Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín

Toàn bộ với dạng PDF

Ở Theo Thời

Phần Ba 

            Một buổi chiều, ăn cơm rồi, thầy Phát cũng đi hứng mát mà bữa nay thầy lại đi theo con đường Rạch Lọp. Bữa ấy nhằm mười bốn An nam, nên mặt trời lặn rồi, thì mặt trăng đã mọc lên tỏ rạng.

            Thầy Phát ra khỏi châu thành đứng ngó mông. Cả đồng lúa đương nở, một màu xanh lặc lìa, lại gió thổi ngọn phất phơi dường như dợn sóng. Trên trời mặt trăng soi sáng, làm cho cảnh thêm vui, thêm mát vô cùng. Thầy Phát đứng ngó một hồi, trong lòng thầy thơ thới, rồi lại cảm xúc, nhớ những việc đã qua, lo nhưng chuyện sẽ tới, buồn tấm thâm côi cút, mừng chút phận ấm no. Thầy đương bàng hoàng thình lình có một người cỡi xe trong chợ đi ra, ngó thấy thầy thì liền nhảy xuống mà hỏi rằng: "Thầy làm giống gì mà đứng đó vậy thầy nhứt?"

            Thầy Phát bước tới nhìn kỹ thì ra là thầy giáo Thủ, dạy lớp chót. Hai người chào mừng nhau rồi thầy Phát hỏi rằng:

-         Thầy đi đâu đây?

-         Tôi về nhà tôi.

-         Nhà thầy ở gần hay xa? Tôi nghe nói thầy ở ngoài nầy mà chưa biết chỗ nào.

-         Nhà tôi ở phía trước kia, còn chừng bốn năm trăm nữa mới tới. Ðó, chỗ cái đèn mình ngó thấy đó.

-         Xa dữ há.

-         Có xa gì đâu. Thường thường tôi đi xe máy chừng mười lăm phút.

-         Tan học từ hồi chiều, mà tới bây giờ mới về hay sao?

-         Tôi mắc ghé trong chợ chơi. Mời thầy đi thẳng ra nhà tôi chơi cho biết nhà.

-         Xa quá, sợ về khuya lắm.

-         Trời có trăng, mà sợ giống gì. Thầy không dám về thì tôi đưa về. Tôi về ăn cơm rồi còn trở vô chợ nữa.

            Thầy Phát thầm nghĩ từ ngày mình lại Tiểu Cần mình chưa đi thăm thầy Thủ. Vậy mình cũng nên thừa dịp nầy mà đi thăm cho đủ lễ. Thầy chịu đi, rồi hai người thủng thẳng và đi và nói chuyện chơi.

            Thầy giáo Thủ ở một cái nhà lá ba căn xông[1] đầu trên, phía mặt trời lặn, lại có cất một cái nhà cũng lợp lá song rộng lớn, một khúc để chứa lúa còn một lúc để nấu ăn. Trước nhà có một cái sân. Cái sân ấy chạy ra sát mí lộ vì chủ nhà muốn phân biệt nên có trồng một hàng cây bông bụp để làm hàng rào, lại có làm cửa ngõ, tối khép lại, đặng cho kẻ đi đường khỏi trà trộn vào sân.

            Thầy giáo Thủ dắt khách về tới nhà, khi bước vô sân, thì có một cặp chó ở trong nhà chạy tuôn ra sủa om sòm. Thầy nạt một tiếng, cặp chó nín sủa, rồi lại ngoắt đuôi mừng. Bỗng nghe trong nhà có tiếng đờn bà nói rằng: "Dữ hôn! Tan học hồi bốn giờ rưỡi, mà bảy tám giờ mới về tới nhà. Quàn[2] măm cơm nguội lạnh hết, ăn giống gì được".

            Thầy Phát nghe tiếng nói, thầy ngó vô nhà thiệt quả thấy một người đờn bà đương nằm trên ván mà chơi với con nhỏ chừng vài tuổi, dựa bên có có để một cây đèn sáng hoắc.

            Thầy Thủ dựng xe máy ngoài cửa và kêu vợ và nói rằng: "Mình a, có thầy giáo nhứt ra thăm đây. Biểu bầy trẻ nấu nước uống". Người đàn bà ấy lồm cồm ngồi dậy thì hai thầy bước vô nhà. Thím giáo tay bồng con, tay bưng đèn đem bỏ trên bàn, rồi ngó thầy Phát và cúi đầu chào rằng: "Hổm nay thầy bầy trẻ nói có một thầy mới đổi lại còn nhỏ mà giỏi lắm, ông Ðốc cắt dạy lớp nhứt. Té ra thầy đây há?"

            Thầy Phát cúi đầu đáp lễ và cười và nói rằng: "Thưa phải; phải là tôi mới đổi lại, và ông Ðốc cắt tôi dạy lớp nhứt. Còn cái câu thím nói tôi giỏi đó, thì tôi không dám lãnh, bởi vì tôi tưởng có may lắm là tôi bằng mấy thầy giáo khác, chớ có gì đâu mà gọi rằng giỏi".

            Thầy Thủ mời khách ngồi và cũng cười mà nói rằng: "Thầy khéo khiêm nhượng thì thôi! Nội trường nầy không phải thầy giỏi hơn hết hay sao? Ai cũng biết hết..."

            Thím giáo tiếp mà nói rằng: "hổm nay trong chợ người ta đồn rùm, ai lại không biết. Thầy còn nhỏ, mà học giỏi; thiệt là quý quá!" Thiếm lại day vô buồng, kêu mà nói rằng: "Ba à, mở tủ lấy gói thuốc đem ra đây em. Gói thuốc Job qua để ngăn trên đó".

            Thầy Phát được khen rồi, thầy lấy làm ái ngại, nên ngồi bợ ngợ không biết chuyện gì mà nói. Thầy giáo Thủ lăng xăng, vặn đèn lên cho sáng, rồi quét bụi đóng trên bàn. Còn thím giáo bồng con vô buồng. Bỗng nghe trong buồng có tiếng nói chuyện rầm rì, rồi lại nghe tiếng chuông leng keng mở tủ. Cách một lát có một cô gái trạc từng mười tám, mười chín tuổi, mặc một cái áo lụa trắng còn mới tinh, ở trong buồng bước ra, cúi đầu chào thầy Phát, để gói thuốc Job trước mặt rồi quày quả trở vô. Thím giáo đi theo sau cô ấy thím liền nói rằng: "Con nầy là con em tôi đó đa, thầy nhứt". Thầy Phát gặc đầu và chúm chím cười, chớ không biết lời chi mà đáp. Thầy ngồi một hồi rồi cáo từ mà về. Vợ chồng thầy Thủ ân cần cầm ở lại đặng làm vịt dọn cơm ăn. Thầy Phát nói rằng thầy đã ăn cơm rồi, không thể ăn nữa được. Thầy Thủ liệu thế khó mời ăn uống; thầy bèn nói rằng: "Thôi, như thầy ăn cơm rồi, thì thầy cũng ngồi chơi, đợi tôi ăn ba hột rồi tôi đưa thầy về; tôi còn trở vô chợ có chuyện riêng".

            Thầy Phát nghe như vậy thầy mới chịu ở lại chơi mà chờ. Thầy Thủ cáo lỗi xuống nhà sau dùng cơm. Thầy Phát ngồi ở nhà trên một mình buồn, thầy bèn lấy một cuốn sách mở ra coi. Thình lình cô gái hồi nãy đó xách bình trà lên, đứng rót một tách mời thầy uống. Thầy chỉ nói có hai tiếng "cám ơn" rồi cứ coi sách. Thầy Thủ ăn cơm rồi, hai người đề huề dắt nhau trở vô chợ.

            Chuyện thầy Phát đến nhà thăm thầy Thủ chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, nhưng mà qua ngày sau, đến giờ chơi buổi chiều, thầy nhì Hạp lại vỗ vai thầy Phát mà hỏi rằng: "Nghe nói hồi hôm đon đi coi em vợ của M. Thủ, vậy mà đon bằng lòng hay không?"

            Thầy Phát chưng hửng, nghe thầy Hạp mà nói rằng:

-         Hồi hôm nhân dịp đi chơi tiện đường, tôi đi theo M. Thủ ra thẳng ngoài nhà thẩy mà thăm chơi cho biết nhà, chớ tôi có coi ai bao giờ. Sao thầy dám bày chuyện như vậy? Ai nói với thầy rằng tôi đi coi vợ?

-         Từ sớm mơi tới giờ cả chợ, ai cũng nói như vậy, chớ phải tôi bày chuyện đâu.

-         Họ đồn bậy, thầy tin làm chi.

-         Mà hồi hôm đon có ra nhà M. Thủ hay không?

-         Có. Tôi đi thăm thầy.

-         Có tích người ta mới dịch ra tuồng được. Ðon có đi, đon còn chối giống gì.

-         Ði thăm anh em nghĩa là đi coi vợ hay sao?

-         Mà em vợ M.Thủ có ra chào đon hay không?

-         Có. Rồi sao?

-         Có sao đâu. Bởi tại như vậy nên người ta mới nói đon coi vợ.

-         Chuyện kỳ quá! Tôi đi thăm M. Thủ, chớ chẳng có ý gì khác. Ai có đồn bậy, xin thầy cắt nghĩa lại cho họ hiểu và khuyên họ đừng có đồn huyễn mà phạm danh giá con gái người ta.

            Thầy Phát đi chơi, lại đi chơi phải nghĩa, mà thầy mang tiếng, bởi vậy thầy lấy làm bất bình, hết muốn tới nhà ai nữa.

            Cách ít ngày, thầy Phát đương dạy học, lại tiếp được một cái thiệp của Hương sư Lầu mời đám giỗ. Ðến giờ chơi, thầy hỏi thăm, thì mới hay từ ông Ðốc cho đến mấy thầy ai cũng có thiệp mời hết thảy. Thầy nói rằng thầy chưa quen với Hương sư Lầu nhiều, nên thầy tỏ ý muốn viết thơ mà từ. Ông Ðốc nghe bèn nói rằng: "Thầy nhứt đừng có làm như vậy mà mích lòng người ta. Ở trong làng nầy, ông Hương sư Lầu tử tế lắm, tuy ổng không có điền sản lớn nhưng mà ổng có quyền thế mạnh, tổng quận đều yêu ổng hết thảy. Nhà ổng có kỵ cơm, ổng trọng ty giáo huấn lắm, nên ổng mới mời đủ hết. Nếu thầy từ, dầu mà thầy không có ý khinh khi ổng đi nữa, sợ e ổng cũng nghi rồi ổng phiền. Vậy thầy phải vị tình ổng mà chớ đừng có từ."

            Thầy Phát vưng lời, nên đến bữa đám giỗ thầy đi theo thầy Nguyên mà lại nhà Hương sư Lầu. Khi bước vô thì thầy thấy trong nhà khách khứa đông dày dày lại có một sòng bài thiên cửu đánh tại bàn và một sòng bài tứ sắc đánh trên ván. Chừng đỏ đèn thầy Cai tổng với quan Chủ quận lại mà mấy người đánh bài cũng cử tiếp chơi như thường, coi bộ không kiêng nể chi hết. Mấy thầy giáo, thầy ký, thầy dây thép[3] cũng áp theo hai sòng bài ấy, người coi tứ sắc kẻ coi thiên cửu.

            Chừng nhập tiệc, thì ông chủ nhà chỉ lo ân cần đãi cái bàn giữa, chỗ có quan Quận với thầy Cai, thầy Ban ngồi, còn mấy bàn kia thì phận ai nấy lo, chen nhau mà ngồi không ai ngó ngàng tới. Tiệc rồi khách lại ráp đánh bài nữa. Có người rủ thầy Phát chơi, thầy từ mà nói rằng thầy không biết đánh thứ gì hết, thì coi bộ họ chưng hửng, không tin có thứ người không biết bài bạc.

            Quan Quận còn ngồi đó mà khách đã xầm xì trải chiếu sửa soạn hốt me. Có người lại đem chuyện đỗ bác đấu kê ra mà nói tự do, không kiêng nể chi hết. Người thì thuật cái Mỏ Cày hồi hôm hốt tại Ô Chát ăn hai mươi ba ngàn; kẻ thì nói bữa trước ông chủ nào đó đá một độ gà chín ngàn rưỡi.

            Ðến mười giờ khuya, quan Quận mới từ chủ nhà mà về. Thầy Phát nhân dịp ấy rủ thầy Nguyên về. Thầy Nguyên kề miệng nói nhỏ, biểu ở nán coi họ đánh me chơi. Thiệt quả một lát thì họ đánh me rần rần, khách chẳng ngồi sòng nầy thì đeo theo sòng khác, chẳng có ai ngồi không, ông Ðốc học cùng thầy Cai thầy Ban cũng đánh tứ sắc.

            Thầy Phát không vui, bèn bỏ thầy Nguyên ra về một mình. Ra đường thầy nghĩ thầm rằng: đám tiệc là vậy đó? Người ta trọng mình người ta mời là vậy đó! Mình vì tình người ta mà đi dự tiệc là vậy đó! Giả dối! Giả dối lắm!

            Lật bật đã tới lễ sinh nhựt (Chúa giáng sinh, Red.),các trường học đều được nghỉ tám ngày. Thầy Phát tiếp được thơ của anh là Hà Tấn Tài, cho hay rằng nhơn lễ ấy anh xin phép dắt vợ con lên Ðà Lạt ở chơi qua tết Tây rồi mới về. Thầy tính lễ về thăm anh, mà được tin như vậy, nên nghỉ lâu mà thầy không về.

            Mấy thầy và ít vị Hương chức còn trẻ tuổi rủ nhau hùn tiền mướn một chiếc ghe lớn, mua đồ ăn và rượu trà bỏ theo nghe, thả ra Mặc Bắc, đợi mười hai giờ khuya coi nhà thờ làm lễ kiệu ảnh, rồi ăn uống đờn địch chơi tới sáng sẽ trở về. Mấy thầy giáo đều có hùn tiền đặng dự cuộc chơi nầy. Thầy Phát đã có dự một tiệc hôm nọ tại nhà Hương sư Lầu, thấy lấy làm chán ngán, nên do dự không muốn hùn, mà bị anh em ép quá, cực chẳng đã phải chìu lòng mà ký tên.

            Ăn cơm chiều rồi, ai nấy đều xuống ghe, cộng mấy thầy và hương chức và thương gia hết thảy chừng mười lăm người. Ðồ ăn và rượu trà đem theo đựng đầy hai thùng, lại có một bọn đờn tài tử, năm sáu anh vác đờn kèn theo nữa. Ghe vừa lui khỏi bến thì Hương hào Phúc kêu người chèo lái mà dặn rằng: "Nè, ra tới nhà bà Hai Tồn anh ghé ghe lại đặng rước người ta thêm nữa, nghe hôn. Nhớ a anh, quên ắt anh bị đòn, nói trước cho mà biết".

            Mấy anh đờn mỗi người cầm một cây đờn mà lên dây rồi hòa với nhau. Hướng đông trăng khởi mọc, trong rạch nước minh mông, ngọn gió bấc hiu hiu, tiếng đờn hòa rỉ rả; trông trăng nhìn nước, hứng gió, nghe đờn, người có máu phong lưu ai cũng bàn hoàn với cảnh. Nhưng mà cả thuyền, trừ thầy giáo Phát ngồi lặng thinh thưởng cảnh nghe đờn, còn bao nhiêu thì nói nói cười cười lấy sự trửng giỡn làm vui, chớ không phải lấy cảnh đất trời mà làm thích.

            Một lát ghe ghé lại một cái bến, Hương hào Phúc nhảy lên bờ, rồi vô một cái nhà lá nhỏ. Cách chẳng bao lâu anh trở ra, sau lưng lại có ba cô mỹ nữ đi theo, một cô mặc áo trắng, một cô mặc áo tím, một cô mặc áo đen, cô nào cũng dồi phấn thoa son sắc lẻm. Khách dưới ghe có nhiều người vỗ tay chào mừng. Mấy cô theo Hương hào mà xuống ghe rồi thì ghe lui.

            Một cô mỹ nữ ngả ngớn với mấy thầy, cô thì ngồi trong lòng người nầy, cô thì dựa bắp vế người kia, khi thì cô nầy ca ngâm, lúc thì cô nọ hút thuốc, rõ ràng một trận lả lơi không có lễ nghĩa, không có ngôi thứ chi hết. Kẻ đờn người hát, đầu nầy giỡn, đầu kia cười, thầy Phát ngồi ngẩn ngơ, thuở nay chưa từng nghe những tiếng thô tục, chưa từng thấy cái cảnh bất nhã dường ấy, nên thầy hổ thẹn không biết chừng nào.

            Ban đầu, mỗi người đều mắc lo chơi phận mình, nên không để ý đến người khác. Cách một hồi lâu, thầy Ký Huy dòm thấy thầy nhứt Phát ngồi ngoài xa, không can thiệp đến cuộc ngả ngớn của mấy cô mỹ nữ, thì thầy kêu mà nói rằng: "Thầy nhứt, vô đây mà! Mắc cỡ cái gì. Làm trai phải cứng cỏi, chớ sao ngồi chim bỉm như con gái giàu vậy? Vô đây".

            Thầy Phát khoác tay lắc đầu, không chịu vô. Thầy Ký Huy bèn kêu cô áo tím mà nói rằng: "Cô Hai, cô ra mời thầy giáo nhứt[4] vô đây chơi chớ. Thẩy giận cô không chào thẩy, nên nãy giờ ở ngoài đó đa. Cô phải ra xin lỗi rồi mời thầy vô".

            Cô áo tím ngó thầy Phát mà cười, rồi bò ra ngoài, ngồi dựa bên thầy, tay choàng qua cổ thầy, mặt kề gần mặt thầy, thủng thẳng nói rằng: "Mình giận tôi hay sao: Thôi, hun một cái cho hết giận".

            Thầy Phát mắc cỡ quá, không kiếm được một lời chi mà đáp, chỉ day mặt chỗ khác và gỡ tay cô nọ. Ai nấy cười rộ, làm cho thầy càng mắc cỡ hơn nữa. Thầy dây thép bèn nói rằng: "Cô phải hun thầy mà xin lỗi, chớ sao cô lại biểu thầy hun cô". Cô nọ nghe lời bèn ôm đầu thầy nhứt mà hun nghe một cái chụt. Cả ghe đều vỗ tay; Thầy Phát mắc cỡ quá nên xô cô nọ một cái rất mạnh, làm cho cô té nằm trên mình thầy nhì Hạp.

            Thầy Ký Huy thấy bộ thầy Phát giận thì nói rằng:

-         Thầy nhứt, cuộc nầy là cuộc mình bày ra đặng vui chơi. Anh em ai cũng vui hết thảy, sao thầy không vui mà hình như thầy giận vậy?

-         Thầy thích chơi như vầy tự nhiên thầy vui. Tội không thích, tôi vui sao được.

-         Thầy nói lạ quá! Người ta thường nói: "Nhứt chơi tiên, nhì giởn tiền". Chơi tiên là vui đệ nhứt, sao thầy lại không thích, đâu thầy cắt nghĩa cho tôi nghe thử coi?

-         Tại ý tôi không thích, có chi đâu mà khắc nghĩa.

-         Tôi không hiểu được. Thầy không thích sao thầy lại đi?

-         Anh em rủ quá, nên tôi vị tình mà đi. Tôi nói thiệt, hồi tôi đi không dè chơi như vầy, chớ phải tôi biết trước thì tôi không đi.

-         Bộ thầy sửa soạn cưới vợ hay sao, mà thầy sợ mang tiếng?

-         Không. Việc cưới vợ tôi chưa tính.

-         Vậy chớ sao thầy làm như không chịu chơi cái gì hết? Thầy nhứt nè, thầy là anh em nên tôi phải tỏ thiệt cho thầy rõ. Ở đời người ta làm sao mình phải làm theo vậy, mới thuận cảnh, coi mới vui, chớ mình làm khác người ta thì khó coi lắm, mà lại trái nhơn tình. Thầy xét lại đó mà coi, đời nầy không phải là đời đạo đức, hay là đời nhơn nghĩa gì đâu. Ðời nầy là đời danh lợi, là đời kim tiền, từ lớn chí nhỏ, từ sang chí hèn, thảy đều tranh đua với nhau mà làm cho có tiền, không kể cách làm đó hiệp nhơn nghĩa hay là không hiệp. Hễ có tiền rồi lo mua cái danh, không cần xét cái danh ấy trong hay là đục. Bọn mình đây sanh nhằm cái đời như vậy, thì mình phải cư xử theo người đời ấy, chớ mình tập theo tánh tình người đời khác thì thành ra mình trái đời, mình có chơi với ai được. Thầy không hay, chớ thầy đổi lại mấy tháng nầy mà họ dị nghị thầy nhiều lắm. Nếu thầy không tin, thầy hỏi hết thảy anh em đây coi có phải vậy hay không.

-         Tôi có nói động tới ai, tôi có làm mích lòng ai đâu mà họ dị nghị.

-         Phải. Thầy không nói động tới ai, thầy không làm mích lòng ai, nhưng mà thầy cư xử theo người đời xưa quá, thiên hạ họ coi không hạp con mắt họ, nên họ đồn thầy "nghiêm", họ nói thầy là "người ở trên mây rớt xuống".

-         Tôi xét việc nào phải thì tôi làm, việc nào không phải thì tôi tránh. Ai muốn đồn thế nào tuỳ ý họ; những lời khen chê của thiên hạ không làm tôi nóng hay là lạnh được.

-         Vì tôi thương thầy lắm, nên tôi phải nói cạn lời. Ở đời thầy nói vậy sao được. Thầy không cần thiên hạ, ví như thiên hạ họ cũng không cần thầy tẩy chay thầy rồi thì thầy chơi với ai? Thầy nói theo sách quá như vậy không được đâu. Cái luân lý trong sách khác, cái luân lý ở đời khác. Ở đời mình phải theo thời. Tối thứ bảy anh em thường hay tụ hội đánh bài chơi. Thầy không chịu đánh, anh em không vui rồi. Bữa đám giỗ nhà Hương sư, thầy trốn về trước không chịu chơi với người ta, cái đó người ta cũng không vui nữa. Ðến bữa nay đây, là bữa chúng ta hiệp nhau mà bày cuộc đặng chơi với nhau mà thầy cũng dang dở, tôi chắc hết thảy anh em dưới ghe đây chẳng có ai mà chẳng

Ba cô mỹ nữ vỗ tay mà nói lớn rằng: "Thầy ký đít-cua[5] hay quá!". Mấy thầy nãy giờ nín khe mà nghe thầy ký giảng dụ thầy nhứt về cách ở đời, thấy bộ thầy nhứt quạu, lại cũng không chắc bên nào phải, bên nào quấy, nên không dám xen vô mà cãi lẽ. Ðến chừng nghe ba cô mỹ nữ vỗ tay thì phần nhiều lại bắt chước vỗ tay theo, không hiểu ý họ cầu vui, hay là họ cho cái lý thuyết của thầy ký là chánh đáng.

            Thầy nhứt Phát đã bất bình cái cuộc chơi lả lơi, mà đến chừng nghe vỗ tay thầy chắc cả thuyền đều hiệp ý mà cho những lời khuyên vô đạo của thầy Ký Huy là phải, còn cho cái cử chỉ chánh trực của thầy là quấy nên thầy càng thêm tức giận, muốn biểu ghé ghe lại đặng thầy nhảy lên ruộng kiếm đường mà về. Nhưng thầy nghĩ lại, nếu làm như nậy thì khiếm nhã quá. Thầy giả lả gượng cười mà nói rằng: "Thầy ký lớn tuổi hơn tôi, thầy lịch duyệt đường đời hơn tôi, nên thầy chỉ bảo giùm cho tôi, thiệt tôi cảm tình thầy lắm. Nhưng mà tôi xin lỗi thầy, cho tôi cãi lại ít lời. Luân lý là luân lý, dầu ở đời nào, dầu ở nước nào cũng vậy, không có thế dời đổi được. Theo lời thầy nói hồi nãy, thì cái đời lễ nghĩa, cái đời đạo đức đã qua mất lâu rồi, cái đời hiện thời là cái đời danh lợi, là đời kim tiền. Mà thầy không có chê cái đời đã qua đó là đời quấy, không khen cái đời hiện tại đây là đời phải, thế thì tôi chắc thầy cũng công nhận đời đạo đức là... tốt, còn đời danh lợi là xấu. Nếu thầy biết đời nầy không tốt, mà sao thầy còn dám xướng lên mà khuyên tôi phải tập tánh tình cư xử theo đời nầy? Có lẽ thầy cũng rõ biết, con người, dầu ở đời nào cũng vậy, hễ tới lúc đủ trí khôn thì sự phải với sự quấy chàng ràng trước mặt, chẳng khác nào người đi đường đi tới ngả ba, trong trí bối rối không biết phải đi ngả nào. Sự giáo dục là một phương chước đặt ra để chỉ đường phải cho thiên hạ đi, để chỉ nẻo quấy cho thiên hạ tránh. Anh em chúng ta đây là bọn có giáo dục ít nhiều, rủi chúng ta sanh nhằm đời danh lợi, thiên hạ đều kéo nhau đi vào đường quấy, bổn phận chúng ta phải lo kéo họ lại mà chỉ đường cho họ đi. Sao thầy lại lập cái thuyết xúi thiên hạ sanh đời danh lợi đi vào đường quấy hết thảy. Rõ ràng cái thuyết của thầy không chánh đáng, không thể làm cho tôi cảm phục được".

            Thầy Ký Huy cười xòa mà đáp rằng: "Dưới bóng trăng thanh, kề vai mỹ nữ, mà thầy dạy anh em học luân lý thì không hiệp thời. Thôi để bữa nào chúng ta rảnh rồi chúng ta sẽ bình luận việc đó lại. Bây giờ để cho chơi vui, kẻo mất ngày giờ." Thầy nói dứt lời, liền ôm cô áo đen mà nựng.

 Cuộc lẳng lơ tiếp theo nữa, ra cho tới Mặc Bắc, rồi bận trở về cũng vậy. Thầy nhứt Phát vẫn ngồi ngoài xa, song không ai dám xui chọc ghẹo đến thầy nữa.

 


[1] ba căn 1 chái

[2] giữ lại, để lại

[3] Nhân viên bưu điện phụ trách điện tín

[4] Thầy Phát dạy lớp nhứt

[5] tiếng Pháp “discours”, thuyết minh


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09