Dùng mưu thần đại phá Hán binh.
Thấy thế yếu nhường ngôi Ngô chúa.
Ngô-Quyền về trại cho đòi Bạch-Hổ đến mà nói rằng: “Hôm nay ta đi dọ đường sông, thấy khúc dưới, cách chỗ thũy quân ta đóng chừng năm sáu dặm hai bên rừng cao cây lớn coi sầm uất lắm, mà sông chỗ đó lại nổi cồn nên cạn hết một mé. Ta tính lén đóng cừ mà ngăn sông rồi dụ giặc đến đó mà bắt nó mới được. Vậy tướng quân chịu phiền dạy quân đốn cây vạt nhọn hai đầu mà làm cừ, rồi ban đêm hễ nước ròng thì lén mà đóng. Tướng quân phải nhớ mà đóng cho sâu, hễ nước lớn đầy thì thuyền qua được, còn hễ nước ròng nửa sông thì thuyền qua bị cản. Tướng quân ráng làm cho mau mau rồi ta sẻ thi kế cho mà coi.”
Bạch-Hổ vưng lịnh dạy quân đốn cừ đem đóng y như lời của Ngô-Quyền dặn. Làm gần một tháng mới rồi. Ngô-Quyền đến xem lấy làm đắc ý. Ngô-Quyền lại dạy kết gần 50 cái bè tre mà neo lại đó và ruồng hai bên cho trống hai đường đặng cho quân sĩ đi.
Tối bữa nọ Ngô-Quyền dạy Bạch-Hổ, Nguyễn-Siêu và Lý-Khuê dẫn 5 ngàn binh đạp đường bộ xuống cụm rừng ngang chỗ đóng cừ ấy rồi dùng bè tre chở qua sông, lên cụm rừng mé bên kia mà núp. Còn Lữ-Đường với Cao-đằng-Vân thì dẫn 5 ngàn binh đi núp dài theo mé bên nầy. Ngô-Quyền lại dặn Bạch-Hổ hễ thấy chiến thuyền của giặc xuống tới chỗ đóng cừ đó, thì phải dẫn binh đi dường bộ riết lên mà cướp trại, và dặn Lữ-Đường, hễ thấy binh giặc thua thì phải lập tức dùng bè bộ binh qua sông mà hiệp lực với Bạch-Hổ.
Các tướng lãnh mạng dẫn binh đi mai phục. Ngô-Quyền dặn Ngô-nhựt-Khánh ở giữ đại trại hễ nghe chỗ nào cầu cứu thì phải phát binh ứng tiếp, rồi mới xuống thuyền mà thương nghị với Trần-Lãm nữa. Trời vừa hừng sáng, nước lớn đầy sông, Ngô-Quyền dạy giàn chiến thuyền sắp ngay hàng ngũ rồi gay chèo dóng trống nhắm ngay dãy trại của Hoằng-Tháo mà xông qua. Quân Nam-Hán xem thấy lật đật sắp chiến thuyền đặng nghinh địch. Hoằng-Tháo tánh nóng nảy, muốn đánh cho mau, mà ngặt bị sông ngăn cản bộ binh qua không được, nên mấy tháng nay án binh bất động thì lấy làm bực bội lắm. Nay thấy giặc độ binh qua đánh mình thì trong lòng hân-hoan, nên truyền lịnh độ mấy ngàn binh xuống thuyền, rồi bổn thân cầm binh mà đánh, để Lý-khắc-Chánh ở giữ trại.
Chiến thuyền của Hoằng-Tháo giàn ra rồi áp đánh chiến thuyền của Trần-Lãm. Hai bên hỗn chiến với nhau, chưa ắt bên nào thắng bên nào bại, chừng Ngô-Quyền thấy nước ròng đã giựt bộn rồi, mới dạy Trần-Lãm trá bại mà chạy. Trần-Lãm vâng lời ra hiệu lịnh mấy chục chiến thuyền đều rút chạy hết. Hoằng-Tháo thấy thắng đắc ý nên giục binh đuổi theo. Trầm-Lãm chạy một khúc trở lại cự một hồi, làm như vậy đặng dụ Hoằng-Thao xuống tới chỗ cạn. Hoằng-Thao không dè kế của Ngô-Quyền sắp đặt, nên cứ đốc quân rượt theo hoài. Xuống gần tới chỗ đóng cừ, Trần-Lãm dạy chèo riết và nhắm mấy cây vọi mà qua, đặng thuyền khỏi đụng cừ, mà hễ qua rồi thì nhổ vọi quăng hết. Hoằng-Tháo đi tới, không dè có cừ, bởi vậy chiến thuyền đi trước bị lủng nằm ngang sông, chiếc đi sau thấy muốn tránh mà bị giọt nước chảy mạnh quá ngừng không được nên dụng với nhau rồi chiếc chìm chiếc nổi, quân sĩ kinh hãi rớt xuống sông chết không biết bao nhiêu mà kể cho hết.
Đã vậy mà lúc ấy Ngô-Quyền với Trần-Lãm, Bộ-Lãnh day thuyền trở lại đánh nữa, làm cho binh Nam-Hán đại loạn, người nào nhảy xuống sông thì chết chìm, còn người nào ở trên thuyền thì bị trói. Bộ-Lãnh huơi thanh long bửu kiếm nhảy tới muốn chém Hoằng-Tháo, Hoằng-Tháo liệu thế cự không lại nên quăng gươm mà hàng đầu. Bộ-Lãnh bắt được Thái-tử Hoằng-Tháo rồi giao cho Trần-Lãm đem nạp cho Ngô Thứ-sử, Ngô Thứ-sử thấy được toàn thắng, mà lại bắt được chánh tướng của giặc nữa thì mừng rỡ vô cùng, liền ngước mặt lên trời mà nói rằng: “Ta thành công đây là nhờ có trời đất giúp vận. Ấy vậy từ nầy chắc nước ta hết tai nạn rồi.”
Ngô Thứ-sử dạy trói Hoằng-Tháo cắt người canh giữ, rồi sai quân lên bờ đi dọ coi mấy đạo binh của Bạch-Hổ và Lữ-Đường thắng bại thể nào, Lữ-Đường núp trên rừng ngó thấy Trần-Lãm trá bại, Hoằng-Tháo rượt theo, chừng chiến thuyền đi khuất rồi mới truyền lịnh đẩy bè xuống sông rồi độ binh qua đánh lấy trại Nam-Hán. Lý-khắc-Chánh giữ trại ngó thấy liền giàn binh ra mé sông rồi dùng cung nỏ mà bắn. Lữ-Đường dạy quân bắn lại, hai bên đương bắn nhau, thình lình Bạch-Hổ, Nguyễn-Siêu và Lý-Khuê dẫn binh đi tới phía sau trại rồi xông vào phá trại. Quân Nam-Hán xem thấy không biết binh ở đâu mà đến nên kinh tâm tán đởm, thất ngũ loạn hàng, quăng hết gươm đao cung tên, bỏ trại mà chạy. Bạch-Hổ, Nguyễn-Siêu với Lý-Khuê thừa thắng xua binh đuổi theo. Lữ-Đường với Cao-đằng-Vân cũng dạy quân leo lên bờ rồi hiệp với ba tướng kia rượt đánh, Lý-khắc-Chánh một mình chống cự không nổi, phần thì binh Nam-Hán tản lạc, tốp chạy vào rừng, tốp leo lên núi mà trốn, nên cũng phãi tìm đường mà thoát thân. Bạch-Hổ với bốn tướng-quân phân binh rượt theo chém giết binh Nam-Hán kể hơn một vạn người.
Đến tối 5 tướng thâu binh trở về mé sông, vừa đến trại cũ của Hoằng-Tháo thì thấy Ngô Thứ-sử với Trần-Lãm đã đem chiến thuyền lên mà chiếm trại rồi. Bạch-Hổ với chư-tướng dẫn vào ra mắt Ngô Thứ-sử và thuật chuyện phá binh Nam-Hán lại cho Ngô Thứ-sử nghe. Ngô Thứ-sử cả mừng, liền dạy Trần-Lãm dẫn Hoằng-Tháo ra mà chém rồi mới đặt bày tiệc rượu khao chư tướng.
Lý-khắc-Chánh lượm lặt tàn binh được mấy trăm người rồi dắt nhau trốn mà về Tàu. Lên tới Chi-Lăng gặp Hán chúa Lưu-Cung dẫn đại binh mới qua, Lý-khắc-Chánh vào thú tội và thuật việc đại bại, thái-tử Hoằng-Tháo bị Ngô-Quyền bắt giết rồi. Lưu-Cung nghe con mất thì ngã lăn mà khóc.
Chư
tướng đỡ dậy can gián hết sức, Lưu-Cung mới tỉnh lại, hỏi thăm thì Lý-khắc-Chánh tâu rằng: khi kéo binh qua chưa tới Bạch-đằng-giang thì bên nầy Ngô-Quyền đã hạ được thành Đại-La bắt giết Kiều-công-Tiện rồi. Binh tới Bạch-Đằng gặp giặc ngăn cãn qua sông không được nên phải đóng tạm mé bên nầy đặng mà đóng thuyền kết bè, chẳng dè Ngô-Quyền hạ thành Đại-La rồi dẫn đại binh lên đó lập mưu mà phá, nên mới đại bại đến thế. Lưu-Cung nghe rõ đầu đuôi, chắt lưỡi than trời rồi truyền lịnh quay binh trở về. Kiều-công-Hãn nghe nói cha bị giết thì đau đớn trong lòng chẳng xiết kể, thầm tưởng cậy sức Lưu-Cung mà báo thù được, chừng nghe Lưu-Cung nhứt định thối binh thì cả kinh, nên rán can gián khuyên Lưu-Cung hãy tấn binh mà rửa hờn cho Thái-tử, Công-Hãn nói hết sức mà Lưu-Cung không nghe, cứ dạy quân trở về. Công-Hãn thất vọng mới lén bỏ binh trốn ở lại
Đây nói qua Ngô-Quyền đại phá Nam-Hán-binh, bắt giết Thái-tử Hoằng-Tháo rồi, mới dẫn thủy bộ chư đội trở về thành Đại-La. Khi về tới cửa, Cảnh-Thạc với Thủ-Thiệp giàn binh ra cung-hạ và nghinh-tiếp. Ngô-Thứ-sử dòm thấy Dương-kiết-Lợi đứng sau lưng Cảnh-Thạc thì chưng hửng nên hỏi rằng: “Ta nghe Dương-tướng-quân đã tử trận Lục-châu rồi, mà sao lại được về đây?” Dương-kiết-Lợi bước ra thưa rằng: “Số là tôi nghe binh Nam-Hán qua tới, tôi dẫn binh lên núi Mậu-Lâm mai phục, để Trần-Khánh ở lại Lục-Châu mà kiên thủ. Vì tôi binh thiểu thế cô ngăn cự không nổi, nên phải dẫn binh trở về thành, chẳng dè về tới thì thành đã mất rồi, nên tôi phải tìm đường mà thoát thân. Trần-Khánh không thấy tôi trở về thành mà binh Nam-Hán lại kéo tới đánh phá ải, tưởng là tôi đã bị chết rồi nên trong thơ viện binh mới nói như vậy. Tôi chạy khỏi ra tìm đường lần về đến đây, tưởng là thượng quan còn vây thành, chẳng dè về tới Đại-La thì thượng quan đã lấy thành rồi và dẫn binh đi ngăn giặc. Mấy tháng nay tôi ở đây mà chờ thượng quan về đặng tôi tạ tội”.
Kiết-Lợi nói dứt lời liền quì xuống. Ngô-Quyền đỡ dậy mà nói rằng: “Việc chiến tranh thắng bại là lẽ thường, người anh hùng chớ nên thấy thất bại mà thối chí. Huống chi tướng quân binh thiểu thế cô nên thất bại chẳng lạ gì, mà cũng nhờ có tướng quân bại trước nên ta mới thắng sau được. Vậy khuyên tướng quân chớ khá ái ngại”.
Ngô-Quyền nhập thành truyền lịnh đặt bày diên-yến khao thưởng quân sĩ. Trong lúc tiệc rượu vui vầy, chén thù chén tạc, kẻ thuật chuyện phá thành, người kể công rượt giặc, Phạm-bạch-Hổ đứng dậy mà nói lớn lên rằng: “Anh em chúng ta vì nghĩa vì tình, đâu lưng đấu cật, xông tên đột pháo, trải nắng dầm sương trót gần một năm trời mới đặng thành công. Nay chúng ta đã trừ được loài gian ác ở trong, đã phá được binh tàn bạo ở ngoài, vậy anh em chúng ta phải sớm liệu việc cai-trị trong nước đặng gìn giữ cõi bờ, hộ trì dân giả. Vả Ngô Thứ-sử là đấng tài cao đức lớn, đã có công đánh giết Kiều-công-Tiện mà đáp nghĩa cho Dương tiên-công, mà lại còn có trí phá tan binh Nam-Hán mà cứu nước cứu dân nữa. Vậy tôi tưởng chúng ta nên tôn ngài lên ngôi quốc-vương ngài bố đức trị dân, ra oai bình định trong nước”.
Chư
tướng nghe nói thấy đều hiệp ý, chẳng có ai cãi lẽ chi hết. Ngô-Quyền thấy vậy mới nói rằng: “Phạm tướng-quân muốn cho ta phạm nghĩa nên mới bày đều như vậy. Vả ta mộ binh khởi nghĩa một là vì ta muốn trọn niềm tôi chúa, hai là ta muốn vẹn nghĩa phụ thân, nên ta mới cử binh báo thù, chớ nào phải ta quyết giành ngôi giành nước với Kiền-công-Tiện đâu. Nay tuy nhạc-phụ ta ly trần song còn để lại trưởng-tử là Dương-tam-Ca.
Nếu chư tướng quân khiến ta lên nối nghiệp cho nhạc-phụ ta thì té ra ta đoạt ngôi của em ta, đó là một đều đại bất nghĩa, ta không nỡ làm đâu. Vậy khuyên chư tướng quân chớ nên tính tới việc ấy nữa, để ta sai người vào Ái-châu rước em ta ra rồi sẽ tôn lên mà kế nghiệp cho Dương tiên-công”.
Đỗ-Cảnh-Thạc với Dương-kiết-Lợi ngó nhau mà gặt đầu, còn chư tướng cả thảy coi bộ đều bất phục. Ngô-Quyền khao binh đãi tướng luôn luôn mấy ngày mới rồi. Trần-Lãm thình lình nhuốm bịnh nên từ Ngô-Quyền và chư tướng rồi xuống thuyền dắt Định-bộ-Lãnh trở về Bố-hãi-Khẩu mà dưỡng bịnh. Ngô-Quyền nghe lời Đỗ-Cảnh-Thạc bèn viết tờ hịch gởi khắp quận huyện mà phủ ủy bá tánh. Các quan quận huyện xa gần đều chở lương về Đại-La mà nạp và vào yết-kiến xưng tụng tài đức của Ngô-Quyền.
Ngô Thứ-sử sắp đặt an bài, qua đầu tháng 11 mới dạy Cao-đằng-Vân lãnh binh vào trấn thủ Ái-châu mà thế cho Nguyễn-Khoan, và đưa thơ biểu Nguyễn-Khoan phải hộ tống Dương-phu-Nhơn, Dương-tam-Ca với nhị vị công-tử ra Đại-La. Gần cuối tháng 11 Nguyễn-Khoan hộ tống gia quyến Ngô-Quyền ra mới tới. Nhập thành rồi Dương-phu-Nhơn dắt em và con đi thẳng lên dinh. Ngô Thứ-sử bước ra chào mừng. Dương-phu-Nhơn ngồi xuống đất cúi lạy chồng mà nói rằng: “Thưa tướng-công thiếp phận liễu bồ nương cội tùng núp bóng. Tướng công đoái tưởng thân hèn phận bạc, nên vì thiếp mà xông tên lướt đạn, gội nắng gội sương, chẳng nệ công lao, quyết trả oán rửa hờn thế cho thiếp. Nay tướng công đã tru diệt loài bội nghịch, ơn của tướng công chị em thiếp chẳng biết lấy chi mà đền đáp cho vừa. Vậy thiếp xin kính dưng ít lạy mà tỏ lòng cảm đức niệm ân đợi có thuở rồi thiếp sẽ tái bồi muôn một.”
Dương-tam-Ca cúi lạy Ngô-Quyền, Ngô-Quyền lật đật đỡ phu-nhơn và Tam-Ca đứng mà nói rằng: “Phận làm con phải lấy hiếu làm trọng, phận làm tôi phải lấy trung làm đầu. Phận tôi đây đối với nhạc-phụ vẫn là rể mà lại là tôi nữa, bởi vậy tôi phải vì chữ hiếu chữ trung mà lo báo thù gẫm có ơn gì đâu mà phu-nhơn nặng lòng. Phu-nhơn đi đường xa mệt mõi vậy hãy dắt hai con vào hậu đường an nghỉ.”
Ngô Thứ-sử dắt vợ con vào hậu dinh, chồng gặp vợ lấy làm phỉ lo dạ, cha gần con chẳng xiết vui mừng. Qua ngày sau Ngô Thứ-sử đại hội chư tướng, mời Dương-tam-Ca lên ngồi dựa bên mình rồi dạy quân bày tiệc rượu mà thết đãi. Rượu uống ba tuần rồi Ngô Thứ-sử mới phân với chư tướng rằng: “Dương tiên-công khi còn sanh tiền là người đại ân đức của dân xã. Tuy Dương tiên-công mất lộc, nhưng mà ân nghĩa mến tình. Dương tiên-công có để lại trưởng-tử là Dương-tam-Ca, nay ta đã rước đến đây. Vậy xin chư tướng hiệp ý với ta mà tôn Công-tử Tam-Ca lên ngôi báo đặng người lên cầm quyền bỉnh chánh vô trấn tướng phương, thi ân trăm họ.”
Chư
tướng nhiều người nhìn nhau trề môi mím miệng, coi bộ không phục Tam-Ca, Đỗ-cảnh-Thạc đứng dậy ngó Bạch-Hổ mà nói rằng:
“Quan Thứ-sử lấy lẽ công chánh mà phân như vậy, anh em chúng ta ai muốn tỏ đều chi thì xin nói ngay ra giữa nầy, còn như hết thảy đều thuận tùng thì xin chọn ngày xây đàn làm lễ tôn vương cho sớm đặng có người bỉnh cáng mà điều đình quốc sự”.
Phạm-bạch-Hổ đáp rằng: “Quan Thứ-sử cùng anh em chúng ta đây ai cũng biết truyện sử Tàu. Triều đình bên Tàu bây giờ cũng còn noi theo chế độ của tam Hoàng, ngũ Đế cùng mấy đời Hạ, Thương, Châu. Mà theo mấy đời ấy thì vua truyền cho kẻ hiền cũng có, mà truyền cho con cũng có. Cái chế độ ấy thiệt là hay, bởi vì ông vua là người chấp chưởng mạng vận trọn một nước, nếu vua hiền thì nước trị dân an, còn vua bất minh, thì nước nghiên nghèo, dân đồ thán, bởi vậy cho nên vua truyền ngôi thì chẳng luận thân sơ, hễ ai hiền mới được kế vị, nếu con vua mà hiền thì con nối ngôi, còn như con bất hiền thì tự nhiên phải phế con mà chọn người hiền đức”.
Ngô-Quyền cười mà nói rằng: “Việc của mình đây có phải là việc vương-đế gì đâu mà tướng quân nhắc truyện sử bên Tàu dông dài dữ vậy? Chúng ta cử Dương-tam-Ca lên làm Tiết-đạt-sứ đặng cai trị châu quận đó mà thôi”.
Phạm-bạch-Hổ đáp rằng: “Thưa thượng quan, sao thượng quan lại phân như vây? Thượng quan nghĩ lại mà coi, sơn xuyên của chúng ta như cẫm tú, nhơn vật cũa chúng ta chẳng thiếu chi anh tài, mà trót một ngàn năm trước chúng ta bị người Tàu chiếm đoạt. Ngày nay triều đình bên Tàu suy nhược, tứ phương đến xưng hùng, thậm chí Lưu-Cung nó cũng xưng là vương-đế. Cơ hội như vầy là cơ hội may cho xứ ta; vậy ta cũng nên nhơn đó mà lập quốc vương luôn thể, sao thượng quan không tính lập quốc-vương, mà lại còn tính lập chức Tiết-đạt-sứ nữa? Sứ của ai ? Của Nam-Hán hay là của nhà Tấn?”
Ngô-Quyền chánh sắc đáp rằng: “Tướng quân phân nhằm lý lắm. Ta cũng biết lúc nầy chúng ta nên lập quốc-vương, song ta xin chư vị tướng-quân một đều, là nếu có lập quốc-vương thì lập em ta là Dương-tam-Ca đặng trước khỏi phụ lòng Dương tiên-công, sau khỏi tiếng cười cũa người hậu tấn”.
Bạch-Hổ nói: “Thưa thượng-quan, tôi đã nói việc nước chẳng phải việc nhà. Muốn tôn một vị quốc-vương thì chọn người tài đức chớ không nên nể tình riêng. Thượng-quan trừ loài bội nghịch ở trong mà vỗ an lê thứ, ấy là thượng quan có đức, thượng quan lại còn dẹp quân tàn bạo ở ngoài mà gìn giữ non sông, ấy là thượng quan có tài. Vậy tôi thay mặt chư tướng mà xin thượng quan lãnh ngôi quốc-vương đặng cho bá tánh an lòng, và cho ngoại-bang nghe oai tùng phục”.
Bọn Lữ-Đường, Nguyên-Siêu, Thủ-Thiệp, Lý-Khuê, Nhựt-Khánh, Nguyễn-Khoan nghe Bạch-Hổ nói liền ứng lên khen phải, Ngô-Quyền đương ngồi bợ-ngợ, Dương-tam-Ca vùng đứng dậy mà phán rằng: “Lời của Phạm tướng-quân mới nói đó là lời vàng ngọc, xin Ngô-huynh thâu nhận chớ nên dụ dự mà chư tướng buồn lòng. Thân em còn sống đây là may, đâu dám đèo bòng quyền tước. Em là đứa bất tài, cha bị hại không cứu cha được, mà em lại mang tiếng bất hiếu, cha chết không biết lo báo thù. Ngô-huynh đã có công báo thù cho cha, mà lại có tài đánh vỡ binh Nam-Hán nữa, vậy thì còn ai xứng đáng ngồi ngôi quốc-vương hơn Ngô-huynh được. Nếu Ngô-huynh nghi kỵ không chịu tức vị xưng vương, thì xin Ngô-huynh chọn người khác mà tôn, chớ em không dám lãnh, em nguyện theo hầu hạ người ấy mà thôi.
Bọn Bạch-Hổ, Lữ-Đường thấy Tam-Ca từ chức thì vui mừng nên năn nỉ khuyên lơn riết, túng thế Ngô-Quyền phải xuôi thuận.
Chư
tướng liền thương nghị đặng chọn ngày tôn vương. Ngô-Quyền nói rằng: “Thành Đại-La tuy rộng lớn nhưng mà không phải chỗ đóng đô, nên tính chọn thành Cổ-Loa [1] mà làm kinh-sư.”
Chư
tướng vưng lời, liền lo cất cung điện tại thành Cổ-Loa.
Qua năm kỹ hợi (năm 939) mùa xuân, Đỗ-cảnh-Thạc chọn ngày lành rồi trấn thiết lễ tôn vương rất trọng. Ngô-Quyền tức vị, xưng là Ngô-vương, lập Dương-phu-Nhơn làm vương-hậu, lập trưởng-tử làm thái tử và phong Dương-tam-Ca làm An-trí-Công, còn chư tướng mỗi người đều được phong tước công hết thảy.
Chư
tướng bái mạng, Ngô-vương định kế bảo thủ nên hạ chỉ sai:
Trần-Lãm trấn thủ Bố-hải-khẩu.[2]
Phạm-bạch-Hổ trấn thủ Đằng-châu[3]
Lữ-Đường trấn thủ Tế-giang[4].
Nguyễn-Siêu trấn thủ Tây-phù-liệt[5].
Lý-Khuê trấn thủ Siêu-Loại[6].
Nguyễn-thủ-Thiệp trấn thủ Tiên-du[7].
Ngô-nhựt-Khánh trấn thủ Đường-Lâm[8].
Nguyễn-Khoan trấn thủ Tam-Đái[9].
Cao-đằng-Vân trấn thủ Ái-châu[10].
Còn Đỗ-cảnh-Thạc với Dương-kiết-Lợi thì ở tại triều mà tá chưởng binh quyền, dự bàn quốc-vụ.
Chư
tướng lãnh chỉ sửa soạn khởi hành phó nhậm. Phạm-Bạch-Hổ trước khi về Đằng-Châu thì vào yết kiến Ngô-vương và tâu rằng: “Muôn tâu Bệ-hạ, ngày nay bốn biển thanh bình lê-dân yên-ổn, ấy cũng là nhờ Bệ-hạ tài cao đức lớn nên mới được vậy. Tuy vậy mà kẻ hạ thần nghĩ rằng: sáng nghiệp non sông thủ thành bất dị. Vậy trước khi lên đường kẻ hạ thần ngửa chúc bệ-hạ sống lâu muôn tuổi, bền vững ngôi trời, đặng cho võ trụ chói ngời, quan dân cường thạnh. Kẻ hạ thần lại xin Bệ-hạ vài điều: một là không nên giao binh quyền cho Dương-kiết-Lợi, hai là không nên trọng dụng An-trí-Công, nếu hai điều ấy Bệ-hạ cho thì hạ thần đi mới yên bụng.”
Ngô-vương nghe Bạch-Hổ tâu như vậy, thì không được vui lòng nên phán rằng: “Khanh không ưa An-trí-Công nên theo châm chích hoài! An-trí-Công là em trẩm, khanh không nên tâu lếu như vậy nữa.”
Phạm-bạch-Hổ bị quở lui ra, rồi dẫn binh về Đằng-châu, trong lòng không được vui.
Ngô-vương sai chư tướng mỗi người trấn một chỗ đặng gìn giữ biên-cương mà tính mở mang dân xã, nên từ ngày tức vị thì chuyên lo đặt quan chức, chế triều-nghi, định phục-sắc, phổ thông việc học hành, chỉnh đốn việc cai trị. Lê thứ nhờ minh quân thánh chúa nên nhà nhà đều an cư lạc nghiệp, cảm đức hóa nhơn, con thảo cha lành, anh em cung kỉnh, thiệt là đời thái bình thanh trị.
Có thi tặng Ngô-vương như vầy:
Tự cổ anh hùng chẳng thiếu chi,
Ngô-vương tài đức ít ai bì.
Ngôi cao quyền cả lòng lơ lảng,
Oán chúa thù cha trí tạc ghi.
Rơi lụy châu mày, buồn phụ nữ.
Thành xiêu sông cạn, giận nam nhi.
Một năm sắp đặt yên bờ cõi,
Nhờ trận Bạch-Đằng chúng hết khi.
[1] Thành Cổ-Loa thuộc huyện Đông-Anh, tỉnh Phúc-Yên
[2] Bố-hải-khẩu thuộc tỉnh Thái-Bình.
[3] Đằng-Châu thuộc tỉnh Hưng-Yên.
[4] Tế-Giang thuộc huyện Văn-Giang, tỉnh Bắc-Ninh.
[5] Tây-phù-liệt thuộc huyện Thanh-Trì, tỉnh Hà-Đông.
[6] Siêu-Loại thuộc phủ Thuãn-Thành, tỉnh Bắc-Ninh.
[7] Tiên-Du thuộc tỉnh Bắc-Ninh.
[8] Đường-Lâm thuộc huyện Phúc-Thọ, tỉnh Sơn-Tây.
[9] Tam-Đái thuộc phủ Vĩnh-Tường, tỉnh Vĩnh-Yên.
[10] Ái-Châu thuộc tỉnh Thanh-Hóa.