HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Chị Ðào Chị Lý
8- TRƯỚC LẠ SAU QUEN (3.2.)

Buổi chiều đó Đào với Lý không cần xuống trường thi nên để xe đưa Tòng đi học. Gần 4 giờ hai cô rủ mẹ thay đồ đặng đi rước em rồi đi luôn vô Bà Chiểu cho cha hay. Chừng rước Tòng lên xe rồi, Tòng lại biểu anh sốp phơ đi vòng xuống trường thi thăm chừng coi họ thi gần rồi hay chưa rồi sẽ đi Bà Chiểu.

Xe xuống tới vừa gần ngừng thì thấy có một cô ở trong đi ra, mặt buồn hiu. Cô nói cô còn một môn nữa, nhưng cô mới bị ông Giám khảo hỏi sử địa ổng gắt quá nên cô buồn cô về để sáng mai sẽ thi tiếp. Hỏi trưa mai xong hết hay chưa thì cô nói còn đông quá sợ chiều mai cũng chưa rồi.

Bà chủ biểu sốp phơ chạy vô Bà Chiểu. Đào với Lý thuật việc hạch miệng cho cha nghe, tỏ ý tin chắc đậu rồi ông biểu mẹ con về ăn cơm, ông khỏi về thất công.

Bữa sau thứ 7, hai cô đợi gần 11 giờ mới lên xe xuống trường thi thấy cử tử còn lóng ngóng đông quá đứng chờ hạch miệng, hai cô biết chưa rồi nên đi vô trường Trương Vĩnh Ký rước em. Chiều gần 5 giờ đi rước em trước rồi trở ra trường thi cũng thấy còn cả chục cử tử chưa vô hạch miệng được. Ngoài cửa cũng có mấy chục người chờ dán bố cáo kết quả cuộc thi mà xem, có một thầy làm việc giấy trong trường ra về.

Thầy thấy cử tử với người thân quyến đứng chòm nhom ngoài cửa, thầy hiểu người ta chờ coi tên mấy người đậu, thầy mới nói: ”Bà con với mấy em về nghỉ, chờ làm chi thất công, bài viết chấm chưa rồi, mà hạch miệng lại còn cả chục trò nữa. Nếu bữa nay ban Giám khảo ráng làm việc tới 7, 8 giờ cho hết thì cũng còn cộng điểm coi trò nào đúng số mà đậu. Bởi vậy thế nào trưa thứ hai mới dán tên được.

Đào với Lý thất vọng bèn đi Bà Chiểu rước cha về chơi, không thèm kể đến cuộc thi cử nữa, chừng nào rồi cũng được, phận mình đã xong, không cần phải lo.

Qua sáng thứ hai bà chủ muốn yên lòng nên nhắc hai con đi thăm chừng coi người ta đã xướng danh hay chưa. Hai cô đã chán, nên dụ dự nói buổi chiều sẽ đi, để xe cho Tòng đi học. Đến 11 giờ xe đi rước Tòng. Bà chủ biểu Đào với Lý thay đồ đặng đi xuống trường thi luôn thể. Hai cô cũng dụ dự chưa chịu đi. Bà phải bận áo và biểu xe đi rước Tòng về rồi bà đi với Tòng.

Hai cô sợ mẹ giận nên phải sửa soạn. Chừng xe trở về hai cô ra đi với mẹ. Tòng cũng nóng nghe kết quả cuộc thi nên cậu đi theo.

Té ra xuống tới cửa trường thi thì hay người ta đã dán tên hồi 9 giờ rưỡi. Cử tử xem rồi kẻ vui người buồn đã tản đi về gần hết, chỉ còn mười mấy trò còn đứng trước mấy tờ giấy mà dòm. Tòng lật đật mở cửa xe đi riết vô đó mà xem. Bà chủ với Đào, Lý cũng đi theo sau liền.

Một cậu trai đương đứng coi, cậu day lại ngó thấy Tòng đi vô thì cậu kêu mà nói: “Em Tòng, qua đậu rồi. Hai chị em cũng đậu nữa“.

Bà chủ với hai cô nghe báo tin như vậy thì mừng khấp khởi nên bươn bả đi riết vô, chắc cậu trai đó là Khánh nên quen với Tòng. Thiệt quả Khánh đương kéo Tòng vô đứng trước tờ giấy thứ nhứt và đưa tray chỉ mà nói: “Lê Thị Lý đây, còn Lê Thị Đào đây. Qua đứng bên tờ thứ nhì. Đây, Võ Văn Khánh đây“.

Tòng thấy rõ ràng, cậu mừng quá, day lại kiếm mẹ với hai chị. Té ra ba người đều đứng sau lưng, đương ngó mấy chỗ Khánh chỉ. Tòng bèn kéo Khánh day lại mà giới thiệu anh bạn của mình cho mẹ với hai chị biết.

Khánh cúi đầu chào bà chủ và hai cô. Hai cô cũng lễ phép đáp lễ, còn bà chủ cười mà nói:

- Cậu ở khít một bên, hổm nay nghe Tòng nói cậu cũng học một trường với nó nên nó quen, mà tôi chưa có dịp gặp cậu. May tình cờ gặp cậu đây, hay cậu cũng đậu cũng như hai đứa nhỏ của tôi. Vậy tôi cũng mừng cho cậu. Ở xóm mình kỳ thi nầy có tới 3 người đậu, thiệt cũng đáng mừng. Ở gần gũi nhau, hễ biết nhau thì cũng như bà con. Tòng có nói ở trong trường cậu thấy nó nhỏ cậu thương nó như em út. Cậu có buồn thì qua nhà chơi với Tòng, xem nó như em đừng ngại chi hết.

- Cháu cám ơn bác. Ở trong trường cháu thấy em Tòng nhỏ mà dễ thương nên giờ chơi cháu hay nói chuyện với em, quen nhau là tại vậy. Nhưng lúc sau nầy mắc lo học đặng thi nên cháu không dám đi chơi. Cháu có nói với em Tòng nếu kỳ thi nầy cháu thi đậu thì chừng bãi trường cháu sẽ rủ em đi chơi với cháu.

- Ừ, ở gần anh em chơi với nhau cho vui. Trưa rồi thôi cậu về ăn cơm và cho ở nhà hay đặng mừng cho cậu, sẵn có xe đây, cậu lên xe cho mau.

- Cám ơn bác. Cháu có xe máy.

Khánh liền cúi đầu từ giã bà chủ với hai cô, nắm tay Tòng mà cười rồi đi lại chiếc xe gắn máy dựng ở vách tường, bà chủ theo ba con lên xe hơi mà còn day lại ngó Khánh mà nói thêm: “Khánh đằm thắm và dễ thương, hèn chi Tòng ưa cũng phải”, bà biểu sốp phơ chạy luôn vô chợ Bà Chiểu báo tin cho ông hay rồi trở về ăn cơm. Ông chủ với ông giáo ăn cơm vừa rồi, nghe Đào với Lý đậu chắc chắn thì mừng cho hai cô.

Bà chủ để cho con vui với cha chúng nó một chút rồi bà nói đã quá 12 giờ rồi nên thúc con về ăn cơm kẻo đói bụng.

Xe về tới nhà bà chủ kêu cô Thành mà cho hay Đào với Lý đã thi đậu có đăng tên trên bảng rõ ràng rồi. Cô Thành với chị bếp lên mừng hai cô rồi lo dọn cơm. Trong lúc ngồi ăn bà nói chiều nay bà đi đặt quay heo đặng sáng mốt cúng. Ông cho rồi, không nên để trễ. Bà lại nhắc đến cậu Khánh, bà khen cậu ôn hòa chỉnh tề, bà nói Tòng làm quen với người như vậy là tốt lắm, đi học có anh có em chẳng sợ ai ăn hiếp.

Cô Đào nói: “Trường con tới lớp ba là cùng chưa có lớp trên nữa. Vậy chừng khai trường tới đây mấy chị em con thi đậu trung học đệ nhứt cấp đều phải qua trường Trương Vĩnh Ký học lớp nhì chung với học sinh trai, chắc hai con sẽ học chung với anh Khánh”.

Bà chủ nói: ”Vậy thì càng hay. Con gái đi học chung với con trai; có anh trai bảo bọc, người ta mới kiêng nể”. Tòng hỏi: ”Má định mốt má cúng Ông rồi về mà làm tiệc ăn mừng hai chị con thi đậu phải không?”

Bà chủ cười mà nói:

- Sớm mơi mắc[1] cúng, rồi má đem lại tiệm chặt lấy một đùi sau với một miếng thịt đem về đãi mấy con chớ sao. Má cũng mời ba con về ăn chơi với mình cho vui, để ông Giáo ở trong ổng đãi mấy anh thợ.

- Ăn trưa con muốn mời anh Khánh qua ăn với con. Được hay không má?

- Được lắm chớ. Sợ cậu mới quen, chưa qua nhà mình lần nào, cậu ái ngại nên cậu không chịu qua.

- Để con mời.

- Ừ, con có muốn mời thì mời thử coi.

oOo

Bữa thứ ba, học sinh các trường có dự thi bằng trung học đệ nhứt cấp, dầu trai dầu gái dầu đậu dầu rớt đều phải đi học lại cho tới ngày bãi trường, chớ không phải thi đậu rồi thì được phép ở nhà luôn.

Trưa cậu Tòng đi học về cậu nói với mẹ rằng cậu có gặp Khánh đi học lại, cậu mời Khánh bữa sau sang nhà ăn cơm chơi với cậu. Khánh dụ dự, cậu nài nỉ quá nên Khánh hứa về xin phép với mẹ rồi tối sẽ trả lời.

Chiều Tòng về nói Khánh đã xin phép mẹ được rồi và hứa trưa bữa sau đi học về rửa mặt rồi qua ăm cơm với mình. Vì còn sớm, chưa ăn cơm, Tòng ra cửa đứng chơi, Tòng thấy Khánh cưỡi xe gắn máy về. Vừa tới cửa ngõ Khánh ngừng và ngoắc Tòng, Tòng men men đi lại. Khánh rủ Tòng vô nhà chơi, kêu anh lái xe lấy nước cam nước đá đãi Tòng. Anh em nói chuyện cho đến tối đốt đèn Tòng mới về ăn cơm. Hai chị hỏi Tòng nãy giờ đi đâu. Tòng nói anh Khánh mời qua nhà uống nước cam với ảnh. Bà chủ hỏi có thấy má của Khánh hay không. Tòng nói bà ở đâu trong phòng hay trên lầu nên không thấy.

Sáng bữa sau bà chủ dậy sớm sai chị bếp đi chợ mua rau, bánh hỏi, bánh mì cho nhiều. Bà lại dặn chị mua thịt, cá, gà về nấu ít món thêm đặng đãi khách, ăn bánh hỏi thịt quay rồi ăn cơm với cà ri và đồ mặn.

Chừng xe đưa ba con đi học trở về, bà biểu chị bếp chia bánh hỏi với rau ra làm hai, bà đem một phần ra xe mà đi xuống chợ mua trái cây, mua bông huệ, mua nhang đèn và mua hai hộp bánh tây rồi lại chợ cũ chở con heo đã đặt cho tiệm quay đem vô Lăng mà cúng trả lễ cho Ông[2]. Cúng rồi bà trở ra tiệm kêu chị bếp biểu ra phụ với anh sốp phơ bưng hết đồ vô, bà biểu chị chặt con heo để cho bà đem về một cái đùi sau với một khổ[3] thịt cho ngon đặng đãi sắp nhỏ. Bà soạn đem về một hộp bánh tây với một mớ trái cây.

Còn bao nhiêu bà giao cho chị bếp cất rồi đúng bữa cơm trưa dọn mà đãi thợ và người trong tiệm ăn uống mừng cho hai em mới thi đậu.

Bà chủ mời ông về nhà ăn cơm với sắp nhỏ cho vui. Bà cũng mời luôn ông giáo nữa. Ông giáo nói ông đi nữa thì không có ai coi tiệm. Ông khuyên ông chủ về ăn chơi với mấy đứa cháu một bữa, để ông ở lại coi tiệm, thay mặt mà đãi thợ cho.

Hai ông bà mới bưng thịt với bánh trái ra xe rồi từ giã ông giáo mà đi. Về tới nhà mới 10 giờ.

Bà chủ tiệm biểu cô Thành giao thịt cho chị bếp, đi mua nước cam đá cho sẵn rồi sẽ đặt lên bàn. Bà lấy dĩa sắp bánh trái để tráng miệng. Bà thấy ông ra vô vui vẻ bà nói cho ông hay Tòng quen với con trai của bà ở nhà lầu một bên đây. Cậu đó tên Khánh học một trường với Tòng, học lớp trên, nên kỳ thi nầy đậu cũng như Đào với Lý. Cậu có rủ Tòng qua nhà chơi, rồi Tòng có mời cậu bữa nay qua ăn cơm với nó.

Ông nói ở gần lại học chung một trường, làm quen đặng đi học có bạn thì tốt, chớ có sao mà sợ. Bà nói hôm qua đi coi đăng tên, Tòng gặp cậu Khánh, Tòng có trình diện cậu cho bà với hai chị biết. Bà coi Khánh lễ phép dễ thương. Mà Đào với Lý lại có nói chừng khai trường hai đứa phải qua trường Trương Vĩnh Ký mà học tiếp, chắc sẽ học chung lớp với Khánh. Ông nói nếu vậy thì cả ba đứa con mình học chung một trường, đưa rước tiện hơn.

Qua 10 giờ rưỡi bà nhắc sốp phơ đi rước ba đứa nhỏ. Vợ chồng bà mới ngồi tại phòng tiếp khách bàn luận việc nhà với nhau mà chờ con.

Ông nói với bà:

- Hôm nọ má nó với sắp nhỏ đưa tôi về Bà Chiểu mà đi ngã Thị Nghè, lúc đi ngang qua chỗ mình ở hồi trước tôi cảm hết sức. Rồi tới khúc quẹo tôi nhớ việc tôi được cái rương tôi chở về nhà, tôi ngó con Lý thì tôi tức cười quá. Thiệt năm đó tôi đi bán chiếc xe máy lấy tiền cho má nó uống thuốc, không ai thèm mua hết, tôi đi về dọc đường mà rầu rĩ như người sống mà không có hồn. Tôi tưởng vợ chồng mình đã cùn mạng rồi, má nó không tiền uống thuốc tự nhiên phải chết, con Đào không có sữa bú cũng phải chết nữa. Vợ con chết hết, tôi còn sống làm chi. May tình cờ gặp cái rương tôi chở về nên ngày nay vợ chồng mình mới được như vậy. Không nên nói cho con Lý biết, nhưng thiệt nó là vị cứu tinh của mình.

- Hồi đó anh tính đem lại giao cho bót. Em cản để mà nuôi, coi phải hay không? Nếu để cho anh đem ra bót, tự nhiên người ta giao cho nhà mồ côi, thì ngày nay nó đâu được ăn học có bằng cấp, mà chắc vợ chồng mình cũng không khá được.

- Khá mới khỉ! Giao con Lý thì phải giao số tiền. Nếu mình chận số tiền bạc té ra mình ăn cướp tiền bạc của con nít mới đẻ hay sao. Thà đói thì nằm co mà chịu chết, chớ qua đâu nỡ làm thói gian như vậy được. Mà không có tiền thì má nó làm sao mà mạnh mà nuôi con Đào, còn tôi đâu có vốn mà buôn bán rồi lập nghiệp như vậy.

- Người giao nó với tiền bạc cho mình, người ta cậy mình thương yêu nó, hoạn dưỡng nó dạy dỗ nó cũng như con ruột mình. Anh sợ em làm không kham. Em hứa em làm được. Anh coi có phải em làm xong hết hay không?

- Xong chớ sao không xong. Thương Lý nên mới ra trước Tòa nhận nó là con mình sanh. Nuôi nó cho ăn cho mặc giống như Đào. Dạy nó và cho nó học thi đậu bằng cấp rõ ràng. Ba điều người ta ký thác mình đã làm vuông tròn hết cả ba. Vậy thì thôi, chớ biết làm sao nữa. Đồ của con Lý hồi nhỏ má nó giữ còn đủ hết hay không?

- Còn đủ hết. Nhưng em giữ để làm vật kỷ niệm mà chơi vậy thôi, chớ ai nhìn nó làm con chắc em không cho đâu. Nó là con của mình có án Tòa chứng khai sanh hẳn hòi, họ kêu nài gì được.

- Tôi có mong cho ai nhìn nó làm chi, ba đứa con thuở nay chúng nó cũng trìu mến nhau nữa. Rứt bớt một đứa chắc hai đứa kia buồn, mà vợ chồng mình cũng không vui gì. Tôi muốn giữ kỹ vật đó là vì tôi nghĩ bức thơ của cô nào viết mà gởi con đó tôi tội nghiệp cho thân phận của cô, bị việc nhà ép buộc sao đó nên cô phải chịu đau khổ cắt ruột gan mà bỏ.

Hai ông bà nói chuyện tới đó thì xe đi rước ba con về đương quanh vô sân. Vợ chồng phải dứt chuyện, bước ra cửa đứng mừng con, ngó từng đứa ôm sách xuống xe, đứa nào cũng hớn hở vui cười, thấy trước mắt có con gái có con trai đủ hết mà đứa nào cũng thảo thuận ham học để lập thân, rồi nhớ sau lưng vợ chồng đã gây dựng được một sự nghiệp dầu không rực rỡ vinh quang hơn ai song cũng đủ cung cấp cho đời sống của ba con ấm no sung sướng.

Ba trẻ vô cũng mừng cha mẹ rồi cất sách rửa mặt nói nói cười cười gây trong nhà một bầu không khí tưng bừng vui vẻ.

Vì nghe có Khánh qua ăn cơm, Đào với Lý rửa mặt nhưng không thay đồ, bận luôn y phục đi học đó ra phụ với cô Thành mà đặt bàn, chỉ sắp đồ ăn nào để chỗ nào cho mỗi người đều gắp được. hai cô tính một bên cha ngồi trên, Khánh ngồi giữa, và Tòng ngồi chót. Còn bên nầy thì mẹ ngồi trên. Lý ngồi giữa, và Đào ngồi chót.

Nãy giờ Tòng cứ ra cửa ngó chừng Khánh, trông Khánh qua đặng ra tiếp mà dắt vô nhà cho khỏi bợ ngợ. Cách chẳng bao lâu, Tòng thấy Khánh vô cửa ngõ thì vội vã bước ra sân mà rước bạn. Ông chủ bà chủ ngồi trong phòng khách ngó ra, thấy hai trẻ thủng thẳng đi vô, Khánh mặc một đồ tây bằng bố xám chớ không phải đồ mắc tiền, song may khéo, ủi sát, cổ thắt rê gát đen, tại nút áo trên có gắn một miếng nỉ tang, chưn mang giày đen, đầu chải nhuốt, vóc cao lớn, bộ chẩm hẩm.

Tòng mới nói cho Khánh hay có cha về ăn cơm, nên bước vô thấy ông bà chủ ngồi tại phòng khách thì Khánh liền chấp tay cúi đầu chào ông bà, gọi bằng bác, rồi chào luôn Đào với Lý đương đứng gần bàn ăn ở phía trong, sắc mặt cậu tự nhiên như người quen biết đã lâu rồi, không sụt sè nhút nhát chút nào hết.

Ông chủ ngồi ghế ca-na-pê[4] phía trong với bà, ông vui vẻ nói: “Tòng nói cậu cũng thi đậu kỳ nầy. Vậy vợ chồng tôi cũng mừng cho cậu. Anh em ở khít một bên nhau, lại học chung nhau một trường, qua lại chơi với nhau cho vui. Mời cậu ngồi, ngồi cái ghế gần tôi đây, đừng ái ngại chi hết. Ban đầu lạ sau sẽ quen, ở một xóm cũng như bà con một nhà, có chi đâu mà ái ngại“.

Khánh nói: “Cháu đáng con cháu. Cháu xin hai bác xem cháu cũng như em Tòng, đừng kêu bằng cậu“.

Ông chủ gặc đầu cười và nói: ”Được vậy thì càng tốt“.

Bà chủ tiếp nói: “Vậy thì cháu ngồi. Tòng đem nước cam cho anh giải khát rồi ăn cơm con“.

Khánh ngồi, Tòng lấy ra 1 cái ly có nước đá. Đào với Lý cầm hai ve nước cam mà khui rồi Đào rót vào hai ly của cha mẹ Lý rót cho Khánh với Tòng.

Bà chủ mời Khánh uống rồi hỏi:

- Cháu để tang cho ai vậy?

- Thưa, cháu để tang cho ba cháu mới mất hơn một năm nay.

- Cháu được mấy anh em?

- Thưa thuở nay má cháu sanh có mình cháu, bởi vậy cháu không có anh chị em nào hết.

- Bác về ở đây mấy tháng nay, bác không thấy bà thân cháu ra vô. Bác muốn qua thăm đặng làm quen tới lui nói chuyện chơi cho vui, ngặt chưa thấy mặt nên bác ái ngại không dám qua.

- Thưa, má cháu có bịnh đau tim lại hay chóng mặt. Hễ thấy xe chạy rần rộ, hoặc người đi đông đảo, thì má cháu chóng mặt và mệt muốn xỉu. Bởi vậy từ khi cháu năm sáu tuổi cho tới bây giờ má cháu lục đục ở trong nhà, không dám ra khỏi cửa.

- Bịnh như vậy Đốc Tơ trị không được hay sao?

- Má cháu nói hồi mới phát bịnh má cháu có đi Đốc Tơ tiêm thuốc cả năm, mà bịnh trơ trơ không giảm chút nào hết, má cháu phiền nên không thèm tiêm thuốc Tây hay uống thuốc nam nữa, cứ ở nhà lo bồi bổ sức khỏe vậy thôi.

- Bà năm nay được bao nhiêu tuổi vậy cháu?

- Thưa, mới bốn mươi tuổi

- Còn trẻ quá há!

Nghe đồng hồ gõ 12 giờ, bà chủ đứng dậy ngó bàn ăn thấy đồ ăn đã dọn xong rồi, bà mời ông chủ với cậu Khánh đi ăn cơm, vừa ăn vừa nói chuyyện cũng được.

Cô Đào đứng mời cha ngồi trên và mời cậu Khánh ngồi kế bên rồi biểu Tòng ngồi tiếp theo nữa, cô nói ngồi như vậy nói chuyện cho dễ. Còn bên kia bà chủ tự nhiên bà ngồi đối diện với ông, rồi hai chị em mới ngồi theo thứ tự đã tính trước, thành ra Lý ngồi đối diện với Khánh.

Khánh mới làm quen với chủ nhà lại ngồi ăn cơm trước mặt hai cô gái đẹp, đồng chạng với cậu mà cũng mới thi đậu như cậu nhưng cậu bình tĩnh như thường. Tòng nói chuyện với cậu thì cậu vui vẻ mà nói lại. Cô Đào hay nói, cô hỏi thăm cách học trong trường Trương Vĩnh Ký, hỏi kỷ luật của nhà trường, hỏi mấy ông thầy khó hay dễ.

Cậu Khánh nghiêm chỉnh, hỏi đâu thì cậu đáp đó, cậu cứ ngó ngay mà đáp không bợ ngợ, không sụt sè, lời nhã nhặn, bộ tự nhiên, chẳng khác nào cậu nói chuyện với bạn trai vậy. Mà Đào cũng như Lý thấy cử chỉ của Khánh đàng hoàng thì hai cô không ái ngại chi hết. Nghĩ trong vài tháng nữa đây mình sẽ qua học chung với cậu nên muốn nói chuyện mà làm quen trước đặng chừng qua trường mới, có người cũ dìu dắt trong buổi đầu, bởi vậy hai cô cứ hỏi thăm, kêu Khánh bằng anh, nhứt là cô Đào nói nhiều hơn hết, lại theo nài ép Khánh ăn cho no, đổi mấy dĩa đồ ăn mà để gần cho Khánh dễ gắp.

Khánh nói chuyện cũng gọi Đào với Lý bằng chị hết, làm cho ông bà chủ thấy rõ Khánh thật tình, không có ý xằng xịu với con mình, như nhiều cậu trai khác, hễ gặp gái thì kiếm thế gieo tình hoặc chọc ghẹo. Hai ông bà vui lòng lắm, nhứt là bà chủ khen Tòng biết chọn người đúng đắng mà kết bạn, bà cũng mừng rồi đây Đào với Lý qua học chung với nam sinh, hai nàng sẽ có người đáng tin cậy chăm nom dìu dắt.

Ăn cơm rồi cậu Khánh xin phép về liền đặng xem bài vở lại mà đi học buổi chiều. Lúc từ giã bà chủ dặn Khánh có rảnh thì qua chơi với Tòng đừng ái ngại chi hết.

Chừng Khánh về rồi thì ông bà chủ khen Khánh là con nhà giàu mà không phách lối không vúc vắc, ăn nói lễ phép dễ thương cử chỉ đàng hoàng vui vẻ. Hai ông bà khuyên Tòng phải bắc chước Khánh mà tập tánh nết như vậy, chừng lớn mới được người ta khen ngợi kính phục.

Sáng chúa nhựt bà chủ biểu Tòng bận đồ đặng đi vô tiệm chơi. Tòng xin lỗi với mẹ và nói: “Hôm qua anh Khánh rủ con sáng nay lối 8 giờ qua nhà ảnh chơi đặng ảnh đưa sách của ảnh cho con xem. Con đã có hứa lỡ với ảnh rồi. Vậy xin má đi với hai chị, để con ở nhà con qua chơi với anh Khánh. Ảnh có qua nhà mình mà ăn cơm rồi. Nếu con không qua nhà ảnh té ra con khinh rẻ ảnh“.

Bà chủ nói đã có hứa thì ở nhà đặng qua chơi với Khánh rồi bà lên xe đi Bà Chiểu với Lý và Đào.

Đến 11 giờ ba mẹ con về, mà Tòng cũng chưa về. Bà chủ kêu hỏi cô Thành Tòng đi hồi nào, Thành nói bà chủ đi một chút thì Tòng đi. Bà không yên lòng, không hiểu con đi đâu xa hay không, chớ ở nhà chơi thứ gì mà lâu dữ vậy.

Cách một lát Tòng lơn tơn về. Cô Đào đứng ngoài cửa mà nói: “Mới quen với người ta thì thăm chơi một chút rồi về, ở chà lết làm chi từ sớm mơi tới giờ. Má về má không thấy em, nãy giờ má không yên, má trông quá“.

Tòng cười ngỏn ngỏen đi vô thấy mẹ ngồi thì nói: “Má trông con hả má? Anh Khánh cứ cầm con ở lại chơi hoài, không muốn cho con về; ảnh nói chúa nhựt thì nghỉ, gấp về học hay sao mà đòi về. Ảnh dọn bánh đủ thứ mà đãi con, ba-tê, săng-úych, bánh ngọt, nước cam, xá xị, ảnh ép con ăn uống với ảnh muốn nứt bụng. Ăn uống no rồi ảnh mở tủ cho con xem sách của ảnh học. Chị Hai, chị Ba, trời ôi! Anh Khánh có mua sách đủ thứ, sách tốt lắm! Anh nói hồi trước ba ảnh mua bên Tây để dành cho ảnh học, thấy sách ham quá! Má nầy, ảnh biểu con ráng học cho giỏi chừng con lên lớp trên con có cần dùng sách gì thì ảnh cho mượn mà học. Hễ một lát thì ảnh ép ăn một miếng bánh, ăn chêm thêm hoài, nên bây gờ con còn no cành, chắc lát nữa ăn cơm không nổi… Ừ, chị Hai, anh Khánh có dắt em xuống ga ra[5] coi xe của ảnh nữa. Trời ơi! Xe tốt mà lớn hơn xe mình. Ảnh nói có ghế xếp nên đi bảy tám người không chật. Từ khi ba ảnh mất rồi thì xe không đi đâu hết. Má ảnh biết cầm tay lái nhưng có bịnh nên không đi, bởi vậy xe nằm ga ra hoài, Mỗi bữa anh bồi chùi lau. Mỗi tuần má ảnh chỉ cho anh bồi vô dầu vô mỡ rồi má ảnh mở cho máy chạy một lát đặng máy nóng vậy thôi. Ảnh tính bãi trường thì ảnh xin má ảnh mướn một anh sốp phơ đặng đem xe đi rà máy lại cho đàng hoàng rồi ảnh chở em đi chơi với ảnh“.

Bà chủ hỏi: “Con có thấy má của cậu Khánh hay không?”.

Tòng nói:

- Thưa thấy. Con qua ngồi nói chuyện với anh Khánh một chút rồi bà ra. Bà mới kêu anh bồi biểu bưng bánh ra cho anh Khánh ăn với con đó.

- Bà oai lắm phải hôn con?

- Oai là sao?

- Oai là nghiêm trang làm bộ cho người ta phải sợ, phải kính phục, bởi vậy người trong nhà mới gọi là “bà lớn”.

- Thưa, không có đâu. Mặt bà không được vui. Bà nói chuyện chẩm rãi lắm. Song tiếng bà nói ngọt sớt. Bà lại đẹp người lắm má à.

- Đẹp là sao?

- Con có biết sao đâu mà nói. Con thấy bà ngộ lắm vậy.

- Bà già rụng răng hay chưa?

- Ý. Già ở đâu! Còn trẻ lắm mà, Bộ bà như chị ba con vậy song bà lớn tuổi hơn.

- Bà có nói chuyện với con hay không?

- Thưa có. Bà nói nhiều. Bà hỏi ba má, bà hỏi hai chị con. Chắc anh Khánh có nói với bà nên bà biết ba má có trại đóng bàn ghế mà bán trong Bà Chiểu. Ba mua nhà đây là mua cho má với ba đứa con đi học cho gần. Bà có ý muốn qua thăm má mà làm quen, đặng ở gần tới lui nói chuyện với nhau cho vui. Ngặt bà không được khỏe, bà chưa kịp qua thì con lại mời anh Khánh ăn cơm. Anh Khánh về nói ba má hiền lành tử tế, còn hai chị con vui vẻ lại học giỏi. Bà nghe như vậy bà có ý mừng, được nhà tử tế ở một bên. Bà cứ căn dặn con hễ có rảnh thì qua bển chơi với anh Khánh đừng ái ngại chi hết. Bà lại nói để lúc nào bà khỏe bà sẽ qua nhà mình mà thăm đặng cho biết má với hai chị con.

- Bà nói điệu đó thì cũng dễ chịu, chớ không phải người ỷ giàu sang mà kiêu hãnh.

- Thưa không có đâu. Bà tử tế, bà thương con lắm má à.

[1] bận

[2] Tả quân Lê văn Duyệt, cựu thần nhà Nguyễn, có công xây dựng Sài Gòn Gia Ðịnh

[3] miếng lớn

[4] trường kỷ

[5] (garage), nhà để xe