HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Nam Cực Tinh Huy

Chương 23

Cứu người ngay dõng-sĩ phải trừ gian,
Giúp đại nghĩa gái hiền toan bội ước.

Năm người hành khách ở chung một quán với Cao-Phi đó là ai? Tưởng ai đọc hồi trước cũng đều hỏi như vậy. Nếu giấu hoài sợ e chẳng khỏi nhọc lòng người đọc truyện, nên thà là dẫn gốc tích, khai tánh danh mấy người ấy phứt một lần cho rồi.

Năm người hành khách ấy là dân làng Thường-phú, môn đệ của Sầm-Bích, võ nghệ thảy đều tinh thông. Bốn người lớn từ 25 đến 28 tuổi đó tên là Đào-Quan, Sài-Tấn, Huỳnh-Kiệm, Mai-tử-Phục; còn người nhỏ hơn hết, trạc chừng 22 tuổi đó, là Lý-hữu-Dư, con của Lý-Nhân. Năm người nầy nghe quan Tri-châu đã giam Hồng-Phi vào ngục, rồi lại thấy quân đến bắt Hà-Mai với Kiên-Trinh nữa, thì nóng lòng nên dắt nhau đi lên phủ mà thám dọ tin-tức coi lành dữ thể nào. Lên đến đây, nghe nói Hồng-Phi là Thái-tử Xương-Cấp, vì phạm tội với triều-đình nên có tờ châu-tri tập nã, thì chưng hửng, nửa mừng, nửa sợ, mừng mà lại khóc, sợ mà thêm lo, mới dắt nhau kiếm quán mà ở đậu đặng dọ coi quan định lẽ nào, và tính coi có phương chi mà giải cứu, chớ Hồng-Dực trước khi ra đi có dặn môn đệ phải giữ gìn, nay Hồng-Phi lâm nạn không lẽ quên lời sống thác.

Vả năm người nầy võ nghệ đều khá hết thảy, song Đào-Quan lại có tài bắn hay, mấy người kia không bì kịp. Còn xét về tánh tình thì có một mình Lý-hữu-Dư, tuy nhỏ tuổi, song lại lanh-lợi hơn hết.

Năm người đi kiếm chỗ yên rồi, bèn giả bộ như người đi kiếm việc làm ăn cho khỏi quan nghi, để Lý-hữu-Dư nghểu-nghếnh trước phủ mà thám dọ tin tức. Ban ngày thì tán-lạc một người đi một ngả, đến chiều lại tựu về quán đặng cho Lý-hữu-Dư thông tin.

Bữa trước Lý-hữu-Dư thấy Cao-Phi vào phủ còn Mã-Kỳ ở ngoài coi ngựa, biết mặt Mã-Kỳ là người dắt Trầm Tri-châu qua làng mình hôm nọ, chớ không biết Cao-Phi là ai.

Anh ta xúi trẻ nhỏ đương chơi ngoài đường lại hỏi thăm Mã-Kỳ coi ông nào vào phủ đó. Chừng anh ta nghe nói người ấy là Trần-cao-Phi ở làng Thường-Thạnh, thì trong lòng sanh nghi liền bởi vì ngày trước Cao-Phi dám mướn cường khấu bắt Kiên-Trinh, thì hôm nay chắc nó cũng dám vu-oan cho Hồng-Phi mà đoạt hôn nữa. Mà Mã-Kỳ là gia-dịch của nó, dắt quan Tri-châu đến làng mình, thế thì kế gian của nó đã rõ ràng rồi chẳng còn nghi ngại chi nữa.

Lý-hữu-Dư muốn biết coi Cao-Phi đến phủ làm việc chi, bèn đi dang ra xa mà tránh mặt, song cặp mắt chẳng khi nào rời cặp ngựa với Mã-Kỳ. Cách một hồi lâu, thấy Cao-Phi trong phủ đi ra khí sắc hân-hoan, lên ngựa đi với Mã-Kỳ thì Hữu-Dư nom theo coi bọn nó đi đâu. Chẳng dè gần đến quán thấy bọn nó xuống ngựa vào quán, Hữu-Dư bèn nghểu-nghếnh ở ngoài chơi một giây lâu rồi mới chịu vào.

Lý-hữu-Dư nói nhỏ cho 4 người kia biết người mới đến quán đó là Cao-Phi rồi dắt nhau ra ngoài đường mà bàn tính.

Sài-Tấn tánh nóng nảy, nên vừa nghe nói Cao-Phi bày kế hại Hồng-Phi mà đoạt hôn, thì nổi giận muốn giết phứt Cao-Phi mà rửa hờn, Hữu-Dư can gián nói rằng sự đó mình nghi mà thôi, chớ không dám chắc, vậy phải huỡn đãi mà dọ coi nó muốn làm sự gì rồi mình sẽ ra tay.

Qua bữa sau Hữu-Dư đi thám dọ, nghe nói Trầm Tri-châu đã tha Kiên-Trinh mà nàng nguyện sống thác cũng theo chồng với cha chớ không chịu về một mình, thì biết Cao-Phi muốn cho quan giải Hồng-Phi với Hà-Mai vào kinh mà thôi, để Kiên-Trinh ở lại cho nó tiện bề cường bức. Tối lại Hữu-Dư bàn tính với mấy anh em nữa, biết chắc Hồng-Phi bị cáo gian, mà cũng biết chắc Cao-Phi quyết bắt cho được Kiên-Trinh, nhưng vì phép nước không dám trái nên không biết liệu mưu nào mà cứu Hồng-Phi. Bàn tính với nhau một hồi, ai cũng nói Hồng-Phi là người vô tội, nếu quan giải về triều, nhìn không phải là Thái-tử thì người ta tha, chớ không hại gì, bây giờ phải lo gấp hơn hết là lo bảo hộ Kiên-Trinh, đặng cho nàng khỏi bị tay gian-ác.

Đào-Quan biểu Mai-tử-Phục về làng lấy cung thương khí giới đem lên mà giấu tại miễu hư ở gần phủ, đặng đến khi ngộ biến có sẵn mà dùng, rồi lại biểu Lý-hữu-Dư giả đau ở trong quán mà xem động tịnh, còn mấy người khác thì rảo đi chơi chung quanh phủ mà dọ tin tức.

Lý-hữu-Dư giả đau nằm trong quán, ngày sau nghe rõ kế của Mã-Kỳ bày rồi tối lại còn nghe Cao-Phi nói chuyện với Trịnh-Bưu và biết rõ cơ mưu của Trịnh-Bưu sắp đặt mà giao Kiên-Trinh cho Cao-Phi nữa. Đến chừng trong quán ngủ hết rồi Hữu-Dư mới lén đến miễu hư mà tìm Mai-tử-Phục với anh em. Hữu-Dư gặp đủ mặt liền thuật việc mình đã nghe lại cho 4 người kia hay, rồi mỗi người cầm khí giới, nội đêm ấy dắt nhau đi lên núp trước tại truông Thuồng-Luồng đặng có cứu Kiên-Trinh.

Sáng bữa sau Trịnh-Bưu với 5 tên quân lãnh giải tội-nhơn vào kinh. Trịnh-Bưu đi trước bộ tướng hâm-hở, Hồng-Phi, Hà-Mai và Kiên-Trinh đi giữa mặt mày buồn xo, còn 5 tên quân đi theo sau, có lẽ vì thấy Hồng-Phi than khóc mà động lòng, nên bộ coi lửng-đửng lờ-đờ, không được sốt sắng. Đi ngang qua cửa quán, Trịnh-Bưu dạy quân dẫn tội-nhơn đi trước, còn anh ghé vào mua hai bầu rượu và hỏi thăm chủ quán coi Cao-Phi còn ở đó hay không. Chủ quán nói Cao-Phi với Mã-Kỳ đã đi rồi hồi khuya, thì Trịnh-Bưu cười, rồi xách hai bầu rượu mà đi theo quân.

Bởi Hồng-Phi với Kiên-Trinh yếu đuối, đi mau không được, mà đi lâu thì mỏi mệt, nên hễ đi một khúc xa xa phải ngồi nghỉ một hồi. Trịnh-Bưu vì nghe Hồng-Phi là Thái-tử, nên trong lòng kiên nể, lại nghĩ mình đã hẹn với Cao-Phi tối mình sẽ tới truông Thuồng-Luồng, nên không gắp gì đi. Mà tội nhơn ngồi nghỉ thì Trịnh-Bưu uống rượu, bởi vậy anh ta cũng không nệ gì.

Mặt trời vừa chen lặn, mấy người cũng vừa tới đầu truông. Trịnh-Bưu nói với quân rằng ban đêm không nên qua truông, rồi dạy quân dắt tội nhơn vào miễu Ông-Hổ nghỉ, đợi sáng mai sẽ đi nữa.

Vả truông Thuồng-Luồng là một chỗ hiểm-địa, đường qua truông thì hẹp mà dài gần hai dậm, hai bên cây cao lá rậm, nên cọp beo thường núp trong bụi mà bắt hành khách. Ban đêm chẳng ai dám qua truông, còn ban ngày cũng không ai dám đi một mình, như tới đầu truông thì ngồi đó mà chờ, cho có được năm ba người rồi mới dám đi. Tuy vậy mà có khi đi đông và đi ban ngày mà cũng không khỏi cọp rước, bởi vậy dân sự ở gần chỗ ấy sợ lắm, nên hiệp nhau cất một cái miễu tại đầu truông mà thờ Ông-Hổ. Nhờ có cái miễu ấy nên hành-khách có chỗ nghỉ chờ nhau đặng vầy đoàn mà qua truông. Lại trước khi qua truông ai cũng phải đốt nhang vái lạy ông Hổ rồi mới đi.

Cái miễu nầy cất đã lâu, rồi mỗi khi hư, gần muốn sập, thì dân mấy làng ở gần xúm nhau lập lại, bởi vậy cái miễu chắc-chắn hoài hoài. Miễu rộng lớn, tuy không lót ván ngựa song tư bề có dừng vách kín đáo. Phía trước và trên rương có treo một cái trang để thờ ông Hổ; cái trang lớn đến đỗi 2 người nằm lên cũng được. Dưới cái trang lại có dừng một tấm vách lá để phân biệt phía trước với phía sau.

Khi 5 người môn-đệ của Sầm-Bích dẫn nhau lên đến truông Thuồng-Luồng thì mặt trời vừa đứng bóng mà thôi. Đào-Quan khuyên nhau phải đi xem địa thế chung quanh miễu ông Hổ đặng kiếm chỗ mà núp chờ.

Đi xem cùng hết rồi mới dắt nhau vào miễu ngồi nghỉ. Đào-Quan hỏi mấy anh em rằng: “Bọn chúng ta có 5 đứa mà thôi, còn chúng nó có quân lính đông. Ví như Trịnh-Bưu với Cao-Phi khổ bức Kiên-Trinh, anh em ta ra tay cứu nàng, mà quân lính áp vào tiếp với chúng nó thì anh em ta liệu làm sao?”.

Sài-Tấn trợn mắt đáp rằng:

-    Nếu quân lính ứng tiếp, thì mình đánh luôn quân lính, chớ sợ hay sao?

-    Nếu mình đánh tới quân lính, thì phạm phép nước, làm như vậy thì tội mình lớn lắm.

Mấy người nghe Đào-Quan nói câu đó thì dụ-dự, coi có sắc sợ, không biết tính sao cho xuôi. Lý-hữu-Dư đứng dậy nói rằng: “Tôi nhỏ tuổi hơn mấy anh, song xin mấy anh cho tôi vô phép mà tỏ một đôi lời. Việc chúng ta tính làm đây, tuy chủ ý chúng ta quyết cứu nàng Kiên-Trinh cho khỏi tay gian ác mà thôi, chớ không phải chúng ta dám phạm phép nước, nhưng mà dầu chúng ta cứu Kiên-Trinh, không động đến quân lính, chúng ta cũng có tội rồi, bởi vì hễ chúng ta giựt Kiên-Trinh thì Cao-Phi tức giận ắt nó sẽ đi cáo chúng ta, mà dầu nó không cáo đi nữa thì Trịnh-Bưu đi giải tội-nhơn, để mất hết một người tự-nhiên nó cũng phải đi cáo. Nếu chúng ta sợ không dám cứu người ngay, thì thôi chúng ta đi về trước cho xong, chớ hễ ra tay mà cứu thì là có tội. Tôi vẫn biết mấy anh là đứng trượng phu, gặp người ngay mắc nạn không lẽ mấy anh sợ mà bỏ làm lơ cho đành. Huống chi trước khi đi, thầy chúng ta có phú thác em của người cho chúng ta; Hồng-Phi bị nạn mà chúng ta không dám giải cứu thì còn mặt mũi nào mà thấy thầy chúng ta nữa. Vậy tôi muốn mấy anh phải liều thân mà trả nghĩa cho thầy, bề nào chúng ta cũng có tội, thà là chúng ta thừa dịp cứu nàng Kiên-Trinh, chúng ta đánh luôn quân lính mà đoạt Lữ-ông và Hồng-Phi rồi dắt hết trốn qua Đằng-châu mà tìm thầy chúng ta. Chúng ta thọ giáo với Hồng tôn-sư mấy tháng nay, dầu chúng ta chưa có tài bao nhiêu, song chúng ta cũng đủ sức mà đối địch với một đôi mươi quân lính được. Mà thầy chúng ta ngày trước dám một mình cầm gươm lên Linh-sơn đánh phá cường khấu, nay anh em ta đến 5 người mà đi sợ mấy tên quân hèn nầy hay sao?”.

Mấy anh em nghe Lý-hữu-Dư nói nhằm lý mà lại cứng cỏi, nên thảy đều hứng chí, quyết đánh luôn quân lính mà giựt tội nhơn. Đào-Quan xem cùng trong miễu rồi mới tính để hai người ở lại trong miễu, giả như người đi đường ghé nghỉ, còn ba người thì vào núp trong rừng, chờ đến tối sẽ ra rình quanh miễu; hễ chừng nào Cao-Phi đến bắt Kiên-Trinh thì 2 người ở trong la lên rồi 3 người ở ngoài áp vô giải cứu.

Sài-Tấn với Lý-hữu-Dư lãnh phần ở trong miễu, giấu khí giới trong mình rồi nằm tại cửa mà nghỉ; còn ba người kia là Đào-Quan, Huỳnh-Kiệm và Mai-tử-Phục thì dắt nhau vào rừng ẩn mặt.

Đến lúc mặt trời lặn, trong miễu đã tối mò, Lý-hữu-Dư thấy xa xa có một tốp chừng 10 người xâm xâm đi lại, nghi là quân lính giải tội nhơn đến, bèn hối Sài-Tấn leo lên trang nằm mà núp với mình, bởi vì trời đã tối rồi, họ vào miễu không có đèn đuốc thì họ không thể nào thấy mình được. Sài-Tấn dụ dự, vì sợ núp như vậy nếu quân lính dòm thấy thì chắc chúng nó nghi mình có bụng gian. Hữu-Dư nói rằng nếu họ ngó thấy thì mình nói ban đêm sợ cọp hùm nên phải lên trang mà trốn, có can hệ chi mà sợ. Sài-Tấn nghe lời mới leo lên trang với Lý-hữu-Dư.

Trịnh-Bưu dẫn quân lính và tội nhơn vào miễu, tưởng Cao-Phi đã đến đó rồi, té ra ngó trong miễu im-lìm, lấy làm lạ, không biết Cao-Phi đi đâu, Trịnh-Bưu bèn dạy Kiên-Trinh vào phía trong nằm mà nghỉ, còn Hà-Mai với Hồng-Phi thì để ở phía trước cho quân lính giữ gìn, tính làm như vậy đặng chừng Cao-Phi có đến thì bắt cho dễ. Ai nấy đi trót ngày mỏi mệt, nên nằm ngay dưới đất mà nghỉ hết, duy Kiên-Trinh ở trong ngồi khóc thúc thích, làm cho Hồng-Phi nằm ngoài động lòng không chịu được, nên cũng chắc lưỡi kêu oan.

Trịnh-Bưu ngồi tại giữa cửa, mở bầu rượu ra mà uống, trong trí nghĩ rằng: “Mình thọ của Cao-Phi 8 lượng bạc, mình sẵn lòng giúp nó; nếu nó không đến đây thì lỗi tại nó, bề nào cũng lấy bạc rồi, có can chi mà lo”. Anh ta vừa nghĩ như vậy, bỗng nghe có tiếng ngựa chạy đến. Anh ta bước ra ngoài mà dòm thì thấy Cao-Phi với Mã-Kỳ tới trước miễu xuống ngựa đứng mà ngó. Anh ta chạy lại hỏi rằng: “Sao ông đi trễ vậy?”

Cao-Phi đáp rằng: “Tôi không thuộc đường nên đi lạc. May tôi gặp người đi đường tôi hỏi thăm, nên bây giờ mới tới đây, chớ không thì tôi đi hoài, chắc là thất công mà vô ích. Bây giờ ông tính giao nàng ấy cho tôi được hay chưa?”.

Trịnh-Bưu đáp rằng: “Khoan! Đợi một chút nữa quân lính ngủ rồi tôi sẽ giao cho. Tôi để nó nằm riêng phía trong, hễ ông vô thì lấy áo bụm miệng đừng cho nó la rồi tôi phụ mà đem nó ra cho”.

Cao-Phi gặt đầu và cười, trong bụng mừng lắm. Anh ta dạy Mã-Kỳ buộc ngựa vào gốc cây rồi đi theo Trịnh-Bưu vào miễu ngồi nghỉ. Kiên-Trinh với Hồng-Phi nghe có tiếng ngựa chạy tới rồi nghe có tiếng người lạ nói chuyện ở ngoài, không hiểu là ai, nên nằm lặng thinh không than khóc nữa. Trịnh-Bưu thấy im-lìm, tưởng đã ngủ hết, trong bụng mừng thầm, nên rót rượu mời Cao-Phi uống cho ấm.

Hai người ngồi uống rượu nói chuyện gần trót canh, Cao-Phi muốn ra tay mà Trịnh-Bưu cứ nói còn sớm nên cản hoài. Hướng đông mặt trăng ló mọc dọi trong miễu sáng mờ mờ. Trịnh-Bưu uống hết bầu rượu rồi bèn đứng dậy nói rằng: “Bây giờ ta cho ông vào đa! Ông cứ vào làm như ta biểu đó thì xong”.

Cao-Phi mừng rỡ, liền xăng áo rất gọn ghẽ, lấy một cái khăn cầm sẵn trong tay rồi lần lần đi vô phía trong tính bụm miệng Kiên-Trinh đặng kéo ra ngoài rồi bỏ lên lưng ngựa mà chạy. Sài-Tấn với Lý-hữu-Dư núp trên trang nghe thấy rõ ràng, song cứ im-lìm, đợi khi Cao-Phi đi gần tới chỗ Kiên-Trinh nằm mới nhảy xuống và la lớn lên rằng: “Đồ khốn kiếp, bây không phép làm hại người ngay nữa, có chúng ta chực sẵn mà giết bây đây!”

Sài-Tấn nhảy lại chém Cao-Phi một đao, sả từ trên vai xuống tới bụng, rồi rút đao chạy lại đỡ Kiên-Trinh mà dắt chạy ra ngoài. Trịnh-Bưu ở ngoài không biết việc chi vừa chạy vào, xảy gặp Lý-hữu-Dư chận đánh cho một cây, té quị nằm la om sòm. Ba người núp ở ngoài, tay cầm khí giới sẵn sàng vừa nghe Sài-Tấn với Lý-hữu-Dư la lớn liền áp vào chận cửa rồi hô rằng: “Có chúng ta tiếp đây, Lữ-lão-ông với Hồng-Phi đâu mau mau lại đây cho chúng ta giải cứu”.

Hà-Mai với Hồng-Phi không hiểu là ai, song nghe kêu thì lật đật dắt nhau chạy ra cửa, gặp Đào-Quan mừng rỡ hết sức. Đào-Quan đem ra để đứng trước miễu, kế Sài-Tấn với Lý-hữu-Dư cũng dắt Kiên-Trinh ra tới nữa. Sài-Tấn giao ba người cho Đào-Quan với Hữu-Dư bảo hộ rồi xách đao trở vào miễu, hiệp với Huỳnh-Kiệm và Mai-tử-Phục mà đánh quân lính. Năm tên quân đương ngủ không biết việc chi, bỗng thấy mấy anh em Sài-Tấn cầm khí giới muốn đánh thì kinh hãi, liền quì khóc lạy mà xin nhiêu mạng. Sài-Tấn thấy vậy không nỡ giết bèn lấy dây trói hết vào cột, để ngồi dụm nhau một chỗ.

Sài-Tấn, Huỳnh-Kiệm và Tử-Phục trở qua kiếm Trịnh-Bưu thì thấy anh ta bị Lý-hữu-Dư đánh một cây gãy giò đương nằm đó rên la không đi được nữa, còn phía trong thì Cao-Phi nằm chết trên một vũng máu.

Mã-Kỳ đương coi ngựa ở ngoài lúc nghe trong miễu lộn xộn thì thất kinh, nên thót lên lưng ngựa, tính chạy mà thoát nạn; chẳng dè ngựa buộc trong cây, lúc lính quýnh quên mở dây, nên chạy không đựơc; Đào-Quan ngó thấy liền lấy cung lấp tên bắn một mũi, Mã-Kỳ té nhào xuống ngựa. Bọn Sài-Tấn dẹp yên trong miễu rồi mới dắt nhau ra ngoài đặng hội hiệp với Đào-Quan và Lý-hữu-Dư. Mấy anh em bàn với nhau phải thừa lúc ban đêm mà qua truông liền chớ không nên trì hưỡn. Lý-hữu-Dư lại bắt hai con ngựa của Cao-Phi rồi đỡ Hồng-Phi lên cỡi một con và Kiên-Trinh lên cỡi một con, thủng thẳng đi qua truông, ngựa đi giữa, còn mấy người tráng kiện đi hai bên mà đề phòng ác thú.

Lúc đi giữa rừng Hồng-Phi khóc và hỏi mấy người cứu mình rằng: “Hôm nay tôi đã kể chắc không thấy mặt anh em nữa, nào dè trời khiến mạng tôi còn dài, nên mới gặp anh em đây. Vậy mà vì cớ nào anh em biết Trầm Tri-châu sẽ giải tôi vào kinh nên đón đường đánh mà giựt!”.

Đào-Quan đáp rằng: “Từ ngày quí quan bị bắt với Lữ lão-ông và Lữ tiểu-thơ thì anh em tôi ở trên phủ mà thám dọ tin tức luôn luôn, bởi vậy Trầm Tri-châu quyết định lẽ nào anh em tôi đều hay hết thảy”.

Hồng-Phi lặng thinh một hồi rồi nói rằng: “Anh em ra công cứu tôi, ơn ấy rất nặng nề, biết ngày nào tôi mới đền đáp được”.

Lý-hữu-Dư cười mà nói rằng: “Vậy chớ lịnh tôn huynh bảo hộ làng chúng tôi mấy tháng nay, rồi lại ra công dạy dân trong làng luyện tập võ nghệ nữa, công ơn ấy anh em chúng tôi lại mang không nặng nề hay sao? Thiệt sơ-tâm của chúng tôi không tính đánh quân lính mà đoạt tù-nhơn bởi vì chúng tôi biết quí quan là người ngay, hễ giải về kinh triều-đình nhìn không phải Thái-tử thì thả chớ không tội gì.

Ngặt có thằng khốn kiếp Cao-Phi nó âm mưu muốn bắt Lữ tiểu-thơ, nếu giết nó thì anh em tôi cũng đủ tội rồi, nên bất đắc dĩ anh em tôi mới đánh quân lính mà đoạt luôn hết ba người, đặng mang tội cho đáng”.

Hà-Mai nghe nói Cao-Phi âm mưu muốn đoạt con mình, không hiểu duyên cớ thể nào, nên mới hỏi lại cho rõ. Lý-hữu-Dư bèn đem hết đầu đuôi mọi việc mà thuật lại cho Hà-Mai nghe, sau rốt lại nói rằng: “Bởi Cao-Phi hay tính mưu kế nọ mà giựt gái tốt, và hại người ngay, nên trời mới khiến nó bị lưỡi đao của anh Sài-Tấn hồi nãy. Thôi từ rày về sau nó hết hại ai nữa rồi!”.

Hà-Mai với Kiên-Trinh nghe nói tại Cao-Phi dùng mưu cáo gian nên cha con mới bị lụy như vậy thì giận hết sức. Hà-Mai nói rằng: :Trời có con mắt, ai làm dữ thì nấy mang. Hiền-tế là người vô tội, ai mà hại được còn Cao-Phi nó chết cũng đáng đời nó, ngặt có một điều là mấy anh em đánh quân lính mà đoạt tù-nhơn, việc ấy khó lắm, bây giờ làm sao mà trở về nhà cho được”.

Hồng-Phi thở ra rồi nói rằng: “Cha chả! Nếu chúng ta không trở về Thường-phú được, chừng anh tôi về đó thì biết chúng ta đâu mà tìm”.

Đào-Quan đáp rằng: “Xin quí quan đừng lo; Lê-Khương với Hồ-Lũy đã đi qua Đằng-châu tìm Hồng ân-sư mà báo tin rồi. Vả đường đi qua Đằng-châu xa xuôi lắm, hỗm nay chưa về kịp đâu. Vậy chúng ta đi hết qua đó, đón Hồng ân-sư rồi dắt nhau đi tìm nơi trú ngụ luôn thể”.

Trời vừa rựng sáng mấy người mới qua khỏi truông. Hồng-Phi mệt mỏi hết sức nên khuyên ngừng lại giữa đường mà nghỉ. Hồng-Phi dòm thấy Kiên-Trinh mái tóc xụ xuống bít hai lỗ tai bèn nói rằng: “Vì tôi mà tiểu-thơ phải giang truân như vầy, thiệt tôi nghĩ tới thì tôi buồn quá”.

Kiên-Trinh cười mà đáp rằng: “Chàng nói sao vậy, tại tôi nên Cao-Phi nó cáo gian cho chàng làm cho chàng cực khổ như vầy, chớ có phải tại chàng đâu”.

Hồng-Phi vừa muốn trả lời, bỗng thấy xa xa có một người cỡi ngựa chạy lại, không hiểu là ai, nên ai nấy đều đứng dậy mà ngó. Sài-Tấn, Đào-Quan đứng trước với mấy tráng sĩ còn Hồng-Phi, Kiên-Trinh và Hà-Mai thì đứng núp sau lưng, chừng ngựa chạy gần tới thì nhìn lại té ra Lữ-hà-Liễu, thì ai nấy đều vui mừng, hết lo sợ nữa.

Hà-Liễu thấy anh, thấy cháu, thấy Hồng-Phi, lại thấy 5 người quen ở trong làng thì chưng hửng, lật đật nhảy xuống ngựa mà hỏi rằng: “Dắt nhau đi đâu đây?”. Hà-Mai liền bước ra thuật lại việc tai biến cho em nghe, rồi khuyên em đi luôn về Thường-phú thám dọ tin tức coi hiền dữ thể nào, nhứt là coi quan Tri-châu định đạt làm sao, đặng qua Đằng-châu báo tin cho mình hay.

Hồng-Phi nóng nảy muốn biết việc triều-đình cho mau, ngặt vì Hà-Mai nói hoài nên không chen lời mà hỏi được. Chừng Hà-Mai nói dứt lời Hồng-Phi liền hỏi rằng: “Vậy chớ thúc-phụ vào kinh mà có nghe người bà con của tôi là Giang-hoài-Nhơn còn mất lẽ nào hay không?”.

Hà-Liễu đáp rằng: “Tôi nghe rõ ràng lắm, Giang-hoài-Nhơn còn làm quan tại triều, chớ không hại chi hết”. Hồng-Phi chưng hửng và nói rằng: “Ua! Lạ hay không nầy! Nếu ông ấy còn làm quan, thì chắc là Hoàng-tử Xương-Văn cũng còn chớ!”

Hà-Liễu gặt đầu nói tiếp rằng: “Cách năm sáu tháng trước trong triều có đại loạn, Ngô-vương lâm bịnh thăng hà, Dương-tam-Ca đoạt ngôi; các vị trung thần chống cự, Tân-vương giết hết thảy. Tân-vương lại truyền lịnh bắt hai Hoàng-tử mà hạ-ngục. Giang-hoài-Nhơn với Sầm-Bích phò hai Hoàng-tử thoát nạn, chạy được một ngày, kế có binh rượt theo kịp, bắt được Giang-hoài-Nhơn với Xương-Văn. Còn Xương-Cấp với Sầm-Bích chạy khỏi đến ngày nay cũng chưa nghe dật-lạc xứ nào. Quân dẫn Xương-Văn với Hoài-Nhơn về triều, tưởng là Tân-vương giết chết, té ra ngài quở trách rồi xá tội đào-tị, phong cho Xương-Văn lên chức Thái-tử và cấp Hoài-Nhơn theo dạy sử kinh”.

Hồng-Phi nghe tới đó thì mừng rỡ hết sức, liền nói lớn lên rằng: “May dữ a! té ra Xương-Văn khỏi chết!” Ai nấy nghe Hồng-Phi mừng cho Xương-Văn chớ không mừng cho người bà con là Hoài-Nhơn thì cũng lấy làm kỳ, song không ai nói chi hết. Hồng-Phi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “mà thằng Xương-Văn thiệt là tệ lắm! Người ta đoạt cơ nghiệp của mình, mà không biết hờn, lại theo lòn cúi lại lấy chức Thái-tử, cái tánh khí ấy không giống cái tính khí của phụ-vương chút nào hết”.

Ai nghe hai tiếng “phụ-vương” cũng đều chưng hửng, Hồng-Phi hội ý, biết mình đã sơ thất lời nói, nên lật đật trớ rằng: “Việc vua chúa mình không cần nghị luận làm gì, thôi, miễn là Hoài-Nhơn vô hại thì đủ rồi”. Hồng-Phi đứng suy nghĩ một hồi nữa, rồi hỏi Hà-Liễu rằng: “Còn thúc-phụ có nghe nói Dương Vương-hậu bây giờ cũng vui lòng để cho em là Tam-Ca đoạt cơ nghiệp của chồng, soán ngôi của con hay không?.

Hà-Liễu đáp rằng: “Không! Lịnh Vương-hậu là người chơn-chánh lắm, có chịu làm việc bất nghĩa như vậy đâu! Tôi nghe nói lịnh Vương-hậu rầy la em không được, giận cạo đầu vào chùa mà tu, lại nhớ chồng, thương con, giận em, than khóc ngày đêm nên đã mù hai con mắt”.

Xương-Cấp vốn là người chí hiếu, bởi vậy nghe nói mẹ như vậy thì cảm-động dằn không được, nên chắt lưỡi kêu trời, hai hàng nước mắt chảy nhểu giọt. Mấy người đi theo định chắc Hồng-Phi đó là Thái-tử Xương-Cấp, chẳng còn nghi-ngại chi nữa, nên quỳ xuống hết thảy rồi Hà-Mai nói rằng: “Hiền tế, nếu quả hiền-tế là Thái-tử Xương-Cấp thì xin hiền-tế tỏ thiệt đi, đặng cho bọn tôi khỏi thất lễ lâu nữa”. Xương-Cấp ngồi khóc không nói chi hết.

Đào-Quan thấy vậy mới thưa rằng: “Thưa Điện-hạ, anh em chúng tôi quê mùa dốt nát, mấy tháng nay không biết Điện-hạ, nên thất lễ quân thần, xin Điện-hạ dung thứ”.

Xương-Cấp thấy thế không giấu nữa được bèn tỏ thiệt rằng: “Chẳng giấu chi nhạc-phụ cùng mấy anh em, thiệt tôi đây là Thái-tử Xương-Cấp, còn người đi theo phò tá tôi xưng là Hồng-Dực đó, thiệt là Tổng-binh Sầm-Bích. Mấy tháng nay bà con trong làng thương tưởng tôi, rồi mới đây mấy anh em lại còn giải nạn cho tôi nữa. Không biết tôi mà giúp tôi, ơn ấy là trọng, tôi phải lo đền đáp cho anh em bà con, chớ lẽ nào tôi lại bắt chặt lễ phép. Nay nhạc-phụ cùng mấy amh em đã biết tôi rồi, vậy xin thương giùm thân tôi. Ngày nào tôi trả được thù nhà và gồm thâu cơ nghiệp của phụ-vương tôi lại được, thì công lao của bà con tôi chẳng hề dám quên đâu mà ngại”.

Bọn Đào-Quan nghe Thái-tử Xương-Cấp nói như vậy liền quỳ xuống mà thưa rằng: “Thưa Điện-hạ, tuy bọn tôi bất tài, nhưng mà nếu Điện-hạ liệu dùng mà phò tá được thì dầu tan xương nát thịt anh em tôi cũng chẳng từ”.

Xương-Cấp phủ hủy mỗi người rồi tính dắt hết qua Đằng-châu mà tìm Sầm-Bích. Hà-Liễu cũng xin đi theo luôn một lượt, không cần phải trở về Thường-Phú làm gì nữa. Hà-Mai lững đững lờ đờ, vì biết Hồng-Phi là Thái-tử thì mừng quá nên mất trí khôn.

Xương-Cấp vừa mới leo lên ngựa, liền day lại thấy Kiên-Trinh đương ngồi dựa đường mà khóc, không hiểu có việc chi, nên lật đật nhảy xuống rồi chạy lại đứng ngay trước mặt mà hỏi rằng: “Sao Lữ tiểu-thơ chưa sửa soạn mà đi? Tiểu-thơ có việc chi phiền não lắm hay sao?”

Kiên-Trinh lau nước mắt mà đáp rằng: “Thưa Điện-hạ, phận Điện-hạ là nhành vàng lá ngọc, còn thân thiếp đây là bần nữ cơ hàn. Ngày trước thiếp hứa hôn cùng Điện-hạ là vì thiếp nhục nhãn, không biết Điện-hạ, nên thiếp mới dám đèo bòng như vậy. Nay thiếp đã rõ rồi, nếu còn mong đem thân gà nầy mà để đứng chung với phụng, thì là thiếp mang lỗi lớn. Vậy thiếp xin trả cục ngọc tin nầy lại cho Điện-hạ, để cho thiếp...”.

Kiên-Trinh cầm cục ngọc đưa cho Xương-Cấp, mà nước mắt tuôn dầm-dề, không nói được nữa. Xương-Cấp chưng hửng nên hỏi rằng: “Nàng nói sao vậy? Hay là nàng sợ ngày sau tôi hết nạn rồi tôi quên lời hứa với nàng phải hôn? Tôi nói thiệt, tôi đã hứa với nàng rồi, nếu mà trời khiến tôi phải làm dân thì nàng làm vợ dân, còn nếu trời khiến tôi được làm vua thì nàng làm vợ vua, tôi chẳng hề quên đâu mà nàng sợ”.

Kiên-Trinh ngó Xương-Cấp mà nói rằng: “Thưa Điện-hạ, thiếp hứa hôn là hứa cùng bần-sĩ Hồng-Phi mà thôi, chớ không có hứa với Thái-tử Xương-Cấp, bởi vì phận thiếp quê hèn, thiếp không dám đèo bòng đến thế”.

Xương-Cấp lắc đầu, đứng ngó Kiên-Trinh một hồi lâu, rồi nói nhỏ nhỏ rằng: “Nay tuy đổi cảnh, nhưng mà nếu chúng ta trở về Thường-Phú, dắt nhau đi vào vườn đào, thì cội đào hãy còn trước mặt, mảnh nguyệt hãy còn trên đầu, những cây cỏ làm chứng cho cái tình của đôi ta chắc cũng còn đủ hết, vì cớ nào tôi chưa bội ước, mà nàng nỡ lợt tình?”.

Kiên-Trinh nghe nhắc việc cũ thì hổ thẹn nên cúi đầu mà nói rằng: “Thưa Điện-hạ, chẳng phải thiếp dám phụ tình. Thiếp mà muốn trả ngọc lại cho Điện-hạ, là vì thiếp nghĩ ngày nay Điện-hạ đương lo chiêu tập binh tướng đặng thâu phục cơ đồ; nếu thiếp xin theo thì bận chơn Điện-hạ chớ không ích gì. Vậy thiếp xin Điện-hạ để lòng mà lo việc lớn, chẳng sá chi chút thân bèo-bọt nầy, để cho thiếp kiếm chốn dung thân, đặng Điện-hạ rảnh chơn bay nhảy. Miễn là Điện-hạ công-thành danh-toại thì thôi, phận thiếp dầu mất còn cũng chẳng cần chi lắm”.

Xương-Cấp nghe mấy lời nghĩa khí thì cảm xúc dằn không được, nên cũng khóc òa. Xương-Cấp nói rằng người tri-kỷ dầu chết sống cũng theo nhau, nên cứ thôi thúc Kiên-Trinh lên ngựa đi với mình. Cha, chú và mấy người trong làng cũng theo khuyên lơn, nên Kiên-Trinh mới bằng lòng đi theo.

Hà-Mai và đi và nói một mình rằng: “Lão Trần-Đàng coi tướng giỏi thiệt! Mà tưởng quí-tướng là tướng quan, chớ ai dè tướng Thái-tử!”

Người sau có đề thi khen chí Kiên-Trinh như vầy:

Khê hát vì sao lại đặt bày,

Kiên-Trinh tâm chí đáng khen thay.

Trao lời nhớ lúc càng đau đớn,

Trả ngọc nhìn nhau cũng đắng cay;

Giữ tiết liều thân chưa mấy giỏi,

Khinh tình trọng nghĩa mới là hay.

Gặp cơn nguy biến không nao núng,

Phận gái như vầy dễ kém trai.