HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Nam Cực Tinh Huy

Chương 10

 

Kiều-Thuận xuất binh quyết phá vây,
Ngô-Quyền khiển tướng công ba cửa.

Kiều-công-Tiện ở trong thành thấy Ngô-Quyền đem binh vây thành đã gần trót tháng mà không công phá thì lấy làm kỳ, không hiểu Ngô-Quyền tính kế thế nào, nên có bụng mừng, bởi vì nghĩ thầm rằng nếu Ngô-Quyền trì huỡn hễ binh Tàu qua tới thì trong đánh ra ngoài đánh vô ắt sẽ bắt Ngô-Quyền được. Tuy mừng thì mừng, song cũng không dám quên phòng bị, bởi vậy cho nên dạy quân sĩ phải sắm cung tên cho nhiều đặng hễ binh Ngô-Quyền công thành thì bắn vải ra, đừng cho leo lên mặt thành được.

Mà bởi binh ở trong thành kể hơn một vạn, còn dân cư lại đông hơn nữa, nên tuy lúa gạo tích trữ nhiều, song bị vây đến hai tháng thì lúa gạo ăn hết quá phân nửa rồi, Kiều-Thuận sợ nếu binh Tàu không ứng tiếp và nếu bị vây hoài như vầy thì chừng một tháng rưỡi nữa thì lương thực tiêu hết, nên mới xin Công-Tiện để cho mình khai thành ra đánh phá vây đặng đi vận lương thêm, Công-Tiện dụ dự không muốn cho đánh. Kiều-Thuận nói rằng: “Ngô-Quyền bị ta một trận đã kinh tâm rồi, nên không dám phá thành. Nó vây ta đây là vì nó sợ nếu kéo binh về thì xấu hổ, nên làm bộ vây cầm chừng mà thôi, nếu ta ra đánh chắc nó sẽ thừa dịp ấy rút binh về Ái-châu cho khỏi mắc cỡ. Đã vậy mà lương thực trong thành hao đã quá phân nửa rồi. Nếu ta cố thủ hoài trong ít ngày nữa hết lương, quân sĩ chết hết mới lấy ai mà cố thủ thành. Xin nhơn huynh phải suy nghĩ lại”.

Công-Tiện nghe nói hữu ý nên mới bằng lòng cho Kiều-Thuận ra đánh. Tối bữa đó Kiều-Thuận với Phan-quế-Chi kiểm điểm quân sĩ chọn năm ngàn binh hùng tráng, dặn khuya thức dậy nấu cơm ăn cho sớm đặng khai thành giao chiến.

Trời vừa mới sáng, Kiều-Thuận gom binh qua phía đông môn rồi dạy mở cửa thành kéo binh xông ra. Kiều-Thuận đi tiền đạo còn Quế-Chi đi hậu tập. Lý-Khuê với Triệu-Tấn lãnh vây đông môn, thấy vây đã hai tháng rồi mà ngoài không đánh vô, trong không đánh ra, nên có ý giải đãi, không cẩn thận cho lắm, bởi vậy khi Kiều-Thuận khai thành xông ra thì hai tướng còn đương ngủ. Quân canh gác thấy trong thành động binh, lật đật vào trướng kêu Lý-Khuê với Triệu-Tấn thức dậy. Hai tướng nghe báo thất kinh, không kịp bận áo lật đật xách thương, đai kiếm chạy ra trước đốc quân chống cự.

Khi hai tướng ra khỏi cửa trại thì binh của Kiều-Thuận đã kéo tới, hai bên đánh nhau, lớp thì đâm chém trên mặt bờ đê, lớp thì lăn xuống hào, lớp thì tràn ra ruộng, gặp đâu đánh đó. Triệu-Tấn thấy Kiều-Thuận hùng-hào, đốc quân la hét om sòm, mới lướt tới mà đánh với Kiều-Thuận. Vả Kiều-Thuận võ nghệ cao cường, sức anh ta mười, Triệu-Tấn không được năm, bởi vậy đánh nhau không được lâu thì Triệu-Tấn đã bị Kiều-Thuận đâm chết. Lý-Khuê đương đốc chiến bỗng nghe quân báo Triệu-Tấn đã bị hại rồi, thì nóng lòng nên hét lên một tiếng, rồi lướt tới kiếm Kiều-Thuận mà đánh. Hai tướng đánh nhau được vài chục hiệp. Lý-Khuê liệu sức cự không lại, nên rút mà chạy. Kiều-Thuận thừa thắng mới đốc quân rượt theo.

Ngô-nhựt-Khánh với Nguyễn-thủ-Thiệp đóng binh bên bắc môn, nghe bên đông môn tiếng trống vang rân, tiếng người inh ỏi, biết phía ấy có giặc, mới bàn tính với nhau rồi nhứt diện sai quân chạy ra đại binh mà báo tin, còn nhứt diện chia binh để một mớ cho Thủ-Thiệp dắt qua đông môn mà tiếp chiến. Thủ-Thiệp vừa tới đông môn gặp Kiều-Thuận đương rượt Lý-Khuê mà đánh, còn trong thành thì Phan-quế-Chi đương kéo binh xông ra mà trợ chiến.

Thủ-Thiệp đón Quế-Chi lại mà đánh, không cho ứng tiếp hai tướng mắc đánh vùi với nhau, Thủ-Thiệp đi tiếp Lý-Khuê không được, mà Quế-Chi đi tiếp Kiều-Thuận cũng không được.

Ngô Thứ-sử ở đại trại nghe báo binh giặc đã khai thành ra đánh phía đông môn, thì lật đật điểm binh kéo tới đó mà tiếp chiến. Phạm-bạch-Hổ can rằng: “Tôi biết rồi, trong thành gần hết lương nên chúng nó mới ra đánh. Đây là chúng nó muốn thử sức với mình, bởi vì mình vây thành đã hai tháng mà không đánh, chúng nó không hiểu ý gì, nên mới ra đánh thử, coi có phải là tại mình yếu sức hay không. Nếu thiệt quả mình yếu thì chúng nó sẽ thừa thế mà phá vây đặng vận lương còn nếu mình mạnh thì chúng nó rút vào thành mà cố thủ nữa. Vậy chẳng cần thượng-quan phải nhọc sức, xin để tôi dẫn 3 ngàn binh đến đông môn mà cự địch, thượng-quan cứ ở đại trại mà an nghỉ”.

Ngô Thứ-sử nghe lời bèn cấp cho Bạch-Hổ ba ngàn binh đặng đi tiếp cứu. Bạch-Hổ vừa đi khỏi trại thì Đỗ-Cảnh-Thạc vận lương đã về tới. Ngô Thứ-sử thuật sơ việc động binh cho Cảnh-Thạc nghe, rồi cấp cho Cảnh-Thạc ba ngàn binh và dạy đi vòng qua ba cửa coi hễ có giặc thì ứng tiếp. Cảnh-Thạc dẫn binh đi rồi, Ngô Thứ-sử ở trong trại ngồi đứng không yên, nên mặc chiến bào, mang cung đai kiếm, rồi ra trước cửa trại đi qua đi lại mà chờ tin.

Bạch-Hổ kéo binh vào gần tới đông môn, gặp Kiều-Thuận hãy còn đương rượt Lý-Khuê mà đánh, Kiều-Thuận thì đâm đánh hùng hào, coi sức còn khỏe lắm, còn Lý-Khuê ở trần mồ hôi ra như tấm, coi bộ đã mệt đuối rồi. Bạch-Hổ sợ Lý-Khuê bị hại nên quất ngựa xông riết tới rồi hét lên một tiếng nhắm ngay mặt Kiều-Thuận rồi đâm, Kiều-Thuận đỡ thương vẹt qua một bên, rồi bỏ Lý-Khuê day lại đánh với Bạch-Hổ. Hai tướng giao chiến, mũi thương qua, lưỡi đao lại, coi như sao chớp chim bay, kẻ đâm người đỡ, kẻ tới người lui, dường như hùm lăn phụng lộn.

Bạch-Hổ nhỏ vóc da trắng môi son, tráo trở rất gọn gàng.

Còn Kiều-Thuận vóc lớn, lông ngực râu rìa, bộ hùng-hào dữ tợn. Hai tướng càng đánh càng bội sức không ai chịu thua ai. Quân sĩ hai bên đương hỗn chiến, thấy vậy ai cũng đều khen ngợi nên ngừng tay ngó.

Ngô Thứ-sử thủ đại trại lấy làm nóng nảy trong lòng, nên sai quân đi dọ đặng về báo tin luôn luôn. Đến trưa quân về báo rằng Bạch-Hổ với Kiều-Thuận còn đánh nhau hoài chưa chắc ai ăn ai thua; Thủ-Thiệp cũng còn đánh với Quế-Chi, mà binh trong thành cứ ra phía đông nam mà tiếp chiến thêm hoài. Còn Cảnh-Thạc thì dắt binh đi vòng mấy cửa kia mà đốc chư-tướng vây chặt. Ngô Thứ-sử nghe báo như vậy, đứng suy nghĩ một hồi rồi truyền lịnh cho Cảnh-Thạc phải đem binh trợ chiến với Thủ-Thiệp, còn Lữ-Đường, Nhựt-Khánh, Đằng-Vân, Nguyễn-Siêu phải đốc binh công kích mấy cửa khác.

Thủ-Thiệp đương đánh với Quế-Chi, bỗng đâu Cảnh-Thạc kéo binh tới rồi ào vô mà tiếp chiến. Thủ-Thiệp dang ra mà nghỉ, để cho Cảnh-Thạc giao phuông với Quế-Chi. Quế-Chi giao chiến từ sớm mơi cho đến trưa đã mõi mệt rồi, lại gặp Cảnh-Thạc còn khỏe sức đánh rất dữ-dội thì chịu không muốn nổi nữa. Tuy vậy Quế-Chi cũng nỗ lực đánh hoài mà không chịu chạy. Lúc ấy nghe mấy mặt thành khác trống dóng vang, quân la dậy đất, rồi lại nghe trong cửa đông chiên dóng thâu quân. Quế-Chi không hiểu binh có nguy biến chỗ nào, tưởng là Ngô binh thừa dịp mình khai thành ra đánh phía đông môn chúng nó liền dốc quân công phá mấy cửa khác, trong thành không còn đủ binh mà chống cự nên mới dóng chiên thâu quân, bởi vậy lật đật thâu quân rồi nhắm cửa thành mà chạy vào. Cảnh-Thạc thấy Quế-Chi chạy thình lình thì chưng hửng nên không rượt, may có Thủ-Thiệp lẹ tay rút cung tên ra bắn theo mấy mũi mà không trúng mũi nào hết.

Kiều-Thuận đương đánh với Bạch-Hổ bỗng nghe trong cửa dóng chiên thâu quân, rồi lại thấy hậu đội của Quế-Chi cũng đã đổ vào thành, liệu mình thắng Bạch-Hổ không dễ gì, mà nếu mình trì huỡn thì cô-thế chẳng khỏi bị vây, bởi vậy cũng dạy dóng chiên rồi dắt quân nhắm đông môn mà chạy vào. Bạch-Hổ với Lý-Khuê thừa thế đốc quân đuổi theo. Cảnh-Thạc với Thủ-Thiệp còn đương dụ dự không biết phải rượt theo Quế-Chi rồi công phá đông môn luôn, hay là phải trở ra ngoài mà trợ chiến với Bạch-Hổ, bỗng đâu Kiều-Thuận dẫn quân chạy tới, hai tướng mới phân binh mà cản lộ. Kiều-Thuận hăm hở như thường, chẳng có sắc sợ chúc nào, thấy hai tướng cản lộ thì huơi đao xốc tới mà đánh. Hai tướng cản không nổi nên phải dang ra mà tránh, rồi mới đốc quân cản quân Kiều-Thuận. Kiều-Thuận thấy vậy nổi giận liền quay ngựa trở lại mà rượt hai tướng. May lúc ấy Bạch-Hổ đã rượt vừa tới, gặp Kiều-Thuận đương hung hăng mới xốc vào mà đánh, rồi Cảnh-Thạc với Thủ-Thiệp cũng trở lại mà tiếp chiến nữa. Kiều-Thuận đánh với Bạch-Hổ vài hiệp rồi rút mà chạy vào thành. Bạch-Hổ dẫn các tướng rượt theo, quyết thừa thắng mà nhập thành luôn, chẳng dè Kiều-Thuận vô khỏi cửa rồi thì cửa thành đóng chặt, quân trên thành bắn tên xuống như mưa, Bạch-Hổ với chư tướng lại gần không được mà phá cửa, túng thế phải rút binh ra đóng trên bờ đê như cũ.

Lữ-Đường, Nhựt-Khánh, Đằng-Vân và Nguyễn-Siêu vưng lịnh Ngô Thứ-sử nên dóng trống đốc binh áp vào công phá phía tây, nam và bắc môn, song hễ lại gần thì trên địch lầu tên bắn xuống nà quá không thể nào công phá được, còn tính trèo lũy thì bị hào sâu nước đầy quân qua cũng không được, nên làm náo động một hồi rồi cũng phải thâu quân ra đóng trên bờ đê mà vây.

Bạch-Hổ với Cảnh-Thạc coi cho chư tướng đâu đó đều vây thành như cũ rồi, mới dắt nhau về đại trại. Ngô Thứ-sử ra trước cửa trại tiếp rước hai tướng mà nói rằng: “Phạm-tướng-quân thiệt là đệ nhứt anh hùng, nếu không có tướng-quân thì có ai mà đánh thối Kiều-Thuận cho nổi. Còn Đỗ-tướng-quân cũng thiệt là lẹ làng nếu tướng-quân trì huởn sợ e Thủ-Thiệp thất bại; mà nếu Thủ-Thiệp thất bại thì Quế-Chi tiếp Kiều-Thuận rồi các đạo binh của mình cũng khó vững”. Bạch-Hổ thưa rằng: “Tôi tính thừa thắng mà hãm thành luôn, ngặt binh đánh cả ngày mệt mỏi, nên ào vô cửa không kịp, lại trên thành tên bắn lung quá, túng thế phải lui”. Cảnh-Thạc lại tiếp mà nói rằng: “Thượng quan liệu kế hay quá nếu binh ta vây mấy cửa mà không dấy lên công phá một lượt, thì ở đông môn cũng chắc thắng chúng nó được, binh ta khó có cái thế mạnh ấy được bởi vì trong thành nó cứ xua binh ra trợ chiến thêm hoài. Mà tôi còn tiếc một đều là trong ba cửa kia nếu phá được một cửa thì chắc là hạ thành được, bởi vì chúng nó áp qua đông môn hết, hễ binh ta lén vào thì còn ai mà chống cự”. Ngô Thứ-sử cười mà nói rằng: “Ban đầu tôi tính dạy công phá hẳn hòi, coi cửa nào yếu thì công riết mà hãm thành. Chừng tôi thấy mấy cửa chúng nó đều phòng bị chắc chắn không thể nào công nổi, tôi mới làm nghi binh cho chúng nó rút bớt binh vào mà giữ đặng phía đông môn mõn binh các tướng thắng cho dễ”.

Ngô Thứ-sử dạy Bạch-Hổ với Cảnh-Thạc vào trại mà nghỉ rồi cỡi ngựa đi vòng các trại, đến đâu cũng đều an ủi tướng sĩ. Ngô Thứ-sử nghe nói Triệu-Tấn tử trận thì thương tiếc vô cùng, dạy quân tìm tử thi rồi mai táng rất tử tế.

Còn Kiều-Thuận với Quế-Chi thâu quân nhập thành rồi liền đốc sức tướng sĩ trương cung nỏ mà bắn đặng cho binh nghịch không phá được. Chừng ngoài thành binh giặc đã rút ra bờ đê mà đồn trú, Kiều-Thuận mới ra mắt Công-Tiện và hỏi rằng: “Binh ta còn hâm hở mà giao chiến, chưa có mòi thất bại, vì cớ nào nhơn huynh lại dóng chiên thâu quân?”.

Công-Tiện đáp rằng: “Em không rõ, số là trong lúc em với Quế-Chi đương cầm binh mà phá vây ngoài đông môn thì ba cửa kia thình lình binh nghịch dóng trống van rân rồi xông vào công phá, ta lật đật phân binh ngăn cự, song một mình ta làm sao mà đốc sức luôn ba cửa cho được, bởi vậy ta sợ thất nên ta mới dạy dóng chiên thâu quân, đặng hai tướng trở vào hiệp lực với ta mà gìn giữ”.

Kiều-Thuận nghe nói thì cười mà đáp rằng: “Nhơn huynh nhát quá! Trước khi xuất binh tôi đã có sắp đặt rồi, tôi dặn quân sĩ giữ tây nam và bắc môn cho chặt. Thành Đại-La nầy ai làm sao mà phá nổi, ở trong một người giữ, ở ngoài dầu 10 người cũng không phá được, có chi đến hại mà sợ. Chớ chi nhơn huynh ở trong lo gìn giữ mấy cửa, thì tôi với Quế-Chi ắt sẽ thắng được mà hễ thắng được một đạo rồi thì tôi với Quế-Chi sẽ phân binh mà phá mấy đạo khác, trong một trận thì thấy chúng vỡ tan, tôi giải trùng vi được rồi”.

Công-Tiện mắt liếc Kiều-Thuận, miệng chúm-chím cười mà nói rằng:

-   Thôi, cậu đừng nói giỏi. Phải thắng được thì từ tảng sáng cho tới chừng đó đã thắng rồi.

-   Thiệt Ngô-Quyền nó có một thằng tướng nào đó không biết còn nhỏ mà giỏi quá! Nếu không có thằng đó có ai à cự với tôi cho nổi, tôi quyết sẽ đối địch với thằng đó một lần nữa.

-   Thôi, phải nghe lời ta mà chờ binh Tàu ứng tiếp mới xong. Ta nhứt định cấm nhặt không cho xuất binh giao chiến nữa.