Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26

dạng PDF

Tơ Hồng Vương Vấn

(5)

Bữa nay mẹ chỉ cho cậu thấy cảnh đời thực tế, nó cam go nhiều nỗi, dầu mang thiện chí đầy mình đi nữa, với hai tay không, thì không đễ gì lướt qua được đâu. À ! Tiền bạc ! Tiền bạc ! Mi đáng ghét, vì mi hay cám dỗ lôi cuốn con người vào đường bất nhân, bất nghĩa. Mà mi cũng đáng yêu, vì có khi mi giúp cho con người thoát hèn hạ mà lên thanh cao, mi đưa đẩy người thành tâm, thiện chí có thể lập thân đặng đền ơn đáp nghĩa. Người quân tử thường khinh rẻ mi. Nay thấy rõ nếu không có mi thì dầu quân tử cũng nằm co, không làm sao mà cựa quậy được.

Vĩnh Xuân suy nghĩ tới đó thì trong lòng lạnh ngắt tay chưn bủn rủn, dường như thấy tương lai đã bít chịt, không còn ngả nào mà đi tới nữa. Cậu tức vợ chồng Ba Cao bài bạc làm chi mà phải mang nghèo. Chớ khi còn khá như mấy năm trước thì cậu năn nỉ bao cho cậu ăn học đủ bốn năm, rồi chừng cậu xuất thân làm việc cậu sẽ trả lại. Bà con không có ai hết, biết cậy nhờ ai. Ông Giáo Huân chắc có tiền, ông lại thương mình, ngặt mình không bà con với ông, nên không biết ông dám bao hay không mà nói. Bậy giờ chỉ còn trông cậy vợ chồng ông Giáo mà thôi. Mình xin ông cho mượn mỗi năm 10 đồng bạc, không cần nhiều hơn. Ông bao bốn năm cộng 40 đồng. Ví như ông buộc chừng mình học xong, ra làm việc, mình phải trả góp lại cho ông 80 hoặc 100, mình cũng chịu. Cuối tháng giêng mới đi học, nên không gấp gì. Để ăn Tết rồi mình sẽ yêu cầu ông. Mà ví như ông Giáo chịu bao, mình đi học được rồi, mẹ mình ở nhà mua bán, số lời có thể đủ sống trong bốn năm mà chờ mình nên danh hay không ? Còn thêm cái vấn đề rắc rối đó.

Mình muốn đi học đặng sau làm ông nầy ông kia, mà bây giờ mình bỏ mẹ ở nhà, áo quần rách rưới, bữa đói bữa no, vậy thì học làm chi ? Nhớ tới nỗi mẹ, Vĩnh Xuân đau đớn, rồi chán nản cực điềm, chán nản đến nỗi tưởng mạng số của mình phải chức giáo làng hoặc giáo tổng là cùng.

Vĩnh Xuân buồn rầu hết muốn đi chơi, cứ nằn dàu dàu như chim bị nhốt trong lồng, cá bị sa vào rọ.

Bà Hương văn mắc lo làm bánh bán, bà không để ý đến sự khủng hoảng tinh thần của con. Hồi hôm bà than thở với con, ý bà muốn tỏ gia đạo khó khăn cho con biết vậy thôi, chớ không phải bà tính ép con làm giáo tổng đặng có lương mà nuôi bà. Bà quen cái cảnh nghèo đã mấy mươi năm rồi. Tuy bà đã gần năm mươi tuổi, nhưng bà chưa mệt mỏi mà cần phải cậy con giúp đỡ.

Chiều bữa sau, mẹ con đương ngồi ăn cơm, thình lình Vĩnh Xuân hỏi mẹ:

-         Ví như con đi học thêm nữa, mà con làm sao được mặc con, má khỏi tốn tiền cho con, vậy mà má ở nhà má mua bán má kiếm lời đủ cho má sống hay không má ?

-         Má lo là lo cho con, chớ phận má dễ dàng, má có lo gì đâu. Má không cần làm đăng đê làm chi cho mệt, mỗi bữa má gói vài chục cái bánh ếch, hoặc má xôi một chõ xôi mà bán, cũng có lời mua gạo ăn không hết. Con khỏi lo cho má.

-         Con sợ con đi học nữa, mà học tới bốn năm, má ở nhà mua bán không đủ ăn, rồi phải chịu đói rách chớ.

-         Không, không. Một mình má thì má sống dễ dàng. Dầu con ở nhà đây cho má nuôi cơm nữa má cũng không sợ. Ngặt con đi học nữa, mà lại đi xa, phải tốn tiền nhiều, nên má mới sợ má lo không nổi.

-         Con tính con cậy người ta bao cho con đi học đặng má khỏi lo.

-         Con cậy ai ? Cậu Ba con nghèo rồi, nó bao làm sao cho nổi.

-         Con tính con cậy thầy con. Con xin thầy giúp cho con mỗi năm 10 đồng đặng con ăn học. Chừng con làm việc có lương, mỗi tháng con sẽ góp mà trả lại.

-         Được lắm. Nếu ông Giáo Huân chịu cho con mượn tiền mà ăn học thì má hết lo. Thím Hằng thiếu gì tiền. Thím bao dễ như chơi.

-         Bà Giáo cũng thương con lắm. Hôm thi đậu mới về, con có lên thăm thầy con. Thầy con mừng dữ. Thầy con khuyên con phải rán học thêm bốn năm nữa đặng lập thân danh. Sẵn trớn cứ đi luôn đừng bỏ nửa chừng uổng lắm. Vậy để qua Tết rồi con sẽ năn nỉ với thầy con.

-         Thiệt cái nghèo nó dở quá. Con muốn đi học, mà nhà lại không có tiền. Nếu má dư dã như người ta thì con muốn học chừng nào má cũng chịu.

Vĩnh Xuân đã an lòng về phận ở nhà rồi. Nhưng còn việc cậy ông Giáo Huân, chưa biết ông sẵn lòng giúp hay không ? Đó là một mối lo nó vấn vít trong trí cậu luôn luôn, bởi vậy cậu không vui mà đi chơi, mặc dầu gần tới Tết, ngoài chợ họ chưng đồ mà bán đủ thứ, sớm mơi cũng như buổi chiều, thiên hạ đi chợ Tết rần rần.

Bắt đầu 27 tháng chạp thì có chợ đêm. Các tiệm đều mở cửa bán sáng đêm. Còn trong nhà lồng cũng như các nẻo đường chung quanh, thì bạn hàng dọn đồ mà bán đủ thứ. Hai bên lề đường người ta có cấm cây làm rạp đặng ban ngày ngồi bán cho khỏi nắng. Đi ngõ nào cũng thấy dưa hấu, cải cây, củ cải, chuối, bưởi, quít, cam với hột dưa khô. Trong tiệm cũng như mấy gian hàng trong nhà lồng thì người ta bày cam Tàu, chà là, hồng khô, trái vải với đường phổi. Tượng liễn treo bán cũng nhiều, lại còn treo khăn lụa với dây lưng xanh, đỏ, vàng, hường, đủ màu làm cho chợ có vẻ tươi cười đặc biệt mới ra chợ Tết.

Hồi chiều bà Hương văn Thanh bưng thúng đi chợ đặng mua đồ chút đỉnh mà ăn Tết với người ta. Đến tối bà mới về, mua được hai nải chuối hườm hườm, một trái bưởi với một cặp dưa hấu nhỏ. Bà khoe chợ Tết đông đảo vui lắm. Dọn cơm ăn với Vĩnh Xuân rồi bà cứ thôi thúc con ra chợ mà xem thiên hạ mua bán. Một năm mới có một lần vui như vây, không nên bỏ qua.

Vĩnh Xuân không dám trái ý mẹ, nên cậu thay đồ sạch sẽ rồi đi chơi. Cậu đi mà trong trí lơ lửng, không quyết định đi hướng nào, mua vật gì. Ra tới chợ, cậu thấy trong nhà lồng người ta đi chật nứt, mà mấy đường chung quanh người ta cũng đông dầy dầy. Cậu đứng ngó thiên hạ lại qua một hồi rồi cậu thả bước trôi theo lượng sóng người, chậm chân bò trên con đường hông nhà chợ, là chỗ hàng dưa hấu nhiều hơn hết. Đi ngang phía sau gian hàng của Cúc Hương ngồi bán mấy tháng nay, cậu ngó vô nhà lồng thì thấy chỗ Cúc Hương, cũng như chỗ chị Hai Tỷ, chỗ nào cũng có đôi ba người mua đồ, người nầy ra đi người khác ráp lại, luôn luôn có khách hàng hoài.

Vĩnh Xuân xuống mút chợ cá rồi băng qua phía bên kia mà trở lên. Phía nầy trống trải, vì bán thưa thớt, nên người ta không đông lắm. Đi giáp hai bên rồi thì đã nửa canh hai, nghĩa là lối 10 giờ. Vĩnh Xuân thấy trong nhà lồng người đã thưa cậu mới bước vô đó, tính bắt từ đầu trên đi tuốt tới đầu dưới, đặng xem coi Cúc Hương bán thứ gì.

Lúc cậu đi gần tới gian hàng của Cúc Hương có vài người đương lựa cam hồng mà mua. Còn chị Hai Tỷ thì chị ngồi ngó mông, vì không có khách hàng. Chị thấy Vĩnh Xuân thì đưa tay ra ngoắt mà nói: “Lại đây chơi. Có mua hồng, cam hay là dưa hấu thì ghé đây. Hàng nầy bán rẻ lắm mà bán cầu danh chớ không phải cầu lợi”.

Vĩnh Xuân men men đi lại.

Cúc Hương tay mắc cân cam mà bán, song cô thấy Vĩnh Xuân thì cô nói lớn: “Dữ hôn. Đợi tới bữa nay anh Xuân mới chịu đi chợ Tết”.

Xuân chúm chím cười.

Chị Hai Tỷ nói:

-         Ngồi đây em, ngồi nói chuyện với chị chơi.

Vĩnh Xuân ngồi chồm hổm trước gian hàng của chị Hai Tỷ mà nói:

-         Họ đi chợ Tết đông quá chị Hai há.

-         Bây giờ họ về hết phân nửa rồi. Hồi chiều mới thiệt đông, chen chưn không lọt.

-         Chị bán khá hôn ?

-         Ba ngày Tết ai bán cũng được hết. Hồi chiều họ bu lại làm chị mệt hết sức.

-         Bán đây tới mấy giờ mới dọn về nghỉ ?

-         Dọn về sao được. Tốp người đương mua đây là tốp đi hồi chiều. Họ đã về hết nhiều rồi. Còn một mớ lát nữa đây họ sẽ về hết. Mà chừng ba giờ khuya có tốp khác đi chợ nữa. Chợ sẽ đông lại cho tới trưa. Dọn về rồi vài giờ phải dọn trở ra lại, hơi nào mà gánh.

-         Ở luôn ngoài nầy rồi làm sao mà ngủ ?

-         Nằm bậy đây mà nghỉ lưng. Chị với con Tư thay phiên với nhau, người nầy ngủ thì người kia thức coi chừng luôn hai bên.

-         Mệt chết.

-         Có ba đêm mà nhiều nhỏi gì. Bán chợ Tết thì phải chịu cực chớ.

Bên Cúc Hương bây giờ khách hàng đã đi hết rồi. Lại có ba bốn người ghé coi đồ bên chị Hai Tỷ.

Cúc Hương kêu mà nói: “Anh Xuân, anh xê qua đây cho em hỏi thăm một chút”.

Cúc Hương trải sẵn một tờ giấy bên phía tay mặt của cô, chừng Xuân qua thì cô chỉ tờ giấy mà mời ngồi rồi cô hỏi:

-         Hổm nay anh đi đâu mất, không thấy anh ra chợ chơi ?

-         Qua buồn quá nên ở nhà chớ có đi đâu.

-         Tại sao mà anh buồn ? Việc nhà có điều chi trắc trở hay sao ?

Vĩnh Xuân day mặt ngó chỗ khác, bộ buồn hiu, không muốn nói.

Cúc Hương thôi thúc:

-         Anh buồn về việc gì, xin anh nói cho em biết. Không biết chừng em cũng có thể làm cho anh đổi buồn ra vui được chớ.

-         Khó lắm. Việc qua buồn, qua còn đương tính mà gỡ. Để ăn Tết rồi qua gỡ được hay không qua sẽ nói thiệt cho em biết.

-         Em muốn biết liền bây giờ. Nếu có rối thì em sẽ tiếp tay với anh mà gỡ.

-         Vì liêm sĩ nên qua không được phép nói cho em biết.

-         Dầu có việc chi bí mật hay khốn khổ, anh phải giấu kín, thì giấu ai chờ giấu em nữa sao ? Đã có thề nguyền với nhau rồi, anh vui thì em vui, anh buồn em phải buồn. Sao anh còn nghi bụng em như vậy ?

Vĩnh Xuân ngó ngay Cúc Hương, bộ buồn lắm.

Cúc Hương biết Vĩnh Xuân đau khổ nhiều mà lúc ấy chị Hai Tỷ lại ngồi day lưng qua phía bên nây, dường như có ý muốn để cho hai trẻ nói chuyện thong thả, khỏi ái ngại.

Cúc Hương mới nói:

-         Có chuyện gì làm cho anh khổ tâm, xin anh nói thiệt cho em nghe. Anh đừng giấu em. Anh giấu thì em càng buồn hơn anh nữa. Nói đi.

Vĩnh Xuân ứa nước mắt và thở một hơi dài mà.nói:

-         Qua sợ qua đi học nữa không được em à !

-         Ủa! Sao vậy ?

-         Hôm qua thi đậu qua về, vì qua mừng quá, nên qua vô ý, không suy nghĩ cho kỹ việc đi học tới bốn năm. Cách vài ngày má qua nói chuyện với qua, má qua vạch mắt cho qua thấy đường tấn thủ của qua gay go lắm, chớ không phải dễ đâu.

-         Đi học tự nhiên phải chịu cực. Mà học cho tới bốn năm tự nhiên sự cực phải kéo dài nhằng chớ sao.

-         Chí quyết lập thân qua có sợ cực khổ đâu em. Qua sợ là sợ đường qua đi nó bít chịt, qua tới không được nữa, cái đó mới nguy hại chớ.

-         Sao mà bít đường ? Anh nói rõ cho em nghe thử coi.

-         Má qua cắt nghĩa như vầy: qua đi học thêm bốn năm được học bổng, thì nhà trường chịu cơm, cho chỗ ở, phát quần áo, nón giày, nghĩa la nhà trường lo cho qua no bụng ấm thân, có chỗ nằm ngủ, có chỗ ngồi học, có giấy mực sách vở đủ hết. Nhưng qua cũng phải có một số tiền riêng bỏ túi để mua lặt vặt đồ cần dùng, để ăn bánh, ăn hàng chút đỉnh, nhứt là để trả tiền xe, tiền tàu, khi đi tựu trường và khi bãi trường về. Má qua than thở nhà nghèo, má qua bán bánh trái có lời đủ độ nhựt là hay, làm sao có dư mà cung cấp cho qua đi học xa được. Qua nói thiệt với em, qua quyết học đặng lập thân, qua sẵn sàng xông lướt tất cả khó khăn, cực khổ. Qua không cần bánh hàng chi hết, có đói thì qua bóp bụng mà chịu. Đây lên Mỹ Tho qua đi bộ, không cần phải đi đò hay đi xe. Ngặt chừng lên Sài gòn mà học tiếp thì đường xa xuôi cách trở, không thế gì đi bộ được, tự nhiên phải đi tàu. Tuy tàu ăn tiền không phải nhiều, song mỗi năm đi lên hai lần, đi về hai lần, thì hao tốn ít lắm cũng đến bốn, năm đồng bạc. Ấy vậy nếu qua đi học nữa thì mỗi năm phải có tiền nhà cung cấp cho qua ít nào cũng mười đồng bạc, qua đi học mới được. Số ấy không phải nhiều, nhưng nó quá sức của má qua, cung cấp vài ba đồng hoặc may còn rán được, chớ đến bạc chục thì vô phương.

-         Tưởng là chuyện gì, chở chuyện đó anh đừng lo. Bác cung cấp cho anh không nổi, thì em lãnh em giúp cho anh đi học.

-         Khoan ! Vì em cứ theo hỏi hoài, nên qua phải nói thiệt cho em nghe, chớ việc nầy qua đã tính rồi.

-         Anh tính cách nào ?

-         Qua tính ăn Tết rồi qua lên thăm thầy mình và tỏ gia đạo của qua cho thầy nghe, rồi qua xin thầy làm ơn bao cho qua mỗi năm 10 đồng bạc đặng qua ăn học. Chừng qua học rồi, qua đi làm việc lãnh lương qua sẽ trả góp lại cho thầy, trả bằng hai cũng được. Hôm thi đậu rồi về, qua có thăm thầy. Thầy khuyên qua phải học thêm, chớ đừng bỏ. Vì vậy nên qua nói chắc thầy chịu.

-         Như thầy không chịu rồi anh làm sao ?

Vĩnh Xuân châu mày suy nghĩ rồi đáp:

-         Qua phải bỏ mà đi qua đường khác, chớ biết tính làm sao ? Qua xin làm giáo tổng đặng dạy học lãnh lương mà ăn.

Cúc Hương chân nói:

-         Không được. Anh không nên bỏ dở cảnh tương lai rực rỡ đã lộ ra trước mắt anh rồi. Em không bằng lòng cho anh bỏ. Anh chẳng cần yêu cầu thầy bao làm chi. Anh để cho em giúp anh phải hơn. Tưởng là học mỗi năm tốn một hai trăm thì khó cho em thiệt, chớ vài ba chục thì em giúp dễ như chơi. Em bán chưa đầy một năm mà hôm rằm em tính thử, thì em có lời hơn 50. Bán dịp Tết nầy em lời thêm ít chục nữa. Em buôn bán nuôi anh ăn học được mà.

Vĩnh Xuân nói:

-         Em tính như vậy qua khó chịu quá.

-         Khó cái gì ? Em bao cho anh ăn học. Sau anh làm nên anh trả lại cho em, trả vốn, trả lời, hoặc trả bằng hai như anh tính trả cho thầy vậy cũng được. Anh tính chắc lại coi mỗi năm phải giúp cho anh bao nhiêu đủ anh ăn học.

-         Mười đồng.

-         Ít quá. Phải hai chục mới đủ.

-         Nhiều quá vô ích.

-         Thôi thì 15 đồng, chớ 10 đồng ít lắm. Đi học anh phải sắm đồ cần dùng đem theo mà xài, như lược chải đầu, bàn chải răng, cùng nhiều thứ lặt vặt nữa. Sẵn đây để em đưa trước số tiền năm thứ nhứt cho anh. Như có thiếu thì bãi trường nửa măm em sẽ đưa thêm.

Cúc Hương dở rổ tiền lấy ba tấm giấy bạc 5 đồng xếp để vào miếng giấy gói trà mà gói lại rồi đưa cho Vĩnh Xuân.

Vĩnh Xuân dụ dự không muốn lãnh.

Cúc Hương cười và nói:

-         Anh cần phải có một người giúp anh mới đi học được. Em lãnh em giúp cho anh khỏi cậy người khác, sao anh lại dục dặc. Sẵn đây thì lấy đi cho rồi. Mỗi năm em sẽ giúp một số như vậy cho tới chừng nào anh học thành công hoàn toàn rồi mới thôi.

-         Em giúp rồi qua về qua phải nói sao với má qua. Nói thiệt thì kỳ quá.

-         Ý ! Nói thiệt sao dược... Ừ, anh nói chị Hai Tỷ nghe anh than, chỉ động lòng, nên chỉ ra tiền bao cho anh ăn học, sau anh sẽ trả lại. Anh cứ nói vậy đi. Em sẽ dặn trước chỉ đặng có ai hỏi, chỉ cũng chịu có như vậy.

Vĩnh Xuân nghe như vậy mới chịu lấy gói tiền, vừa để vào túi vừa nói:

-         Trong túi hết bạc tiền, dầu tráng sĩ cũng phải chịu hổ thẹn. Làm trai mà cậy sức đàn bà đặng lập thân thì hèn quá. Nhưng tình thế ép buộc nên qua không thế giữ liếm sĩ được. Qua xin Trời đất Thánh Thần biết cho qua. Mà thà là ân nghĩa gom về một tay, ngày sau dễ cho qua đền đáp hơn.

Cúc Hương nói:

-         Anh làm nên, em cũng được hưởng. Vậy em lo buôn bán, anh lo học tập, mỗi người lo một thế, góp sức cùng nhau mà xây nên hạnh phúc chung, chớ ân nghĩa gì đâu.

Vĩnh Xuân vừa đứng đậy vừa nói:

-         Nếu không ân thì là nghĩa. Mà nghĩa càng nặng thì tình càng sâu. Thôi, để qua về, ngồi nói chuyện lâu quá, chẳng khỏi người ta dị nghị.

Vĩnh Xuân bước qua cáo từ chị Hai Tỷ. Chị vui vẻ nói ; “Em về hay sao ? Còn hai buổi chợ đêm nữa. Tối ra đây nói chuyện chơi nghe hôn em. Chị không có anh em trai, nghe em học giỏi, chị thương quá. Ra đây chơi với chị đừng ngại chi hết…. Khoan, khoan, em lấy một trái dưa đem về ăn chơi. Con Bảy Hô nói dưa ngon, nó tấn cho chị nửa chục hồi tối. Em lấy một trái về ăn thử coi. Đi chợ Tết về phải có thứ gì, chớ về tay không, coi sao được”.

Chị vói lấy một trái dưa hấu mà trao cho Vĩnh Xuân. Cậu cám ơn, day lại ngó Cúc Hương mà cười, rồi ôm trái dưa đi về, tuy hết buồn rầu, song thêm ngần ngại.

Bà Hương văn thức chờ con, thấy con bước vô, tay có ôm một trái dưa hấu thì bà hỏi:

-         Dưa ở đâu vậy ? Con có tiền hay sao mà mua ?

-         Thưa, không. Dưa của chị Hai Tỷ cho con. Chỉ mua nửa chục, chỉ nói giống dưa rầy ngon lắm. Chỉ cho con một trái biểu đem về ăn thử.

Bà Hương văn lại lấy trái dưa đưa gần đèn mà coi. Bà nói trái dưa nầy đáng bốn, năm cắc, cuống nhỏ, vỏ cứng, già lắm, chắc ngon. Bà hỏi con như muốn ăn liền thì bà xẻ cho mà ăn.

Vĩnh Xuân nói để dành Tết cúng rồi sẽ ăn, không nên ăn trước ông bà. Cậu ôm trái dưa đem để trên bàn thờ rồi hân hoan thưa với mẹ:

-         Con hết buồn, hết lo rồi, má à.

-         Sao vậy ?

-         Có người chịu bao tiền cho con học thêm rồi.

-         Con có lên trên ông Giáo hay sao ?

-         Thưa, không. Con không có lên. Mà bây giờ con khỏi nói với thầy con. Chị Hai Tỷ thương con, chỉ nghe con tỏ việc nhà của mình bẩn chật, chỉ động lòng nên chỉ chịu cho con mượn mỗi năm 15 đồng đặng con ăn học. Chừng học thành công rồi, con làm việc có lương con sẽ trả lại cho chỉ.

-         Tử tế dữ há. Phải Hai Tỷ là vợ chú Sấm, bán hàng ngoài chợ đó hay không ?

-         Thưa, phải. Vợ chú Sấm làm tài phú cho tiệm thuốc Quảng Sanh Đường đó.

-         Con quen với Hai Tỷ hồi nào ?

-         Con quen thuở nay, ở một chợ với nhau, chớ phải xa lạ gì sao mà không quen. Chỉ không có em trai, nên chỉ ưa con lắm. Hồi nãy chỉ đưa trước 15 đồng cho con ăn học năm đầu đây. Chỉ hứa mỗi năm chỉ đưa một số tiền như vậy cho con đi học đủ bốn năm.

Vĩnh Xuân móc túi lấy gói bạc mở ra cho mẹ coi. Bà Hương văn lộ sắc vui mừng, biểu con cất để dành mà đi học, bà nói có người giúp con như vậy thì bà nhẹ lo.

Vĩnh Xuân nói:

-         Phận con đi bọc thì đã yên rồi. Bây giờ con chỉ còn lo má ở nhà mua bán không biết có đủ ăn hay không ?

-         Ối ! Con đừng có lo cho má. Con cứ lo học cho giỏi đặng lập thân. Má ở nhà, má đủ sức chịu đựng với đời. Rán học cho nên danh đi, rồi con sẽ nuôi má. Chừng đó má ăn ở không mà đi chơi.

-         Con học, con sẽ thành danh cho má hưởng sung sướng. Con hứa chắc với má.

Mẹ con vui cười, nói chuyện tương lai chơi với nhau một hồi rồi Vĩnh Xuân đi ngủ, bà Hương văn đi hấp bánh đặng khuya đem ra chợ bán.

Hai đêm sau, Vĩnh Xuẩn đợi khuya khuya rồi mới ra ngồi tại gian hàng của chị Hai Tỷ nói chuyện chơi một lát, vì muốn tránh tiếng, nên không muốn ngồi bên phía Cúc Hương mà cũng không dám chà lết ở lâu.

Vì chợ Tết người ta đông, bà Hương văn phải làm bánh, phải xôi nếp nhiều đặng bán khuya, bán chiều hai buổi, bà kiếm lời được sáu, bảy đồng, bởi vậy có tiền đủ mua đồ mà cúng ba ngày Tết như thiên hạ.

Qua Tết rồi, người ta ít mua đồ. Những bạn hàng ngồi bán hàng trong nhà lồng không cần dọn ra bán sớm, họ ở nhà nghỉ, tính mùng 8 hoặc mùng 10 rồi sẽ bán mở hàng năm mới.

Vĩnh Xuân đi chơi, không thấy Cúc Hương với Hai Tỷ ngồi bán, cậu mới đi vòng ra phía sau chợ, rồi đi theo con đường lên dốc cầu sắt. Chị Hai Tỷ ở đường nầy. Chị thấy Vĩnh Xuân đi ngang chị bước ra kêu cậu và mời ghé nhà chơi.

Vĩnh Xuân vô. Chị Hai Tỷ mời ngồi, rót một tách rước trà mời uống, rồi chị kéo ghế ngồi gần mà nói nhỏ: “Việc riêng của em, con Tư đã có thuật đầu đuôi cho chị nghe rõ hết. Chị thương hết hai em, chị coi cũng như em ruột của chị vậy. Hai em hứa hẹn ngày sau sẽ phối hiệp với nhau, nếu được vậy thì chị mừng lắm. Em đừng ái ngại chi hết. Em đừng có ghé chỗ chị với con Tư bán thường nữa, rủi người ta xầm xì thấu tới tai cha mẹ con Tư rồi nó bị bó buộc khó lòng. Em muốn nói chuyện gì với nó thì buổi chiều chị không đi bán, em ra nhà chị mà nói, rồi chị trao lời lại cho nó. Làm như vậy khỏi ai nghi. Con Tư thương em, nó lo từng chút. Nó sợ em đi học không có áo quần bận cho lành lẽ như người ta. Tuy nói nhà trường phát đồ, song cũng phải chờ người ta may, rồi mới phát được, bởi vậy nó có cậy chị mua rồi mướn may cho em một bộ đồ lụa với một bộ đồ vải đặng bữa khai trường em có sẵn bận mà đi. Vậy trưa hay chiều em có đi chơi thì em đem ra cho chị một cái áo với nuột cái quần đặng chị đưa cho thợ may đo ni may cho vừa. Hàng với vải chị mua rồi đây. Để chị lấy cho em coi.

Chị Hai Tỷ mở tủ lấy nuột xấp lụa trắng với nuột xấp vải trắng để trước mặt Vĩnh Xuân. Cậu rờ coi sơ sài rồi nói: “Đồ cũ em còn đủ bận. Cúc Hương mua làm chi nữa thêm tốn tiền”.

Chị Hai Tỷ nói: “Ấy ! Nó có tình nên nó lo cho em. Em nhận lãnh cho nó vui lòng. Chiều em đem ni đặng chị mướn may cho kịp.

Vĩnh Xuân về rồi chiều đem một cái áo với một cái quần giao cho chị Hai Tỷ. Thợ may may trong một tuần lễ thì xong, nên chị Hai Tỷ nhắn Vĩnh Xuân ghé lấy.

Cúc Hương với Hai Tỷ đã dọn hàng ra chợ bán hổm nay.

Vĩnh Xuân sắm đồ đi học đã xong rồi hết.

Bữa 29 tháng giêng khai trường. Vĩnh Xuân xuống Gò Công lấy giấy tờ xong rồi, định sáng 28 đi đò mà lên Mỹ Tho.

Sớm mơi 27, cậu ra chợ từ giã Cúc Hương với chị Hai Tỷ rồi đi thẳng lên trình với ông Giáo Huân mà đi. Sáng 28 cậu cậy một người trong xóm vác giùm rương đem xuống ghe đò đậu sau chợ cá. Cậu đi theo sau, phải đi ngang qua chợ.

Cúc Hương với Hai Tỷ ngó thấy, cả hai người đều đứng dậy mà ngó. Vĩnh Xuân với Cúc Hương lấy mắt nhìn nhau người từ biệt, kẻ tiễn hành, nhưng không nói gì được. Duy có chị Hai Tỷ nói lớn: “Em đi mạnh giỏi nghe hôn em”, Vĩnh xuân dở nón chào, nói: “Cám ơn”, rồi ngó người yêu một lần chót.

Chị Hai Tỷ bước lại nói nhỏ với cúc Hương: “Nó bận đồ mới may, nhưng bận đồ vảỉ, chớ không bận đồ hàng”.

Cúc Hương vừa ngồi xuống, vừa nói: “Tại tánh không ưa se sua”.

Cách một lát nghe tù và thổi dưới bến chợ, thổi luôn ba hiệp.

Chị Hai Tỷ kêu Cúc Hương mà nói: “Ghe đò lui”.

Cúc Hương buồn hiu.