Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12

Toàn bộ dạng PDF

Thầy Thông Ngôn

1.  HAM TRĂNG BỎ ĐÈN

          Lúc mặt trời chen lặn, tại nhà ga xe lửa Tân-an thiên hạ lao nhao lố nhố, người đợi xe đi Mỹ-tho thì sắp soạn hành lý lăng xăng, kẻ chực rước người ở Sài-gòn về thì đi tới đi lui lóng nhóng.

          Đồng hồ vừa gõ sáu giờ, thì nghe tiếng síp-lê[1] vang rân. Mấy người tới trễ, lật đật chạy vô nhà ga mua giấy đụng sắp nhỏ té lăn cù, mấy tên đánh xe đón rước khách, giành nhau đứng trước, nên xô lấn chửi nhau inh ỏi.

          Ông Hương sư Trần Văn Sắc, ở Tầm vu, có một đứa con trai tên là Trần Văn Phong, tuổi vừa mới hai mươi mà đã thi dậu Đíp-lom, nên tuần trước ông cho nó lên Sài-gòn mà thi vào ngạch Soái-phủ Nam -Việt. Bữa trước nó đánh dây thép[2] về cho ông hay rằng nó thi đậu số 2, và hẹn chiều bữa nay nó về, nên hồi trưa ông dạy gia-dịch đứa bắt heo làm thịt, đứa đi mời hương chức bà con, rồi ông mướn một cái xe hai bánh, đi với Thôn trưởng Lê Văn Nuôi lên Tân-an đón rước nó.

          Ông thấy xe lửa qua cầu thì trong lòng ông khấp khởi, ngoài mặt thời tươi cười, tay cặp dây dù cán tre mà vì mừng mà run run làm cho cán dù lúc lắc hoài; chơn mang giày hàm ếch mà vì đi qua đi lại hồi chiều đến giờ nên bụi cát đóng mốc thích[3].

          Xe lửa ngừng trước nhà ga, hành khách chen lấn kẻ lên người xuống coi rất náo nức.

          Trần Văn Phong mình mặc một bộ đồ u học trắng, có thắt cà ra hoách[4] xanh, chơn mang giày da vàng, đầu đội nón nĩ xám, tay xách va ly nhỏ, ở trên xe bước xuống, mắt ngó dáo dác, mà mặt lại nghiêm chỉnh, dường như muốn hỏi: “ Tôi thi đậu rồi nên về đây, không ai thấy hay sao?”.

          Thiên hạ tuy đông, song ai mắc lo phận nấy, nên không ai ngó thấy, duy có ông Hương sư Sắc với ông Thôn Nuôi dòm kiếm phía trước không có, chừng day lại thấy Trần Văn Phong thì bươn-bả[5] đi lại, tay ngoắt miệng kêu, chừng ấy mới có ít người hành khách dòm ngó.

          Trần Văn Phong chào cha với ông Thôn Nuôi rồi hỏi rằng:

-         Cha đi với ông Thôn hay còn ai nữa?

Hương sư  Sắc đáp:

-         Không, cha đi với ông Thôn mà thôi, đi rước đông chi cho tốn xe. Tuy vậy mà cha có sai bầy trẻ mời hương chức với bà con tựu ở nhà đủ hết. Hôm qua được dây thép, má mầy mừng quýnh, nên má mầy đốc cha làm heo mà tạ đất nước ông bà. Có xe cha mướn nên chực sẵn mà rước đây, vậy thôi lên xe về riết kẻo má mầy với hương chức ở nhà họ trông.

          Ba người dắt nhau lên xe. Xe hai bánh mà chở được bốn người ngồi day mặt phía trước và hai người ngồi day mặt phía sau. Ông Thôn ngồi sau mà cứ day mặt ra phía trước ngó Trần Văn Phong và nói rằng:

-         Thầy hai thiệt là giỏi! Mới thi đậu bằng cấp tài năng đó rồi thi thơ ký lại đậu luôn nữa, thuở nay trong làng chưa có ai giỏi như vậy. Thầy về đó mà coi, từ hôm qua đến nay họ đồn rùm, ai cũng hay thầy thi đậu rồi hết.

Ông Hương sư đắc chí nên vuốt râu và nói rằng:

-         Nó đậu, mà đậu thứ nhì mới hay chớ!

Trần Văn Phong châu mày trợn mắt nói rằng:

-         Giám khảo sấp cho tôi đứng thứ 2 đó ức tôi lắm; thằng đậu số 1 có giỏi hơn tôi đâu, tại họ vị nó cho bon[6] nhiều hơn tôi chớ lấy lẽ công bình thì tôi đứng số 1 mới đáng. Hôm qua tôi muốn kêu nài chớ.

Ông Hương sư lắc đầu đáp rằng:

-         Ôi thôi, số 1 hay số 2 cũng vậy, mầy giỏi họ cũng biết, cần gì phải kêu nài.

          Trời tối lần lần. Ông Thôn cứ thôi thúc tên đánh xe giục ngựa chạy riết về; còn ông Hương sư cứ chúm chím cười, một lát nghe ông nói: “Nhà mình được như vậy mới có phước” chớ chẳng nghe câu nào khác.

          Xe vừa ngừng trước cửa, thì sắp con nít trong xóm bu lại đứng bao chung quanh. Trong nhà đèn đốt sáng loá, khách thấy xe, kẻ đứng dậy người đi ra, ai cũng vui vẻ.

          Trần Văn Phong bước vô trước, còn ông Hương sư với ông Thôn lục thục theo sau. Bà con cùng hương chức xúm lại đứng bao Trần Văn Phong, kẻ hỏi thăm, người mừng rỡ, mạnh ai nấy nói, không ai nghe ai hết.

          Bà Hương sư mặc quần lãnh mới, áo xuyến mới, đương ở nhà sau coi nấu nướng, nghe xe về bà cũng lật đật chạy mừng con. Ông Hương sư hối kẻ gia dịch dọn cúng rồi mời đãi hương chức bà con. Vài ông kỳ lão với mấy ông hương chức lớn thì ngồi bàn giữa, còn hương chức nhỏ thì ngồi dài hai bộ ván gỏ[7] lót hai bên.

          Trần Văn Phong nói đi mới về còn mệt nên không ngồi, nhưng vì ông ép quá, cực chẳng đã phải nhắc ghế chen ngồi bàn giữa với mấy ông lớn.

          Trong lúc ăn uống vui cười, ông hương quản nói rằng:

-         Thầy hai nay đã lập công danh được rồi, vậy chú Hương sư cũng nên coi trong làng mình, ông nào có con xứng đôi vừa lứa thì làm sui cho rồi, đặng thầy hai có đôi bạn với người ta.

          Ông Hương sư chua kịp trả lời, bỗng đâu bà Hương sư đương ngồi tại bộ ván nhỏ ăn trầu nghe nói như vậy vùng đáp rằng:

-         Thầy Hương quản lo chi việc đó! Thằng nhỏ tôi thi đậu thông ngôn ký lục rồi, chừng nó đi làm việc đây thiếu gì Huyện, Phủ họ gả con cho nó mà lo.

          Ông Hương quản tay bưng ly rượu miệng nói rằng:

-         Thưa thím, mình ở trong làng thì kiếm chỗ trong làng làm sui cho dễ, khiếm chi chỗ xa làm chi.

-         Làng mình quê mùa, có con ai xứng đáng đâu mà thầy Hương quản biểu tôi nói cho nó?

Ông Hương quản ngó quanh quất rồi hỏi rằng:

-         Thế khi bầy trẻ không có mời ông Chủ hay sao, mà sao không thấy ổng xuống vậy kìa?

          Có tên phó thôn đang đứng rót rượu, nghe Hương quản hỏi như vậy, liền bước lại thưa rằng:

-         Thưa thầy, tôi có lên mời ông Chủ, mà vì ông Chủ trặc chơn đi không được nên xin kiếu.

          Ông Hương quản gặc đầu rồi ngó ông Hương sư mà nói rằng:

-         Thưa ông Hương sư, ông Chủ Tân có đứa con gái tên là con hai Liền, năm nay nó chừng mười sáu, mười bảy tuổi, coi ngộ quá. Vợ tôi có biết con đó lắm; nó nói tánh nết hiền lương mà lại tướng mạo đẹp đẽ, may vá khéo,  bánh trái giỏi. Dưới nầy chú có một mình thầy hai, còn trên kia ông Chủ có một mình con hai Liền, nếu hai ông làm sui với nhau thì xứng lắm. Trong làng mình đây ông Chủ là giàu nhứt, có ai bằng đâu.

          Trần văn Phong nghe nói tới con gái của ông Chủ Võ Thái Hạnh thì biến sắc, song sợ người ta thấy mình sượng sùng, nên lật đật gắp thịt chấm nước mắm mà ăn.

          Ông Hương sư bưng uống cạn ly rượu rồi cười mà nói rằng:

-         Tôi có thấy con gái ông Chủ, con nhỏ coi ngộ thiệt. Mà nó ngộ thì ngộ theo trong làng mình đây, chớ bì với người ta sau được. Thằng nhỏ tôi bây giờ nó làm thầy thông, thầy ký, thì nó phải có vợ cho xứng đáng, ví dầu cưới con Huyện, Phủ cho nó không được, thì ít nữa cũng phải kiếm con Cai, Phó Tổng hay Hội đồng, chớ lẽ nào mà nói con ông Chủ. Thiệt ông Chủ ổng giàu hơn tôi, mà ổng cũng giàu hơn hương chức trong làng mình hết thảy. Tuy vậy mà ổng đứng bộ có năm mẫu điền với mấy mươi cao thổ cư, chớ có bao nhiêu. Nếu muốn làm sui nhà giàu, thì đợi thằng nhỏ tôi nó đi làm thông ngôn, rồi đây nhà giàu lớn trong Lục tỉnh họ giành nhau mà gả con, chừng ấy mặc sức mà lựa, cần gì phải lo cho mệt.

Ông Hương quản đáp rằng:

-         Thưa chú, chú nói tôi không dám cãi, chớ thiệt con gái ông Chủ xứng đáng lắm, Ông chủ bà Chủ là người hiền đức, mà con hai Liền nó lại học chữ nho bộn. Mình cưới vợ cho con thì kiếm chỗ phải, chớ tính lựa giàu sang làm chi.

          Bà Hương sư ngồi xỉa thuốc ngoài rạch, bà nghe nói như vậy, bèn xen vô mà đáp rằng:

-         Thầy Hương quản nói vậy sao phải! Tôi có một mình nó, nên tôi phải kén dâu chớ! Chớ phải nó dốt nát như con bọ hay sao, mà cưới vợ xập xụi ở trong làng mình được.

          Ông Hương quản cười rồi uống rượu, không nói chuyện đó nữa.

          Tiệc mãn rồi, khách từ về hết, chỉ còn năm sáu ông hương chức rủ nhau ở lại đánh bài tứ sắc cho đến sáng rồi mới xên[8] mà về.

          Cách nữa tháng có trát Quan Chủ tỉnh Tân-an đòi Trần Văn Phong lên hầu quan Chủ tỉnh cho hay rằng có giấy quan Nguyên soái cấp bằng cho Trần Văn Phong làm thơ ký học tập và bổ đi tùng sự với quan Chủ tỉnh Bạc-liêu, tại quận Cà-mau. Ngài lại dạy về sắm sửa hành lý rồi trở lên lấy giấy xe lửa và giấy tàu mà đi Bạc-liêu lập tức.

          Trần Văn Phong quày quả trở về cho cho cha mẹ hay thì cả nhà đều mừng rỡ. Vợ chồng Hương sư Sắc đàm luận với nhau, ông nói làm thông ngôn ký lục mà bổ đi được dưới mấy tỉnh mới khá, chớ ở Sài-gòn lãnh lương mà thôi, không có huê lợi nào khác thêm cực thân mà không ích gì. Nay quan bổ con ông đi Cà-mau ấy thiệt là may, ngặt vì nó mới ra khỏi trường, chưa thạo việc ở đời cho lắm, mà đi xa quá nên ông có bụng lo.

          Bà đáp rằng ở đời người ta sao thì mình cũng vậy, dầu tới đâu, ban đầu lạ sau quen, có hại chi mà lo. Huống chi người ta đồn Cà-mau, Rạch giá là xứ giàu có, ấy vậy con mình xuống đó có thể kiếm vợ xứng đáng, hoặc là làm giàu mau được, chớ sợ xa rồi co đầu rút cổ ở trong xứ mình hoài thì làm giàu sao mà nên danh.

          Trần Văn Phong sắp quần áo giầy vớ vô rương, tính trưa bữa sao sẽ lên Tân-an lãnh giấy mà đi. Ông Hương-sư thì theo căn dặn đến xứ người phải ăn ở cẩn thận, chơi bời thì lựa người tử tế mà chơi, đặng khi có việc mình nhờ cậy ngưởi ta, còn làm việc thì đừng hỗn ẩu xấc xược với làng với dân, song phải nghiêm cho họ sợ, đặng họ lo lót mới có tiền.

          Bà Hương sư thì lấy một ve dầu bạc-hà với môt ve dầu như-ý mà bỏ vô rương, ngừa khi đi đường rủi nhức đầu đau bụng, có sẵn dầu mà dùng đỡ. Bà lại căn dặn rằng: ”Ở đời con phải giữa gìn tánh nết cho chặc chịa, thấy con gái nhà nghèo dầu nó có đẹp mấy đi nữa con đừng thèm ngó làm chi. Xuống Cà-mau con cứ làm quen chơi với hàng Phủ, Huyện hoặc Cai Phó Tổng; hễ con thấy ông nào có con gái thì con phải ráng làm cho ổng thương đặng ổng gả con cho. Con nay được làm thông ngôn thì đã vinh vang cho cha mẹ rồi, mà nếu con cưới được con Phủ, Huyện, hoặc Cai Phó Tổng thì con nhờ, mà con lại làm cho cha mẹ đẹp mày nở mặt nhiều hơn nữa. Con phải nhớ lời mẹ dặn đừng có quên nghe con.”

          Trần Văn Phong chúm chím cười và gặc đầu mà đáp rằng: ”Con không dại đâu, xin cha mẹ đừng có lo. Hễ quan yêu, tự nhiên con có quyền thì làng tổng phải sợ con, rồi nhà giàu sang họ đem con gái họ dưng thiếu gì”.

          Qua ngày sau, ăn cơm trưa rồi, Trần Văn Phong mướn một cái xe chở rương lên Tân-an, tính lãnh giấy rồi đi xe lửa chiều qua Mỹ-tho ngủ một đêm đặng sáng xuống tàu đi Bạc-liêu.

          Bà Hương sư giành đưa con lên Tân-an, tính đưa nó lên xe lửa rồi bà sẽ trở về.

          Xe ngựa chạy chừng được một ngàn thước, bỗng thấy có một cô thiếu nữ mình mặc áo xuyến tím, quần lãnh đen, đầu đội khăn lục soạn trắng, trên che dù ửng hồng, chơn không có đi giày, mà mặt mày sáng rỡ, môi son má bầu, tướng đi yểu điệu, ở đằng xa đi lại, chừng thấy xe, cô đứng nép bên đường mà tránh song không xây lưng giấu mặt như cô gái thường, cô lại đưa cây dù lên cao, rồi đứng chường mặt mà ngó Trần Văn Phong trân trân.

          Xe chạy ngang, Trần Văn Phong mắt liếc cô ấy mà miệng chúm chím cười.

          Bà Hương sư nói rằng: “Con nầy đi đâu xuống tới dưới nầy kìa? Con ông chủ Hạnh đó đa.

          Trần Văn Phong lặng thinh không nói chi hết, mà xe chạy qua rồi anh ta cũng không thèm ngó lại. Tên đánh xe cắc cớ ngó ngoái lại sau, thì thấy cô nọ đứng ngó sau xe, mà tay mặt thì che dù, còn tay trái thì lấy vạt áo lau nước mắt.

          Lên tới Tân-an, Trần Văn Phong vào Toà bố mà lãnh giấy rồi đi với mẹ ra chợ mua đồ và ở chơi tới năm giờ chiều mới ra nhà ga xe lửa. Lúc chờ xe, bà Hương sư cứ theo xe căn dặn con hoài, mà không nghe bà dặn điều chi trúng luân lý đạo nghĩa, chỉ có dặn là dè dặt mà cứơi cho được con nhà giàu sang mà thôi.

          Trần Văn Phong qua Mỹ-tho ở khách sạn nghỉ một đêm, rồi sáng ngày mới xuống tàu Pélican mà đi.

          Tàu khi chạy ngoài sông lớn, khi băng trong kinh nhỏ, cảnh vật hai bên thay đổi ngó không nhàm, Trần Văn Phong thuở nay chưa du lịch miền Hậu Giang, nên thấy cảnh lạ, sông dài kinh ngay, đồng rộng, thì trong lòng khấp khởi vui vẻ cô cùng. Anh ta ngồi ngắm cảnh rồi động tình, mới nhớ chuyện quá vãng[9] và tính tới chuyện tương lai. Anh nghĩ thầm trong trí rằng: “Cũng nhờ hồi nhỏ mình rán mà học nên bây giờ mới được sang trọng như vậy; đi tàu có nhà nước chịu tiền, đi hạng nhì ăn cơm tây, mà lại được nằm phòng khỏe quá. Bây giờ ai cũng kêu mình bằng thầy thông mà đi đường thiên hạ không biết mình nên họ chưa kính trọng cho mấy, chừng mình tới Cà-mau, mình đứng thông ngôn, làng tổng đều phải bẩm dạ hết thảy mới sang nữa. Bậy quá! Hồi năm ngoái mình thấy con gái ông chủ Hạnh ngộ, nên mình theo chọc ghẹo cô. Mình có hứa với cô hễ mình thi đậu làm thông ngôn ký lục rồi mình cưới cô.

          Bây giờ mình coi lại thì cô quê mùa quá! Mình làm thông ngôn mà có vợ như vậy coi sao được, tại trong làng mình họ nghèo hết thảy nên thấy cha mẹ cô có ít mẫu đất họ kêu là nhà giàu, chớ có giàu gì đâu. Hôm qua cô đi lơ thơ ngoài đường nên gặp mình đó kìa? Hay là cô thương mình nên nghe nói có giấy bổ mình đi làm việc, cô ra đó đưa mình, bởi vì mình chọc ghẹo cô thì mình có nói nhiều câu tình nghĩa thiệt, mà cô mắc cỡ nên ít nói lắm, không thấy cô tỏ dấu chi yêu mến mình. Đã vậy mình có nắm tay cô và hun cô vài cái mà thôi, chớ không có ân ái gì mà đến nỗi cô mê. Ối! Mà chuyện cũ nhắc lại làm chi! Bây giờ mình lo phận sự mình cho xong. Xuống tới Cà-mau mình mướn một căn phố cho sạch sẽ đặng dọn nhà ở. Chừng ở yên nơi rồi mình sẽ hỏi dọ coi có ông nào giàu sang, mà có con gái, mình sẽ tới lui chơi rồi mình cậy mai mối mà cưới. Mình làm thầy thông họ cần gả con cho mình, lo gì không có vợ. Con gái ông chủ Hạnh thì để cho Hương chức trong làng cưới, chớ mình như vậy mà kết đôi với nó thì hư danh giá của mình còn gì.”

          Trần Văn Phong nghĩ như vậy rồi chúm chím cười, coi bộ tự đắc, chẳng ăn năn chút nào.



[1] còi xe lửa

[2] đánh điện tín

[3] mốc trắng

[4] (cravate), cà vạt

[5] gấp rút

[6] (point), điểm

[7] loại bàn ghế làm vằng bằng ván gỗ dày

[8]  chấm dứt sòng bài

[9] quá vãng=qua đời; dĩ vãng thì đúng hơn, Red.


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12