào cũng lên ở đôi ba giờ, bữa lên sớm mơi bữa lên chiều. Nghe ông Thái định bữa mùng mười bắt đầu ép mía, bà Ngọc mới giao tiền bạc cho ông Ba Lự biểu kiếm mua một con heo đặng bữa đó làm thịt mà cúng lò, bà mướn đàn bà đi chợ mua rau cùng thực vật thêm đặng cúng rồi mời Hương hào Điều, bà con anh em lối xóm cùng hết thảy những người giúp công tựu lại ăn uống chơi một bữa.

Đến bữa 20 tháng giêng, trên sở người ta đương làm việc rần rộ, tốp đốn mía, tốp xe mía, tốp ép đường, lại thêm chủ mấy vựa lên coi đường đặng dọ giá. Buổi chiều bà Ngọc với bà Hòa trên sở về. Xe vừa ngừng thì Đào với Lý chạy ra mừng và đưa thơ cho bà Ngọc xem, nói Khánh cho hay xuống Quy Nhơn chờ tàu chở về Sài Gòn, trễ lắm là 25 âm lịch sẽ về tới, mà không biết chừng cậu sẽ xin phép ông đi xe với ông về trước cho mau.

Hai bà nghe tin ấy mừng vui cực điểm, chắc năm ba ngày nữa sẽ có Khánh về. Bà Ngọc nói Khánh về tới sẽ dắt liền Khánh lên Bình Phước cho Khánh thấy công việc ở nhà làm. Bà Hòa nhắc lại lời giao kết phải nhượng bộ cho bên nhà bà đãi tiệc mừng Khánh trước. Tối bữa đó ăn cơm rồi hai bà rủ nhau vô tiệm thông tin cho ông Thái hay. Ông cũng mừng và cũng nhắc bên ông đãi tiệc trước.

Bữa sau bà Ngọc ở nhà sửa soạn rước con, bà không lên sở, nghĩ vì có ông Thái chăm nom mọi việc bà lên chơi chớ không cần ích chi. Mà ở nhà bà chộn rộn nằm ngồi không yên. Thấy Lý bước vô bà biểu Lý đi thăm nhà mới với bà coi anh làm vườn có quét sạch sẽ hay không. Đi được một vòng ngoài vườn giữa buổi chiều mát mẽ, hai mẹ con bèn ngồi trên cái băng gần cửa rào mà xem bông, và nhắc chuyện Khánh sắp về. Bà Ngọc đương say sưa tình thân yêu đứa con trai, bỗng thấy xe đi rước Đào với Tòng chạy về, bà bèn đứng dậy đi với Lý qua nhà bà Hòa nói chuyện chơi.

Một nhà vui vẻ, tiếng nói chen lộn với tiếng cười vang rần. Tình cờ anh bồi của bà Ngọc hào hển chạy qua báo tin cho bà hay, Khánh mới về tới bên nhà.

Bốn năm miệng ầm la hai tiếng “Tới rồi!” và mọi người đều đứng dậy đi ra cửa, tính đi kiếm đặng gặp Khánh cho mau. Chẳng dè mới ra tới thềm thì thấy Khánh hăm hở đương đi vô sân, hai bà với hai cô cảm xúc nên đứng khựng trên thềm mà ngó, duy có một mình Tòng, xông ra đón nắm tay Khánh dắt vô.

Chưa vô tới thềm mà Khánh thấy những người thân yêu đều đứng chờ đủ mặt thì hỏi lớn: “Má với bác mạnh giỏi? Chị Đào chị Lý cũng vậy hả? Có được thơ của tôi hay không?”.

Bà Ngọc nói: ”Được chớ, bởi vậy hai bữa rày ở nhà có ý trông. Ai cũng vái con đi về xe cho mau “.

Khánh bước lên thềm đứng trước mặt mẹ, mắt nhìn mẹ mà nói: “Con xa má ba bốn năm nay, về thấy má mạnh khỏe an vui con mừng quá. Thiệt y như lời chị Đào chị Lý nói trong thơ mấy năm nay, bây giờ má đỏ da thắm thịt, tướng mạnh sắc tươi chớ không phải như hồi trước. Ông cho phép con theo xe của ông mà về trước. Xe mới tới tức thì đây, nếu không con còn ở ngoài Quy Nhơn mà chờ tàu. Con giao cho mấy anh ở lại hộ tống rồi về sau “.

Khánh day qua nói với bà Hòa: ”Hai bác với hai chị ở nhà mà chăm nom an ủi làm cho má con hết buồn mà lại mạnh, thiệt con mang ơn nặng quá. Bác trai mạnh hả? Chắc bác mắc ở trong tiệm “.

Bà Ngọc giành nói: “Không. Ảnh ở trên sở từ hôm Tết, trên sở làm rần rần, ngày nào ảnh cũng phải lên trển có ở nhà được đâu “.

Bà Hòa tiếp nói: “Bây giờ trên Bình Phước vui lắm. Bữa nào rảnh cậu lên coi cho biết sức cô Hai ở nhà cô làm cho cậu“.

Khánh cười mà nói: ”Má con gởi thơ có nói nhờ có bác trai lo lắng gây dựng giùm lại chớ một mình má con làm sao nổi. Con được nghỉ phép tới chừng con về rồi vậy để mai con đi Bình Phước“.

Khánh liếc mắt thấy Đào với Lý đứng ngó cậu mà cười hoài, thì cậu nói: “Tôi rất cảm ơn chị Dược sư và chị Đốc-tờ tương lai. Hai chị vì lời tôi phú thác, hai chị ở nhà làm còn hơn có tôi nữa. Ơn ấy không bao giờ tôi quên. Mà sao nãy giờ hai chị cứ ngó tôi mà cười hoài vậy? Chắc hai chị cười hai cái thẹo của tôi chớ gì? “.

Cô Đào nói: “Thẹo có nhiều thứ, có thứ thẹo vì rủi ro thì phải thương hại; còn có thứ thẹo vì làm quấy tự nhiên nhục nhã; còn có thứ thẹo vì đồng bào tổ quốc thì vinh diệu, ai cũng phải kỉnh phục chớ ai dám chê cười. Thẹo của cậu là dấu tích cậu làm tròn nhiệm vụ thanh niên Việt Nam trong thời buổi nước nhà rối rắm nầy. Chị em tôi cười là thấy cậu được mạnh giỏi về sum hiệp với má hai, chị em tôi vui nên cười, chớ đâu phải cười cậu có thẹo “.

Khánh cười mà nói: ”Cám ơn, cám ơn hai chị một lần nữa“.

Bà Hòa với bà Ngọc ngó nhau mà cười. Bà Ngọc xin chiều nay đi hết qua nhà bà ăn cơm chung với nhau rồi sẽ nói chuyện dài. Bà tính về trước kêu chị bếp mua thêm đồ ăn. Bà Hòa kêu chị bếp của bà mà dạy có làm thứ gì ngon thì tối bưng qua bển ăn chung. Rồi hết thảy hiệp nhau đi qua nhà bà Ngọc.

Khánh nắm tay Tòng mà nói, Tòng đã lớn rồi và hỏi đã thi bằng Trung học đệ nhứt cấp hay chưa.

Lý nói Tòng đã được 17 tuổi rồi.

Tòng tiếp nói năm nay mới được thi.

Khánh biểu phải ráng học thi cho đậu đặng tới tuổi phải làm bổn phận nam nhi thì vô mà tập luyện chớ nếu không có bằng gì hết thì vô nhập ngũ làm binh nhì cực lắm.

Tòng nói Tòng có đủ thì giờ mà lấy bằng Tú tài rồi vào trường ngoài Nha Trang kịp.

Qua tới nhà, Khánh thấy cái rương với cái túi của cậu còn để tại phòng khách, cậu kêu anh bồi đem giùm vô phòng ngủ của cậu. Cậu nói trưa hôm qua cậu ở Quy Nhơn đi theo lên Pleiku ngủ rồi sáng nay ở trên đó đi về, quần áo dơ hết. Cậu xin lỗi đi tắm rửa và thay đồ sạch sẽ rồi sẽ nói chuyện.

Hai bà với hai cô lo sắp đặt bữa cơm cho ngon mà đãi Khánh, mấy năm nay ở ngoài ăn uống thất thường chắc thèm đồ ăn ở nhà.

Khánh tắm gội rồi cũng bận một bộ đồ ka-ki khác sạch sẽ vậy thôi chớ mới về đâu có đồ trắng hay đồ gì tốt mà bận. Cậu vừa ngồi thì bồi bưng một mâm ly với la-ve[1], nước cam để trước mặt cậu. Cô Đào hỏi muốn dùng thứ nào. Cậu xin cho la-ve đặng uống cho đã khát. Tòng cũng uống la-ve nên giành la-ve rót hai ly. Hai bà với hai cô thì uống nước cam.

Khánh hỏi Đào học thuốc chừng nào mới rồi. Đào nói mãn năm nay còn một năm nữa thì xong. Khánh nói Khánh cũng ưa ngành đó lắm. Hồi ở trường Trương Vĩnh Ký cậu học toán là có ý tiếp học thuốc. Vì cậu phải nhập ngũ, chớ không thì năm nay có lẽ cậu cũng như Đào sắp thành Bác sĩ y khoa, lo trị bịnh cứu khổ cho người ta, nhứt là cứu đồng bào nghèo.

Bà Ngọc nhơn dịp ấy bà mơi khoe là có mua cái nhà khít một bên đây, thấy bán rẻ nên bà mua. Lý đương lo sắm dụng cụ để làm nhà bào chế và thí nghiệm thuốc, rồi chừng Đào có bằng Bác sĩ thì Đào mở phòng coi mạch cho thuốc tại đó cũng tiện.

Khánh nói hồi mẹ mua rồi mẹ có cho cậu hay. Cậu tán thành ý kiến đó lắm. Để rảnh rồi cậu sẽ qua xem.

Bà Ngọc biểu mai Khánh phải đi đặt may quần áo cho tốt bận, chớ ở Sài Gòn mà y phục lôi thôi như ở ngoài mặt trận vậy coi không được.

Khánh nói mai cậu sẽ đặt đồ cho đủ mà bận như người ta, phải có vài bộ đồ trắng đi rước cấp trên, lại cũng phải có một bộ sẹt-kinh, một bộ nỉ để đi đám tiệc.

Khánh hỏi mẹ vậy chớ Hoài có vô thăm mẹ hay không? Bà Ngọc nói Hoài đi bên Pháp học mấy năm nay có về đâu mà thăm. Khánh nói hôm tháng trước cậu có được thơ của cậu Hoài

Sáu bà con vô phòng ăn ai muốn ngồi đâu tùy ý. Đào với Lý nãy giờ muốn nghe Khánh thuật việc ở ngoài chiến trận mấy năm nay nghe chơi mà ai cũng cứ nói chuyện nhà hoài làm hai cô thất vọng. Hai cô mời Khánh ngồi giữa bên nầy còn bà Ngọc ngồi đối diện phía bên kia đặng mẹ con thấy mặt luôn luôn. Bà Hòa không muốn để cho Lý với Đào ngồi một phía với Khánh, bà biểu hai cô ngồi hai bên bà Ngọc đặng ngó nhau mà nói chuyện cho dễ, để bà với Tòng ngồi hai bên Khánh.

Ngó đồ ăn ngon dọn đầy bàn lại có mẹ với chị Đào chị Lý ngồi trước mặt, các người thân yêu đều sum hiệp một nhà, cậu Khánh vui mừng quá nên cậu cầm đũa gắp liền. Bà Ngọc mừng con bà no, cứ chỉ món nầy món nọ ép con ăn, bà không nhớ tới phận bà.

Thình lình ông Thái bước vô ngoài trước ông hỏi lớn “cậu Khánh về tới hả? Cậu đâu?”.

Bà Ngọc cũng đáp lớn: ”Ở đây, mời anh Hai đi thẳng vô trong nầy “.

Khánh vội vã đứng dậy bước ra cửa phòng chào mừng ông Thái và mời ông ngồi ăn cơm luôn cho vui. Ông Thái dặn vợ với hai con ngày mai ráng lo nấu bữa cơm Việt cho đúng đặng chiều ông về ông đãi Khánh.

Rồi đó Khánh vừa ăn vừa thuật sơ chuyện đánh giặc cho bà con nghe. Ăn rồi dắt nhau ra sa lông ngồi uống cà phê mà nói chuyện tiếp, tới 11 giờ ông Thái mới về để cho Khánh nghỉ.

Đào với Lý cũng theo mẹ về bên nhà mà ngủ. Bà Ngọc muốn cầm một cô ở lại ngủ trên lầu với bà. Hai cô đều nói có Khánh về để cho bà vui với Khánh. Bữa nào không có Khánh ngủ ở nhà thì một cô sẽ qua ngủ giùm cho bà đỡ buồn.

Đêm đó bà Ngọc mừng nên thức nói chuyện với con, gần 2 giờ khuya mẹ con mới phân tay đi ngủ. Nhưng mới tảng sáng mẹ con đều dậy hết. Uống cà phê rồi bà Ngọc dắt con đi dạo vườn, có ý khoe ở nhà bà vui sống, nên bà dọn dẹp đâu đó đều sạch sẽ, trước bông hoa đua nở tốt tươi. Khánh lấy làm vui lòng mà nhận thấy rõ ràng Đào với Lý giúp đổi hẳn trí ý của mẹ, bây giờ mẹ lăng xăng hoạt động chớ không phải cú rũ ưu sầu như trước nữa.

Nhơn dịp bà Ngọc đưa con đi luôn qua xem cuộc nhà bà mua, Khánh xem ngoài rồi xem trong, cậu rất hài lòng, không chê chỗ nào hết.

Bà Ngọc trở về ăn lót lòng, bà sai anh bồi qua biểu Lý sửa soạn rồi đi với bà lên Bình Phước chơi một lát. Cách chẳng bao lâu Lý qua lại có Đào nữa. Đào nói bữa nay Đào với Tòng không có học, nhưng Tòng mắc đi mua rượu đặng chiều đãi tiệc, còn bà Hòa thì mắc đi chợ với chị bếp. Đào không có công việc chi nên đi theo lên vườn xem ép đường chơi.

Lúc nầy lò đường đương chạy, xe chở mía vô ra phía đó kình kịch, bởi vậy lên tới Bình Phước sốp phơ quanh xe vô đậu phía đất trống đằng vườn. Ông Thái ngó thấy nên ông đi lại tiếp rước rồi dắt Khánh đi xem vườn trước. Khánh thấy trên mấy liếp sạch sẽ, dưới mấy mương nước đầy, cây sởn sơ, trà xanh tốt thì cậu vui lắm. Bà Ngọc chỉ nền nhà cũ cho con thấy, bà nói nếu con muốn cất nhà mát cách nào thì bà sẽ mướn cất cho, Khánh ngó quanh quất rồi nói việc đó không gấp, nên đợi ít năm cho cây cao lớn, có bóng mát rồi sẽ hay.

Cậu đi xem vườn tiêu, thăm mồ mả ông Ngoại bà Ngoại rồi mới trở ra xem lò đường. Mấy người giúp công theo Ba Lự tựu lại chào mừng con bà chủ sở. Cậu Khánh dòm cả thảy hơn 20 người có đàn ông mà cũng có đàn bà nữa, cậu đưa cho ông Ba Lự 200 đồng bạc biểu ông mua thịt cá mà đãi mấy bà con một bữa cơm. Nhơn dịp cậu ngỏ lời khuyên bà con cứ bình tĩnh làm ăn đừng sợ chi hết, quốc gia sẵn sàng ủng hộ đồng bào, giữ an ninh trật tự cho đâu đó đều an cư lạc nghiệp.

Ghé vô căn nhà dùng làm trụ sở thì Khánh nói lúc có công việc nhiều ông Hai phải có mặt trên sở. Trụ sở chật hẹp thì bất tiện lại thiếu vệ sinh. Vậy nếu làm có lời nhiều thì nên cất nhà mát sớm một chút để làm trụ sở.

Bà Ngọc nói làm năm đầu, mới sắp đặt cho yên nên mới không lời bao nhiêu. Mùa rồi số thâu hơn một trăm rưỡi ngàn, mà bị cất lò đường lại và sắm dụng cụ tốn hao nhiều nên cũng không có lợi. Mùa nầy chỉ xuất mua phân và mướn công làm lại thôi, lại trồng mía tới 80 mẫu đất nên chắc lời nhiều.

Cậu Khánh nói vậy thì bán đường xong rồi cất trụ sở liền.

Ông Thái cãi rằng chương trình của ông định là có lời thì mua máy cày đất, máy ép mía và máy nấu đường, đặng làm cho mau và bớt tốn nhơn công. Vậy nên lo sắm máy cho đủ rồi thì cây trong vườn sẽ cao lớn hết, chừng đó sẽ cất trụ sở rộng rãi để dùng làm nhà nghỉ mát luôn mới phải. Khánh gặc đầu không dám cãi.

Ông Thái dắt Khánh ra lộ chỉ mấy sở mía của ông mướn trồng cho Khánh xem, nói chuyện với nhau quá 10 giờ Khánh mới lên xe mà về. Ông Thái dặn Đào và Lý phải giúp mẹ dọn tiệc chiều nay hẳn hòi. Ông hứa ông sẽ về sớm và ông sẽ mời ông Giáo đi dự tiệc với ông.

Chiều bữa đó Khánh lấy xe đi đặt may áo quần. Bà Ngọc qua nhà bà Hòa phụ dọn tiệc. Đào với Lý lo chưng dọn phòng khách và phòng ăn đặng xem cho có vẻ tươi cười nên cậy Tòng đi mua bông hường, bông ơi-dê[2], bông cờ-lay-dơn[3] đem về cắm mấy lục hình hực hỡ.

Năm giờ chiều, xe ông Thái về tới có chở ông Giáo Hiệp theo. Ông Thái nói hồi sớm mai nói với dân trong làng ít lời nghe được quá, mà nhứt là đưa tiền biểu ông Ba đãi họ một bữa ăn, họ cảm tình hết sức. Họ tính với nhau sáng bữa sau họ cậy vài người đàn bà trong xóm đi chợ mua đồ về nấu trưa họ vui chơi với nhau.

Gần 6 giờ xe cậu Khánh về nữa, mà cậu lại có chở cậu Hoài, mặc đồ Việt Nam coi lẫm liệt.Vợ chồng ông Thái, bà Ngọc cũng như Đào với Lý thảy đều vui mừng. Khánh cùng bạn xăng xái bước lên thềm mà nói: “Con ghé tiệm hỏi thăm anh Hoài tình cờ con gặp. Ảnh nói anh cũng mới về tới mấy bữa rày, con mừng quá, nên con bắt ảnh vô đây ăn cơm đặng nói chuyện chơi “.

Hoài tiếp nói: “Cháu về được 5 bữa rồi. Hỗm nay cháu luôn có ý định ghé thăm hai bác với chị Đào chị Lý và em Tòng; ngặt mới về bận việc trình diện, nạp giấy tờ chờ bổ nhậm lăng quăng[4] hoài nên chưa rảnh mà đi đâu được. Nay may gặp anh Khánh cũng mới về, thừa dịp cháu theo ảnh lên đây chúc mừng mấy bác mạnh khỏe.

Ông Thái mời hai cậu ngồi và biểu Tòng kêu bồi đem đồ khai vị ra uống đặng nói chuyện chơi.

Hoài ngó hai cô Đào và Lý mà nói: “Cách nhau lâu quá, mà chị Đào chị Lý cũng vậy, không đổi khác. Duy chỉ hai anh em tôi bị dãi dầu nắng gió nên khác nhiều“.

Khánh nói: ”Hai chị cũng đổi khác chớ. Chị Lý bây giờ là bà Dược Sư, còn chị Ðào năm tới đây cũng là bà Y khoa Bác sĩ nữa“.

Hoài nói: ”Vậy à! Ồ! Tôi rất mừng cho hai chị, mừng lắm. Trong lúc hai đứa tôi là trai phải lo để tranh độc lập cho quốc gia, hai chị là gái hai chị cũng lo ung đúc tài nghề đặng cứu chữa tật bịnh cho nhơn loại. Vậy thì quý biết chừng nào. Đáng mừng lắm “.

Lý hỏi: “ Nghe người ta nói đi học phi công có hai năm thì họ được về sao anh Hai học lâu chi dữ vậy?”.

Rồi đó Khánh với Hoài thuật công việc của mình làm mấy năm nay. Khi buồn lo khi đắc chí, nói chuyện mà pha giễu cợt bởi vậy ai nghe cũng vui lòng. Khai vị rồi ăn cơm, cuộc vui còn kéo dài hơn nữa. Khánh với Hoài nói lâu ăn cơm Việt Nam theo điệu Sài Gòn nên về ăn ngon quá.

Bà Ngọc nói mai tới phiên bà đãi, bà hỏi hai cậu muốn dùng đồ Tây hay đồ Tàu. Hai cậu nói lâu ăn đồ Tàu nên xin ăn cơm Quảng Đông một bữa. Bà Ngọc nói sáng mai bà sẽ vô cao lầu trong Chợ Lớn mà đặt một cỗ lựa đồ ngon mà đặt và giao họ chở ra nhà bà mà đãi. Bà mời hết bà con trong tiệc nầy tối mai trước 7 giờ đến nhà bà mà chung vui một bữa. Ai nấy đều chịu hết không từ chối.




[1] bia

[2] (oeuillet), hoa cẩm chướng