Lánh hoạn nạn, Đông-cung ẩn mặt,
Bị khinh khi, Cảnh-Thạc lui binh.
Từ ngày Thái-tử Xương-Cấp liều mình vào thành Đằng-châu, xin ra mắt Phạm Bạch-Hổ mà tỏ những nỗi gian nan lưu lạc thì Bạch-Hổ động lòng, đã không phiền trách Ngô-vương nữa, mà lại quyết ý chiêu binh mộ tướng đặng giúp Thái-tử khôi phục giang san. Nhưng vì thời vận của Thái-tử vị đạt, bởi vậy Bạch-Hổ đã tính giúp mà mắc bịnh đau trầm trệ hoài, nên ngày lụng tháng qua, đã trót gần ba năm mà cũng chưa hội chư trấn lần nào và cũng chưa định kế dấy binh được.
Thái-tử ở trong thành ngày đêm vào thở ra than, chí thì muốn khôi phục cơ-đồ, mà trí lại vái cho Bạch-Hổ lành bịnh. Còn Sầm-Bích nhờ đệ tử săn sóc thuốc men nên ra quán ở hơn một tháng thì thương tích đã lành, sức lực tráng kiện, tinh thần tái phục như cũ, rồi vào thành tạ ơn Bạch-Hổ với Thái-tử. Bạch-Hổ khuyên Sầm-Bích và mấy người ở Thường-Phú hãy vào hết trong thành mà ở. Sầm-Bích muốn gần gũi Thái-tử với Bạch-Hổ đặng lo mưu định kế hưng binh, còn Kiên-Trinh lại nghĩ vì nay Thái-tử đã có chỗ gởi thân và có người tá trợ, mình thân cận thì bận cho Thái-tử chớ không ích gì, nên xin trở lên núi Trà-Hương mà ở với cha và chú, Thái-tử cầm hết sức mà không đặng, nên phải để cho Kiên-Trinh với mấy người ở làng Thường-Phú trở lên núi Trà-Hương, chỉ có Sầm-Bích với Đào-Quan ở lại trong thành trước hầu hạ Thái-tử, sau lên xuống trên núi mà thông-tin hoặc cấp lương thực.
Sự Thái-tử Xương-Cấp trú ngụ tại Đằng-Châu lần lần bay tin ra ngoài, các trấn đều hay, song không thấy lịnh triệu nên chưa ai rụt-rịch động binh trợ chiến. Tin ấy thủng thẳng rồi cũng bay vào đến kinh. Bình-Vương trước sai Mã-Chiêu làm thích khách mà không ám hại Bạch-Hổ được thì trong lòng đã lo sợ rồi, sau nghe tin Xương-Cấp đã hiệp với Bạch-Hổ nữa thì bối rối hết sức. Bình-Vương nghĩ rằng tuy Thái-tử Xương-Cấp đã qua Đằng-châu, nhưng mà chưa hội binh chư trấn, thì thế lực chưa có chi đáng sợ. Vậy mình phải gấp sai đại tướng dẫn binh lén đến đánh Đằng-châu mà bắt phứt Xương-Cấp đem về, như thuận thì để nuôi, như nghịch thì chém, bề nào cũng phải trừ phứt cái nòi hoạn-họa ấy trước đi thì mình ngồi ngôi trời mới vững. Đã biết Bạch-Hổ là danh tướng đủ tài, đủ lược song Đằng-châu binh quả tướng cô, nếu mình sai đại tướng dẫn hai ba muôn binh đi chinh phục thì dầu Bạch-Hổ có tài như Hạng-Võ có trí như Khổng-Minh cũng khó mà chống cự với binh triều cho nổi. Mà trong triều bây giờ mấy vị danh tướng có ai mà đối thủ với Bạch-Hổ được? Dương-Kiết-Lợi hữu dõng mà vô mưu, còn bọn Lâm-Hổ, Triệu-Hùng thì lục lục thường tài không đủ sức mà thắng Bạch-Hổ được, chỉ có Đỗ-Cảnh-Thạc tuy tuổi cao tóc bạc, nhưng mà trí sáng tài hay, nếu sai Đỗ-Cảnh-Thạc đi lấy Đằng-châu bắt Xương-Cấp thì chắc thành công được.
Bình-Vương nghĩ như vậy, nên đến bữa đại triều mới phát lịnh sai Đỗ-Cảnh-Thạc dẫn ba muôn binh vào Đằng-châu buộc Bạch-Hổ phải nạp Xương-Cấp, bằng nghịch mạng thì đạp thành trì như bình địa. Cảnh-Thạc nghe sai đi đánh Đằng-châu thì trong lòng không vui, nhưng lịnh vua đã phát ra rồi, không dám cãi, nên cực chẳng đã phải lãnh mạng hưng binh.
Vả Đỗ-Cảnh-Thạc ngày trước có nhờ ơn Phạm-Bạch-Hổ đánh Kiều-công-Hãn mà giải vây Đỗ-động-Giang, lại hai người có kết nghĩa anh em với nhau, nên khi kéo đại binh đến địa giới Đằng-châu, một là kiên tài lược, hai là vị ân tình, bèn hạ trại an dinh, viết một bức thơ rồi sai người đem cho Bạch-Hổ mà khuyên hãy nạp Xương-Cấp, về đầu hàng Bình-Vương, trước khỏi mất vị công hầu, sau khỏi sanh linh đồ thán.
Rủi cho Bạch-Hổ lúc nầy bịnh đã giảm nhưng mà trong mình còn yếu, không thể cầm binh xuất trận được. Bạch-Hổ tiếp được thơ của Cảnh-Thạc thì nộ khí phừng phừng, rồi bịnh trở làm mệt lại, không ngồi dậy được. Thái-tử Xương-Cấp cùng chư tướng thấy tình cảnh như vậy, thảy đều lo sợ, lo là lo không đủ binh mà chống cự với binh triều, còn sợ là sợ nếu Bạch-Hổ qui thiên thì chẳng còn ai đủ tài đuổi nịnh trừ gian đặng đem giang san về cho Ngô-chúa.
Qua ngày sau Thái-tử Xương-Cấp, Sầm-Bích với Lương-chánh-Tôn hội nhau lại mà nghị sự. Sầm-Bích với Lương-chánh-Tôn định chiêu lập các đồn điền rồi hai người dẫn ra quyết chiến với Cảnh-Thạc, Thái-tử can rằng: “Nhị-vị tướng quân chẳng nên tháo thứ. Hiện nay binh trong thành không đầy một ngàn, nếu chiêu tập binh đồn điền thì số binh thêm chừng ba ngàn nữa mà thôi. Ta nghe Cảnh-Thạc đem tới ba muôn binh, thế thì dầu nhị-vị tướng quân tài cao sức giỏi cho mấy đi nữa, nghĩ cũng khó mà thắng Cảnh-Thạc được. Theo ý kiến của ta thì lúc nầy Phạm tướng-quân có bịnh, chẳng nên gây cuộc chiến tranh làm gì, có một kế hay hơn hết là ta ẩn mặt rồi Phạm-tướng-Quân gởi thơ cho Cảnh-Thạc nói ta không có ở tại Đằng-châu. Vả Bình-Vương sai đánh Đằng-châu là vì nghe có ta ở đây nên mới dấy binh. Nếu nghe rõ lại không có ta tự nhiên thối binh, khỏi nhọc công chiến đấu. Vậy nhị-vị tướng quân an nghỉ, để ta vào hậu dinh mà từ Phạm-tướng-Quân rồi ẩn mặt đỡ đặng tránh cuộc can qua, đợi ngày nào Phạm-tướng-Quân lành bịnh rồi ta sẽ trở lại đây mà cầu giúp sức.”
Thái-tử vào hậu dinh tỏ ý ấy cho Phạm-Bạch-Hổ nghe và xin trở lên núi Trà-Hương mai danh ẩn tích đặng lánh nạn. Phạm-Bạch-Hổ nghe Thái-tử phân hết đầu đuôi thì động lòng rơi lụy mà than rằng: “Làm tôi lúc gặp chúa có nạn mà không cứu là bất trung, làm tướng nghe giặc kéo đến vào thành mà không xua binh ra chống cự là bất dõng. Trời khiến cho tôi mang chữ bất trung bất dõng như vầy!.”
Thái-tử rất động lòng song phải gắng gượng mà đáp rằng: “Tại tướng quân có bịnh chớ nào phải tướng quân phụ ta, hay là tướng quân sợ giặc đâu. Vậy xin tướng quân hãy ráng an dưỡng tinh thần, để cho ta ẩn mặt đỡ trong lúc nầy: nếu trời chẳng phụ ta thì tự nhiên cũng ứng hộ mạng của tướng quân chẳng hề chi mà ngại.”
Bạch-Hổ cùng thế không biết liệu kế nào được, nên cực chẳng đã phải để cho Xương-Cấp đi, vì sợ cầm Xương-Cấp ở lại mà mình không có thế bảo hộ được, rủi giặc bắt được, cái tội của mình lại càng lớn hơn nữa. Thái-tử từ giã Bạch-Hổ rồi liền dắt Sầm-Bích với Đào-Quan lên núi Trà-hương.
Khi Thái-tử đi rồi, Bạch-Hổ sai đòi Lương-chánh-Tôn vào phòng mà dặn phải lập tức chiêu tập đạo binh đồn điền và viết tờ mời chư trấn hội nghị. Lịnh phát đi rồi, Bạch-Hổ ráng ngồi viết một bức thơ hồi âm cho Đỗ-Cảnh-Thạc, rồi sai quân đem đến trại mà giao cho Cảnh-Thạc xem. Cảnh-Thạc tiếp được thơ lật đật dở ra thì thấy nói như vầy:
Hai ta cách mặt đã trót 8 năm. Hôm nay nhơn-huynh lâm-giá đến Đằng-châu, ngu-đệ lại rủi mang bịnh trọng, không đến trước ba quân mà nghinh tiếp được, bởi vậy ngu-đệ có lỗi nhiều, cúi xin nhơn-huynh rộng lòng tha thứ.
Ngu-đệ có tiếp được lời vàng ngọc của nhơn-huynh dạy bảo, ngu-đệ lấy làm cảm thạnh tình. Tiếc vì lúc nầy ngu đệ có bịnh không lo quốc-sự được nên cúi đầu xin nhơn-huynh niệm tình đình đãi ngu-đệ lành bịnh rồi chừng ấy ngu-đệ sẽ hội diện với nhơn-huynh mà bàn việc ấy”.
Cảnh-Thạc đọc thơ rồi liền hỏi tên quân đem thơ coi Bạch-Hổ đau bịnh gì. Tên quân ấy thưa rằng Bạch-Hổ có bịnh đã lâu, mà mới ít ngày rày bịnh trở làm mệt không ngồi dậy được. Cảnh-Thạc hỏi có Thái-tử Xương-Cấp ở trong thành Đằng-châu hay không. Vì Bạch-Hổ đã có dặn trước rồi nên tên quân đáp rằng năm trước Thái-tử có đến cầu cứu một lần, chẳng hiểu Bạch-Hổ liệu làm sao, mà Thái-tử ở có ít ngày rồi đi mất, từ ấy đến nay không thấy trở lại.
Cảnh-Thạc xem thơ thấy lời lời đều khiêm cung hòa nhã, rồi lại nghe người đem thơ nói Bạch-Hổ đau nặng và không có Xương-Cấp ở trong thành, bởi vậy chẳng chút chi nghi ngại, quyết định một mình vào thành Đằng-châu, lấy tình bằng hữu mà thăm Bạch-Hổ, rồi thừa dịp đến dụ Bạch-Hổ về hàng đầu Bình-Vương đặng trong nước thanh bình, chẳng còn lo chinh chiến nữa.
Cảnh-Thạc quyết định như vậy, bèn cho đòi bộ tướng vào trướng mà phú thác tam quân, rồi một mình dắt vài ba mươi tên quân nhắm thành Đằng-châu mà thẳng tới. Lương-chánh-Tôn đương ngồi tại tiền đường bỗng nghe quân báo có Đỗ-cảnh-Thạc dắt vài mươi quân-sĩ đến trước cửa thành xin vào thăm Phạm-tướng-công thì chưng hửng, bèn lật đật chạy vào hậu trường mà thông tin lại cho Bạch-Hổ hay. Bạch-Hổ nghe báo cũng lấy làm lạ, không hiểu Cảnh-Thạc đến có ý gì.
Lương-chánh-Tôn thấy Bạch-Hổ dụ dự bèn thưa: Cảnh-Thạc trợ Trụ vi-ngược tức là người thù của dân chúng mà anh ta cầm binh đánh ta tức cũng là người thù của ta nữa. Nay anh ta đến đây một mình, cái cơ hội may mắn nầy tưởng chẳng mấy khi có được. Vậy xin thượng quan dối nghinh tiếp anh ta vào thành, song cho phép tôi phục binh trước, hễ anh ta vào trong rồi thì ra hiệu binh áp bắt trói anh ta đặng trừ hậu hoạn.
Bạch-Hổ nghe nói trợn mắt ngó chánh-tôn mà đáp rằng: “Cái mưu của tướng quân tuy là hay, song không phải là mưu trượng-phu quân tử. Ta là đứng anh hùng hào kiệt, nếu ta nuốn bắt Cảnh Thạc thì ta phải đến giữa 3 quân đánh mà bắt, dường ấy mới phải, chớ gạt người vào thành mình một mình rồi phục binh mà trói thì ắt chẳng khỏi để tiếng xấu đời sau”.
Chánh-Tôn cười và nói rằng: “Đứng làm tướng có khi phải dụng quyền, chớ chấp kinh hoài thì làm sao mà thành công được. Xưa kia Hạng-Võ còn phải thiết yến Hồng-môn, Châu-Du còn phải lập hội Đông-Ngô đó sao!”
Bạch-Hổ đáp rằng: “Vậy mà Hạng-Võ có bắt được Lưu-Bang, Châu-Du có hại được Huyền-Đức hay không? Hai người lập mưu đã không thành công, mà còn để cho đời sau khinh bỉ.
Theo ý ta, thà là ta đối thủ địch với kẻ thù mà phải vong mạng nơi chiến trường, chớ ta không chịu gạt gẫm mà giết kẻ thù rồi mang tiếng tiểu-nhơn gian trá. Đã biết nay Cảnh-Thạc là kẻ thù của ta, nhưng mà ngày trước người đã có kết nghĩa kim-bằng với ta. Hôm nay người dám đến đây chắc là người tưởng tình bằng hữu nên đến thăm ta. Nếu ta dùng gian kế mà bắt người thì ta chẳng khỏi mang tiếng bất nghĩa. Vậy tướng-quân chẳng nên tính việc ấy, hãy mau mau ra khai thành thay mặt cho ta mà nghinh tiếp Cảnh-Thạc rồi dắt thẳng vào đây cho ta hội diện”.
Lương-chánh-Tôn nghe mấy lời nghiêm-chánh không dám cãi nữa, liền lui ra ngoài mà nghinh tiếp Cảnh-Thạc y như lịnh dạy. Khi Cảnh-Thạc bước vào, Bạch-Hổ ráng ngồi dậy chào mừng mà nói rằng: “Nhơn-huynh đến, mà ngu-đệ có bịnh không ra ngoài thành nghinh tiếp được, thiệt là thất lễ với nhơn-huynh nhiều quá”.
Cảnh-Thạc thấy lời hòa nhã mà hỏi thăm căn bịnh của Bạch-Hổ, hai người trò truyện với nhau coi tình thân thiết lắm, người ngoài ai trông vào cũng không dè mỗi người đầu một chúa, đương thù-khích đem binh đánh nhau. Cảnh-Thạc thấy Bạch-Hổ dan díu như xưa, nên nói chuyện một hồi rồi mở lời khen ngợi tài đức của Bình-Vương và trách Bạch-Hổ sao không biết thời thế, sao không chịu thần phục tân-triều, tự xưng sứ-quân làm chi cho lỗi niềm tôi chúa.
Bạch-Hổ nghe khen tài-đức Bình-Vương thì đã biến sắc, đến chừng nghe tới lời trách mình nữa thì nỗi giận dằn không được, nên trợn mắt ngó Cảnh-Thạc mà đáp rằng: “Tôi tưởng nhơn-huynh đến đây là vì nghe tôi trọng bịnh, lấy tình bằng hữu đến mà viếng thăm, chẳng dè nhơn-huynh đến làm thuyết khách! Nhơn-huynh là người phản thần, rồi Nhơn-huynh còn khiến cho tôi mang tiếng nhơ chung với Nhơn-huynh nữa sao? Tôi cũng biết ngày trước Nhơn-huynh là tướng của họ Dương, vì muốn báo thù cho họ Dương nên Nhơn-huynh mới phục tùng họ Ngô đặng trừ Kiều-công-Tiện. Ví như Nhơn-huynh thiệt là người nghĩa khí anh hùng không chịu làm tôi hai chúa, thì khi tru-diệt Công-Tiện rồi Ngô-vương tức vị, Nhơn-huynh hoặc lấy sức mà chống cự với Ngô-vương hoặc ôm hờn trở về thôn giả mà ẩn dật chớ sao Nhơn-huynh lại chịu lãnh quyền tước của Ngô-vương, chịu lãnh bổng lộc của Ngô-vương rồi làm đại thần tại triều mà để cho gian tặc lộng quyền chẳng có một lời can gián, cái tội của Nhơn-huynh đến đó nhiều rồi, mà Nhơn-huynh không biết xét mình, lại khi Ngô-vương thăng-hà, thằng Tam-Ca là đứa thất phu, thấy cha chết không dám liều mình mà cứu, nghĩa sĩ dấy binh không dám theo mà báo thù, nó lập mưu thiết kế mà đoạt ngôi thiên-tử. Nhơn-huynh đã không phò tá hai hoàng tử mà lại đi giúp sức cho thằng Tam-Ca soán cơ-nghiệp của nhà Ngô. Tôi nghĩ thiệt tôi lấy làm hổ thẹn dùm cho Nhơn-huynh, làm mặt đại-thần mà học thói gian-thần, đã vậy mà lại còn khuyên dụ anh em qui tà, cải chánh. Tôi nói thiệt cho Nhơn-huynh biết, thằng Bạch-Hổ nầy thà làm dân mà giữ sạch tấm trung can, chớ không chịu làm quan mà bị người chê phản-phúc”.
Bạch-Hổ nói dứt lời liền nằm xuống quay mặt vào vách, không thèm nói chuyện nữa. Cảnh-Thạc muốn kiếm lới chữa mình, song thấy Bạch-Hổ khinh bỉ lấy làm hổ thẹn không biết lời chi mà nói, liền đứng dậy từ giã mà về.
Cảnh-Thạc chẳng phải là người bất trung bất nghĩa, nhưng vì thuở nay không nghe ai phân phải quấy, nên tưởng mình giúp cho họ Dương đó là phải, nay nghe Bạch-Hổ kể tội lấy làm hổ thẹn, nên về đến trại thổn thức, nằm ngồi không yên. Cách vài ngày Cảnh-Thạc truyền lịnh nhổ trại kéo binh trở về kinh, vào tâu dối với Bình-Vương, Xương-Cấp không có ở Đằng-châu, còn Bạch-Hổ đã biết tội hàng đầu, đợi hết bịnh rồi sẽ vào chầu mà nạp cống.
Bình-Vương tưởng thiệt nên trong bụng mừng thầm, vì nếu Bạch-Hổ xưng thần thì chẳng còn lo chư thần dấy binh nhiễu loạn nữa.