Trong chốn thôn quê, hễ tối một lát thì người ta ngủ hết, ngủ sớm đang khuya có dậy sớm mà đi làm. Thị Mùi chỉ đi đánh bài chớ không có làm việc chi, nhưng ngày nay ngồi sòng mệt mỏi, nên ăn cơm rồi chị ta vô mùng nằm im lim. Quí xẩn bẩn trước hàng ba trông cha, còn Mỹ thì coi dọn dẹp dưới bếp. Tháng Sen buồn, nó đem đèn lại mà cho cá lia thia đá bóng, đặng coi chơi một hồi rồi nó đi ngủ.
Bây giờ bầu trời đã trong, sao giăng tứ phía, lại bên hướng đông mặt trăng gần mọc, nên rựng sáng chân trời.
Mỹ coi cho chú Tiền dọn dẹp dưới nhà bếp, xong hết nên cũng đi ngủ. Trong nhà duy con Quí chừa một cánh cửa, rồi cứ thơ thẩn trước hàng ba, mà trông cha.
Thiệt quả trăng vừa hé mọc, rọi ánh sáng trên ngọn tre thì ông Bồi Tồn đạp xe máy về. Ông đương dắt xe lên thềm thì Quí đón mà mừng: “ Cha, con thi đậu rồi cha à!”.
Ông Bồi vui vẻ đứng lại hỏi:
- Đậu hả! Trường Càng Long đậu mấy trò, con?
- Có một mình con.
- Chà chà! Vậy thì Quí lắm. Con về hồi nào?
- Hồi chiều.
- Con có cho thầy con hay rồi chưa?
- Thầy con còn ở dưới Trà Vinh.
Hai cha con nối gót nhau mà vô nhà. Ông Bồi thấy trong nhà im lìm thì hỏi:
- Nhà ngủ hết rồi sao?
- Thưa ngủ hết.
Thị Mùi dở mùng chun ra hỏi chồng:
- Ăn cơm rồi chưa mà tới chừng này mới về?
- Ăn rồi.
- Tôi tưởng ở đánh luôn đêm chớ.
- Sáng mai tôi mắc đi Dừa Đỏ, đánh nữa tôi mệt, sáng mai đi sao nổi. Tôi muốn xên hồi chiều kia chớ, bị chú Cả Tư chú thua, chú cứ nài đánh ráng cho chú gỡ, nên cù nhầy tới 8 giờ đói bụng quá mới xên được.
- Đánh bao nhiêu vậy
- Năm cắc.
- Ông ăn hay thua?
- Ăn một trăm ngoài. Hồi xế tôi ăn gần năm trăm. Cuối qua bị thường một bàn quan, rồi bài xuống nước làm tôi thua lại.
- Đánh với ai vậy?
- Thì cũng mấy tay cũ, ông Hưong quản, chú Cả Tư, cô Năm với tôi, chớ có ai lạ đâu.
- Chắc cô Năm ăn. Tháng này cổ hên lắm, nghe nói cổ ăn luôn luôn.
- Bữa nay cổ đủ vốn, Ông Hương quản ăn ít chục. Có một mìnhn chú Cả Tư thua. Còn mình khá không.
- Thua. Bữa nay bài xấu quá đánh không được. Toi ghét tôi xên sớm. Ông nói sáng mai ông đi Dừa Đỏ, đi có việc chi vậy?
- Nghe nói Hương bộ Hên có con gà cú hay lắm. Tôi tính xuống coi như thiệt tốt thì bắt về nuôi.
- Mới tháng nầy mà lo gà!
- Phải kiếm lần đi chớ. Trên thầy Phó, dưới thầy Ba, họ sai người đi kiếm gà cùng hết. Mình không lo trước rồi tới mùa đâu có mà chơi với họ.
Ông Bồi mấy năm nay không lo trồng tỉa chi hết, ông bỏ phế mẫu đất trồng chung quanh nhà cho chú Tiền làm sao thì làm. Còn sở ruộng trong Suối Cạn thì ông cho người ta mướn, ông khỏi lo cấy gặt. Mùa ướt ông cứ thả đi đánh tứ sắc, rồi đến mùa khô thì ông đá gà, vẩn vơ trong trí những tướng sĩ tượng, xe pháo ngựa hoặc những gà xám, gà diều gà ô, ông chẳng hề có nghĩ đến việc gì khác. Trong những dịp đi ăn đám giỗ hay là ngồi luận đàm với anh em, nếu có ai nói đến tương lai của chủng tộc, thì ông trề môi, cho việc ấy không phải phận sự của ông. Nếu có ai khuyên ông làm việc ích chung, thì ông ngảnh mặt làm ngơ, nghĩ đó là lý tưởng của phong trào xảo trá. Cũng như nhiều bạn đồng thời chung quanh ông, tuy không nói ra, song ông vẫn rất tự hào với thái độ cư xử của ông. Ông tin chắc ông được hưởng thú phong lưu hoàn toàn, tội nghiệp ông không dè thú phong lưu ấy mỗi ngày tràn ra một chút, tràn cách êm đềm, lần lần làm cho sự nghiệp ông suy bại. Làm cho gia đình ông toan hoang, mà còn làm cho danh dự ông thấp hèn, làm cho tinh thần ông giảm bớt.
Nghe ông nói chuyện với vợ nãy giờ thì đủ thấy trí ý của ông. Sự lo hiện thời là lo đánh bài, còn chỗ nghĩ tương lai là chỗ nghĩ mua gà hay mà nuôi đặng đến mùa khô có gà đá với họ, chớ không phải lo làm cho lớn sự nghiệp hay là giáo hóa con cái trong nhà. Tình cờ ông đi lại đèn đốt thuốc, ông thấy Quí đứng xớ rớ gần đó tự nhiên ông hỏi con, hỏi mà không chú ý lắm:
- Té ra trường Càng Long có một mình con đậu?
- Dạ có một mình con.
- Thôi con khoẻ rồi, hết lo nữa…
Quí rụt rè do dự, rồi nhỏ nhẹ nói: “ Con muốn xin cha cho con lên Sài Gòn học”.
Ông Bồi còn suy nghĩ chưa kịp trả lời với con thì Thị Mùi hớt mà nói: “ Trời ơi! Đi học trên Sài Gòn tốn hao lung quá, khéo bày chuyện đặng đi xài tiền. Làm biện làm phứt cho xong, có lương ăn. Lại khỏi thất công đi học”.
Ông Bồi nói: “Con nít mà làm biện nỗi gì”
Quí rón rén thưa: “ Con muốn học đặng lấy bằng Thành chung”.
Thị Mùi chặn mà đáp: “ Sợ Thành yêu thành quỉ chớ Thành chung nỗi gì. Nè tôi nói ông biết, tôi cực nhọc mà nuôi hai đứa con ông 10 năm nay, tôi nghĩ thiệt uổng công tôi lắm. Nuôi chúng lên vai lên vóc, rồi con Mỹ nó bắt đầu nói hành nói tỏi với tôi đó. . Rồi đây thằng Quí cũng vậy, chớ không khá gì. Thiệt mang cái chức mẹ ghẻ đã không được ơn, lại còn mắc oán”.
Ông Bồi nghiêm nét mặt an ủi vợ:
- Con cái trong nhà nó có dại lầm lỗi điều gì, thì mình rầy la nó chớ giận hờn làm chi.
- Thôi thôi, tôi không dám la rầy ai hết. Rất đỗi tôi không dám nói động đến nó, mà còn mang tiếng oán, nếu tôi la rầy rồi sẽ ra làm sao nữa.
- Con Mỹ làm sao mà mình giận nó?
- Nó nói với thiên hạ ngoài chợ rằng tôi là người không ra gì. mẹ nó hồi trước làm đổ mồ hôi xót con mắt, mới có của mà để lại. Tôi xắn xả vô hưởng của mẹ nó, mà lại còn hắt hủi chị em nó.
- Mỹ thiệt thà lắm! Có lẽ nào nó nói nói nhiều chuyện như vậy.
- Hứ! Nó mà thiệt thà! Nó còn nói nhiều chuyện khác nữa, song họ sợ tôi giận, nên họ không dám thuật lại cho nghe. Ông kêu nó dậy mà hỏi coi nó nói giống gì thì biết.
- Con mà đi nói xấu cho mẹ thì có lỗi nhiều. Nếu thật quả có như vậy thì tôi trừng trị nó. Mà nó nói với ai như vậy đó?
- Nó nói với mọi người ngoài chợ.
- Mọi người là ai? Đâu mình kể tên vài người cho tôi biết đặng tôi hỏi lại cho có chứng cớ rõ ràng mà làm tội nó chớ.
- Tôi có biết nó nói với ai mà chỉ.
- Vậy thì chuyện mơ hồ, có căn cứ gí đâu mà giận nó. Không chừng người ta muốn cho xào xáo trong nhà mình, nên người ta bày chuyện mà nói.
- Ông một phe với con, nên ông binh nó hoài.
- Không phải binh. Dầu việc gì cũng vậy, phải lấy công tâm mà đoán chớ. Tôi làm cha, tôi biết trị con, nhưng nếu con thiệt có lỗi thì mình mới trị, chớ nó vô tội. Mình đánh nó thì oan cho nó chớ.
- Thôi, tôi biết rồi. Tôi sẽ để nhà cho con ông ở. Có tôi ở đây, cha con ông không vui. Hồi ông muốn cưới tôi, thì đã ái ngại về chỗ mẹ ghẻ con ghẻ. Tôi sợ mà rồi không phải mang tiếng ác.
- Mình đừng nói vậy. Hễ giận thì đòi đi. Đi đâu?
- Tôi vô trong giồng kiếm đất cất chòi mẹ con tôi ở.
- Có lẽ nào làm như vậy.
- Chớ ở đây, con ông cứ nói xấu cho tôi, thì tôi làm sao ở được.
- Mà ai nói với mình rằng con Mỹ nói xấu mình kìa?
- Thím thợ Hai.
- Chắc con Mỹ nó nói với thím hả? Để mai tôi dắt con Mỹ ra dáp mặt[1] thím mà hỏi cho ắt chất[2].
- Không phải con Mỹ nói ngay với thím thợ Hai. Nó nói với người ta. Người ta nói chuyện với thím, rồi thím học lại với tôi.
- Người ta là ai? Tôi muốn biết rõ chỗ đó.
- Tôi có biết đâu.
- Ôi! Chuyện đàn bà ngồi lê đôi mách[3], hơi đâu mà nghe họ. Mà thế nào ngày mai tôi cũng hỏi thím Hai cho biết ai muốn khuấy rối gia đạo của tôi đây. Mình an tâm. Việc này tôi không bỏ qua đâu.
Mỹ ở trong buồng bước ra và khóc và nói:
- Con xin cha hỏi lại chuyện này cho minh bạch, kẻo oan ức con lắm. Mỗi sớm mai con đi chợ mua ăn, lo mua riết đặng về nấu cơm, con có ngày giờ đâu mà nói chuyện với người này người nọ. Con biết thím thợ Hai nhưng thuở nay không có dịp nào nói chuyện với thím, tại sao thím dám đặt điều cho con. Con muốn xin với dì con sáng mai đi với con ra nhà thím đặng con hỏi thím.
Thị Mùi nói: “ Được, sáng mai đi”. Ông Bồi cản: “ thôi, đôi chối mà tốt gì, để tôi tra hỏi cho. Mẹ con ra ngoài chợ, rồi cãi lẫy với người ta coi sao được”.
Ông Bồi cười đáp: “ không phải tôi binh con, mà tôi muốn cho gia đình đầm ấm, mẹ thương con, con kính mẹ chớ. Thôi, Mỹ vô ngủ đi con. Chuyện đó để cha hỏi cho”.
Mỹ lau nước mắt trở vô buồng, Thị Mùi không làm cho Mỹ bị đòn được thì nàng giận nên bỏ đi ngủ.
Quí nãy giờ ngồi núp bóng cây cột phía chái trên, lóng nghe công việc của chị, chừng thấy cha đã xử êm, thì thở một hơi dài, rồi lại đóng cửa. Vì sự xin đi học chưa được lời cha phán đoán, nên Quí có ý trông cha nói lại chuyện ấy, té ra ông Bồi rót nước trà mà ngồi uống rồi ông cũng đi ngủ, dường như không chú ý đến việc tương lai của con.
Quí vặn đèn lu lờ, rồi trở về phòng riêng của mình ở chái trên, nhè nhẹ mở cánh cửa sổ hứng gió ra vườn sáng lòa. Mặc dầu ễnh ương ngoài mương vẫn uênh oang, nhái bầu trong ruộng vẫn kêu lét chét, Quí không còn buồn như hồi chiều nữa, có lẽ nhờ được nghe những lời công chánh của cha phân xử tội chị, nên Quí rất hài lòng. Quí vui rồi nhớ bài học luân lý về hạnh của Mẫn Tử Khiên hồi xưa cũng có mẹ ghẻ như mình, mà lại có hai đứa em khác mẹ, chớ không phải như mình có một em Sen. Ngày nọ cha Mẫn Tử Khiên tình cờ được biết bà vợ chỉ chăm nom hai đứa con ruột của bà no ấm, còn bỏ con ghẻ là Mẫn Tủ Khiên rách rưới, lạnh lẽo thì ông giận; ông hài tội bà rồi làm tờ xuất. Không chịu làm bạn với người ác phụ ấy nữa. Tử Khiên quì lạy cha mà can gián, xin cha tha lỗi cho mẹ ghẻ, nói rằng mẹ ghẻ ở trong nhà thì chỉ có một mình rách rưới lạnh lẽo mà thôi, chớ nếu mẹ ghẻ ra khỏi nhà thì sẽ thêm hai em rách rưới lạnh lẽo nữa! Nghe mấy lời hiền đức ấy, cha động lòng mà tha tội cho mẹ ghẻ, mà mẹ ghẻ cảm xúc nên từ ấy thương yêu Tử Khiên như con ruột.
Quí nhớ bài học ấy rồi cảm động hỏi thầm trong trí: Đối với em mình là Sen, mình có thương như Tử Khiên hồi xưa thương và lo cho 2 em ngài hay không? Không. Đối với mẹ ghẻ, mình có ái kính nhẫn nại như Tử Khiên hồi xưa hay không?- Không.
Quí vẫn đáp trong trí như vậy rồi hổ thẹn, và hối hận, nhứt định sẽ đổi trí ý, từ rày sẽ thương yêu em Sen, không lạt lẽo như xưa nữa, sẽ kính mẹ ghẻ, hứ không ghen ghét như trước nữa.
Xét hạnh kiểm đối với cha mẹ và em trong nhà rồi, Quí suy nghĩ qua việc học. Thế nào cũng xin cha lên Sài Gòn mà học nữa. Như cha sợ học ở Sài Gòn tốn hao tiền, thì mình vào trường trung đẳng Cần Thơ hoặc Mỹ Tho. Phải có học thức rộng mới lập thân được, chớ mới có bằng sơ học rồi ở nhà, thì cuộc sống của mình sẽ lùn-đùn[4], không thể vượt lên cao nổi.
Quí quyết định như vậy rồi đóng cửa sổ đi ngủ, lòng mát mẽ như cây gặp mưa hồi chiều, trí sáng loà như trăng rọi sáng ngời trước ngõ.
[3] ngồi đây mai đó nói chuyện tầm phào