Đinh tráng-sĩ nơi Vân-sơn được gươm báu.
Trần tướng-quân dưới cổ thọ gặp người tài
Mùa xuân chưa mãn, cây cỏ còn tươi. Lúc tảng sáng, sương sa mù mịch, phái-phái mưa phùng, trên nhành giọt sương quằn quại lá cây xanh, dưới đất gió thổi phất phơ đầu ngọn cỏ. Mấy nhà ở dọc theo đường đi, chỗ thì đã chống cửa rồi nhúm lửa nấu nước trà khói bay lên ngui ngút, chỗ thì còn im-lìm giấc điệp để gà heo trước ngõ chạy tung hoành; đầu trên nghe tiếng chó sủa vang rân, phía dưới thấy nông phu đang cuốc đất.
Đinh-bộ-Lãnh đi một hồi thì ngó ngoái lại một cái, dường như sợ người theo mà cản không cho đi, mà đi lại không đi mau, khi thì nhìn mé rừng là chỗ xưa nay mình thả trâu ăn, khi thì trông mấy cội lớn là chỗ mình thường hay chơi bời với chúng bạn, lưu lưu luyến luyến dường như giã từ cố lý chi siết lòng đau. Ra khỏi xóm xa rồi Bộ-Lãnh mới băng đường rừng mà đi riết lên Đại-vân-sơn, bởi vì đường Ái-châu ra Đại-la-Thành đi ngang qua chơn núi nầy nên tính lên đó mà đón, chắc sẽ gặp binh Ngô Thứ-sử.
Mặt trời đã xế bóng, Bộ-Lãnh lên mới tới Đại-vân-sơn; đứng ngó thì tư bề chớn chở núi non, sau trước bịt bùng rừng bụi. Anh ta thơ thẩn một mình, chơn đã mỏi mà bụng lại đói, nên vào rừng kiếm trái cây mà ăn. Đến chiều gặp một ông tiều phu, đầu bạc hoa râm, ở trong rừng gánh củi đi ra. Bộ-Lãnh hỏi thăm rằng:
- Thưa ông, cháu nghe nói quan Thứ-sử Ái-châu cử đại binh ra Đại-la-Thành mà đánh Kiều-công-Tiện, chẳng biết ông có thấy binh mã đi ngang qua chốn nầy rồi hay chưa vậy ông?
- Chưa, tôi cũng có nghe nói như vậy, mà chưa thấy binh đi ngang qua đây. Tráng-sĩ hỏi thăm chi vậy?
- Chẳng giấu chi ông, tôi muốn theo đầu quân nên chẳng nệ đường xa, quyết đến đây đón Ngô Thứ-sử mà xin làm nha trảo.
Tiều phu nghe nói mấy lời liền để gánh củi xuống đất, đứng ngó Bộ-Lãnh một hồi rồi nói rằng:
- Phải, phải lắm. Đời ly-loạn phận làm trai phải lấy kiếm cung làm sự nghiệp. Tráng sĩ còn nhỏ mà lập chí như vậy lão khen lắm đa. Lão xem tướng tráng sĩ không phải người tầm thường, tuy đường công danh có muộn một chút, nhưng mà hễ thành công rồi thì ở trên đầu thiên-hạ, chớ không nhượng ai đâu. Nay tình cờ mà gặp nhau đây, lão chẳng biết lấy chi mà tặng nhau, vậy lão xin dưng đỡ cho tráng sĩ một gói cơm nầy, sợ ngày sau tráng sĩ thành công thì lão không còn ở dương trần mà cung hạ.
Tiều phu nói dứt lời liền mở gánh lấy gói cơm mà trao cho Bộ-Lãnh. Bộ-Lãnh nghe lời khen ngợi thì đã khoái chí thỏa lòng, mà lúc đói lại được cơm thì càng mừng rỡ hơn nữa, bởi vậy cho nên đưa tay thọ lãnh gói cơm, miệng thì cảm tạ lia lịa rồi hỏi tiều phu quê quán ở đâu, danh tánh là chi đặng ngày sau có đền ơn đáp nghĩa. Tiều phu khoác tay lắc đầu mà nói rằng:
“Tôi là Ngô-chấn-Bạch, mà tráng sĩ hỏi làm gì? Tôi đã nói ngày sau tráng sĩ thành công thì tôi đã chết rồi, còn ở đâu mà đền ơn, nên phòng hỏi”. Tiều phu nói mấy lời rồi từ biệt gánh củi mà đi.
Đinh-bộ-Lãnh thấy dựa bên đường có một hòn đá lớn, phía trên bằng trang như bộ ván, còn chung quanh cây mọc giao nhành che phủ kín mích, bèn leo lên đó mở gói cơm ra ăn, rồi nằm mà nghỉ. Bởi đi gần trót ngày mệt mỏi, vừa nằm xuống thì ngủ ngáy khò khò, trời tối bao giờ không hay, mà thú dữ bên mình cũng không sợ. Chẳng biết ngủ được mấy canh, song chừng ngủ đã thèm thức dậy ngồi ngó quanh quất thì tứ bề rừng núi tối đen, xa xa lại nghe tiếng cọp rền in ỏi. Bộ-Lãnh nghĩ thầm rằng mình có hai tay không, chớ không có khí giái chi hết thoãng gặp ác-thú hành hung thì lấy chi mà chống cự. Đương nghĩ như vậy thì thấy mé bên kia đường có hai đốm sáng dường như hai ngọn đèn đỏ lòm. Anh ta chẳng biết là vật chi, nên ngồi ngó chừng hoài. Cách một hồi nghe cọp rền tại chỗ ấy rồi thấy dạng nhảy vô rừng mà chạy. Anh ta không dám ngủ nữa, cứ khoanh tay ngồi ngó chừng tứ phía hoài.
Đến sáng, Bộ-Lãnh leo xuống thạch bàn, rồi đi lần lại chỗ cọp ngồi hồi hôm đó mà coi thấy dấu chơn cọp còn ràng ràng mà trên một hòn đá nhỏ lại có một cây gươm rất đẹp.
Bộ-Lãnh cầm gươm lên mà coi thì thấy cán gươm có đề bốn chữ: “Thanh long bửu kiếm”, rút vỏ ra thì thấy lưỡi gươm sáng ngời dường như thưở nay không ai rờ tay tới vậy. Anh ta cầm sâm soi một hồi rồi xách trở lại thạch-bàn ngồi mà suy nghĩ: chốn non cao rừng rậm ai đến đây làm gì, mà cây gươm tốt như vầy sao lại bỏ đó? Hay là ta suất thân ứng nghĩa thánh thần giúp cho ta kiến công lập nghiệp, nên sai chúa sơn lâm đem gươm báu đến mà cho ta chăng? Anh ta suy nghĩ như vậy rồi rút gươm ra mà múa, nhảy tới thối lui, tràn qua xây lại, bộ như hùm ngồi phụng đáp, còn lưỡi gươm thì chói yến mặt trời chớp nháng dường sao xẹt quanh mình.
Bộ-Lãnh đương múa gươm, bỗng nghe xa xa có tiếng trống dóng ba, nghi là binh của Ngô Thứ-sử gần đến nên ngừng tay lại rồi leo lên cây mà dòm. Bởi cây cao rừng rậm nên dòm không thấy chi hết, chỉ nghe tiếng trống dóng ình ình mà thôi. Anh ta lật đật leo xuống, đeo gươm vào lưng, tay ôm hành-lý rồi ra đứng dựa bên đường mà chờ. Cách chẳng bao lâu thiệt quả có một đạo binh đi tới. Bộ-Lãnh hỏi thăm biết rõ là binh Ái-châu thì mừng rỡ vô cùng, liền cậy quân thưa dùm vơi tướng-soái đặng cho mình nhập ngũ.
Hai tướng tiên phuông là Lữ-Đường với Nguyễn-Siêu nghe báo có người đón xin đầu quân, liền dạy dắt lại xem, thấy Bộ-Lãnh còn nhỏ tuổi thì có hơi khinh thị. Lữ-Đường tính háo thắng đùng nói rằng: “Mi còn nhỏ quá đánh giặc sao được? Cho mi theo thì tốn cơm, chớ có ích gì. Mà mi đã có lòng muốn đầu quân, không lẽ ta không nạp dụng. Vậy thôi mi cứ đi theo”. Bộ-Lãnh từ khi quyết chí đầu quân thì trong trí thầm tưởng rằng mình tuy nhỏ tuổi mà võ nghệ cao cường, hễ mình nhập ngũ ắt đặng làm quan lớn; nay nghe mấy lời như vậy thì sái với trí tưởng của mình rất xa, bởi vậy đi theo vòng binh mà trong lòng không vui chút nào hết. Ngày đi đêm nghỉ, binh đi tới mùng 10 tháng hai mới đến đất Đằng-châu [1].
Nói về Trần-Lãm trấn Bồ-hải-Khẩu, khi nghe tin Kiều-công-Tiện thích tử Dương-diên-Nghệ mà đoạt chức Tiết-đạt-sứ thì lấy làm bất bình, nhưng vì sức yếu thế cô nên không dám tính đến việc báo thù binh loạn. Cách ít ngày sau, tiếp được thơ của Ngô-Quyền khuyên hãy đem binh giúp sức, thì anh ta lấy làm mừng rỡ tính tom góp binh thuyền để giúp Ngô-Quyền mà trừ khử họ Kiều. Nhưng mà tối lại anh ta nằm tính tới nghĩ lui, mình đem binh giúp với Ngô-Quyền đây, ví như Ngô-Quyền đắt thắng dẹp đãng họ Kiều được thì chẳng nói chi, thoảng như gặp dịp chẳng may Ngô-Quyền thất bại, thì mình đã tổn tướng hao binh mà sợ Kiều-công-Tiện hờn lây thì e mình khó mà giữ Bố-hải-khẩu được. Vả quan trấn Đằng-châu, là Phạm-bạch-Hổ, anh hùng khẳng khái mà lại có tình giao hảo với mình, vậy thì mình nên dọ ý anh ta, nếu anh ta chịu hiệp với mình, mà giúp Ngô-Quyền thì dầu thành hay bại mình cũng khỏi lo thiệt hại.
Trần-Lãm nghĩ như vậy, nên sáng bữa sau viết thơ rồi sai quân đem qua cho Phạm-bạch-Hổ mà hỏi coi có khứng hiệp binh với mình đặng giúp Ngô-Quyền hay không, Phạm-bạch-Hổ, tuổi vừa mới 30, tánh khí nóng nảy đã có ý muốn đánh Kiều-công-Tiện mà báo thù cho họ Dương, bởi vậy được thơ của Trần-Lãm hay Ngô-Quyền khởi binh báo thù thì mừng rỡ vô cùng, liền viết thơ trả lời, khuyên Trần-Lãm đem hết thủy binh Bố-hải-khẫu lên Đằng-châu hiệp với binh của mình mà chờ Ngô-Quyền.
Trần-Lãm được lời của Bạch-Hổ rồi mới quyết định việc dấy binh, nên nhứt diện sai người vào Ái-châu cho Ngô-Quyền hay rằng: mình sẽ đem binh qua Đằng-châu mà đón còn nhứt diện thâu góp quân sĩ được một ngàn với 30 chiến thuyền rồi kéo qua Đằng-châu.
Khi đại binh của Ngô Thứ-sử vừa đến đất Đằng-châu thì Trần-Lãm với Phạm-bạch-Hổ vội vàng ra đón đường mà nghinh tiếp. Ngô Thứ-sử thấy hai tướng sẵn lòng giúp sức thì chẳng xiết nỗi mừng, bởi vậy lấy lời dịu ngọt mà an-ủi hai tướng rồi truyền lịnh an dinh hạ trại cho quân sĩ nghỉ ngơi. Phạm-bạch-Hổ mời Ngô Thứ-sử cùng các tướng vào dinh của mình rồi đặt bày diên tiệc mà đãi rất trọng. Trước khi nhập tiệc thì Ngô Thứ-sử hỏi Phạm-bạch-Hổ rằng: “Tướng quân trấn thủ xứ nầy, cách Đại-la-Thành chẳng bao xa. Vậy chớ tướng quân có nghe tin tức bọn Kiều-công-Tiện thể nào hay chăng?”.
Bạch-Hổ đáp rằng: “Thưa Thượng quan, từ ngày tôi hay tin cha con Kiều-công-Tiện phản loạn thì tôi có sai người dọ hai ba lần. Chúng nó biết trước bề nào Thượng quan cũng khởi binh báo thù, bởi vậy cho nên chúng nó mộ quân tuyển tướng quyết chống cự với Thượng quan. Tuy vậy mà tôi không lo bởi vì cha con Kiều-công-Tiện trí lực bao nhiêu, hễ binh ta tới thì chúng có phải bó tay chịu tội. Tôi có lo một điều là lo nó cầu cứu với Nam-Hán Hoàng-đế, bởi vì nếu Lưu-Cung mà giúp với chúng thì ta khó mà thắng được”.
- Tướng quân liệu như vậy thì hiệp ý ta lắm. Ta cũng sợ Lưu-Cung nhơn dịp nầy, giả dạng ứng tiếp họ Kiều mà thâu đoạt Giao-châu, bởi vậy ta đã có viết thơ mà dặn Dương-kiết-Lợi ở Lục-châu phải đề phòng, đừng để quân Tàu xâm lăng biên giới, còn tướng quân có nghe Đỗ-cảnh-Thạc bây giờ ở đâu hay không?
- Thưa Thượng quan, tôi nghe Đỗ-cảnh-Thạc bây giờ đương đồn trú tại Đỗ-động-giang người có ý muốn cử binh báo thù, nhưng vì sức yếu thế cô nên chưa dám dấy động. Nếu Thượng quan tấn binh đến thành Đại-La mà đánh họ Kiều thì chắc Cảnh-Thạc sẽ dẫn binh đến tiếp ứng.
Ngô Thứ-sử nghe hết đầu đuôi mọi việc thì có ý mừng thầm, mà nghe Phạm-bạch-Hổ với Trần-Lãm mỗi tướng giúp được một ngàn binh thì lại càng mừng hơn nữa. Ngô Thứ-sử định đồn binh cho tướng sĩ nghỉ 5 ngày, đợi đến ngày rằm sẽ tấn binh. Chuyện vãn một hồi rồi Bạch-Hổ mới mời các tướng nhập tiệc, ăn uống vui say cho đến tối mới từ biệt nhau, ai về dinh trại ấy mà nghỉ.
Đêm khuya trăng tỏ, gió thổi hiu hiu, tư bề lặng lẽ, một lát nghe mấy trại gõ mỏ canh mà thôi, chớ không nghe tiếng chi khác hết. Trần-Lãm nằm dưới thuyền chẳng biết vì cớ gì mà thổn thức trong lòng không ngủ được, bèn leo lên bờ rồi lần bước đi dọc theo mé sông mà nhìn mặt nước, hưởng bóng trăng. Đi vừa tới một cây lớn gốc to, tàn ve sát đất, bỗng thấy có một người đương ngồi dưới bóng cây mà ngủ, lưng có đai một cây gươm, trước mặt lại có để một gói áo. Trần-Lãm thấy vậy lấy làm lạ, không biết người ở đâu lại đến đó mà ngủ, nên lén bước lại gần rồi vổ vai kêu thức dậy mà hỏi rằng: “Em ở đâu, mà sao lại ngồi đây mà ngủ?”. Người ấy giựt mình thức dậy, ngó Trần-Lãm trân trân không chịu trả lời. Trần-Lãm liếc xem thì thấy người tuy nhỏ tuổi mà sức lực mạnh mẽ, tướng mạo khôi ngô, cặp mắt sáng như gươm lưng eo vai rộng, thì trong bụng khen thầm, nên hỏi nữa rằng: “Chẳng hay tráng sĩ danh tánh là chi, quê quán ở đâu, mà sao lại ngồi đây mà ngủ như vậy?”. Người ấy thở ra một cái rồi đáp rằng: “Tôi họ Đinh tên Bộ-Lãnh, quê quán ở Hoa-Lư”.
- Tráng sĩ là người ở Hoa-Lư, mà sao lại đến đây làm gì?
- Số là tôi nghe Ngô Thứ-sử, là một đứng anh hùng hào kiệt, quyết mộ nghĩa binh, tuyển nhơn tài để diệt-tru loài phản loạn. Tuy tôi tài sơ lực bạc, song tôi muốn lập chút công danh, nên tôi đón mà xin tùng chinh, rồi tôi mới đi theo quân sĩ mà đến đây.
- Té ra tráng-sĩ là bộ tướng của Ngô Thứ-sử hay sao? Mà tráng-sĩ đầu quân rồi sao không ở trong trại, lại đến đây ngồi mà ngủ, và sao khí sắc coi chẳng đặng vui? Có lẽ khi tráng-sĩ nhớ nhà hay sao?
- Thưa ngài, tôi chẳng dấu chi ngài, khi tôi ở trong làng đi ra, ý tôi tưởng người như tôi vầy, hễ đầu quân thì ắt sẽ được quyền tước, chẳng dè người ta chê tôi còn nhỏ ý không muốn thâu dụng tôi, bởi vậy cho nên tôi buồn, tôi muốn trở về quê xưa cho an thân khoẻ xác.
Trần-Lãm nghe nói mấy lời thì đứng suy nghĩ thầm trong bụng rằng: người tướng mạo như vậy, mà ý tứ lại như vầy, thì chắc là có tài lắm, nếu mình trọng dụng có lẽ khi giúp ích cho mình được, rồi liền hỏi tiếp rằng:
- Vậy mà tráng-sĩ cha mẹ còn song toàn hay không?
- Thưa ngài, tôi mồ côi, còn có một người chú mà thôi, chớ không có bà con nào nữa hết.
- Khuyên tráng-sĩ chớ nên phiền; Ngô Thứ-sử thiên tướng vạn binh không có thể mà xem xét mọi người được. Tráng-sĩ là người có tài, vậy thì nên ẩn-nhẩn mà chờ cơ hội, chớ nếu tráng-sĩ phiền rồi bỏ đi về thì còn ngày nào mà trổ tài lành đặng lập công lớn nữa được.
- Thưa ngài, ngài thương tôi nên ngài khuyên như vậy, tôi rất cám ơn ngài. Song tôi đã quyết định rồi, thà tôi ẩn tích mai danh, chớ tôi không muốn giúp Ngô Thứ-sử.
- Nếu thiệt tráng sĩ không giúp Ngô Thứ-sử nữa, thôi thì đi theo tôi. Tuy tôi binh quả thế-cô, nhưng nếu tráng-sĩ chịu làm trão nha thì tôi rất vui lòng mà trọng dụng.
Bộ-Lãnh đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:
- Thưa ngài, chẳng biết ngài là ai, xin cho tôi biết đại danh quý tánh.
- Tôi là Trần-Lãm trấn Bố-hải-khẩu, nghe Ngô Thứ-sử báo thù, nên đem binh đến đây mà ứng tiếp.
- Thưa ngài, tôi đeo mắt thịt, không thấy tướng tài, nên nãy giờ tôi thất lễ với ngài, vậy xin ngài miễn lỗi.
- Không, tráng-sĩ có thất lễ chỗ nà đâu. Thôi đi theo tôi xuống thuyền, trời đã khuya rồi, phải nghỉ một chút rồi rạng mai chúng ta sẽ đàm đạo.
Trần-Lãm và nói và dắt Bộ-Lãnh xuống thuyền. Bộ-Lãnh xách gói ríu-ríu đi theo không dụ-dự chi hết.
Qua ngày sau Trần-Lãm hỏi thăm, Bộ-Lãnh mới kể hết các việc cho Trần-Lãm nghe. Trần-Lãm biết người nhỏ tuổi mà có kỳ tài, trong bụng mừng rỡ lắm, bèn dạy quân dọn rượu thịt mà đãi Bộ-Lãnh, rồi liền phong cho Bộ-Lãnh làm chức phó tướng, để giúp với mình mà điều đình quân vụ.
[1] Đằng-châu ở trong địa phận tỉnh Hưng-Yên (Bắc kỳ) bây giờ.