Toan cướp trại, Kiều binh thọ hại
Xem sa trường,Thứ-sử thương tâm.
Ngô-Quyền dẫn đại binh với tả hữu lưỡng dực lúc-thúc đi sau, chiều bữa ấy được tin báo rằng Nguyễn-Siêu đi gần tới Đại-La, không dè Kiều-công-Tiện phục binh trước nên phải bại trận, quân 10 phần còn có 2 phần mà Nguyễn-Siêu lại bị thương nữa. Ngô-nhựt-Khánh đem binh tới tiếp cứu, quả bất năng địch chúng, nên cũng bại trận, may nhờ có Bạch-Hổ với Lữ-Đường cứu Cảnh-Thạc rồi dắt nhau xuống Đại-La tính ứng tiếp Ngô Thứ-sử, tới đó gặp hai tướng đương nguy khổn bèn nỗ lực ra oai đánh binh giặc thối vào thành nên cứu hai tướng mới khỏi nạn. Ngô Thứ-sử nghe báo cả kinh, liền truyền lịnh cho chư tướng phải đi riết, vì sợ trì huỡn thì tiền đạo ắt sẽ bị hại nữa.
Trời đã chạng vạng tối mà đại binh cũng chưa đến. Đỗ-cảnh-Thạc có ý lo sợ, bèn mời chư tướng nhóm lại rồi nói rằng: “Binh của Ngô Thứ-sử chưa tới, binh của chúng ta còn lại đây không đầy năm ngàn, mà lớp thì đi đường mới đến, lớp thì bị chiến đấu cả ngày nên mệt mỏi hết thảy, Kiều-công-Tiện mới thắng ta được một trận, binh tướng đều hiêu-hiêu tự-đắc chắc sao đêm nay chúng nó cũng kéo tới mà cướp trại ta, vậy xin chư vị tướng quân phải liệu kế đề phòng, nếu lơ đỉnh sợ chẳng khỏi hại lớn”. Phạm-bạch-Hổ cùng các tướng đều khen phải, liền bàn tính với nhau rồi nhứt định chia quân ra. Bạch-Hổ dẫn một đạo binh đi núp trước trại phía bên tả, Lữ-Đường dẫn một đạo binh đi núp trước trại phía bên hữu, còn Cảnh-Thạc với Nhựt-Khánh mỗi người dẫn một đạo binh mà đi núp phía sau trại, Nguyễn-Siêu đi theo vòng binh của Nhựt-Khánh, còn trại thì đốt đèn sáng trưng, song bỏ không, chỉ có vài tên quân ở đó đánh trống canh cầm chừng mà thôi.
Các tướng phân binh mai phục xong rồi tới đầu canh ba, bóng thỏ bạc rạng ngời mặt đất, ngọn gió vàng hiu hắt đầu nhành, từ trong rừng ra cho tới ngoài ruộng thảy đều lặng lẽ chỉ có tiếng vạc bay đi kiếm ăn nên kêu oạt oạt trên trời với tiếng quân sa trường bị bịnh nên than rỉ-rả trong cỏ mà thôi. Thình lình Kiều-Thuận với Lưu-Định mỗi người dẫn một đạo binh chừng một ngàn người, mở cửa thành kéo ra không dóng trống, không phất cờ, nhẹ bước lặng thinh kéo tới trại của Ngô binh mà xông vào cướp phá. Lưu-Định đi trước, Kiều-Thuận theo sau, sấn tới cửa trại thấy đèn đuốc huy-hoàng mà không có binh tướng chi hết, biết đã trúng kế nên lật đật thối lui. Hai tướng vừa mới quay ngựa thì nghe tứ bề trống dóng vang tai, trước mặt thì Bạch-Hổ với Lữ- Đường hai bên kéo binh xông ra mà cản lộ, sau lưng thì Cảnh-Thạc với Nhựt-Khánh hai bên cũng kéo binh ào tới mà công kích.
Kiều-Thuận với Lưu-Định cả kinh nên liều chết đánh dẹp đường mà chạy. Lưu-Định gặp Bạch-Hổ đánh mới vài hiệp bị Bạch-Hổ bắt được; còn Kiều-Thuận gặp Lữ-Đường hai tướng giao phuông với nhau đã hơn 10 hiệp mà chưa phân thắng bại. Bạch-Hổ bắt Lưu-Định giao cho quân giữ rồi rồi xông ra tiếp chiến với Lữ-Đường. Kiều-Thuận thấy Bạch-Hổ xốc tới liệu khó mà cự với hai tướng cho nổi, nên quất ngựa chạy dài. Hai tướng đuổi riết theo, Kiều-Thuận túng thế mới bỏ ngựa chạy vào rừng mà trốn mất. Cảnh-Thạc với Nhựt-Khánh kéo binh tới rồi bốn đạo binh hiệp lại đánh binh của họ Kiều lớp thì chết lớp thì hàng đầu hết. Bốn tướng rượt gần tới cửa thành, trời đã bình minh, mới thâu quân trở về trại.
Kiều-công-Tiện hay hai đạo binh đi cướp trại bị ngụy kế, Lưu-Định đã bị bắt còn binh thì tiêu điều hết, đương ngồi ta thán, bỗng thấy Kiều-Thuận trở về, bước tới trước bệ mà chịu tội. Công-Tiện bước xuống đỡ dậy mà nói rằng: “Lỗi nầy tại ta, chớ không phải tại ngươi. Ta sai ngươi với Lưu-Định đi cướp trại, mà ta không đề phòng để cho Lưu-Định bị bắt, còn ngươi cũng gần thọ hại, ta nghĩ lại ta ăn năn vô cùng. Thôi ngươi hãy về dinh mà nghỉ, để rồi ta sẽ liệu kế mà phá giặc”.
Công-Tiện nói vừa dứt lời, lại thấy Kiều-công-Hãn ở ngoài bước vào, mặt mày nhăn nhó, quần áo tả tơi, biết việc đi dẹp Cảnh-Thạc chắc là chẳng thành, nên đùng hỏi rằng: “Còn tai họa gì nữa đó hay sao?” Công-Hãn quì xuống mà tỏ hết đầu đuôi sự vây Đỗ-cảnh-Thạc, phá thành gần được chẳng may có hai tướng ở đâu không biết, kéo binh tới giải cứu, một mình chống cự không nổi, phải bỏ quân sĩ đạp đường rừng trốn mà trở về Đại-La.
Công-Tiện nghe nói nổi giận vỗ bàn đập ghế mà la rầy rằng: “Mi là đồ vô dụng; ta cho mi học tập nghề văn nghiệp võ thuở nay, tưởng là mi dầu không hơn đi nữa thì cũng bằng người ta. Té ra sai mi đi đánh Cảnh-Thạc, là một việc dễ hết sức, mà mi để cho thất bại, thế thì còn dùng mi vào chỗ nào nữa được”. Công-Tiện dạy võ sĩ dắt Công-Hãn ra trước cửa thành mà chém, đặng làm oai với chư tướng. Chư tướng thấy Công-Tiện nghiêm quân lịnh quá như vậy ai cũng kinh tâm, song gượng gạo áp vô quì mà xin tội giùm cho Công-Hãn, nói rằng trong việc dụng binh nếu có thắng thì tự nhiên phải có bại; nay gặp giặc đã tới ngoài thành mà ở trong mình lại chém tướng, thế thì còn ai mà chống cự với giặc. Công-Tiện ngồi suy nghĩ một hồi rồi dạy dắt Công-Hãn trở vô mà nói rằng: “Vì có lời chư tướng can gián nên ta tha tội cho mi, song nếu từ nầy về sau mi còn lôi thôi, không tận tâm mà điều đình quân vụ thì ta sẽ chém đầu, chẳng tha nữa”. Công-Hãn cúi lạy cha rồi lui ra. Công-Tiện dạy chư tướng phải hết lòng mà lo phòng bị, hâm rằng nếu ai giải-đãi thì sẽ chém mà răng kẻ khác.
Trưa bữa ấy, đại binh của Ngô-Quyền đã kéo tới. Bọn Cảnh-Thạc, Bạch-Hổ, Lữ-Đường, Nguyễn-Siêu và Nhựt-Khánh tề tựu trước trại mà nghinh tiếp. Ngô-Quyền bổn bộ chư tướng bước tới chào mừng. Cảnh-Thạc ngợi khen Bạch-Hổ với Lữ-Đường đã có công giải cứu Đỗ-động-Giang mà lại còn có tài đánh thối binh Kiều-công-Tiện, rồi day qua ngó thấy Nhựt-Khánh với Nguyễn-Siêu đứng gụt mặt xuống đất không dám ngó ngay, bộ coi hỗ thẹn về sự thất bại lắm, thì động lòng, bèn bước lại gần mà an ủi rằng: “Nguyễn tướng quân bị thương nặng hay là nhẹ? Hai tướng còn sống mà thấy mặt nhau đây thiệt lấy làm may, chớ ta nghe nói hai tướng trúng kế như vậy thì ta sợ một tên quân cũng không thoát khỏi được. Thôi, Nguyễn tướng quân phải lo thuốc men đặng cho thương tích mau lành, còn Ngô-tướng quân chớ khá buồn lòng, trận nầy rủi thất thì còn trận khác, không can chi mà ngại”.
Nhựt-Khánh với Nguyễn-Siêu xá quan Thứ-sử mà tạ ơn; chư tướng ai nghe mấy lời nhơn huệ như vậy cũng đều cảm xúc trong lòng. Nhơn dịp ấy Đỗ-Cảnh-Thạc liền thuật chuyện Kiều-Thuận với Lưu-Định hồi hôm lén dẫn quân cướp trại lại cho Ngô Thứ-sử nghe, rồi dạy dắt Lưu-Định đem ra cho người phân xử, Ngô Thứ-sử mừng rỡ hết sức, ngó chư tướng mà nói rằng: “Các ngài giỏi quá! Đã thất rồi mà làm cho thắng được, mình thế yếu mà làm ra mạnh, dụng binh như vậy thì còn ai hơn được. Ta được các ngài giúp thì có lo chi sự báo thù không xong”.
Ngô Thứ-sử ngó thấy quân dắt Lưu-Định đem ra thì đổi vui làm giận mà hỏi rằng: “Mi giúp kẻ quấy mà làm quấy, tội mi đáng giết rồi cắt đầu bêu lên đặng răn muôn chúng, mi có biết chăng?” Lưu-Định ngước mặt, vinh râu mà ngó Ngô Thứ-sử lườm lườm, coi chẳng có chút chi sợ sệt hết. Ngô Thứ-sử liếc thấy như vậy mới bước lại gần mà nói tiếp rằng: “Đến nước nầy mà mi cũng chưa biết ăn năn nữa sao? Dương-tiên-Công ngày trước có công đánh đuổi Lý-Tấn với Lý-khắc-Chánh về Tàu mà cứu dân trong xứ khỏi tai ương đồ thán, ấy chẳng phải là đại ân-nhơn của dân của nước hay sao? Kiều-công-Tiện là đứa tham danh mê lợi, không niệm suy ơn trước nghĩa sau, ăn cơm của người rồi trở lại phản người, hết thảy dân chúng ai nghe Công-Tiện giết Dương-tiên-Công mà đoạt quyền thì cũng đều ngậm hờn ôm oán. Mi là người An Nam, ví dầu mi không có chịu ơn riêng của Dương-tiên-Công đi nữa, thì cha mẹ bà con mi cũng nhờ có Dương-tiên-Công nên mấy năm nay mới được an cư lạc nghiệp, mới khỏi bị người Tàu họ mạ nhục hiếp đáp; vậy thì mi thấy Kiều-công-Tiện sanh tâm bất chánh, mi phải hiệp với công chúng mà diệt tru mới phải nghĩa, chớ sao mi lại xu-phụ theo đứa bất lương mà chống cự với kẻ hảo tâm. Nếu ngày nay là ngày mi gần chết, mà mi không biết ăn năn, thì thiệt rõ ràng mi là đứa thất-phu, chớ không phải là người nghĩa-sĩ”.
Lưu-Định nghe Ngô Thứ-sử nói thì lần lần xụ mặt gục xuống đất chớ không dám ngó nữa, rồi hai hàng nước mắt chảy rưng rưng. Ngô Thứ-sử liếc thấy, bèn nói tiếp rằng: “Nếu mi ăn năn, cải tà quy chánh, bỏ kẻ phản loạn theo mà giúp ta, thì ta tha tội cho mi, còn nếu mi nịch thói gian tà, không biết nghe lời trung nghĩa, thì ta sẽ dạy phân thây mi, đặng bớt một đứa bất chánh”.
Lưu-Định bước tới mà đáp rằng: “Thưa ngài, chẳng phải tôi sợ chết, đứng trượng-phu nếu chết vì nghĩa thì có sợ gì. Nhưng vì ngài nói nãy giờ cũng như ngài vén ngút mây cho tôi xem thấy trời xanh, bởi vậy cho nên tôi cảm tình ngài chẳng biết lấy chi mà tỏ ra cho rõ được. Thưa ngài, thiệt tôi cũng muốn cải tà qui chánh, ngặt vì tôi đã thờ lầm Kiều-công-Tiện rồi, bây giờ không lẽ tôi phản nó mà theo ngài được. Vậy tôi xin ngài giết giùm tôi đặng bảo toàn danh tiết cho tôi, chớ ngài để tôi còn sống, nếu tôi theo ngài thì tôi mang tiếng phản thần, còn nếu tôi theo Công-Tiện thì tôi lại mang danh bất nghĩa. Xin ngài xét lại rồi làm ơn giùm cho tôi”.
Ngô Thứ-sử nghe nói như vậy liền dạy quân mở trói cho Lưu-Định rồi nói rằng: “Tướng-quân như vậy mới đáng mặt trượng phu. Tướng-quân đã ăn năn rồi, nếu ta còn giết tướng-quân, thì ta mang tiếng bất nghĩa. Vậy ta tha tội cho tướng-quân; tướng-quân muốn theo giúp ta hay trở về Đại-La tự ý, ta không ép uổng, mà cũng không ngăn cản”. Lưu-Định đáp rằng: “Ngài lấy lòng quân-tử mà đãi tôi, thì tôi cũng nguyện lấy lòng trượng-phu mà đáp với ngài. Thưa ngài, những lời vàng ngọc ngài nói với tôi nãy giờ đó tôi tạc dạ ghi xương mà nhớ hoài. Có lẽ ngày sau tôi sẽ có dịp đền ơn đáp-nghĩa”.
Lưu-Định nói dứt lời rồi xá Ngô Thứ-sử mà đi; chư tướng đứng ngó nhau chưng hửng. Phạm-bạch-Hổ thưa rằng: “Đã bắt được mãnh hổ rồi mà ngài lại thả đi, tôi sợ ngài làm như vậy rồi ngày sau chúng ta ăn năn lắm đó ngài”. Ngô Thứ-sử cười mà đáp rằng: “Người đã ăn năn rồi nếu ta hẹp lượng đem chém đi thì ắt chẳng khỏi lời dị nghị. Lưu-Định là đứng anh hùng, không có lòng phản ta đâu mà tướng-quân phải sợ”.
Ngô Thứ-sử truyền lịnh đồn binh hạ trại, dặn Trần-Lãm phải lo đề phòng đường sông, còn chư tướng thì dạy dẫn quân đi đóng, kẻ tiền người hậu, kẻ tả người hữu, đại binh ở giữa, mỗi đạo binh đều phải lo canh gác cho nghiêm nhặt. Đến chiều mấy đạo binh đều an dinh hạ trại xong rồi hết. Ngô Thứ-sử cho đòi Đỗ-Cảnh-Thạc đến trại của mình, rồi mang cung đai kiếm mỗi người cỡi một con ngựa mà đi xem địa thế.
Mặt trời gần lặn, tà tà ngả bóng về tây. Trên mấy triền núi, cây cội rước yến sáng nên chỗ đỏ lòm như lửa cháy, còn chỗ thì mù mịt như khói bay. Chim thấy trời gần tối rồi, nên đoàn ba lủ bảy ở ngoài trảng bay về rừng, Con thì kêu cheo-chét dưới mây xanh, con thì luyện vởn vơ trên nhành thắm.
Ngô Thứ-sử với Đỗ-Cảnh-Thạc thủng thẳng nhắm đường về thành Đại-La mà đi, ngựa chống vó lần theo mé rừng thong thả bước, người gò cương trông chừng trước mặt nhiếu nhăn mày; bên tai nghe suối khóc dế than, quanh mình thấy gió đàn cây múa. Hai người cứ ngó tới mà đi, trong lòng ngổn ngang trăm mối, nên không nói chuyện chi hết. Đi được một khúc xa xa, mặt trời chen đầu non chồi lên hụp xuống, cỏ cây hiu-hắc, đường sá im-lìm, ngó về mấy trại thì quân nhúm lửa nấu cơm, khói bay lộn với mây xanh, còn trông ra Đại-La thì thành đồ sộ xa xa, dạng lờ mờ bên giòng bích.
Ra tới mé rừng là chỗ Nguyễn-Siêu trúng kế bữa trước, mà cũng là chỗ Lưu-Định bị bắt hồi hôm, Ngô Thứ-sử mới gò cương ngựa đứng lại mà xem chiến địa. Trong rừng cao ngoài đồng ruộng, u-sầu cảnh tượng, âm khí nặmg nề. Mấy đám dâu còi tan tác, cây gãy nhành, cây đổ lá, dường như ai cầm dao chặt đốn đặng hạ sắp nông-phu; và khoảnh ruộng lúa tả-tơi, bụi ngả tới, bụi ngả lui; dường như ai thả trâu đi càn không biết yêu hột thóc. Từ trên bờ dâu xuống tới ruộng lúa, thấy quân sĩ còn nằm lển-nghểnh, người thì gãy tay té nằm bên mé bờ, nhắm mắt an một giấc ngàn thu; kẻ thì đổ ruột vịn đứng dựa gốc cây, nhăn răng giận trăm năm một phút! Xa xa thấy dạng người thẩn thơ trên bờ cỏ, ấy là chúng cha già tìm con coi thây dật lạt chỗ nào; văng vẳng nghe tiếng khóc rỉ rả dưới gốc cây, ấy là vợ yếu tiếc chồng, vì nguồn ái-ân khó lấp. Dưới chơn rải rác gươm đao bỏ cùng trên mặt đất, cái lấm bùn, cái vấy máu, nằm ngang dọc dựa bên thây; trên đầu sập sập dều quạ quẩn theo người kiếm ăn, con đáp xuống con cất lên, bay vởn vơ gần trước mặt.
Ngô Thứ-sử thấy cảnh chiến trường buồn thảm như vậy, thì trong lòng đau đớn vô cùng, bởi vậy cho nên giọt lụy tuông rơi, rồi ngó ngay ra thành Đại-La dơ roi lên chỉ mà nói rằng: “Bớ Kiều-công-Tiện, vì mi mà khiến cho ruộng vườn tan nát, khiến cho một nòi một giống phải đâm chém nhau đến đỗi thây nằm đầy đồng, máu chảy thành vũng như vầy, mi có biết chăng? Ta nguyện sẽ giết mi mà tạ u-hồn quân sĩ chết oan nơi chiến địa nầy!”.
Ngô Thứ-sử muốn đi thẳng tới trước thành Đại-La dọ coi thế lực của giặc thể nào. Cảnh-Thạc cản không cho đi, vì sợ rủi gặp binh nghịch đi tuần, thì khó mà tránh cho khỏi được. Hai người mới dắt nhau trở về trại. Ngô-Quyền chong đèn ngồi mà vận trù kế sách, tính coi phải làm thế nào mà hạ thành đặng bắt Kiều-công-Tiện cho mau. Phạm-bạch-Hổ dẫn quân đi tuần, ngang qua trại Ngô Thứ-sử thấy trong trướng còn chong đèn, ghé lại hỏi thăm thì quân canh cửa nói rằng quan Thứ-sử còn thức. Bạch-Hổ mới xin vào mà nói chuyện. Ngô Thứ-sử ra tiếp Bạch-Hổ vào trại rồi hỏi rằng: “Tướng-quân nửa đêm đến trại ta, chẳng hay tướng-quân có việc chi muốn tỏ với ta chăng?”
Bạch-Hổ thưa rằng: “Thưa thượng-quan, tôi vào đây có ý muốn hỏi coi thượng-quan đã liệu việc giao chiến hay chưa, chớ binh ta đây người người còn đương hăn hái, nếu trì huỡn thì sợ e quân tâm dãi đãi rồi khó mà thủ thắng được”. Ngô Thứ-sử gặt đầu rồi đáp rằng: “Tướng-quân liệu như vậy phải lắm. Ta đương tính việc giao chiến đây. Chẳng hay tướng-quân có biết chước chi hạ thành mà ít hao binh tổn tướng hay không”.
- Phàm đánh giặc thì phải chết chớ làm sao mà khỏi hao binh tổn tướng cho được.
- Vì một thằng thất phu Công-Tiện mà phải chết đến ngàn muôn người thiệt ta lấy làm đau lòg quá!
- Thượng quan là người có nhơn nên không muốn tàn hại sanh linh, cái lòng nhơn của thượng quan đó thiệt tôi kính phục lắm. Song tôi xin thượng quan đừng có thổ lộ cho chư tướng biết, bởi vì nếu họ biết rồi sợ họ sẽ dãi đãi không tận tâm tận lực nữa.
- Tướng-quân nói như vậy thì tướng-quân chưa rõ ý ta. Ta thấy quân sĩ vì báo thù giùm cho nhạc-phụ ta mà phải vong thân nơi chiến địa, nên ta đau lòng đó mà thôi chớ nào phải đem binh đến đây rồi ta ngã lòng thối chí hay sao. Ta tính mai ta viết thơ rồi sai người đem vào thành mà bắt tội Kiều-công-Tiện. Nếu nó biết lỗi, bó tay chịu tội, thì quân sĩ khỏi nhọc sức. Chừng nào nó quyết chống cự không chịu hàng đầu thì ta sẽ phát binh vây thành mà công kích.
Bạch-Hổ nghe nói lấy làm cảm phục, nên kiếu quan Thứ-sử mà về trại, trong lòng khen thầm hoài.