Trong mấy tỉnh ở dọc theo mé sông Hậu-giang, duy có tỉnh Long-xuyên thì nhỏ mà lại nghèo hơn hết. Tuy vậy mà tỉnh thành sạch sẽ, dưới sông tàu ghé, ghe đậu đông đầy, trên đường cây trồng ngay hàng, tàn che rất mát mẻ.
Những người giúp việc nhà nước từ thầy thông, thầy ký, thầy giáo, cho đến bực Phủ, Huyện, khi mới đổi lại Long-xuyên thấy xứ không giàu bằng Cần-thơ, Sóc-trăng, Sa-đéc, Rạch-giá, thì buồn, nên không muốn ở, mà, hễ ở được vài tháng, quen biết người bổn xứ, nhứt là có đến nhà bà Hương quản Viện chơi một ít lần rồi, thì đem lòng trìu mến, không muốn đổi đi xứ nào khác nữa.
Bà Hương quản Viện ở dưới xóm Cái-sơn, cách chợ chừng vài trăm thước. Bà goá chồng, tuổi đặng năm mươi rồi, mà răng vẫn còn cứng khư, tóc chưa điểm bạc. Bà không phải là nhà cự phú, song khi chồng chết có để lại cho bà một cái nhà ngói ba căn, nền đúc, cửa cuốn, trong nhà ghế bàn ván tủ thứ nào cũng bằng danh mộc hết thảy, sau vườn thì trồng cây trái sum sê, trước sân thì chưng kiểng vật ê hề, ngoài rào song sắt đặng ngăn kẻ gian, trong có để bàn ngồi mà hứng gió. Bà có ruộng thì ít mà có bạc thì nhiều, ruộng thì bà cho mướn mỗi năm góp lúc chừng vài ngàn giạ mà thôi, song bạc thì chứa đầy tủ sắt, bà cho vay mỗi năm số tiền lời bà xài không hết.
Bà không có con trai, duy có một đứa con gái đặt tên là Lâm Diệu-Anh năm trước bà đã gả lấy chồng về dưới Lấp-vò; rủi thay, bà có rể mừng chưa kịp, kế chú rể mang bịnh mà vong thân, làm bà phải ứa luỵ rước con mang về mà khuyên giải cho nó bớt sầu não.
Lâm Diệu-Anh tuổi vừa mới hai mươi hai, chồng đã chết ba năm rồi, mà cô ở goá không tính lấy chồng khác. Cô là một người chơn chất, không chịu thoa son giồi phấn, chẳng hề tỉa mái tóc, nhổ chơn mày, y phục thì dùng hàng đen với trắng, chớ không ưa màu đỏ xanh, nói chuyện thì dùng tiếng một lời êm, chẳng hề thấy cô lả-lơi giễu cợt. Nhan sắc của cô chẳng hơn con gái nhà giàu khác, nhưng vì nết của cô đằm thắm cái hạnh của cô khít khao, lời nói của cô dịu dàng, tướng đi của cô yểu điệu, bởi vậy mấy thầy ở tỉnh, dầu chưa có vợ hay là có vợ rồi cũng vậy, ai cũng gắm ghé trầm trồ.
Bà Hương quản Viện nhà giàu, mà có con gái như vậy, thì cũng đủ quến[1] khách rồi, mà bà lại thêm có tánh bải-buôi, hễ nhà có cúng quải thì bà ưa mời hết mấy thầy mà đãi, còn ngày thường thầy nào tới chơi thì bà cũng tiếp rước ân cần lắm, bởi vậy chẳng đêm nào mà nhà bà không có một vài thầy tới chơi, còn bữa chúa nhựt thì họ lại rủ nhau tới đó hoặc đánh bài thính cẩu, hoặc đánh bài tứ sắc; bà đãi rượu trà cơm cháo thì bà lấy xâu, còn họ đánh bài với nhau thì ai ăn thì nhờ, ai thua thì chịu.
Mà trong mấy thầy duy có thầy Lê Trường Sanh tới nhà bà chơi thường hơn hết. Thầy Lê Trường Sanh đứng thông ngôn cho quan Chánhbố[2] chủ tỉnh. Thầy đẹp trai, văn nói lanh lẹ, y phục đoan trang. Nghe nói thầy làm việc lương bổng thì ít, mà huê lợi thì nhiều; nhưng vì thầy ưa bài bạc mà cũng ưa gió trăng, nên trong túi thầy thường có năm bảy chục đồng luôn luôn, mà trong nhà thì không có một đồng nào hết. Thầy đã hai mươi sáu tuổi rồi, song không hiểu, thầy muốn ở một mình đặng chơi cho thong thả, hay thầy chưa thấy ai vừa lòng đẹp mắt, mà thầy đổi lại Long-xuyên bốn năm rồi, làm việc thì quan trên yêu, dân dưới sợ, nên muốn thì chẳng thiếu chi người giành gả con, nhưng mà thầy chưa tính cưới vợ chỗ nào hết.
Khi thầy mới quen với bà Hương quản Viện thì thầy theo chọc ghẹo cô Diệu Anh hoài, mà thầy nói giễu cợt, cô cứ giữ nghiêm trang, bởi vậy tuy tánh thầy ngang tàng, mà rồi thầy cũng phải kiêng nể, không dám nói lả-lơi nữa.
Mấy thầy thấy đến nỗi Lê Trường Sanh mà còn chọc cô Diệu Anh không được, bởi vậy xét phận mình thì hổ thầm, nên không ai dám hở môi. Tuy vậy mà cũng rủ nhau tới chơi hoài, có thầy thiệt thấy bà Hương quản háo khách nên tới chơi, còn có thầy lại có ý riêng, thầm tính tới thường hoặc may cô Diệu Anh có động tình vừa mắt chăng.
Bà Hương quản tiếp mỗi thầy đều trọng hết thảy, chẳng hề bạc đãi một thầy nào.
Bà lại biết bụng con của bà, nên bà không thèm dè-dặt gìn-giữ chi hết, cứ niềm nở bãi buôi với mọi người rồi dùng sự thân thiết đó mà cậy mượn. Bởi trốn, hoặc người vay bạc không trả thì có thầy thông đứng bàn quan Biện lý cho bà, mua đất mua trâu thì có thầy thông coi sở Bách phần lo cầu chứng, ai lấn ranh giựt đất thì có thầy thông coi địa-bộ[3] làm đơn cho bà đi thưa, làng có húng hiếp việc gì thì có thầy thông quan lớn chánh binh vực. Mấy thầy tới nhà bà chơi thì vui, mà bà trọng đãi mấy thầy bà cũng có lợi.
Thầy Trần Văn Phong ở dưới Ca-mau đổi lên Long-xuyên tuy thấy cảnh đẹp đẽ hơn xứ Cà-mau nhiều nhưng vì mấy lời mắng nhiếc của cô Sáu Lý còn văng vẳng bên tay hoài, nên thầy không vui chút nào hết.
Thầy vào trình việc với quan Chủ tỉnh mà xin việc. Quan Chủ tỉnh thấy thầy trẻ tuổi, lại nghe thầy khai mới làm việc có ba tháng mà thôi, ngài sợ thầy chưa thông-thạo, nên dạy thầy coi nhựt ký thơ từ, chớ không cho thầy làm việc chi khác.
Thầy nghĩ phận mình cũng là thông ngôn chách ngạch như người ta, mà sao người ta được làm bộ trâu bò, được phát sách ghe, được coi sanh ý[4], được thâu đơn khẩn, được giữ bộ điền, còn mình thì mỗi buổi hầu cứ chép thơ mỏi tay, tổng làng dân sự không ai thèm ngó tới, bởi vậy thầy không vui mà lại càng thêm buồn phiền, nên thầy mướn một căn phố nhỏ ở, rồi hễ đi hầu về rồi nằm co mà thở dài, không muốn đi chơi như chúng bạn.
Ở gần nhà thầy, có thầy ký Hậu, tánh tình vui vẻ, thấy thầy mới đổi lại cứ nằm nhà hoài, tưởng là vì lạ lùng bợ ngợ, nên thầy không đi chơi, bởi vậy lân la đến làm quen rồi bữa thì dắt đi thăm anh em bữa thì rủ nhau đi dạo chợ. Lần lần thầy ký Hậu dắt thầy Trần Văn Phong xuống nhà bà Hương quản Viện.
Thầy thông Phong bước vô thấy nhà cửa nguy nga, ghế bàn hực hỡ, thì thầy ái ngại, nên kệ nệ ngồi không yên. Chừng thầy ký Hậu trình thầy cho bà Hương quản rồi, bà mừng rỡ, hỏi thầy đổi lại hồi nào, dọn nhà ở đâu, có vợ con hay chưa, cha mẹ còn song toàn hay không, gốc gác ở tỉnh nào, bộ bà ân cần trọng hậu lắm, chừng ấy thầy mới hết bợ ngợ nữa. Thầy thông Phong ngồi nói chuyện chơi trót một giờ đồng hồ, thầy thấy tánh bà Hương quản bãi buôi, lấy làm đẹp ý vô cùng, và nhứt là thầy thấy cô Diệu Anh vô ra, lúc rót nước mời thầy uống, lúc ngồi dựa đèn mà may, nhan sắc cùng là y phục chẳng có vẻ chi hơn gái bình thường song cô có cái duyên chi không biết mà thầy thấy cô rồi thì cặp mắt bắt liếc ngó cô hoài, bởi vậy thầy chà lết cứ ngồi nói chuyện hoài không tính về, đến nỗi thầy ký Hậu đứng dậy biểu thầy về thầy mới chịu từ bà Hương quản và cô Diệu Anh mà đi theo ký Hậu.
Bà Hương quản đưa khách ra cửa rồi còn nói với thầy thông Phong rằng:
- Bữa nào thầy buồn cứ xuống dưới nầy mà chơi. Tôi không có con trai, nên thấy mấy thầy còn nhỏ tôi thương lắm. Thầy đừng ngại chi hết, hễ biết thì là bà con chớ ai đó sao.
Ra ngoài đường thầy thông Phong mới hỏi thầy ký Hậu coi bà Hương quản ấy là ai, sao mà bà giàu có như vậy, mà trong nhà bà chỉ có hai mẹ con mà thôi, không có một người đàn ông nào hết. Thầy ký Hậu mới đem việc nhà của bà Hương quản mà đọc hết cho thầy nghe rồi lại nói rằng:
- Cô hai Diệu Anh là một người con gái đứng đắng lắm. Cô nhỏ tuổi, góa chồng ba năm nay, mà mấy thầy đến chơi dập dìu, chớ chưa có thầy nào đụng được chéo áo của cô. Ai mà ve cô được, thiệt chẳng khác chuột sa vào hũ nếp.
Đêm ấy thầy thông Phong nằm thao thức hoài, trong trí cứ tưởng tượng cô Diệu Anh, mà không hiểu thầy tưởng đó là vì dung hạnh của cô, hay là vì nhà tốt của bà Hương quản Viện.
Mấy bữa sau thầy cứ rủ thầy ký Hậu đi xuống Cái Sơn chơi hoài, lâu lâu thầy đi một mình xuống thăm mẹ con bà Hương quản, không cần rủ ai đi hết. Bà Hương quản càng quen, bộ lại càng thêm thân thích, mà thầy thông Phong càng thấy cô Diệu Anh thầy càng phơi phới trong lòng. Còn cô Diệu Anh thì cứ một mực đãi thầy, thầy nói chuyện với cô thì cô cũng hầu chuyện với thầy, song nói chuyện thì cô cứ giữ lời nghiêm trang, đứng ngồi thì cô giữ đủ lễ phép.
Thầy thông Phong thấy mẹ con bà Hương quản đã thân thiết mà lại trọng hậu mình, trong trí tưởng người ta đã chấm mình rồi, nên lân la tới hoài, lại thầm tính hễ có lễ nghỉ thì về thăm nhà đặng thưa cha mẹ hay rồi cậy mai nói cô Diệu Anh mà cưới.
Thầy tính như vậy mà chưa kịp về nhà, kế gặp dịp bà Hương quản có kỵ cơm, bà mời đủ mấy thầy, mấy ông trong tỉnh đến dự tiệc. Khi quan khách tới đông rồi bà Hương quản mời uống rượu khai vị, và bà nói rằng:
- Nhà tôi không có đàn ông nên không có ai ra đãi khách được, vậy xin mấy ông mấy thầy miễn lễ giùm cho tôi.
Thầy thông Phong nghe nói như vậy thầy liền đứng dậy cười ngỏn ngoẻn và nói rằng:
- Thưa cô, để tôi thay mặt mà đãi khách cho cũng được vậy mà, xin cô an tâm.
Thầy nói dứt lời, liền xách mấy ve rượu đi rảo mấy bà mà mời khách, bộ lăng xăng lít xít, làm như người chủ nhà.
Thầy Trường Sanh vẫn đã có ý kết tóc se tơ cùng cô Diệu Anh, nhưng vì thấy tánh nết cô khít khao, sợ cô chê mình ăn chơi cô không ưng, nên không dám nói. Mấy tháng nay thầy nghe thầy thông Phong lân la xuống nhà bà Hương quản hoài, thì thầy sợ thầy thông Phong chiếm chỗ quý địa của thầy, nên tuy thầy không nói ra, song thầy đã đem lòng ganh ghét rồi. Nay thầy thấy thầy thông Phong làm như người trong nhà nữa, thì thầy nổi giận, muốn thừa đám đông mà làm nhục thầy thông Phong một lần cho thầy chừa thói hí hất không xem trước ngó sau đi, bởi vậy khi thầy thông Phong xách rượu lại mời thầy, Lê Trường Sanh trợn mắt mà nói rằng:
- Để đó cho người ta, mầy! Ai cầu hay sao mà làm bộ như con khỉ vậy.
Thầy thông Phong tưởng Trường Sanh nói chơi, nên không giận, lại nhăn răng cười rồi day qua mời người khác. Trường Sanh ngó theo cặp mắt lườm lườm.
Chừng nhập tiệc rồi thầy thông Phong ngồi ăn, mà một lát cũng chạy dòm đầu nầy, ngó đầu nọ, khi thì đứng rót rượu mời khách, khi thì biểu trẻ dọn đồ ăn, Trường Sanh giận quá dằn không đặng nên kêu lớn rằng:
- Ê! đi-đon[5] Phong, toa cũng là khách như mấy ông mấy thầy đây vậy, toa phải ngồi êm thắm mà ăn như người ta, chớ toa còn làm bộ lộn xộn nữa, moa bạt tai và đạp đít toa ra khỏi cửa đa, nói toa cho biết.
Thầy thông Phong nghe mấy lời nặng nề ấy thì nổi giận, mà liếc mắt thấy cô Diệu Anh ngồi bên ván miệng chúm chím cười thì hổ thẹn quá, nên buông đũa đứng dậy và đi lại chỗ Trường Sanh ngồi và nói rằng:
- Tôi có động tới thầy đâu, thầy ỷ đứng bàn quan lớn chánh rồi thầy muốn xài[6] ai thì xài sao?
Trường Sanh không thèm trả lời, đợi thầy thông Phong lại tới chỗ thầy ngồi, thầy vùng đứng dậy nện cho thầy thông Phong một bạt tai lại nhảy đạp cho một đạp té nhủi vô cánh cửa một cái rầm.
Mấy thầy áp lại kẻ ôm Trường Sanh, người đỡ thầy Phong mà can.
Thầy thông Phong đứng dậy, tóc xụ bít cả mắt, gò má bên tả đỏ lòm, cái cà-ra-hoách[7] đen văng đâu mất, sau đít lại bị chiếc giày của Trường Sanh nên lấm lem nữa. Phần thì giận, phần thì mắc cỡ, bởi vậy môi tái xanh, tay run lập cập, thầy chỉ Trường Sanh mà nói rằng:
- Thầy đừng có ỷ thế mà phách với tôi mà thầy giỏi gì đó sao?
Trường Sanh trợn mắt đáp rằng:
- Mầy còn nói nữa tao đánh nữa.
Thầy và nói và xốc lại. Mấy thầy kẻ thì giăng tay cản Trường Sanh mà nói rằng thầy Phong còn nhỏ mới lỗi lầm một lần nên cho xin, người thì phủi quần, gắn cà-ra-hoách giùm cho thầy Phong rồi dắt đi về chỗ biểu ngồi ăn dừng nói chi nữa hết.
Thầy thông Phong ngồi gục mặt xuống hổ thẹn ăn không đựơc, mà cũng không dám ngó ai hết.
Bà Hương quản ngồi bên ván trách rằng:
- Hai thầy thông nóng nảy quá, may có mấy thầy can giùm, chớ phải một mình tôi thì tôi biết làm sao.
Trường Sanh đứng dậy miệng chúm chím cười và nói rằng:
- Thưa dì tại thầy vô lễ quá, làm cho tôi giận tôi dằn không được. Vậy dì tha lỗi cho tôi.
Thầy thông Phong uất ức, muốn nói phải quấy ít lời cho đỡ xấu nhưng vì giận và hổ thẹn nên thầy mất trí khôn, không biết tiếng chi mà nói, nên cứ ngồi lặng thinh, bộ mặt đầm đầm.
Đêm ấy thầy thông Phong về nhà tức giận, ngủ không được, muốn rửa nhục mà không biết dụng mưu nào, đánh lộn thì sợ đánh không lại người ta, còn cậy người khác phụ với mình thì mình mới tới Long-xuyên chưa thâm giao với ai, nên không biết ai mà cậy. Thầy tính tới tính lui rồi nhứt định để sáng mai vô Tòa bố sẽ kiện với quan lớn chủ tỉnh.
Bữa sau thầy đi hầu, ngó thấy mấy thầy thì xẻn lẻn, còn Trường Sanh thì hiu hiu tự đắc, kêu làng khoát nạt om sòm. Đến mười giờ thầy thông Phong nghe bếp hầu nói quan lớn Chủ tỉnh rảnh rồi, thầy mới men men lên phòng riêng của ngài mà kiện Trường Sanh. Chẳng hiểu Trường Sanh đã thưa trước với quan lớn chánh thể nào, mà ngài vừa thấy mặt thầy Phong thì ngài la rầy vang rân, mắng rằng còn nhỏ mà không lo học làm việc để lo ve gái, rồi lại hăm rằng nếu còn làm như vậy nữa thì ngài sẽ chạy tờ xin đổi thầy đi Côn-nôn hoặc Hớnquản.
Thầy thông Phong tức quá, muốn đối nại, mà bị quan lớn chánh gạt ngang không cho nói, rồi đuổi biểu đi về chỗ ngồi làm việc, bởi vậy thầy phải vưng lời riu ríu đi ra mà cặp mắt ướt rượt.
Thầy oán giận Trường Sanh cành hông, song không biết làm sao mà rửa oán. Thầy hổ thẹn không dám thấy mặt mẹ con bà Hương quản Viện nữa. Đã vậy mà Trường Sanh còn hăm he nói rằng nếu thầy Phong còn léo hánh xuống Cái sơn nữa thì thầy sẽ làm nhục bằng mười cái nhục hôm trước và sẽ nói quan lớn chánh cách chức. Thầy thông Phong yếu thế nên phải nhịn thua, đã không dám đến nhà bà Hương quản, mà cũng không muốn đi chơi chỗ khác.
[2] (bố chánh), tỉnh trưởng, chủ tịch tỉnh
[3] hay địa bạ (cadastre, cadastral register): sổ sách ghi sở hữu về ruộng (điền bộ), về đất trồng trọt (thổ
bộ) và về đất “ăn ong” (ngạn bộ)
[6] rầy, xài xễ,khiển trách