|
Ở Theo Thời
Phần Chín (hết)
Thầy Hà Tấn Phát nghĩ ở bên Khánh Hội mỗi ngày đi làm việc xa đường, lại muốn ở một mình đặng thong thả mà đọc sách, nên xin phép với anh chị rồi mướn một căn phố trệt đường Ðất Ðỏ mà ở. Hà Tấn Tài cho tiền sắm đồ dọn nhà lại mướn giùm cho một người đi chợ nấu ăn nữa.
Thầy giáo Phát ở Sài Gòn chẳng như thầy giáo Phát ở Tiểu Cần. Bây giờ thầy mặc đồ sắc sảo, nói chuyện lỗi lạc, thấy ai sái hay là chơi quấy thì thầy rùn vai mà cười rồi bỏ qua, chớ không tức giận cãi lẫy như hồi trước vậy nữa.
Thầy dọn nhà xong rồi mới viết thơ cho vợ Hội đồng Lợi hay và nhắc bà kiếm người đặng thầy sang bộ mà cho nhà cửa và năm mươi mẫu ruộng. Cách ít ngày vợ Hội đồng Lợi lên, lại có dắt con trai lớn là Hai Lộc đi theo.
Thầy Phát làm việc trưa về nhà, thấy có vợ con Hội đồng Lợi thì thầy chào mừng lăng xăng rồi hỏi rằng: "Sao, cô có kiếm được người nào hay chưa? Tôi muốn làm cho rành rẽ; chớ tôi nói thì là chắc, nếu kiếm không được ai thì tôi đứng hộ luôn giùm cho cũng được vậy. Cô cứ ở luôn cái nhà đó, năm nay chừng gặt lúa thì cô thâu góp cái sở năm mươi mẫu phía sau nhà đó mà lấy, rồi qua sang năm tôi sẽ giao đứt sở đó cho cô đặng cô trọn quyền, muốn cày cấy hay là cho mướn tuỳ ý".
Vợ Hội đồng Lợi ngồi lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi chậm rãi nói rằng: "Việc sang bộ chẳng khó gì. Tôi có hỏi rồi, họ nói chẳng cần kiếm ai làm chi, sang bộ cho thằng con tôi cũng được. Nhưng mà mẹ con tôi lên đây có ý muốn nói chuyện đó lại với thầy. Xin thầy thương, thầy là anh em, hồi trước cha của bầy trẻ tin cậy thầy, nên mới nhờ thầy đứng bộ giùm, chớ không phải bán chác gì. Nay thầy tính như vậy tội nghiệp cho mẹ con tôi quá".
Thầy giáo Phát châu mày, ngó ngay vợ Hội đồng Lợi mà hỏi rằng: "Cô nói cái gì vậy? Giấy tờ đã làm rành rẽ, tôi tốn mấy muôn đồng bạc, mới khỏi ở tù, và mới giữ được cái gia tài đó. Bây giờ cô biểu trả hết cho cô hay sao?"
Hai Lộc bước lại gần mà nói rằng:
- Bẩm thầy, mẹ con tôi cũng biết thầy tốn hao nhiều mà chống cự với chủ nợ, nên mới giữ gia tài được đó. Mẹ con tôi xin thầy cho mẹ con tôi thối cái tổn phí đó lại cho thầy, rồi thầy cho hết ruộng đất lại, chớ thầy cho năm chục mẫu, còn thầy lấy sáu trăm mẫu thì ức mẹ con tôi quá.
- Ai bày khôn cho chú đó? Sao hồi Chà Và nó làm cho tôi với ông già chú bị án, chú không ra mà lo cho tôi khỏi ở tù, chú để cho tôi làm, nay được kiện chú tới mà đòi hết gia tài lại. Tôi lấy nhơn nghĩa mà ở với chú, chú không biết ơn, lại trổ mòi điếm mà nói với tôi. Chú làm hơi khôn, thôi tôi không cho gì hết.
- Bẩm thầy, tôi có nói gì đâu mà thầy cho tôi là điếm. Hồi trước cha tôi cậy thầy đứng bộ giùm, chớ có bán cho thầy đâu. Bây giờ thầy cho lại có năm mươi mẫu thì ức cho mẹ con tôi quá, xin thầy nghĩ lại đó mà coi.
- Phải, hồi trước tôi đứng bộ giùm, mà chừng bị án rồi, ông già chú còn làm thêm cái tờ giấy mà giao đứt cho tôi, giấy ấy mẹ con chú có ký tên lăn tay đủ phép, bây giờ chú còn nói gì nữa.
- Bẩm, hồi đó dại nên mới đứng vô giấy đó chớ.
- Dại thì chịu. Tôi vì ông già chú mà tôi bị án, chuyện ấy chú không kể! Chú muốn đòi hết lại, ví như tôi dở, Tòa xử y án Tòa sơ, tôi bị ở tù, Chà Và hủy tờ mua rồi thi hành phát mãi hết, chú mới làm sao? Tôi nói cho chú biết: Tôi vay tiền bạc của anh tôi đặng tôi mua gia tài đó. Tôi không có trả tiền, anh tôi lấy hết rồi, bây giờ không có đất đâu mà cho. Về kiếm nhà khác mà ở đi, chớ ít bữa nữa đây sẽ có trưởng Tòa đuổi ra khỏi nhà đa.
- Bẩm thầy, nếu thầy làm ức quá như vậy thì tự nhiên tôi phải kiện.
- Chú giỏi chú muốn kiện tới đâu thì kiện đi. Kiện thì tôi đi hầu. Thôi, về đi kiện đi. Tôi không có đất đâu mà cho, mà tôi cũng không nói chuyện gì nữa hết.
Vợ Hội đồng Lợi đứng dậy nói rằng: "Bẩm thầy như vậy thì ức quá, ít nào thầy cũng chia hai ra chớ".
Thầy giáo Phát nạt rằng: "Thôi, người không biết phải quấy, bây giờ một công đất tôi cũng không thèm cho, đừng có nói dài". Thầy nói dứt lời, liền bỏ đi vô buồng. Vợ con Hội đồng Lợi thủng thẳng bước ra cửa.
Thầy giáo Phát tưởng cho nhà cửa với năm mươi mẫu ruộng là làm ơn nhiều lắm rồi, không dè người ta tham quá muốn đòi hết lại; đòi không được, lại xin chia phân nửa, bởi vậy thầy giận hết sức, chiều qua Khánh Hội mà thuật lại chuyện ấy cho anh chị nghe. Hà Tấn Tài nghe rồi cũng nổi giận nên nói rằng: "Em thấy thiên hạ hay chưa? Họ tham lắm, có ít rồi họ muốn thêm cho nhiều. Em nghe lời qua, đừng thèm cho gì hết".
Vợ con Hội đồng Lợi mướn một cái phòng trong khách sạn mà nghỉ. Hai mẹ con bàn tính với nhau coi bây giờ phải làm sao. Hai Lộc nói cho mẹ biết mình hăm kiện là có ý dọa, chớ Chà Và còn phải bị bác đơn, mình đã có làm thêm một tờ mẹ con đồng đứng mà giao đứt gia tài cho thầy Phát, thì có thế gì mà kiện cho được. Bây giờ mình năn nỉ xin cho lãnh nhà cửa và năm mươi mẫu ruộng thì chắc được rồi. Mà trước khi xin lãnh số đó, mình nên dùng đủ cách thử coi, như đòi hết lại được không, thì ít nào cũng đòi được phân nửa.
Hai Lộc có một người bằng hữu làm việc tại Sài Gòn. Anh ta bèn đi kiếm người ấy mà thuật rõ việc nhà và hỏi coi bây giờ phải làm thế nào mà đòi gia tài lại.
Người bạn công nhận nếu vào đơn nơi Tòa Hộ mà kiện, thì chắc phải thất, rồi lại còn bị tổn phí đơn án nữa. Người khuyên Hai Lộc nên cậy sức một tờ báo chữ Pháp mà công kích thầy Hà Tấn Phát, nếu bị nhựt báo công kích, thì tự nhiên thầy lo sợ, chừng ấy mình tới thương nghị chắc có lẽ thầy sẽ trả nhiều hơn cho êm. Hai Lộc khen kế hay và cậy người bạn điều đình giùm.
Cách vài ngày sau, tờ báo "Nam Kỳ" khởi đăng bài nói thầy giáo Hà Tấn Phát lãnh trách nhậm giáo dục, nhưng mà sở hành của thầy trái với luân lý, trái với nhơn đạo. Nhà nước bổ thầy đi dạy ở Tiểu Cần, thầy làm bộ nhỏ nhoi, làm bộ thiệt thà đặng mua lòng công chúng. Ông Hội đồng Bành Ðại Lợi là một vị điền chủ lớn lại có lòng hào hiệp, vì trong nhà có việc, nên cậy thầy đứng bộ ruộng đất giùm, thầy thừa cơ đoạt hết sự nghiệp người ta làm cho Hội đồng Lợi rầu rĩ phát đau mà chết, rồi bây giờ vợ con nghèo nàn hết sức.
Báo "Nam Kỳ" công kích luôn cho tới ba bài. Bài thứ ba nói vắn tắt như vầy:
"Trong mấy số báo trước, chúng tôi vì luân lý, vì nhơn đạo, mà lôi thầy Hà Tấn Phát ra giữa tòa án dư luận. Chúng tôi mới hay vợ con Hội đồng Lợi quyết không chịu nhịn, đương sắp đặt tố cáo người bất lương ấy với quan trên và xin quan trên trừng trị đặng răn kẻ khác. Vậy chúng tôi tạm ngừng vụ nầy để đợi coi sự tố cáo của vợ con Hội đồng Lợi kết quả thế nào, rồi chúng tôi sẽ cho chư quý độc giả hay tiếp".
Thầy Hà Tấn Phát thấy báo "Nam Kỳ" công kích, thì thầy hiểu ý vợ con Hội đồng Lợi dùng chước hăm dọa. Thầy để ý đợi coi có ai lại tới nhà mà nói giùm vụ gia tài, thì thầy sẽ thưa cho cò bót bắt giải Tòa, làm một lần cho thiên hạ biết cái nghề nhục mạ và hăm dọa người cũng có chỗ nguy hiểm.
Thầy đợi mấy bữa mà không thấy ai tới nhà. Một buổi chiều, lúc tan hầu, thầy Hà Tấn Phát ra về, vừa ra cửa gặp thầy Lý Kỳ Phùng là thầy dạy lớp nhứt ở tỉnh Vĩnh Long, vốn là thầy của thầy giáo Phát hồi trước. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ, Thầy giáo Phát ân cần mời thầy về nhà.
Thầy giáo Phát hỏi thầy lên Sài Gòn chơi hay là có việc chi. Thầy Phùng dụ dự một hồi rồi tỏ thiệt rằng: "Chẳng giấu chi em, thầy xin phép mà lên Sài Gòn đây cũng có việc riêng một chút. Số là thầy dạy học năm nay đã hơn hai mươi lăm năm rồi, công phu dày lắm, bởi vậy ông Ðốc học chạy giấy xin mề-đay[1] cho thầy đã ba kỳ rồi, mà không biết tại sao thầy chưa được. Thầy mới hay em đã được quan trên bổ vào làm việc tại Học viện quản lý văn phòng, nên thầy lật đật lên đây cậy em coi chừng giùm, nếu em có thế giúp lời được, thì xin em vui lòng giùm cho thầy, việc ấy thầy mang ơn lắm. Thầy cũng biết đời nầy tiền bạc là quí, chớ đồ đó không ích lợi gì, nhưng mà mình làm việc lâu năm, phải có đỏ đen với người ta, chớ trụi lủi coi cũng kỳ. Vậy em ráng giùm với thầy".
Thầy Phát nghe nói thì tức cười thầm, nhưng vì bởi trọng đạo thầy trò, nên thầy không dám bình luận, mà còn lại phải hứa lời.
Lý Kỳ Phùng muốn từ giả ra khách sạn mà nghỉ đặng khuya lên xe hơi mà về Vĩnh Long. Thầy Phát không cho, ân cần cầm ở lại mà nghỉ rồi khuya ra xe cũng về được.
Ăn cơm rồi Lý Kỳ Phụng hỏi thầy Phát rằng:
- Nè em, em làm sao mà hơn một tuần nay nhựt trình nói em lung quá vậy? Chuyện thiệt có như vậy hay không?
- Thưa thầy, thì chuyện đó nhưng mà không phải như nhựt trình "Nam Kỳ" nó nói đâu.
- Em phải làm sao, chớ để "Nam Kỳ" nói hoài sợ e quan trên không vui, mà công chúng họ cũng dị nghị.
- Ðối với quan trên thì em có làm đơn cắt nghĩa rành rẽ rồi. Còn đối với nhà báo "Nam Kỳ" thì hổm nay em có ý chờ, nếu họ sai ai lại nói lôi thôi về vụ đó thì em sẽ kêu lính bắt. Xin thầy chẳng nên lo cho em, thầy chẳng cần để ý đến làm chi. Tờ báo đó nó nói xấu cho em, thì sẽ có hai ba tờ báo khác, biết rõ công việc, nên em sẽ đính chánh lại.
Hai thầy trò đương nói chuyện tới đó, thì có một người phắt-tơ đi phát thơ, đem hai số nhựt trình[2] mà đưa cho thầy Phát. Thầy Phát giở luôn hai tờ nhựt trình ra, lật coi sơ qua rồi nói rằng: "Ðây, báo "Tấn Bộ" và báo "Sự Thật" bữa nay nói tới vụ của em rồi đây. Ðể em đọc cho thầy nghe."
Thầy Phát trải tờ báo "Tấn Bộ" trên mà đọc như vầy:
"Chẳng nên làm nhục nghề viết báo
Theo xã hội hiện thời, báo giới là một cái cơ quan mạnh mẽ, để dìu dắt dư luận, để chỉ trích lộng quyền, để biện bác ngay gian, để binh vực công lý. Nói tóm một lời, báo giới cũng có một phần trách nhiệm về cuộc thực dân trị nước.
Vì tôn chỉ của báo giới cao thượng như vậy đó, nên người viết báo cần phải cẩn thận, bài ấn hành cần phải đúng đắn mới được, chớ nghị luận phê bình mà không đúng công lý, thì chẳng những làm sái cái tôn chỉ của báo giới mà thôi, mà lại còn làm nhục cái nghề viết báo nữa.
Chúng tôi lấy làm buồn thấy có một ông bạn đồng nghiệp chữ Pháp vì lợi hay vì hờn riêng chi đó, rồi không kể tôn chỉ của báo giới, không trọng chức nghiệp của người chấp bút, nên suốt một tuần nay xướng lên công kích một vị giáo sư rất đúng đắn là M. Hà Tấn Phát, công kích một cách kịch liệt mà rất vô lý. Từ bữa ông bạn đồng nghiệp khởi trận bút, thì chúng tôi đã rõ thấy ông bạn vì cớ nào mà sanh sự, chớ chẳng phải vì ai oán ức hay là vì ai bị hiếp. Tuy vậy mà chúng tôi không muốn phản đối liền, ý chúng tôi muốn một là coi cử chỉ ông bạn ra thể nào, hai là cho người xuống phỏng sự Tiểu Cần điều tra. Nay cuộc điều tra của chúng tôi đã hoàn toàn rồi, chúng tôi cầm đủ trong tay những bằng cớ chứng chắc ông giáo sư Hà Tấn Phát là một người trọng nhơn nghĩa, chớ không phải người giựt của, mà lại chỉ rõ tờ báo Nam Kỳ binh kẻ vong ân mà vu cáo người ngay thẳng. Chúng tôi xin độc giả đợi số báo sau chúng tôi sẽ đăng các bằng cớ ấy rồi gỡ mặt nạ của kẻ vong ân bội nghĩa cho công chúng thấy chỗ ngay gian."
Thầy Phát đọc dứt rồi thầy và xếp tờ nhựt trình và cười và nói với Lý Kỳ Phùng rằng: "Thầy thấy hay chưa? Em có làm gì đâu. Ðể em đọc luôn bài kia nữa coi họ nói giống gì". Thầy bèn mở tờ báo Sự Thật ra mà đọc như vầy:
"Chẳng nên cáo gian
Gần một tuần nay, báo Nam Ky khai bút mà công kích giáo sư Hà Tấn Phát là một đấng thanh niên gồm đủ văn học với đạo đức. Những người quen biết giáo sư Phát ai hay tin cũng bất bình, nên đến tại bổn báo mà than phiền và xin bổn báo điều tra coi thiệt ông giáo sư Phát có tàn nhẫn đến nỗi gạt người mà đoạt hết sự nghiệp hay không.
Chúng tôi vì công lý, nhứt là tôn chỉ của bổn báo, nên điều tra rất kỹ lưỡng. Chúng tôi thấy rõ báo Nam Kỳ cáo gian. Chúng tôi thuật lại cái vụ mà ông giáo sư Phát bị công kích đó ra sao đây cho tường tất đặng công chúng định tội báo Nam Kỳ là một tờ báo chuyên nghề nói xấu thiên hạ.
Ông giáo sư Hà Tấn Phát, năm trước dạy lớp nhứt trường sơ học Tiểu Cần, có kết bạn cùng ông Hội đồng Bành Ðại Lợi là một vị điền chủ có năm sáu trăm mẫu ruộng mà mắc nợ gần một trăm ngàn đồng. Ông Hội đồng Lợi mắc nợ mà trót mấy năm thâu lúa ruộng bao nhiêu ông cứ để xài, không trà lời trả vốn chi hết. Hai người chủ nợ dọa hăm kiện. Ông sợ họ thi hành phát mãi hết nhà cửa ruộng đất hết, nên năn nỉ ông giáo sư Phát, xin làm ơn mua giùm sự sản của ông trước khi chủ nợ vô đơn kiện. Ông định bán hết nhà cửa, một trăm năm mươi mẫu ruộng ở Tiểu Cần với năm trăm mẫu ruộng ở Phước Long giá là bảy chục ngàn đồng bạc. Ông giáo sư Phát tuy không có số bạc lớn như vậy, nhưng mà ông có một người anh, là M. Hà Tấn Tài ở Khánh Hội, Ðất Sài Gòn ai cũng biết là một vị cự phú. Ông Phát về thương lượng với ông Tài, rồi ông Tài mới cho ông vay số bạc tám chục ngàn đồng mà mua hết sự sản của ông Lợi. Thiệt ông Phát ra mua ruộng đất đây là vì thấy gia đạo của ông Lợi bối rối thì thương, mà giá định đó có rẻ một chút, nếu để người khác mua cũng uổng. Vì chủ nợ không thèm ốp bộ ruộng đất trước, nên giấy tờ làm xong, tiền bạc chồng đủ, thì ông cải bộ cho ông Phát đứng liền. Chủ nợ của ông Lợi hay ông ta lật nợ thì tức giận, bèn vào đơn mà kiện nhứt diện xin Tòa buộc chủ bán với chủ mua về tội sang đoạt, nhứt diện, xin Tòa hủy tờ mua bán đặng lấy gia tài của ông Lợi mà thi hành, Tòa sơ xử ông Lợi với ông Phát âm mưu sang đoạt của chủ nợ nên phạt ông Lợi một năm tù và phạt ông Phát sáu tháng tù. Ông Phát sợ mất bảy chục ngàn đồng bạc mà còn lại ở tù, nên không nghe cho ông Lợi. Ông Lợi sợ nếu trả bảy chục ngàn đồng bạc lại cho ông Phát, thì ông Phát không lo nữa, rồi mình phải ở tù mà lại ruộng đất còn bị chủ nợ thi hành, bởi vậy ông nói bạc đã tiêu xài hết rồi và ông cùng vợ con làm thêm một tờ nữa mà giao đứt sự nghiệp hết thảy cho ông Phát nếu ông Phát chống cự với chủ nợ được thì lấy luôn gia tài ấy, còn như thua thì mất bảy chục ngàn đó. Ông Phát cùng thế nên phải ép lòng mà chịu, rồi xin chống án lên Tòa trên. Ông phải vay thêm mấy chục ngàn nữa mà lo mướn trạng sư cãi giúp mới đặng kiện, khỏi tù và khỏi mất đất. Ông Lợi không lo gì hết, mà nhờ đó cũng bị khỏi án. Ông không thiệt hại chỗ nào hết, bởi vì ông thiếu nợ số đó bề nào ruộng đất cũng tiêu, bây giờ ông tiêu ruộng đất, mà khỏi bị án, lại có thêm bảy chục ngàn thì ức nỗi gì? Ngày ông Phát đặng kiện thì ông Lợi đã chết rồi, ngày giờ đó bằng cớ chắc chắn, tại sao mà dám thêu dệt rằng ông Phát giựt gia tài nên ông Lợi tức mà chết? Ông Phát là người thiệt đúng đắn, vì tình anh em mà thiếu chút nữa ông bị mất bảy chục ngàn đồng bạc, và bị ở tù thì bị mất chức, tuy vậy mà ông không phiền. Khi đặng kiện rồi thì ông liền xuống Tiểu Cần mà thăm vợ con Hội đồng Lợi. Ông thấy ông Lợi mất, ông nghe vợ con ông Lợi than không nhà mà ở, không ruộng mà làm, ông động lòng thương nên vì nghĩa cựu giao, ông mới hứa cho nhà cửa và năm chục mẫu ruộng. Vợ con ông Lợi mừng quá nên giữa đám tuần có đông người ra lạy mà tạ ơn. Cách ít ngày vợ con ông Lợi lại nghe lời kẻ bất lương xúi giục, lên Sài Gòn kiếm ông Phát đặng hăm dọa đặng đòi lại hết gia tài lại. Chư đọc giả nghĩ đó mà coi, ông Phát vay bạc mà mua có bằng cớ hẵn hòi, mua ruộng đất nhà cửa có giấy tờ đủ phép, Hội đồng Lợi với vợ con làm thêm tờ mà giao đứt ruộng đất, ông Phát cũng còn cầm tờ giấy trong tay, bây giờ ông Phát thấy nghèo nên cho lại năm chục mẫu ruộng với nhà cửa giá đáng vài muôn đồng bạc, thì là ông Phát tử tế quá, sao lại vu cho ông đoạt điền sản. Chúng tôi nghe nói bây giờ ông Phát phiền, ông nhứt định không cho một công đất nào hết. Ấy vậy vợ con Hội đồng Lợi mà không có nhà ở, không có ruộng làm đây, lỗi tại người chủ mưu bày quấy. Chúng tôi tưởng bây giờ vợ con Hội đồng Lợi phải đến nhà người nào bày mưu đó mà mắng rồi đến năn nỉ lạy ông giáo sư Phát mà chịu lỗi và xin lãnh nhà cửa với năm chục mẫu ruộng cho rồi. Chúng tôi biết ông giáo sư Phát là một người độ lượng lớn, chí khí cao, không lẽ ông cố chấp người có lỗi mà không biết lỗi".
Thầy Phát đọc xong rồi thầy buông tờ nhựt báo ngó Lý Kỳ Phùng mà nói rằng: "Ðó thầy xét coi em xấu chỗ nào? Kẻ quấy nói bậy, người phải thế cho em mà phản đối lại liền".
Ông Lý Kỳ Phùng ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Ðọc "Nam Kỳ" hổm nay thấy em xấu lắm, bây giờ đọc hai tờ báo nầy thì thấy em lại phải, họ nói lộn xộn quá biết đâu mà tin.
- Thầy chẳng cần phải kiếm mà tin làm chi cho thất công, bởi vì cả ba tờ báo đều nói không đúng với sự thật hết thảy.
- Ủa! Sao vậy? Vậy chớ sự thiệt ra làm sao?
- Thưa, sự thiệt như vầy, em giấu ai chớ không lẽ giấu thầy: Hội đồng Lợi mắc nợ nhiều quá, sợ chủ nợ kiện mà thi hành sự sản, mới lập mưu lật nợ, cậy em cho mượn tên đặng sang bộ cho em đứng giùm. Em không có mua, mà cũng không có xuất một đồng bạc nào hết, tiền làng thị nhận và tiền đóng bách phần, Hội đồng Lợi đều bao hết thảy. Em mới ra khỏi nhà trường không hiểu luật pháp về điền thổ, không dè làm như vậy là có tội. Chừng chủ nợ đâm đơn kiện, quan trên ngưng chức em, rồi Tòa lại xử em sáu tháng tù, thì em hết hồn hết vía, chạy qua Tiểu Cần hỏi Hội đồng Lợi coi phải làm sao. Hội đồng Lợi vô phương tận kế, vì bị lo cái kiện dưới Tòa sơ đã hết tiền, nên nói xuôi xị, đành chịu ở tù và để ruộng đất cho chủ nợ thi hành phát mãi. Ông nghĩ, em làm ơn mà phải bị án, ông sợ em phiền, nên ông mới làm thêm một tờ, biểu vợ con đứng vô, mà giao hết sự nghiệp cho em, ngày sau không được phép kêu nài. Em vẫn biết ông làm như vậy là muốn làm cho mát ruột em đó thôi, chớ sợ em ở tù, Tòa đã làm án rồi, gia tài chắc sẽ bị chủ nợ đem ra phát mãi, em làm sao hưởng được mà giao. Em ở phải, nên Trời Phật không bỏ em. Em chống án lên Tòa trên, nhờ có người anh của em lo lắng giùm, tốn hao gần chín ngàn đồng bạc, em mới khỏi bị án và mới được làm chủ gia tài ấy. Thầy nghĩ đó coi, em mà hưởng được gia tài của Hội đồng Lợi là nhờ phước đức riêng của em, nhờ Phật Trời giùm giúp, nhờ công của người anh em lo giỏi, chớ em có giựt của Hội đồng Lợi đâu. Như muốn nói em giựt, thì là giựt của chủ nợ, chớ Hội đồng Lợi bề nào gia tài cũng tiêu rồi, em có giựt của ổng đâu. Mà chủ nợ lấy lời đã quá số vốn rồi, dầu thi hành ruộng đất không được cũng không thiệt hại gì đó. Bởi em không có ác tâm, nên đặng kiện rồi, em xuống thăm vợ con ông Hội đồng Lợi, em hứa cho lại nhà cửa với năm mươi mẫu ruộng. Em làm ơn mà gần thọ hại, em lấy hết cũng không oán trách gì được. Em cho lại một mớ là may, sao lại không biết ơn, mà còn kiếm chuyện công kích em. Muốn tốt thì em tốt, muốn xấu thì em xấu với. Bây giờ em lấy luôn hết cho biết mặt em.
- Nếu vậy thì báo "Nam Kỳ" nói phải, người ta mượn em đứng hộ giùm rồi em lấy luôn.
- Thưa phải. Nói chỗ đó thì lầm, song có lời giao, hễ em làm được thì em hưởng hết, bây giờ đặng kiện thì em lấy, chớ em có cướp giật gì đâu.
- Em nói phải, nhưng mà lấy hết thì trái đạo nghĩa một chút.
- Em xin lỗi thầy, đời nầy mà đạo nghĩa gì.
- Em nói sao vậy? Ở đời bề nào cũng phải giữ cang thường luân lý, cũng phải giữ nhơn nghĩa đạo đức làm gốc chớ.
- Thưa thầy, em thất nghiệp gần một năm rưỡi ở Sài Gòn, em quan sát nhơn tình thế thái kỹ lưỡng, em thấy rõ thiên hạ đời nầy họ không lấy cang thường luân lý hay nhơn nghĩa đạo đức mà làm gốc đâu. Bất luận là bực nào họ đều đua nhau mà làm cho có tiền, đời nầy tiền là gốc, chẳng có cái gì quý hơn tiền được hết.
- Thiên hạ họ làm sao họ làm, mình cứ nắm giữ lời thánh hiền xưa chớ.
- Lời thánh hiền! Lời thánh hiền hay là hay hồi đời thánh hiền đó kìa, chớ theo bây giờ thì em coi giở quá, mà mình làm theo lại hại cho mình nữa chớ. Thầy nghĩ đó coi, như thánh hiền xưa nói: "Hoạnh tài bất phú". Trời ơi, sao lại bất phú? Không nhọc sức mà được tiền, thì là sướng lắm, mà hễ được tiền thì làm giàu ngay, tại sao mà nói bất phú. Còn câu: "Tiền tài như phấn thổ" thì sai nhiều nữa. Tiền tài là tiền tài, chớ tiền tài như phấn thổ sao được. Em nhớ câu: "Nhơn nghĩa thắng thiên kim" em bắt tức cười. Ðời nầy nhơn nghĩa thắng thiên kim không nổi đâu. Mình nghèo mình nói nhơn nghĩa ai thèm nghe chớ họ có thiên kim họ nói bậy thiên hạ cũng dạ rân. Lại có câu "Nghèo cho sạch, rách cho thơm". Thầy xét cho kỹ mà nói, nghèo mà sạch giống gì, rách mà thơm sao được, phải giàu người ta mới khen sạch, phải lành người ta mới khen thơm chớ.
Ông giáo Lý Kỳ Phùng ngồi thở ra mà nói rằng: "Em luận thì trái đạo lý, song nghe cũng có chỗ phải".
Thầy Phát cười mà nói tiếp rằng: "Em xét kỹ rồi, tiền là cái nghĩa của sự sống đời nay. Chung quanh chúng ta đây, mà khắp trên mặt địa cầu cũng vậy, ai cũng mưu làm cho có tiền. Hễ có tiền nhiều là cao sang, còn không tiền thì là thấp hèn. Thiên hạ ai cũng lo giành giựt tiền bạc, nếu mình bo bo nắm chặt nhơn nghĩa, thì té ra mình khờ hơn người ta quá. Ở đời nào phải làm theo đời nấy. Mình giữ cái nhơn nghĩa mà đối với cái đời tiền bạc nầy, thì mình đã thua sút người ta, mà lại còn bị người ta chê cười nữa. Xin thầy xét cho kỹ coi có phải như vậy hay không?"
Ông giáo Phùng châu mày gặc đầu, không cãi nữa.
Khuya ông thức dậy sửa soạn ra xe mà về. Thầy Phát đưa ông ra bến xe. Lúc đứng chờ xe, thầy thấy ông có sắc lo, thì thầy nói rằng: "Bẩm thầy, hồi hôm em hầu chuyện với thầy, những lời em nghị luận có nhiều câu vô lễ, mà lại có nhiều câu lại quá đáng nữa. Em xin thầy thứ tội cho em. Bây giờ tánh tình em đổi khác hơn xưa, là vì em thấy đủ nhơn tình thế thái rồi chán ngán quá. Em làm phải, em bị người ta khi; em ở phải, em bị người ta gạt. Em làm quấy, em được người ta khen; em ở quấy, em được người ta trọng. Cái đời như vậy, thì cần gì mà lo phải quấy. Vì vậy đó nên em phải lập tâm lăn lộn theo thiên hạ, đặng cho hiệp với nhơn tình, đặng khỏi thua sút người ta. Em tự quyết từ rày sắp lên đối với người đời, em chẳng để cho họ khi hay là gạt được em nữa đâu. Thiên hạ cư xử thế nào, em cũng cư xử theo họ như vậy. Tuy vậy mà dầu làm theo thiên hạ chớ cái gốc đạo đức em vẫn nắm vững bền, cái lòng nghĩa nhơn em vẫn nuôi kỹ lưỡng; nắm đạo đức, nuôi nghĩa nhơn đặng em vui riêng cái thú của em, dầu ai biết hay là không biết cũng chẳng quan hệ gì, miễn lương tâm em thơ thới thì đủ. Xin thầy đừng có lo những lời em luận hồi hôm đó mà đoán cho em đã trở nên một đứa gian xảo trá. Ðối với thiên hạ thì em cũng là một "thằng điếm trong một xã hội" nầy như họ vậy, nhưng mà thằng điếm có lương tâm, có nhơn nghĩa. Tuy vợ con Hội đồng Lợi đối với em khiếm nhã, em giận em nói vậy, chớ bề nào rồi em cũng làm có nhà mà ở, có ruộng mà làm. Còn em có lấy cho phần em bao nhiêu, thì em lấy đặng dùng mà làm việc nhơn nghĩa với đời, cho thiên hạ biết "tiền bạc là quý mà phải dùng nhằm chỗ mới quý", chớ không phải em lấy đặng xài phí bậy bạ như người ta vậy đâu".
Ông giáo Phùng chăm chỉ nghe dứt rồi, ông vỗ vai thầy Hà Tấn Phát mà cười mà nói rằng: "Vậy mới đúng! Hồi trước thầy truyền cho em cái nhơn đạo mà thôi, bây giờ em cải lương chế sửa cái nhơn đạo ấy cho thích hiệp với thời cuộc, thì hay lắm, thầy cũng chịu, chớ không còn cãi cái gì nữa".
Xe bóp kèn thúc hành khách, thầy trò bắt tay nhau mà từ biệt, thầy lên xe, trò trở về.
Sài Gòn 1935.
[1] tiếng Pháp (médaille), huy chương
|