(9) IV
Trót một năm trời, Vĩnh Xuân say sưa mê mẩn cái cảnh tương lai vừa rực rỡ, vừa ấm êm. Ngó tiền trình cậu thấy chán chở tươi cười, chỗ thì bằng thẳng như ruộng lúa sắp đơm bông, chỗ thì vòi vọi như non cao, chỗ thì thinh thinh như biển rộng. Cậu cứ bình tĩnh an vui mà thả bước, tin chắc rồi đây cậu sẽ thoát khỏi thốn thiếu bần hàn và vui hưởng ấm no thơ thới, với bà mẹ già chơn chất hiền từ và người vợ yêu, nặng mang tình nghĩa.
Thình lình.gió đông bất trắc làm sụp đổ hết một khoảng đường của cậu đương đi. Bây giờ phải làm sao ? Phải thối lui đặng tìm ngả khác mà đi, hay là phải ngó lơ cảnh thảm khổ điêu tàn, phải lướt trắc trở, vẹt chông gai mà tiến bước để tìm hạnh phúc.
Còn hạnh phúc gì nữa mà tìm ?
Thuật chuyện Cúc Hương hết cho mẹ nghe, cậu thấy mẹ thương tiếc, mẹ cũng khóc, thì cậu càng thêm buồn rầu, càng thêm chán nản. Đêm ấy cậu ngủ không được, nhớ tình duyên thì đau đớn, nhìn tương lai thì tối đen. Tinh thần cậu uể oải, nghị lực cậu tiêu tan; cậu nằm cứ thở dài, tâm chí đật dờ, lợi danh lơ lãng.
Có khi Vĩnh Xuân nhắm mắt, tính ngủ phứt đặng quên hết nỗi lòng, mà hễ nhắm. mắt thì cậu thấy hình dạng Cúc Hương vởn vơ, rồi giọt lệ tuôn rơi, tấm lòng thắt thẻo.
Nửa thức, nửa ngủ, thức thì đau đớn, ngủ thì mơ màng, Vĩnh Xuân. thấy trời hừng sáng, và nghe mẹ mở cửa đặng đi bán bánh.
Cậu ngồi dậy sật sừ. Bà Hương văn day lại nói: “Má có để một cái bánh chưng trên bàn đó. Con lót lòng đi. Má bán một lát rồi má mua đồ về nấu cơm cho con ăn”. Bà nói rồi bưng thúng bánh mà đi.
Vĩnh Xuân rửa mặt chải đầu rồi ra bàn mà ngồi. Cậu không ăn cái bánh chưng của mẹ để, mà lại móc túi lấy miếng lụa di bút của Cúc Hương trải lên bàn mà nhìn.
Ngó 5 chữ “Xá sanh nhi thủ nghĩa” với 2 chữ nhỏ “Cúc Hương” cậu ủ mặt châu mày, ruột gan lạnh ngắt. Cậu nghĩ người bỏ sự sống cho trọn đạo nghĩa, lúc cầm bút mà viết, không biết tâm hồn đau khổ bao nhiêu, chớ người mang nghĩa nặng của kẻ hy sinh thì bây giờ tâm hồn ngẩn ngơ bể nghể, biếng ăn, mất ngủ, sống cũng như chết, sống cũng như tượng gỗ, không biết vui mừng, không biết ham muốn.
Trong ấm nước sôi nếu hơi lên nhiều quá nó tung mạnh, nấp ấm cũng phải rớt. Buồn rầu cũng vậy, hễ buồn cực điểm thì nó hoá sanh bực tức trong lòng.
Vĩnh Xuân thương tiếc Cúc Hương thái quá rồi cậu giận. Cậu giận Cúc Hương gợi ái tình, gây duyên nợ, gieo ân nghĩa làm chi, nên bây giờ phải chịu kẻ mất người còn, kẻ mất đã an thân, người còn đau đứt ruột. Cậu giận học thuyết Mạnh tử bày “Xá sanh nhi thủ nghĩa” làm chi cho Cúc Hương bị cảm hoá đến trọng nghĩa quyên sanh. Rồi cậu giận tới vợ chồng Hia Mỹ ham giàu có làm chi, ép duyên con cho nó bực tức mà tự vận.
Nhắc tới Hia Mỹ, cậu nhớ lời Hai Tỷ nói Hia Mỹ khinh rẻ phận cậu.
Nhớ tới việc đó, cậu trợn mắt đứng dậy đi ra đi vô. A ! Người ta khinh mình ! Hèn chi Cúc Hương biết thế tình như vậy nên chiêm bao dặn mình rán học tiếp đặng lập thân, mà trối với Hai Tỷ cũng dặn dò mình bỏ dẹp buồn rầu để lo học. Nhờ cái giận đó mà Vĩnh Xuân bớt buồn. Cậu mở bánh chưng ra ăn, mắt liếc ngó bút tích của Cúc Hương, trong trí vẫn ngậm ngùi, tưởng nhớ.
Bà Hương văn bán hết bánh rồi bà mua chút đỉnh thịt cá bưng về kho nấu đặng ăn với con. Bước vô cửa bà thấy Xuân đương ngồi đọc sách, bà biết con đã bớt buồn rồi nên bà vui vẻ hỏi con:
- Má để lại một cái bánh đó, con có ăn hay không ?
- Con ăn rồi hồi sớm mơi.
- Nếu vậy thì con không đói. Má không cần phải lật đật nấu cơm cho mau.
- Xin má thủng thẳng mà nấu. Con ăn bánh chưng đó đến chiều cũng chưa đói.
- Con có đi lên thăm ông Giáo hay không ?.
- Thưa, không. Con buồn quá nên con chưa muốn đi đâu.
- Chiều nay con lên thăm ổng một chút.
- Chiều nay chị Hai Tỷ dắt con vô viếng mộ Cúc Hương. Để bữa khác con sẽ đi thăm thầy con. Con còn ở nhà lâu nên không gấp gì lắm.
- Té ra con có hẹn với Hai Tỷ đặng đi viếng mộ nó. Ừ, được lắm. Nó với mẹ con mình có nghĩa quá. Con phải viếng mộ nó chớ sao. Bậy quá, phải má hay hồi nãy má mua nhang đèn cho con khỏi thất công ra chợ nữa.
- Má khỏi lo. Cho Hai Tỷ có nói để chỉ mua cho con.
- Vậy thì xong.
Bà Hương văn vô bếp lo nấu cơm. Vĩnh Xuân để quyển sách trước mặt, nhưng đọc ít hàng rồi ngồi lửng lơ suy nghĩ. Đến xế mát, Vĩnh Xuân sửa soạn đặng đợi Hai Tỷ vô rồi đi viếng mộ Cúc Hương. Ban đầu cậu muốn bận đồ mát đi cho gọn, mà rồi cậu nghĩ Cúc Hương trước kia nài ép rồi bao tiền cho mình đi học trường lớn, chừng chết cũng còn để lời căn dặn mình phải tiếp tục học cho đến cùng; nếu viếng mộ cô mà mình mặc đồ mát có lẽ cô không vui lòng. Nghĩ như vậy nên cậu thay sắc phục nhà trường mà mặc.
Gần 4 giờ chiều, Hai Tỷ che dù đi vô, tay cầm một gói nhang đèn.
Bà Hương Văn ra mời ghé nhà chơi một chút. Bà nói hồi hôm Xuân về thuật chuyện lại cho bà nghe và trao gói hàng của Cúc Hương gởi. Tình sâu nghĩa nặng của gái bất hạnh làm cho bà cảm động đến rơi nước mắt. Bà chắc không thế nào Xuân cưới vợ khác mà biết tbảo thuận, biết thương mẹ chồng cho bằng Cúc Hương. Hai Tỷ nhắc xấp xuyến của chị đưa hôm tháng ba đó là áo của Cúc Hương mua rồi cậy chị nói dối mà hiến cho bà. Cúc Hương lại còn căn dặn khi nào bà có thiếu hụt thì cứ cho hay đặng giúp đỡ cho Xuân an lòng ăn học. Bà nói hồi hôm Xuân thuật chuyện đó bà mới hay, bởi vậy bà cảm động đến rơi nước mắt.
Rồi đó bà Hương văn với chị Hai Tỷ hiệp nhau trách vợ chồng Hia Mỹ dại dột ham giàu, không kể lời nguyện ước trăm năm của con, mới gây tai họa cho hai trẻ.
Vĩnh Xuân nghĩ mình sửa soạn đi viếng mộ để niệm ân nghĩa của Cúc Hương, mà trách móc cha mẹ cô thì thất lễ, bởi vậy cậu thôi thúc Hai Tỷ chấm dứt câu chuyện đặng đi cho sớm. Bà Hương văn hỏi có mua nhang đèn đem theo đốt đặng vái vong linh Cúc Hương về chứng chiếu lòng thành của Xuân hay không. Hai Tỷ đưa cái gói mà nói có mua đủ hết, cũng có hộp quẹt nữa.
Vĩnh Xuân lấy gói nhang đèn mà cầm rồi đội nón ra đi với Hai Tỷ.
Tuy trời còn nắng, song nhờ có gió chướng thổi lai rai, nên hai chị em đi bộ mà không biết nóng nực.
Vĩnh Xuân lặng thinh ngó xuống lộ, lầm lủi đi một khúc đường rồi nói với Hai Tỷ: “Em nghĩ cuộc đời chẳng khác nào một đám hát, còn người đời dầu trai, dầu gái, dầu trẻ, dầu già, đền là đào kép hết thảy. Trời phân người làm tướng, kẻ làm quân, người làm quan, kẻ làm hề, người làm trung, kẻ làm nịnh, đặng xướng ca nhảy múa một hồi cho hết vai tuồng rồi gỡ râu, cởi áo, lột mão, bỏ hia, ra ngồi góc chợ, xó đình, ăn xôi, ăn cháo. Mà đời sống của con người cũng như giấc chiêm bao. Lo học cho rộng, lo làm nhân nghĩa cho tròn, lo xử sự cho khôn ngoan, lo ngồi cao hơn thiên hạ, chung cuộc rồi khôn dại, giàu nghèo, thấp cao, lớn nhỏ cũng phải chết như nhau, không ai tránh khỏi. Ấy vậy, Cúc Hương chết sớm, vai tuồng của cô đã dứt rồi, cô được nghỉ ngơi. Phần em còn sống đây, sống đặng trả cho dứt nợ đời, sống đặng lăng xăng chiều chuộng thế lực nhơn tình, chớ có ích chi cho em đâu mà sống”.
Hai Tỷ day qua ngó xuân mà hỏi: “Sao em lại nghĩ bậy như vậy ? Em tính chết theo con Tư hay sao ? Em tính cái đó quấy lắm. Em sống sao lại vô ích. Em có một bà mẹ già nghèo khổ, đương thương yêu em, đặt tất cả hy vọng vào sự ăn học của em. Vậy đời sống của em có cái ý nghĩa tốt đẹp quá, sống đặng lập thân danh mà nuôi mẹ”.
Vĩnh Xuân đáp: “Em có quên đâu. Vì em nhớ, nên em hay Cúc Hương chết cho trọn nghĩa với em, mà em vẫn còn sống được đây. Đêm hồi hôm, em tưởng nhớ tình nghĩa của Cúc Hương, em ngủ khộng được em tính đã đủ mọi đường, mà chưa thấy phải đi đường nào mới đền đáp tình nghĩa ấy cho xứng đáng. Em nói thiệt với chị Hai, lát nữa tới mộ, em sẽ vái vong linh Cúc Hương về đặng em xin lỗi. Em xin cô chứng nhận lòng kỉnh ái của em, vì còn mẹ già nên em không thể chết theo cô được. Em cũng sẽ xin cô châm chế cho em thôi học, vì nuôi mẹ già, em làm giáo làng, giáo tổng, hoặc làm mướn, làm thuê cũng nuôi được, chẳng cần phải học cho nhiều, học nhiều rồi vui sướng với ai, học nhiều rồi cũng làm tay sai cho thiên hạ”.
Hại Tỷ cười mà nói: “Cha chả,. em xin cái gì, chớ nói với con Tư đặng bỏ học, chắc nó không chịu. Nó căn dặn việc đó lung lắm. Nó cứ biểu em phải học cho đến cùng. Ý nó muốn như vậy, nên nó mới gởi tiền bạc đủ cho em ăn học đó chớ”.
Vĩnh Xuân hết cãi nữa.
Ra khỏi xóm rồi, Hai Tỷ đưa tay chỉ phía trước mà nói: “Miếng đất chùa ngó thấy rồi đó nằm dựa lộ, về phía tay trái, chỗ có mả lúp xúp đó”.
Vĩnh Xuân nói: “Vậy thì gần lắm. Mộ của cha tôi nằm trong xa nữa, bên phía tay mặt.
Hai người đi một chút nữa thì tới thổ mộ của chùa. Hai Tỷ do một bờ nhỏ mà vô, chị đi trước, Vĩnh Xuân theo sau. Vĩnh Xuân buồn hiu, mắt ngó các mộ, có ý muốn kiếm coi Cúc Hương nằm chỗ nào.
Hai Tỷ dắt đi quanh co lại tới một cái mả mới đắp, đất bị trời nắng rên núm mả nứt đường ngang, đường dọc, phía trên đầu có cắm một mộ chí bằng đá xanh. Hai Tỷ mới nói đó là mả của Cúc Hương. Vĩnh Xuân đọc mộ chí thấy khắc tên Lý Thị Tư thì cậu dằn lòng nữa không được, nên bước tới ôm núm mả vừa khóc vừa nói: “Cúc Hương em ôi ! Qua về đây em! Một phần cũng vì muốn đền đáp tình nghĩa của em nên qua rán học đêm, học ngày. Cuối năm qua được thấy thành công mỹ mãn, mong mau tới ngày bãi trương đặng về nói cho em vui mừng. Té ra về thì em không còn nữa ! Qua không thấy vui mừng mà lại thấy đau khổ ! Tức quá ! Chịu sao cho nổi !”
Vĩnh Xuân nghẹn cổ, nói không được nữa.
Hai Tỷ lấy gói nhang mở ra quẹt hộp quẹt đốt hai cây đèn cầy cắm trước mộ, mở lọn nhang thơm đốt nữa mà cắm giữa hai cây đèn. Chị đốt luôn vài lá vàng bạc với vài tờ giấy tiền mà vái: “Có Vĩnh Xuân về cậy chị dắt vô viếng em đây, em Tư. Hồn em linh thiêng thì về chứng chiếu lòng thành của Xuân và nghe Xuân khóc kể.
Hai Tỷ lại nắm cánh tay Xuân dắt đứng trước nhang đèn rồi biểu cậu vái.
Vĩnh Xuân chảy nước mắt ròng ròng, thủng thẳng đi lại đứng trước chỗ nhang đèn, lột nón quăng xuống đất rồi chắp hai bàn tay đưa lên ngang trán mà vái: “Qua là Phan Vĩnh Xuân, học trên trường Mỹ Tho, nhơn dịp bãi trường nên mới được về đây. Qua tha thiết khẩn cầu vong hồn của em Lý thị Tư, biệt hiệu Cúc Hương, hiển hích về đây nghe qua bày tỏ nỗi niềm đau khổ”.
Cảm xúc quá nói không được nữa, lại thấy Hai Tỷ ngồi bẹp xuống đất một bên đó khóc thút thít, Vĩnh Xuân càng thêm cảm, nên xếp chưn quì gối mà khóc rống lên.
Hai Tỷ vói lấy vài lá vàng bạc mà đốt nữa.
Vĩnh Xuân móc trong úi lấy miếng lụa có bút tích của Cúc Hương ra trải trước mặt rồi nói: “Cúc Hương em ôi ! Em rút trong sách Mạnh Tử viết 5 chữ mà để bút tích lại cho qua xem. Xem câu đó thì qua hiểu rõ tâm chí của em. Phận em thủ nghĩa đã xong rồi, còn phận qua đáp nghĩa, qua phải làm sao ? Qua còn mẹ già, lại mẹ nghèo khổ, qua không phép “Sát thân vi thành nhân” cho được. Về tới nhà từ chiều hôm qua, hay tin chắc chắn em đã chết, chết đặng vẹn toàn tình nghĩa với qua, thì tinh thần qua tán loạn, tâm chí qua đảo điên không còn biết đâu là phải đâu là quấy, sao là nên sao là hư mà tính. Nếu vong linh em hiển hích, xin em mách bảo cho qua biết đường lối mà đi. Em cứ căn dặn qua phải tiếp tục học cho đến cùng; trong giấc chiêm bao em đã biểu như vậy, mà trối với chị Hai em cũng biểu như vậy, em lại gởi tiền cho qua ăn học đủ bốn năm. Học làm gì nữa mà em biểu qua học ? Trước kia qua hăng hái học thêm là vì có hai nghĩa vụ: thứ nhứt giúp cho má qua hết cực khổ, thứ nhì là làm cho đôi ta thỏa mãn tình yêu. Nay em đã mất rồi, còn tình yêu gì nữa đâu mà phải lo làm cho thỏa mãn ? Còn việc nuôi mẹ thì qua đã đủ sức rồi, dầu làm nghề gì qua cũng nuôi được, không cần học cho nhiều hơn nữa. Vậy qua xin em vui lòng để cho qua trái ý em về chỗ đó. Trót một năm rồi, qua vì em nên qua cố gắng, qua học giỏi nhứt trong lớp. Em không còn sống mà hãnh diện về sự thành công rực rỡ của qua. Lò lửa tinh thần của qua đã nguội lạnh rồi, nghị lực tiến thủ của qua đã giảm suy rồi, làm sao qua học cho được giỏi nữa mà em muốn cho qua học. Thôi em, qua không còn ham muốn phú quí, lợi danh gì nữa hết. Từ rày qua chỉ lúc lắc theo đời đặng nuôi mẹ mà thôi, đợi hết vai tuồng rồi qua ngon giấc”.
Hai Tỷ lấy vàng bạc, giấy tiền đốt thêm nữa rồi chị vái tiếp: “Tư dặn chi những điều gì thì hồi hôm chị có nói lại cho Xuân nghe đủ hết. Xuân lãnh gói hàng với miếng lụa Tư có viết chữ đó. Còn 50 đồng bạc thì Xuân gởi cho chị cất, nói rằng hết muốn đi học nữa. Y theo lời em dặn, chị có khuyên Xuân đừng buồn rầu mà bỏ học. Dầu thế nào cũng phải học cho đủ bốn năm, ý em muốn như vậy, Xuân còn dụ dự nói để suy nghĩ lại. Đó các việc em dặn chị đã làm xong rồi hết”.
Vĩnh Xuân lấy miếng lụa, vừa đứng dậy, vừa nói: “Em chết mà em để lại cho qua mảnh lụa nầy, chẳng những là em để bút tích của em cho qua nhớ mà thôi, mà ý em còn tỏ trí ý của em cho qua biết nữa. Mảnh lụa nầy qua xem nó quí giá chẳng có chi bằng. Qua sẽ cất kỹ lưỡng để dành làm lá bùa tu dưỡng. Chừng qua có nhà cửa, qua sẽ đóng khuôn lộng kiếng treo trong phòng qua ngủ, để thấy nó cũng như thấy em. Thân mến nhau trót hai tháng khi học Mạnh Tử với thầy rồi thầm yêu trộm nhớ nhau tới hai năm nay nữa, hạnh phúc ấy không cho phép qua hối hận về cuộc gặp gỡ rồi nguyện ước cuộc trăm năm. Nhưng qua nghĩ lại cái hạnh phúc ngày bữa chớ không bền dai mà đôi ta phải mua với một giá mắc quá. Em nghĩ coi, phải lấy đời sống của em mà đổi với cái hạnh phúc như vậy, thì uổng thân phận em biết chừng rào. Từ buổi chiều hôm qua cho đến bây giờ qua ăn năn về sự hốt tốc của qua. Chớ chi khi nghe em nói chuyện chiêm bao thấy ông Tơ mách bảo duyên nợ của em, qua làm lơ đi, thà để trộm nhớ thầm yêu vậy thôi, đừng hứa hẹn trăm năm, đừng dắt nhau vào chùa Ông mà thề thốt. Đôi. ta có yêu nhau thì để bụng. Nếu phải duyên nợ nên sau Trời khiến được phối hiệp cùng nhau thì tốt, còn nếu có sự trắc trở nên phải rẽ phân thì thôi, bất quá đôi ta buồn ít ngày rồi nguôi ngoại. Tại qua thiếu thận trọng, qua nói với em bần phú bất đồng, nên sợ có chỗ khó, tại qua biết trước như vậy mà qua không có đủ nghị lực đàn áp ái tình để ái tình lôi cuốn rồi hứa hẹn thề nguyền nên bây giờ mới sanh họa, làm cho em.phải xá sanh mà thủ nghĩa. Em chết tại qua. Tội của qua lớn lắm”.
Vĩnh Xuân ngồi xuống đất khóc nữa. Hai Tỷ lại ngồi một bên mà an ủi. Hai người nói chuyện với nhau, mà chẳng nói chuyện chi khác hơn là nhắc nhở đức tánh của Cúc Hương, thương tiếc người như vậy mà mạng lại vắn.
Mặt trời chen lặn. Nhang đèn đã tắt hết rồi.
Hai Tỷ quẹt hộp quẹt cho Vĩnh Xuân đốt hết giấy tiền vàng bạc rồi chị em mới vái vong linh Cúc Hương mà về.
Ăn cơm tối rồi, thấy con chưa thay đồ, bà Hương văn biểu con lên thăm ông Giáo Huân một chút, kẻo ông hay về lâu mà không thăm, ông buồn.
Vĩnh Xuân nghe lời mẹ mới đi thăm ông Giáo. Vợ chồng ông thấy Xuân thì mừng rỡ vô cùng. Ông Giáo biểu ngồi rồi ông hỏi thăm việc học. Vĩnh Xuân tỏ thiệt trong năm rồi nhờ cậu cố gắng nên cậu giỏi nhứt trong lớp, hôm bãi trường cậu được phần thưởng đủ các môn.
Ông Giáo nói: „Cháu thông minh lại mẫn cán, bởi vậy thầy biết trước dầu học chữ gì cháu cũng giỏi hơn người ta. Thầy dạy mấy năm nay, thầy thấy con trai thì có cháu, côn con gái thì có Cúc Hương, hai đứa thiệt thông minh. Á, con Cúc Hương chết rồi. Cháu về cháu có nghe nói hay không ?“.
Vĩnh Xuân dụ dự rồi đáp: „Thưa, con có nghe nói“.
Ông Giáo nói: „Hia Mỹ dốt nát, ham tiền rồi làm bậy. Con có ăn học thì chọn người có ăn học mà gả. Ép gả nó cho thằng bột, nó bực tức tự nhiên nó phải tự vận. Năm cháu với Cúc Hương học Mạnh Tử, thầy thấy hai đứa đều ham học, lại xứng đôi vừa lứa, thầy có tính để ít năm cháu học xong rồi, thầy làm mai đặng cháu cưới Cúc Hương. Hai đứa phối hiệp với nhau chắc chắn gia đình êm ấm lắm. Tại vợ chồng Hia Mỹ làm bậy nên con nhỏ chết, uổng quá“.
Vĩnh Xuân nín khe.
Bà Giáo hỏi: „Hôm Cúc Hương chết, người ở chợ mình họ đồn rùm. Họ nói Cúc Hương có hứa hẹn tóc tơ với cháu, có đắt nhau vô chùa Ông mà thề. Khi vợ chồng Hia Mỹ tính gả nó cho con Thôn Khoa, nó có thú thiệt tình riêng của nó. Cha mẹ nó chê cháu, làm cho nó phiền nên nó mới tự vận. Thiệt nó có hứa hẹn với cháu, hai đàng có thề thốt với nhau, hay là thiên hạ đồn huyễn vậy cháu ?“.
Vĩnh Xuân ú ớ một chút rồi mới đáp: „Thưa, họ đồn đó đúng chớ không phải đồn huyễn“.
Ông Giáo trợn mắt ngó Vịnh Xuân mà hỏi:
- Thiệt hai đứa có yêu nhau và có thề nguyền với nhau hay sao ?
- Thưa, yêu nhau rồi thề chừng khôn lớn sẽ kết nghĩa vợ chồng với nhau vậy thôi, chớ không phải trai gái.
- Thầy hiểu. Còn nhỏ thì trai gái miệng, trai gái con mắt, chớ biết gì mà trai gái. Mà yêu nhau, nhưng không gần nhau, tình yêu như vậy mới mặn nồng. Hia Mỹ dại quá. Con đã thú thiệt sao lại rầy nó. Biết con có tình riêng thì thủng thẳng ta dọ coi tình con đậm lợt thế nào, người con yêu tánh nết ra sao, rồi ta liệu nếu con khờ dại yêu đứa hoang đàng thì ta lập thế làm cho khối tình tan rã, còn như tên trai đó phải người, thì ta tán thành ý của con, làm như vậy con mình nó mang ơn, mà thằng rể nếu có nghèo thì nó càng kính trọng mình thập bội. Sao nghe con nói thì vội chê nghèo, không kể tánh tình, không màng học thức, phủi hết để đem con mà bán vào nhà giàu, làm như vậy thì ngu qụá. Nghe nói nó chê cháu nghèo thầy giận lắm. Người nghèo có phải là đồ bỏ đâu mà khinh khi. Cháu rán học cháu, học cho đến cùng đặng ngồi trên cổ họ, cưới vợ giàu bằng mời họ cho họ sáng con mắt một chút.
Vĩnh Xuân ngồi êm rơ, không nói chi hết.
Ông Giáo nói tiếp: „Thầy không biết coi tướng, nhưng thầy biết tánh tình và trí não của cháu, thầy hắc cháu học trong ít năm nữa cháu sẽ nên danh rực rỡ. Cháu rán làm cho vợ chồng Hia Mỹ tiếc chơi“. Vĩnh Xuân không dám thổ lộ niềm riêng với thầy, nên ngồi nghe thầy nói và cứ vâng dạ vậy thôi, Chừng thầy bớt nói rồi cậu mới cáo từ mà về, nói về cho thầy nghỉ.
Bà Hương văn thấy con về, bà hỏi ông Giáo có nói chuyện Cúc Hương tự tử bay không. Vĩnh Xuân thuật câu chuyện lại cho mẹ nghe; cậu nói rằng bà Giáo hay cậu với Cúc Hương có hứa hẹn với nhau, khi cha mẹ định gả lấy chồng, Cúc Hương có tỏ thiệt tình riêng. Tại Hia Mỹ chê cậu cứ ép gả con cho Thôn Khoa nên Cúc Hương mới tự vận. Ông Giáo nghe nói Hia Mỹ chê cậu nghèo thì ông nổi giận, nên khuyên cậu rán học đặng sau cưới vợ giàu hơn Hia Mỹ cho hia sáng mắt ra.
Bà Hương văn nói: „Đến ông Giáo mà nghe chuyện đó ông cũng giận. Ông khuyên con như vậy phải lắm chớ.
Vĩnh Xuân thay đồ đặng ngủ.
Đêm đó Vĩnh Xuân nằm suy nghĩ, cậu nhớ lại thì ai cũng đốc cậu phải rán học cho cao. Cúc Hương trối mà dặn cậu phải tiếp tục học cho đến cùng, lại để tiền đủ cho cậu ăn học ba năm nữa. Mẹ cậu với Hai Tỷ đều khuyên cậu phải học tiếp. Bây giờ ông Giáo Huân cũng ép nữa, ông biểu phải học cho nên danh đặng họ hết khinh khi.
Chí tấn thủ gặp cơn ngao ngán có thể làm lung lay, còn lòng tự ái, dầu giữa hiểm nguy hay đau khổ, bao giờ cũng vững vàng, cứng cỏi.
Bị khinh khi, Vĩnh Xuân tức giận rồi lò lửa tinh thần từ hôm qua đã nguội lanh, nay nhờ thầy với mẹ khêu gợi, nên lần lần ngún lại ít nhiều. Đã vậy mà hồi chiều viếng mộ Cúc Hương, khấn vái rồi thổ lộ thâm tình, Vĩnh Xuân nhẹ bớt nỗi lòng, bởi vậy đêm nay cậu không thổn thức như đêm trước nữa, cậu nằm êm rồi ngủ quên, ngủ rất ngon giấc.
Vì trí cứ mơ tưởng mà xác lại mệt mỏi, nên đến canh khuya vắng vẻ, Vĩnh Xuân chiêm bao thầy Cúc Hương kêu mà tạ ơn về cuộc viếng mộ hồi chiều. Nàng vui vẻ nói: „Em lấy làm vui mừng được thấy rõ ràng vì yêu quí em nên khi em còn sống anh gắng sức ăn học được kết quả tốt tươi; rồi khi hay em mất anh buồn rầu thảm thiết. Nhưng em bất mãn điều nầy: Em phải chết đặng trọn nghĩa với anh. Anh thương tiếc thì tưởng nhớ nhau vậy thôi. Tại sao anh buồn rầu rồi thối chí, chán đời đến tính bỏ học ? Em chết thì anh cần phải học nhiều hơn nữa chớ. Anh phải học đặng thân được cao sang, danh được hiển đạt, cho người ta hết khinh rẻ anh nữa. Anh phải học đặng nuôi mẹ già, cho mẹ hưởng sung sướng với người ta, khỏi mua gánh bán bưng cực khổ nữa. Vì anh nghèo nên em mới chết, không được phối hiệp với anh. Đó là hai động lực giúp cho anh phấn chí mà học tiếp. Đó là đường lối đã vạch sẵn để cho anh đi. Anh không thấy hay sao, nên anh còn biểu em chỉ dẫn. Vì em muốn anh phải đi đường lối đó là đường lối giải thoát bần hàn để tiến tới hiển đạt, nên em ân cần căn dặn anh phải tiếp tục học hoài, và có gởi tiền bạc lại cho anh đủ phương tiện mà ăn học. Tưởng nhớ em thì được, mà tưởng nhớ đế chán nản bỏ học, cái đó em không vui lòng. Anh phải dẹp chán nản và phải phấn chí mà học. Hồn em sẽ ở một bên anh luôn luôn. Anh đừng lo chi hết”.
Vĩnh Xuân mừng quá, chụp rắm tay Cúc Hương. Nàng giựt tay bước lại cửa rồi biến mất. Chàng la lên một tiếng lớn rồi lồm cồm ngồi dậy.
Bà Hương vãn đương ngủ, bà nghe con la, lật đật quẹt hộp quẹt đốt đèn bước ra coi. Bà thấy Xuân ngồi thở dốc, mặt đổ mồ hôi. Bà hỏi tại sao mà la. Xuân nói chiêm bao thấy Cúc Hương về biểu phài tịếp tục học cho đến cùng, không được bỏ lỡ dở, sẽ có linh hồn nàng theo phò hộ luôn luôn. Xuân lập lại các lời của Cúc Hương cho mẹ nghe. Bà Hương văn nói vì Cúc Hương chết oan nên hồn linh khôn ngoan.
Bà khuyên con phải làm theo, không được cãi. Ý Cúc Hương cũng hiệp với ý bà và ý ông Gláo. Vậy thì Xuân không nên dụ dự nữa. Huống chi Cúc Hương đã có để tiền bạc lại, rồi linh hồn theo ám trợ nữa thì còn dụ dự nỗi gì.
Vĩnh Xuân ngồi nghe mẹ nói, cậu không cãi, dường như mười phần đã xuôi theo hết tám phần rồi.
Sáng bữa sau, bà Hương văn đi bán bánh rồi thì Vĩnh Xuân mặc đồ mát, đội nón ra khép cửa đặng gởi nhà mà đi. Bữa nay cậu đi thẳng vô phía trong thăm mả cha. Bận về cậu mới ghé mộ Cúc Hương rồi ngồi một bên mà tưởng nhớ. Cậu ngồi rất lâu, ngồi tới mặt trời lên cao, nắng giọi nóng gắt cậu mới chịu về.
Buổi chiều cậu ra thà Hai Tỷ thuật chuyện chiêm bao hồi hôm cho chị nghe, rồi nói thầy với mẹ cậu cũng như Cúc Hương đồng ý khuyên cậu phải đi học tiếp cho đủ bốn năm.
Hai Tỷ nói ai cũng biểu phải đi học nữa, học đặng cho chúng hết khinh khi. Đến Cúc Hương cũng hiện về biểu phải học cho đến cùng. Vậy thì Xuân phải nghe lời, không được phép trái ý người yêu đã khuất mặt.
Chị lấy gói bạc giao cho Xuân.
Xuân nói: “Những người yêu tôi đều hiệp nhau khuyên tôi phải tiếp tục học nữa. Vậy tôi phải vâng lời. Nhưng gần cuối tháng giêng mới khai trường, nên tôi không lấy tiền bạc làm chi bây giờ. Chừng gần đi tôi sẽ lấy, lại mỗi năm tôi lấy 10 đồng mà thôi. Xin chị Hai cất giùm để mỗi năm phát cho tôi 10 đồng.
Hai Tỷ thấy Xuân bớt chán nản, thì chị mừng. Chừng Xuân về, chị đi theo ra cửa mà nói: “Em thương con Tư thì cứ đi học cho nó vui lòng. Em đừng lo cho thím Hương văn ở nhà. Bây giờ con Tư mất rồi thì còn chi đây. Em dặn thím khi nào có túng rối thì thím cho chị hay. Chị sẽ tiếp giúp cho. Sau em làm nên em sẽ trả lại.
Vĩnh Xuân đứng lại ngó Hai Tỷ và nói: ”Em cám ơn chị. Em sẽ rán làm nên”.
Kỳ bãi trường nầy Vĩnh Xuân cứ ở nhà coi sách, không thèm ra chợ chơi. Hễ nhớ Cúc Hương thì ra nhà Hai Tỷ nói chuyện, đặng cùng nhau nhắc nhở người quá vãng hoặc ôm sách đi vô mộ Cúc Hương ngồi mà đọc, sớm mơi đọc tới trời nổi nắng, buồi chiều đọc tới trời sụp tối mới chịu về. Đến Tết tinh thần Vĩnh Xuân vượng lại như xưa, chí tấn thủ hăng hái trở lại, duy sắc mặt có vẻ buồn, cặp mắt lườm lườm như giận.
Gần tới ngày khai trường có đò khác ra đưa hành khách đi Mỹ Tho. Vĩnh Xuân khỏi đi đò Chợ Dinh mà phải tốn thêm tiền xe. Cậu sắp đặt sách vở áo quần rồi đi thăm ông Giáo Huân với chị Hai Tỷ mà từ giã.
Hai Tỷ lấy gói bạc mà đưa. Vĩnh Xuân đếm lấy 10 đồng mà thôi, còn bao nhiêu thì gởi lại, Hai Tỷ nài ép lấy 15 đồng, Xuân nói tiền cũ còn ít đồng, nên không cần lấy nhiều.
Buổi chiều Xuân mua một lọn nhang đem vô mộ Cúc Hương đốt mà vái, lầm thầm nguyện ước với vong linh người yêu rằng sẽ tận tâm nỗ lực mà học đặng lập thân danh cho cao, cho thiên hạ biết núi chẳng cầu cao, hễ có tiên ở thì có danh, sông chẳng cầu sâu, hễ có rồng thì linh thiêng, Phật vàng thờ trong chùa rách cũng xong, chí sĩ nằn trong lều tranh cững quí.