Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12

Toàn bộ dạng PDF

Thầy Thông Ngôn

3.  NHEN NHÚM LỬA TÌNH

    Thầy thông buồn quá, mà xứ Cà-mau quê mùa nên  thầy không biết chỗ nào mà đi chơi cho giải khuây. Một bữa chúa nhựt, nhằm rằm tháng mười, thầy nghe nói tại chùa Phật, ở trên vàm kinh có làm chay, nên ăn cơm sớm rồi, thầy mượn một chiếc xuồng bơi lên đó mà coi chơi.

    Thầy vừa bước chơn lên tới cửa chùa thì thầy gặp vợ thầy ký Trượng, làm sở Thương chánh, đi với một cô trạc chừng 18, 19 tuổi, cổ đeo dây chuyền vàng tây, tay mặt đeo một chiếc đồng, tay trái đeo một chiếc vàng, mình mặc quần hàng trắng xuyến nu, chơn đi giày nhung đỏ thêu cườm, đầu choàng hầu khăn màu trứng gà, bốn biên[1] đều kết tụi[2].

    Cô ký Trượng ngó thấy thầy thì hớn hở nói rằng:

-         Ủa thầy thông, thầy cũng đi coi làm chay nữa sao? Riết vô đây mà coi. Họ đương sửa soạn cúng ngọ, một lát nữa lại có ông Yết ma giảng kinh nữa. Thầy vô cắt nghĩa giùm mấy câu Thập điện cho hai chị em tôi nghe một chút. Thầy biết hôn?

          Cô nói nói cười cười và ngoắt thầy vô chùa. Hai cô đi trước, thầy nối gót theo sau mà liếc ngó cô đội khăn tua đó hoài. Cô ký Trượng ngó ngoái lại nói rằng: ”Xứ nầy quê mùa buồn quá thầy há? Con em tôi ở trên Sa-đéc xuống thăm tôi, may gặp dịp nầy cho nó coi, chớ không thì có chỗ nào vui cho nó chơi đâu “.

Thầy thông liền hỏi rằng:

-         Té ra cô đây là em của cô sao?

-         Thưa phải, nó là em ruột tôi. Tôi thứ ba còn nó thứ sáu.

          Thầy liếc mắt ngó cô nọ thấy cô da trắng mà còn dồi phấn nên hai má ửng hồng, hàm răng khít rịt mà lại trắng trong, hai bàn tay ngón nhỏ mà dài, đánh đòn xa[3] còn dịu nhỉu, gương mặt sáng rỡ, cặp mắt hữu tình, chơn mày cong vòng, tướng đi yểu điệu. Thầy ngó cô, cô cũng ngó thầy, hai người nhìn nhau, rồi bợ ngợ hết cả hai.

          Đi tới chỗ treo mấy bức Thập điện, cô ký Trượng chỉ từ tấm hình mà biểu thầy thông Phong cắt nghĩa cho cô nghe. Thầy làm thầy thông mà không thông cho lắm, song không muốn để cô Sáu chê mình dở, nên ngó hình định dẹo mà cắt nghĩa bướng, mà đứng cắt nghĩa cứ liếc ngó cô hoài. Cô Sáu cũng chăm chỉ lắng nghe, thầy nói và cười, cô cũng cười với thầy, một lát rồi hết bợ ngợ, khi thì đứng kề một bên thầy khi thì xen nói chuyện với thầy.

Thầy thông Phong vui vẻ vô cùng, nên hai cô đi đâu thầy cũng đi đó; coi cúng ngọ rồi nghe thuyết kinh, chơi cho đến nửa chiều, hai cô xuống ghe mà về, thầy cũng xuống xuồng bơi theo.

Về dọc đường cô ký Trượng mời thầy thông có rảnh xuống nhà chơi. Thầy đã tính thầm rồi, mà có tiếng mời nữa thì càng tiện cho thầy, bởi vậy ăn cơm chiều rồi thầy chải đầu rửa mặt, thay quần lãnh áo lục soạn mới, rồi đội nón đi xuống nhà thầy ký Trượng.

Thầy vừa bước vô cửa thì thầy ký Trượng ở trong bước ra. Hai thầy chào nhau rồi thầy ký Trượng mời thầy thông Phong vô nhà. Cô ký với cô Sáu ra chào hỏi niềm nỡ lắm.

Thầy thông Phong thấy chủ nhà bù-xa bù-xích  muốn đi, nên đứng dậy nói rằng:

-         Thầy sửa soạn đi đâu đó, thôi để tôi về cho thầy đi chớ.

-         Xin lỗi với thầy, tôi có chuyện phải đi gấp một chút, vì tôi hẹn lỡ với anh em không lẽ để cho họ chờ.

-         Vậy  thôi để tôi về cho thầy đi.

-         Thầy ghé chơi có việc gì?

-         Tưởng thầy rảnh nên xuống nói chuyện chơi vậy chớ có việc gì đâu.

-         Bậy quá, tôi mắc chuyện một chút. Nầy, mà thôi thầy ở lại nói chuyện chơi với ở nhà tôi, không hại gì đâu, anh em mình chớ phải xa lạ gì đó hay sao mà ngại.

          Cô ký tiếp mà cầm thầy, còn cô Sáu thì rót một tách nước trà bưng lại mời thầy uống. Thầy thông Phong thiệt ý không muốn về, song thấy chủ nhà muốn đi nên cực chẳng đã phải từ chối. Chừng nghe cô ký cầm lại, mà nhứt là thấy cô Sáu bưng nước mời uống thì thầy nhứt định không về, nên thò tay bưng tách nước và nói với thầy ký Trượng rằng:

-         Thôi, thầy có việc gấp thì đi đi, kẻo người ta chờ. Để tôi uống nước rồi tôi xuống nhà dây thép[4] chơi.

          Thầy ký Trượng ra đi, thì thầy thông Phong kéo ghế ngồi liền. Cô ký nhắc ghế ngồi ngang đó mà nói chuyện, còn cô Sáu mặc quần lụa trắng, áo bà ba cũng bằng lụa trắng, tay đeo một chiếc đồng bát giác, cổ đeo một sợi dây chuyền vàng tây, bưng rổ may ra ngồi bên ván  mà may áo túi.

          Thầy thông với cô ký hỏi thăm nhau việc cha mẹ, việc làm ăn, nói hết chuyện nầy sang chuyện nọ, nói hoài không dứt. Cô Sáu ngồi may không nói chi hết một lát cô liếc ngó thầy thông một cái, mà rủi thay lần nào cô ngó thầy thì cũng gặp thầy ngó cô. Thầy thấy cô trong nhà, mặc đồ mát, để đầu trần, bới tóc thả diều, bàn chơn trắng nõn, càng ngó càng mê mẩn tâm thần, nên ngồi hoài đến 11 giờ thầy mới chịu từ mà về.

          Mới nói chuyện một lần mà thầy đã biết cô Sáu tên là Sáu Lý, cha mẹ khuất sớm, còn có hai chị em đó mà thôi. Lúc cô Sáu Lý còn nhỏ thì ở với cô ký Trượng, chừng được 16 tuổi, người cậu ở Sa-đéc giàu lớn mà không con, nên bắt về làm con nuôi. Mới đây cậu tính gả cô Lý cho con nhà giàu, thì cô chê thằng đó dốt nát quê mùa, nên mới bỏ xuống Cà-mau mà ở với người chị.

          Đêm đó thầy không ngủ được, cứ mơ màng tơ tưởng cô Sáu Lý hoài. Thầy so sánh cô với cô Hai Liền là con gái của Hương chủ Võ Thái Hanh, thì cô Lý nhan sắc đẹp đẽ mười phần cô Liền không được ba phần, còn cô Ba Điệp thì còn thua nhiều nữa nên không sánh được.

          Từ ấy về sau, đêm nào thầy cũng xuống nhà thầy ký Trượng mà chơi. Thầy xuống thăm bảy lần mới gặp thầy ký trượng ở nhà một lần còn cô ký thì có ở nhà luôn luôn. Mà xuống là xuống đặng nói chuyện chơi mà thôi chớ thầy chẳng hề tỏ môt lời nào chọc ghẹo cô Lý.

          Cô Ba Điệp thường để ý bẹo thầy, tuy thầy không thuận tình, song cô chẳng hề đem dạ phiền trách. Nay cô thấy thầy chà lết đến nhà cô Sáu Lý hoài, chẳng những là cô buồn mà thôi, mà cô lại giận nữa. Chẳng hiểu ở nhà cô nói ra nói vô với mẹ thế nào, mà một bữa nọ đương ngồi ăn cơm, bà Phó Mỹ nói với thầy thông rằng:

-         Hổm nay tôi thấy thầy xuống nhà thầy ký Trượng thầy chơi hoài tôi nghi quá. Thầy mới lại đây thầy không rõ, chớ con mẹ ký Trượng nó quỷ quyệt lắm, còn con em nó đó cũng không vừa gì đâu.

          Bà vừa nói mấy lời thì thầy thông Phong nổi giận châu mày trợn mắt mà nói rằng:

-         Tôi cấm không cho bà nói đến việc riêng của tôi. Tôi muốn chơi nhà nào tự ý tôi, bà không phép cản.

Bà Phó Mỹ cười mà đáp rằng:

-         Thưa thầy, tôi đâu dám cản thầy. Xin thầy đừng phiền, tôi sợ thầy mới lại đây thầy không rõ ai tốt ai xấu, nên tôi mới nói như vậy chớ.

Thầy thông đáp rằng:

-         Tôi không dại khờ gì đâu, bà đừng lo.

          Bà Phó Mỹ cười và nói dã-lã cho thầy hết giận còn cô Ba Điệp thì mặt buồn so mà ứa nước mắt.

          Một đêm nọ mới tối mà mặt trăng đã mọc lên tới ngọn dừa bên mé sông. Thầy thông Phong ra đứng trước nhà hứng mát một hồi, rồi xúc cảnh động tình nên men men[5] lần đi xuống nhà thầy ký Trượng. Đi gần tới thì thầy thấy trong nhà đèn đốt lu lu, cô Sáu Lý ngồi tại cái ghế để ngoài cửa, đầu bỏ tóc xoã, gió thổi phất phơ.

          Thầy thông thấy cảnh như vậy thì dụ dự, dừng chơn đứng trước cửa, không dám ghé vô nhà. Cô Sáu Lý đứng dậy bới đầu và nói rằng:

-         Mời thầy thông vô nhà chơi. Anh Ba với chị Ba tôi đi vô rạch Rập, không có ở nhà.

          Thầy thông nửa mừng nửa sợ, nên thùng thẳng vô nhà.

          Cô Sáu Lý bước vô trước, vặn đèn lên cho tỏ, rồi nhắc ghế mời thầy ngồi. Cô đi lại kéo hộc tủ kiếm thuốc; thầy ngó theo, thấy cô đầu không chải gỡ tóc bới xà sau ót, coi càng đẹp hơn nữa, thì thầy khoăn khoái trong lòng, nên ngồi bợ ngợ, muốn nói chuyện mà không biết làm sao khởi đầu cho được.

          Cô đem gói thuốc ra mời thầy hút rồi đi lại cái ghế dựa vách đứng têm trầu mà ăn. Thầy chúm chím cười một hồi lâu rồi hỏi rằng:

-         Thầy ký và cô ký đi vô rạch Rập chi vậy?

-         Thưa, không biết tôi không có hỏi.

-         Nếu vậy thì đêm nay bỏ cô ở nhà một mình...cô không sợ ma hay sao?

-         Ở giữa chợ ma quỉ ở đâu mà sợ.

-         Thiếu gì.

          Cô Sáu Lý liếc thầy mà cười, rồi đáp rằng:

-         Anh Ba với chị Ba tôi đi một lát, chừng chín, mười giờ thì về.

          Thầy nghe mấy lời ngồi lo ra, nên không nói chi hết. Cô bèn kéo một cái ghế để dựa vách mà ngồi, nhờ có cánh cửa mở che cô, nên người đi ngoài đường không thấy cô được. Cô ngồi miệng nhai trầu mắt ngó sửng dưới đất, mặt lộ sắc buồn. Thầy thấy như vậy bèn hỏi rằng:

-         Bữa nay cô có việc chi phiền tôi hay sao mà coi bộ không được vui?

          Cô tằng hắng nho nhỏ và cũng làm mặt buồn mà đáp rằng:

-         Thầy có việc chi đâu mà tôi dám phiền thầy.

-         Vậy  chớ tại sao cô buồn?

-         Tôi buồn là vì miệng thiên hạ trong xứ nầy họ xấu quá; tôi trong sạch chớ không nhơ bợn chi hết, mà họ đồn bậy đồn bạ thấu tai anh Ba chị Ba tôi, nên ảnh chỉ rầy tôi, thiệt tôi tức hết sức.

-         Cô có chuyện chi mà họ đồn? Họ đồn sao đó?

-         Họ thấy thầy hay xuống dưới nầy chơi, rồi họ đồn tôi trai gái với thầy, bởi vậy anh Ba tôi ảnh rầy tôi quá.

          Thầy thông nghe nói biến sắc, tay cầm gói thuốc lăn qua lăn lại, không biết dùng tiếng chi mà trả lời. Cô liếc ngó thầy rồi tiếp nói rằng:

-         Thiệt hơn một tháng nay đêm nào thầy cũng xuống đây chơi. Mà thầy xuống lần nào cũng có anh Ba chị Ba tôi ở nhà còn nói chuyện thì nói chuyện thường chớ thầy có tỏ ý ve vãn hay là có tỏ lời chọc ghẹo tôi bao giờ đâu mà họ nói bậy như vậy. Làm thân con gái khó quá! Họ không thương họ thêu dệt ít tiếng thì đủ cho mình nhơ nhuốc cả đời. Từ hôm qua đến nay tôi buồn lắm. Tôi thề thốt hết lời, mà coi bộ anh Ba tôi ảnh không tin, cứ nói: Có đâu chó sủa lỗ không. Tức quá, mà biết làm sao cho ảnh hết nghi bây giờ. Vậy tôi xin thầy một điều là thầy muốn cho tôi ở yên nơi thì đừng có xuống dưới nầy chơi nữa, chớ thầy xuống chơi hoài, không biết chừng mai mốt họ đồn tôi có chửa càng hư danh giá tôi nữa, mà dầu họ không đồn thì anh Ba chị Ba tôi nghi, chắc cũng đưa tôi về Sa-đéc, càng khổ tôi nhiều.

          Thầy thông bối rối nên ngồi lặng thinh hoài. Cô có ý trông thầy trả lời mà trông không được, nên cô đứng dậy bước ra cửa xổ tóc rồi xè hai bàn tay mà gỡ đầu và nói rằng:

-         Đầu gội hồi chiều đến bây giờ mà chưa chịu khô.

          Cô đứng ngay cửa, nên gió phất mùi dầu thơm bay vô nhà ngào ngạt. Thầy hửi mùi dầu ấy tâm thần rối loạn như say như mê. Thầy ngồi châm bẩm ngó cô thấy cô xoã tóc, ngọn tóc xuống tới nhượng, gió thổi phất phơ, còn mái tóc thì xấp xải dựa hai bên gò má, coi thiệt là xinh đẹp. Thầy động tình không thể dằn được, nên kêu nói nho nhỏ rằng:

-         Cô Sáu, cô Sáu, cô vô ngồi trong nầy đặng tôi nói chuyện riêng một chút.

          Cô day lại ngó thầy và cười và nói chúng chứng rằng:

-         Còn nói chuyện gì nữa đó? Anh Ba chị Ba tôi về gặp chết tôi đa.

          Thầy đáp rằng:

-         Không hại gì đâu. Cô nói chín, mười giờ mới về, bây giờ chưa đầy tám giờ mà về giống gì. Cô vô đây nói chuyện một chút mà.          

          Cô Sáu Lý để tóc dã dượi mà bước vô, rồi lần lại chỗ cũ cô ngồi bới đầu.

          Thầy cầm gói thuốc trăn trở mà nói rằng:

-         Chẳng còn giấu cô làm chi nữa, hơn một tháng nay đêm nào tôi cũng xuống đây mà chơi, ấy là vì có cô tôi mới xuống. Tôi chẳng hiểu tại sao ai xuôi khiến mà từ ngày tôi gặp cô trên chùa thì trong lòng tôi khoăn khoái hoài vọng cô hoài, hễ ngày nào tôi không thấy mặt cô thì xốn xang bứt rứt chịu không được. Hồi nãy cô xin tôi đừng tới nhà cô chơi nữa; cha chả, nếu tôi không thấy mặt cô tôi chết, chớ sống sao được.

          Cô nói rất buồn thảm rằng:

-         Thầy thương tôi mà thầy sợ chết, nên thầy tính miễn là thầy khỏi buồn thì thôi, còn tôi mang tiếng mặc kệ tôi, thầy thương như vậy thì tội nghiệp cho thân tôi.

          Thầy suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

-         Cô nói như vậy té ra tôi hại cô, chớ có phải thương cô đâu!

-         Phải, thầy thương như vậy là hại, chớ không phải thương.

-         Xin cô để cho tôi nói cạn lời. Phận tôi đứng làm trai, ăn học giỏi, làm tới thông ngôn ký lục, lẽ nào tôi không biết chỗ trong đục hay sao mà nỡ đem lòng hại cô. Tôi thương cô thì tự nhiên phải tính cuộc trăm năm; tôi thương cô là thương cách quân tử, thương cách trượng phu, chớ tôi như vầy mà làm cho cô mang tiếng xấu rồi bỏ cô cho đành hay sao? Tôi xin hỏi cô một lời nầy: nếu tôi cậy mai nói cô mà cưới, không biết cô có ưng tôi hay không?          

          Cô Sáu Lý thở dài mà đáp rằng:

-         Thưa thầy, phận tôi là con mồ côi, nhưng mà từ nhỏ chí lớn tôi không thèm ham giàu sang, tôi thầm ước có chồng học hành giỏi, biết ăn biết nói với người ta, thì thôi. Cậu tôi ở trên Sa-đéc giàu lớn mà không có con, nên nuôi tôi làm con nuôi, đặng sau để gia tài lại cho tôi ăn. Tôi thương cậu mợ tôi lắm ngặt ép tôi gả cho chỗ giàu sang mà ngu quá, tôi phiền muộn nên trốn xuống đây. Nói bao nhiêu đó thầy cũng đủ biết, tôi ham giàu hay ham người phải. Thầy học hành giỏi, lại có chức phận nữa, nếu thầy không chê tôi côi cút quê mùa nên nói mà cưới tôi, thì tôi phải lạy mà ưng thầy chớ còn đợi chỗ nào nữa. Ngặt vì thầy thương tôi thầy nói bốc như vậy, mà bác ở nhà biết có lòng thương tôi như thầy vậy hay không?

          Thầy trợn mắt đưa tay mà nói rằng:

-         Ồ! Việc vợ chồng là việc trăm năm của tôi, tôi đành chỗ nào tự ý tôi, cha mẹ ép tôi sao được.

          Cô suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng:

-         Thưa thầy, thầy nói như vậy sao phải. Áo mặc sao qua khỏi đầu, làm con phải do cha mẹ, chớ thầy nói ngang quá sao được.

-         Phải, làm con không nên thất kính với cha mẹ, nhưng mà tôi biết ý cha mẹ tôi, hễ tôi muốn sao, thì được vậy, xin cô đừng lo.

-         Nếu vậy thì thầy viết thơ lựa lời khéo léo mà phân trần cho bác hay, rồi mời bác xuống chơi đặng đi nói luôn thể.

-         Tôi tính việc cho thầy, còn tôi quên việc của tôi. Tôi biết anh Ba chị Ba tôi thương thầy, nếu thầy đi nói chắc ảnh chỉ chịu gả. Ngặt còn ông cậu tôi đây, không biết tính làm sao cho êm; ổng ép gả tôi lấy chồng tôi không chịu, nay tôi xuống đây tôi ưng thầy chắc ổng giận ổng không để gia tài cho tôi ăn.

-         Ối! Có sao mà cô sợ? Nếu cô chê chỗ trên Sa-đéc, mà cô đụng chỗ nào hư hèn thì ông cậu giận, chớ cô ưng tôi thì có lẽ nào ổng phiền mà lo.

          Cô Sáu liếc mắt ngó thầy mà cười rồi dòm ra ngoài đường và nói rằng:

-         Bây giờ có lẽ anh Ba với chị Ba tôi về gần tới.

          Thầy thông muốn ngồi nói chuyện nữa, mà sợ ngồi lâu vợ chồng thầy ký Trượng về gặp rồi rầy cô nên trong lòng bâng khuâng, mới đứng dậy đi lại chỗ cô ngồi, trong ngực nhảy thịch thịch song gượng làm dạn, một tay thì nắm bàn tay cô, còn một tay thì vuốt tóc cô mà nói nhỏ rằng:

-         Cô nói cô nhớ lời; từ nay tôi thề sống thác có nhau, nếu ai phụ ai xin trời đất soi xét.

          Cô Sáu Lý cuối đầu mà cười; chừng nghe thầy nói dứt lời rồi, cô mới đưa tay xô nhè nhẹ và nói rằng:

-         Thôi đi về đi, kẻo anh Ba chị Ba tôi về gặp chết tôi đa.



[1] cạnh

[2] loại viền có những lọn chỉ lòng thòng

[3] cử động tay để giữ thăng bằng lúc đi

[4] bưu điện

[5] từ từ đi


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12