Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12

Toàn bộ dạng PDF

Thầy Thông Ngôn

7.  MỪNG ĐƯỢC VỢ GIÀU

          Tàu chạy được một khúc xa, từ cò tàu cho tới hành khách ai nấy đều ngủ hết, duy phía sau chưn vịt[1] quạt nước nghe lạch xạch, còn trên mui lâu lâu nghe tiếng súp-lê thổi cho ghe tránh mà thôi.

          Thầy thông Phong nằm trên ghế bố, tay gác ngang qua trán, mắt nhắm lim dim, còn trí lúc thì tư tưởng xóm Phú-hội, lúc phưởng phất miền Tầm-vu, dã dợi[2] bàn hoàn, mừng lo lộn xộn, thầy thầm nghĩ nếu mình cưới đặng cô Như Hoa thì chắc cha mẹ vui mừng, đã hết phiền trách, mà lại thêm yêu mến mình nữa. Những quân khinh khi nhạo báng mình như Lê Trường Sanh, như bà Hương quản Viện, còn dám khinh mình còn dám nhạo mình hôn? Mình là rể của ông Cai Tổng hạng nhứt, giàu lớn đến nỗi trong tỉnh Long-xuyên và trong tỉnh Tân-an không ai bì kịp, lại mình là cháu rể của ông Hội đồng Quản hạt sang trọng vô cùng, còn vợ mình đã biết nói tiếng tây lại đeo hột xoàn cũng lớn sợ con hàng Phủ, Huyện cũng chưa có hột xoàn tốt như vậy, nếu cưới vợ được chỗ đó thì phỉ nguyện rồi, chẳng còn mơ ước việc gì nữa.

          Thầy nghĩ tới đó chắc trong bụng thầy mừng lắm, nên thầy lồm cồm ngồi dậy đốt một điếu thuốc mà hút. Tánh ý của thầy thiệt là kỳ! Muốn đi nói vợ, mà không hỏi thử bụng mình coi có thương cô gái mình thấy đó hay không, không tính dọ tánh nết, không thèm kể công ngôn, lại cứ mừng cha vợ giàu to, mừng cậu vợ thế mạnh, người như vậy thì còn phải học, chớ chưa đáng xưng thầy, mà người như vậy số đông đầy đầy, chớ không có một mình Trần Văn Phong nầy mà thôi đâu.

          Thầy đương tự đắc, bỗng đâu thầy lại châu mày. Sao đương vui rồi lại buồn? Thầy lo, thầy lo ông Hội đồng nói mà ông Cai Tổng có chịu gả hay không, lại còn sợ nỗi cô Như Hoa chê mình nghèo mà không ưng kia nữa. Nếu hụt chỗ nầy thì đến già cũng chưa kiếm chỗ nào bằng được.

          Thầy mừng rồi lo, sợ rồi vui, thao thức sáng đêm, nên khi tàu tới Long-xuyên thầy bước lên thầy nhớ lại không có ngủ được giờ nào hết.

          Tối bữa đó thầy đóng cửa sớm ngồi viết một bức thơ rất dài mà gởi về cho cha mẹ. Trong thơ thầy kể đầu đuôi, tại sao thầy quen với ông Hội đồng, thầy lên nhà ông Cai Tổng Luông thấy nhà cửa thể nào, sự nghiệp ông đáng bao nhiêu, ông Hội đồng nói với thầy những gì, thầy viết không sót một chỗ nào hết. Sau cùng thầy lại dặn hễ thầy tiếp được thơ của ông Hội đồng, như ông nói xong, thì thầy cho cha mẹ hay rồi mau mau xuống đủ đặng thầy dắt lên Châu-đốc mà xin coi mắt dâu; mà có xuống thì phải sửa soạn quần áo cho tốt, kẻo người ta thấy bộ mình lôi thôi rồi người ta chê nghèo hèn.

          Bữa sau thầy lại viết tiếp về nhà mình một cái thơ nữa mà dặn như  cha mẹ không có quần áo mới thì phải mua mà muớn may cho mau, dặn cha phải mua giày tây mà mang chớ đừng mang giày hàm ếch[3], còn mẹ thì phải bận quần lãnh trắng chớ đừng có bận quần lãnh đen.

          Thầy tưởng có mau cho lắm thì nửa tháng hoặc một tháng ông Hội đồng mới trả lời, chẳng dè thầy về Long-xuyên mới có năm bữa thì tiếp đươc một phong thơ thấy con dấu Châu-đốc đóng ngoài bao, thầy mừng mà lại sợ, không biết việc có thành hay chăng, nên thầy xé thơ mà tay run môi tái. Thầy coi dấu ký tên thì quả là của ông Hội đồng Hữu. Thơ nói rằng vợ chồng ông Cai Tổng thấy thầy vui vẻ lại mềm mỏng cũng đem lòng thương, nên chịu gả con cho thầy. Ông Hội đồng khuyên thầy hãy viết thơ mời cha mẹ xuống rồi dắt lên Châu-đốc ông sẽ đem cho coi nàng dâu. Ông lại nói vợ chồng ông cai Tổng gả con chọn người chớ không kiếm của, bởi vậy không đòi bạc vàng chi đâu mà sợ.

          Thầy mừng quá lật đật đánh dây thép về Tầm-vu mà mời cha mẹ xuống lập tức.

          Hai vợ chồng ông Hương sư Sắc tiếp đước thơ của con thì mừng rỡ, bàn tính với nhau sáng đêm không ngủ được. Bữa sau tiếp đựơc phong thơ thứ nhì, bà Hương lật đật đi chợ mua hai cái quần lụa trắng về cắt may cho ông một cái cho bà một cái. Bà hối ông đi chợ mua giày không kịp, còn quần thì bà may cái của bà rồi, chớ quần của ông bà vừa kịp ráp ống, bởi vậy, đi dọc đường bà phải đem kim chỉ theo đặng bà may lai và may lưng.

          Vợ chồng ông Hương sư Sắc xuống tới Long-xuyên nhằm chiều thứ năm. Thầy thông Phong đánh dây thép cho Hội đồng Hữu hay trước. Thầy dắt ông Hương sư qua chợ mua cho ông một đôi giày tây đen, rồi thứ bảy sửa soạn áo quần xuống tàu mà đi Châu-đốc.

          Ông Hội đồng Hữu tiếp rước tử tế. Ông nói rằng ông thấy đường sá xa xuôi nên ông đã có nói trước nếu vô coi hai đàng ưng bụng rồi thì đi liền một đôi bông làm lễ sơ vấn, rồi chừng nào cưới thì cưới khỏi đi lễ chi nữa.

          Ông Hương sư thấy chỗ giàu sang mà dễ như vậy thì ông mừng lắm, song ông than vì việc thình lình nên ông không có đem đồ nữ trang theo.

          Bà Hội đồng mới nói rằng:

-         Hôm trước mình gởi thơ cho thầy thông mà không nói việc ấy, bây giờ thầy có bông tai đâu sẵn mà đi. Thôi để cho thầy mượn đôi bông nhỏ của tôi đây, đặng thầy đi cho đủ lễ. Đôi bông tôi mua hồi năm ngoái hai trăm; vì tôi chê nhỏ nên từ hồi mua đến bây giờ, tôi ít hay đeo.

          Hai vợ chồng ông Hương sư thấy vợ chồng ông Hội đồng tử tế quá thì cảm tình vô cùng, mà chừng qua tới Phú-hội thấy nhà cửa của Cai Tổng Luông kinh dinh, thuở nay chưa từng thấy nhà ai bằng, thấy Như Ngọc thoa son giồi phấn, quần áo nhổm nha, hột xoàn chớp nhoáng, thuở nay chẳng hề dám ước mơ một con dâu sang trọng đến bực ấy, bởi vậy cả hai vợ chồng đều ngơ ngẩn, dường như người ngon giấc chiêm bao.

          Ông Hội đồng không cần hỏi coi đàng trai chịu hay không, ngồi uống nước vừa rồi, thì ông khởi đầu cho vợ chồng ông Hương sư tri lễ sơ vấn.

          Vợ chồng ông cai Tổng Luông dọn tiệc mà đãi rất trọng. Vợ chồng ông Hương sư ngồi ăn mà ké né, không dám nói chuyện, không dám gắp đồ ăn. Ông Cai Tổng Luông nói chuyện thì cứ nói với ông Hội đồng, còn bà Cai Tổng tuy hỏi bà Hương sư việc nầy việc kia không ngớt mà cái giọng bà nói là giọng nói với tá điền, chớ không phải nói với sui gia.

          Ăn cơm rồi đàn trai từ mà trở qua Châu-đốc đặng đón tàu về Long-xuyên. Trước khi xuống tàu thì ông Hội đồng nói với thầy thông Phong rằng để ông cậy họ coi ngày, như ngày nào tốt nên làm lễ cưới thì ông sẽ cho hay trước.

          Vợ chồng ông Hương sư về nhà trầm trồ nàng dâu xinh đẹp, anh sui giàu sang hoài. Còn thầy thông Phong thì trong trí cứ tính việc cưới vợ, muốn mướn phố khác cho tốt mà ở, muốn mua giường sắt, muốn sắm ghế xít-đu, muốn đủ thứ, mà ngặt vì không có tiền nên muốn mà không làm việc nào hết.

          Ngày cưới đã định rồi. Bữa nay thình lình có giấy quan trên đổi thầy thông Phong lên làm việc tại toà bố Châu-đốc. Thầy được tin ấy thì thầy vui mừng khắp khởi, lo tính lăng xăng, vừa mướn ghe chở đồ mà đi, thầy lại tiếp được thơ của Hội đồng Hữu nói rằng nhơn vì muốn thầy về gần gũi bên vợ, nên ông mới xin quan trên đổi thầy lên Châu-đốc. Ông lại khuyên thầy bán hết ghế bàn giường ván của thầy đi bởi vì bà Cai Tổng có hứa sẽ sắm đồ mà dọn một căn phố cho xứng đáng đặng vợ chồng thầy ở.

          Thầy thông nghe lời mới bán hết đồ đạc trong nhà, còn quần áo thì sắp vô rương lấy giấy tờ mà đi Châu-đốc. Lên tới đó, thầy ở đậu tại nhà ông Hội dồng Hữu. Thầy hỏi thăm trẻ trong nhà có thấy căn phố nào trống hay không. Bà Hội đồng cười và nói rằng:

-         Cháu đừng lo, anh Tổng đã có mướn một căn phố lầu dựa bên phố chợ, hổm rày bầy trẻ rửa sạch sơn tường xong rồi hết. Còn chị Tổng chỉ đã lên Sài-gòn đặng mua đồ mà dọn, mai mốt đây chắc chỉ về tới. Vợ chồng ảnh có một chút con gái nên cưng lắm, tính dọn nhà cho hơn họ hết thảy mới chịu. Hôm chỉ đi Sài-gòn chỉ đem tới năm sáu ngàn đồng bạc, để coi chỉ mua vật gì cho biết.

          Thầy nghe nói cha mẹ vợ rộng rãi thì thầy vui vô cùng. Sáng bữa sau ông Hội đồng dắt thầy vô Tòa bố mà trình diện với quan Chánh chủ tỉnh. Thầy đi với ông Hội đồng Quản hạt thì trong lòng thầy vững vàng không nhút nhát chút nào hết. Mấy thầy thấy thầy Phong có thân thế, ai cũng kiêng nể, chớ không phải như khi đến Cà-mau và Long-xuyên vậy.

          Quan chủ tỉnh vừa ra khách thì ông Hội đồng dắt thầy vô liền. Quan Chủ tỉnh bắt tay thầy, hỏi thầy mấy tuổi, hỏi thầy đã làm việc bao lâu, và hỏi và cười, coi bộ vui vẻ tử tế lắm. Ông Hội đồng nhơn dịp ấy mới gởi gắm thầy và xin cho thầy làm việc gì có quyền chút đỉnh. Quan Chủ tỉnh suy nghĩ một hồi rồi bắt thầy đứng thông ngôn cho Ngài. Ông Hội đồng tạ ơn và xin phép cho thầy nghỉ vài bữa rồi sẽ lãnh việc.

          Thầy thông Phong bước ra khỏi Toà bố trong lòng khấp khởi đắc chí phỉ nguyện. Cưới vợ thì trúng nhà giàu sang, làm việc thì đứng thông ngôn cho quan Chủ tỉnh, lần lần rồi đây mình sẽ làm ông Huyện, ông Phủ, mình sẽ mang mề-đay tím, mề-đay điều, danh vọng viễn đại nữa, những anh em bạn học của mình có ai được như mình vậy đâu.

          Những người lập chí khác hơn thầy, coi nhơn nghĩa hơn tiền tài, coi danh dự quí hơn quyền tước, ngày đêm cứ tính giúp ích cho quần chúng, chớ không lo làm lợi cho mình, nếu biết lòng dạ của thầy thông Phong, chắc khinh bỉ thầy lắm. Nhưng mà thầy đương mãn tâm đắc ý, nếu lúc nầy ai đem nhơn nghĩa danh dự mà nói với thầy, chắc thầy không hiểu chi hết, mà lại e thầy cười người giảng chánh lý đó là đồ ngu dại, hoặc thầy cho người ấy không được như thầy nên ganh ghét rồi kiếm lời nói xấu cho thầy.

          Chiều bữa đó thầy đi qua chợ coi căn phố rộng hẹp tốt xấu thế nào. Tối lại bà cai Tổng Luông đi Sài Gòn về, ghé nhà ông Hội đồng gặp thầy thì bà mừng rỡ, biểu thầy đi với bà về bên nhà rồi ngày mai bà sẽ cho ghe đưa trở qua mà làm việc. Xuống ghe rồi mẹ vợ chàng rể nói chuyện với nhau coi mòi thân thiết lắm.

          Bà khoe với thầy rằng bà mua một cái giường đồng có mùng lưới mệm đủ hết, mua một cái tủ sắt, mua một cái tủ áo gắn liền, mua một cái bàn ăn cây cẩm lai, mua một bộ sa-lông Bắc, mua một cái tủ áo gắn kiếng một mặt, mua một chục ghế tô-nê, mua một cái bàn viết, một cái tủ kiếng xanh, một cái bàn rửa mặt, hai cái ghế xích đu, một bộ ván hai tấm dày gần hai tấc, các món bà gởi ghe chài chở, rồi bà mới xuống tàu mà về đây.

          Thầy thông Phong nghe nói càng thêm đắc chí, song thầy không biết làm sao mà tỏ ý kính mến mẹ vợ, nên cứ ngồi ngó bà mà miệng chúm chím cười hoài.

          Nhà dọn vừa xong thì tới ngày cưới vợ. Vợ chồng ông Hương sư Sắc xuống có lựa dắt theo vài người bà con, thầy thông Phong mới cậy vài thầy mới quen tiếp vô nữa mà đi họ đàn trai nên coi cũng là rậm đám.

          Nhơn vì nhà thầy xa xuôi, nên cưới định nhập phòng bên đàn gái. Mà ở đủ ba bữa rồi thì vợ chồng thầy dắt nhau về căn phố mới dọn đó mà ở chớ không dắt về nhà cha mẹ ở Tầm-vu mà làm lễ tổ tiên.

          Ðến bữa vợ chồng ông Hương sư Sắc xuống tàu mà về thì vợ chồng thầy Phong có dắt nhau đưa tới cầu tàu. Cô Như Hoa đã không nói một lời chi trìu mếm hoặc cần cố đến cha mẹ chồng, mà cô lại theo nói tiếng tây với ông cò tàu hoài. Còn thầy Phong thì đứng nói chuyện với cha mẹ mà cặp mắt cứ ngó vợ, coi bộ thầy vui mùng hớn hở lắm.

          Chừng tàu gần chạy ông Hương sư Sắc mới dặn con rằng:

-         Thôi, vợ chồng con dắt nhau về mà nghỉ, ở khuya có mù sương đây rồi con hai nó sổ mũi đa. Con cưới vợ như vậy cha mẹ mừng lắm. Con phải chìu lòng cung kính anh chị bên vợ, còn vợ con thì con cũng ráng ăn ở tử tế với nó, đừng để nó phiền nghe hôn con.

          Lời dạy nghe rất lạ lùng, mà thầy Phong lại vui vẻ mà vâng chịu và đáp rằng:

-         Con biết lắm, xin cha và má yên tâm.

          Tàu chạy rồi, vợ chồng thủng thẳng dắt nhau về nhà.

 


[1] bộ phận truyền lực từ máy xuống nước để đẩy tàu

[2] hay dã dượi, có vẽ mõi mệt

[3] rộng và chè bè giống hàm con ếch


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12