Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín

Toàn bộ với dạng PDF

Ở Theo Thời

Phần Sáu 

            Thầy Hội đồng Bành Ðại Lợi cách nói chuyện thì là quê mùa, lời luận biện thì là dốt nát, nhưng mà cái quê của thầy nó có cái vẻ chơn chất, cái dốt của thầy có cái vẻ tự nhiên, bởi vậy người có ý dọ nhơn tình hay là có tánh xét thái thế, ngồi nghe thầy nói chuyện, ắt phải sanh một mối cảm lạ lùng, rồi trong lòng bắt mến thầy về cách quê lời dốt ấy.

            Tại như vậy đó mà thầy nhứt Phát là một người hay khảo cứu thái thế, lại đương uất về nhơn tình, thầy nói chuyện với thầy Hội đồng Lợi có mấy giờ đồng hồ rồi trong lòng thẩy mến thầy Hội đồng Lợi hơn hết thảy mọi người trong xứ Tiểu Cần. Thầy nhớ những lời Hội đồng Lợi khuyên lơn thầy mấy điều thuở nay chưa từng nghe ai khuyên như vậy. Thầy nhớ cái cách thầy Hội đồng Lợi ngồi nói tự nhiên những chuyện thuở nay người ta cho là xấu hổ nên không dám nói ra. Thầy đã mến về mấy chỗ đó, mà lại còn mến vì thầy Hội đồng Lợi với thầy tâm đầu ý hiệp nữa.

            Từ đó về sau cách đôi ba đêm thì thầy nhứt Phát với thầy Hội đồng Lợi có gặp nhau một đêm, nếu người nầy không qua thì người kia lại, mà mỗi lần gặp nhau thì đàm luận việc đời, chỉ chỗ phải, chê chỗ quấy của thiên hạ, đến hai ba giờ đồng hồ cũng không nhàm.

            Một đêm nọ, hai người đương nói chuyện gia đình, thầy Hội đồng hỏi thầy nhứt rằng: "Thầy nhứt nè thầy đã trọng tuổi, mà lại có chỗ ăn chỗ làm, sao thầy chưa lo cưới vợ dặng lập gia thất với người ta? Nếu thầy muốn, tôi kiếm chỗ tôi chỉ cho thầy coi, rồi như thầy đành thì tôi làm mai giùm cho".

            Thầy nhứt Phát đã có một cái ý riêng, mà ý ấy thầy chưa dám thổ lộ cho ai biết, bởi vậy thầy nghe lời Hội đồng hỏi thì thầy châu mày, ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp rằng:

-         Việc vợ chồng tôi chưa tính được. Có lẽ một vài năm nữa rồi sẽ hay. Vợ là một người bạn trăm năm của mình, phải lựa người một tánh, một ý với mình mới được, chớ làm bốc hốt chồng một tánh, vợ một ý, thành ra gia đình là cái cảnh địa ngục trọn đời, mình chịu sao nổi.

-         Thầy nầy kén vợ quá! Coi chỗ nào được thì cưới phứt, hơi nào mà kén. Ðể tôi kiếm chỗ thiệt thà, mà có ruộng đất, đặng sau nầy thầy nhờ chớ.

-         Không được đâu.

-         Sao vậy?

-         Thiệt thà là một tánh tốt thiệt. Nhưng mà có vợ thiệt quá, mở miệng ra nó nói cụt ngủn, cụt ngẳn, mình nói xa nói gần nó không hiểu gì hết, thế cũng khó chịu lắm chớ. Còn tính cưới vợ giàu thì cũng quấy nữa. Làm đờn ông hễ có vợ thì mình phải lãnh nuôi vợ, chớ sao lại mong nhờ nó.

-         Mình có vợ bên vợ chia gia tài, mình lãnh mà ăn, như vậy xấu hổ lắm hay sao?

-         Không xấu hổ lắm, nhưng mà mình tính cưới vợ giàu đặng hưởng gia tài thì là không tốt.

-         Hừ! Thầy khéo nói! Có nhiều người họ mưu sự hoặc lập thế, hoặc dụng quyền mà cướp giựt của thiên hạ mà họ làm giàu, rồi cũng thấy có ai chê cười họ đâu, coi thế thiên hạ lại kính phục họ lắm chớ. Lãnh gia tài bên vợ có cái gì gian ác đâu mà thầy nói không tốt?

-         Ậy, của mình làm ra mà ăn thì tốt hơn hết.

-         Làm cách nào cũng là làm vậy chớ. Thầy nói trái đời quá! Vậy chớ thầy không thấy thiên hạ họ ăn của người khác làm ra đó sao. Như tôi đây nè, của tôi làm ra mà thiên hạ họ ăn đó.

Hai người cười xòa.

            Ðến kỳ thi bằng sơ học, học trò của thầy nhứt Phát đi thi mười lăm, đậu được mười bốn, rớt có một học trò. Ông Ðốc học mừng quá, ông cám ơn và khen ngợi thầy nhứt vô cùng. Ðến bãi trường, ông Ðốc cậy thầy nhứt dạy riêng giùm con ông. Thầy nhứt mắc về Sài Gòn nên không dám hứa lời.

            Lúc bãi trường thiệt thầy nhứt Phát ở với anh trên Sài Gòn trọn hai tháng. Còn vài ngày nữa khai trường thầy mới đi xe hơi đò mà xuống Tiểu Cần. Xe xuống tới Vĩnh Long đậu nghỉ cho hành khách ăn uống. Một lát có xe hơi đò Trà Vinh cũng lên đậu gần đó và trên xe có tiếng người kêu "thầy nhứt, thầy nhứt" tưng bừng.

            Thầy nhứt Phát bước lại gần thì thấy cô Thiện Tú với em là trò Thiện Chí xuống xe đi uống cà phê. Cô Thiện Tú ngó thầy nhứt Phát, miệng chúm chím cười mà nói rằng: "Hai chị em tôi đi nhập trường. Xưa rày tôi về tôi trông thầy dữ quá. Tôi muốn gởi thơ, ngặt không biết thầy về Sài Gòn ở đường nào, số nhà mấy mà gởi. Bộ thầy giận tôi hay sao mà bãi trường thầy ở miết trển, không chịu xuống dạy tôi? Năm nay tôi thi. Nếu tôi thi rớt, tôi mắc đền thầy cho thầy coi"

            Xe bóp kèn kêu hành khách. Thầy nhứt Phát không kịp trả lời, lật đật từ giả mà đi, chỉ mắt liếc miệng cười mà tỏ dấu mình cảm những lời trách móc mà hữu tình của cô nọ.

            Qua năm sau, thầy nhứt Phát cũng dạy như thường. Mấy thầy cùng làng tổng đối với thầy cũng lạt lẽo như năm trước, duy có thầy Hội đồng Bành Ðại Lợi thì hay qua lại mà đàm luận.

            Một bữa chúa nhựt, thầy nhứt Phát qua thăm thầy Hội đồng, thấy thầy nọ nằm gác tay ngang trán, mặt buồn xo. Thầy nhứt Phát hỏi có việc chi mà sắc mặt ưu sầu. Thầy Hội đồng thở dài mà nói rằng: "Việc nhà tôi bối rối một chút, nên mấy bữa rày tôi không vui. Tôi nhớ tôi đã nói với thầy, ruộng đất của tôi nhiều mà tôi thiếu nợ cũng bộn, lớp thì nợ riêng của tôi, lớp thì tôi lãnh cho anh em. Hiện bây giờ tôi đứng bộ tại Tiểu Cần một trăm năm mươi mẫu ruộng ngoại hạng và bên Phước Long một sở năm trăm mẫu. Ruộng bên nầy giá đáng bốn trăm đồng một mẫu, còn ruộng Phước Long hồi đó tôi mua giá gần hai trăm đồng một mẫu. Cộng hết gia tài của tôi ít nào cũng một trăm năm chục ngàn đồng, không kể nhà cửa. Mấy năm trước, mùa thường thường, tôi thâu góp về lúa ruộng, về lúa vay, gần ba chục ngàn giạ, thì mỗi năm tôi có huê lợi ba mươi sáu ngàn đồng bạc. Mùa rồi đất bên Phước Long hồi cấy rồi thì bị tim[1], chừng lúa trổ lại bị háp[2]. Tôi thất dữ quá. Tôi thâu góp hết sức, mà về bên nây, về bên Phước Long cộng non mười ba ngàn giạ. Còn nợ thì thiệt phần riêng của tôi thiếu về vốn về lời chừng năm ngàn. Ấy là nợ hồi mua đất Phước Long hụt tiền nên tôi phải vay thêm, Rồi bị mấy năm làm Hội đồng phải ăn xài chơi bời với anh em, nên tôi trả không được, còn đọng lại đó. Còn tôi bảo lãnh cho anh em, tôi nhớ số vốn chừng ba mươi lăm ngàn, không biết mấy năm nay người nào có trả tiền lời người nào không trả, nên khó biết chắc số thhiếu được. Năm nay tôi thấy lúa góp ít quá, nên tôi vựa mà nhóng giá, chờ lúa phát giá lên cao rồi sẽ bán đặng may đỡ cái thất chút đỉnh chăng; nào dè hôm tháng tư lúa bắt đầu sụt giá lần lần, sụt riết bây giờ còn hai đồng mười một tạ[3], nghĩa là không đồng bảy mươi hoặc không đồng bảy lăm một giạ[4]. Chết chưa! Lúa thì góp ít. lại phải để ít nữa năm ngàn giạ đặng cho tá điền ăn, phải bán trên vài ngàn giạ mà đóng thuế, còn lại có năm sáu ngàn giạ, mà theo giá lúa nầy, thì làm sao mà trả nợ!"

            Thầy nhứt chận hỏi:

-         Năm thất mùa, lúa giá rẻ, mình nói với chủ nợ mà trả tiền lời, còn vốn để qua năm khác, không được hay sao?

-         Trả nội tiền lời cũng không đủ. Mà đã hai năm rồi tôi không có trả tiền lời, chớ phải nội năm nay hay sao?

-         Úy! Nếu vậy thì trả giống gì nổi!

-         Bởi vậy cho nên hổm nay đã có hai thằng Chà xã tri[5] nó tới đòi và hăm kiện. Tôi không biết tính sao cho được. Thiệt, dầu nợ tôi vay, hay là nợ tôi bảo lãnh, tôi cũng không có treo đất cái gì hết. Mà tôi sợ hễ nó kiện đặng án rồi, nó thi hành phát mãi hết ruộng đất nhà cửa của mình cũng được vậy chớ, phải hay không thầy?

-         Tôi không có học luật Tòa, nên tôi không hiểu việc đó. Mà tôi thường có nghe hễ mắc nợ mà không trả, thì tự nhiên chủ nợ kiện rồi phát mãi gia sản chớ sao?

-         Nguy chưa! Bây giờ biết làm sao? Tôi nói thiệt nếu họ thi hành phát mãi hết gia sản của tôi thì chắc tôi phải chết.

            Thầy Hội đồng đốt đèn, làm thuốc á phiện mà hút và mời thầy nhứt nằm ngang mặt đặng nói chuyện chơi. Thầy hút ít điếu rồi thầy nói rằng:

-         Tôi tính như vầy không biết được hay không?

-         Thầy tính sao?

-         Chà nó hăm kiện, chớ tôi chắc chưa kiện đâu. Ruộng đất của tôi không có treo hay là cầm cố cho nó chi hết. Tôi muốn kiếm người tôi làm giấy bán hết ruộng đất nhà cửa của tôi cho họ. Tôi bán tôi đóng bách phần cầu chứng hẳn hòi rồi sang bộ cho họ đứng hết, thì Chà nó phát mãi gì được. Họ đứng bộ đó là họ đứng bộ giùm cho tôi, chớ không phải bán thiệt.

-         Tôi sợ không được chớ. Làm như vậy thì mình gian dối quá.

-         Bị vậy thì phải kiếm thế thoát thân, dầu kế nào cũng được; nếu ái ngại thì chết còn gì. Thầy tưởng bọn cho vay nó ở với mình lại có nhơn nghĩa gì đó hay sao? Nó cắt họng mình chết tươi. Hồi mình làm ăn khá, nó thấy vậy nó đem bạc tới nhà mình nó nài nỉ mình vay; tại như vậy tôi mới dám mua đất Phước Long đó chớ. Bây giờ nó thấy mình suy, nó tới đòi ngày một, hăm phát mãi, hăm giam thân. Còn bạc vay nó lấy tiền lời trước, té ra mình lấy số bạc ít, mà trong giấy phải làm nhiều. Mấy năm nay tôi trả cho nó nhiều quá rồi, mà số vốn còn y nguyên. Nó cắt họng mình, thì mình giựt lại, tôi nhắm không tội gì. Mà tôi tính kiếm người sang bộ đất đây, là làm đỡ cho khỏi bị phát mãi, nếu sau lúa phát giá lên lại, tôi khá, thì tôi cũng trả nợ, chớ không phải nói ngược.

-         Thầy kiếm người cậy đứng bộ, ruộng đất giùm cho thầy, ví như người ta làm chủ rồi ngưòi ta lấy luôn, hoặc người ta bán lại cho người khác, rồi thầy làm sao?

-         Khó là khó chỗ đó đa, bởi vậy tôi bối rối không biết ai đáng tin cậy mà dám mượn.

-         Tôi tưởng nếu thầy có làm như vậy thì phải cậy anh em bà con ruột mới được, chớ đừng có cậy người dưng, họ lấy luôn rồi thầy hỏng chưn.

-         Cha chả! Anh em bà con bây giờ có ai đâu, Tôi có một thằng em trai, mà nó không thuận với tôi. Hồi bà già tôi mất, nó kiện tôi mà giành gia tài. Nó thất kiện nó oán tôi từ đó tới giờ, nó có đến nhà tôi đâu. Nếu tôi mượn nó đứng bộ đất, chắc nó đoạt luôn. Còn bên vợ của tôi, có hai đứa em trai và một đứa em gái, mà cả ba đứa đều rượu trà bài bạc vất vả, không đứa nào nên thân, tôi đâu dám tin cậy. Thiệt là khó.

-         Nếu anh em ruột không được, thì cậy bà con hoặc nhà bác, hoặc nhà chú, hoặc nhà cậu, hoặc nhà cô.

-         Bà con bây giờ cũng không có người nào hết. Còn những người quen biết thuở nay, trời ơi, mình có dám tin ai đâu. Tôi thường có nói với thầy, những người họ thân thiết với tôi đó là họ làm mặt đặng họ lột da tôi, chớ có tình nghĩa gì đâu. Ở xứ nầy thiệt tôi không dám tin ai hết. Tôi nhắm lại bây giờ chỉ có một mình thầy thì đáng cho tôi tin cậy. Tôi chơi với thầy mấy tháng nay, tôi thấy rõ tánh tình thầy thiệt là ngay thẳng đúng đắn, không thèm dua bợ ai, việc gì quấy chẳng bao giờ chịu làm. Tôi nói thiệt thầy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, mà tôi thấy tánh tình thầy như vậy, thì tôi kính phục thầy lung lắm. Tôi muốn cậy thầy làm ơn đứng bộ giùm ruộng đất nhà cửa cho tôi. Tôi sang bộ cho thầy đứng thì tôi vững bụng, không lo gì hết.

-         Tôi nhỏ, mà việc đó to tát quá, thiệt tôi không dám đâu.

-         Có sao đâu mà sợ. Tôi làm tờ bán dứt hết ruộng đất nhà cửa cho thầy. Tiền làng thị nhận, tiền đóng bách phần tôi lo hết thảy, thầy chỉ có ký tên mà thôi, thất công có bao nhiêu đó.

            Thầy nhứt Phát ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:

-         Tôi nghĩ tôi giúp thầy việc đó không được.

-         Tại sao vậy?

-         Việc thầy tính đó không được ngay thẳng. Tôi vô can mà tôi xen vô rồi chịu mang tiếng coi cũng kỳ.

-         Bởi thầy là anh em, tôi thấy thầy có lòng thương tôi, nên tôi mới dám cậy thầy chớ. Tôi bây giờ chẳng khác người nào té dưới sông, bị trôi giữa dòng nước chảy. Tôi thấy có một mình thầy đứng trên bờ sông, tôi kêu thầy mà cầu cứu. Có lý nào thầy nói tại tôi dại té xuống sông chết thì chịu, thầy không thèm cứu, rồi thầy làm lơ bỏ mà đi đành hay sao?

-         Tôi thương thầy lắm. Việc thầy cậy đó không phải là khó làm, hay mà làm tốn hao gì của tôi. Ngặt vì việc làm đó không chánh trực, nên tôi không khứng chớ.

-         Tôi đã nói với thầy, tôi tính sang bộ ruộng đất đây, không phải tôi cướp giựt gì của chủ nợ đâu mà thầy sợ tôi làm ác. Nợ tôi lãnh cho người ta đó, là tôi làm ơn lãnh giùm, chớ tôi không có chia chác hay là ăn tiền đầu tiền đuôi gì đâu. Còn số nợ riêng của tôi, để rồi tôi mở tủ lấy giấy tờ cho thầy coi. Cách tám năm nay, hồi tôi mua đất Phước Long đó, tôi thiếu bạc, tôi phải vay hai thằng Chà, một thằng ba chục ngàn, một thằng mười lăm ngàn. Trong sáu năm đầu, mỗi năm bán lúa rồi tôi trả tám ngàn cho hai thằng. Hôm trước thằng con tôi nó soạn biên lai thì tôi cộng lại thì hồi đó đến giờ tôi trả bốn mươi tám ngàn rồi. Mà nó tính lời mắc quá, rồi còn cộng chung vốn lời mà tính tiền lời nữa, thành ra tôi vay bốn mươi lăm ngàn, tôi trả được bốn mươi tám ngàn, mà bây giờ còn thiếu lại gần năm chục ngàn nữa, thầy coi nó cắt cổ tôi là dường nào hử. Ðể rồi tôi lấy giấy tờ cho thầy coi, chớ phải tôi nói láo đâu.

            Thầy nhứt Phát nghe tới cái lý đó, thì thầy hết chống cự gắt nữa, song thầy cũng không chịu hứa lời, thầy nói để thầy suy nghĩ lại; mà thầy lại khuyên phải kiếm trong dòng bà con mà sang bộ thì tốt hơn.

            Mỗi ngày thầy Hội đồng Lợi cứ theo năn nỉ hoài, thầy nói thầy kiếm hết sức mà chẳng có một người nào đáng tin cậy, và thầy xin thầy nhứt phải cứu giùm thầy, chớ nếu dục dặc lâu ngày, rồi Chà Và thi hành phát mãi hết, ắt vợ con thầy không nhà mà ở, không cơm mà ăn, không đất mà làm.

            Thầy nhứt Phát tuy học giỏi, dạy hay, song thầy còn nhỏ, chưa lịch lãm việc điền sản. Thầy từ chối là vì thầy thấy việc gian dối, trái với lương tâm thầy, chớ không phải thầy hiểu làm như vậy là sái luật. Mà đến chừng thầy thấy thầy Hội đồng năn nỉ quá, thầy cầm lòng không đậu, nên thầy phải cho mượn tên đặng sang điền sản cho thầy đứng bộ giùm.

            Thầy Hội đồng qua Phước Long làm tờ bán đất ở bển trước, rồi về làm tờ bán luôn nhà và ruộng đất ở Tiểu Cần cho thầy Hà Tấn Phát nữa. Hai tờ bán thị giá nhà đất hết thảy hai chỗ cộng bảy chục ngàn đồng. Hương chức Tiểu Cần thị nhận tờ, lại buộc thầy nhứt Phát phải ký tên trước mặt làng. Thầy nhứt Phát đến nhà việc, Hương hào Phúc nói chơi rằng: "Thầy nhứt làm giàu thiệt là mau, thầy dạy học mới có một năm mấy tháng mà có dư tiền đến đỗi mua tới sáu bảy muôn đồng bạc ruộng đất. Anh em Hương chức thấy hay không? Thầy nhứt không chơi bời, nên thẩy làm giàu, bọn mình chơi quá, nên mình mạt hết".

            Thầy nhứt hiểu là lời ngạo báng nhưng thầy nghĩ thầy làm ơn cho thầy Hội đồng, thì lương tâm thầy đủ vui rồi, ai nói gì mặc ai.

 Thầy Hội đồng đóng bách phần cầu chứng mấy tờ mua bán, trong ít ngày có trát dạy làng phải cải bộ cho thầy Hà Tấn Phát đứng, đâu đó rành rẽ hết.

 


[1] một chứng bịnh của lúa lá vàng, không phát triển

[2] lúa không có hột, lúa bị lép

[3] 100 cân ta=60kg

[4] giạ=40 lít

[5] chỉ người Ấn độ chuyên nghề cho vay.


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09