Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26

dạng PDF

Tơ Hồng Vương Vấn

ĐOẠN THỨ NĂM

MƠ MÀNG NGƯỜI XƯA

(21) I

Thầy Phan Vĩnh Xuân làm ký lục tại Tòa Bố Mỹ Tho hơn 8 năm, thầy đứng thôn ngôn và làm việc cũng như mấy thầy ký khác, thầy không co quyền mà trừng trị ai, cũng không có thế mà nâng đỡ ai, thầy chỉ giữ bốn chữ “thanh cao chánh trực” dầu gặp trường hợp nào thầy cũng không quên bốn chữ đó.

Người ta đương than phiền về thói bóc lột thì Vĩnh Xuân giữ thanh liêm, người ta đương đau khổ với sự hiếp đáp thì Vĩnh Xuân giữ chánh trực, người ta đua nhau hống hách xa hoa thì Vĩnh Xuân an phận thanh bần, vui thú phong lưu, chơi cách cao thượng.

Vĩnh Xuân cư xử trong vòng nghĩa nhân, kiệm ước, khiêm nhường, ôn hòa, giúp người chớ không hại người, ai phải thì gần, ai không phải thì lánh xa, không dua bợ, nịnh hót ai, không thù oán, giận lờn ai, thầy chỉ ăn ở như vậy đó mà thôi, chớ không mong học thói anh hùng hay quân tử gì hết, mà cũng được công chúng xa gần ngợi khen kính mến, thậm chí mấy người xầm xì chê thầy khờ khạo không biết thừa cơ hội mà làm giàu, nhưng trước mặt họ cũng phải kiêng nể, phải sụt sè nhườg bước.

Khi Vĩnh Xuân cưới được vợ giàu mà thầy không đổi cách ăn ở thì người ta chưa nói gì đến chừng thầy ưng thuận để bỏ người vợ quí ấy, quí là tại có gia tài ở sau lưng, để bỏ mà thầy không có chút buồn tiếc, chừng đó người ta mới chắc lưỡi lắc đầu, mới hiểu thầy ái mộ thứ gì quí hơn bạc tiền, vườn ruộng.

Mà thiệt Vĩnh Xuân rứt bỏ Cẩm Nhung được rồi, thầy không buồn, không tiếc, không giận, không phiền chút nào hết. thầy gở rồi xếp mà cất tấm hoành có thêu bốn chữ „Sắt cầm hảo hiệp“ của mấy ông mấy thầy chúc mừng cho thầy lúc cưới vợ, thầy để cho mẹ vui chơi săn sóc Vĩnh Tân, chăm nom dỗ ngủ cho cho ăn, thầy hòa đờn, làm thi với ông Kinh Lương, vui chơi hoài không nhàm không chán.

Đêm nào không đờn không làm thi, thì Vĩnh Xuân chong đèn ngồi tại bàn viết, hoặc đọc sách, hoặc xem luật lệ hành chánh để mở rộng kiến thức và rành rẽ nghề nghiệp thêm mà hễ ngồi lại bàn viết thì thầy chẳng khỏi nhìn bút tích của Cúc Hương, có khi nhìn trót nửa giờ, nhìn rồi lơ lửng thầm hỏi Cúc Hương đầu thai trong nhà nào, ở đâu, năm nay cô được bao nhiêu tuổi ?

Năm nay Vĩnh Xuân ăn lương lớn rồi, số lương châu cấp cho gia đình xài không hết thế mà bà Hương văn vẫn còn gói bánh ú, bánh tét mà đếm cho bạn hàng hoài, vì thím Tư Cam cứ theo nói gói bánh không cực khổ gì, lại bánh ngon bán đắc, mỗi tháng có lợi đến bốn năm chục đồng, nếu dẹp nghề thì uổng lắm.

Ba Kha qua thăm Vĩnh Xuân thường thường, lần nào qua cũng có cho đồ, khi thì cho trà ngon khi thì cho xoài mít hoặc cau dừa, anh em gặp nhau cũng vui vẻ thân thiện, như hồi trước, nhưng cả hai người không bao giờ nhắc tới Cẩm Nhung.

Bà Chủ Thiệu cũng có qua thăm chị sui với cháu ngoại, lần đầu vì thẹn thùa nên bà bợ ngợ không vui chừng thấy chị sui vẫn niềm nỡ như xưa, mà chàng rể đi làm việc về cũng chào mừng đủ lễ, thì bà hết ái ngại nữa, nên vài ba tuần bà qua thăm một lần, qua thường tự nhiên quen với Vĩnh Tân, rồi bà ngoại với cháu ngoại vui vẻ nói chuyện với nhau, gây được cảm tình, không còn ngần ngại gì nữa.

Bà Hương văn thấy con đã để vợ, song vẫn còn thân thiện với mẹ vợ như xưa, lại thấy bà Chủ qua thăm thường, nếu mình không thăm lại thì thất lễ, nên rủ bà Kinh đi thăm bà Chủ đặng đem Vĩnh Tân qua bên ngoại nó chơi. Hai bà qua Chợ Cũ mấy lần, mà không lần nào thấy dạng Cẩm Nhung, lại cũng không nghe bà Chủ nói tới.

Bà Kinh có tánh hay lục lạo, nhưng thấy bà Chủ không nhắc tới cẩm Nhung, bà không nỡ bươi đống tro tàn vì sợ nó bay bụi nhưng bà cứ tìm người quen mà dò dẫm trót cả năm trời mới nghe tin tức chắc chắn mà nói lại cho bà Hương văn hay. Theo lời người ở trong xóm nói với bà, thì được án Tòa cho phá hôn thú rồi, Cẩm Nhung qua ở với anh là Tư Thông bên Bến Tranh. Cách ít ngày cô sanh một đứa con gái nhưng vì cô buồn rầu nên thai không được mạnh. Đứa gái tội lỗi đó sanh được có mấy ngày rồi nó chết. Cô Cẩm Nhung đau luôn một tháng, chừng cô mạnh rồi Ba Khai mới cho xe qua rước cô về Chợ Cũ mà ở. Từ ấy đến nay Cẩm Nhung mặc đồ vải, tối ngày ở nhà cầu hoặc nhà bếp, chớ không được léo lên nhà trên. Bây giờ cô ốm teo, hai má cóp, cặp mắt sâu, cái sắc đẹp ngày trước mười phần, bây giờ chỉ còn vài ba phần. Mỗi lần bà Hương văn đem Vĩnh Tân qua thăm bà Chủ thì cô Cẩm Nhung chạy ra vườn mà trốn, không dám cho con với mẹ chồng cũ thấy mặt cô.

Bà Hương văn nghe như vậy thì bà động lòng bà khen Ba Khai trị gia thiệt nghiêm, em phạm tội phải sống mà đền tội, nhưng sống hèn hạ, ưu sầu, chớ không được sống cao sang, vui vẻ nữa. Mà bà tội nghỉêp cho thân phận Cẩm Nhung, rủi sa chưn sẩy bước mà cảnh đời tươi cười hoá ra cảnh đời thê thảm.

Thầy thuốc Hoằng ở căn phố giữa ông Kinh với Vĩnh Xuân, thầy trả phố đặng lên Cầu Kho trên Sài gòn mở tiệm coi mạch và hốt thuốc bắc với cao đơn huờn tán. Bà Hương văn đã có tiền dư được bốn năm trăm, thấy con hay có khách tới chơi, mà ở một căn chật hẹp tiếp khách bất tiện. Bà bàn tính với bà Kinh, tỏ ý muốn mướn luôn căn của thầy Hoằng đặng dọn ở hai căn cho rộng rãi. Bà Kinh tán thành việc ấy lắm, bà nói mướn thêm căn đó để riêng cho Vĩnh Xuân, hai người qua đờn chơi với nhau thuận tiện không biết chừng nào. Tối bữa đó hai bà nói cho Vĩnh Xuân với ông Kinh hay, hai người nầy chịu liền. Bà Kinh mới lãnh đi nói với chủ phố mà mướn.

Sớm mai, Ba Khai đi chợ, ghé giao bánh trái của bà Chủ gởi cho Vĩnh Tân. Cậu gặp thợ của chủ phố sai ra coi đặng dặm vá và sơn phết căn nhà trống để cho sạch sẽ đặng thầy thông ở. Cậu khuyên bà Hương văn nhơn dịp có sẵn thợ, bà biểu phá vách phía trong làm cửa đặng hai căn thông với nhau, để qua lại cho tiện. Bà chịu. Cậu chỉ cho thợ trổ cửa rồi cậu về.

Đến xế mát bà Chủ Thiệu qua nữa. Bà thăm chị sui với cháu ngoại. Bà qua coi căn nhà thợ đang làm, rồi đi luôn qua thăm bà Kinh. Thừa lúc không có mặt chị sui, bà Chủ mở khăn nhỏ lấy 10 tấm giấy săng để trên ô trầu mà nói với bà Kinh: “Thuở nay tôi có ý muốn giúp cho thầy thông sắp đặt bề ăn ở cho sung sướng. Mà nói cách nào thầy cũng không chịu. Bận vợ chồng phải lìa nhau tôi muốn cho thẩy năm ba ngàn hoặc mua nhà cho thẩy ở, mà thằng Ba tôi nói hết sức, thẩy cứ từ chối hoài. Hôm nay thẩy chịu dọn một căn riêng đặng ở cho thong thả mà tiếp khách. Thẩy phải mua sắm đồ đạc cho tốt đặng dọn coi cho được. Tôi muốn chịu tiền cho thẩy mua sắm đồ mà hồi trước thẩy còn không chịu thọ đồng tiền của tôi, bây giờ tôi nói ra tôi sợ thẩy từ chối nữa. Nói với chị sui tôi, thì tôi sợ chỉ cũng không chịu. Thầy thông thanh bạch như vậy, lẽ nào chị sui tôi làm trái ý thẩy. Vậy tôi xin gởi một ngàn cho bà. Bà thừa lúc nào chị sui tôi vui, bà to nhỏ cắt nghĩa sự thành tâm hảo ý của tôi cho chỉ biết, rồi hai bà dùng số tiền nầy mà sắm đồ cho thiệt tốt đặng dọn coi cho vui. Nếu phải cần dùng thêm một hai ngàn nữa mới đủ mua thì bà cứ cho tôi hay, tôi sẽ đưa thêm nữa. Thằng Ba tôi nó cứ theo căn dặn phải mua đồ cho tốt, đừng hà tiện. Nếu muốn mua bàn ghế hay tủ giường thứ gì ở đây không có thì bà cho nó biết, nó sẽ lên Sài gòn mua chở về cho. Nó muốn lãnh dọn nhà cho thầy thông hẳn hòi, nhưng nó sợ thầy thông không chịu, nên nó không dám ra mặt, vì vậy nên tôi phải cậy bà lập thế làm giùm cho êm”.

Bà Kinh biết bà Chủ với Ba Khai thành thiệt quí trọng Vĩnh Xuân và hảo tâm giúp đỡ để tỏ lòng mến tiếc, chớ chẳng có ý chi khác, bởi vậy bà chịu lãnh điều đình với bà Hương văn đặng lo dọn nhà cho Vĩnh Xuân mà không cho thầy biết có mẹ con bà chủ nhúng tay vào. Bà lấy một ngàn đồng bạc mà cất, sợ rủi bà Hương văn lại bà thấy thì bại lộ mưu kế.

Trong lúc gần dọn nhà, bà Kinh mới tỏ riêng sự bà Chủ giúp tiền cho bà Hương văn hay và giữ kín đừng cho Vĩnh Xuân biết.

Ba Khai qua hằng ngày dắt hai bà đi lựa đồ mà mua. Ở Mỹ Tho thì có bàn ghế tủ ván mua được. Ba Khai lãnh lên Sài gòn mua một giường sắt, một đồng hồ treo với một bộ đồ rửa mặt mà chở về. Nhờ ba bà giúp một, thành thử căn nhà của Vĩnh Xuân ở thiệt đẹp đẽ, có đủ đồ, bên căn cũ đem qua chỉ có cái bàn viết, cái tủ sách, với cái khuôn liếng lộng bút tích Cúc Hương mà thôi.

Vĩnh Xuân thấy càng bữa càng có thêm đồ mà đồ nào cũng quí giá, thì hỏi mẹ tiền ở đâu mà mua đồ nhiều dữ vậy. Bà Hương văn nói tiền bà bán bánh có lời để dành mấy năm nay nên bây giờ có dịp thì xài, cất làm chi nữa. Vĩnh Xuân không tin, có ý nghi mẹ vay mượn của người khác, hoặc có bà Chủ tiếp giúp. Thầy hỏi bà Kinh thì bà Kinh cũng nói như bà Hương văn, bởi vậy thầy bít lối, hết nói nữa được.

Vì bây giờ ở tới hai căn mà con Sen lại xin thôi, bà Hương văn phải mướn thằng Ca 17 tuổi, ở phụ với thím tư Cam, giặt đồ cho Vĩnh Xuân và ban đêm có khách nó lo trà nước cho tiện. Thằng nhỏ thiệt giỏi, lẹ làng vui vẻ, mua lá chuối, đi chợ, phụ nấu cơm, quét nhà, giặt đồ, làm việc nào cũng gọn.

Vĩnh Xuân được sống tự do một mình trong một căn nhà có đủ tiện nghi mà rèn tập văn chương, nhóm bạn cầm thi, thầy lưu tâm vào đèn sách công phu, mê mẫn với phong lưu thú vị.

Đêm nào ông Kinh cũng qua mà đàm đạo rồi khi ngâm câu tao nhã, lúc to nhỏ tiếng đờn, bữa nào có cụ Huấn Trai vô thì thêm giọng tiêu nghe phới động can trường, hiệp với tiếng kìm gợi nỗi niềm sầu thảm.

Văn đã thanh tao, đờn đã thiện nghệ, Vĩnh Xuân mở rộng giao thiệp càng ngày càng rộng thêm. Chẳng những nhạc sư tứ phương như các cụ Năm Diêm, Ký Quờn, Ký Hiệp, Tử Thức, Tư Khôi lui tới thường thường mà thôi, mà những văn sĩ có danh trong Lục Tỉnh như mấy cụ Mộng Liêm, Tòng Khuê, Nguơn Tiêu, Thanh Phong, Lê Sum, Bá Nghiêm, Hoằng Tiêu đều là khách tri âm, đồng chí của Vĩnh Xuân hết thảy.

Trót mấy năm, Vĩnh Xuân sống với chuỗi ngày thảnh thơi, khỏe khoắn, tục lụy tránh khỏi, nhiệm vụ giữ xong. Chừng Vĩnh Tân được 7 tuổi, thầy cho nó đến trường mà học, có thằng Ca đưa đi rước về mỗi buổi.

Năm Vĩnh Xuân được 35 tuổi, thầy có đủ điều kiện dự thi chức Tri Huyện. Thiệt thầy không ham tranh danh, chỉ muốn an nhàn đặng dưỡng chí và nuôi mẹ mà thôi, mà mấy thầy cứ theo đốc hoài, nhứt là vợ chồng ông Kinh Lương nói không làm việc nhà nước thì chẳng nói làm gì, chớ đã chọn quan trường thì phải tiến bước với người ta, tại sao lại muốn thối thoát. Huống chi thầy viết Pháp văn dễ dàng, nói tiếng Pháp nhậm lẹ, hiểu biết các cơ quan hành chánh, đáng mặt làm quan Huyện, tại sao lại không chịu làm ? Dầu thầy không muốn, thầy cũng làm cho bà mẹ già vui lòng được thấy đứa con bà dưỡng dục dày công, nay nó chiếm được một địa vị khả quan trong xã hội.

Ông Kinh Lương giỏi thiệt. Ông biết Vĩnh Xuân là người chí hiếu, ông đem cái thuyết đó mà nói làm cho Vĩnh Xuân xiêu lòng liền.

Vĩnh Xuân làm đơn xin dự thi chức Tri Huyện. Thiệt thầy thi đậu dễ dang, lại giựt danh thủ khoa nữa.

Mấy thầy ở Mỹ Tho hùn tiền đặt tiệc đãi Vĩnh Xuân mà mừng cho thầy gởi bước đường mây rộng rãi.

Bà Chủ Thiệu hay tin thì trưa bà qua liền mà chúc mừng cho Vĩnh Xuân, rồi tối Ba Khai cũn qua mà mừng riêng phần cậu nữa. Thừa lúc có bà Hương văn với ông Kinh, bà Kinh đủ mặt, Ba Khai mới đứng dậy mà nói: “Má ôi hay đượrg Năm thi đậu Tri Huyện, má tôi mừng quá, hồi nãy má tôi hay tôi qua thăm dượng Năm, má tôi biểu tôi thay mặt mời dượng Năm, mời bác với ông Kinh, bà Kinh nữa, bữa chúa nhựt qua nhà ăn cơm trưa với má tôi một bữa, không phải yến tỉêc gì, ấy là bữa cơm thân mật trong gia đình để má tôi tỏ lòng mừng cho đường công danh của dượng Năm hiển đạt chớ không có ý chi khác. Vậy tôi cúi xin bác, ông Kinh, bà Kinh với dượng Năm vui lòng chấp thuận, chớ nếu từ chối thì má tôi buồn lắm”.

Vĩnh Xuân dụ dự, ngồi lặng thinh, suy nghĩ.

Bà Hương văn nói: “Từ ngày có chuyện, chị sui với cậu Ba qua thăm hoài, mà con không thăm lạỉ đặng trả lễ một lần nào hết, hôm nay con được hiển đạt, chị sui muốn cho con qua nhà ăn cơm với chị một bữa. Vậy con không nên chối từ. Bề nào cũng là tình me con, chị sui ở bển là bà ngoại của thằng Tân. Con thi đậu má mừng thì chị sui ở bển cũng mừng. Con không được phép phụ tình chị sui với cậu Ba, dầu mấy năm nay vợ chồng xa nhau, song chị sui củng vẫn đãi con là con rể, không đổi ý thay lòng chút nào hết.

Ông Kinh với bà Kinh tiếp vô mà nói, thế nào Vĩnh Xuân cũng phải nhậm lời của bà Chủ mời, không được từ chối. Vĩnh Xuân thấy ai cũng đồng ý chấp thuận hết nên thầy phải xuôi theo, cậy Ba Khai về thưa với bà Chủ rằng trưa chúa nhựt bà con bên nây sẽ qua ăn cơm với bà Chủ một bữa cho vui lòng. Ba Khai hết sức vui mừng, hứa chúa nhựt, lối 9 giờ, sẽ cho xe rước bà Hương văn, bà Kinh với Vĩnh Tân qua trước rồi xe trở lại rước ông Kinh với Vĩnh Xuân đi chuyến sau.

Ba Khai về rồi, mấy người mới bàn luận thái độ của bà Chủ và Ba Khai. Ai cũng công nhận mẹ con bà Chủ thiệt tình mến trọng Vĩnh Xuân, trọng người biết đạo nghĩa, chớ không phải có ý lân la đặng cậy quyền, cậy thế. Vĩnh Xuân hỏi mấy năm nay Cẩm Nhung có chồng khác hay không và làm nghề gì ở đâu, sao không nghe bà Chủ hoặc Ba Khai nhắc tới. Bà Kinh mới tỏ cho Vĩnh Xuân biết tin tức của bà lóng nghe, bà nói khi phá hôn thú rồi, Ba Khai mới dùng quyền anh lớn mà trị tội em hư. Đưa Cấm Nhung qua Bến Tranh ở với anh là Tư Thông. Sanh con gái, đứa nhỏ chết, mẹ bịnh nặng. Chừng Cẩm Nhung mạnh rồi, Khai mới cho rước về ở nhà bên Chợ Cũ, bắt Nhung mặc đồ vải, chớ không cho mặc hàng lụa nữa. Ở nhà cầu với nhà bếp, chớ không được leo lên nhà trên, không đi chơi, mà ai tới cũng không được nói chuyện. Mấy lần bà Kinh hay bà Hương văn đem Vĩnh Tân qua thăm bà Chủ, thì Cẩm Nhung sụt ra sau vườn mà trốn, không được thấy mặt con hay mẹ chồng. Bà Kinh khen ba Khai thế quyền cho cha mà trị đạo nhà thiệt là nghiêm khắc; mà theo ý bà phải gắt gao như vậy nới duy trì mỹ tục thuần phong.

Ông Kinh không hiệp ý với bà, ông nói người có tội phải đền tội thì đã đành, nhưng cách Ba Khai làm có hơi quá lố. Vĩnh Xuân buồn hiu, không nói chi hết. Sáng chúa nhựt xe qua sớm rước bà Hương văn, Vĩnh Tân với bà Kinh đi trước. Tuy xe trở qua liền, song Vĩnh Xuân biểu xa phu chờ, đến 10 giờ thầy mới đi với ông Kinh.

Xe ngừng thì có Ba Khai với Tư Thông, hai anh em mặc áo dài đàng hoàng, chực sẵn ngoài sân mà tiếp khách.

Đã mấy năm rồi Vĩnh Xuân không eó để chưn đến đây nữa, nhưng mà hôm nay thầy không bợ ngợ, bắt tay chào hai anh vợ cũ, rồi xăng xớm bước lên thềm mà vô nhà.

Vĩnh Tân lật đật chạy ra đó đón cha.

Vĩnh Xuân thấy bà Chủ đương ngồi trên bộ ván lớn ở phía trong với bà Kinh và bà Hương văn. Thầy nắm tay Vĩnh Tân dắt đi thẳng vào đó. Ông Kinh cũng đi theo sau.

Bà Chủ leo xuống ván đứng chào khách.

Vĩnh Xuân lại gần chấp tay chào mẹ vợ cũ và hỏi: “Thưa má, bữa nay khỏe mạnh hay không ?”.

Nghe chàng rể cũ, bây giờ là quan Huyện, cũng vẫn gọi bà bằng má như hồi trước, bà Chủ vui buồn lẫn lộn, bà cảm xúc cực điểm, nên miệng thì cười mà nói: “Ừ, bữa nay má khỏe, má vui lắm”, mà hai giọt nước mắt chảy ướt hai gò má của bà.

Đã có cái bàn nhỏ với hai cái ghế để sẵn trước bộ ván, bà Chủ mời ông Kinh với Vĩnh Xuân ngồi đó đặng gần với mấy bà nói chuyện cho đễ.

Tư Thông bưng một bình trà mới đem lên, ba Khai rước lấy mà rót hai tách, vừa rót vừa nói: “Tôi biết ông Kinh với dượng Năm ưa uống trà ngon, nên hôm qua có dịp đi Sài gòn, tôi vô Chợ Lớn kiếm mua trà thượng hạng mời ông Kinh với dượng Năm uống thử coi thiệt trà ngon hay không, mắc tôi không quen uống trà tôi không hiểu ngon, dở”.

Ông Kinh uống thử, ông khen trà thiệt ngon. Vĩnh Xuân cũng khen ngon và hỏi trà hiệu gì.Tư Thông đem hộp trà đưa cho Vĩnh Xuân coi, Vĩnh Xuân vừa ngó thấy thì nói: “Trà Thiếc Quan Âm mà, ở đây không có bán, vì ít ai mua, người không quen uống trà, họ chê nó đắng lại giá mắc bằng hai Trung quốc kỳ chưởng. Có một mình cụ Huấn Trai ưa, cụ cũng phải gởi mua trên Chợ Lớn mới có”.

Vĩnh Tân cứ xẩn bẩn đứng một bên cha. Bà Hương văn kêu lại ván mà ngồi để cho cha nói chuyện. Tân không chịu đi. Tư Thông thấy vậy mới nhắc để thêm một cái ghế dựa bên Vĩnh Xuân rồi đỡ Tân lên ngồi chơi.

Bà Chủ ngó rể, ngó cháu ngoại, trong lòng hân hoan vô cùng, song cặp mắt bà ướt rượt.

Ba Khai lo cầm khách, còn Tư Thông thì coi sắp đặt bàn ăn, dọn ăn tại cái bàn tròn để giữa nhà, chỗ để tiếp khách quí.

Vĩnh Xuân nói chuyện vui vẻ, thân thiết như hồi trước, không thay đổi chút nào. Nói với bà Chủ thầy cũng xưng con và cũng gọi bằng má. Cái dó làm cho bà hết thẹn thùa, hết bợ ngợ nên bà vui vẻ gọi Vĩnh Xuân bằng con với giọng ngọt ngào êm ấm, đầy tình nghĩa, đầy thương yêu. Bây giờ bà thấy rõ tai họa năm trước xảy ra trong nhà, bà tưởng nó đã phá hạnh phúc gia đình của bà tiêu tan hết, không dè nhờ lòng quảng đại của chàng rể, ham nhân nghĩa hơn tiền bạc mà hạnh phúc vẫn còn lưu lại cho bà được ít nhiều, để bà vui hưởng lúc già yếu.

Bàn đặt xong rồi đồ ăn dọn lên đủ rồi, Ba Khai bèn lại thưa cho bà hay.

Bà Chủ đứng dậy mời khách dùng bữa, dùng một bữa cơm thân mật gia đình đặng mừng cho rể cũ của bà là bực quảng đại nên được Phật Trời ban thưởng thân danh hiển đạt.

Tuy dọn ăn trên một bàn tròn, song bà Chủ muốn sắp ngồi đàn ông với đàn bà phân biệt. Bà mời bà Kinh ngồi trước, kế đó là bà Hương văn, Vĩnh Tân ngồi tiếp theo, rồi đến bà Chủ. Làm như vậy cho cháu Tân ngồi giữa một bên bà nội nuột bên bà ngoại. Còn phía đàn ông thì ông Kinh ngồi giáp với bà Kinh rồi tới Vĩnh Xuân, Ba Khai ngồi tiếp theo đó nữa. Tư Thông phải đứng ngoài coi ăn.

Vĩnh Xuân nói bữa cơm gia đình thì hai anh phải ngồi đủ, thầy nài Tư Thông cũng phải ngồi ăn chung cho vui, nếu có thiếu vật chi thì sai người nhà đi lấy. Tư Thông phải nhắc thêm một cái ghế mà ngồi giữa bà Chủ với ba Khai.

Tuy nói bữa cơm gia đình song đồ ăn quí, lại nhiều, có yến, có bào ngư, có heo con quay, có vi cá, cũng như dọn cỗ.

Ông Kinh với Vĩnh Xuân khen đồ ăn ngon, lại nhiều quá, làm cho bà chủ vui lòng, bà khồng cần phải dè dặt hay kiêng nể nữa. Lúc gần mãn tiệc, bà Chủ ngó Vĩnh Xuân rồi nghiêm nét mặt mà nói: „Nầy con, bữa nay sẵn có chị với ông Kinh, bà Kinh, má xin phép nói với con một chuyện. Bây giờ con đã làm ông quan rồi, con nên tính bề chấp nối tóc tơ đặng con có người nội trợ cho chị khoẻ và cho con an trí mà lo dạy dân. Con coi chỗ nào biết nhơn nghĩa thì con cưới, chẳng cần giàu hay nghèo. Má sẽ phụ với chị mà lo gia thất cho con, họ có đòi nữ trang với tiền đồng bao nhiêu thì má sẽ giúp hết, con khỏi lo việc đó“.

Vĩnh Xuân châu mày, ngó ngay bà Chủ mà đáp:

-         Thưa má, con rất cám ơn má có lòng lo cho phận con. Nhưng con phải thưa thiệt với má, từ ngày con để vợ con rồi, thì con chẳng hề tính cưới vợ khác. Cưới vợ làm chi nữa ? Con cưới cô Cẩm Nhung, con gây tai họa cho cô, việc ấy làm con hối hận vô cùng. Nếu con cưới vợ khác, con sẽ gây tai họa thêm cho một người nữa, chớ có ích chi mà cưới. Cô Cẩm Nhung đã giúp cho con có được một đứa con trai, bao nhiêu đó đã đủ rồi, con còn mong mỏi sự gì nữa mà cưới vợ.

-         Tại con Cẩm Nhung trắc nết, nên nó gây tai họa, chớ nào phải tại con gây ra đâu mà con hối hận ?

-         Xét trên ngọn, ngó bề ngoài, thì ai cũng thấy lỗi tại nơi cô Cẩm Nhung, nhưng nếu xét tới gốc, dòm tận bề trong thì con thấy lỗi của cô Cẩm Nhung vốn tại nơi con, cô mới gây ra được. Bữa nay con xin phép tỏ thiệt với má và hai anh của con đây, nếu má gả cô Cẩm Nhung cho một người chồng nào khác, thì có lẽ cô sẽ làm một người vợ trung thành, đúng đắn, chớ không đến nỗi hư như vậy.

-         Con nói mắc mỏ quá, má hiểu không nổi. Nó có chồng như con là phước đức lớn lắm rồi, chớ còn chồng bực nào nữa ?

-         Thưa má, thiệt con ngay thẳng, con lấy nhân nghĩa mà đối đãi với mọi người nhưng làm chồng thì con thiếu tư cách, thiếu nhiều. Có một người vợ trẻ tuổi lại đẹp đẽ, con không biết dan díu, chiều chuộng, con nguội lạnh, lơ là, con để vợ thong thả, không thèm ngó ngàng tới, thế thì làm sao mà vợ con khỏi hư ? Tại như vậy nên vợ con hư, con xét kỹ thì con ăn năn, con không nỡ giận nó. Tánh tự nhiên của con cũng còn vậy hoài, thế thì cưới vợ nữa, con sẽ làm cho một người khác hư nữa.

-         Con là người quảng đại, con giành tội lỗi về phần con, đặng tha thứ cho vợ. Người đàn bà phải lấy chữ trinh làm trọng, dầu chồng bỏ cũng phải thủ tiết với chồng. Huống chi chồng đó, con đó, mà đành đi lấy trai, thì cớ gì mà tha lỗi cho được.

-         Thưa má mấy năm nay vợ chồng con phá hôn thú rồi, con vẫn tưởng người làm cho cô Cẩm Nhung té xuống vũng sình lầy, họ có lương tâm, họ đã vớt cô lên mà tắm gội cho cô. Mới vài bữa đây con hay không phải vậy. Trên thì má, dưới thêm hai anh, lấy gia pháp mà trị tội cô Cẩm Nhung thiệt gắt gao, thiệt nặng nề. Con nghe như vậy con buồn quá. Phạm tội thì phải đền tội đã đành như vậy, Nhưng hình phạt cũng có hạn kỳ: tội của cô Cẩm Nhung không đáng tội phái chịu phạt chung thân. Vậy con xin má và xin hai anh dung chế cho cô Cẩm Nhung. Phạt bốn năm năm nay đã nhỉều lắm rồi. Nới tay cho cô vui hưởng mùi đời chút đỉnh.

Ba Khái lắc đâu mà nói.

-         Dượng Năm, lúc đầu dượng để vợ, tôi trộm xem ý dượng không phiền không trách vợ, mà lại còn lập thế che chở cái xấu của vợ nữa. Tôi tưởng dượng học nho giỏi, dượng xử sự theo cách quân tử. Bữa nay dượng lấy đức từ bi mà xin tội cho em tôi nữa, té ra dượng là Phật sống nữa mà.

-         Tôi không phải quân tử, mà cũng không phải phật. Ở đời tôi vẫn giữ lòng ngay thẳng mà thôi. Xử sự tôi hay tìm lý. Người ta ở quấy với tôi, tôi tìm coi tại sao mà họ ăn ở như vậv. Tại tôi ở sao đó nên họ mới quấy với tôi chớ. Tôi phải xét mình tôi trước, như tôi không có lỗi thì mới được phép trách người. Nếu người làm lỗi mà cũng tại tôi ít nhiều thì tôi trách người, tôi đổ tội hết cho người sao được. Cô Cẩm Nhung phạm tội, cô đền tội đã mấy năm rồi. Huống chi cô có con mà cô không được gần con, lại người chồng của mẹ với anh định bây giờ được hiển đạt mà cô không phép chung vui. Bao nhiêu đó đủ cho cô thấy lỗi của cô có ảnh hưởng đau đớn lắm rồi, chẳng cần hình phạt nào khác nữa.

-         Sự ham muốn cửa con người không giống nhau. Người muốn được thanh cao, kẻ ưa thói đê tiện. Ai thích thú nào, mình phải sắp họ ở thú nấy, vậy mới công bình.

-         Xin lỗi anh Ba, con người nếu không phải là thánh nhơn thì làm sao ăn ở cho trọn lành, tốt được. Ở đời có khi mình không muốn mà phải làm, phải vấp. Nếu mình lỡ lầm mà biết ăn năn, thì người ta cũng động lòng mà dung chế cho mình chớ.

Bà Chủ ngồi lóng tai nghe chàng rễ cũ bào chữa cho con vợ hư thì bà động lòng nên bà nói: “Thôi, con ăn cơm đi chớ kẻo đồ ăn nguội hết. Việc nhà của má để rồi má sẽ liệu định với thằng Ba, thằng Tư.

Ăn cơm rồi ông Kỉnh với Vĩnh Xuân xin cho về trước đặng nghỉ trưa. Vĩnh Tân đòi theo cha, không chịu ở sau với bà nội, nên Vĩnh Xuân dắt con về trước.

Đến xế, bà Kinh với Hương văn mới về. Hai bà đều nói Vĩnh Xuân qua ăn cơm, mẹ con bà Chủ mừng quá, mừng hơn được bạc muôn. Nhứt là Vĩnh Xuân xin tội cho Cẩm Nhung, ba mẹ con cảm động hết sức, nhưng bà chủ với Ba Khai bàn tính sẽ nới tay cho Cẩm Nhung mặc hàng lụa, được lên nhà trên, nhưng không được đi chơi thong thả.

Tháng sau, Vĩnh Xuân được cấp bằng làm Tri Huyện, cũng còn tùng sự tại Tòa Bố Mỹ Tho, nhưng không đứng thông ngôn nữa, bây giờ lãnh đi xét công nho và thuế vụ các làng và phân xử những việc kiện thưa trong làng trong tổng.

Vĩnh Xuân làm quan tiếp khách cầm thi càng thường hơn nữa, say sưa mùi âm nhạc, mê mẩn thú văn chương, đêm nào cũng uống trà ngon rồi hòa đờn hoặc họa thi vơi bạn.

Ba Khai với bà Chủ thường qua lại như em, như rể trong nhà. Ba Khai lại hay cho trà Thiết Quan Âm để đãi khách.

Vĩnh Tân học siêng lắm, mỗi năm lên một lớp, mà ngồi lớp nào cũng không thua ai.

Cách ít năm sau, ông Kinh Lương già quá nên được giấy quan trên cho hưu trí. Người con trai của ổng làm thông ngôn tại Tòa Án Long Xuyên muốn rước vợ chồng ông lên trển mà ở. Vợ chồng ông ở Mỹ Tho đã gần 30 năm, quen biết nhiều nên tính ở luôn đây cho vui. Ông bà có vốn được ít ngàn, có tiền hưu bổng, lại mỗi tháng con gởi tiền cấp dưỡng nữa nên vợ chồng ông sống thảnh thơi khỏi lo thiếu hụt.

Năm Vĩnh Xuân được 40 tuổi, ông vừa mới được thăng chức Tri Phủ nhị hạng thì liền có nghị định đổi thông qua tùng sự tại Tòa Bố Cần Thơ.

Ở Mỹ Tho đã hơn 17 năm, bây giờ lên chức Tri Phủ phải thuyên bổ qua tỉnh khác, điều đó chẳng ức gì. Vĩnh Xuân lo thâu xếp nhà cửa và giã từ bằng hữu, sửa soạn mà đi.

Ông Kinh Lương với cụ Huấn Trai có hơi buồn.

Bà Chủ Thiệu với Ba Khai hay tin, mẹ con lật đật qua hỏi thăm. Vĩnh Xuân than đồ đạc nhiều quá, chở đi bất tiện. Ba Khai nói: “Dượng đừng lo việc đó, dượng bỏ quần áo vô hoa ly dượng đi trước đi, để bác với cháu Tân ở lại đây. Qua bển dượng mướn nhà hay mướn phố được rồi, dượng đánh dây thép cậy ông Kinh cho tôi hay, rồi tôi mướn ghe chở đồ đem qua mà dọn nhà. Tôi bao lo giùm cho dượng, dượng khỏi lo việc đó. Hễ đồ chở hết rồi tôi sẽ đưa bác xuống tàu đặng bác đi với cháu Tân. Nếu bác sợ, tôi sẽ đưa bác xuống tới Cần Thơ“.

Vĩnh Xuân cám ơn Khai và nói đổi đi khỏi Mỹ Tho có một điều bất tiện là Vĩnh Tân đã 12 tuổi rồi, năm nay sẽ lên lớp nhứt, cuối năm sẽ thi học bỗng vào trường trung học Mỹ Tho. Bây giờ đổi đi, qua sang năm nếu Tân thi đậu thì nó bơ vơ một mình trong trường tội nghiệp. Ba Khai nói: „Dượng cũng khỏi lo việc đó. Không có dượng ở đây thì có tôi. Tôi chăm nom cho cháu. Chúa nhựt tôi rước ra chơi rồi chiều tôi đưa vô. Dượng quên tôi là cậu của Tân hay sao ?“

Hai anh em ngó nhau mà cười.

Mấy thầy trong tỉnh thiết tiệc tiễn hành quan Phủ. Cụ Huấn Trai với ông Kinh Lương cũng nhóm bạn cầm thi ăn uống rồi ngâm thi hòa đờn chơi với nhau một đêm.

Quan Phủ Vĩnh Xuân đến ngày chót mới qua nhà bà Chủ Thiệu ăn cơm và từ giả đặng đi phó nhậm.

Sáng bữa sau, mẹ con bà Chủ qua sớm hiệp với bà cháu bà Hương văn mà đưa Vĩnh Xuân xuống tàu. Cụ Huấn Trai với ít thầy chực sẵn tại cầu tàu mà từ biệt quan Phủ.

Ba Khai đương căn dặn Vĩnh Xuân an lòng, cứ giao việc dọn nhà và chở cho cậu lo, hễ được giây thép nói có nhà thì cậu làm liền, nói chưa hết lời thì xe lửa Sài gòn xuống tới. Tàu đua nhau súp lê điếc tai, nói chuyện không được nữa. Hành khách rần rộ giành nhau mua giấy, kẻ đi tàu kia, người đi tàu nọ, lộn xộn, lăng xăng.

Tàu đi Cần Thơ mở dây chạy trước. Vĩnh Tân đứng ngoắt tay kêu cha. Bà Hương văn với bà Chủ ngó cháu mà cười với nụ cười vừa thân yêu vừa đắc chí.