Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín

Toàn bộ với dạng PDF

Ở Theo Thời

Phần Tám 

               Ðến ngày tòa xử, thầy giáo Phát xuống trước một bữa ở tại Trà Vinh mà chờ. Tuy thầy Hà Tấn Tài đã dặn dò mọi việc và biểu đừng sợ, nhưng mà thầy giáo Phát cũng lo hết sức, nên mặt mày buồn hiu. Thầy gặp vợ chồng Hội đồng đi hầu, hai ông bà ngoài miệng thì vẫn nói cứng như thường, mà nét mặt coi cũng lo lung lắm.

            Chừng Tòa kêu mà xử, thì thầy giáo Phát cứ khai mình vay bạc của anh mình là Hà Tấn Phát để mua ruộng đất nhà cửa đó; hai ông trạng sư cũng cãi lời, mỗi ông luận biện trót một giờ đồng hồ nhưng mà chừng Tòa lên án, thì tòa phạt Bành Ðại Lợi một năm tù và phạt Hà Tấn Phát sáu tháng tù vì tội sang đoạt.

            Thầy giáo Phát nghe Tòa đọc án phạt thầy thì thầy tá hỏa hai con mắt, mồ hôi tuôn ướt áo. Còn thầy Hội đồng Lợi thì lúc thầy bước ra khỏi cửa Tòa thầy té xỉu, vợ thầy lật đật mướn xe hơi chở về Tiểu Cần liền.

            Thầy giáo Phát bối rối hết sức, bỏ ăn bữa cơm trưa cứ đi thơ thẩn ngoài đường. Ðến xế thì thầy mới đánh một cái dây thép cho anh hay rằng mình đã bị Tòa kêu án sáu tháng tù, và hỏi anh coi bây giờ phải làm sao. Ở Trà Vinh mà chờ anh trả lời thì bực bội quá chịu không được, bởi vậy thầy đi chuyến xe chiều mà qua Tiểu Cần, trước là thăm Hội đồng Lợi, sau nữa hỏi coi vợ chồng tính lẻ nào.

            Vợ chồng Hội đồng Lợi thấy thầy giáo Phát thì khóc òa: "Tôi thiếu nợ người ta, tôi lập mưu để chủ nợ không thi hành phát mãi ruộng đất tôi được, thì Tòa bỏ tù tôi đã đành. Tội nghiệp cho thầy, vì thương tôi nên muốn cứu vớt tôi, mà thầy phải liên lụy, thiệt vợ chồng tôi buồn hết sức. Chẳng giấu gì thầy, vì cái kiện nầy mà mấy tháng nay tôi tốn hao lung quá. Bây giờ trong nhà bạc tiền đã hết, mà lúa cũng sạch trơn, tôi biết làm sao. Thầy cũng thấy tôi lo hết lòng, chớ phải tôi bỏ trôi đâu. Tại cái mạng tôi phải tán gia bại sản, mà còn phải ở tù nữa, thôi đành bó tay mà chịu, xin thầy coi có phương thế gì gỡ khỏi phận thầy, thì thầy làm đi, chớ thiệt tôi tận kế rồi, chỉ đợi chúng bắt đi ở tù rồi chết".

            Thầy giáo Phát nghe Hội đồng Lợi nói xuôi xị thì thầy thối chí ngã lòng. Thầy ngồi khóc rấm rứt, thấy cảnh tù rạc trước mắt, nhớ việc mất chức xấu hổ, tiếc công phu ăn học, ngày nay tan rã như bọt nước, giữ tánh tình ngay thẳng, rốt cuộc rồi chẳng ích gì. Vợ thầy Hội đồng Lợi thấy thầy buồn rầu quá mới nói rằng: "Xin thầy nhứt chớ buồn, phải tĩnh trí mà lo. Vợ chông tôi nói thiệt, nếu thầy lo phá cái án Tòa đó được, thì vợ chồng tôi cho luôn hết ruộng đất đó mà hưởng đời đời, đặng bù lại cái hại của vợ chồng tôi làm cho thầy phải mang, chớ vợ chồng tôi không nỡ đòi lại đâu, lời tôi nói đây là lời chắc chắn, chớ không phải môi miếng, Thầy nghĩ đó coi, nếu thầy trả lại thì chủ nợ họ cũng thi hành, chớ vợ chồng tôi ăn uống gì được".

            Mấy lời nói ấy tuy thật, nhưng mà có xảo. Thầy giáo Phát nghe mà không để ý đến. Còn thầy Hội đồng Lợi nghe thì cảm, lật đật đi mở tủ sắt lấy hai bổn tờ bán gia viên điền sản đó mà đưa cho thầy giáo Phát mà nói rằng: "Lời vợ tôi nói đó phải lắm. Bề nào gia tài tôi cũng phải tiêu. Vậy thà là tôi cho thầy đặng đền ơn cho thầy hơn là để cho Chà Và phát mãi, thầy giữ lấy hai bổn tờ mua đó đi. Ðể tôi làm thêm một bổn tờ nữa cho chắc chắn".

            Thầy Hội đồng Lợi lấy giấy mà viết một tờ như vầy: "Chúng tôi là Bành Ðại Lợi và vợ là Lý Thị Phúc đứng tờ nầy chứng chắc rằng những ruộng đất nhà cửa của chúng tôi tại Tiểu Cần và tại Phước Long mà chúng tồi đã làm tờ bán cho thầy giáo Phát đó là bán thiệt. Chớ không phải mượn thầy sang tên đứng bộ giùm. Vậy con cháu chúng tôi ngày sau không được kêu nài chi hết".

            Thầy viết rồi thầy ký tên, lại biểu vợ con đồng ký tên vào đó hết thảy, người nào không biết ký tên thì lăn tay làm dấu. Thầy giáo nghĩ việc ở tù đã thấy trước mắt, còn sự nghiệp của Hội đồng Lợi thì nay mai sẽ thi hành Phát mãi, vợ chồng làm màu mè cho mình mát ruột, chớ không ích gì, bởi vậy thầy từ chối không chịu lấy mấy tờ, Hội đồng Lợi cứ theo nài ép, xếp tờ mà bỏ đại vào túi thầy giáo.

            Sáng bữa sau, thầy giáo Phát trở qua Trà Vinh tiếp được dây thép của Hà Tấn Tài biểu phải vào đơn tại Tòa mà xin chống án rồi về Sài Gòn liền. Thầy làm y theo lời anh dạy lên xe hơi mà về Sài Gòn.

            Thầy giáo đọc hết việc tòa xử cho anh chị nghe, lại đưa các giấy của Hội đồng Lợi giao đó cho anh chị coi nữa.

            Hà Tấn Tài ngồi đọc từ tờ, xét từ câu rồi suy nghĩ lâu lắm. Thầy suy xét kỹ lưỡng rồi thầy mới nói rằng: "Vụ nầy là một vụ lớn. Gia tài nầy giá trên mười muôn đồng bạc chớ không phải ít đâu. Nếu em chống cự làm cho khỏi bị Tòa lên án hủy tờ bán của vợ chồng Bành Ðại Lợi làm đây, thì em hưởng trọn cái gia tài đó, em trở nên một người cự phú chớ không phải chơi. Nếu phải tốn hao năm mười ngàn mà được việc, thì cũng nên tốn, có đâu mà sợ. Vậy mà em có biết Bành Ðại Lợi thiếu nợ Chà và bao nhiêu và còn thiếu ai nữa hay không?"

            Thầy giáo Phát đáp rằng:

-         Em nhớ Hội đồng Lợi có nói thiếu hai người Chà đứng kiện gần năm chục ngàn vốn và lời. Thầy còn lãnh nợ giùm cho anh em số vốn lời lối ba mươi lăm ngàn nữa.

-         Nhiều quá! Chớ chi thầy thiếu nội hai người Chà nầy và thiếu ít ít, thì qua lập thế nói với nó mà trả mớ nhấm, trả chừng đôi ba chục ngàn, rồi xin nó bãi nại; mà theo như lời em nói đó, thì tính như vậy không được. Thiếu nó tới năm chục ngàn, mà bây giờ nó thấy mình bị án, nó đắc thế quá, nay mai gì đây hễ Tòa trên y án, nói sự mua bán đó là giả dối, thì tự nhiên Tòa Hộ lên án hủy tờ mua bán, rồi nó thi hành phát mãi ruộng đất lấy số nợ lại đủ, có cần gì phải bàn tính với mình. Ví dầu tính yên với bọn Chà nầy, thì còn chủ nợ khác nữa họ ra họ kiện, hơi đâu mình tính, nếu mình trả nợ hết thảy cho mọi người đặng lấy gia tài đó cho êm, thì chẳng khác nào mình mua, mà lại mua mắc, không ích gì.

            Hà Tấn Tài ngồi suy nghĩ một hồi nữa rồi nói: "Không biết chừng em ở phải, bụng em tốt, nên ngày nay Trời Phật sắp đặt mà thưởng em. Ðã biết bây giờ em bị án, mà ở đời thường thấy có nhiều việc tiền hung hậu kiết, có sao đâu mà sợ. Thôi, để mai hỏi thăm xem coi ông trạng sư nào giỏi qua đến nói chuyện với ổng thử coi. Theo ý qua thì chắc được".

            Bữa sau, Hà Tấn Tài xin phép nghỉ buổi chiều đặng đi lo giùm việc của em. Ðến bảy giờ tối thầy mới về. Vô tới cửa thầy gặp đứa con nhỏ thầy bồng mà nựng; khí sắc hân hoan lắm. Chừng ăn cơm thầy mới nói với vợ và em rằng: "Qua hỏi thăm thì ở Sài Gòn nầy có ông trạng sư Francois tài lắm, nhứt là ổng giỏi về việc hộ. Qua đến, qua nói hết công việc cho ổng nghe, đưa giấy tờ cho ổng coi, cái giấy nợ của em làm thiếu qua tám chục ngàn đồng và cái tờ của con cái Bành Ðại Lợi làm thêm cho em cầm đó, qua cũng đưa hết cho ổng coi nữa. Ông xét kỹ lưỡng rồi ổng chịu lãnh cãi vụ hình em đương chống án và cãi luôn vụ hộ mà Chà Và xin hủy tờ mua bán đó nữa. Ổng nói mười phần kể chắc được kiện tới tám, chín phần. Vái Trời Phật cho y như lời ổng nói đó, chừng nào Tòa Phúc án mà xử y án Tòa sơ, thì em mới bị mất chức, còn như Tòa Phúc án mà tha bổng em, tự nhiên em sẽ được phục chức lại. Vậy thì em cứ ở nhà đi chơi đừng lo gì hết. Nếu Trời Phật giúp vận thì em bỏ chức thầy giáo mà lãnh chức điền chủ càng khỏe hơn nữa".

            Thầy giáo Phát nghe anh nói mạnh mẽ quá, thì thầy vững bụng chút đỉnh nên thầy bớt buồn.

            Mỗi ngày Hà Tấn Tài đi làm việc, thì Hà Tấn Phát cứ ở nhà đọc sách hoài. Vợ chồng Hà Tấn Tài sợ em buồn rầu, nên theo khuyên dỗ biểu phải đi chơi. Thầy giáo Phát không nghe lời, Hà Tấn Tài mới nói rằng: "Em phải đi chơi chớ, đi chơi đặng quan sát cái hay cái dở của cuộc đời, cái dại cái khôn của con người; đi chơi đặng thấu đáo nhơn tình, đặng khảo cứu phong tục. Ði chơi có phải là hư đâu, nên hư tự mình chớ. Tại em đọc sách hoài, không chịu đi chơi, rồi em cư xử theo sách, chớ không cư xử theo đời, nên ở dưới Tiểu Cần em mới không hiệp ý với ai hết đó. Em phải nghe lời qua. Học xong rồi bây giờ phải hành, mà hành thì phải theo đời, chớ đừng có theo sách nữa".

            Thầy giáo Phát nghe lời khuyên chí lý như vậy, thầy mới chịu phục, nên từ nầy thầy mới bắt đầu đi chơi.

*


            Một buổi sớm mơi thầy giáo ăn lót lòng với Hà Tấn Tài rồi thầy đi qua Bến Thành mà chơi. Thầy đi vòng theo chợ mới, vừa đi ngang một tiệm cà phê thì nghe trong tiệm có tiếng kêu chỉ danh thầy. Thầy đứng lại ngó vô thì thấy trong tiệm đông dày dày. Tại một cái bàn giữa, có tiếng kêu lên tên thầy nữa. Thầy ngó kỹ chỗ đó thì thấy Cao Lương Ký là anh em bạn học với thầy, đương ngồi ăn uống. Thầy bước vô, hai người chào mừng nhau. Thầy Ký mời thầy Phát ăn lót lòng. Thầy nói đã dùng ở nhà rồi, song muốn vừa lòng người bạn, nên kêu đem một ly cà phê đặng ngồi uống nói chuyện chơi.

            Hai người nói chuyện nhau một hồi, thầy Phát mới hay thầy Ký tuy hồi ra trường thầy thi rớt, nhưng mà bây giờ thầy làm việc trong một hãng buôn lớn, ăn lương mỗi tháng tới một trăm hai chục đồng và mướn phố ở đường Thuận Kiều. Thầy Ký ăn hủ tiếu, thầy vớt thịt với hủ tiếu ăn hết, chỉ còn một mớ giá với nước rồi xô cái tô qua một bên mà uống cà phê. Cái tô hủ tiếu vừa mới trịch qua, thì có một người trai và một đứa nhỏ đứng hờm hồi nào gần đó không biết, áp lại giành bưng cái tô. Người trai giành được bèn kê cái tô vô miệng mà húp nước hủ tiếu rồn rột, rồi lại lấy đũa và mớ giá mà nuốt nữa. Ðứa nhỏ giành không lại, thì đứng ngó lườm lườm, coi bộ tức giận lắm. Thầy Phát thấy vậy mới móc túi lấy một đồng xu mà cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ chưa kịp tạ ơn, bỗng thấy cái bàn gần đó có người đứng dậy đi, mà bỏ ly cà phê còn dư bộn, nó chụp lấy đồng xu rồi vói bưng ly cà phê dư mà uống ọt ọt.

            Thầy Phát thấy lúc con người đến lúc nghèo, tấm thân phải hèn hạ đến thế, thì trong lòng thầy không vui chút nào. Thầy Ký mời thầy tối qua nhà chơi, đặng có nhiều giờ mà đàm đạo, chớ bây giờ thầy mắc đi làm việc.

            Anh em phân rẽ nhau. Thầy Phát thủng thẳng đi tới bến xe hơi, thấy có hai người [1] đương giành một người hành khách, ban đầu cãi cọ, lần lần tới chửi lộn, riết rồi đánh nhau, đứa cầm bù lon, đứa cầm dao, chém đập nhau, đổ máu, lính bắt hết mà đem về bót. Giành một người hành khách có lợi được bao nhiêu, mà đến nỗi phải lác đầu gãy tay, phải bị bắt ở tù như vậy!

            Thầy băng qua mé nhà chợ, thầy gặp một tốp con nít đứa quần áo lang thang, đứa ở trần trụi, mỗi đứa có một cái thúng, thấy ai mua đồ thì chạy theo xin đội giùm về nhà. Lại cũng có nhiều con nít khác nữa, đứa ôm nhựt trình, đứa ôm sách, đón mời khách mua giùm. Con nít đến tuổi nầy thì phải ở tại nhà trường, vì cái nghèo mà phải chịu cực khổ từ lúc thơ ngây, ăn không no, ngủ không khỏe, đau không ai săn sóc, làm không ai dạy khôn, rõ ràng sanh làm người ta chẳng phải là hạnh phước, rõ ràng chốn dương trần chẳng phải là nơi khoái lạc.

            Thầy đương ngẩn ngơ suy nghĩ, bỗng nghe trong nhà chợ có tiếng la, rồi thấy người ta lộn xộn một người đờn ông chạy trước, mấy người chen lấn nhau mà rượt theo sau. Có một người đờn bà nói om sòm: "Tôi mua đồ móc bóp ra lấy tiền mà trả, ở đâu không biết nó xớt giựt cái bóp mà chạy tuốt". Thầy Phát nghe rõ thì thầy lắc đầu rồi bỏ mà đi.

            Thầy lần qua mé chợ bên kia, thấy có mấy người ngồi theo lề đường mà xủ quẻ, hoặc coi tướng, hoặc coi tay, chỗ nào cũng có hoặc đờn bà, hoặc đờn ông đặt tiền mà xin biết coi mạng số chừng nào làm ăn khá. Mấy ông thầy trả lời lanh lợi lắm, nói chuyện dĩ vãng, đoán chuyện tương lai của người ta, chẳng khác nào bực thần thánh tiên tri. Ðời thiệt thiên hạ họ xảo lạ lùng, mà cũng tại có người tin tưởng yêu cầu, nên họ mới dùng cái xảo mà làm kế sanh nhai được.

            Ðến trưa thầy Phát về ăn cơm, thầy mới thuật những việc thầy thấy lại cho anh chị nghe. Vợ của Hà Tấn Tài mới cười mà nói rằng: "Ở đời hễ nghèo thì phải chịu cực khổ, phải sanh gian xảo chớ sao. Mà em đi chơi em lại coi chi những việc kỳ cục như vậy mà buồn. Em phải đi coi hát bóng, hát cải lương, phải đi coi đá banh, đánh tennis mới vui chớ".

            Tối lại Thầy Phát qua đường Thuận Kiều kiếm nhà mà thăm thầy Ký. Khi bước vô hàng ba, thầy thấy có hai người đờn ông nằm dưới gạch lồm cồm đứng dậy mà xá thầy. Thầy đứng lại mà ngó, thì thấy chỗ hai người nằm chỉ kê những tờ giấy nhựt trình mà trải, chớ không có mền chiếu gì hết.

            Thầy Ký ra rước thầy Phát vô nhà mời ngồi. Thầy Phát hỏi hai người nào nằm ngoài hàng ba. Thầy Ký châu mày mà đáp rằng: "Hai người đó hồi trước làm cu ly trong mấy hãng, bị thất nghiệp nên không có chỗ mà ở. Tôi tội nghiệp quá, hồi trước căn phố nầy bỏ trống không ai mướn, hai người ban ngày đi kiếm ăn, tối về đây mà ngủ. Khi tôi mướn mà dọn về đây, tôi nghe hai người than thở với nhau mà bàn kiếm chỗ khác mà ngủ. Tôi thấy vậy động lòng, nên tôi biểu tối cứ về đó mà nghỉ chẳng cần phải đi đâu. Hai người cám ơn tôi quá; họ ngủ đó chẳng hề làm điều chi nhọc lòng tôi, khuya chừng lối năm giờ họ thức dậy quét đàng trước sạch bót rồi mới đi".

            Thầy Phát nghe việc thê thảm như vậy thì thầy thở ra mà nói rằng:

-         Ban ngày họ đi làm việc gì?

-         Có việc gì đâu mà làm. Bị khuẩn bách không ai mướn làm việc gì chi nữa hết. Họ đi bậy ngoài chợ ai mướn làm giống gì cũng được, ai cho bao nhiêu tiền cũng lấy.

-         Nếu bữa nào không ai mướn làm việc chi hết, rồi tiền đâu mà ăn cơm?

-         Ăn cơm thì tốn hao bao nhiêu. Hai đồng xu thì kiếm một bữa cơm được rồi.

-         Ăn cơm đâu mà rẻ vậy?

-         Toa không biết hay sao? Xẩm nó đi kiếm mấy tiệm cao lầu nó mua cơm với đồ ăn dư. Nó đem về mấy quán cóc, hoặc đem ra mé chợ hay là góc đường, nó bán lại từ xu nhỏ cho nhà nghèo ăn. Tôi thấy họ mua một đồng xu cơm với một đồng xu đồ ăn thì ăn no nóc.

-         Cha chả! Khổ đến thế hay sao? Hèn chi hồi sớm mơi ở trong tiệm cà phê họ giành với nhau mà ăn cái tô hủ tíu dư của toa đó!

-         Ừ, bây giờ khổ lắm mà. Thậm chí đờn bà con gái cũng không có chỗ ở, phải ngủ ngoài trời theo mấy cái băng đá mới thiệt tội nghiệp chớ.

-         Tôi thấy cái cảnh khổ nầy rồi tôi nhớ cái cách họ đánh bạc chơi bời ở dưới Tiểu Cần, thiệt tôi buồn quá.

-         Ở đời hễ giàu thì sung sướng, nghèo thì cực khổ, có cái gì đâu mà buồn. Thôi, hai anh em mình đi coi hát chơi; nghe nói tối nay ở rạp hát Thanh Bạch có ban hát bộ nào đó hát hay lắm.

-         Tôi ít ưa coi hát, coi khuya buồn ngủ lắm.

-         Thây kệ, đi bậy chơi mà. Như hát hay mình ở chơi khuya, còn như hát dở thì mình chơi một chút rồi về ngủ, có hại gì.

            Hai thầy dắt nhau xuống rạp hát Thanh Bạch, thấy ngoài cửa dán giấy đề "Hát hay lắm" chữ lớn đại, nghe trong rạp kèn trống vang vầy. Thầy Ký mua hai cái giấy hạng nhứt rồi dắt nhau vô cửa. Bầu gánh cổ động thì khoe hát hay lắm, mà kép hát ra sân khấu thì hát không ra tiếng. Hai thầy ngồi coi tới chín giờ rưỡi, không thấy lớp nào hay, nên thối chí rủ nhau ra về. Ra tới ửa, bỗng gặp một đứa con gái chừng mười một, mười hai tuổi đón xin giấy. Thầy Ký trao cái giấy của thầy cho nó mà nó còn chạy theo thầy Phát mà xin nữa. Thầy Phát cũng cho luôn cái giấy rồi cười mà nói: "Con nhỏ kỳ quá! Muốn coi hát thì xin một cái giấy cũng vô cửa được, lại nài xin làm chi tới hai cái không biết".

-         Toa quê mùa quá! Toa tưởng nó xin giấy đó đặng coi hát hay sao?

-         Nếu không coi hát thì xin giấy làm chi?

-         Nó xin đặng nó bán lại, mỗi cái năm ba xu đem tiền về cho cha mẹ mua cơm ăn chớ.

-         Trời ôi! Có cái nghề như vậy nữa sao?

-         Ở đất Sài Gòn nầy nghề nào cũng có hết thảy. Con nhỏ hồi nảy đó nó xin giấy hát mà bán, mỗi đêm kiếm cũng một hai cắt bạc.

-         Thiệt tôi không dè chút nào hết.

-         Ở Sài Gòn có đủ nghề mà. Bữa nào toa đi coi hát bóng, toa sẽ thấy trước rạp hát có một bầy con nít chực sẵn mà giữ xe hơi của họ vô coi hát.

-         Xe hơi thì có sốp phơ còn giữ cái gì.

-         Có nhiều chủ xe họ cầm bánh, chớ không mướn sốp phơ. Họ vô coi hát họ giao cho một đứa trẻ giữ, chừng vãn hát họ cho một cắc. Cái cách giữ xe mướn đó, ngoài chợ Bến Thành cũng có, song ngoài chợ họ mướn giữ xe máy cho họ đi chợ, mỗi cái hai xu. Còn trong trường đua ngựa họ giữ một cái xe máy ăn tới năm xu.

-         Sao toa biết nhiều chuyện quá vậy?

-         Ở Sài Gòn thì phải quan sát chớ. Toa lúc nầy rảnh rang, toa nên đi vô mấy xóm nhà lá, đi vô mấy dãy phố trong đường hẻm, đi đến mấy chỗ cu ly ở đặng coi cho biết cảnh hèn hạ cực khổ của con nhà nghèo. Mà coi cái khổ cũng chưa đủ, toa còn phải đi đến mấy chỗ thiên hạ ăn chơi, đi coi mấy chỗ thiên hạ đánh bạc, toa phải kiếm mà thấy cách gian lận, kiếm mà thấy cách thiên hạ lường gạt nhau, chừng toa quan sát cho đủ hết rồi, toa mới biết loài người bây giờ trí não tánh tình đều giống nhau, mỗi người là một "tay điếm“ trong chợ xã hội, ai cũng chăm lo kiếm cho được cái đồng tiền, người nào kiếm được nhiều thì đứng về bực giỏi, bực cao, người nào kiếm được ít thì đứng về bực dở, bực thấp, cái nghĩa của sự sống trong đời là "làm cho có tiền" mà thôi.

            Thầy giáo Phát nghe lời bạn nói thì thầy mỉm cười. Thầy cho lời khuyên quan sát nhơn vật là phải còn lời luận xã hội kim tiền thì thầy còn nghi là lời quá đáng.

            Tuy vậy mà thầy về nhà suy nghĩ hoài; thầy cứ hỏi trong trí vậy cái nghĩa của sự sống là lo mưu tính kế làm cho có tiền nhiều mà thôi hay sao? Còn nhơn nghĩa, còn đạo đức ở đâu?

            Anh Hà Tấn Tài hôm nọ khuyên phải đi chơi, mà bạn là Cao Lương Ký bữa nay khuyên cũng phải đi chơi. Thầy Hà Tấn Phát chẳng còn ái ngại dụ dự nữa. Mỗi ngày lúc trời mát thì thầy thả đi chơi, bữa đi đường nầy, bữa đi đường khác. Thầy không thuộc Sài Gòn cho lắm, phần thì đi chơi một mình gặp cảnh vui hay cảnh buồn, không có ai nghị luận, nên mất thú vị hết nhiều. Thầy nhơn mấy bữa chúa nhựt thầy mới rủ bạn là Cao Lương Ký đi với thầy, đi tối ngày, đi cùng hết.

            Nhờ đi chơi như vậy thầy giáo Phát mới thấy trong mấy xóm nhà lá, kẻ nghèo ăn ở dơ dáy không có vệ sinh chút nào, mới được thấy trong mấy hóc hẻm loi nhoi đủ các hạng người, kẻ dữ gần với người hiền, kẻ ngay chung với người gian vậy, già tóc bạc mà ở ăn không nên nết, trẻ ngây thơ mà cười nói đã lả lơi, vì chữ nghèo mà mạng phải rẻ, phẩm phải hèn, vì chữ nghèo mà hết nghĩa nhơn, quên đạo đức.

            Thầy giáo Phát xem đủ cách buồn rồi thầy mới khuyên thầy Ký đi tìm cái vui.

            May lúc ở Sài Gòn có tổ chức cuộc chợ đêm đặng lấy tiền cứu giúp cho kẻ bị tai nạn. Hai anh em mua giấy vô cửa, mỗi người hết năm cắc mà đi coi chợ đêm. Hội chợ thì chẳng thấy cuộc chi vui, nhưng mà thiên hạ đông dày, đờn ông con trai, đờn bà con gái đều mặc y phục xinh đẹp, diện theo cách kim thời mua những gói giấy màu sắc nhỏ để vãi lộn với nhau. Chừng ra về thầy Ký hỏi thầy Phát vậy chớ thầy nghĩ cách chơi vãi giấy màu đó hay, hay là dở? Thầy Phát cười mà đáp rằng: "Chẳng nói chi đến cái phương diện phong hoá, theo ý tôi, mấy người mua giấy màu mà vãi lộn với nhau đó hay hơn là để số tiền tốn hao như vậy mà cho những kẻ nghèo ở trong mấy xóm nhà lá, thì có ơn nhiều. Số tiền của một người vãi đó đủ nuôi được nhà nghèo đôi ba bữa".

            Cách vài ngày sau hai anh em dắt nhau vô một nhà hàng bán rượu mà coi "An nam nhảy đầm". Thầy giáo Phát thấy con trai con gái đeo nhau mà nhảy trước mặt công chúng thì trái với con mắt quê mùa của thầy quá, nên hối thầy Ký uống rượu riết cho hết mà ra.

            Chừng ra ngoài đường, thầy Phát mới nói rằng: "vui chơi có nhiều cách, có cách thanh cao, có vui thô tục. Năm ngoái ở Tiểu Cần tôi trách anh em dắt ca nhi đi du hồ; nay tại kinh thành tôi được thấy tân thời trí thức tổ chức cuộc nhảy đầm, té ra lời trách của tôi năm ngoái thiệt oan cho anh em Tiểu Cần quá!"

            Qua tuần sau người ta tổ chức hai cuộc thể thao rất to tát, để tranh giải thưởng. Có giấy lớp dán cùng vách, lớp rải cùng đường, lại nhiều tờ nhựt báo cũng cổ động trót bốn năm bữa, mà nói rằng chiều thứ bảy có một cuộc đánh tennis, rồi chiều chúa nhựt lại có một cuộc đá banh tròn, trong hai cuộc đều tuyển chiến tướng đại tài ở Nam Kỳ để tranh đấu với chiến tướng Cao Mang.

            Thầy Phát rủ thầy Ký mua vé vô coi luôn hai bữa, coi đánh tennis mỗi người mất một đồng, còn coi đá banh mỗi người mất hết năm cắc. Tuy đánh tennis thâu tiền vô cửa mắc, mà thiên hạ cũng đi coi đầy sân, tiếc vì hai người đấu với nhau mới có hai sết[2] mỗi người ăn một sết, rồi một người chịu thua, thành ra không có tranh kịch liệt, nên không thú vị. Còn bữa đá banh thì thiên hạ lớp ngồi lớp đứng giàn nào cũng đầy nhóc. Chiến tướng ráp đá, ban đầu hai bên hăng hái, nhưng mà cách chơi còn hòa nhã. Cách mười phút đồng hồ, chiến tướng Nam Vang ăn được một bàn. Chiến tướng Nam Kỳ quyết gỡ, nên nỗ lực công kích dữ dội. Bên Nam Vang ráng thủ thắng, thành ra xung đột. Chiến tướng trong sân thì nóng nảy, công chúng trên giàn thì lại đốc sức la lối om sòm. Chiến tướng đá banh mà coi thế không cần trái banh nữa người nầy lừa đá ống quyển người kia, người kia kiếm thế đá trong ngực người nọ. Vì sức lực yếu, lại luyện tập ít, nên đá mới nửa cuộc rồi bên nào cũng bết hết, người thì đưa chơn đá gió, kẻ thì không chịu theo banh, làm cho khán giả la rùm, biểu trả tiền lại.

            Theo cách cổ động thì công chúng ai cũng tưởng tennis bữa trước và cuộc đá banh bữa sau chắc là hay lắm, nào dè bữa trước lở dỡ, bữa sau chèm nhẹp; về dọc đường khán giả bàn với nhau, người thì nói đi coi uổng tiền, kẻ thì than nền thể thao suy sụp.

            Vì thầy Ký hỏi ý kiến nên thầy Phát nói rằng: "Thể dục là một môn học có ích cho phần xác, cũng như ăn học có ích cho phần trí. Chủ nghĩa của người bày môn thể dục là muốn làm cho bực thanh niên trong nước thân thể được tráng kiện, nghĩ thì thân được mạnh thì trí mới dạn, mà thân mạnh trí dạn, thì ở đời mới có thế tấn thủ được. Cái chủ nghĩa của thể dục thì cao thượng như vậy đó. Theo ý tôi thì người làm đầu về thể dục trong xứ mình phải cần lo phương kiếm chước làm thế nào cho dân chúng từ thị thành cho tới thôn quê mọi người đều biết ái mộ thể thao, mọi người đều luyện tập thể thao. Phải giục lòng người, phải khuyến khích người, phải dạy dỗ người, nếu người không có đủ đồ tập thì phải giúp cho người. Nói tóm một điều là phải gây cho cái phong trào thể thao, đặng đờn bà cũng như đờn ông, ở đồng cũng như ở chợ, con nít cũng như người lớn, ai cũng đều tập luyện gân cốt hết thảy. Mà theo con mắt tôi xem, thì thể dục bấy lâu nay không có chương trình, không có phương pháp gì hết. Cái điều tệ nhứt là người lãnh trách nhiệm tổ chức thể dục lại đem cái môn quý báu ấy làm như một cuộc buôn bán, lo cổ động rao hàng bày định giá trồi sụt, chớ không lo phổ hoá hoặc cải lương gì hết. Cái phương châm kiếm tiền, thấy thiệt buồn quá”.

            Thầy Ký rùn vai đáp rằng: "Moa đã nói với toa, cái nghĩa của sự sống đời nầy là làm cho có tiền, có gì đâu mà buồn".

*


            Vợ chồng Hà Tấn Tài, có cho một thầy kia, ở phố lầu, có xe hơi, vay một ngàn đồng mỗi tháng tiền lời bốn chục đồng. Trả tiền lời vài tháng rồi nín mất, Hà Tấn Tài đòi riết, thầy nọ mới năn nỉ đem thế cái xe hơi mà trừ nợ. Tấn Tài thấy xe còn tốt, lại nghĩ đến không lấy tiền cũng mất vốn. Bởi vậy chịu sang bộ rồi mướn sốp phơ đem xe về. Có xe hơi rồi, vợ chồng Hà Tấn Tài chiều hoặc tối hay dắt thầy Phát đi một vòng mà hóng mát.

            Một đêm thứ bảy, vợ chồng Hà Tấn Tài đi với thầy giáo Phát lên Thủ Ðức ăn nem, xe tới Thủ Ðức, vừa quẹo đường ra xe lửa, thì thầy giáo Phát thấy đèn khí sáng lòa, thiên hạ rần rộ, xe hơi chật đường. Ấy là hạng người có tiền tựu lại Thủ Ðức mà ăn nem hứng mát.

            Xe chạy chầm chậm, thầy Phát ngó vô mấy quán nem, thì quán nào khách khứa cũng đông nức song khách từ dụm mà ngồi, mà bàn nào cũng có đờn bà và cũng cười giỡn om sòm. Thầy Tài biểu sốp phơ ghé xe ngay cái quán lớn hơn hết, rồi dắt vợ và em lại ngồi một cái bàn để ngoài sân, kêu bồi đem nem ăn. Cái bàn ngang phía bên kia thì có ba người ngồi; một người trạc chừng hai mươi bốn, hai lăm tuổi, mặt dồi phấn trắng nõn, đầu xức dầu rồi chải tóc láng lẩy, mình mặc bộ đồ ga-bạc-đin xám, chơn mang một đôi giày nửa trắng, nửa vàng. Người trai ấy ngồi giữa, hai bên có hai cô cặp kè. Một cô mặc áo quần toàn màu đỏ, một cô mặc áo quần toàn màu xanh, áo thì vắn chũng hai tay và trôn có giún tai bèo, cô nào cũng dồi phấn mặt trắng toát, má ửng hồng, môi đỏ lòm, mày nhỏ rức.

            Thầy Phát tuy ngồi ăn nem, mà mắt liếc qua cái bàn đó, thì thấy hai cô giỡn hớt với cậu, nói nói, cười cười, rồi lại ôm mặt mà hun, không kể ai hết. Ăn uống rồi cậu móc bóp ra trả tiền, hai tay cặp hai cô, vác mặt hân hoan bước lên xe mà đi.

            Hà Tấn Tài ngó em cười và nói rằng: "Ði Thủ Ðức ăn nem là vậy đó, nên thiên hạ mới rần rộ, chớ ăn nem như mình thì sai trẻ mua về mà ăn, cần gì phải đi Thủ Ðức".

            Một bữa chúa nhựt, Hà Tấn Tài coi nhựt trình rồi nói tuần nầy tại trường đua ngựa có đua độ hội lớn lắm, nên ngủ trưa dậy rồi mới đem xe hơi ra đặng dắt vợ với em đi trường đua chơi. Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau vô giấy mà đi nườm nượp. Trong số người đi coi đây phần đông là An nam, chẳng những là đông bên hạng không đồng hai mươi lăm đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng một đồng mười ngồi trên khán đài, An nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa.

            Khi mới vô, thầy Phát tưởng rằng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền đến coi chơi cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi đợi một lát thầy dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài[3] , rồi chen nhau mua giấy, kẻ cá con ngựa số một năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm, đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhứt, về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót, chạy đi lãnh tiền còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu, lấy chương trình ra mà tính xem coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ. Thầy Phát coi luôn tới bảy độ mới mãn cuộc, mà độ nào số tiền đánh cá cũng tới năm bảy ngàn, có độ hội họ đánh tới mười bốn ngàn. Chừng ra cửa mà về, thầy Phát lóng nghe một người đờn bà vui cười, khoe ăn được ba trăm hai; còn một người đờn ông mặt xụ xị, nói thua gần một ngàn rưỡi.

            Về dọc đường thầy Tài hỏi thầy Phát rằng:

-         Em thấy đua ngựa hay chưa? Họ ăn thua lớn quá.

-         Tôi tưởng bày đua ngựa chủ ý giục lòng dân tranh nhau mà nuôi giống ngựa hay, ngựa tốt, đặng trong xứ có nhiều ngựa mà dùng. Thiệt tôi không dè thiên hạ thừa cái dịp ấy mà đánh bạc dữ quá.

-         Ðời nầy là đời kim tiền, làm việc gì, chơi cuộc gì cũng mưu lợi hết thảy, đến đỗi đá banh, đánh tennis, mà người ta còn cá ăn thua tới bạc trăm, huống chi mà đua ngựa đá gà. Qua nghe nói trong chợ đêm họ đá gà tới chín ngàn một muôn.

-         Trời ơi, nghe nói giá lúa sụt, người ta nghèo hết thảy, tiền bạc ở đâu mà họ tranh ăn thua với nhau tới bạc muôn không biết!

-         Họ nghèo họ trả nợ không nổi, chớ đánh bạc họ có tiền luôn luôn. Ðể bữa nào qua dắt em vô mấy nhà xẹt[4] trong Chợ lớn em coi họ đánh bài, đánh hột, ăn thua còn ghê hơn nữa chớ.

            Thầy giáo Phát đi chơi mấy tháng, thấy thiên hạ người thì nghèo khổ đáo để, kẻ thì xài phí vô độ, dầu làm việc gì, dầu chơi cuộc nào, cũng cốt mưu lợi cũng quyết giựt tiền nhau, chớ chẳng thấy ai làm một việc nhơn nghĩa, chẳng nghe ai nói một tiếng đạo đức. Thầy suy nghĩ lại thầy mới biết lời của anh Hà Tấn Tài khuyên thiệt là hay, thầy mới hiểu lời của bạn là Cao Lương Ký luận thiệt là đúng, thầy mới thấy rõ luân lý trong sách vở không giống luân lý của người đời. Chừng thầy thấy cuộc đời đủ rồi, thầy bức tức cười về cái "Tư cách trái mùa" của thầy trong mấy năm nay, bởi trái mùa thì hiệp với thiên hạ sao đặng.

            Tuy vậy mà cái lương tâm của thầy vẫn còn lộn xộn, thầy cũng hỏi thầm trong trí hoài, thiên hạ như vậy, thế tình như vậy, mình phải làm theo thiên hạ cho thích hợp với tình thế, hay là cứ giữ lời của thầy dạy, cứ nói câu sách xưa, cứ đường ngay thẳng mà đi, dầu mình nghèo hay giàu, dầu ai ghét hay thương mặc kệ.

            Hà Tấn Tài dòm em xem có sắc lo, hỏi duyên cớ, thì Hà Tấn Phát nói rằng: "Mấy tháng nay em nghe lời anh, em đi chơi, em đi quan sát nhơn vật, em dọ dẫm thế tình, em thấy rõ tánh chất của em khác hơn thiên hạ xa quá. Hổm nay em bối rối, như người đi lạc đường, không hiểu bây giờ nên sửa tánh mà theo đời, hay cứ giữ chơn tánh mà làm, không cần ai thương ghét".

            Hà Tấn Tài cười ngất rồi nói rằng: "Em nói mấy lời thì qua đã hiểu em học nhơn tình thành thục rồi. Trong ít tháng mà em được như vậy, thiệt qua mừng lắm. Bây giờ em biết thế tình rồi, thì em phải ở theo thế tình cho hiệp với thiên hạ, em còn dụ dự cái gì. Em có kinh nghiệm rồi mà em chưa hiểu hay sao? Tại em làm trái thế tình, nên mấy năm em ở Tiểu Cần, thiên hạ không ưa rồi em mang họa đó. Ở đời nầy thiên hạ gian xảo giả dối hết thảy, ai cũng nhờ gian xảo giả dối mới giàu sang, nếu em muốn giữ đạo đức nghĩa nhơn thì em phải ở địa vị nghèo hèn. Như em không chịu làm theo thiên hạ, thôi thì vô chùa hoặc lên núi mà tu đi, chớ đời kim tiền, người giả dối, mà em giữ đạo đức, làm nhơn nghĩa thì đã vô ích, mà còn thêm hại nữa".

            Thầy Hà Tấn Phát suy nghĩ rồi thầy gục gặc đầu. Thầy Hà Tấn Tài thấy vậy bèn hỏi:

-         Em gặc đầu là sao? Em tính đi tu hay là ở thế gian?

-         Em phải ở thế gian.

            Thầy giáo Hà Tấn Phát bị ngưng chức hơn một năm Tòa mới xử xong xuôi công việc của thầy. Nhờ ông trạng sư Francois lão thông pháp luật, lại có tài hùng biện, mà cũng nhờ Hà Tấn Tài cũng chịu tốn hao, giỏi nghề vận động, nên Tòa phúc án hủy án Tòa sơ, xử Bành Ðại Lợi và Hà Tấn Phát vô tội, cả hai người đều được trắng án. Tòa hộ tự nhiên phải theo cái án của Tòa phúc án đó mà xử vụ Chà Annouchetty và Chà Trahamochetty kiện xin hủy tờ của Hà Tấn Phát mua ruộng đất. Tòa lên án bác đơn của tiên cáo, thành ra những ruộng đất nhà cửa mà Bành Ðại Lợi làm tờ đoạn mãi cho Hà Tấn Phát đó, thì Hà Tấn Phát được làm chủ vĩnh viễn, những chủ nợ của Bành Ðại Lợi không được biên tịch mà thi hành phát mãi.

            Hà Tấn Phát đã được trắng án bên Tòa hình, đã được kiện luôn bên Tòa hộ, tự nhiên quan trên nghị định cho phục chức làm thầy giáo lại như cũ và bổ thầy làm tùng sự tại Học chánh quản lý văn phòng ở Sài Gòn. Thầy hay tin được phục chức rồi, tối lại thừa lúc anh chị ngồi chơi, thầy mới nói rằng: "Thưa anh chị, khi em còn nhỏ anh chị nưng đỡ dìu dắt em, làm cho em có thế đứng đợt với đời. Em dại dột, để cho người ta xô em té đi. Anh chị không chấp, lại cứu vớt em nữa. Ngày nay em khỏi nạn rồi, khỏi ở tù mà lại được phục chức, thiệt cái ơn của anh chị em không biết lấy chi đền đáp cho vừa..".

            Hà Tấn Phát mới nói tới đó, thì Hà Tấn Tài chận lại mà nói rằng: "Kiến họ Hà của mình chỉ còn có anh với em đây mà thôi. Vợ chồng qua giúp em là lẽ tự nhiên, có lạ gì mà em phải nói cho nhiều. Trời đất thương vợ chồng qua, nên ngày nay qua được giàu có, có lẽ nào qua để cho em hèn hạ hay sao? Thiệt cái việc của em lấy làm khó tin hết sức. May nhờ phước ông bà để lại, nên mới khiến cho qua tính nhằm đường, lo đúng cách, chớ qua không phải giỏi gì. Thôi, ngày nay việc đã xong rồi, em đã khỏi nạn mà lại được ruộng vườn nhà cửa, vậy em hãy liệu lấy mà gìn giữ đặng an hưởng cho trọn đời. Qua đã có nói với em nhiều lần, đời nầy thiên hạ gian xảo dối gian lắm. Mỗi việc gì em cũng đừng tin ai hết. Bây giờ em là một vị điền chủ lớn rồi, qua tưởng em cũng nên làm việc lại ít tháng cho thiên hạ hết chê cười nữa, rồi em xin từ chức đặng ở nhà mà quản suất sự nghiệp của em, trong ít năm đúng tuổi em ra tranh cử Hội đồng Quản hạt, lăn lộn với đời chơi, cho họ biết danh cái kiến họ Hà không phải là hủ lậu".

            Hà Tấn Phát ngó sửng anh và hỏi rằng:

-         Anh tính cho em phải lấy luôn gia tài sự sản của hội đồng Lợi hay sao?

-         Ủa! Em hỏi cái gì mà kỳ vậy? Hội đồng Lợi làm tờ bán đứt cho em, sao lại còn làm giấy thêm mà giao, có vợ con đứng đủ nữa. Bây giờ em được kiện thì em lấy chớ sao.

-         Em khỏi bị án thì thôi, còn của người ta sang bộ mượn em đứng giùm, mà em lấy luôn thì ác lắm.

-         Vậy mà em nói em đã quan sát nhơn vật, em đã thấu đáo thế tình giống gì đâu! Em đã nói em quyết ở thế gian, mà em còn sợ ác, thôi thì em đi tu cho rồi, chớ ở thế gian làm gì. Em coi hết thảy coi có ai làm nhơn nghĩa mà được giàu sang bao giờ đâu?

-         Anh nói phải lắm, mà làm như vậy, sợ thiên hạ dị nghị chớ.

-         Trời ơi! thiên hạ giựt của với nhau, cách họ làm còn ác bằng mười phần của em nữa, mà có ai chê cười ai đâu. Ai giựt giỏi, được làm giàu lớn, họ còn ngợi khen kính phục nữa chớ. Việc của em không ác chút nào hết. Hội đồng Lợi bị án, anh ta đã vô phương cùng thế, nên mới làm giấy thêm mà giao đứt sự sản cho em. Anh ta quyết bỏ, nên Tòa trên đòi hầu mấy kỳ anh ta giả đau, để khiếm diện luôn luôn, em không thấy hay sao. Qua phải xuất bảy tám ngàn đồng bạc, lo ngày tính đêm, mới xong công việc. Anh ta bỏ phú, mình làm cho anh ta được trắng án, khỏi ở tù, ấy là làm ơn cho anh ta nhiều rồi, anh ta còn chỗ nào phiền được. Sự nghiệp của anh ta bề nào thì chúng cũng thi hành phát mãi, nếu mình lo dở, thì sự nghiệp ấy cũng tiêu hết, anh ta phải ở tù mà anh ta còn kéo lây tới em ở tù nữa chớ, coi có hại hôn? Qua nói thiệt, vợ chồng qua mà xuất bảy, tám ngàn đồng bạc ra lo vụ kiện nầy, bổn tâm của vợ chồng qua muốn giúp một số tiền nhỏ đặng gây cái sự nghiệp lớn giùm cho em. May Trời Phật phò hộ giúp cho qua thành công, qua mừng lắm, qua cho luôn em số bạc tốn hao đó, qua không đòi. Qua nói cho em biết, nếu em làm mặt quân tử, em muốn trả sự sản của Hội đồng Lợi lại cho va, thì qua buộc em phải trả tám ngàn đồng bạc tổn phí đó, mà còn kiện đòi em tám chục ngàn đồng bạc mà em làm giấy vay qua đó nữa, rồi qua thi hành phát mãi hết ruộng đất cho em biết chừng. Em đừng có khờ lắm vậy. Em trả ruộng đất lại cho Hội đồng Lợi thì chủ nợ kiện lấy tiền. Hội đồng Lợi ăn uống gì được.

-         Nếu em lấy luôn, như em không giựt của Hội đồng Lợi thì là giựt của mấy chủ nợ, bề nào cũng mang tiếng không tốt.

-         Em nói chủ nợ ăn quá vốn rồi, họ có thiệt gì đâu mà ngại. Còn cái việc tốt xấu, qua đã thường nói với em, đời nầy thiên hạ có biết gì đâu mà tốt, cái gì mà xấu đâu, chỗ tốt họ thường chê bai, chỗ xấu họ lại ham muốn, em đừng có lo chỗ đó. Em lấy hết gia tài của Hội đồng Lợi em làm chủ, thiên hạ còn khen em là người khôn ngoan, em có bạc có lúa nhiều, thiên hạ mới tôn trọng em là bực thượng lưu trí thức. Em không nhớ hay sao? Mấy năm nay em dạy học dưới Tiểu Cần, em ở phải, em ở tử tế hết sức mà thiên hạ coi em ra giống gì, họ đã không trọng em, mà họ lại còn khinh khi em nữa chớ. Còn hơn một năm nay em về Sài Gòn, em đi chơi, em đã thấy thế tình ra thế nào rồi. Em đừng có cãi qua, em phải lãnh gia tài của Trời cho đó đi, em lãnh em mới có tiền làm việc phải, em mới giúp kẻ nghèo nàn cùng khổ được chớ. Nếu em không lấy thì qua lấy, coi ai chê qua ác, coi ai cười qua dại cho biết.

            Hà Tấn Phát không có lời chi mà đáp lại nữa được. Trót một đêm ấy thầy suy tới nghĩ lui, cân phải đo quấy, thầy khảo luận lý, thầy xét nhơn tình, thầy nhớ chuyện đã qua, thầy nhắm việc sẽ đến, trăn trở hoài ngủ không được. Ðến sáng thầy lập tâm định trí rồi, thầy mới thưa với anh chị rằng: "Em thưa với anh chị, từ rày sắp lên em sẽ làm y theo thiên hạ. Em ở phải thì thiên hạ khinh bỉ em. Vậy em không dại gì mà cho họ khinh bỉ nữa. Thiên hạ muốn như vậy, thì em làm như vậy cho họ coi. Em nhứt định đoạt gia tài của Hội đồng Lợi, chớ để cho Chà Và lấy cũng vậy. Nhưng mà em nghĩ lại, nếu mà em đoạt hết thi tội nghiệp cho Hội đồng Lợi. Vậy em xin anh chị cho phép em chiết trong số em đứng bộ đó ra mà cho bớt Hội đồng Lợi: 1) nhà cửa anh ta đương ở đó; 2) năm chục mẫu ruộng ở Tiểu Cần. Anh ta có nhà cửa và được góp huê lợi năm chục mẫu ruộng thì bề ăn ở được yên mà vợ con cũng được no ấm, chớ em lấy luôn hết thì cả nhà chết đói còn gì".

            Vợ chồng Hà Tấn Tài đồng khen Hà Tấn Phát tính như vậy là phải, song lại còn e nếu sang bộ lại cho Hội đồng Lợi thì chủ nợ thi hành.

            Hà Tấn Phát suy nghĩ một hồi, rồi nói rằng: "Em xin anh chị cho em xuống Tiểu Cần vài bữa mới được, bề nào em cũng phải nói minh bạch cho vợ chồng Hội đồng Lợi biết. Luôn việc em biểu Hội đồng Lợi phải kiếm người chắc chắn đặng em sang bộ nhà và năm mươi mẫu ruộng lại cho anh ta, Vả lại anh ta có một người con lớn, em tưởng sang bộ cho người con đó được. Tuy em đã được giấy phục hồi chức rồi, nhưng mà trong năm bảy bữa nữa em vô lãnh việc cũng được, không gấp gì".

            Hà Tấn Tài đáp: "Phải chớ, em phải xuống nói rành rẽ cho anh ta biết. Em lấy xe hơi nhà đó mà đi. Em cho anh ta lại những nhà cửa với năm mươi mẫu ruộng đó là nhiều lắm rồi. Nếu anh ta có nài xin thêm thì em đừng chịu đa, nghe hôn. Coi như anh ta nói kỳ cào thì em lấy luôn, đừng cho gì hết".

            Khuya bữa sau, Hà Tấn Phát lấy xe hơi của anh mà đi Tiểu Cần.

            Ngày ở Tiểu Cần bị ngưng chức, chở rương về trong lòng hổ thẹn buồn rầu bao nhiêu, hôm nay đã được phục chức; lại được bổ làm sự tại Học chánh quản lý văn phòng, được làm chủ ruộng đất nhiều, được ngồi xe hơi nhà lấy làm vinh diệu, thì trong lòng cũng hớn hở bấy nhiêu. Xe chạy gần tới Tiểu Cần, thầy giáo Phát ngồi ngó mông, thì thấy cũng cảnh vật đó, mà ngày trước coi sao buồn hiu, còn bây giờ coi sao lại vui vẻ.

            Xe tới Tiểu Cần mới chín giờ sớm mơi. Chạy ngang qua trường học, thầy giáo Phát thấy học trò ra chơi, có ông Ðốc và mấy thầy xúm nhau đứng trước cửa trường mà nói chuyện, thầy bèn ngừng xe lại đặng thăm ông Ðốc với bạn đồng liêu.

            Ông Ðốc học Tâm thấy thầy Hà Tấn Phát thì mừng rỡ, bắt tay chào lăng xăng. Ông Ðốc học nói rằng: "Anh em tôi mới nhắc thầy tức thì đây không dè nhắc linh quá, mới nói đó kế thầy xuống tới. Thấy nhựt trình hôm qua nói thầy đã được phục chức mà lại được bổ vào Học chánh quản lý văn phòng sướng quá há. Còn vụ Chà nó kiện Hội đồng Lợi với thầy về tội sang đoạt đó, Tòa sơ xử như vậy, nghe nói thầy chống án, rồi bây giờ ra làm sao?"

            Thầy Phát cười mà đáp rằng:

-         Vụ đó xong hết rồi, nên tôi mới được phục chức chớ, không tôi ở tù mất chức còn gì. Tòa phúc án hủy án Tòa sơ và lên án nói tôi mua gia tài của Hội đồng Lợi đó là đủ phép, nên không có tội gì hết.

-         Té ra Hội đồng Lợi cũng được trắng án nữa?

-         Thưa, phải.

-         Vậy mà anh ta lo sợ quá, phát đau, rồi chết chớ.

-         Húy! Hội đồng Lợi chết rồi hay sao?

-         Chết rồi.

-         Chết hồi nào?

-         Chết gần nửa tháng nay.

-         Vậy mà tôi không hay chớ. Thẩy bỏ liều, Tòa trên đòi mấy lần thẩy không đi hầu lần nào hết.

            Thầy Nguyên chen vô hỏi:

-         Còn ruộng đất nhà cửa của Hội đồng Lợi sang cho thầy đứng đó bây giờ Tòa xử làm sao?

-         Tòa Hộ cũng xử rồi, xử tôi làm chủ vĩnh viễn không ai được phát mãi. Bây giờ tôi hưởng chớ sao.

-         Trời ôi, Thầy có phước lớn quá!

-         Thiệt cũng may lắm, Tôi tưởng bị ở tù chớ.

-         Thầu Hậu hỏi:

-         Sao tôi nghe nói hồi đó Hội đồng Lợi cậy thầy đứng hộ giùm, chớ không phải bán.

-         Ðứng bộ giùm sao được, nếu làm gian thì Tòa hủy tờ rồi Chà Và thi hành hết còn gì. Hội đồng Lợi làm tờ đoạn mãi rành rẽ, sau đó làm thêm một cái giấy mà giao cho tôi nữa, có cái gì lôi thôi đâu.

-         Thầy thiệt là giỏi! Nếu vậy thì bây giờ thầy giàu lớn lắm.

-         Thì gia tài ruộng đất của ông Hội đồng Lợi về tôi làm chủ hết.

-         Ðúng quá.

 Thầy Sanh hỏi:

-         Xe hơi thầy đó là xe của thầy mua hay là của ai?

-         Không. Xe nầy của anh tôi. Tôi sẽ mua một cái xe mới, chừng hai ba chỗ ngồi, đặng đi chơi. Có một mình, mua xe lớn tốn xăng nhớt nhiều, không ích gì.

-         Thầy cừ quá! Tụi tôi đây biết đến chừng nào mới được như vậy!

            Ông Ðốc học hỏi:

-         Thầy xuống chơi rồi chừng nào về?

-         Tôi xuống chơi thăm mấy ông và thăm thầy Hội đồng, có lẽ chiều tôi về.

-         Về chi gấp vậy? Không mấy thuở xuống, ở chơi mai sẽ về.

-         Bây giờ tôi có ruộng đất dưới nầy, tôi sẽ lên xuống thường lắm. Vậy để lần sau sẽ ở chơi lâu. Chuyến nầy tôi phải về để mốt lãnh việc.

-         Chừng nào xuống nữa không biết, bây giờ sẵn đây tôi mời thầy chiều ăn cơm với tôi. Xin thầy đừng từ chối. Thầy ở lại ăn cơm, đặng tôi mời đầy đủ anh em mấy thầy hết thảy tụ lại chúc mừng cho thầy tai qua nạn khỏi, lại được phú quý vinh hoa. Thầy nhỏ tuổi mà được như vầy thiệt đáng mừng lắm.

            Thầy giáo Phát cứ viện lẽ mắc về gấp mà lãnh việc, nên không nhận lời ông Ðốc mời.

            Thầy giáo Thủ kêu mà nói rằng:

-         Thầy nhứt, ruộng thầy đó, thầy tính mướn người coi làm, hay là thầy tính cho mướn?

-         Tôi chưa nhứt định. Ðể thủng thẳng rồi tôi sẽ tính.

-         Ruộng đó tốt lắm. Như thầy không làm, thì để cho tôi bao tá hết cho, tới ngày tôi đong lúa ruộng đủ, thầy khỏi lo gì hết.

-         Mùa nầy người ta cấy lỡ rồi. Như thầy muốn bao tá thì để mùa sau rồi tôi sẽ tính.

            Thầy giáo Phát từ giã ông Ðốc và mấy thầy rồi lên xe qua thăm vợ chồng Hội đồng Lợi. Ông Ðốc nói thêm rằng: "À, tôi quên nói cho thầy nghe nữa. Con nhỏ tôi là con Thiện Tú nó thi đậu. Nó không chịu dạy học, nên tôi gả nó cho ông Ðốc công Ðậu ở bên Long Xuyên". Thầy Phát cười rồi xe rút chạy. Ông Ðốc ngó theo, chừng xe chạy khuất rồi, ông mới nói với mấy thầy giáo rằng: "M. Phát bây giờ sướng quá! Có ruộng đất minh mông, đi ra thì có xe hơi nhà, làm việc thì gần mặt trời, vậy thì đúng bực sang giàu rồi, còn thiếu giống gì nữa đâu. Hồi trước thẩy sang tên đứng bộ giùm cho ruộng đất người ta, mình tưởng thẩy làm bậy, nên khinh khi thẩy, ai mà dè thẩy no nê như vậy. Thiệt là giỏi!"

            Thầy giáo Phát qua nhà Hội đồng Lợi vừa ngừng xe ngoài cửa, thì thấy trong nhà người ta lăng xăng, trên bàn thờ nhang đèn đốt đỏ. Thầy bước vô, vợ con hội đồng Lợi khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Vợ hội đồng Lợi và khóc và kể lại rằng: "Thầy nhứt ôi! Thầy xuống thầy thăm ở nhà tôi, mà ổng chết rồi, còn đâu mà thăm. Hồi nào anh em tới lui trò chuyện sáng đêm; bây giờ thầy tới, chỉ thấy cái bàn thờ, chớ làm sao gặp mặt được nữa mà nói chuyện".

            Thầy giáo Phát thấy tình cảnh như vậy, thầy lấy làm cảm động, nên ngồi trơ trơ, đợi vợ Hội đồng Lợi khóc kể đã rồi, thầy mới nói rằng:

-         Thầy Hội đồng đau tôi không hay, mà mất tôi cũng không biết. Hồi nãy tôi ghé trường học, ông Ðốc ổng nói, thiệt tôi chưng hửng. Thầy hội đồng đau sao mà mất vậy?

-         Có đau bịnh gì trọng đâu, chỉ có cái rầu, ăn ngủ không được, càng ngày càng ốm, rồi lần lần tiêu mòn mà chết. Thầy nghĩ đó mà coi, không rầu, không chết sao được. Nợ nần lút cổ, sự nghiệp tan hoang, lại còn bị án tù nữa. Mà việc của ở nhà tôi làm, thì ở nhà tôi chịu, lại còn kéo luôn thầy, là người vô can, chỉ thương anh em, ra gánh vác giùm, mà thầy cũng bị án tù nữa, ở nhà hễ tôi nhớ tới thầy thì đau đớn không biết chừng nào.

-         Thầy Hội đồng mất hôm nào?

-         Mất hôm bữa mùng bảy, bữa nay đúng hai thất, nên mẹ con tôi cúng đây.

-         Bậy quá! Tôi xuống đây là xuống cho thầy Hội đồng hay rằng trong cái vụ tôi với thầy bị án đó, tôi chống án lên tòa trên, nhờ anh của tôi lo lắng xuất tiền mướn trạng sư tốn hao gần một muôn, nên thẩy bỏ phú không đi hầu, song Tòa trên xử tôi với thẩy đều được trắng án, khỏi tội gì hết.

-         Ðược vậy hay sao? Trời đất ơi! Chớ chi Tòa xử sớm sớm một chút, ở nhà tôi bớt buồn rầu, có lẽ khỏi chết. Mà thôi, phận thầy được khỏi tội, mẹ con tôi cũng mừng cho thầy. Tôi nói thiệt, thầy bị án, tôi chịu không được. Bây giờ thầy khỏi án, vậy mà thầy trở vô làm việc được hay không?

-         Ðược. Tôi được trắng án nên nhà nước đã cho tôi phục chức thầy giáo lại rồi.

-         May dữ hôn! Ðược vậy mẹ con tôi mới bớt buồn. Chớ việc của vợ chồng tôi, mà thầy mang họa thì tôi xốn xang quá.

-         Phần tôi hơn một năm nay thiệt tôi cũng buồn rầu hết sức. Nếu không có anh tôi lo lắng mà cứu tôi, hễ tôi bị ở tù thì chắc tôi sống cũng không được. Nay phận tôi đã yên rồi, bây giờ tôi xin nói chuyện của thầy Hội đồng. Tôi xuống đây là cố ý muốn nói minh bạch chuyện của thầy cho thầy hiểu. Chẳng dè thầy đã mất rồi, vậy tôi phải nói với cô. Ngày Tòa Trà Vinh kêu án tôi với thầy rồi đó, thì thầy thối chí ngã lòng, tính chịu ở tù, chớ không biết lo làm sao được. Còn sự sản thì thầy cũng tính để cho chủ nợ thi hành phát mãi. Thầy với cô muốn cho tôi khỏi phiền, nên làm thêm một tờ nữa mà giao hết sự nghiệp cho tôi đặng tôi chống chỏi với chủ nợ, nếu chống được thì tôi hưởng, còn như chống không được thì tôi ở tù cho mát dạ tôi. Tôi vẫn biết cái tờ đó không ích gì, bởi vì tôi có tờ mua làm trước đó cũng đủ phép rồi, cần gì phải làm tờ thêm mà giao nữa. Lại Chà Và nó kiện tứ tung tôi bị án rồi, tự nhiên Chà Và lấy ruộng đất và nhà cửa hết, tôi ăn sao được mà giao. Tôi về Sài Gòn, mong chạy cho khỏi án được là may, kể gì tới ruộng đất. Tôi năn nỉ với anh tôi, tôi cậy ảnh lo lắng cứu giùm cho tôi khỏi ở tù; nếu cứu được thì ruộng đất đó ảnh giành với Chà Và mà hưởng, tôi không biết tới. Anh tôi xuất hơn một muôn đồng bạc, mướn hai ba ông trạng sư, biện lý hết sức, nên cứu tôi khỏi tù, mà giành lại ruộng đất nhà cửa với chủ nợ cũng được nữa. Vì vậy đó nên những tài sản hai ông bà giao cho tôi đó, bây giờ về anh tôi hưởng, tôi không được biết tới. Tôi xuống đây là cốt nhứt cho thầy Hội đồng hay thầy khỏi bị án, sau nữa tỏ vụ gia sản đó cho hai ông bà biết.

            Vợ con Hội đồng nghe nói như vậy thì nín khe. Cách một hồi lâu, vợ Hội đồng Lợi mới nói xuôi xị rằng: "Gia tài của tôi bề nào cũng thi hành phát mãi hết. Vợ chồng tôi cùng thế rồi nên giao cho thầy. Thầy muốn giao lại cho ai là quyền của thầy, tôi có dám nói gì đâu"

            Thầy Phát dọ được tình ý rồi thầy bèn nói rằng: "Tuy tôi giao trọn hết cho anh tôi rồi, nhưng mà hôm Tòa xử anh tôi đặng kiện, tôi nghĩ thầy với cô trọng tuổi lại có cháu đông, nếu ruộng đất nhà cửa tiêu hết, thì chỗ đâu mà ở, làm nghề gì mà ăn. Tôi mới năn nỉ xin anh tôi rộng lòng cho bớt một cái nhà với năm mươi mẫu ruộng ở Tiểu Cần đặng hai ông bà ở và góp huê lợi lại ruộng ấy mà dưỡng già. Ban đầu anh tôi nói ảnh tốn hao trên một muôn đồng bạc, nếu ảnh cho thì thiệt hại ảnh nhiều. Tôi theo năn nỉ trọn mấy ngày ảnh mới chịu cho như lời tôi xin. Vậy tôi xuống nói cho cô hay đặng lựa coi ai đáng tin cậy thì cho tôi biết tên họ, đặng tôi làm tờ sang bộ lại cho, chớ để tên cô đứng bộ thì chủ nợ họ kiện họ lấy liền, không ích gì".

            Vợ Hội đồng mừng rỡ hết sức biểu con ra lạy thầy giáo Phát mà tạ ơn. Cô khóc và nói rằng: "Thầy làm anh em với nhà tôi không mấy ngày, mà thầy thương vợ chồng tôi, thầy lo lắng từ chút, thiệt tôi chẳng biết lấy lời chi mà tạ ơn cho vừa. Ở nhà tôi[5] đã mất rồi, mà thầy còn lo cho mẹ con tôi có chỗ ở, có cơm ăn, dầu đến chết mẹ con tôi chẳng quên cái ơn ấy. Việc sang bộ, để chậm ít ngày cho mẹ con tôi tính, chớ gấp quá tính không được. Như thầy có gấp về Sài Gòn, thì chừng mẹ con tôi kiếm được người rồi, mẹ con tôi sẽ dắt lên trển làm tờ giấy cũng được vậy".

            Khách đến dự đám tuần, ai cũng khen ngợi thầy giáo Phát có phước, có tài, lại biết nhơn nghĩa, biết thương yêu người hoạn nạn.

            Vợ con Hội đồng Lợi ân cần mời quá, nên thầy Phát ở ăn cơm trưa và nói chuyện cho tới xế chiều mát rồi mới từ mà về.

            Thầy ngồi xe hơi có một mình ở phía sau, xe chạy ồ ồ, gió phất mát mặt. Thầy nhớ cách người quen biết họ trở mặt, đổi đời, thì thầy tức cười thầm. Rõ ràng là lời của anh là Hà Tấn Phát và của bạn là Cao Lương Ký nói chẳng sai. Ðời nầy chẳng còn luân lý nhơn nghĩa gì nữa hết. Phải gian xảo mới được người ta kính phục. Phải có tiền mới được người ta thương yêu. À! thế tình như vậy mình không phải là thầy tu, thì dại gì bo bo giữ luân lý nhơn nghĩa! Kia, cô Thiện Tú, cô còn biết ở theo thời thay, mình là trai, há mình không biết ở theo thời sao?

 


[1] (contrôleur), người phụ xế

[2] (set,tiếng Anh), cuộc

[3] người cởi ngựa đua

[4] tiếng Pháp “cercle” là hội, nhóm, chỗ gặp gỡ để chơi cờ bạc

[5] chồng tôi, vợ tôi


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09