HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
MGCG 01.PDF
MGCG 02.PDF
 
Mẹ Ghẻ Con Ghẻ
Chương 21

Cuộc nhà của Phan Văn Quí, con trai lớn của Bồi bái Tồn, mướn cất dựa trên đuờng vào tỉnh lỵ Trà Vinh, mà mấy tháng nay thiên hạ gọi là đền đài, rủ nhau đến xem nườm nượp đó, đã dọn dẹp trong ngoài sau trước đều hoàn thành rồi hết

Trên cửa ngỏ sắt, vừa đẹp đẽ, vừa hùng hồn, đã có thượng một khuôn sắt hình bán nguyệt, chạm thiệt khéo, trong khuôn có gần 4 chữ, trên hai chữ “ Biệt Thự” vừa vừa, dưới hai chữ “ La-Co” rất lớn. Cửa với khuôn đều sơn dầu màu xám, duy 4 chữ thì sơn dầu màu đỏ, nên ở xa ngó thấy rõ ràng.

Trước nhà thì sân đã dọn xong, bồn bông đắp rồi, đường ngang đường dọc cũng xẻ rồi, chỉ chờ trời mưa gieo bông hoa, đặt cây trái.

Trong nhà bàn ghế tủ giừơng cũng đã dọn đủ rồi hết, có máy đèn riêng để cho điện chạy khắp trên dưới trong ngoài.

Đám nhơn công làm mấy tháng nay ở phía trước, bây giờ dồn hết vô phía sau, đương rần rộ kiến trúc cô nhi viện.

Buổi chiều đó trong bếp người ta nấu nướng lộn xộn, trong nhà mấy anh bồi sắp dặt lăng xăng.

Cửa ngõ mở bét cả hai cánh. Cửa lớn cửa sổ trong nhà cũng mở hết.

Quí đầu chải láng nhuốt, mình mặc quần túc so dài ống với áo sơ mi lụa ngắn tay, chơn mang giày da vàng, đương đi bách bộ trước thềm nhà mà nói chuyện với ông sếp Marc, mặc quần sọt với áo sơ mi xanh. Hai người bàn về sự chọn lựa giống hoa mà trồng, bỗng thấy chiếc xe xám của Quí vế tới, xe quanh vào cửa ngõ rồi vòng theo bồn bông mà ngừng dưới thềm êm ru.

Hai anh bồi, mặc đồ trắng, trong nhà chạy ra, xe vừa ngừng thì hai anh liền mở cửa xe cho khách xuống. Quí với xếp Marc ở lại đứng một bên chờ tiếp khách.

Dì Ba Thới xuống trước, ngó thấy ông xếp, dì chúm chím cười. Ba người kia tiếp tục xuống sau; Ba Mùi xuống chót, coi bộ bợ ngợ hơn hết.

Quí chờ xuống đủ hết rồi mới bước tới mà nói: “ Bữa nay tôi chánh thức cầm quyền làm chủ biệt thự La-Co này rồi. Vậy tôi lấy danh La-Co kính cẩn chào hai dì, mùng chị Hai và tiếp em Hường. Tôi xin mời hết vào nhà rồi sẽ nói chuyện”.

Cô Mỹ thấy em mặc sang trọng chớ không như mấy tháng về ở trên nhà, cô muốn trách em đã giàu muôn hộ rồi sao lại giấu diếm chị em làm chi, nhưng cô chưa kịp nói, thì ông xếp Marc nói trước: “ Hôm nọ bà với hai cô thình lình xuống viếng nhà ông kỹ sư, mà ổng không cho tôi biết trước, rồi chừng tôi ra mở cửa cổng lại dặn tôi làm bộ như tôi không biết ổng. Vì vậy nên tôi tiếp bà với hai cô không được trọn lễ. Tôi xin bà với hai cô vui lòng tha lỗi cho tôi”.

Dì Ba Thới cười mà nói: “ Ông tiếp bà con tôi như vậy là đủ quá rồi. Còn lỗi gì đâu mà tha. Ông làm bộ không biết, mà con nhỏ tôi nó nghi lắm”.

Sen bước lại nói nhỏ với Ba Mùi: “ Đồ đạt tốt lắm má ơi. Má không thể tượng tượng được. Để vô nhà rồi mà coi”

Quí mời vô nhà. Quí đi giữa, hai dì đi hai bên. Hai cô tiếp theo đó, rồi ông xếp với Sen đi chót.

Bữa nay bàn ghế sắp ra đủ hết, nên coi lộng lẫy hơn hôm trước một phần. Ba Mùi khiếp sợ nên lúm cúm đi không được.

Quí dắt đi một vòng từ dưới đất lên trên lầu cũng như hôm trước nhưng bữa nay khỏi cắt nghĩa nữa nên đi mau. Ba Mùi càng coi càng kiên nể cách giàu sang của Quí, nên không dám hó hé một  tiếng.

Coi đủ rồi, Quí dắt trở xuống tầng dưới, mời ngồi hết tại bộ sa lông lớn phía trước đặng giải khát. Quí sắp ba người ngồi tại ca na phê phía trong, cô Mỹ ngồi giữa, hai dì ngồi hai bên. Còn bần ghế ngoài thì một bên cô Hường và Quí ngồi, phía bên kia thì ông xếp với Sen.

Bồi xách lại để trước mặt mỗi người một cái bàn vuông nhỏ đặng để ly, vặn đèn điện bực cháy rồi rót nước cam nho cho mấy bà mấy cô, còn đàn ông thì rót la ve.

Quí ngó cô Mỹ cười mà nói: “ Hôm trước chị Hai nói với em chị muốn ở cái nhà như vầy. Em sắm cho chị rồi đó. Chị có phòng riêng trên lầu cũng như em. Vậy chị ở luôn dưới này với em và thằng Sen đặng giúp em làm đám cưới”

Cô Mỹ cũng chúm chím cười mà đáp:

-         Chị nói chơi với em, chớ ở sao được.

-         Sao lại không được?

-         Không quen nên khó chịu chớ sao.

-         Thì ở ít bữa rồi quen chớ gì. Thằng Sen chịu ở luôn dưới này với em rồi.

-         Để thằng Sen nó ở với em.

-         Chị cũng phải ở nữa. Em không cho chị về. Chị ở ít bữa tới đám cưới rồi có vợ em thì chị vui chớ gì.

Cô Hường nói tiếp: “ Nhà dọn xong hết. Vậy chị ở luôn chị Hai”

-         Cô mỹ lặng thinh mà suy nghĩ

Dì Ba Thới hỏi:

-         Con cất nhà kinh dinh, con dọn đồ hực hỡ như vầy, mà trở về Càng Long con làm bộ ăn mày chi vậy Quí?

-         Thưa con muốn thử nhơn tình chơi.

-         Con gạt, con làm cho dì với con Hường cũng lầm, tưởng con nghèo lung lắm chớ.

-         Thiệt vậy hay sao dì?

Cô Hường nói: “ Thiệt vậy chớ. Anh giả dạng coi nghèo khổ quá, người ta không lầm sao được. Anh biết họ nói anh thế nào hay không? Họ nói theo ở bồi với Tây tưởng sau này được làm ông này hay thầy gì, té ra bỏ xứ mà đi mấy năm, chùng trở về coi bộ không bằng Trùm Sốc. Vậy thì ở nhà làm ruộng chắc no ấm hơn. Đi làm chi”.

Quí cười mà nói: “ Mấy lời họ chê đúng lắm. Tôi phục họ ngay. Tôi không phiền đâu. Trái lại tôi rất vui mà thấy tôi giả dạng thiệt hay, nên ai nấy đều lầm hết”.

Bây giờ Ba Mùi mới dám nói: “ Giả dạng hay quá, không lầm sao được. Đến dì với con Mỹ ở trong nhà mấy tháng, mà cũng không biết giả, nên cũng phải lầm như thiên hạ”.

Quí nói: “ Thôi, để đám cưới, tôi làm tiệc tôi mời hết bà con trên Càng Long xuống tôi đãi một bữa đặng tôi xin lỗi về sự tôi gạt gẫm bà con”

Đồng hồ gõ 7 giờ. Quí thấy mấy bà mấy cô uống cạn ly rồi, mới hỏi mấy anh bồi coi ăn cơm được hay chưa. Mấy anh trả lời rằng đầu bếp mới cho hay đồ ăn đã nấu xong rồi hết.

Quí bèn đứng dậy mời khách vào nhà ăn.

Bồi dọn bàn ăn, sắp mỗi bên ba người, còn một người ngồi đầu bàn. Quí mời cô Mỹ ngồi giữa, hai dì ngồi kề hai bên. Còn phía bên này Quí ngồi giữa, để cô Hường bên tay mặt và ông Marc bên tay trái. Sen ngồi đầu bàn.

Khách ngồi xong Quí mới nói: “ Tôi xin lỗi hai dì, tôi về ở nhà này tôi mang cái tên La-Co, chớ không phải tên PhanVăn Quí. Mà tôi là người Pháp, chớ không phải người Việt như hồi trước. Vậy bữa cơm đầu tiên tôi đãi bà con trong nhà này, tơi phải đãi cơm tây cho hợp với tình cảnh, rồi bữa khác bà con muốn ăn cơm nào tôi sẽ làm vừa ý luôn luôn”

Cô Mỹ nói: “Ăn cơm Tây là ăn làm sao. Tôi có biết đâu”

Quí nói : “Cũng ăn thịt cá rau cải như ăn cơm Việt vậy, duy khác mấy điều này là: bánh mì thế cho cơm; đồ ăn bưng lên từ món cho mình sớt, chớ không dọn hết một lượt trên bàn và để chung ai muốn ăn thứ gì tuỳ ý; không có chén mà có dĩa bàn cho mình sớt đồ ăn. Dao với nĩa thì thế cho đũa. Khác có bấy nhiêu đó. Để rồi chị coi tôi với ông xếp làm sao chị làm theo vậy. Ăn vài dĩa chị sẽ quen chớ không khó gì đâu”

Bồi bưng súp lên. Quí chỉ đem cho dì Ba Thới và khuyên dì lấy muỗng múc đỗ vào  đĩa. Đợi dì múc được hai phần đĩa Quí bảo thôi và chỉ dì Ba Mùi cho bồi đem lại. Ba Mùi làm y như Ba Thới nên khỏi dạy. Tới cô Mỹ và cô Hường thì hai cô đã biết rồi. Quí biểu mấy  người đàn bà lấy khăn trải lên bắp vế đặng rũi đồ ăn có rớt thì khỏi dơ áo quần. Việc rồi Quí lấy muỗng múc xúp mà ăn cho đàn bà coi đặng làm theo.

Tới mấy dĩa sau, cá, thịt, đậu, rau, Quí cũng chỉ cách cho mấy bà sớt mà ăn với bánh mì, xắt thịt thì cầm dao, múc đồ ăn thì dùng nĩa, ăn một dĩa đầu rồi ai cũng biết, hết không khó gì.

Cô Mỹ cứ ngó cô Hường mà cười, không dè mà ngày nay được ăn cơm Tây, lại ăn trong nhà sang trọng, đèn điện sáng trưng, nắp khăn trắng nõn, muỗng nĩa bằng bạc, trên bàn có chưng hai bình bông, ly dĩa thứ gì cũng tốt, thưở nay chưa tùng thấy.

Cô Hường cứ ngồi lo ra, làm cho Quí phải nài ép, sớt thêm đồ ăn cho cô hoài.

Duy có hai bà dì, nhứt là dì Ba Thới, vui cười ngã ngớn, nói đồ ăn ngon thì phải ăn no; tuy đồ Tây mà mình ăn nó, chớ phải nó ăn mình hay sao nên sụt sè sợ sệt.

Dì Ba Thới cứ theo giễu cợt chọc ông Marc nói tiếng việt; mà ông Marc lanh lợi bặt thiệp, ông đủ lời đối đáp luôn luôn, làm cho bữa cơm gia đình hôm nay vừa thân yêu, vừa vui vẽ, không có một điểm nghi nan, lo ngại nào nữa hết.

Đền chừng ăn bánh tráng miệng và uống cà phê rồi, Quí biểu bồi dọn trầu cau trà thuốc trên phòng khách đặng khách kên đó nói chuyện chơi.

Ông Marc biết ông chủ muốn bày tỏ việc riêng trong gia đình, nên ông cáo từ về phòng mà nghỉ sớm vì ông phải coi làm tối ngày mệt nhọc, nên ông không thể thức khuya được.

Dì Ba Thới hỏi phòng ông xếp ở đâu thì Quí nói hai bên nhà lớn có kiềm hai căn lầu ba từng, trong đó ngăn làm nhiều phòng để cho khách ở. Ông Marc lấy một phòng từng dưới mà ở đặng vô cho tiện. Sỡ dĩ làm phòng nhiều như vậy là vì rồi đây sẽ mở cô nhi viện, sẽ có ký lục làm việc giấy, nên phải có chỗ ở cho nhơn viên trong sở ở mà giúp việc.

Ông  Marc đi rồi, Quí mới mời hết bà con lên lầu.

Hai bà dì lấy làm lạ mà thấy trên một bàn nhò có để trầu cau, thuốc xỉa, thuốc điếu đủ hết, lại có hai ống nhổ bằng đồng bạch mới tinh, còn trên cái bàn lớn thì có bình trà, sáu cái tách với dĩa bánh tây và một dĩa trái cây là nho tươi, trái bôm, xá lỵ, cam xánh, quít đường, xoài voi, vú sữa.

Quí mời khách vô, ai muốn ngồi đâu tuỳ ý. Hai bà dì ngồi hai cái ghế phía ngoài cho gần bàn trầu cau. Sen ngồi trái bên bàn viết. Còn hai cô Hường với Mỹ thấy ghế ca na bê trong bèn ngồi lại đó.

Quí biểu Sen rót nước trà và mời hai dì uống rồi sẽ ăn trầu. Quí đốt một điếu thuốc rồi hút phì phà, rồi chen ngồi lại ca na bê, ngồi giữa để hai cô ngồi hai bên.

Dì Ba Thới vừa têm trầu vừa ăn vừa hỏi: “ Này, con Quí, tại sao hồi tối con nói bây giờ tên con là La-Co chớ không phải Phan Văn Quí nũa? Lại còn làm việc gì mà con giàu quá, cất nồi nhà cửa đồ sộ như vầy? Bây giờ chỉ có bà con trong nhà thôi. Vậy con phải nói thiệt mà nghe, đừng giấu diếm nữa”

Quí cười mà nói: “ Chánh con mời hết xuống nhà dưới mà ăn cơm cho đặng nói rõ việc ấy cho bà con hiểu”

Quí bèn thuật lại rõ ràng trong 12 năm đã qua Quí đi theo quan Kinh Lý La-Co mà làm việc gì, ngồi chậm rãi nói hết cũng như nói với thầy nhứt Vĩnh nghe hôm trước không bỏ xót một điểm nào. Chàng nói khi ở Càng Long lên Sài Gòn rồi, ông La-Co thấy thấy chàng hễ ban đêm rãnh rang thì thức mà học, ông đem lòng thuơng, ông mới kiếm sách mua cho chàng và lúc nào ông rãng thì ông dạy giùm nữa. Ông giắt theo vô Rạch Giá ở hai năm cho ông đo đất, ông cũng dạy tiếp như mấy tháng ở Sài Gòn. Chừng ông về Pháp mà nghỉ ông biểu chàng đi theo ông, vì thấy chàng ham học nên ông hứa hễ qua Pháp ông sẽ nuôi chàng ăn học cho thành công để lập thân danh với thiên hạ. Thiệt quả về bên Pháp ông mua đất mua nhà  mà ở, mướn người làm vườn và người nấu ăn, để chàng ở không đặng mỗi bữa đến nhà trường mà học.

Ông cho chàng ăn cơm chung với ông, cho chàng ngủ một cái phòng khít một bên phòng ông, ban đêm ông giúp chỉ cho chàng học nữa. Ông nghỉ phép được một năm rồi ông xin hưu trí ở luôn bên Pháp. Nhờ vậy chàng mới học tiếp được, học năm năm lấy đủ hai bằng tú tài. Ông La-Co lấy làm hài lòng, ông buộc chàng phải kêu ông bằng Papa, chớ không cho kêu mông-xừ nữa và ông cho chàng vào trường công chánh học thêm ba năm lầy được bằng kỹ sư. Chàng nhờ ông mà lập được thân danh, không nỡ bỏ ông mà về xứ sở. Chàng xin ông cho chàng đi làm đặng lập sự cho quen. Ông không cho. Ông nói rằng ông đã già yếu nay hay có bịnh, vậy chàng phải ở nhà hủ hỉ với ông cho ông vui và săn sóc giùm ông khi ông đau ốm.

Nghe Quí thuật đến đây dì Ba Thới chận mà nói:

-         Nếu vậy thì tấm hình treo trong phòng làm việc mình thấy bữa hổm đó quả thiệt là hình ông La-Co mà. Phải hôn con?

-         Thưa phải, cha nuôi của cháu đó.

-         Sao hôm đó con cãi với dì, con nói không phải?

-         Vì cháu chưa muốn cho dì biết.

-         Thôi con nói tiếp đi. Ông La-Co bây giờ còn ở bên Pháp hay ổng có qua bên này với con?

-         Ông chết rồi, chết đã hai năm nay.

-         Ổng chết lâu quá, sao con còn ở làm chi bên Pháp đền này con mới về?

-         Tại có việc rắc rối, để thủng thẳng tôi nói hết cho bà con nghe. Năm tôi thi đậu bằng kỹ sư công chánh mà người mình gọi là quan Bác vật Trường Tiền đó, thì ông La-Co hay đau ốm. Ông không có vợ con, chỉ có một người cháu gái kêu bằng cậu, có chồng là một người buôn bán giàu có lớn. Thấy sức càng ngày càng nguy, ông La-Co mới mời Nô Te đặng lập tờ chúc ngôn. Cháu không muốn biết việc nhà của ông, nên cháu không tìm hiểu ổng tính việc chi. Còn chừng một tháng nữa ổng mất, ổng mới nói cho cháu biết ổng làm việc bên xứ Nam Việt mình trót 25 năm, ổng có sắm tài sản nhiều thứ. Nay ổng già, mà không có vợ con, nếu ổng để lại tài sản cho cháu gái của ổng thì không có ích gì, vì chồng nó đã giàu, lại mắc buôn bán nên không thể qua Nam Việt, ở hưởng tài sản của ông được. Vì vậy ổng có lập tờ chúc ngôn cho người cháu gái ổng một triệu bạc gởi trong nhà băng và cho người nấu ăn với người làm vườn mỗi người năm mươi ngàn quan. Còn lại số tiền chỉ tồn lại trong nhà băng, nhà đất mà ổng mua nhà ở bên Pháp đó với tài sản của ổng bên Nam Việt thì ổng giao cho tôi kế nghiệp mà hưởng hết.

-         Trời ơi ông thương tới vậy lận sao?

-         Thưa phải. Ổng giao hết gia tài cho tôi hưởng, mà ổng có buộc mấy điều kiện làm cho tôi phải khổ tâm hết sức. Ổng buộc tôi phải làm con nuôi ổng, đặng mang tên ổng mà chọn con nhà nghèo siêng năng ham học, như tôi hồi nhỏ, ngặt không có tiền đi học được, đặng tôi xuất tiền cho qua Pháp ăn học cho thành tài. Ông nói ông giao nhiệm vụ đó cho tôi là vì ông biết tôi có ở trong hoàn cảnh khổ đó hồi nhỏ, nên tôi mới biết thương kẽ nghèo muốn học mà không học được. Tôi sẽ sốt sắng cứu vớt hạng người đáng thương đó như ổng đã cứu vớt tôi mà giúp tôi lập thân thành danh. Ổng chắc tôi sẽ sốt sắng lãnh nhiệm vụ ấy, thứ nhứt để đền ơn đáp nghĩa cho ổng, thứ nhì để giúp cho đồng bào tôi ham học vì nhà nghèo nên không vượt khỏi địa vị thấp hèn, thứ ba giúp gieo rắt văn hóa của nước Pháp là văn hoá tôi ái một từ hồi nhỏ giúp gieo rắt trong dân gian xứ Nam Việt mình, với tiền bạc ổng giao sẵn trong tay tôi.

-         Ông La-Co thiệt là tử tế. Vậy mà mình có dè đâu.

-         Tôi cũng không dè. Tôi tưởng ông biết tôi nên thương thân phận tôi mà thôi, té ra vì tôi mà ổng nghĩ đến số phận của các con nhà nghèo khác nữa. ổng giao cho tôi làm hai việc; Thứ nhứt:  nuôi cho con nít mồ côi được ấm no. chừng khôn lớn chúng nó biết nghề làm ăn mà nuôi dsaá«người cho thong thả. Thứ nhì: lựa con nhà nghèo thông minh mà ham học gửi cho qua Pháp học mấy ngành kỹ thuật để đào tạo nhơn tài mà kiến thiết nước Việt Nam. Ổng thương nước mình mà cũng không quên được nước Pháp của ổng, bởi vậy ổng buộc tôi phải làm con nuôi của ổng đặng tôi mang tên La-Co mà giúp người Nam Việt để gây tình thân thiết Pháp – Việt đời đời. ổng muốn như vậy làm tôi bối rối hết sức.

-         Ổng để gia tài cho con, mà ổng buộc phải để làm hai việc đó, chớ con không được lấy mà xài hay sao mà con bối rối?

-         Thưa không. Con làm chủ sự nghiệp của ổng thì con thong thả muốn ăn xài cách nào và bao nhiêu tuỳ ý. Ông buộc con trước hết phải tạo ra một cơ sở vĩ đại tại tĩnh Trà Vinh là quê quán của con mà người ở đều biết danh ông. Vì vậy nên con mới lập ra cuộc này đây. Con bối rối là nếu con chịu làm con nuôi ông, thì con mất táng danh Phan Văn Quí, con có lỗi với cha mẹ ông bà con nhiều lắm, mà con còn mất quốc tịch Việt Nam, nên hỗ với quê cha đất tổ của con nữa.

Mấy người đàn bà này không có học nên không có hiểu nhiệm vụ cao Quí của một người trai đối với tông môn và đối với tổ quốc, bởi vậy ngó nhau rồi cô Mỹ nói: “ Được hưởng gia tài dầu em phải mang tên La-Co cũng không hại gì mà bối rối”

Quí cười mà nói: “ Chị không hiểu chỗ thắc mắc đó đâu chị Hai. Tôi có học, tôi biết danh dự và phận sự làm trai nên tôi ái ngại lắm. Tôi tính viết thơ về nhà hỏi ý kiến cha và thầy nhứt Vĩnh nên tôi xin đình việc ấy lại một vài tháng cho tôi suy nghĩ. Ông La-Co nói không có việc gì mà phải suy nghĩ. Ông đã lập tờ chúc ngôn nhận tôi làm con và để sự nghiệp cho tôi rồi. Cách có mấy tuần thì ổng mất. Nô te nhóm mấy người được hưởng gia tài mà đọc tờ chúc ngôn, biểu tôi ký tên tờ chịu nhận làmcon ông La-Co và chịu lãnh gia tài đặng Nô te xin tòa lên án cho tôi mang tên La-Co, là công dân của nước Pháp. Tôi buộc lòng phải chịu, chớ ổng chết rồi, còn cãi với ai. Nhưng người cháu gái không bằng lòng nên đề đơn tranh gia tài xin toà huỷ tờ chúc ngôn. Tôi phải ở lại bên Pháp lòng vòng trót hai năm mà hầu toà. Lúc ấy tôi có viết thơ cậy nam biện Trà Vinh cho tôi biết tin tức bên nhà. Nhờ có tờ phúc trình của quan chủ quận Càng Long nên tôi được biết:

1)  Cha tôi  mất, ruộng bán hết một sở, sau bị thi hành phát mãi một sở nữa, nhà nghèo chị tôi cựa khổ, em tôi vất vã lưu linh.

2) Thầy nhứt Vĩnh hưu trí về cất nhà ở dưới trà Vinh

3) Dượng Ba mất, dì Ba bán quán như cũ, còn cô Hường chưa có chồng

Tôi được biết rõ hết. Năm ngoái toà có xử xong vụ kiện, bác đơn của tiên cáo và cho tôi có quyền hưởng gai tài của cha tôi ký thác. Tôi mới trở về Sài Gòn thi hành nhiệm vụ của ông La-Co phú cho tôi”

      Di Ba Thới nói:

-         Té ra con về lâu rồi hay sao?

-         Con về hồi năm ngoái.

-         Ở đâu? Sao không về đây?

-         Con mua nhà ở trên Sài Gòn. Con có xuống Trà Vinh hai ba lần kiếm đất mà mua đặng cất nhà cửa đây. Con có qua lại ngang Càng Long mấy lần, có lần, con thấy em Hường đứng trước cửa

-         Sao không ghé?

-         Ghé chưa được, vì chưa tới ngày giờ con phải ra mặt. Con đợi cất nhà gần xong rồi năm nay con mới giả dạng nghèo hèn về Càng Long đặng thứ nhứt dùng lời ngay lẽ phải, thứ nhì thử bụng em Hường coi có phải em chờ con hay không.

-         Nay con gỡ rối cho gia đình của con đã xong, sắp đặt thi hành nhiệm vụ của ân nhơn con phú thác cũng gần xong rồi, mà tính dài nghĩa nặng của em Hường con cũng đã hiểu rõ, bởi vậy con không còn giấu giếm nữa, con chường mặt thiệt của con ra, là kỹ sư La-Co mà cưới em Hường đặng vợ chồng chung lo nuôi con mồ côi và giúp trẻ nghèo thông minh có thể mở rộng tài năng trí thức được.

-         Ông La-Co để gia tài cho em bao nhiêu mà em làm rình rang quá, rồi còn tiền đâu mà nuôi con mồ côi và cho con nhà nghèo ăn học?

-         Chị Hai đừng lo. Không kể cái nhà và với cái vườn bên Pháp em để làm trụ sở đặt người ở trông nom các sinh viên của em sẽ gởi qua, ân nhân của em để lại cho em số bạc mặt gởi trong nhà băng hơn hai triệu…

-         Trời ơi! Một triệu là bao nhiêu?

-         Một triệu là một ngàn ngàn…

-         Quá sá !

-         Mau đất cất nhà và lập cô nhi viện tốn hao lối nữa triệu. Còn lại hơn một triệu rưỡi để nuôi mồ côi với sinh viên nghèo.

Dì Ba Thới hỏi:

-         hồi nãy con nói ông La-Co còn sự sản gì ở bên này nữa?

-         Còn nhiều: một sở ruộng lúa một ngàn mẫu tại kinh thị Đôi trong tĩnh Rạch Giá.

-         Dữ hôn ! một ngàn mẫu?

-         Huê lợi mỗi năm từ ba mươi đến bốn mươi ngàn thùng lúa, trừ sở phí rồi.

-         Ghê chưa!

-         Còn một vườn sao su tám trăm mẫu trên Biên Hòa với một sở vườn cà phê năm trăm mẫu  ngoài Ban Mê Thuộc. Huê lợi hai sở vườn đó mỗi năm tới mấy trăm ngàn, thiếu gì tiền. Vậy mà còn số hùn lớn trong một hãng bán xe hơi và trong hãng thuốc điếu trên Sài Gòn nữa. Hai hãng đó cũng lời lắm.

-         Thôi tiền bạc làm giống gì cho hết.

Quí thấy cô Hường nãy giờ ngồi lặng thinh, mà bây giờ mặt lại buồn hiu thì day qua mơn trớn nói: “ Bữa nay qua mới nói thiệt đó. Em nghi qua ăn cướp người ta mà đoạt tiền bạc rồi kiếm chuyện nói dóc hay sao mà em buồn?  Qua có giấy tờ đủ. Lại công việc qua làm đây đủ chứng lời cho qua nói nãy giờ chớ. Hôm trước qua xin cưới em, nhưng qua than nghèo, em phải cực khổ với qua. Em nói qua có sẵn một sở ruộng giồng rộng hơn một mẫu. Vợ chồng chịu cực gieo trồng cho gáip hết mà lấy huê lợi trong ít năm ắt sẽ giàu. Thiệt gieo trồng rau cải ắt có lợi, nhưng lợi ấy không bằng gieo trồng nhơn tài đâu em. Vậy em ráng hiệp lực với qua để giúp nhơn tài cho nước, rải tài nghệ cho dân, mối lợi ấy cả dân tộc được nhờ, cả quê hương được hưởng. Đó mới thiệt là Quí”.

Cô Hường cảm động đến ứa nước mắt, cô muốn nói mà nghẹn ngào nói không được.

Quí thấy vậy bèn nói:

-         Bây giờ để lo đám cưới đã. Cưới rồi chúng ta sẽ chia phần việc đặng mỗi người lo một mối, lo tổ chức một thớt vườn La-Co để gieo trồng đủ thứ nhơn tài chơi.

-         Không có đám cưới đâu anh.

-         Ủa! Sao vậy?

-         Em xin bãi. Trước mặt má em đây, em xin hủy bỏ lời em đã hứa làm vợ anh đó đi, bởi vì nghe nói chuyện nãy giờ em nhận thấy em không xứng đáng làm người bạn trăm năm của của anh. Em phải nhường địa vị ấy cho một người khác có học thức, có tài năng, thì nhiệm vụ của anh mới được vuông tròn, đời sống của anh mới được vui vẻ. Nếu anh cưới em thì chẳng khác nào anh buộc một viên đá to vào chưn anh. Viên đá đó nó sẽ ngăn trở khó anh bay nhảy, chớ không giúp cho anh được việc gì.

Ai nấy nghe cô Hường nói như vậy đều ngạc nhiên, Ba Mùi ngó Ba Thới, có ý đợi ý dì coi thế nào. Ba Thới lại đợi coi ý Quí thế nào nên cứ ngồi im lìm

Quí châu mày, để cô Hường nói dứt lời rồi nghiêm chỉnh nói: “ qua rất cám ơn em lo cho phận qua hơn ham tiền bạc. Bao nhiêu đó đủ cho qua thấy lòng dạ em rồi. Vì em lấy lòng thành thiệt mà đáp lại.

Việc em ái ngại đây, qua đã có nghĩ tới rồi, nghĩ nhiều, nghĩ từ bữa qua hay ở nhà em không chịu lấy chồng là vì em chờ qua. Đó là một bằng cớ đối với qua tình em thiệt là dài. Chừng qua than phận qua nghèo hèn, mà mà thấy bề ngoài ai cũng khinh rẽ qua hết, nhưng riêng em lại không chê qua, em vẫn ưng phối hiệp để chia sớt cực nhọc với qua, thì qua thêm nhận thấy đối với qua em sẵn sàng làm một cái nghĩa lớn đó khiến cho qua phải bối rối vô cùng, ngày trước qua chơi vơi dưới mương dưới vũng, ông La-Co kéo qua lên tắm rữa rồi đặt qua ngồi trên sạch sẽ tốt tươi. Mang nhiệm vụ của ông phú thác qua về đây, thiệt qua không có tính cưới vợ. Qua quyết ở độc thân mà lo công việc của ông để đền đáp ơn nghĩa. Qua sẽ rèn tập cho Sen đặng nó thế cho qua mà nối nghiệp tông môn. Còn phận qua thì chừng gần mãn đời qua sẽ chọn trong đám nhơn tài qua sắp đào tạo, chọn một người đúng đắn mà phú thác lại công việc ông La-Co đã giao cho qua đây”

Quí nói tới đây rồi ngừng lại. Lấy một điều thuốc nữa đốt mà hút. Ai nấy đều nín khe, vì việc quan hệ quá, không biết sao là phải, sao  là quấy mà dám phân phán.

Quí nói tiếp: “ Chừng biết em có tình có nghĩa với qua thì qua không biết phải liệu lẽ nào. Nếu qua ở độc thân không cưới vợ, té ra đối với em, qua là người vô tình bất nghĩa. Còn nếu qua cưới em, thì vợ chồng mà học thức bất đồng, qua tính một đường, em hiểu một ngã, vợ chồng dường ấy tự nhiên phải cắn đắn nuốt cay chớ vui sướng gì mà vợ chồng. Mà còn lại hơn nữa, là nhiệm vụ nặng nề của qua là đạo vợ chồng bận rộn đó mà lãng xao dải đải”

Hường nghiêm chỉnh cãi lại:

-    Anh cũng phải có vợ  như người khác vậy chớ, có vợ đặng trong nhà có sẵn người giúp đỡ cho anh. Song cưới vợ anh phải chọn một cô học giỏi, thông thạo việc đời, thì mới có ích cho anh, chớ em là gái bán quán, quê mùa, dốt nát, không hiểu biết cao xa, không biết xứ nào hết, thì cực lòng cho anh lắm vậy.

-    Vì tình vì nghĩa nên qua mới tính cưới em. Chớ người khác qua cưới làm chi. Phan Văn Quí sẽ có Phan Văn Sen thay thế. Kỹ sư La-Co sẽ có nhiều nhơn viên phụ tá trợ, mỗi người một ngành, không có vợ lại hại gì. Được biết tình nghĩa em, thì qua rất bối rối. Vì bối rối nên em biểu dắt đi xem đền đài, qua dục dặc không muốn đi. Vì bối rối nên qua phải tìm thầy nhứt Vĩnh mà hỏi ý kiến. Vì bối rối nên nói chuyện với thầy nhứt Vĩnh rồi, qua trở về nhà nằm suy nghĩ mấy ngày, cứ lơ lửng nên không dám vô nhà thăm em. Suy nghĩ kỹ lưỡng lắm rồi qua mới vô xin với dì Ba mà cưới em đó.

-    Anh cũng thấy như em, thấy vợ chồng không cùng bực, không đồng ý thì khó, mà rồi anh suy nghĩ thế nào lại xin cưới em??

-    Qua nghĩ em quê mùa, dốt nát thiệt. Nhưng em có tình nồng nhiệt yêu qua, em lại có lòng thành nhiệt giúp qua, thế thì làm vợ qua, dù em không có tài trí mà giúp qua đi nữa, em cũng không nỡ ngăn cản không để cho qua lo nhiệm vụ cao quí của ông La-Co phú thác. Qua sẽ cậy em giúp coi mọi việc trong nhà, chăm sóc cho giấc ngủ, miếng ăn manh quần, tấm áo cho qua vậy thôi, chăm nom cho qua thảnh thơi khoẻ khoắn đặng qua lo việc bảo bọc con côi ấm no, giúp đỡ nhà nghèo học tập, qua tính chừng cưới rồi, nếu em không vui mà giúp tay với qua vế việc khác thì giúp bao nhiêu đó cũng đủ.

cô Hường ngồi lặng thinh không cãi nữa.

Dì Ba Thới mới nói: “ Quí nói như vậy thì phải lắm. Nãy giờ dì cũng bối rối như con Hường . dì nói thiệt, thấy con đi Sài Gòn về rần rộ, mua đồ bạc muôn, dì lo ngại hết sức, không biết con làm nghề gì mà tiền bạc nhiều dữ vậy. Chừng con nói chuyện ông La-Co để hết gia tài cho con thì dì ghê quá. Con xin cưới con Hường thì dì gả. Bây giờ hay con giàu thì dì mừng lắm, chớ sao lại không mừng. Mà giàu chút đỉnh như người ta thí nừng, chớ giàu gì mà tiền bạc triệu này qua triệu kia, nghe ngán quá, hết mừng được” 

   Cô Hường chúm chím cười mà nói: “ Anh Quí xin cưới. Tôi ưng anh Quí. Việc đó tôi không chối. Bây giờ ông kỹ sư La-Co nói chuyện cưới tôi. Cái đó không được. Tôi không dám ưng”.

Quí cười mà đáp:

-         Em ưng Phan Văn Quí thì Phan Văn Quí đứng cưới. Em bỏ dẹp kỹ sư La-Co đi.

-         Vậy thì phải cưới em về ở nhà thờ.

-         Vậy chớ sao. Phải cưới về nhà thờ đặng  lạy ông bà cha mẹ chớ. Nhưng phận gái hễ xuất giá thì phải tòng phu. Chừng Phan Văn Quí  ở đâu em phải theo mà ở đó.

Ba Thới, Ba Mùi với cô Mùi đều cười rộ.

Cô Hường cũng cười theo.

Quí biểu Sen lạ phụ bưng bánh trái mời hai bà, hai cô ăn. Ai nấy đều nói ăn cơm Tây no quá, không thể ăn nữa nổi, nên chỉ uống trà mà thôi.

      Bây giờ Quí mới giở việc may áo quần ra mà hỏi. Ba Thới với Ba Mùi nói chiều mai thợ sẽ may xong một bộ đồ cho cô Mỹ có mà bận trước. Còn áo quần cho bốn người bận đám cưới thì vì nhiều quá nên không biết chừng nào may mới rồi.

      Quí suy nghĩ rối nói: “ Vậy thì tôi tính như vầy: chiều mai chị Hai tôi có một bộ đồ mà mặc rồi. Tôi xin phép hai dì sáng mốt để tôi chở chị Hai tôi với em Hường lên Sài Gòn đặng đặt cho thợ Sài Gòn đo mà may đồ của hai cô, để thợ Càng Long may đồ cho hai dì. Tôi cũng dắt thằng Sen theo đặng đặt luôn đồ Tây cho nó nữa. Ở lâu lắm là một tuần có lẽ họ may xong hết”

      Dì Ba Thới hỏi:

-         Lên Sài Gòn rồi ở đâu mà chờ may?

-         Ở nhà con.

-         Con có nhà trên Sài Gòn nữa sao?

-         Có chớ năm ngoái con về con mua một cái nhà lầu ở phía Nữ học đường, trên hai phòng, dưới hai phòng thiếu gì chỗ ngũ.

-         Trên Sài Gòn đã có nhà mà còn cất nhà dưới này nữa, ở làm sao cho hết.

-         Thưa, nhà Sài Gòn là trụ sỡ chánh của con. Thơ từ của các ruộng vườn và các hãng đều tập trung về đó. Con có đặt người quản lý. Con lên xuống coi chừng vậy thôi. Nhưng phải có nhà đặng con lên có chỗ cho con chớ.

-         Hai đứa nó thuở nay chưa biết Sài Gòn. Lên đó rồi tụi nó biết thợ may ở chỗ nào đâu mà mướn may đồ.

-         Thưa, dì khỏi lo. Có con đây chi. Lên đó con mời mấy bà con quen lại con giới thiệu, rồi con giao cho mấy bà đưa đi làm công chuyện. Có vợ ông xếp Marc, vợ ông quản lý của con, vợ mấy thầy làm với con, thiếu gì người theo mà lo. Hai cô lên đây họ rước như chơi, họ mời coi hát, mặc sức mà đi.

-         Nhà quê lên Sài Gòn, chắc hai đứa lính quýnh lắm.

-         Tập lần cho quen. Hai dì muốn đi theo chơi hay không? Đem hàng lên trển mướn may luôn hết cho mau. Ở trển có nhiều tiệm may, thợ lại may khéo nữa.

Ba Thới và Ba Mùi bàn tính rồi nói thôi để cho Mỹ với Hường đi, hai bà mướn thợ Càng Long may, đặng ở nhà coi nhà, có muốn đi chơi thì đám cưới rồi sẽ đi.

Nói chuyện chơi đến khuya, dì Ba Thới buồn ngủ, mới bàn tính với nhau đặng chia phòng mà ngủ. Hai bà xin ngủ chung một phòng ở từng dưới. Quí biểu Sen phải ngủ cái phòng đó đặng gần hai bà. Còn hai cô thì ngủ chung một phòng lớn ở trên lầu, đối diện với phòng của Quí.

Quí đưa hai bà với Sen đi nghỉ rồi trở lên thấy Hường, Mỹ vẫn còn ngồi nói chuyện, Quí ráp lại đàm đạo nữa. Quí tính sáng bữa sau sẽ giao cho mấy bà một chiếc xe đặng đi chợ chơi. Trưa ăn chơi rồi xe sẽ đưa về Càng Long cho hai cô sửa soạn đặng bữa sau nữa Quí sẽ lên rước đi Sài Gòn chơi.

Hai cô thuở nay chưa đi Sài Gòn lần nào, nhớ tới việc đó có ý lo ngại. Nhưng nghĩ đi với Quí, lại lên đó có nhà sẵn cho mà ở, thì cũng có hơi vững bụng.

Sáng bữa sau, ăn lót lòng rồi Quí dậy đem xe lớn ra cho bốn người đàn bà với Sen đi chợ chơi. Quí đưa cho mỗi người một trăm đặng muốn mua vật gì  thì có tiền sẵn mà mua.

Mấy bà đi rồi thì Quí cầm lái chiếc xe nhỏ  một mình đi thăm thầy nhứt Vĩnh.

Trưa về ăn cơm, bữa nay ăn cơm Việt, Quí rất vui mừng mà nói có gặp đầy đủ thầy nhứt Vĩnh, hai ông bà đều chịu chừng cô nhi viện tổ chức xong rồi hai ông bà sẽ dọn về ở làm đốc lý cơ quan phứơc thiện ấy, ông lại lãnh chăm nom phần giáo hoá cô nhi và chọn lựa sinh viên để gởi qua Pháp mà học thêm nữa. Được thầy nhứt Vĩnh phụ trách thì Quí vững vàng hết lo gì nữa.

Ăn cơm rồi thì bốn người đàn bà lên xe lớn đi về Càng Long. Quí soạn hai gói hàng của Ba Thới với Ba Mùi mà giao cho hai bà đặng về mướn thợ Càng Long may. Còn đồ của hai cô với áo rộng cùng áo dài của Quí và Sen thì để lại trong hoa ly đặng sáng mai Quí  sẽ trở theo lên Sài Gòn mướn may hết.