HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
MGCG 01.PDF
MGCG 02.PDF
 
Mẹ Ghẻ Con Ghẻ
Chương 06

Con người gặp cơn thật lộ, ngó tương lai bịt bùng mù mịt, thường hay tránh hội hiệp, biếng luận đàm, ưa tìm chỗ vắng vẽ để tĩnh trí hỏi lòng, rồi liệu thế tức và bổn năng, mà sắp bước tấn thủ.

      Quí tuy nhờ có dì Ba Thới an ủi, và nhờ có Hường nhí nhảnh yêu thương, nên tạm quên được vết thương tâm, nhưng trong trí vẫn ngầm ngầm ái ngại về tương lai chưa quyết định. Vì lẽ ấy mà đương vui với Hường trong đám mía, theo trai thường thì họ cầu cho cảnh vui ấy kéo dài trăm năm, còn Quí mới vui có một hồi rồi lại đòi đi về, Hường phải làm giận hờn mãi mới cầm Quí ở lại được.

      Mà ở tới nửa chiều rồi Quí mượn cớ ở nhà trông, nên nhứt định đi về, không kể lời của dì Ba cầm, mà cũng không để ý đến sắc thất vọng Hường quyến luyến.

Tuy nói phải về vì sợ nhà trông, mà về tới cửa ngõ, Quí không chịu vô nhà lại ngồi bẹp trên đám cỏ cú ở lề đường, rồi dũi chân chống tay mà ngó vô đồng ruộng, lúc ấy quang cảng chẳng khác nào một cái hồ lớn phơi màu xanh lặc lịa, nhờ lúa cấy đều, xà xanh cho tới rặng cau kinh Suối Cạn là giới hạn.

      Rõ ràng Quí tránh hội hiệp, biếng biếng luận đàm, muốn ngồi vắng vẽ một mình, đặng nhứt định đường đời để gởi bước. Ngó mộ mẹ mà vái thầm, rồi nhìn đám người lớn mênh mông mà giàu trí, Quí ôn lại những chuyện của dì Ba Thới thuật với mình hồi sớm mai. Cha mình suy sụp nên không nuôi mình ăn học được, chớ không phải ghét mình, sự suy sụp ấy gây ra bởi thói bài bạc cả vợ chồng, không chú ý đến sinh kế nào khác. Nhà đã suy sụp, mình ở trong nhà mà không làm việc chi sinh lợi được, thì mình là một trong những mối tốn hao của gia đình. Cha đã nghèo rồi, mình không nở làm nghèo thêm. Vậy mình phải xuất thân làm việc, dầu không giúp cha được, thì nuôi lấy thân mình đặng bớt tốn cho cha.

Mà làm việc gì bây giờ?

      Tài học chưa đủ làm thầy. Sức mạnh chưa đủ làm công nhơn. Mình thuộc dạng lỡ ông lỡ thằng, nếu không dè dặt, sẽ trôi qua hạng vô căn cứ hay vô nghề nghiệp.

Quí đương lo liệu về kế sinh nhai, bỗng thấy hai người đầu đội nón trắng, mặc quần sọc áo sơm mi, ở trong ngả ba đi ra, phái sau lại có hai người vác đồ đi theo, Quí biết đó là quan Kinh Lý La-Co, với thầy học đồ Hiền, mấy tháng nay lại ở tại nhà việc làng An Trường mà đo ruộng đất vùng Càn Long. Đã làm việc từ sớm mai, nên quan kinh Lý dắt người phụ sự trở về nhà việc mà nghỉ.

      Nhớ lễ phép của thầy dạy trong trường. Quí thấy quan kinh Lý đi gần tới thì đứng dậy bên đường tỏ dấu cung kính.

      Không hiều vì cử chỉ hiệp với lễ giáo ấy, hay là vì mặt mày sáng sủa thông minh của Quí đã làm cho quan Kinh Lý chú ý, mà ngài đứng lại ngó Quí rồi cười và hỏi bằng tiếng Việt, lời nói chậm mà rõ ràng.

-     Em là con của ai?

-         Dạ bẩm quan lớn, tôi là con của ong Bồi bái Tồn.

-         Bồi bái Tồn? Ở về làng nào?

-         Bẩm, ở Mỹ Huê đây.

-         À, tôi nhớ rồi. Phải Phan Văn Tồn có sở đất trong kinh Suối Cạn hay không?

-         Bẩm phải

-         Nhà em ở đâu?

-         Dạ ở đây.

      Quí đưa tay chỉ nhà quam Kinh Lý ngó rồi gật đầu hỏi tiếp:

-         Em có đi học hay không?

-         Bẩm tôi học trường Càng Long mới thi đậu bằng sơ học kỳ này.

-         Giỏi lắm. Em tính lên Sài Gòn học tiếp hay không?

-         Bẩm không.

-         Sao vậy?

-         Bẩm không có tiền.

-         Cha làm điền chủ sao không có tiền?

-         Bẩm điền chủ mà nghèo.

-         Em không đi học nữa, rồi ở nhà làm gì? Em bằng lòng ở với tôi hay không?

-         Bẩm ở với quan lớn làm việc chi?

-         Làm bồi, coi áo quần, dọn chỗ ăn ngũ cho tôi. Tôi cần dùng một người bồi nhỏ.

      Quí thẹn thùa, nên đứng dụ dự, không trả lời.

      Quan kinh lý nói tiếp:

-         Tôi cần dùng một người nhỏ để làm công việc nhẹ nhàng. Em nói với cha mẹ em hay đi, rồi ra với tôi. Tôi sẽ trả lương mỗi tháng  12 đồng.

-         Bẩm để tôi tính lại coi.

-         Được. Nói với cha mẹ rồi mai ra nhà việc An Trường ở với tôi.

-         Dạ.

      Quan Kinh Lý đi. Thầy thông và hai người phụ việc đi theo.

Quí đứng ngó theo. Quan Kinh Lý đã già, mà gương mặt hiền hậu. Làm bồi hèn quá! Công học của mình kết quả như vầy sao? Mà 12 đồng bạc mỗi tháng tình ra một năm là 144 đồng, số tiền rất lớn, dầu có sức làm ruộng làm vườn, sợ e cũng không lợi đến số đó. Quí đứng suy nghĩ như vậy, kế thấy dạng cha đạp xe máy ở phía ngoài chợ đi về. Quí lật đật vô nhà trước.

Mỹ thấy em thì mừng và hỏi em đi chơi đâu mà trưa không về ăn cơm. Quí nói vô chơi và ở ăn cơm trong nhà dì Ba Thới. Mỹ hài lòng, nên không hỏi nữa.

      Buổi chiều ấy, đã mấy lần Quí dợm nói chuyện quan Kinh Lý muốn mướn mình làm bồi cho cha và chị nghe, mà rồi Quí thẹn thùa không mở lời được, mới tính suy nghĩ một đêm rồi sẽ tỏ bày.

      Gần tối Thị Mùi với Sen về. Mỹ dọn cơm. Vợ chồng ông Bồi với con ngồi ăn, vợ chồng cứ nói chuyện bài bạc, làm cho Quí nhớ lời bình phẩm của dì Ba hồi trưa thì bực trí hết sức.

Quí ăn cơm riết rồi đi chợ, tính ra thăm thầy Nhứt Vĩnh đặng hỏi ý kiến thầy. Thầy Nhứt đang nằm trên ghế bố trước sân mà hóng mát. Quí bước vô xá thầy rồi khoanh tay đứng bên, thầy Nhứt hỏi:

-         Em ra thăm thầy hay có việc chi?

-         Bẩm thầy, thầy thương cháu nên hôm trước thầy dặn cháu có việc chi bối rối, thì đến hỏi thầy, đăng thầy chỉ bảo cho.

-         Phải. Thầy có dặn như vậy. Em có việc hi cứ nói cho thầy nghe.

-         Dạ, cháu mới có một việc làm cháu bối rối hết sức, vì việc ấy can hệ đến đời cháu, cháu không biết nên làm hay không nên làm.

      Thầy Nhứt ngồi dậy dòm mặt Quí, nhưng vì trời đã tối, tuy có ánh sáng trong nhà chiếu ra sân song thấy không rõ. Thầy biểu: “ em bước vô nhà nhắc một cái ghế đem để một bên thầy đây, rồi nói cho thầy nghe thử coi. ”

      Quí ngại ngùng đáp:

-         Bẩm thầy cháu làm nhọc lòng thầy, cháu ái ngại quá.

-         Không. Không. Em tin bụng thầy, nên em ra đây, thầy vui lắm chớ. Vô nhắc ghế đi.

-         Bẩm thầy em đứng hầu chuyện với thầy cũng được.

-         Không, vô nhắc ghế. Đừng trái ý thầy.

      Quí phải vâng lời đi nhắc ghế đem ra, thầy Nhứt chỉ mà biểu để một bên ghế bố của thầy, ép Quí ngồi rồi hỏi:

-         Có chuyện gì? Em nói cho thầy nghe coi.

-         Bẩm thầy, hồi chiều cháu đứng chơi ngoài lộ. Quan Kinh Lý ở An Trường đây đi đo đất về. Ngài thấy cháu, ngài đứng lại hỏi cháu con ai có đi học hay không. Cháu lấy sự thật mà thưa. Ngài nói ngài cần dùng một người bồi nhỏ để coi sóc quần áo và dọn dẹp chỗ ăn ngủ, làm các việc nhẹ trong nhà. Ngài biểu cháu ở với ngài mà làm tên bồi đó, hứa mỗi tháng trả lương cho cháu 12 đồng. Cháu dụ dự, xin để cháu suy nghĩ rồi chiều mai cháu sẽ trả lời. Từ hồi chiều đến giờ cháu bối rối quá, không biết có nên ở với quan Kinh Lý hay không. Cháu xin thầy liệu dùm coi cháu có nên ở bồi hay là phải từ.

-         Em hỏi ý kiến của ông Bồi bái Tồn chưa?

-         Bẩm chưa. Cháu muốn biết ý kiến của thầy trước rồi sẽ thưa với cha cháu.

-         Theo luân lý cổ truyền, người ta sắp: “Quân, sư phụ”. Nhưng phải cha sanh rồi thầy mới dạy. Đối với việc như vầy, em phải dọ cha trước, rồi mới tới thầy. Em bàn với ông Bối bái trước là phải hơn.

-         Thế nào cháu cũng phải dọ ý cha cháu, nhưng cháu nghĩ thầy có kiến thức rộng, trí ý mới, cháu muốn biết ý thầy trước, để thấy đường chơn chánh và hợp thời mà bước tới.

-         Thầy Nhứt gãi đầu, suy nghĩ một chút rồi chậm rãi nói:

-         Em sẵn có trí thông minh, lại có chí háo học, mà bây giờ phải ở bồi thì hèn quá. Nếu thầy thấy em làm như vậy, thi thầy đau đớn lung lắm, không thể chịu được. Thế thì thầy nỡ lòng nào khuyên em đi ở bồi.

-         Bẩm thầy, cha cháu đã nghèo rồi, bây giờ gia đạo cháu nguy lắm.

-         Thầy biết ông Bồi bái suy sụp, song cũng còn danh gía trong xóm ngoài làng. Mà suy sụp đến nỗi cho con đi ở bồi, thì còn gì là thể diện!

-         Bẩm thầy, hôm nọ thầy dạy cháu cao thấp hoặc hay dở, đều tại tâm trí và tại tánh tình, chớ đâu tại địa vị. Cứ giữ tâm trí thanh cao, tánh tình ngay thẳng, dẫu làm chi cũng được. Sao bữa nay thầy lại sợ cháu ở bồi xấu hổ?

-         Lời thầy nói nói hôm nọ là nói theo đạo quân tử. Đời này không phải đời quân tử, bởi vậy làm theo đạo quân tử e sợ không hợp thời.

-         Cháu muốn sống theo ý cháu, chớ không cần theo ý thiên hạ.

-         Em có nghị lực đủ thoát tục haysao?

-         Cháu phải ráng cho có đủ.

-         Thầy ước mong em làm như ý em muốn đó.

      Thầy Nhứt lặng thinh suy nghĩ một chút nữa rồi nói tiếp: “Quan Kinh lý La-Co lại ở đây mấy tháng nay, thầy có việc hội đàm vói ông nhiều lần. Ông mang cái tên Pháp, ông theo quốc tịch Pháp song ông là người Việt Nam rặc ròng cũng như em. Ông đã trên 50 tuổi rồi, mà không có con. Tuy ông không khoe sự nghiệp của ông với thầy, song nhờ nói chuyện nhiều lần mà thầy được hiểu ông có vườn cao su trên Thủ Dầu Một và có cả ruộng miệt Cà Mau, Rạch Giá. Lại cũng nhờ nói chuyện nhiều lần với ông nên thầy biết ông có tánh ôn hoà, có lòng nhơn đức. Ông biết thương người nghèo khổ, ông biết trọng người trung thành, ông thuờng thương kẻ có công, ông chỉ ghét kẻ gian xảo, ông là người đáng làm kiểu mẫu để cho nhiều người khác bắt chước. Người làm quan, mang tên pháp mà ăn ở như ông La-Co thì Quí lắm, không có chỗ nào cho người ta phiền trách hết”.

      Quí chận hỏi: “ Bẩm thầy, thế thì cháu làm đầy tớ cho người như vậy có nhục gì đâu. Làm đầy tớ đặng học ít nhiều”

      Thầy Nhứt cười mà đáp:

-         Em cứ nhớ sự học hoài! Làm đầy tớ mà học nỗi gì?

-         Bẩm học khôn ngoan, học đức hạnh, học tiết tháo.

-         Nếu em có chí đó thì hay lắm.

-         Bẩm thầy, nếu vậy thì thầy  chịu cho cháu ở bồi với quan Kinh Lý?

-         Thầy không có quyền mà chịu hay không chịu. Quyền đó thuộc về ông Bồi bái cấm em phài do nơi ông.

-         Bẩm, thầy cản không?

-         Thầy cũng không có quyền cản, quyền đó cũng của ông Bồi bái…

      Thầy Nhứt nói tới đây rồi dường như có ý viển vọng phảng phất trong trí, nên thầy dụ dự; mà ngừng lại một chút, rồi thầy thủng thẳng nói tiếp: “ Nhứt là quyền ấy là quyền riêng của em. Nếu em hiểu ý nghĩa về quyền tự chủ… em hiểu ý nghĩa về quyền tự chủ… Em biết quyền tự củ hay không?”

      Quí thành thật đáp:

-         Bẩm, không? Xin thầy làm ơn cắt nghĩa cho cháu hiểu.

-         Em còn chỏ tuổi một chút… nhưng không hại gì, để thầy cắt nghĩa cho em nghe, em hiểu được chút nào hay chút ấy. Đấng nam nhi muốn lập thân, trước nhứt phải suy nghĩ cho kỹ rồi quyết định cái nghề mình sẽ làm, con đường mình sẽ đi. Hễ mình liệu cái nghề ấy hợp với năng lực và tâm trí của mình, hễ mình coi con đường đấy là con đường đứng đắn ngay thẳng, thì mình cứ làm, cứ đi xông lướt các khó khăn, vẹt bỏ các trở lực, không kể tiếng thị phi, không màng lời khuyến dụ, chỉ lo chánh lý, chỉ lo lương tâm. Mình làm như vậy là mình biết tự chủ, em hiểu không?

-         Dạ hiểu.

-         Ừ, mình làm như vậy là mình dùng quyền tự chủ, nghĩa là dùng cái nhân quyền của trời phú cho mình. Mà em phải biết quyền tự chủ chẳng phải mỗi người nên dùng. Người tâm tánh gian tà, trí não hèn yếu, nếu họ thong thả dùng quyền ấy, thì họ sẽ suy nghĩ vào đường quấy. Ấy vậy phải người ngay thẳng, cứng cỏi, mới nên dùng quyền tự chủ, dùng đặng làm việc phải, làm việc lớn, làm việc hay, mà người gian tà hay là yếu trí không thể làm được. Thầy tưởng nên nói thêm cho em biết rằng cái quyền tự chủ của con người như con dao hai lưỡi, bề nào cũng bén hết, chớ không có bề sống, bởi vậy dùng nó phải dè dặt, phải suy nghĩ, mới khỏi lầm lạc mà bị hại.

-         Cháu rất cảm tạ thầy.

-         Khoan, thầy nói chưa hết câu chuyện. Thầy mới cắt nghĩa quyền tự chủ của con người và chỉ chỗ lợi hại của quyền ấy. Thầy còn muốn nói thêm về đức hạnh của người dùng quyền tự chủ mà lập thân. Em còn nhỏ tuổi quá, mà vì hoàn cảnh chẳng may, em phải rời xa nhà trường và phải sấn bước vào đường đời để chiến đấu mà lập thân sáng nghiệp, nếu em nghĩ em trí non tánh yếu, thì em phải nhớ ông cha chú bác dìu dắt, làm việc gì cũng nên tự chuyên, còn nếu như em xét mình mà thấy em đủ tinh thần đảm đương với thế cuộc, đủ nghị lực mà chiến đấu với nhân quần, đảm đương chiến đấu lập thân danh, dựng sự nghiệp, thầy muốn nói thanh dang rực rỡ không lộn chút bợn nhơ và sự nghiệp nguy nga mà không có chi hỗ thẹn, thì em cứ do lương tâm mà chánh đạo, mà sấn tới, không cần ai chỉ bảo díu dắt nhứt là người díu dắt không có tư cách quân tử. Lời chỉ bảo không có chủ đích thanh cao.

-         Bẩm cháu hiểu ý thầy rồi.

-         Khoan. Cũng chưa hết đâu. Em còn phải biết dùng quyền tự chủ mà lập thân, thì có trách nghiệm nặng nề lắm, trách nhiệm luân lý và tinh thần. Không cậy mựon ai, tự mình gây dựng cuộc đời cho mình, thì mình nên hay hư, cao  hay thấp, tốt hay xấu mình phải chịu lấy, không được đổ thừa cho ai hết. Em thấy chỗ nguy hiểm đó hay không?

-         Dạ bẩm thầy thấy.

-         Ừ. Bởi vậy người muốn dùng quyền tự chủ mà lập thân phài thận trọng cho lắm mới được. Trước hết phải định chủ đích cho cao quí, rồi vẽ bước đường ngay thẳng để đi đến chủ đíc ấy. Hễ chủ đích và bước đường sắp đặt xong rồi, thì phải tập luyện tinh thần, trau dồi tâm tánh cho có đủ kiên nhẫn. Gặp khó khăn đừng buồn, gặp cản trở chớ sợ, phải tin cuộc đời có thấp rồi mới cao, có dở rồi mới giỏi, cái thất bại ngày nay là thành công của ngày mai, sự cực khổ hiện tại là cái ngòi hạnh phúc tương lai. Thầy không có tài tiên tri, nên không thể đoán số mạng của em được, mà cũng không có quyền thiên liêng mà phò hộ cuộc đời tương lai cho em. Đã vậy mà có lẽ từ rày mà thầy trò ta phải xa cách, bởi nghĩ như vậy nên thầy phải dạy bảo cho em chút đỉnh vể cách lập thân cho hiểu. Nếu em nghĩ những lời thầy nói với em nãy giờ đó không phải là lời nói bậy, thì em làm theo. Phận sự của thầy đối với em, chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, chớ không có quyền xúi em ở bồi với quan kinh lý hay là ngăn cản không cho em làm.

      Thầy Nhứt Vĩnh nói tới đây thì cảm động quá, nên ngả ngữa nằm trên ghế bố, day mặt qua chỗ khác, không dám ngó Quí.

      Quí cũng cảm xúc nên ngồi trân trân hồi lâu rồi đứng dậy nói: “ Bẩm thầy, cháu sẽ ghi chép những lời thầy dạy từ nãy giờ vào cuốn sổ để làm kinh nhựt tụng mà đọc hàng ngày. Cháu sẽ làm theo lời thầy dạy bảo, vì  lời ấy là lời chân chánh, có thể đưa cháu đến vinh quang hiển đạt, vinh quang mà không thẹn và hiển đạt mà không nhơ”.

      Thầy Nhứt đáp:

-         Thầy ứơc mong cho em được vậy lắm. Nếu được thế thầy toại chí hài lòng chẳng có chi bằng toại chi vì phận sự giáo hoá được tròn, mà lại có kết quả theo ý muốn.

-         Bẩm thầy, còn việc ở quan Kinh Lý thì để cháu suy nghĩ  lại rồi cháu sẽ nhứt định. Mà dầu thế nào cháu cũng cho cha cháu hay trước.

-         Ừ, phải vậy mới được.

Quí từ giả thầy nhứt mà về, thầy ngồi dậy ngó theo trong lòng hồi hộp, tình yêu thương pha lẫn với nỗi lo ngại.

Bây giờ trăng đã mọc, gắn trên ngọn cây ở mé rạch một vừng sáng lòa. Bầu trời rực rỡ, ngọn gió lao rao quan cảnh êm đềm, không khí mát mẻ. Quí được nghe những lời giảng của thầy thì trí sáng suốt như bóng trăng, trong lòng khoẻ khoắn như  ngọn gió mát. Với trí ý mê tín dị đoan cổ hữu. Quí không khỏi cho quang cảnh sáng lòa đêm nay là cáo điềm tốt về tương lai của đời mình, bởi vậy Quí vui vẻ, vững vàng, khi trở về nhà.

Vợ chồng ông Bồi bài đã ngủ sớm. Mỹ mở cửa cho Quí vô. Quí coi đóng cửa rồi bưng cây đèn dầu lại bàn ở chái trên, chỗ ngồi học ban đêm thuở nay, lấy giấy viết ra đặng ôn lại mà ghi những lới của thầy Nhứt Vĩnh nói hồi nãy vào sổ nhõ, viết sạch sẽ kỹ lưỡng, theo thói quen của trẻ ham học.