(23) III
Bà Hương văn Thanh tuổỉ đã gần 70 mà sức khoẻ vẫn còn đầy đủ. Bà ưa hoạt động, lại quen cần lao, nay làm mẹ quan Phủ ở nhà lầu ăn rồi nằm co một mình, con mắc đi làm cháu mắc đi học, nên bà buồn bực khó chịu. Đi chợ chơi, đi dạo phố ít lần rồi bà chán, nên lục đục ở nhà kiếm chuyện nói với thím Tư Cam đặng giải khuây.
Thím Tư Cam ở lâu, thím mến chủ nhà, mà chủ nhà tử tế đãi thím như người trong thân, bởi vậy thím đi chợ nấu ăn, xem xét mọi việc cũng như người quản gia được chủ hoàn toàn tín nhiệm. Thấy bà Hương văn buồn, thím nhắc việc gói bánh ú, bánh tét mà bán như mấy năm ở Mỹ Tho.
Bà Hương văn để ý, nên lúc ăn cơm tối bà nói với con rằng thím Tư Cam muốn xin gói bánh mà bán. Vĩnh Xuân cười và nói: “Không phải con sợ làm việc đó xấu hổ. Nhà nghèo cả mẹ con đều phải ra công làm đặng có đủ tiền mà sống với cuộc sống trong sạch thẳng ngay, thì có xấu hổ chi đâu mà sợ. Vì hồi trước lương con còn ít nên má phải chịu cực đặng kiếm thêm tiền đủ cung cấp cho gia đình. Con phải bóp bụng để cho má cực. Hôm nay má đã già yếu mà lương của con cũng đủ nuôi sống cả nhà, vậy con xin má nghỉ để vui chơi với con cháu ít năm, đừng lo, đừng làm việc chi hết. Má có buồn thì kêu xe đi chơi hoặc đi sớm mơi hoặc đi buổi chiều, đặng hứng gió mát.
Bà Hương văn cùng lý không cãi được, nên bà cười mà bỏ dứt nghề cũ, không nói tới nữa.
Vĩnh Xuân sắp đặt văn phòng đàng hoàng, tủ sách chứa đủ sách chữ Tây, chữ Tàu và chữ quốc ngữ. Có bàn viết rộng lớn để ngồi làm thi. Có ván gõ để nằm đọc sách. Có ghế xích đu để nằm mà đờn. Có bàn nhỏ để ngồi uống nước.
Cái khuôn kiếng lộng bút tích của Cúc Hương ông vẫn treo ngay bàn viết để ông ngó thấy hằng ngày. Hai chậu môn ông cũng để trên thềm đặng ra vô nhớ lời thầy dặn mà giữ tư cách quân tử.
Trong mấy tuần đầu, công chức trong tỉnh đã thiết tiệc mừng quan Phủ mới rồi. Mấy nhà thân hào cũng đã có tới thăm rồi. Quan Phủ đã đi với quan Chánh Chủ Tỉnh viếng mấy quận rồi. Trong một tháng thì Vĩnh Xuân đã có việc tiếp xúc với Huơng chức mấy làng lớn như Tân an, Thường thạnh, Thới thạnh, Long tuyền. Vì làng Long tuyền có đơn kiện thưa về vụ cho mướn công điền, nên ông phải đòi Hương chức làng nầy hầu đã hai lần đặng ông tra xét. Vĩnh Xuân nghe nói làng Long tuyền có chợ Bình Thủy thạnh vượng, có rạch đẹp đẽ, dọc hai bên dân cư trù mật giàu có, nhà tốt, vườn nhiều.
Sớm mơi chúa nhật, ăn lót lòng rồi, Vĩnh Xuân muốn đem con đi thăm chợ Bình Thủy cho biết. Hai cha con mặc âu phục rồi kêu một chiếc xe kéo đặng ngồi chung mà đi.
Lên tới Bình Thủy nhằm giờ chợ đương nhóm đông, Vĩnh Xuân ngừng xe, biểu xa phu chờ, rồi đắt con đi vô chợ. Vì chúa nhật nên Hương chức không có ở trong nhà việc, lại vì quan Phủ mới đổi lại nên nhơn dân chưa biết mặt, bởi vậy Vĩnh Xuân đi thong thả, không cần ai biết làm chi.
Đi gần tới hàng rau cải, tình cờ Vĩnh Xuân thấy một cô thiếu nữ đứng dậy ngó ông trân trân, tay bưng cái thúng, mặc quần đen, áo đen, vóc dạc bằng cô Cúc Hương năm cô tự vận, mà mặt mày bộ tịch cũng giống hệt Cúc Hương không khác một mảy. Cô thiếu nữ đó ngó Vĩnh Xuân rồi chừng ông đi tới thì cô lại bưng thúng ngoe ngoảy sụt lui mà đi ra đường.
Vĩnh Xuân lấy làm lạ mà thấy cô nọ tướng đi cũng giống Cúc Hương. Ông biến sắc hồi hộp, dắt con đi theo coi cô đi đâu và lập thế hỏi cô tên chi.
Cô nọ xuống đường mé sông rồi quẹo qua phía tay mặt mà đi vô, đi theo con đường dựa mé sông. Cô day mặt lại mà ngó Vĩnh Xuân, miệng chúm chím cười.
Vĩnh Xuân mê mẩn tâm hồn, mơ màng tưởng Cúc Hương hiện hồn về mà ghẹo mình, nhưng ông nghĩ giữa ban ngày, lại giữa chợ đông, hồn ma làm sao mà hiện ra được, bởi vây ông cứ đi theo, cách năm bảy thước, tính kiếm cớ kêu hỏi cô nọ là ai. Ngặt bên tay mặt nhà ở liên tiếp, còn trên đường thì người ta đi không ngớt, ông liệu khó mà nói chuyện được. Ông nắm tay Vĩnh Tân, cứ dắt đi theo cô.
Đến cầu Rạch Cam, chỗ đó nhằm khoảng trống, không nhà, lại ngoài đường cũng không có người ta đi, Vĩnh Xuân mới kêu mà nói: „Em Cúc Hương ! Em Cúc Hương đứng lại cho qua nói chuyện một chút”.
Cô nọ chậm bước, day lại vừa cười, vừa nói: „Anh có thương em, thì nói với cha mẹ em rồi xin cưới, chớ có chuyện chi mà nói“.
Vĩnh Xuân ngạc nhiên vì tiếng nói cũng giống như tiếng của Cúc Hương. Ông liền hỏi: „Nhà cm ở đâu ?“
Cô đưa tay chỉ mà nói: „Ở trước kia“ rồi cô đi nữa. Vĩnh Xuân vẫn đi theo coi nhà cô ở chỗ nào.
Đi chừng một trăm thước thì tới một thớt vườn không lớn nhưng sạch sẽ, dựa lộ có hàng rào bằng cây trà, trong sân có trồng hoa, có chậu kiểng, rồi sau cái sân ấy có một nhà lá ba căn xông, vách ván, cửa ván, nền cao, hai bên nhà dừa với mận trồng sum sê, còn phía sau thì cau chuối tịch mịch.
Vĩnh Xuân thấy cô nọ mở cửa rào mà vô sân nhưng không khép cửa lại dường như có ý để cho ông vô. Ông ngơ ngẩn đứng ngoài lộ mà ngó theo cô, thấy cô vô nhà rồi mất dạng, lại trong nhà vắng hoe, không có ai hết.
Ông đứng ngó một hồi rồi đi tới nữa, tính kiếm người mà hỏi thăm coi nhà nầy là nhà của ai, cô mới vô đó tên gì, đã có chồng hay chưa.
Đi qua khỏi vuông rào nầy rồi, Vĩnh Xuân thấy một tòa nhà ngói lớn và cũ, cất theo kiểu xưa, ba căn hai chái bắt vần, nên rộng lớn, song thấp thỏi. Trước nhà chừa một sân lớn để trồng kiểng, hai bên trồng cây le the, nhưng phía sau có một vườn rậm rạp cũng trồng dừa chuối, cau trầu như các vườn trong rạch nầy. Một người ở trần, bận quần vải đen, đương lum khum vun đất trong chậu kiểng ở ngoài sân.
Vĩnh Xuân dắt con đi lần tới trước nhà ấy. Ông chưa kịp hỏi thì người đàn ông đó day qua ngó thấy, liền buông dao, chống lưng đứng dậy rồi đi ra cửa chấp tay xá Vĩnh Xuân và nói: „Bẩm quan lớn đi chơi tới trên nầy. Mời quan lớn vô uống nước”.
Vĩnh Xuân lấy làm lạ không hiểu người là ai mà biết mình nên cung kính chào mời như vậy. Ông hỏi:
- Anh là đi mà biết tôi ?
- Bầm quan lớn, tôi là Hương hào Thi làng Long tuyền, tôi có hầu quan lớn hai lần rồi. Chắc quan lớn quên ?
- Tôi mới đổi lai, còn Hương chức đi hầu thì nhiều người nên tôi nhớ không hết.
- Bầm, tôi mời quan lớn vô nhà đặng tôi biểu nấu nước uống.
Vĩnh Xuân bước vô sân. Hương hào Thi tránh cho ông với Vĩnh Tân đi trước. Anh ta theo sau mà hỏi:
- Bẩm, cậu đây phải là con quan lớn hay không ?
- Phải.
- Bẩm, quan lớn có mấy cậu, mấy cô ?
- Tôi có một thằng nầy mà thôi.
- Quan lớn lên trên nầy chơi hay có việc chi ?
- Chúa nhựt nên dắt thằng nhỏ đi chơi cho biết Bình Thủy, chớ không có chuyện chi hết.
Vô tới nhà, Hương hào lật đật kéo hai cái ghế mời quan Phủ với cậu Tân ngồi, rồi xin phép vô bận áo. Anh ta kêu nhà sau biểu nấu nước chế một bình trà mau mau. Anh ta đi lăn xăng, mở tủ lấy áo xuyến dài mà bận.
Vĩnh Tân đi ra cửa đứng xem bông.
Vĩnh Xuân thấy Hương hào đi rột rẹt muốn xuống nhà sau thôi thúc nấu nước, thì kêu mà nói: “Anh Hương hào, anh ra đây cho tôi hỏi thăm một chút. Tôi không khát nước, vậy chẳng cần lo trà nước làm chi”.
Vĩnh Xuân đưa tay chỉ mà hỏi:
- Cái nhà ở dựa bên rồi mới tới nhà anh đây là nhà của ai vậy ?
- Bẩm, nhà lá vách ván đó phải hôn ?
- Phải.
- Bẩm, nhà đó là nhà của chú Hương nhì Tồn.
- Ông Hương nhì đó được chừng bao nhiêu tuổi.
- Bẩm, chú già rồi, tuổi trên 60.
- Có vợ con gì hay không ?
- Bẩm, có. Thím hương nhì cũng già, nhưng còn mạnh giỏi, vợ chồng sanh có một đứa con gái mà thôi.
- Người con gái đó được bao lớn ?
- Bấm, lối 18 hay 19 tuổi, tôi không chớ chắc.
- Hồi nãy tôi thấy có một cô gái cỡ tuổi anh nói đó, ở ngoài chợ đi về. Cô đi trước tôi, tay cô bưng cái thúng, cô quẹo vô nhà đó. Không biết phải con gái của ông Hương nhì hay không ?
- Chắc là phải. Hồi tảng sáng tôi thấy con Hưởng bưng thúng rau ra chợ mà bán. Chắc nó bán hàng rồi nó về đó.
- Cô đó tên Hưởng hay sao ?
- Bấm, phải.
- Cô có chồng hay chưa.
- Bẩm, chưa, Còn nhỏ mà.
- Anh nói vợ chồng anh Hương nhì già, mà sao con còn nhỏ vậy ? Sanh muộn hay sao?
- Bẩm, sanh muộn. Tội nghiệp hai vợ chồng chơn chất, thiệt thà mà không có con. Rằm nào thím cũng đi chùa cầu Trời khẩn Phật đến ngoài 40 tuổi thím mới sanh được chút gái đó nên hai vợ chồng cưng dữ lắm. Mà con của Trời, Phật cho nên con nhỏ khôn ngoan dị thường. Mới bốn năm tuổi mà nó nói chuyện rành rẽ cũng như đứa 10 tuổi. Chú thấy vậy chú cho nó học trường Rạch Cam. Nó sáng láng, học giỏi quá. Chừng nó được 12 tuổi, nó đòi xuống Cần Thơ nó học. Chú mới gởi nó ở nhà ngươi em vợ học mấy năm. Nó thi đậu bằng sơ học rồi nó đòi lên Sài gòn mà học nữa. Vợ chồng cưng, không chịu cho đi xa, nên bắt về ở nhà chừng vài năm nay.
- Nếu vậy cô Hưởng đó có học.
- Bẩm, học giỏi. Nó muốn xin làm cô giáo. Vợ chồng chú Hương nhì thương con, sợ làm cô giáo phải đổi đi xa, nên không cho làm, bắt ở nhà đó.
- Có chuyện như vây nên tôi mới rõ. Tôi lên chợ Bình Thủy coi cuộc mua bán thế nào, tình cờ tôi thấy cô Hưởng giống hệt một cô quen với tôi bên tỉnh Gò Công, mặt mày giống, tướng đi đứng giống, đến tiếng nói cũng giống nữa. Vì vậy nên tôi đi theo cô mà hỏi thăm gốc tích của cô. Tôi muốn gặp ông Hương nhì Tồn đặng tôi hỏi. Anh Hương hào có thể dắt tôi qua nhà ổng và giới thiệu tôi cho ổng biết đặng tôi hỏi thăm một vài chuyện được hay không.
- Bấm, được ! Mà hồi sớm mơi tôi thấy chú Hương nhì vác dù đi ngang đây, không biết chú đi sớm đã về hay chưa. Đề tôi sai người nhà đi hỏi coi.
Một ông già bưng bình trà ở nhà sau đi ra. Hương hào xớt bưng, biểu ông già qua nhà Hương nhì hỏi coi có ổng ở nhà hay không rồi trở về cho hay liền. Ông già ra đi, Hương hào lấy hai cái tách lau sạch sẽ, bưng lại rót hai tách trà mời quan Phủ uống và ra cửa mời Vĩnh Tân vô giải khát. Quan Phủ uống một hớp trà cho vui lòng chủ nhà rồi hỏi thăm vườn tược mà chờ ông già.
Một lát ông già trở về nói ông Hương nhì đi qua Giai Xuân chiều mới về, còn bà Hương nhì thì đương coi bẻ cau ở sau vườn.
Vĩnh Xuân mới nói: “Thôi, việc không gấp gì, để chúa nhựt sau tôi lên hỏi cũng được”.
Hương hào nói: “Quan lớn muốn hỏi điều chi quan lớn cho tôi biết, chừng ổng về tôi hỏi và tôi xuống bẩm lại với quan lớn”.
Vĩnh Xuân, đứng dậy, suy nghĩ rồi nói:
- Tôi muốn biết chắc coi cô Hưởng sanh năm nào, tháng nào, ngày nào và vào giờ nào. Nếu biết ngày Tây và ngày mình càng thêm tốt.
- Bầm, được mà. Để tôi hỏi, tôi biên rõ tàng rồi tôi cầm xuống cho quan lớn coi.
- Nếu anh có việc đi Cần Thơ thì anh trả lời. Còn như mắc việc thì chúa nhựt sau tôi sẽ lên nữa. Bề nào tôi cũng phải lên cho gáp mặt ông và bà Hương nhì đặng tôi hỏi cho rành rẽ. Anh nhớ hỏi giờ sanh của cô Hưởng nữa nghe hôn.
- Dạ, tôi nhớ.
Vĩnh Xuân từ giã Hương hào Thi rồi dắt con đi về. Hương hào đưa ra lộ rồi đưa luôn tới nhà Hương nhì Tồn. Vĩnh Xuân thấy dạng cô Hưởng lấp ló sau cửa sổ mà dòm. Ông biểu Hương hào trở lại, nhưng anh ta rán đưa quan Phủ qua khỏi cầu Rạch Cam có nhà cửa liên tiếp rồi mới từ mà về.
Cha con Vĩnh Xuân đi theo mé sông coi người ta xúc ốc gạo chơi rồi mới ra chợ lên xe kéo mà về Cân Thơ.
Trưa ngốt ăn cơm với mẹ và con, Vĩnh Xuân lơ lửng cứ nhớ hình dạng của cô Hưởng hoài, không hiểu tại sao cô giống Cúc Hương từ mặt mày, cho đến tướng đi, tới tiếng nói, mà cô cũng mặc quần lãnh, áo xuyến nhục nhục như Cúc Hương hồi trước thường bận ra chợ ngồi buôn bán. Vĩnh Tân vui vẻ thuật việc họ xúc ốc gạo trên Bình Thủy cho bà nội nghe, thì bà nói bà sẽ lên coi cho biết.
Bà cháu ăn cơm rồi dắt nhau lên lầu. Vĩnh Xuân vào thơ phòng kéo ghế xít đu nằm ngó bút tích của Cúc Hương. Ông mơ màng thấy Cúc Hương trước mặt luôn luôn. Ông khoan khoái bồi hồi, khó chịu, mới lấy cây đờn mà đờn nho nhỏ, đờn ai oán để tỏ tình thương yêu mà bực tức về số phận của người xưa.
Ông muốn lên lầu thuật việc gặp gỡ hồi sớm mơi cho mẹ nghe, mà rồi ông nghĩ không nên vội lắm, tốt hơn là để dò hỏi ngày sanh tháng đẻ cho chắc chắn rồi sẽ nói chuyện. Ông đóng chặt cửa thơ phòng nằm một mình rồi lúc im lìm tưởng nhớ Cúc Hương, lúc rỉ rả để lãng khuây áo não.
Buổi chiều thứ hai, Vĩnh Xuân đương ngồi làm việc tại Tòa Bố, bỗng thấy Hương hào Thi đứng lựng khựng ngoài cửa phòng. Ông kêu vô mà hỏi:
- Anh có hỏi ông Hương nhì Tồn về vụ đó hay chưa ?
- Bẩm, hồi hôm tôi qua nhà, có đủ vợ chồng chú, tôi hỏi ắt chất rồi. Thím sanh con Hưởng năm 1906, tháng giêng, ngày 25 dương lịch tính ra thì nhằm ngày 27 tháng chạp năm Tỵ của mình. Chú Hương nhì có cho tôi mượn tờ khai sanh để trình cho quan lớn xem cho chắc.
Hương Hào dở túi, rút tờ khai sanh đưa cho quan Phủ.
Ông biến sắc, tán loạn tinh thần, nhưng gượng chỉ cái ghế mời Hương hào ngồi rồi thủng thắng trải khai sanh ngày 25 tháng Janvier năm 1906, không có biên ngày theo âm lịch. Nhưng ngày khai cho Chánh Lục bộ đem vào bộ sanh là ngày 28 Janvier 1906 có ngạnh ngày tháng theo âm lịch là ngày 30 tháng chạp năm Tỵ.
Quan Phủ ngồi suy nghĩ rồi nhớ lại thì ông thi ký lục ngày 18 Janvier 1906. Ông đậu rồi về tới nhà ngày 23 Janvier, nhằm ngày 25 tháng chạp. Bữa sau ông đi viếng mộ Cúc Hương. Đêm đó ông ngủ đến khuya chiêm bao thấy Cúc Hương dặn dò rồi từ giã mà đi đầu thai. Nếu bà Hương nhì Tồn sanh cô Hưởng trong đêm 24 Janvier mà quá 12 giờ rồi thì tức thị Cúc Hương đầu thai làm cô Hưởng đây. Ông suy nghĩ kỹ rồi mới hỏi Hương hào:
- Anh Hương hào có hỏi giùm coi bà Hương nhì sanh cô Hưởng ngày 27 tháng chạp năm Tỵ, mà sanh hồi giờ nào hay không ?
- Bẩm, có. Chú Hương nhì nói nhà không có đồng hồ nên chú không biết giờ, nhưng chú nhớ chắc sanh hồi hết canh tư bước qua đầu canh năm.
- Vậy thì lối 3 giờ khuya.
- Bẩm, phải.
- Anh về nói với ông Hương nhì để tờ khai sanh cho tôi mượn ít bữa rồi chúa nhựt tới đây tôi sẽ lên trả lại.
- Bẩm, quan lớn có cần dùng thì bao lâu cũng được. Năm con Hưởng đi thi nó xin khai sanh đặng nạp cho ông Đốc coi. Bây giờ có cần làm chi nữa đâu.
- Thế nào chúa nhựt tôi cũng lên. Có lẽ tôi sẽ mời bà già tôi đi với tôi lên coi họ xúc ốc gạo và coi vườn tược vùng Bình Thủy chơi. Anh Hương hào nói giùm với ông Hương nhì, chúa nhựt tới hai ông bà với con ở nhà đặng tôi ghé thăm và hỏi thêm chuyện một chút.
- Bẩm, quan lớn có cụ bà ở đây với quan lớn ?
- Ừ. Tôi có bà mẹ già nên tôi ở đâu cũng phải đem theo đặng tôi phụng sự.
- Bẩm, chúa nhựt tôi sẽ đón tiếp quan lớn.
- Khỏi mà. Đừng đón mất công. Tôi biết nhà anh rồi thì tôi đi ngay vô đó. Anh ở nhà chờ tôi đặng tiến dẫn tôi cho ông Hương nhì biết.
Hương hào Thi từ giã ra ngoài mở xe máy đạp đi về.
Quan Phủ cứ ngồi lật qua, lật lại tờ khai sanh của cô Hưởng mà xem, xem rồi lơ lửng suy nghĩ đến tan hầu mới xếp lại bỏ vào túi mà về.
Ăn cơm tôi rồi, Vĩnh Xuân thấy mẹ đương ngồi ngoáy trầu mà ăn, ông lại đứng một bên mà hỏi:
- Má nhớ năm, con thi đậu ký lục đó là năm nào hay không má ?
- Sao lại không nhớ. Con ra trường và thi ký lục năm Tỵ.
- Tháng nào, ngày nào, má nhớ hôn ?
- Con đi thi ký lục ngày 20 tháng chạp, con về tới nhà chiều 25. Mùng 10 tháng giêng năm Ngọ con đi làm việc.
- Phải rồi. Con cũng nhớ như vậy, nhưng sợ lầm lộn nên con hỏi má lại cho chắc.
- Phải giống gì ?
- Để ít bữa con dọ coi cho thiệt chắc rồi con sẽ nói cho má biết. Con muốn chúa nhựt tới má với con lên Bình Thủy chơi.
- Ừ, được. Lên coi họ xúc ốc gạo chơi. Nghe thằng Tân nó nói mà ham, ốc đâu ở dưới mé sông mà họ kê rổ họ xúc lên mỗi lần cả rổ họ giạu rửa rồi đổ vô ghe, coi dễ quá.
- Thiệt vậy a má, má lên coi cho biết. Mà hôm qua con có gặp một người sao giống người ở Chợ Giồng hồi trước quá. Để má lên coi má biết hay không ?
- Đàn ông hay đàn bà ?
- Thưa, đàn bà.
- Sao con không hỏi người ta coi phải gốc ở chợ Giồng hay không ?
- Mắc đàn bà nên con không hỏi.
- Đâu để má lên má coi.
Vĩnh xuân không chịu nói rõ vụ cô Hưởng cho mẹ nghe trước là vì ông cố ý để tình cờ mẹ thấy cô Hưởng coi mẹ có nhìn nhận cô giống Cúc Hương hay không. Tuy ông không nói ra, song ông rộn rực trong lòng, trông cho mau tới chúa nhựt đặng thử ý mẹ và luôn dịp hỏi vợ chồng Hương nhì Tồn coi sanh cô Hưởng trong trường hợp nào.
Sáng chúa nhựt, Vĩnh Xuân ăn lót lòng với mẹ và con thì ông sai thằng Ca đi kêu hai chiếc xe kéo lại chực sẵn. Ăn uống rồi bà Hương văn ngồi một chiếc, Vĩnh Xuân với con ngồi chung một chiếc mà đi lên Bình Thủy.
Tới đầu chợ, Vĩnh Xuân thấy Hương hào Thi vịn xe máy đứng chờ. Ông biểu xe kéo ngừng lại. Hương hào xá mẹ con quan Phủ rồi lên xe máy đạp chậm chậm theo hai xe kéo. Tới chỗ xúc ốc gạo, Vĩnh Xuân biểu xe ngừng cho mẹ coi chơi một chút rồi mới đi vô nhà Hương hào. Vì đã có cho hay trước nên bữa nay Hương hào sắp đặt cuộc tiếp rước quan Phủ với bà cụ hẳn hòi, nhà cửa dọn dẹp đàng hoàng, ván có trải chiếu bông, bàn có trải khảm. Trầu nước đã sắm sẵn. Vợ Hương hào mặc áo dài chực tại cửa chào khách và mời bà cụ lên ván mà ngồi, chị lăng xăng lo đãi bà cụ, để cho chồng lo hầu quan Phủ.
Vĩnh Xuân nói với Hương hào:
- Mới ăn uống rồi đi đây Anh Hương hào khỏi lo trà, anh đã có cho ông Hương nhì hay đặng ở nhà hay không ?
- Bẩm, có hai ông bà chờ bên nhà. Tôi có dặn cô Hưởng cũng ở nhà nữa.
Vĩnh Xuân muốn qua nhà Hương nhì liền, nhưng thấy mẹ đương uống trà và hỏi vợ Hương hào về vườn tược nên rán ngồi chờ mẹ ngoáy trầu ăn rồi ông mới đứng dậy mời mẹ đi qua nhà một bên đây đặng gặp người giống như người quen ở Chợ Giồng.
Quan Phủ cậy Hương hào đi trước, rồi mẹ con từ giã vợ Hương hào mà theo sau với Vĩnh Tân.
Hai anh xa phu ở ngoài lộ tưởng về nên lật đật đứng dậy sửa soạn xe. Hương hào nói: “Còn qua bên nhà nầy một chút. Hai anh kéo xe theo mà chờ”.
Bên nhà Hương nhì Tồn vợ chồng chú cũng sửa soạn sẵn chờ tiếp quan lớn. Vô tới giữa sân, Hương hào thấy vợ chồng Hương nhì ra cửa thì nép qua một bên để cho Vĩnh Xuân đi trước với bà Hương văn một bên và Vĩnh Tân một bên. Vợ chồng chủ nhà bước tới chào khách rất cung kỉnh rồi mời vô nhà.
Vĩnh Xuân thấy vợ chồng Hương nhì đều già, tóc bạc nhiều, răng rụng bộn, nhưng sức còn khỏe, bộ chơn chất thiệt thà. Ông muốn cho Hương nhì khỏi sụt sè e ngại, vừa bước lên thềm vừa nói: “Hôm chúa nhựt trước tôi lên đây chơi, tôi muốn qua thăm ông nhưng ông đi sớm không có ở nhà, nên tuần nầy tôi trở lên đặng hỏi thăm ông bà một chút chuyện”.
Hương nhì nói: “Dạ hôm trước tôi mắc đi qua bên Giai Xuân, chừng về nghe ông Hương hào nói quan lớn lên có hỏi tôi mà tôi không có ớ nhà đặng hầu quan lớn thiệt tôi lỗi quá”.
Vĩnh Xuân cười mà đáp: “Ông có lỗi chi đâu. Tôi đi tình cờ làm sao ông biết đặng ở nhà mà tiếp tôi. Thôi, hôm trước không gặp nhau thì bữa nay gặp, lại có bà già tôi càng thêm tốt”.
Vô khỏi cửa rồi, Hương nhì kéo hai cái ghế mời quan Phủ với Vĩnh Tân ngồi, còn bà Hương nhì thì bà mời bà cụ ngồi bên ván có trầu nước sẵn.
Bà Hương văn nói để bà ngồi chung tại bàn với quan Phủ, đặng nói chuyện chơi cho vui.
Hương hào lật đật nhắc ghế cho bà cụ ngồi ngang với quan Phủ. Bà cụ ngó vợ chồng chủ nhà rồi hỏi quan Phủ: “Con nói ai giống người ở Chợ Giồng đâu ? Sao má không thấy ?”
Vĩnh Xuân nói: “Xin má chờ lột chút”.
Bà Hương nhì kêu con biểu ra phụ bưng trầu bên ván đem qua bàn. Cô Hưởng bận bộ đồ đen ở phía sau bước ra, chắp tay xá quan Phủ, rồi xá bà cụ.
Vĩnh Xuân ngó mẹ mà hỏi: “Má coi cô em đây có giống ai hay không ?”.
Bà Hương văn ngó theo cô Hưởng đương đi lại bộ ván bưng bộ kỷ trà đem qua bàn. Bà vụt la lên: “Con Tư Cúc Hương là con của Hia Mỹ đây mà ! Thiệt vậy chớ !”
Lúc ấy cô Hưởng vừa để kỷ trà trước mặt bà, cô sắp trở qua bưng bình trà, thì bà níu tay cô đứng lại mà hỏi: “Cháu tên gì ? Năm nay mấy tuổi ?”.
Cô Hưởng bình tĩnh ngó bà mà đáp: “Thưa bà, cháu tên Hưởng, năm nay 18 tuổi”.
Bà buông cô ra và ngó Vĩnh Xuân mà nói: “Mười tám tuổi, thì là tuổi Tỵ sanh năm con thi đậu đó. Mặt mày bộ tịch đi đứng giống con Cúc Hương như khuôn đúc, mà tiếng nói cũng giống nữa, thiệt là kỳ !”
Cô Hưởng bưng bình trà lại nữa. Bà Hương văn kéo cô đứng sát một bên mà nhìn. Bà Hương nhì lấy bình trà mà rót ra chén chung đủ bốn chén rồi bà đi bưng ô trầu đem qua nữa.
Bà Hương văn nhìn rất lâu rồi hỏi bà Hương nhì:
- Cháu đây con của ai vậy bà Hương ?
- Dạ, nó là con của tôi. Vợ chồng tôi có chút đó. Tôi đến 42 tuổi mới sanh nó.
- Phải cháu tuổi Tỵ hay không ?
- Thưa, phải. Nó tuổi Tỵ, mà nó chịu oan một tuổi, bởi vì tôi sanh nó ngày 27 tháng chạp, hồi đau canh năm, sanh có ba bốn bữa mà phải chịu oan môt tuổi.
Vĩnh xuân nói: “Má nhớ hôn ? Con đi thi về chiều 25. Chiều 26 con đi viếng mộ. Khuya lại, tức thị là 27 con chiêm bao thấy Cúc Hương từ biệt con mà đi đầu thai. Má hiểu chưa ?”.
Bà Hương văn vội vã đáp: “Hiểu, hiểu, má hiểu rồi”. Bà nói mà bà nắm tay cô Hưởng, không chịu buông ra. Cô Hưởng ngó mẹ, bộ lơ lãng, dường như không hiểu gì mà rắc rối như vậy.
Vĩnh Xuân nghe hương hào với Hương nhì đứng sau lưng ông, hai người nói xầm xì, ông móc túi ra lấy tờ khai sanh của cô Hưởng mà trải lên bàn rồi kêu Hương nhì lại gần mà nói: “Có chuyện nầy kỳ quái quá lắm, để tôi nói cho hai ông bà hiểu. Má tôi có một người cháu gái tên là Lý thị Tư ở bên Gò Công. Cô học chữ nho giỏi nên thầy đặt tên riêng cho cô mà gọi là Cúc Hương. Năm cô được 17 tuổi, cô chết đi, chết vì uất ức việc riêng trong gia đình. Qua năm Tỵ, chánh đêm 26 rạng mặt, 27 tháng chạp, lúc gần sáng tôi nằm chiêm bao thấy cô về nói tôi mà từ giã đặng cô đi đầu thai. Từ ấy đến nay tôi không có chiêm bao mà thấy cô nữa. Hôm chúa nhựt trước tôi lên chợ Bình Thủy chơi, tình cờ tôi thấy cô Hưởng đây sao giống hệt cô Cúc Hương, giống từ mặt mày, hình dáng cho tới tiếng nói cái gì cũng giống hết. Tôi lấy làm lạ, đi theo coi cô ở đâu, con ai. May gặp anh Hương hào, tôi hỏi thăm được biết gốc tích của cô, tôi mới cậy hỏi ngày tháng đẻ. Nhờ anh Hương hào đem khai sanh cho tôi coi mới thấy rõ ngày giờ bà Hương nhì sanh cô Hưởng chánh là ngày giờ cô Cúc Hương cho tôi chiêm bao đặng cô từ giã mà đi đầu thai. Tôi chưa dám tin. Nên bữa nay tôi đem bà thân của tôi lên chơi coi bà có nhìn nhận sự giống đó hay không. Bà thân tôi cũng nhìn nhận như tôi. Thế thì cô Hưởng nầy tiền kiếp là cô Cúc Hương, không còn nghi ngờ gì nữa”.
Hương nhì ngó vợ mà nói: “Quan lớn nói như vậy thì té ra con Hưởng tôi nó kiếp trước là cháu của bà cụ. Vậy thì nó có phước lắm”.
Bà Hương văn nói: “Hồi trước tôi thương con Cúc Hương mà nó cũng thương tôi như mẹ nó vậy. Nó chết mà nó đầu thai làm con cháu đây. Lại bây giờ tôi được ở gần. Vậy thì Cúc Hương chết, tôi coi cũng như nỏ sống lại, Từ nay sắp lên hễ có buồn tôi lên đây thăm con cháu cũng như thăm Cúc Hương”.
Bà Hương nhì nói bà cụ có buồn thì lên trên nầy chơi. Ở vườn mát mẻ lắm.
Bà Hương văn buông cho cô Hưởng đi vô trong. Bà ngó theo rồi cười mà nói: “Thiệt giống hệt, đừng nhớ chuyện Cúc Hương chết, thì ngó thấy tôi nói nó là Cúc Hương. Bà Hương nhì bữa nào có dịp đi xuống Cần Thơ thì ghé nhà tôi chơi, có đi thì dắt cháu theo cho nó quen đặng hết bợ ngợ nữa”.
Bà Hương nhì hứa hễ có đi Cần Thơ thì bà ghé thăm.
Vĩnh Xuân trả tờ khai sanh của cô Hưởng lại cho ông Hương nhì.
Bây giờ bà Hương văn mới uống nước rồi têm trầu ngoáy mà ăn một miếng. Bà khen cau ngon. Bà Hương nhì kêu cô Hưởng biểu xách nhánh cau ngon mới bẻ hồi sớm mơi đó đem ra đặng kiếng cho bà cụ đem về ăn trầu. Bà Hương văn không chiu lãnh, nói rằng mới làm quen không lẽ bà làm tốn hao cho bà con. Hương nhì với Hương hào nói ở vườn một nhánh cau có đáng giá bao nhiêu mà sợ hao tốn.
Quan Phủ đứng dậy xin mẹ cáo từ mà về. Vợ chồng Hương nhì với Hương hào đồng đưa khách ra xe. Cô Hưởng xách nhánh cau đi theo sau. Chừng bà Hương văn lên xe, cô để nhánh cau dưới chưn bà rồi chắp tay xá. Bà níu cô mà nói: “Bà thương cháu lắm. Bữa nào cháu đi với má xuống nhà bà chơi”.
Cô Hưởng cúi đầu.
Vĩnh Tân bận về đòi ngồi chung với bà nội, nên bà phải buông cô Hưởng mà kéo Tân lên xe. Hai xa phu rút chạy, xe bà cụ đi trước, quan Phủ theo sau. Mấy người đứng ngó theo. Cô Hưởng cười, Vĩnh Xuân day lại cũng cười.
Bà Hương nhị Tồn nói: “Bà cụ tử tế quá”.
Ông Hương nhì nói: “Quan Phủ tuổi trẻ, nói chuyện nghe rành rẽ. Ông thuật chuyện về kiếp trước của con Hưởng thiệt là kỳ”.
Hương hào nói: “Nếu thiệt vậy thì em Hưởng được thân cận với nhà quan, chớ có hại gì mà lo”.
Hương hào đi về. Vợ chồng Hương nhì cùng con trở vô nhà, vui được hân hạnh tiếp quan mặc dầu nhà mình không giàu, mà mình cũng không được dự trong bàn Hội tề.
Còn quan Phủ với mẹ đi về, qua khỏi cầu Bình Thủy rồi, thấy đường trống, ông biểu xa phu xơm tới đặng hai xe chạy cặp kè vơi nhau.
Bà Hương văn cười mà nói:
- Chuyện nầy má nghĩ thiệt là kỳ. Con nhỏ giống Cúc Hương không sai một mảy mà ngày giờ nó sanh lại đúng với ngày giờ Cúc Hương từ giã con đặng đi đầu thai. Con làm sao mà tìm được như vậy thiệt cũng giỏi.
- Con đi chơi tình cờ con gặp, chớ biết đâu mà tìm. Một tuần nay con giấu má, là vì con muốn để cho má thấy thình lình coi má có nhận như con về sự cô Hưởng giống Cúc Hương hay không.
- Giống rồi đa. Chắc Cúc Hương đầu thai vào nhà Hương nhì đó, má không nghi gì hết. Bây giờ con tính làm sao đây ?
- Con rối trí quá. Để thủng thẳng con suy nghĩ coi.
- Bà Hương văn nói qua chuyện xúc ốc gạo, không nhắc chuyện cô Hưởng nữa.