HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
MGCG 01.PDF
MGCG 02.PDF
 
Mẹ Ghẻ Con Ghẻ
Chương 18 - Quyển II

Nãy giờ Quí ngồi xem ông thầy cũ tỉ mỉ lo cái bình trà coi bộ ông rất tiêu diêu với cái thú sách tối trà trưa, thì chúm chím cười hoài. Đợi thầy uống thấm giọng rồi Quí mới hỏi:

-         Bẩm thầy, thầy hưu trí rồi, thầy không có lương tháng nữa. Thấy lãnh tiền hưu bổng chắc không được bao nhiêu. Vậy thì làm sao đủ cho thầy sống thong thả được?

-         Ối ! Ở đời biết bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu, em. Hễ mình nói đủ thì bao nhiêu cũng đủ, còn mình than thiếu, thì bao nhiêu cũng thiếu. Thầy đã có tiền hưu trí, nếu thầy còn thiếu, thì vô số người, không có tiền hưu trí như thầy, họ mới nói làm sao? Phần của thầy vì thầy biết tự túc, nên thầy được từ lạc. Vậy em khỏi lo. Bây giờ thầy muốn biết coi từ ngày em đi với ông La-Co rồi em trôi nỗi đến đâu mà em bặt tin, không trở về làng, mà cũng không gởi thơ, đến ông Bồi mất em cũng không về cư tăng báo hiếu. Thầy nói thiệt, thầy có nghĩ em chết, nên thầy lo, vì ngày trước em có hỏi ý kiến thầy khi em đi theo ông. thầy không dám xúi, những thầy không cản thì cũng như chịu để cho em đi. Ngày nay thầy thấy em về thì thầy mừng qua, mừng em con sống, thầy khỏi hối hận. Mà em ra đi, em quyết chí lập thân, những mang em không giúp cho em toại nguyện, em phải gặp nhiều nơi gian truân làm hay sao, nên ngày nay trở về, bỏ em lang thang dữ vậy?

      Quí cười mà đáp:

-         Bẩm thầy, thầy thấy lớp ngoài cửa cháu đây là lớp giả. Lớp thiệt của cháu khác, cho không phải như vậy.

-         Hứ! Có lớp giả, còn có lớp thiệt nữa! Chi vậy?

-         Bẩm, cháu muốn thu nhơn tính nên cháu mang lớp giả mà về làng. Sớm mới này cháu phải mang lớp giả mà đi Trà Vinh với người ta, xuống tới đây cháu nhớ thầy quá, không thể không thăm thầy được, nên cháu mang luôn cái lớp giả mà đi tìm thầy. Tại như vậy nên thành ra như cháu cố ý muốn giả dối luôn với thầy. Kỳ thiệt cháu kính trọng thầy như người cha thứ nhì của cháu, cháu đâu giám loe mắt thầy, xin thầy tha lổi cho cháu.

-         Nếu em có cái lớp thiệt khá hơn thì thầy mừng cho em. Từ ngày em đi với ông La-Co đến nay là mấy năm?

-         Bẩm 12 năm

-         12 năm ! Lâu quá ! Em theo luôn ông hay là tách đi làm việc khác?

-         Bẩm, cháu theo luôn cho đến ngày ông chết.

-         Ổng chết rồi?

-         Bẩm, chết đã 3 năm rồi để cháu thuật rõ đời sống của cháu trong 12 năm nay cho thầy nghe. Cháu trở về Càng Lòng gần hai tháng rồi. Cháu cứ mang cái lớp giả, cháu không nói chuyện của cháu cho một người nào biết, chị em trong nhà cháu cũng giấu. Nay gặp thầy cháu không đám giấu thầy. Trái lại cháu còn phải bẩm thiệt đặng còn nhờ thầy dìu dắt nữa.

-         Ừ, uống đi em, uống rồi nói cho thầy nghe.

-         Cháu đi theo ông La-Co lên Sài Gòn ở mấy tháng, cháu lo phận sự làm bồi cho ông vuông tròn. Vì cháu ham học nên cháu mua sách rồi ban đêm rãnh rang cháu mở mà học thêm. Ông La-Co gặp cháu học như vậy vài lần. Ông không nói gì, mà ông lại kiếm sách mua đưa cho cháu và chỉ cắch cho cháu học. Nhiều đêm ông khỏe, ông ngồi dạy cháu học đến 11 12 giờ rồi ông mới nghỉ.

-         Hồi trước thầy đã có nói với em, ông tử tế lắm

-         Bẩm, cháu nhớ. Thấy ông tử tế, cháu càng nỗ lực mà học, cháu quyết lấy chí háo học mà làm kế lập thân.

-         -Hay đa! Thầy khen em, bị bít đường, em biết ruồng mà đi. Muốn nên phải làm như vậy mới được chớ.

-         Cháu học được mấy tháng, kế ông La-Co được giấy xuống Rạch Giá đo đất. Tự nhiên cháu đi theo. Ở trong vùng Long Mỹ  hai năm, cháu vẫn tiếp tục học hoài. Ông Kinh Lý có rảnh thì vẫn chỉ cho cháu học. Hễ có dịp đi Sài Gòn thì ông mua sách thêm cho cháu. Ðo đất vùng Lòng Mỹ xong ông than mệt, bởi vì ông đã lớn tuổi, làm lâu năm, lại qua xứ mình lần sau đó ông ở luôn đến 4 năm, nên sức khỏe của ông giảm nhiều. Ông mới xin nghỉ 6 tháng đặng pháp dưỡng sức lại. Chừng đó ông mới nói thiệt với cháu rằng cháu ở với ông hơn ba năm, ông thấy rõ tánh tình của cháu, trung thành, ngay thẳng, ham học, hiền lành, bởi vậy ông thương cháu muốn giúp cho cháu ăn học đang lập thân như người. Ông hỏi cháu như chịu theo ông qua Pháp thì ông sẽ cho cháu vào trường mà học, ông chịu áo quần, cơm nước, bánh hàng cho hết thảy.

-         -Sướng quá! Em gặp tiên cứu rồi! Chắc em chịu liền hả?

-         -Dạ. Cháu chịu liền. Khi ấy cháu muốn gởi thơ cho thầy và cho cha cháu hay. Mà rồi cháu nghĩ ông Kính lý nói như vậy song biết ông làm y như vậy hay không. Huống chi cháu mới thấy có mòi học thêm được, chớ chưa chắc học được hay không, nếu vội cho thầy với cha cháu hay trước, rủi sau cháu không được thành công, té ra cháu ở bồi mà bày chuyện nói dóc.

-         Tánh em khiêm tốn lại cẩn thận quá. Được tánh nết như vậy thầy chịu lắm.

-         Ông Kinh lý về bển, ông kiếm mua một cái nhà ở ngoại ô Paris, có một miếng đất hơn một mẫu. Cháu phụ với ông mua đồ dọn nhà ở yên rồi ông dắt cháu vào một trường trung học ở gần đó mà xin cho cháu học. Cháu đã 19 tuổi rồi, theo phép cháu phải học lớp nhứt, lớp nhì mới được. Ông Kinh lý nói cháu là người ngoại quốc,vì thấy cháu ham học Pháp văn nên ông nuôi làm con đặng cho cháu ăn học để phổ thông văn hóa của nước Pháp. Có trường hợp như vậy nên hiệu trưởng mới chịu nhận cho cháu học, song để cháu ngồi học lớp thứ tư. Ông kinh lý có mướn một chị nấu ăn với một chú làm vườn nên ông để cháu đi học, không cho làm việc nhà. Ông cho ăn cơm chung và ngủ phòng kế phòng ông đặng ban đêm ông dạy cháu học. Cháu nổ lực học đêm học ngày đăng theo kịp chúng bạn nhỏ tuổi hơn cháu.

-         Thiệt lớn mà học lớp nhỏ khó chịu lắm.

-         Ông Kinh Lý nghỉ đủ sáu tháng rồi ông viện lẽ bịnh xin nghỉ thêm sáu tháng nữa. Cháu sợ ông mãn phép rồi ông trở qua bên mình, ông bỏ cháu bơ vơ. Té ra ông nghỉ đủ một năm rồi ông hưu trí ở luôn bên Pháp. Cháu qua mặt chúng bạn hết thảy. Ðến năm 24 tuổi cháu đậu đủ hai bằng tú tài, mà tú tài của cháu về khoa toán pháp. Cháu học được thành công cháu mừng hết sức.

-         Năm trước nếu ông Bồi có tiền cho em qua Cần Thơ mà học đi nữa, chưa chắc sau em có bằng tú tài.

-         Bẩm thiệt vậy, mà ông Kinh Lý giúp cho cháu thành công, ông đắc chí hơn cháu nữa. Năm đó nghỉ hè ông dắt cháu ra mé biển nghỉ mát với ông một tháng. Ông buộc cháu phải kêu ông bằng “Papa”, không cho kêu “ Monsieur” nữa. Ông tính cho cháu học cao hơn nữa. Ông nói xứ mình là xứ mới, sẽ có công việc kiến trúc nhiều: tu cầu, đắp lộ, cất nhà, đào kinh. Muốn dễ bề làm ăn phải học theo ngành đó. Ông khuyên cháu nên vào trường Công Chánh mà học thêm ít năm đặng lấy bằng Kỹ sư.

-         Ông Kinh Lý tính hay lắm. Đời nay học nghề chuyên môn mà làm kỹ thuật gia quí hơn. Chắc cháu nghe lời ổng hả?

-         Dạ, cháu nghe lời nên học trường Công chánh ba năm cháu lấy bằng kỹ sư.

-         Suớng quá! Đi ở bồi, mà nhờ có chí ham học đặng lập thân, nên lần lên Tú Tài, rồi  thẳng tới kỹ sư Công chánh. Ít ai có được vậy. Trong hai người, một người  phải  có chí cương quyết lập thân như em, còn một người   phải có lòng thành nhơn chí mỹ như ông La-Co mới gây ra được một chuyện kỳ quái như vầy. Tiếc vì thanh niên Việt Nam ít có bồi  Phan Văn Quí, mà nguời  Pháp cũng chưa nhiều kinh lý La-Co, bởi  vậy chuyện kỳ quái như vầy thầy để ý ao ước từ lúc thầy còn ôm sách vở đi học, mà đến ngày nay thầy già rồi  thầy mới  thấy được thực hiện. Tuy thấy trễ song thấy được, vậy cũng đủ cho thầy vui lòng. Có lẽ chừng thiên hạ hay cách em lập thân đây sợ có người  nói em nhờ mạng số tốt, hoặc nhờ kiếp trước tu dày công, nên em mới  được hưởng phước. Thầy không muốn tin mạng số, mà cũng không muốn tin kiếp tu, thầy đoán chắc em làm nên, là nhờ em biết cương quyết lập thân và nhờ em khéo tu dưỡng tâm tánh, nên nguyện vọng của em mới  được thỏa mãn. Lời  của ông La-Co nói đúng lắm: ông nói ông thấy em trung thành, ngay thẳng, ham học, hiền lành ông thương nên ông muốn nuôi em ăn học đặng em lập thân. Ấy vậy ở đời  em muốn tu tâm dưỡng tánh, cư sử cho đúng đắng đàng hoàng, phải  nuôi thiện chí, phải  ráng kiên nhẫn,đừng gian xảo, đừng tham lam, chịu thanh cao, ghét hèn hạ, ăn ở như vậy tự nhiên thiên hạ phải  thương yêu, quí trọng, dầu không có nguời  này thì sẽ có người  khác nâng đỡ giúp giùm, không sớm thì muộn, thế nào mình cũng nên danh, khỏi  dua bợ ai hết.

-         Cháu nhờ thầy dạy dỗ nhiều, nên cháu mới  biết ăn ở cho người  ta thương mà giúp cháu.

-         Em biết như vậy thì càng làm cho thầy vui hơn nữa. Thầy có một đứa con, thầy ráng tập cho nó nên người, tuy nó làm giáo sư không cao sang chi lắm, song nó không để hổ với  chức nghiệp của nó. Thầy rất hài lòng. Nay thầy được nghe một học trò cũ của thầy nói nhờ làm theo lời  thầy dạy dỗ nên được thành công thì thầy thêm nở mày nở mặt với  thiên hạ nữa. Hồi  nãy em nói ông La-Co chết đã ba năm rồi. Em đã có bằng Kỹ sư, lại  ông La-Co chết nữa. Vậy em còn ở bên Pháp làm chi mà tới  bây giờ em mới  về?

-         Bẩm thầy, tại  có chuyện khác nữa. Khi cháu có bằng Kỹ sư rồi, cháu muốn kiếm chỗ đi làm cũng như tập cho quen. Ông cha nuôi của cháu không cho. Ông nói ông già hay lại  có bịnh nên ông biểu cháu ở nhà hủ hỉ với  ông cho đỡ buồn, vì ông không có vợ con chi hết. Vì cháu thọ ơn của ông quá nhiều, nên cháu không giám trái ý ông. Thiệt năm đó ông thường có bịnh, cháu phải chăm nom các việc trong nhà, nhứt là thuốc men ăn uống cho ông. Tuy ông đãi cháu như con song cháu không hề giám vượt khỏi  bổn phận tôi tớ. Từ khi được qua Pháp, cháu cứ chăm chú lo học, cháu không muốn tìm hiểu việc nhà của ông. Mà việc nhà của ông thì ông lo, không bao giờ ông nói cho cháu biết. Năm đó ông hay bịnh nên sức giảm nhiều. Ông viết thơ mời Nô Te đến nhà đặng ông lặp tờ chúc ngôn. Cháu không giám dự việc đó, cháu biết ông không có vợ con, còn trong thân tộc thì ông có một người  cháu gái kêu bằng cậu, người  ấy có chồng giàu ở dưới  Marseille. Cháu tưởng ông có tiền bạc gởi  băng với  nhà đất ông ở đó mà thôi, ông làm di chúc sẽ để hết cho người  cháu gái đó hưởng. Bịnh ông càng ngày càng tăng them chớ không bớt. Nhưng tinh thần ông vẫn còn đầy đủ hoài. Một buổi  tối  cháu ngồi  bên giường đọc sách cho ông nghe một hồi, ông biểu thôi, để ông nói hết việc nhà của ông cho cháu hiểu. Ông nói rằng ông qua Nam Việt Nam Kinh lý hai mươi lăm năm, ông có gây ra một sự nghiệp lớn, có ruộng, có vườn và với  huê lợi  ruộng vườn đó ông có hùn với  vài hãng công nghệ thịnh vượng. Ông cũng có tiền gởi  băng cũng nhiều. Ông không có vợ con, chỉ có một đứa cháu gái nó đã có chồng giàu, lại  vợ chồng nó mắc lo buôn bán lớn bên Pháp, không thể qua ở bên Nam Việt được. Vậy ông đã rước NôTe lập chúc ngôn rành rẽ rồi. Người  cháu gái của ông không cần ông giúp. Nhưng vì tình cậu cháu nên trong chúc ngôn ông chỉ để cho cô một triệu quan đặng ngày sau cô làm của hồi  môn cho đứa con gái của cô. Chi bếp nấu ăn với  chú làm vuờn mấy năm nay giúp công cho ông nên ông cho mỗi  người  năm mươi ngàn quan. Còn lại  các tài sản là ruộng vườn, nhà cửa, phần hùn trong mấy hãng với  số tiền bạc còn dư để trong băng thì ông giao hết cho cháu.

-         Uý! Cha chả ! Nếu vậy thì ông thương em đến nhận em làm con đặng kế nghiệp cho ông hay sao?

-         Bẩm phải . Nhưng giao tất cả sự nghiệp cho cháu, ông có buộc ít điều kiện, chớ không phải  giao cho cháu làm chủ đặng lên mặt nhà giàu ăn xài ngoả nguê.

-         Ông buộc điều kiện gì? Sự nghiệp của ông đáng chừng bao nhiêu? Thiệt việc này ngoài trí tưởng tượng của thầy. Đã nuôi em ăn học thành tài, rồi  còn để gia tài sự sản cho em hưởng nữa! Hồi  trước thầy biết ông La-Co tử tế, nhưng thầy không dè ông tử tế đến bực này.

-         Khi cháu nghe ông nói tới  việc đó, cháu cũng ngac nhiên như thầy bây giờ. Ông Kinh lý thấy cháu cảm động, bối  rối, ông nói thêm rằng tờ di chúc với  các bằng khoán và giấy tờ về tài sản của ông, thì ông giao hết cho NôTe lãnh giữ. Tài sản đó có một ngàn mẫu ruộng tại  Kinh Thị Đôi trong tỉnh Rạch Giá, một sở vườn cao su tám trăm mẩu trong tỉnh Biên Hoà, một sở vườn cà phê năm trăm mẩu trên Ban Mê Thuột,cổ phần hùng ba trăm ngàn trong một hãng xe hơi và ba trăm ngàn trong một hãng thuốc điếu tại  Sài Gòn. Còn số bạc gởi  tại  ngân hàng chia cho cháu ông rồi  thì còn hơn vài triệu.

-         Quá xá? Ông La-Co giàu như vậy mà thầy không hay chớ!

-         Cháu cũng không dè. Hồi ở bên mình thấy ổng đi do đất nắng mưa mệt nhọc. Chừng về Pháp thấy ông mua nhà tầm thường với  miếng đất nhỏ mà ở, cháu biết ổng có tiền, nhưng có dè ổng là một triệu phú đâu.

-         Cháu thấy tâm trí của người  ngoại  quốc hay chưa? Giàu đến bạc triệu phú, mà người  ta không se sua, không lãng phí, cứ lui cui làm việc luôn luôn, chớ không phải  như người  mình, hể trong nhà có dư dược chút đỉnh thì lên mặt nhà giàu, cất nhà tốt, sắm xe hơi, áo quần loè loẹt, chơi bời liên miên, bài bạc rượu trà, không làm việc gì hết. Phải  Ông La-Co ở luôn bên này đặng làm guơng cho người  mình thấy mà bắt chước.

-         Đối với  cháu, ông tử tế chừng nào ông càng làm cho cháu thêm lo sợ chừng ấy. Khi ấy cháu ứa nước mắt mà nói với ông nuôi cháu ăn học thành tài, cháu chưa đền đáp cho ông nữa. Ông mới nói ông để gia tài của ông lại cho cháu là vì ông muốn cậy cháu thay thế cho ông mà làm hết một đại  nghĩa, chớ không phải để gia tài cho cháu xài phí ngỏa nguê. Số là ông nhờ đất nước Việt Nam mà làm giàu. Bây giờ già rồi, ông không có vợ con, mà lại  của nhiều. Ông tính rải của ấy để giáo hoá cho con nhà nghèo. Gần cháu trót mười  năm, ông nhận thấy cháu là người  biết ơn nghĩa trọng danh giá, ham học chớ không ham chơi, sợ tội  chớ không sợ chết. Ông thấy cháu là người  đáng mang danh tánh La-Co đặng thế cho ông mà giáo hòa con nhà nghèo Nam Việt có trí thông minh, có chí ham học nhưng vì bần hàn nên cha mẹ không đủ sức cho học đặng hấp thụ văn hoá Âu Mỹ. Ấy vậy trong tờ chúc ngôn ông nhìn nhận là con của ông, ông tự quyết giao hết gia tài sự nghiệp của ông cho cháu thừa hưởng. Ngày nào ông chết rồi  thì Nô Te sẽ mời  cháu, người  cháu gái của ông với  hai người  gia dịch đến đặng đọc tờ chúc ngôn cho biết rồi  giao tiền bạc cho ba người  kia. Còn phận cháu thì cháu làm tờ chịu nhận ông là cha và chịu lãnh gia tài, rồi  giao tờ ấy cho NôTe đem đến toà với  di chúc mà xin toà thị chứng. Việc xong rồi  thì cháu mang tên họ là La-Co và hưởng tất cả sự nghiệp của ông.

-         -Vậy thì bây giờ em theo quốc tịch Pháp chớ không phải  người  Việt nữa. Tên em là La-Co, chớ không phải  Phan Văn Quí. Phải  vậy hay không?

-         -Bẩm thầy, phải…Chánh việc đó làm cho cháu bối  rối  hết sức, không biết nên chịu hay là không nên chịu.

-         -Thầy hiểu tại  sao em bối  rối .

-         -Việc quan hệ quá, quan hệ về mặt quốc gia và tông tộc. Cháu không có ai sáng suốt ở gần mà hỏi  ý kiến. Cháu tính viết thơ hỏi  thầy, ngặt viết thơ thì lâu quá, lại  không biết thầy còn ở trường Càng Long hay là đổi  đi đâu. Cháu xin với  ông Kinh lý cho phép suy nghĩ ít tuần rồi  cháu sẽ trả lời . Ông nói việc ông cậy cháu đây là việc làm nghĩa ông giao bạc tiền cho cháu nhơn danh ông mà làm nghĩa, có chi khó đâu mà phải  suy nghĩ. Ông biết cháu giàu lòng tín nghĩa nên ông mới  cậy cháu. Ông là người  Pháp, vì thương người  Việt nghèo không học được, nên ông xuất hết gia tài để giúp những kẻ xấu phước ấy hấp thụ văn minh. Cháu là người  Việt có sẵn của, chỉ tốn công mà thôi lẽ nào cháu không chịu lãnh nghĩa vụ giúp cho đồng bào nghèo của cháu được tiến hoá cũng như đồng bào giàu vậy.

-         -Ông tính đúng quá. Thầy kính phục ổng rồi . Ổng có gia tài lớn mà không có vợ con. Ông tính dùng gia tài đó mà làm luôn hai việc nghĩa một lượt: giúp cho người  Việt nghèo hấp thụ được văn hoá Pháp mà yêu mến nước Pháp; đồng thời  cũng giúp cho nước Pháp là tổ quốc của ông, gieo rắt văn hoá vào trí não nhiều người  Việt nghèo, để gây mối  cảm tình thân yêu Việt-Pháp.

-         -Chánh đó là ý ông. Nhưng ông thấy cháu dụ dự ông có nói rõ như vầy: để gia tài cho cháu không phải  ông buộc cháu phải  để hết mà làm nghĩa, không được xài riêng. Không phải  vậy. Cháu thừa hưởng gia tài cháu có trọn quyền làm chủ. Cháu muốn xuất phát làm việc gì tuỳ ý. Ông còn dạy cháu khi về xứ sở, cháu phải  lựa mua một sở đất giồng rộng lớn, gần tỉnh lỵ Trà Vinh để cất một cái đền cho thiệt đẹp đặng cháu ở, cho thiên hạ gọi  “đền của ông La-Co” mà nêu danh ông.

-         Sau cái đền ấy phải  lập một cô nhi viện để nuôi trẻ mồ côi trai và gái, có trường cho chúng nó học chữ, học nghề; lựa những đứa thông minh gởi  chúng nó đi học trường lớn hơn, rồi  nếu coi học phát đạt, thì cho đi luôn qua Pháp để học tiếp. Cũng phải  đến mấy trường trung học lựa những con nhà nghèo mà học giỏi, thì cấp học bổng cho chúng nó qua Pháp đặng vào mấy trường Cao Đẳng. Mà cho sanh viên qua Pháp đừng cho học về khoa hành chánh, nên un đúc kỹ thuật gia tốt hơn, nhứt là nên cho nó học bá nghề như nông phố, thủy lâm, thú y, công chánh thương mãi, cơ khí, công nghệ, hàng hải,…

-         Ông không muốn người  mình làm quan thấy hôn?

-         Bẩm phải, ổng muốn quảng khai kinh tế trước hết. Phải  có tài chính dồi dào rồi  muốn làm việc chi mới  được, chớ kinh tế eo hẹp tự nhiên bị ngoại  bang yểm chế.

-         Ông già này sáng suốt lắm. Ổng lo xa cho nước mình nữa kìa.

-         Ông lại  nói các sở vườn và ruộng ổng có đặt sẵn người  cai quản. Cháu chỉ đi kiểm soát, thâu huê lợi  gởi  vào băng, rồi  dùng huê lợi  ấy  mà làm nghĩa là: 1/Giúp cho con nhà nghèo học, 2/ Cứu những người  bị tai nạn. Ông nhận thấy cháu là người  biết giữ thanh cao, biết trọng danh dự, ham làm việc công ích, dám chết với  nghĩa vụ, nên ông phú thác tất cả tánh danh cùng tài sản của ông cho cháu khai hóa và giúp đỡ đồng bào nghèo khổ của cháu. Cháu đã nhờ ông mới  vượt khỏi  vùng lầy. Cháu không được phép co tay, để cho đồng bào nghèo của cháu cứ làm trâu cho họ cày, làm ngựa cho họ cỡi.

-         Nghe em nói thầy cảm quá. Ông La-Co là người  Pháp mà ông dám đem hết tài sản ra làm nghĩa với  đồng bào mình. Em là người Việt, lại  em nhờ ông mà được thành danh, có lẽ nào em từ chối  không chịu đáp nghĩa với  ân nhân, không chịu ra tay cứu gíup đồng chưởng.

-         Cháu dụ dự là vì nếu cháu lãnh nhiệm vụ ông phú thác thì cháu mất quốc tịch, mất tánh danh. Một bên là ơn dày với  nghĩa vụ, còn một là tổ quốc với  tông môn, cháu phải  theo bên nào, phụ bên nào?

-         Thiệt, người biết Quí trọng danh dự bối  rối  cũng phải. Khó xử quá! Hai bên đều có cái phải  với  cái không phải  đồng nhau. Vậy theo ý thầy thì em đứng bên nào cũng được, có cái phải  nó bù trừ cái quấy, nên người  ta khó mà trách em ham tiền bạc quên ông cha hay là vì đạo nhà mà bỏ nghĩa lớn.

-         Cháu bối  rối  mà không có thầy cho cháu hỏi, để ơn nghĩa tràn ngập lòng cháu, rồi  cháu xuôi xị, hiến cả thân danh cho ân nhân xử dụng. Cách vài tháng sau ông Kinh lý mất, Nô Te mời hết mấy người được hưởng gia tài của ông đến mà đọc tờ chúc ngôn. Nô Te biểu cháu ký tờ chịu nhìn ông Kinh lý là cha và chịu lãnh gia tài. Người  cháu gái của ông bất mãn, nên mướn luật sư kiện xin huỷ tờ chúc hôn đặng cô hưởng trọn gia tài. Cháu phải  ở lại  bên Pháp mà hầu kiện. Trong lúc chờ đợi  toà phân sử, cháu buồn nên cháu viết thư ký tên La-Co, gởi  cho quan Tham biện Trà Vinh cậy ngài hỏi  dọ rồi  cho cháu biết:     1/Tin tức về cha cháu coi còn sống hay đã chết,về ăn ở bây giờ thể nào,vợ con nên hay hư.  2/Tin tức về thầy, coi còn ở trường Càng Long hay không. Như đổi  đi thì cho biết địa chỉ mới. 3/Tin tức về vợ chồng Ba Thới  với  người  con gái tên Hường, bán quán tại  ngã ba Suối  Cạn. Cách vài tháng sau quan Tham biện Trà Vinh gởi  tờ phúc trình của quan chủ quận Càng Long cho cháu biết rõ các tin tức. Nhờ vậy cháu mới   được biết: Cha cháu mất, ruộng đất tiêu hết, chỉ còn nhà thờ với  ruộng hương hoả. Mẹ ghẻ cháu cứ mê bài bạc. Chị cháu rách rưới  cực khổ. Em cháu không học hành cứ du hí hằng ngày. Thầy đã hưu trí về ở Trà Vinh.

-         Ba Thới  chết. Vợ con tiếp tục bán quán đủ ăn. Cô Hường còn ở với  mẹ, chưa lấy chồng

-         Cháu ở bên Pháp đợi  tới  năm ngoái Toà mới  xử xong vụ kiện đó, Toà bác đơn của tiên cáo, lên án nhận cháu là con của ông La-Co đủ quyền thừa hưởng gia tài của ông theo tờ di chúc. Cháu về bên xứ đặng lo thi hành ý định của ông cha nuôi cháu.

-         Toà xử xong từ năm ngoái, sao em để tới  bây giờ mới  về.

-         Bẩm thầy, cháu về từ năm ngoái, nhưng cháu ở trên Sài Gòn. Cháu chưa ra mặt là vì cháu mắc lo ba việc này: 1/Mua đất, cất nhà và lập cô nhi viện theo ý ông cha nuôi cháu dạy. 2/Sắp đặt lại  gia đình của cháu lại  cho đàng hoàng, làm cho người  chị cháu hết cực khổ và đem bà mẹ ghẻ với  thằng em cháu trở lại  người  ngay. 3/Dọ coi cô Hường, con gái của Ba Thới  có phải  cô vì nặng tình với  cháu nên cô ở vậy mà chờ cháu hay không. Nếu thiệt như vậy thì cháu phải  cưới  cô và đáp tình trả nghĩa. Hôm nay cả ba việc đều gần xong. Nhà cửa cất gần rồi. Hôm tháng trước cháu giả dạng nghèo hèn, ăn bận như vầy về ở Càng Long, chưa nói cho ai biết về việc riêng của cháu. Cháu đã cải  thiện đạo nhà của cháu được rồi. Chị cháu hết khổ. Mẹ ghẻ với  em cháu hết giám bài bạc chơi bời. Cháu lại  nhận thấy thiệt quả cô Hường vì nặng tình với  cháu, nên mười  hai năm nay cứ chờ cháu, không chịu lấy chồng. Nay cháu trở về quần áo lang thang bạc tiền không có, nhưng cô không chê, cũng vẫn nặng tình như cũ.

-         Nếu vậy thì cuộc nhà kinh dinh đương cất bên ngoài đường châu thành, chỗ cây dầu một đó, là cuộc của em tổ chức phải  hôn?

-         Bẩm, phải. Năm ngoái về tới  Sài Gòn cháu cậy người  xuống đây kiếm đất. Cháu có xuống, cháu coi rồi  cháu mua. Cháu vẽ bảng đồ, mượn người  coi cất nhà và sửa soạn cho thiệt đẹp.

-         Đẹp quá lại  lớn quá. Hôm đầu tháng thầy nghe người đồn thầy có đến coi chơi. Cất theo kiểu đền đài bên Pháp, nên xem hùng vĩ quá. Phía sau còn đất trống lớn dữ.

-         Bẩm chỗ đó sẽ cất cô nhi viện để nuôi trẻ mồ côi.

-         Làm tốn tiền nhiều qúa.

-         Phải  làm theo ý ông cha nuôi cháu cho nên cháu bỏ ra một triệu mà tạo thành cuộc ở với  cô nhi viện. Hôm nay cháu đến đây, trước thăm thầy và tỏ lời  cảm ơn thầy dạy dỗ cháu nên cháu biết đường mà đi, sau nữa cháu yêu cầu thầy với  thím về ở nhà mới  đó với  cháu đặng thầy trò ta hiệp lực đồng tâm mà giáo hoá và nâng đỡ hạng người  nghèo khổ. Thầy tuy già, song sức còn khoẻ. Cháu cất nhà cháu có kềm hai bên hai cái lầu ba từng. Thầy thím muốn ở bên nào tuỳ ý. Được vậy thì cháu có người  cố vấn sang suốt dạy biểu cháu và quán suất ở trong, cháu rãnh rang chạy bận ở ngoài. Thầy đã có cảm tình với  ông La-Co. Thầy lại  cho sáng kiến của ông ấy là cao Quí. Vậy thầy hiệp với  cháu mà tác thành cuộc đại  nghĩa theo ý ông bà có lẽ ông ở dưới  Cửu tuyền ông sẽ vui thấy người  bạn cũ không phụ tình ông tuy là dị chưởng.

Thầy nhứt Vĩnh ngồi tư lự một chút rồi  nói: “Thầy già rồi  nên tính trồng hường mà chơi vậy thôi. Nhưng gặp đại  nghĩa mà làm lơ, té ra ích kỷ. Vậy để thầy suy nghĩ lại  coi”

Quí thấy thầy  không từ hẳn thì mừng nên nói: “Nếu cháu được thầy đứng sau lưng chỉ huy, thì cho hoạt dộng mạnh lắm vậy. Cháu còn xin hỏi ý kiến thầy về việc trăm năm của cháu. Cháu với  cô Hường con của dì Ba Thới,  bán quán tại  ngã ba Suối  Cạn từ thơ bé đã trìu mến nhau. Cháu đi 12 năm, cô ở nhà chờ cháu, không lấy chồng. Cháu thấy rõ có một dây ái tình buộc chặt cô với  cháu. Xin thầy nghĩ thử coi vợ chồng học thức bất đồng, nhưng tình với  nghĩa nặng dày,có thể kết chặt tóc tơ trăm năm bền vững hay không?

Thầy nhứt Vĩnh cười  mà đáp:

-         Đó là một vấn đề thắc mắc khó giải. Em với  cô Hường đã yêu nhau từ nhỏ nếu bây giờ thầy nói nếu không nên phối  hợp vợ chồng, té ra thầy phá đám làm tan rẽ ái tình của hai trẻ. còn như thầy nói nên phối  hiệp, rủi  ngày sau vì tâm chí bất đồng, vợ chồng không hòa thuận, thì thầy mang tiếng xúi bậy.

-         Tình với  nghĩa có thể bổ khuyết cho học thức được hay không?

-         Nếu tình thiệt nồng, nghĩa thịêt nặng, hai đàng biết chăm chế cho nhau thì được, được về mặt gia đình, nghĩa là ăn ở với  nhau trong nhà có thể hòa thuận. Ngặt em mang một nghĩa vụ lớn lao, em phải  sống với  xã hội  nhiều hơn là sống với  gia đình. Một vị Kỹ sư với  một gái thôn quê, tâm chí khác nhau một trời, một vực. Cái của em hay cô nọ không biết quí, cái của cô nọ hay em không có chỗ dùng. Thầy sợ tâm chí bất đồng, vợ chồng không hiểu biết nhau, không giúp đỡ nhau, mỗi  người  đi một đường riết rồi  lợt lạc làm cho phai cả tình nghĩa. Vậy việc đó em phải  suy nghĩ cho kỹ rồi  sẽ quyết định. Nếu hai đàng tuy học thức và tâm chí bất đồng, song người  vợ biết chuyên lo bề nội  trợ, để cho chồng khoẻ trí mà lo việc xã hội, chia trách nhiệm ra làm hai, vợ lo trong, chồng lo ngoài, được vậy thì cũng êm. Thầy nói êm chớ không nói êm ấm, bởi  vì ai lo phận nấy, có chia buồn chung vui gì đâu mà nói êm ấm, khỏi  sanh rầy rà đó là may. Cái cảnh vợ chồng nó tâm tâm mù mù nó hay biến đổi  trăm hình ngàn tướng không có gì rõ ràng, chắc chắn hết em ôi. Không có vợ thì buồn, mà có vợ cũng không chắc gì vui. Chỉ có người  say sưa mê mết với  gia đình, không để ý đến những điều gai mắt trái tai lặt vặt, thì mới  vui được. Vậy em tự liệu em hỏi  em coi thiệt em thích có vợ, có con chàng rang chộn rộn chung quanh em hay không. Như em thích cái cảnh đó, lại  em gặp người  yêu em, mà em cũng yên người, thì em cưới  đi. Còn như em thích cảnh đời  thanh vắng để trí yên tịnh mà lo việc xã hội, nhắm đường tương lai thì thầy khuyên em nên ở một mình thì tốt hơn là cưới  vợ, rồi  sau chán nãn lạnh lùng mà để bỏ.

      Quí ngồi  nghe ông thầy cũ nói nhiều quá, mà ông cứ nói phân hai, không chịu kêu phải  cưới  cô Hường mà cũng không cản trở, thì chàng lơ lửng ở ngã ba đường, không biết bước chưn vào ngã nào. Chàng đứng dậy lấy cái nón ôm trong mình mà nói: “Bẩm thầy cháu xa cách thầy 12 năm, bây giờ được gần thầy, được nhờ thầy rọi  đuốc vào cái nẻo đường cho cháu thấy đâu là phải  đâu là quấy đặng cháu liệu mà đi. Cháu thành thiệt cảm ơn thầy. Về việc vợ chồng để cháu suy nghĩ lại  rồi  cháu sẽ quyết định. Còn về việc cháu yêu cầu thầy ra công chỉ bảo cho cháu khai hoang đồng bào mà đáp nghĩa cho ông La-Co, cháu xin thầy vui long nhận lời  cháu cho cháuvững bụng mà tiến mạnh trong đường đại  nghĩa”

      Thầy Nhứt Vĩnh đứng dậy nắm tay Quí mà nói:”Hay em thành thân một cách rực rỡ phi thường, thầy mừng lắm. Việc em nói đó để thầy suy nghĩ ít bữa. Chúng ta còn gặp nhau nữa rồi  sẽ bàn thêm”

Thầy đưa Quí ra tới  sau, Quí đứng lại  xin thầy đừng tiết lộ công việc của Quí cho ai biết trước, rồi  mới  từ biệt mà về.