Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26

dạng PDF

Tơ Hồng Vương Vấn

ĐOẠN THỨ NHÌ

GIỮ LỜI NGUYỆN ƯỚC

(10) V

Thợ trời thiệt là khéo léo, hoá sanh muôn loài, không bỏ sót một loài nào, đã sanh con voi to, mà còn sanh con muỗi nhỏ, đã sanh cọp hùm để giết người, mà còn sanh bò heo để nuôi người.

Mà thợ trời cũng thiệt trớ trêu, mỗi loài lại sanh nhiều thứ, hình dáng, màu sắc, tánh chất đều không giống nhau, sanh rắn độc mà cũng sanh rắn hiền, sanh hoa thơm mà cũng sanh hoa thúi.

Sanh loài người, Tạo hoá cho có mặt, có mũi, có tay, có chưn, có gan, có ruột như nhau, mà cắc cớ sơn cho nhiều màu da, người thì trắng, kẻ thì vàng, người thì đen, kẻ thì đỏ. Mà dầu đồng một màu da với nhau đi nữa, tâm tánh cũng bất đồng, kẻ hiền người dữ, kẻ ngay người gian, kẻ dại người khôn, kẻ sáng người tối.

Có một điểm, loài người dầu đen, đỏ, trắng, vàng, dầu dữ, hiền, khôn dại, phần nhiều đều giống nhau, ấy là thói say mê tiền bạc, say mê đến nỗi không kể tội lỗi, không biết thúi hôi, không sợ chê khen, không màng quấy phải, áp nhau bu lại mà giựt giành, nếu giựt cho được rồi chết cũng vui lòng mà nếu giựt không được.lại phải chết cũng không sợ.

Vĩnh Xuân nằm dưới đò trở lên Mỹ Tho mà học năm thứ nhì, khi đò ra sông Cửa Tiểu, gặp con nước lớn chảy cuồn cuộn lại nhờ ngọn gió chướng phất lai rai, cậu ngó nước, ngó trời, rồi cậu thầm nghĩ máy tạo, nghĩ lòng người, nghĩ thế cuộc như hí trường, nghĩ ái tình như giấc mộng, thì cậu chúm chím cười, nhứt là cười cái tiền bạc là quí không có thứ gì bì kịp.

Đã biết không phải tất cả mọi người đều ham tiền, cũng có người ham thứ khác, nhưng số người ham tiền là số đông, còn số người không ham tiền là số ít.

Số người ham tiền họ chỉ lo phận họ, lo cho hiện thời được lên xe xuống ngựa, được ăn mặc rực rỡ, được nhà cửa kinh dinh.

Số người không ham tiền họ cho thế cuộc là hí trường, nhơn gian tà khổ hải, bởi vậy họ lo tu tâm, dưỡng tánh, họ lo cho việc cao xa, họ lo tương lai hơn hiện tại, bởi vậy họ không để ý đến bề ăn ở.

Người ham tiền cho người không ham tiền là người mơ mộng, rồi họ chê là dại, không biết hưởng thú vui của đời.

Người không ham tiền cho người ham tiền là người cảm nhiễm vật chất, rồi họ chê là gian tham, không kể nghĩa nhân, họa phước.

Hai đàng chê bai khinh rẻ lẫn nhau, ai cũng giành phần phải, làm cho người vô can phải lưỡng lự, không biết lẽ phải ở bên nào, thấy đám ham tiền đông hơn, đông hơn nhiều, lại rần rộ, rực rỡ thì nhảy bổ theo cho đông thêm nữa, thành thử phe ham đạo nhân nghĩa lơ thơ rải rác, nói lẽ phải không ai thèm nghe, rồi bị chúng khinh khi, đè ép.

Vĩnh Xuân nghĩ tới hoàn cảnh xã hội loài người như vậy thì bực tức, lồm cồm ngồi dậy ngó ra ngoài sông. Trời cao, sông rộng gió đùa mặt nước lao xao đập vào thuyền nghe lạch xạch. Cậu nhớ cậu thuộc trong phe ham đạo đức, nhân nghĩa nên cậu bị phe ham tiền bạc khinh rẻ, bị Hia Mỹ chê bai, cậu nổi giận quyết vẫy vùng cho thiên hạ hết khinh khi, quyết vượt cao cho khỏi sình lầy, bụi bậm.

Vĩnh Xuân đương giận rồi lại nhớ Cúc Hương, nhớ hồi mở đầu gây cuộc tình duyên, cậu có than sự bần phú bất đồng, sợ tình duyên không thành tựu. Cúc Hương có nói nhà nàng có tiền bạc nhiều, còn chàng có tài học giỏi. Học giỏi mới quí, tiền bạc sánh sao cho bằng. Cậu nhớ mấy lời nàng nói như vậy thì cậu hết giận, miệng chúm chím cười, thầm nghĩ cha quí trọng bạc tiền, không hiểu nghĩa nhân hay học thức là cai quái gì, nhưng con lại biết quí trọng học thức, dám “xá sanh nhi thủ nghĩa” vậy thì cũng đủ chuộc lỗi cho cha rồi, mình còn phiền ông cha mù quáng đó làm chi nữa. Nếu mình cứ chấp nhứt giận hờn thì mình có lỗi hẹp hòi mà lại còn không vị bụng người yêu đã chết đặng cho trọn tình, vẹn nghĩa. Mình đừng thèm giận thói đời, đừng thèm kể hủ tục, cứ che mặt bít tai mà tu tâm khai trí, cứ lo học cho thành công đặng người bạn yêu dưới suối vàng khỏi thất vọng, đặng bà mẹ già trên dương trần hết lao khổ, đặng thân danh mình vượt lên cao, khỏi vướng sình lầy, khỏi bị khinh rẻ, vậy thì xong, chẳng cần nghĩ tới việc giận hờn, thù oán làm chi nữa.

Đã định tâm, đã lập chí đã vẽ ra con đường tấn thủ xong rồi, Vĩnh Xuân hết chán nản, tinh thần gom lại đủ, quyết tấn bộ mạnh như xưa.

Người có tánh cương quyết hễ nói thì làm, không dụ dự nữa dầu cực nhọc hay khó khăn bao nhiêu cũng không nại. Thiệt học năm thứ nhì, Vĩnh Xuân cũng đoạt giải nhứt trong lớp nữa. Sau lên Sài gòn hai năm cậu cũng cứ giữ cái mực ấy luôn luôn, chúng bạn không làm sao qua mặt cậu cho nổi.

Mỗi kỳ bãi trường về nghỉ thì hai ba ngày Vĩnh Xuân đi viếng mộ Cúc Hương một lần, mà lần nào Xuân cũng cà rà ngồi tưởng nhớ trót một hai giờ, dường như quyến luyến không nỡ rời nhau, mất tưởng như còn, chết coi như sống.

Hai năm sau lên Sài gòn học, mỗi năm Vĩnh Xuân cũng lấy của Hai Tỷ 10 đồng bạc mà thôi. Hai Tỷ nài ép thế nào cậu cũng không chịu lấy thêm nữa.

Học mãn bốn năm, thi bằng thành chung, Vĩnh Xuân giỏi nhất tự nhiên chiếm thủ khoa.

Chở rương ra về, trong lòng Vĩnh Xuân phơi phới nhẹ nhàng, mừng học được thành công rỡ ràng, khỏi phụ tình người bạn quá vãng.

Về tới nhà, Vĩnh Xuân lấy làm hài lòng nhận thấy sự thành công của mình làm cho người quen biết ai cũng vui mừng. Bà Hương văn Thanh tự nhiên vui nhiều hơn hết, mà chị Hai Tỷ với vợ chồng ông Giáo Huân vui cũng không ít.

Vĩnh Xuân đi thăm ông Giáo Huân trước hết. Vợ chồng ông mừng rỡ, khen ngợi, vui vẽ vô cùng. Ông Giáo nói: “Thầy biết trước, hễ chảu học thì cháu thành công rỡ ràng, bởi vậy hay cháu đậu thủ khoa, thầy cho là lẽ tự nhiên không lạ chi hết. Thầy có môn đệ như cháu thầy lấy làm hãnh diện. Thầy tiếc năm trước vợ chồng Hia Mỹ làm bậy nên con Cúc Hương tự vận. Chớ phải nó còn thì bây giờ làm bạn với cháu, thầy vui lắm vậy. Học xong rồi, bây giờ cháu tính làm việc gì ? Phải đợi nhà nước bổ mới đi làm hay là cháu phải kiếm chỗ xin mà làm ?”.

Vĩnh Xuân đáp:

-         Thưa thầy, bây giờ nhà nước không bổ nữa. Mình muốn vô làm sở nào phải xin mà làm. Có sở vô phải thi, có chỗ khỏi thi. Nhà nước mới thông cáo trong một tháng nữa sẽ mở cuộc thi tại dinh Thượng Thơ đặng tuyển 12 thầy ký lục để bồ đi tùng sự với Tham Biện các tỉnh. Có anh em rủ nên con có làm đơn gởi xin dự thi. Con nghỉ tới tháng sau con sẽ lên Sài gòn thi, như đậu thì nhà nước bổ đi làm tỉnh nào tuỳ ý.

-         Cháu thi thì đậu chắc trong tay. Trong ít ngày đây cháu sẽ làm thầy thông, thầy ký vinh hiển biết chừng nào. Đây rồi vợ chồng Hia Mỹ mới tiếc hùi hụi cho mà coi. Đi thi thông ngôn, ký lục phải ăn mặc cho đàng hoàng. Cháu đã hết cái lớp học trò rồi, còn mặc sắc phục nhà trường nữa sao được. Cháu có sắm áo dài hay không ? Phải bận áo dài, chớ không lẽ đi thi làm thầy mà bận áo vắn.

-         Thưa, con chưa có áo dài. Để con xin má con may cho con.

-         Thôi, cháu đừng làm rộn cho chị Hương văn. Cháu thi đậu thầy mừng. Vậy thầy thưởng cháu một vóc xuyến đặng cháu may áo dài mà bận như người ta. Để sáng mai thím cháu ra chợ lựa mua một vóc xuyến cho thiệt tốt rồi thầy gởi xuống cho.

-         Con cám ơn thầy quá.

Bà Giáo nói: “Có gì đâu mà cám ớn. Cháu côi cúc, mẹ lại già, mà cháu ăn học được như vậy đáng thưởng lắm. Thầy cháu thưởng cháu một cái áo dài. Thôi, về phần thím, để thím thưởng cháu một áo cổ giữa với một quần vải trắng đặng đủ bộ mà bận với áo dài, cho chị Hương văn khỏi lo.

Vĩnh Xuân cám ơn nữa rồi mới cáo từ mà về. Thấy chưa tối, cậu đi thẳng ra thăm chị Hai Tỷ, gây một cuộc vui mừng tưng bừng hơn nữa.

Hai Tỷ nhắc Cúc Hương, nói chắc Cúc Hương phỉ chí vui lòng, rồi nhắc tới Hia Mỹ cũng nói như ông Giáo, nói chắc vợ chồng Hia Mỹ tiếc không còn Cúc Hương mà gả.

Vĩnh Xuân mời Hai Tỷ như chiều bữa sau có rảnh thì đi với cậu vô viếng mộ Cúc Hương. Hai Tỷ chịu đi, Vĩnh Xuân dặn để cho cậu mua nhang đèn đặng cậu tỏ tấm lòng thành thiệt tri ân người bạn trăm năm bạc mạng.

Hai Tỷ mở tủ lấy 20 đồng bạc đưa cho Vĩnh Xuân mà nói: “Em học xong rồi, mà bạc của con Tư gởi lại bây giờ còn dư 20, chị phải giao cho em. Em phải lấy đặng sắm áo quần mà mặc, chớ không lẽ bỏ vạ cho chị. Bạc nó gởi đặng giao cho em thì em phải lấy chớ”.

Vĩnh Xuân ngồi suy nghĩ rồi nói: “Em nghĩ lại em mang ơn của Cúc Hương nặng quá. Nhờ có cô lo cho em đủ mọi phương diện, đã giúp đỡ tiền bạc, lại còn lo làm cho em phấn khởi tinh thần, nên em học mới được đây. Mà để tiền bạc lại cho em ăn học cô để dư, có lẽ cô biết trước em còn cần dùng nhiều việc khác nữa. Tháng sau em phải lên Sài gòn mà thi ký lục. Hồi nãy thầy em nhắc phải sắm áo dài đặng bận như người ta. May thầy em biểu em đừng lo việc đó, để thầy em thưởng em một vóc xuyến cho em bận, rồi thím lại hứa mua vải thưởng em để may một bộ đồ trắng mà bận với áo dài. Thiệt là may cho em lắm, ai cũng thương, ai cũng giúp đỡ. Bây giờ còn 20 đồng bạc đây em phải lãnh để làm lộ phí mà đi thi. Em chịu ơn của Cúc Hương cho đến cùng, rồi kiếp sau em sẽ đền đáp lại cho cô”.

Vĩnh Xuân lấy bạc bỏ vào túi.

Hai Tỷ vui vẻ nói: “Ông Giáo, bà Giáo hứa mua xuyến, mua vải thưởng em. Vậy chừng nào có thì em đem ra đây đặng thị cậy con Ba Đẩu nó may giùm cho. Ba Đẩu may khéo, hồi trước nó cũng thân với con Tư lắm. Nó may giùm cho em, chắc nó không ăn tiền công đâu”.

Vĩnh Xuân về thuật cho mẹ nghe sự vợ chồng ông Giáo Huân hứa cho hàng cho vải, và chị Hai Tỷ hứa mượn may giùm, thì bà Hương văn nói: “Nhà mình thiệt là có phước, nên không phải bà con mà ai cũng thương, ai cũng lo giúp mẹ con mình. Con phải ghi nhớ việc đó. Nay mai con đi làm thầy thông, thầy ký, con thấy người nghèo, con phải giúp đỡ cho họ nghe hôn con. Đó là cách con trả ơn cho người đã giúp con”.

Sáng bữa sau bà Hương văn đi ra chợ bán bánh. Vĩnh Xuân dặn mẹ mua giùm nhang đèn với giấy tiền vàng bạc đặng buổi chầu cậu đi viếng mộ Cúc Hương mà tạ ơn.

Đến trưa hai mẹ con đương ăn cơm, thì có một học trò gái ôm vô đưa cho Vĩnh Xuân một gói, nói bà Giáo sai đem cho Xuân. Bà Hương văn mở liền ra coi, thấy có một xấp xuyến đen với nuột xấp vải trắng. Vĩnh Xuân dặn con nhỏ về thưa lại cậu cám ơn ông Giáo, bà Giáo vô cùng.

Lối nửa chiều Hai Tỷ vô tới, Vĩnh Xuân lấy nhang đèn đi liền với chị vô mộ đặng tạ ơn Cúc Hương. Vĩnh Xuân cảm thấy phần mộ bây giờ cỏ chỉ mọc bao trùm, cậu đốt nhang đèn và giấy vàng bạc rồi đứng trước mộ mà vái: “Em Cúc Hương, qua học xong rồi. Qua thi đậu rỡ ràng, nên qua về đây mà tạ ơn em. Em có công gắng vó lo cho qua ăn học thành danh. Qua vừa theo ý em, nên qua phải giữ vẹn lời hứa. Qua học thành công rồi, nhưng em không còn cho qua đền ơn đáp nghĩa. Vậy qua ước mong kiếp khác đôi ta tái ngộ đặng qua trả nợ cho em”.

Vĩnh Xuân vái mà cậu ứa nước mắt.

Cúng vái xong rồi, Hai Tỷ với Vĩnh Xuân ngồi dựa bên mộ mà nói chuyện.

Gíó chiều hiu hắt, ngọn cỏ phất phơ. Phía trước những thớt vườn cau, dừa liên tiếp nhau trưng cảnh xanh lè, phía sau những đám ruộng lúa chín nằm lải rải phơi màu vàng chói. Chim về ổ bay kêu chéo chét, người đi đường săn bước xung xăng.

Nhắm cảnh động tình, Vĩnh Xuân ngồi tưởng nhớ người quá cố. Hai Tỷ nhắc tánh nết Cúc Hương thẳng ngay cương quyết, ưa làm nghĩa, dám cứu người không kể thị phi không chịu gian dối.

Vĩnh Xuân than không thế nào trong đời nầy cậu còn gặp được một Cúc Hương thứ nhì, mà dầu gặp được có lẽ cậu cũng lãng lơ vì lửa tình đã tắt, khối tình đã tan, trót ba năm rồi cậu sống với quyển sách hoặc bài văn, cậu vui với vừng mây hoặc ngọn gió, cậu đã quen rồi, không biết thích thứ gì khác.

Hai Tỷ ngó cậu mà cười rồi cùng nhau đi về. Xuân nói bà Giáo đã gởi xuyến với vải cho rồi. Hại Tỷ mới ghé nhà Xuân lấy đem về mượn may giùm. Bà Hương văn có gói theo một bộ đồ vải cũ của Xuân để cho thợ may coi biết kích tấc.

Cách 10 bữa sau đồ may xong. Hai Tỷ ôm lên giao cho Xuân bận thử. Bộ đồ trắng cũng như áo xuyến bận ngoài, cái nào cũng vừa hết. Xuân bận đi qua đi lại cho mẹ với Hai Tỷ xem cậu ra dáng thầy thông thầy ký rõ ràng, nên bà Hương văn vui lòng cực điểm.

Hai Tỷ có đem theo một gói. nữa. Bây giờ chị mới mở gói đó ra lấy đưa cho Xuân nuột bộ đồ vải trắng với một bộ đồ lụa trắng mà nói: “Con Tư không còn mà lo sắm áo quần cho em đì làm việc. Chị là chi cả của hai em. Vậy chị thay mặt cho con Tư may thêm cho em hai bộ đồ nữa. Ấy là phần của chị thưởng em. Chị nghĩ một bộ đồ trắng bận đi làm việc không đủ, nên chị may thêm một bộ nữa đặng có mà thay đối. Còn bộ đồ hàng để lúc rảnh rang em bận đi chơi”.

Mẹ con bà Hương văn cảm tình nói không xiết.

Cách ít ngày nữa Vĩnh Xuân được thơ của người bạn học ở Sài gòn cho hay ngày thi đã định chắc rồi và dặn phải lên trước một bữa, lên ở nhà người bạn, đặng anh em bàn soạn với nhau mà đi thi.

Gần tới ngày thi, Vĩnh Xuân đi thi, đã có đủ áo quần, có sẵn tiền bạc trong lưng, lại có nhà bạn mà ngụ đỡ ít bữa, khỏi tốn hao chi hết, bởi vậy Xuân vững bụng, không lo chi nữa.

Thi ký lục, Xuân đậu nữa, cũng đậu cao. Mục đích lập thân đã đạt được rồi. Công lao học tập thành tựu, viên mãn. Đã bỏ cảnh đời bần sĩ mà bước qua cảnh đời thầy ký, thầy thông. Cảnh đời mới thể nào ? Chưa biết được. Mừng mà cũng lo.

Vĩnh Xuân về tới nhà, bà Hương văn vui mừng, chị Hai Tỷ vui mừng, vợ chồng ông Giáo Huân vui mừng. Mà ông Giáo hãnh diện hơn hết. Ông đi khoe cùng chợ, khoe môn đệ của ông danh giá lẫy lừng, khoe tài ông đoán trước không sai, khoe con nhà nghèo có tâm chí thì quí hơn con nhà giàu thập bội.

Mấy người buôn bán xầm xì chê vợ chồng Hia Mỹ dại, chớ chi đừng ép gả con Tư, để bây giờ gả nó cho Vĩnh Xuân, nó được làm cô ký, cô thông sung sướng một đời, vinh vang một cửa. Vợ chồng Hia Mỹ hổ thẹn nên ban ngày rút ở phía sau, không muốn ló ra cửa.

Chiều bữa đó, Vĩnh Xuân một mình đi viếng mộ cha và mộ Cúc Hương. Mỗi chỗ cậu ngồi mặc niệm giây lâu, với cha thì tạ ơn sanh thành, với Cúc Hương thì cảm tình cảm nghĩa.

Tối lại, Vĩnh Xuân ngủ, chiêm bao thấy Cúc Hương về thăm, nàng vui vẻ nói: “Em về mừng anh học đã thành công theo ý anh định trước, mà cũng theo ý em mong mỏi. Em cũng cho anh hay lời em hứa với anh đâu đó đã vuông tròn. Vậy anh thấy em lần nầy là lần chót, bởi vì ba năm nay hồn em theo phò hộ anh cho anh ăn học. Em xin với Diêm Chúa như vậy. Nay anh ăn học đã xong, lập thân đã xong, nên Diêm Chúa dạy em phải đi đầu thai, không để cho hồn em theo anh nữa Vậy từ rày về sau anh tưởng nhớ em thì được, nhưng đừng vái van mong thấy mặt em. Em không thể cho anh thấy em nữa được. Thiên cơ đã định như vậy. Xin anh đừng buồn. Diêm chúa có mách cho em biết kiếp sau đôi ta sẽ gặp nhau. Vậy kiếp nầy anh phải cưới vợ đặng có người lo cơm nước cho anh. Từ nhỏ chí lớn má cực khổ lung lắm. Bây giờ má già rồi, tự nhiên má mỏi mệt. Anh đi làm việc, hễ kiếm nhà ở yên rồi, thì rước má về mà nuôi. Nuôi má thì phải để má ở không đi chơi. Anh đừng có để má phải lo cơm nước cho anh nữa. Anh phải cưới vợ đặng vợ anh lo phụng sự anh và má. Thôi, em cầu chúc cho đường công danh của anh càng ngày càng thêm rạng rỡ, ở trong gia đình thuận thảo, ra ngoài thiên hạ kính nhường, ngó lên không hổ, ngó xuống không phiền, chí tấn thủ không khờn, lòng háo nghĩa không mỏi. Người ta thôi thúc em phải đi cho kịp giờ. Vậy em xin anh nhìn em một lần chót rồi cùng nhau vĩnh biệt. Em kính chào anh“.

Vĩnh Xuân la một tiếng lớn, chờn vờn ngồi dậy, đưa tay như muốn níu Cúc Hương. Té ra không thấy ai hết, chỉ có ngọn đèn leo lét trên bàn thờ với tiếng gà cồ gáy vang trong xóm.

Bà Hương văn nghe con la lớn, bà bước ra thấy con ngồi trơ trên ván. Bà hỏi tại sao con la. Vĩnh Xuân thuật điềm chiêm bao lại cho mẹ nghe. Cậu nói Cúc Hương về mách bảo rằng nàng xin phép Diêm Vương hưỡn đầu thai ba năm đặng linh hồn nàng theo phò hộ cho cậu ăn học hoàn tất. Nay cậu học đã thành công rồi nên Diêm đình buộc nàng phải đi đầu thai, đợi kiếp khác sẽ được phối hiệp. Nàng lại căn dặn hễ đi làm việc, dọn nhà cửa ở yên rồi thì phải cưới vợ đặng có người lo cơm nước cho mẹ nghỉ, vì mẹ già mỏi mệt, không nên để mẹ cực nhọc nữa.

Bà Hương văn cảm thấy hồn ma mà cũng biết hiếu đạo, sắp đi đầu thai mà cũng còn lo cho mẹ con bà, thì bà xúc động đến ứa nước mắt. Bà đốt một cây nhang cắm trên bàn, vái cho linh hồn Cúc Hương đầu thai vào nhà giàu có sang trọng cho nàng sung sướng tấm thân.

Rồi đó mẹ con chong đèn ngồi mà bàn tính đời sống tương lai với nhau. Vĩnh Xuân nói để coi nhà nước bổ đi làm việc xứ nào. Hễ tới đó cậu mướn phố rồi cậu sẽ viết thơ cho mẹ hay đặng mẹ bán nhà, bán đồ theo ở với cậu cho mẹ con khỏi cách biệt. Như có thể chở đồ đi được thì lựa thứ nào cần như bàn thờ, giường, ván, thì mướn ghe chở đi, còn đồ lặt vặt không xứng đáng thì để lại cho bà con lối xóm ai cần dùng thứ gì họ lấy mà dùng.

Mẹ con tưởng còn phải chờ lâu, té ra chưa tới 10 bữa thì có trát Tham biện suất cho hương chức làng Vĩnh Lợi phải truyền cho thầy Phan Vĩnh Xuân hay, quan Thống Đốc đã cấp bằng cho thầy làm ký lục chánh ngạch và bổ thầy tùng sự với quan Tham Biện, chủ tỉnh Mỹ Tho. Vậy thầy phải đến Tòa Bố Gò Công lãnh cấp bằng và lấy giấy đi tàu đi xe lửa lên Mỹ Tho mà làm việc.

Hương chức hay Vĩnh Xuân được nhà nước cấp bằng làm ký lục, lại thấy quan tham Biện gọi bằng thầy thì kiêng nể, nên cậy Hương hào lại nhà bà Hương văn mời thầy ký Xuân đến nhà việc Giồng đặng lãnh trát của quan Tham Biện.

Vĩnh Xuân mặc áo dài đàng hoàng đi lại nhà việc làng. Hương chức niềm nở nhắc ghế mời ngồi, rồi lấy lá trát của quan Tham Biện trao cho Xuân. Đợi Xuân xem trát rồi thôn trưởng mới nhỏ nhẹ tỏ lời khen ngợi Xuân ăn học giỏi, được chức vị cao, làm rỡ ràng cho làng Vĩnh Lợi. Hương hào tiếp hỏi thăm cách ăn học, cách thi cử. Hương giáo hỏi về lương hướng. Còn Hương thân tiếc Xuân không được bổ làm việc tai Tòa Bố Gò Công cho hương chức được nhờ che chở.

Vĩnh Xuân thấy được bổ Mỹ Tho, không xa xứ sở cho lắm thì mừng thầm, muốn về liền đặng báo tin cho mẹ hay, mà bị hương chức hỏi cù nhây làm cậu phải mất hơn nửa giờ đồng hồ.

Chừng Vĩnh xuân về, bà Hương văn hay tin con được làm việc tại Mỹ Tho thì bà mừng mà nói Chợ Giồng có đò đi Mỹ hằng ngày, bà lên xuống thăm con rất tện. Xuân nói nhờ có đò nên chừng Xuân mướn được phố rồi mẹ bán nhà và chở đồ lên mà ở, khỏi tốn hao tiền chở chuyên nhiều.

Vĩnh Xuân tính trưa mai phải xuống Tòa Bố Gò Công mà lãnh cấp bằng với giấy đi tàu đi xe, kiếm nhà quen ở nghỉ một đêm rồi sáng mốt xuống tàu lên Sài gòn đặng đi xe lửa qua Mỹ.

Cậu ra nhà Hai Tỷ cho chị hay và cáo từ với chị mà đi làm việc. Hai Tỷ hỏi cậu ra đi mà còn tiền hay không. Như cậu cần dùng tiền bao nhiêu thì nói cho chị biết, chị sẽ cho mượn. Xuân nói hôm đi thi cậu xài tiền cũ nên số bạc 20 chục đồng của chi giao hôm nọ vẫn còn nguyên. Bây giờ đi làm việc, nhà nước cho giấy đi tàu đi xe khỏi tốn tiền, bới vậy cậu không cần dùng tiên thêm làm chi.

Vĩnh Xuân đi thẳng lên từ giã vợ chồng ông Giảo Huân. Hai ông bà nghe Xuân được bổ Mỹ Tho cũng mừng lắm. Bà Giáo hỏi Xuân đi làm việc, vậy mà đem bà Hương vãn theo hay không. Xuân nói để lên trển kiếm phố mướn được rồi sẽ rước mẹ lên. Bà Giáo nói xuất thân đi làng việc, tới xứ lạ quê người trong lưng phải có sẵn tiền mới khỏi bối rối. Vậy để bà cho mượn một số tiền đem theo mà xài, vì lương phải cuối tháng người ta mới phát, nếu không có tiền thì lấy chi ăn đặng chờ ngày lãnh lương. Xuân nói đã có 20 đồng, xài một tháng không hết. Bà Giáo nói: “Thím có một dứa con, tuổi cỡ tuổi cháu. Nó cũng mồ côi cha như cháu mà nó ở bên Tàu, thím không châu cấp cho nó được, không biết nó no đói thể nào. Thím thấy cháu côi cút lại bẩn chật thím thương cũng như con thím vậy. Vậy để thím giúp cho cháu một số tiền đặng nhờ âm đức khiến cho có người khác giúp đỡ con thím”.

Bà Giáo lấy đưa cho Xuân 30 đồng bạc. Xuân cồ từ không chịu lấy. Ông Giáo phải can thiệp, ép Xuân lấy đặng trong lưng có ít nữa là 50 đồng, chừng nào làm có tiền dư rồi sẽ trả lại, mà dầu không trả cũng không sao, bởi vì bà Giáo tính làm phước đặng con bà nhờ âm đức.

Xuân nghe như vậy nên mới chịu lấy tiền.

Ông Giáo hỏi chừng nào đi. Xuân nói ngày mai xuống Tòa Bố lãnh giấy tờ rồi đi luôn.

Ông Giáo mới nói: “Vậy thì bắt đầu ngày mai cháu sẽ lìa cố hương, sẽ xa thầy, xa bạn mà bước chưn vào đường đời, sống trong cảnh đời khác hẳn với cảnh đời thuở nay. Cháu không phải là một đứa học trò nghèo nữa. Cháu là thầy thông, thầy ký, kẻ bẩm, người dạ, kẻ bợ đỡ, người cầu thân. Vậy trước khi cháu xa thầy, để thầy giảng cho một bài học cuối cùng, bài học làm người sống với cuộc đời thực tế. Cháu có học Tứ Thơ, cháu biết thánh nhơn có nói như vầy: sống trong đời thái bình, xa gần đều lạc nghiệp an cư mà mình ở địa vị nghèo hèn, đó là một điều đáng hổ. Còn sống trong đời ly loạn, nước nghiêng nhà nát, trăm họ lầm than, mà mình ngồi địa vị giàu sang, đó cũng là một điều đáng hổ. Nay nước mình đã mất chủ quyền, mà vì cơm áo phải ấm no, lại vì thảo thân phải toàn vẹn, nên cực chẳng đã cháu phải bỏ nho học mà theo Âu hoá, đặng làm thầy ký, thầy thông. Xưa thánh nhơn nói ra làm quan là vì muốn thi hành đạo học, chớ không phải vì nghèo, nhưng có khi cũng vì nghèo mà phải làm quan. Mà nếu vì nghèo nên phải ra làm quan, thì nên lãnh một chức vụ nhỏ mọn như đánh trống canh cũng được. Chức vụ thầy thông, thầy ký không có gì hệ trọng, nhưng người cầm quyền không biết tiếng Việt, còn thầy thông, thầy ký thì biết tiếng Pháp. Chức vụ nhỏ mọn mà nó thành trọng hệ là tại trường hợp đó, tại quan Pháp không biêt tiếng Việt, dân Việt không biết tiếng Pháp, cháu làm thông ngôn, ký lục, cháu nói và hiểu được cả hai thứ tiếng, tức nhiên cháu đứng làm trung gian giữa quan với dân. Cháu nói sao thì quan tin vậy, cháu biểu sao thì dân làm vậy. Cháu thấy cái đỉểm quan hệ đó hay không ?.

Vĩnh Xuân gặc đầu mà đáp:

-         Dạ, con thấy.

-         Ừ, chức vụ của cháu lợi hại cho làng cho dân lắm, tội phước ở trong đó, ghét thương cũng ở trong đó mà phát sanh. Mấy mươi năm nay thầy thông, thầy ký phần nhiều làm gió, làm mưa, làm sống, làm chết, bởi vậy mấy ổng được dân kiêng nể chiều chuộng, dua bợ, đút nhét, nhờ vậy nên mấy ổng giàu có, sang trọng hơn người. Mấy ổng không nhớ nước ngã, dân nghèo, cứ lo cho vinh thân, phì gia, ăn ngon, ở sướng mà thôi. Đó cảnh đời thực tế của thầy thông, thầy ký trong buổi nầy là vậy đó. Vì vậy nên từ bữa hay cháu thi đậu ký lục thầy giựt mình, thầy lo cho cháu sẽ bị tiền bạc nhem thèm, rồi còn bị bợ đỡ lôi cuốn mà cháu cũng phải sa ngã vào đường bất công, bất chánh với họ.

-         Thưa, con không thế làm như họ được. Sửa soạn bước chưn lên đường đời, con đã chọn bốn chữ “Thanh cao chánh trực” để làm tiêu biểu đặng ngó chừng mà đi tới.

-         Thanh cao chánh trực ! Được vậy thì hay lắm. Nhưng không phải dễ mà làm được đâu cháu. Cháu chung chạ với một đám người, cả thảy đều phải băng ngang qua một vũng bùn lầy, dầu cháu không chịu lấm chưn, cháu cũng không làm sao cho khỏi lấm được. Nếu cháu không chịu lội qua, thì cháu trái ý với các bạn, làm sao cháu chung chạ nữa được. Thanh liêm, cao thượng, chánh trực phải hiền nhơn, chí sĩ mới làm được. Cháu nhỏ tuổi, lại học ít, thầy sợ e cháu khó mà đạt được mấy đức tánh đó. Vậy thầy khuyên cháu ở đời dầu gặp trường hợp nào cháu cũng đừng quên đạo nhân nghĩa của Khổng Mạnh. Cháu đừng dua bợ bề trên mà cầu thân đặng dễ bóc lột kẻ dưới mà thủ lợi. Cháu phải gắt gao với cháu và rộng dung cho người, cháu phải thương yêu cứu giúp người yếu hèn, nghèo khổ. Tiền bạc bất nghĩa cháu đừng thèm, những thói xa hoa cháu đừng tập. Cháu phải tu tâm dưỡng tánh, giúp người chớ đừng hại người. Được như vậy cũng đã khá lắm.

-         Con sẽ rán sức làm theo lời thầy dạy.

-         Cháu phải nhớ điều nầy nữa: mặc dầu vật đổi sao dời, cháu là người Việt, thì bao giờ cháu cũng là người Việt, không lột da mà làm người gì khác được. Cháu có biết câu hát nầy không ?

Huyện đường mãn, nha môn bất mãn,

Bìm bìm leo, thúi địch cũng leo,

Chi chi cũng kiếp thằng Tèo,

Đắc thời hống hách, nghiêng nghèo ai thương ?

(thúi địch: loại dây leo mọc ở mé sông chung lộn với đừa nước, mùi thúi gắt. Người miền Nam ép lá thúi địch lấy nước trộn với bột gạo làm “bánh thúi địch”, bánh có màu xanh ở trung tâm và màu trắng ở rìa, ăn với đường cát (ngọt) hoặc với mắm kho (mặn))

Cháu hiểu ý câu hát đó hay không ?

-         Thưa hiểu.

Ông Giáo chúm chím cười rồi ông đưa tay chỉ ngoài sân mà hỏi: “Cháu thấy hai chậu môn của thầy trồng thuở nay kia hay không ?”.

Vĩnh Xuân thấy hai chậu môn hai giống khác nhau: một giống lá xanh mà có điểm trắng đỏ xen lộn, còn một giống lá xanh ngoài rìa, mà tròng ở giữa thì đỏ lòm. Cậu không hiểu ý thầy hỏi chi vậy, song cậu cũng đáp:

-         Thưa mấy năm nay con thấy hai chậu môn đó loài.

-         Sách vở nói cây trúc tượng trưng người quân tử. Mà thầy coi môn có đủ tánh chất quân tử hơn. Thầy trồng đó đặng mai chiều thầy ra ngó mà tu tâm, dưỡng tánh. Cháu nhớ coi, mỗi bẹ môn, cái cọng thì thẳng ngay suôn đuột, mà ở trong thì có lỗ thông từ dưới lên trên, không có gai, mà cũng không có nhánh. Còn cả bụi môn thì lá nằm trên che gốc kín mít, coi có đủ văn đủ chất lắm vậy. Năm trước thầy ngó môn rồi thầy đặt một cặp đối như vầy:

Trung thông ngoại trực, vô mạng vô chi,

Thượng cái, hạ tàn, hữu văn hữu chất.

Phải hôn ? Trong thông, ngoài thẳng, không có gai, không có nhánh. Trên che đậy cho dưới được ấm êm, ra vẻ đủ văn, đủ chất như người quân tử.

-         Thưa, thầy tả tánh chất môn như vậy thì trúng lắm.

-         Ừ, chừng cháu có nhà cửa, cháu kiếm môn trồng như thầy để ra vô dòm thấy đặng nhớ mà tu dưỡng.

-         Con vâng lời thầy.

-         Thôi, cháu về sửa soạn hành lý đặng mai có đi làm việc. Hồi xưa đưa bạn đi làm quan người ta tặng cây quạt để phất gió nhân cho dân gian được gội nhuần. Nay cháu đi làm việc, thầy cũng chúc cháu rải nhân đức cho dân chúng đều được hấp thụ.

Bà Giáo tiếp nói: “Cháu đi mạnh giỏi. Chừng chị Hương văn theo lên trển ở với cháu rồi, lúc nào cháu có dịp về viếng mộ, thì cháu ghé nhà thầy thím đây ở, đừng ngại chi hết”.

Vĩnh Xuân cám ơn, chúc thọ cho vợ chồng ông Giáo rồi từ mà về.

Bà Hương văn lăng xăng lo cơm cho con ăn. Bà hỏi đi thăm đủ hết chưa. Vĩnh Xuân nói thăm xong rồi hết, lại thuật chuyện bà Giáo ép cho mượn 30 đồng bạc cho mẹ nghe. Bà nói bà dành dụm xưa rày được 10 đồng, tính chừng con đi bà sẽ đưa cho con đem theo. Vĩnh Xuân nói bây giờ con đã có tới 50 đồng, còn lấy thêm làm chi nữa. Cậu xin mẹ cất để dành ở nhà xài.

Buổi chiều, Xuân đi viếng mộ cha với mộ Cúc Hương một lát, rồi xếp quần áo bỏ vô rương sửa soạn mà đi.

Bữa sau, bà Hương văn nghỉ bán bánh, ở nhà lo cơm nước cho Xuân, rồi bà mượn người vác rương ra xe tờ, bà cũng theo đưa con đi làm thầy ký lục.