Ngô Thứ-sử phân binh vây Đại-La
Đỗ danh-thần dụng nghĩa vận lương thão.
Mặt trời vừa xế bóng, Ngô-Quyền với chư-tướng đương hội nghị tại đại trại bỗng đâu sứ đem thơ về tới, vào quì trước án mà dưng bức thơ của Công-Tiện. Ngô-Quyền vội vã mở ra rồi đọc lớn cho chư-tướng nghe; đọc một câu giận một hồi chừng đọc hết rồi mới nói lớn lên rằng: “Tội ác như vậy mà còn kiếm cớ chửi mình! Tại mi muốn gây họa lớn, vậy sau mi đừng oán trách ta nghe”.
Ngô-Quyền liền truyền lịnh cho chư-tướng ai về trại nấy mà lo chỉnh bị cung thương, dặn dò quân sĩ, đầu canh năm phải thức dậy nấu cơm ăn cho xong rồi trời bình minh hễ nghe lịnh thì tấn binh vây thành công phá. Chư-tướng lãnh mạng lui ra. Ngô-Quyền kêu Đỗ-Cảnh-Thạc với Phạm-bạch-Hổ trở lại rồi dắt vào trướng mà nói rằng: “Binh của chúng ta kể gần hai vạn, còn tướng thì hơn 10 viên, ta tưởng dầu Kiều-công-Tiện có chiêu mộ tướng sĩ thế nào cũnh không đông hơn binh tướng ta được. Tuy vậy mà tôi thường nghe xưa nay chiến thắng là nhờ trí lược của tướng, chớ không phải là nhờ binh đông. Tôi xem chư-tướng như Lữ-Đường thì có tánh hốt tốc chớ không có mưu trí chi hết, còn các tướng khác thì lục lục thường tài, chẳng phải là tay dõng lược, duy có nhị vị tướng-quân, trí mưu gồm đủ, thao lược toàn tài, bởi vậy nếu báo thù được cho nhạc-phụ tôi thì nhờ sức nhị vị tướng-quân. Vậy tôi xin nhị vị tướng-quân tận tâm tận lực mà giúp tôi; nếu tôi được thành công thì chẳng những là tôi ghi tạc công ơn của nhị vị tướng-quân mà thôi, mà nhạc-phụ tôi ở dưới cửu-tuyền cũng chịu ơn của nhị vị tướng-quân nhiều nữa”.
Cảnh-Thạc với Bạch-Hổ nghe nói như vậy thì nhìn nhau chúm-chím cười rồi Cảnh-Thạc đáp rằng: “Thế khi thượng-quan nghi hai anh em tôi hay sao mà thượng-quan nói như vậy? Đã biết Dương-tiên-Công là nhạc-phụ của thượng-quan, nhưng mà ngài là ân-nhân của dân chúng và ngài là chúa của anh em chúng tôi. Nếu thượng-quan quyết lo báo thù cho lịnh nhạc-phụ, thì anh em tôi cũng quyết lo báo thù cho chúa, chớ sao thượng-quan lại sợ anh em tôi không hết lòng”. Bạch-Hổ lại tiếp rằng: “Thưa thượng-quan, tôi có lòng muốn báo thù cho Dương-tiên-Công mà thôi, chớ tôi có tài lược bao nhiêu, mà thượng-quan phân như vậy thì tôi lấy làm ái-ngại quá. Tuy hồi trước tôi không được gần gũi thượng-quan, song tôi thường có nghe thượng-quan là một người dõng lược khiêm toàn, bởi vậy sự đánh báo thù đây nếu thắng được là nhờ sức thượng-quan, chớ anh em tôi tài trí bao nhiêu mà dám kể công”.
Ngô-Quyền nghe hai tướng nói như vậy liền đứng dậy mà đáp rằng: “Chẳng phải tôi nghi bụng nhị vị tướng-quân, mà cũng không phải tôi lấy lời khiêm nhượng mà quá khen nhị vị tướng-quân. Thiệt nhị vị tướng-quân là rường cột của nước nhà, nếu nhị vị tướng-quân tận lực tận tâm thì chẳng lo chi mà không thành sự. Vậy xin nhị vị tướng-quân ráng giúp tôi, hễ thù nhà tôi trả đặng rồi thì ơn nghĩa của nhị vị tướng-quân dẫu ngàn năm tôi cũng không quên đặng”. Hai tướng thấy bộ Ngô-Quyền thiệt tình chớ không có bụng nghi ngại, thì cảm động, nên khi trở về trại nằm ngủ không được, cứ trằn trọc lo mưu tính kế coi phải làm thế nào mà tru-diệt Kiều-công-Tiện cho mau.
Đêm ấy Ngô-Quyền cũng thức mà tính hoài. Trời đã hừng sáng, quân lính cơm nước xong gần hết, Ngô-Quyền mới cỡi ngựa kim, đầu vấn khăn trắng, mình mặc giáp trắng tay cầm thương, lưng đai kiếm, ra đứng trước trại rồi cho đòi chư-tướng tề tựu mà thỉnh lịnh. Nguyễn-thủ-Thiệp thì lãnh hai ngàn binh ở lại canh giữ dinh trại. Nguyễn-Siêu có bịnh nên ở trong trại với Thủ-Thiệp. Trần-Lãm thì dẫn bổn bộ thủy quân ngăn các nẻo sông. Lữ-Đường dẫn 2 ngàn binh đánh cửa Nam; Ngô-nhựt-Khánh với Cao-đằng-Vân dẫn 2 ngàn binh đánh cửa Bắc; Lý-Khuê với Triệu-Tấn dẫn 2 ngàn binh đánh cửa Đông; Đỗ-Cảnh-Thạc dẫn 2 ngàn binh đánh cửa Tây. Còn lại 7 ngàn binh thì Ngô Thứ-sử với Bạch-Hổ thống lãnh đi vòng các cửa mà ứng tiếp.
Phát lịnh vừa xong, thì chư-tướng phân binh, trống dóng vang trời, quân la dậy đất, rần rần kéo thẳng đến thành Đại-La.
Kiều-công-Tiện viết thơ giao cho sứ rồi, thì độ trước thể nào Ngô-Quyền cũng dẫn binh đến công thành, bởi vậy đêm ấy kêu tướng là Kiều-Thuận với Phan-quế-Chi mà dặn rằng: “Tô-Cầu với Nguyễn-duy-Lang vì ta mà tử trận. Lưu-Định không nghĩ binh ta, phản tâm bội nghĩa nên đã giết rồi. Còn Công-Hãn thì ta đã sai đi viện binh. Bây giờ đại tướng trong thành chỉ còn có hai ngươi mà thôi. Vậy hai ngươi phải ráng mà giữ gìn phòng bị. Nếu hai ngươi bảo thủ thành trì được mà chờ cho binh Nam-Hán tới, thì chẳng lo chi là không giết bọn Ngô-Quyền được”. Kiều-Thuận thưa rằng: “Xin nhơn huynh đừng lo mà nhọc sức; có hai anh em tôi đây không hại chi đâu mà sợ”.
Binh Ngô-Quyền kéo tới rồi phân các cửa thành, y như lời dạy. Kiều-Thuận tánh tình nóng nảy, đứng trên dịch lầu thấy giặc kéo tới, thì hầm-hầm muốn ra đánh. Công-Tiện rầy la ngăn cấm nghiêm nhặt lắm, Kiều-Thuận mới không dám đòi ra đánh nữa. Vả thành Đại-La là một thành rộng lớn, mà lại chắc chắn; 4 mặt thành cộng chung bề dài gần 2 ngàn trượng, và mỗi mặt bề cao kể đến hai trượng rưỡi. Phía ngoài thành có đào hào sâu bao vòng chung quanh; rồi phía ngoài nữa lại có đấp một bờ đê bề mặt hai trượng, bề cao một trượng rưỡi. Nước sông Tô-Lịch chảy vào chứa đầy mấy hào luôn luôn.
Ngô-Quyền biết địa thế hiểm trở, bởi vậy tuy phân binh vây thành, song trong bụng đã tính rằng nếu muốn hạ thành Đại-La thì phải dùng chước, chớ ra sức công phá thì không bao giờ nhập thành được. Binh vây giáp vòng rồi, Ngô-Quyền mới truyền lịnh mỗi đạo đều đóng trại trên mặt bờ đê, đêm ngày phải cần canh giữ nghiêm nhặt đừng cho ai ở trong thành lọt ra ngoài, mà cũng đừng cho ai ngoài lộn vào thành. Đại binh thì đóng trại tại hướng
Nam
, phía ngoài bờ đê nữa.
Chiều bữa ấy Ngô-Quyền với Bạch-Hổ cỡi ngựa đi vòng theo bờ đê mà kiểm sát các trại, tới mỗi đạo đều dặn chủ tướng phải coi canh gác cẩn thận, hễ thấy trong thành động binh thì phải báo cho đại đội hay. Tối lại Ngô-Quyền với Bạch-Hổ ngồi đàm luận binh cơ, Ngô-Quyền mới hỏi Bạch-Hổ rằng:
- Tướng-quân thấy rõ địa thế rồi, vậy chớ theo ý tướng-quân bây giờ phải thể nào hạ thành?
- Thượng-quan dụng binh như thần, dầu cho Hàn-Tín hay là Khổng-Minh tái sanh cũng không hơn được, tôi đâu dám làm tài khôn mà bày mưu hiến kế.
- Tướng-quân tặng tôi thái quá như vậy tôi lấy làm hổ lắm. Tôi làm việc cầu may, nếu thành việc là nhờ sức mấy anh em, chớ tôi có tài chi mà dám sánh với Khổng-Minh, Hàn-Tín.
- Lời thượng-quan nói đó là lời khiêm-nhượng, mà nếu thượng-quan không khiêm-nhượng thì té ra thượng-quan khinh thị tôi quá, thượng-quan nghĩ lại mà coi, Cao-Biền xây thành Đại-La nầy là có ý muốn cho An-Nam dẫu muôn năm về sau cũng không thể nào phá nổi, bởi vậy cho nên làm rộng lớn mà lại chắc chắn, trong tường cao, ngoài hào sâu, binh đến đây đều đứng ngoài mà ngó, chớ làm sao mà công phá được. Nay Công-Tiện ở trong thành nghe nói nó có hơn một vạn binh; nó đã có thế hiểm mà lại có sức mạnh nữa, thế thì chúng ta làm gì mà hại nó được; nếu chúng ta áp vào công thành dầu 10 vạn binh đi nữa thì cũng phải chết, chẳng luận là một vài vạn. Thượng-quan cầm binh thấy chỗ lợi hại, nên kéo binh đến vây thành mà không cho công phá, biết thành lớn dân cư đông, dầu cho lương thực tích-tụ bao nhiêu đi nữa ăn năm ba tháng cũng phải hết, nên thượng-quan định vây chặt mà chờ dân trong thành đói chết sanh biến rồi sẽ công phá, cái kế của thượng-quan như vậy há không phải là kế hay nhứt hay sao, chớ bây giờ ỷ binh đông tướng mạnh đốc vào đánh bướng thì tôi sợ binh tướng chết hết mà thành cũng chưa chắc lấy được.
- Tướng-quân biết rõ ý tôi như vậy thì tôi mừng quá. Song tôi nói thiệt cho tướng-quân hiểu, tôi thương binh tướng lắm, thấy sự công thành hiểm trở tôi sợ hao binh tổn tướng nên định vây đỡ rồi sau sẽ liệu lượng, chớ tôi không có ý tính xa như tướng-quân nói đó. Nay nhờ tướng-quân luận việc lợi hại rõ ràng thiệt tôi cảm ơn chẳng xiết. Vậy tôi xin nghe lời tướng-quân cứ vây thành cho chặc mà chờ dân trong thành hết lương chết đói rồi sẽ công phá. Song tôi còn lo một điều nầy: ví như binh trong thành lúc gần hêt lương chúng nó nghĩ đói cũng chết thà ra đánh hoặc may thắng được còn hơn là ở trong mà chịu chết đói, rồi chúng nó liều chết nỗ lực xông ra đánh binh ta, thì ta có kế chi mà trừ cái nghị-lực liều chết ấy cho được.
- Thượng-quan đừng lo. Tôi sợ là sợ hồi chúng ta mới vừa kéo binh xông tới, tướng trong thành dẫn binh ra chiếm vòng theo bờ đê rồi núp mà ngăn cự, chúng nó ra vào thong thả, cứ vận lương mà cầm cự hoài, chớ chúng nó ám mụi, bỏ bờ đê mà rút vào thành, để cho binh ta vây chặc được rồi, thì chúng nó ở trong tay, có chi mà sợ nữa. Ví như chúng nó hết lương, liều mạng ra đánh giải vây, thì chúng nó phải ra mấy cửa, chớ lội ngang qua hào sao được; mà hễ ra cửa thì có binh ta đón đó, nếu ta khó vào thì chúng nó ra cũng không dễ gì, chúng nó thoát mà chạy khỏi một đôi tốp thì có lẽ được, chớ thắng binh ta sao cho được.
- Tướng-quân nghị luận hay quá! Vậy mà tướng-quân cứ khiêm nhượng hoài.
Sáng bữa sau Ngô Thứ-sử truyền lịnh cho chư-tướng cứ lo vây thành mà thôi, chớ không được công phá, rồi lại rút bớt Cao-đằng-Vân đem qua tây môn, thế cho Đỗ-Cảnh-Thạc, để một mình Ngô-nhựt-Khánh vây bắc môn mà thôi. Đỗ-Cảnh-Thạc, thì Ngô Thứ-sử kêu về đại trại mà hỏi rằng: “Hồi hôm nầy tôi với Phạm-tướng-quân thương nghị với nhau về kế hạ thành, thì hai anh em tôi đều hiệp ý với nhau mà nhứt định phải vây thành cho nghiêm nhặt, đợi chừng nào trong thành hết lương, nhơn dân sanh biến, quân sĩ khối tâm rồi chúng ta sẽ liệu kế mà công phá, chớ thành chắc lắm, nếu bây giờ chúng ta nóng nảy đốc quân hãm nhầu, thì sợ chết hết binh tướng mà lấy thành cũng chưa được. Hai anh em tôi tính như vậy, tướng-quân nghĩ coi có được hay không, hay là tướng-quân có mưu chi cao hơn nữa?”.
Cảnh-Thạc ngồi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng:
- Tính như vậy thì phải rồi, có kế nào hay hơn nữa. Song tôi nghĩ nếu mình chờ cho nó hết lương thì phải vây đến năm ba tháng. Ví như lúc ấy binh Tàu kéo qua tiếp nó thì mình bị hai mối giặc tôi e khó liệu lắm chăng.
- Tôi cũng có nghĩ đến việc ấy. Song tôi có tiếp được thơ của Dương-kiết-Lợi trấn Lục-châu, người khuyên tôi hãy ráng mà trừ Công-Tiện, sự ngăn đón binh Tàu thì để cho người tự liệu, bởi vậy cho nên tôi vững bụng khỏi lo phía đó.
- Nếu được như vậy thì tốt lắm.
- Ngặt có một diều nầy là mình muốn vây lâu ngày cho nó hết lương, thì mình cũng phải có lương cho nhiều, đủ cho binh lính ăn luôn luôn mới được. Tôi tính cắt một vị tướng để đi vận lương, mà tôi coi trong hàng chư-tướng duy chỉ có một mình tướng-quân ở Giao-châu nhiều năm, các quận huyện đều nghe danh biết mặt, bởi vậy nếu tướng-quân vui lòng lãnh đi vận lương thì chắc là thành sự.
- Nếu thượng-quan khứng giao việc ấy cho tôi làm thì tôi sẽ hết lòng lo lắng, dầu chết tôi cũng cam tâm, tôi đâu dám chối từ.
Ngô Thứ-sử thấy Cảnh-Thạc chịu lãnh đi vận lương thì mừng rỡ lắm, bèn cấp cho Cảnh-Thạc ít trăm lính và dạy Trần-Lãm giao cho 10 chiếc thuyền đặng cho Cảnh-Thạc đi. Ngô Thứ-sử thấy Nguyễn-Siêu vít thương đã lành rồi và xin ra cầm binh đặng kiếm dịp mà tẩy-hận, lại thấy vây thành đã yên, để trại tại truông Ông Hổ không ích gì, nên dạy Nguyễn-thủ-Thiệp bạt trại kéo binh tới mà nhập với đại đội, rồi dạy Thủ-Thiệp tiếp với Nhựt-Khánh mà vây bắc môn, còn Nguyễn-Siêu thì hiệp với Đằng-Vân vây tây môn.
Cảnh-Thạc lãnh binh đi vận lương, đi đến đâu cũng lấy nhơn nghĩa mà khuyến dụ, bởi vậy các châu huyện đều sẵn lòng cđống hiến. Mấy nhà giàu có nghe nói Ngô Thứ-sử khởi binh báo thù cho Dương-diên-Nghệ, ã vây thành Đại-La rồi, chẳng sớm thì muộn ắt sẽ bắt Kiều-công-Tiện mà trị tội, thì thảy đều vui mừng, nên đua nhau nạp lương. Nhờ có dân tình giúp đỡ sốt-sắn như vậy, nên Cảnh-Thạc có lương tiếp tục chở về luông luôn, quân lính ăn không hết. Ngô Thứ-sử tuy hạ thành chưa được, song thấy dân tâm như vậy thì phỉ tình đắc ý vô cùng, bởi vậy càng quyết tâm vây hoài mà chờ cho trong thành hết lương, chớ không tính công phá.