(17) II
Bà Kinh Lương tuy không có học, song bà gần ông Kinh đã mười mấy năm, bà đã cảm nhiễm tâm hồn tánh ý của ông, nên bà biết quí trọng nghĩa nhân đạo đức. Ông rước Vĩnh Xuân về chứa trong nhà, bà thấy người trẻ tuổi học cao, mà lại thanh liêm chánh trực, thì bà yêu mến kính phục.
Nhưng đã thọ khí phách đàn bà, bà Kinh không rứt bỏ được tánh ý thiên nhiên của nữ lưu thất học. Yêu mến tánh nết Vĩnh Xuân, kính phục tài đức Vĩnh Xuân, bà càng muốn Vĩnh Xuân được cao sang sung sướng, sung sướng hơn mấy thầy khác họ vúc vắc, quơ quào, họ không có tài đức bằng Vĩnh Xuân, mà họ có tiền nhiều, ở nhà tốt, rồi họ lên mặt lớn tiếng, làm gai mắt chát tai, khó chịu hết sức.
Ban đầu bà chịu khó vận động cho Vĩnh Xuân có một căn nhà mà ở cho đàng hoàng là tại vậy.
Mà mấy năm nay bà cứ theo òn ỷ khuyên Vĩnh Xuân chịu cưới vợ đặng bà kiếm nhà giàu có mà làm mai thì cũng tại vậy.
Không phải bà muốn Vĩnh Xuân có nhà tốt, có vợ giàu, đặng bà có lợi. Bà không có ý đó, bà không tính kiếm lợi cho bà. Bà chỉ nong nả giúp cho Vĩnh Xuân hơn người ta đặng bà thỏa mãn tình mến yêu kính phục mà thôi.
Khuyên giải cho Vĩnh Xuân chịu cưới vợ rồi làm mai cho Vĩnh Xuân cưới được Cẩm Nhung, bà Kinh hổm nay hớn hở vui mừng, mừng xây dựng được cho Vĩnh xuân một cảnh đời vừa rực rỡ vừa ấm êm, cũng như vui làm được một âm đức để cho con cháu đời sau an hưởng.
Hồi hôm nghe Vĩnh Xuân than thở về sự vợ chồng không được đồng tâm hiệp ý, thì bà Kinh giựt mình. Cái nhà bà xây dựng xong rồi sao lại nó cứ rung rinh ? Vậy bà phải chống chỏi, sửa chữa cho mau đặng nó bền vững trăm năm, không thể sụp đổ được.
Sáng bữa sau ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm việc, bà Kinh men men lại nhà bà Hương văn, thấy cô Cẩm Nhung ngồi buồn hiu, bà nói.
- Có má cháu nhà hay không ?
- Thưa, không có. Má cháu mới đi ra ngoài chợ.
- Vậy thì cháu lại nhà dì chơi. Ngồi chi có một mình buồn xo đó. Đi cháu, lại đẳng cho dì nới chuyện một chút.
Bà kêu thím Tư Cam mà dặn, nếu bà Hương văn đi chợ về có hỏi cô thông thì nói lại nhà bà.
Bà Kinh dắt Cẩm Nhung về nhà, bà biểu đi thẳng vô trong, chỉ bộ ván nhỏ mà mời ngồi, bà ngồi một bên mà hỏi nhỏ nhỏ.
- Hổm nay dì thấy cháu có sắc buồn. Tại sao vậy ?
- Thưa, cháu có buồn đâu.
- Hứ ! sắc mặt buồn hiu, dì thấy rõ ràng. Sao cháu lại giấu dì ? Có việc chi không vừa lòng cháu thì cháu phải nói thiệt cho dì biết, đặng dì liệu mà làm cho cháu an vui chớ.
Cẩm Nhung cắn móng tay, ngồi lặng thinh.
Bà Kinh nói tếp:
- Dì làm mai, lại ở gần. Bà Chủ gởi gắm cháu cho dì. Có việc chi khó khăn, cháu cứ tỏ cho dì hiểu đặng dì khuyên giải cho vợ chồng hòa thuận. Thầy thông có nói nặng nhẹ gì hay sao mà cháu buồn ?
- Thưa, không có.
- Chị Hương văn có nói gì hay không ?
- Thưa, kkông.
- Vậy chớ sao mà buồn ?
- Tại cháu về ở bên nầy lạ nhà, lại không quen với ai hết nên cháu không vui.
- Chị Hương văn dễ quá, dì thấy bữa nào chỉ cũng có cho cháu về bên nhà mà chơi. Vậy thì còn buồn gì nữa ?
Cẩm Nhung trả lời không được.
Bà Kinh hỏi nữa: “Hay là về bên nây cháu thấy nhà cửa chật hẹp, bề ăn ở không được sung sướng như bên nhà, nên cháu buồn, Phải vậy hay không ?”
Cẩm Nhung cứ lặng thinh.
Bà Kinh ngó Cẩm Nhung rồi bà nói: “Nầy cháu, thầy thông là con nhà nghèo. Có lễ hồi gả cháu, bà Chủ có nói trước cho cháu biết chớ. Thẩy nghèo mà thẩy có thanh danh lớn lắm cháu à, người giàu sang đều kiêng nể thầy chớ không phải chơi đâu. Thẩy học giỏi, đứng thông ngôn cho quan lớn, thẩy có oai quyền thế lực, thẩy muốn ai sống thì sống, muốn ai chết thì chết, bởi vậy tổng làng sợ thẩy khiếp vía. Nhưng thẩy là người có đạo đức, ham nhơn nghĩa, thẩy cứu người, chớ không bao giờ hại người. Thẩy lại ngay thẳng, nên không vị ai, mà thẩy còn thanh liêm, nên không thèm thọ của ai một đồng xu, một cắc bạc. Ai tới nhà tính lo lót thẩy đuổi đi không kịp, nếu đứng nói rán thẩy hăm kêu lính bắt. Tại như vậy nên hổm nay cháu về bên nây, cháu không thấy ai dám tới nhà hết. Mà cũng tại như vậy nên thẩy chịu nghèo, thẩy ở nhà xấu, chị Hương văn gói bánh ú mà bán. Cái nghèo của thầy thông quí giá lắm đa cháu. Giàu mấy mươi muốn đổi thẩy không thèm đổi đâu. Tại cái nghèo đó nên thiên hạ mới thương yêu, kính phục. Vây cháu đừng thấy chồng nghèo mà buồn, vì chồng cháu không thèm dùng cách nhuốc nhơ tàn bạo mà làm giàu, chớ không phải bất tài hay là khờ dại nên phải chịu nghèo đâu. Tại cái nghèo đó nên bà Chủ ái mộ mới gả cháu. Cháu được người chồng như vậy dì tưởng cháu có phước lắm. Cháu đi ra, cháu xưng là vợ của thầy thông Xuân, thì trẻ già đều kỉnh mến, kỉnh mến thật tình, chớ không phải trước mặt làm bộ kỉnh mến rồi sau lưng họ xì xào, họ rủa lén.
Bà Kinh thấy Cẩm Nhung chăm chỉ lóng tai mà nghe, bà bèn nói thêm : “Vì dì thương cháu, lại bà Chủ có gởi gầm, nên dì phải thổ lộ gia đạo của thầy thông cho cháu rõ. Như cháu không tin thì cháu về bển hỏi má cháu coi phải như vậy hay không. Mấy năm nay thầy thông ở một bên dì, đêm nào thẩy cũng hòa đờn, làm thi chơi với ông Kinh. Dì biết rõ tánh tình thẩy lắm. Thuở nay thẩy không chịu ngó đàn bà con gái. Thẩy lo học thêm không muốn cưới vợ. Thấy bà già thẩy lớn tuổi rồi, bà than thở không biết làm sao có chút cháu nội mà nựng như người ta, dì với ông Kinh nói đủ cách, thẩy mới xiêu lòng mà chịu cưới vợ đó. Còn một điều nầy nữa, dì phải nói cho cháu biết. Thầy thông ở với mẹ chí hiếu. Vậy cháu phải lưu tâm chiều chuộng chị Hương văn, đừng có thất lễ với chỉ mà thầy thông thẩy phiền. Dì ước mong cháu hiểu rõ mọi việc rồi thì cháu vui chớ đừng buồn nữa”.
Cô Cẩm Nhung nói:
- Nhà má cháu rộng rãi, mà chỉ có má cháu với hai vợ chồng anh Ba cháu ở. Ý má cháu muốn vợ chồng cháu về bển mà ở cho vui. Má cháu biểu cháu hỏi thử thầy thông coi thẩy bằng lòng hay không.
- Cháu hỏi hay chưa ?
- Thưa, chưa.
- Cháu đừng hỏi. Nếu má cháu muốn như vậy thì để cho má cháu nói.
- Dì nhắm coi thẩy chịu về bển mà ở hay không ?
- Dì dám gói chắc không bao giờ thẩy chịu rời mẹ mà đi ở chỗ khác.
- Đây đó cũng gần mà.
- Áy, mà không khi nào thẩy chiu đi đâu. Cháu không tin thì xin với má cháu hỏi thử thẩy mà coi. Rể nào chớ rể đó không phải thấy nhà tốt mà ham đâu cháu.
- Thưa bà, vậy chớ ham giống gì ?
- Ham nhàn, ham nghĩa.
Cô Cẩm Nhung cười.
Bà Hương văn đi chợ về, bà lại nhà bà Kinh mà kiếm dâu. Nói chuyện chơi một chút rồi mẹ con dắt nhau về.
Buổi chiều bà Kinh sửa soạn, tính đi qua Chợ Cũ đặng thăm bà Chủ Thiệu và nói chuyện như lời ông Kinh đặn. Bà mới lấy áo ra thì thấy cô Cẩm Nhung kêu xe kéo mà đi. Bà biết cô thăm mẹ, nên bà đình lại, ý muốn để cho cô Cẩm Nhung học những lời bà nói hồi sớm mơi cho ba già cô nghe rồi bà sẽ qua sau.
Thiệt quả, sáng bữa sau bà Kinh qua thăm bà Chủ, bà vừa ngồi, thì bà Chủ liền cám ơn những lời dạy đỗ Cẩm Nhung.
Bà Kinh cười mà hỏi:
- Cháu về bên nây nó có thuật cho bà nghe những chuyện tôi nói với nó hay sao ?
- Nó có thuật đủ hết. Bà ở gần, bà chỉ dẫn cho nó hiểu mọi việc bên nhà chồng như vậy, tôi cám ơn hết sức.
- Tôi làm mai, tôi phải chăm nom cho vợ chồng hòa thuận với nhau. Hổm nay tôi thầy cháu có sắc buồn. Tôi hỏi nó tại sao mà buồn. Nó không chịu nói thiệt với tôi. Tôi nghi nó thấy nhà chồng nghèo nên nó không vui. Tôi mới nói cho nó hiểu cái nghèo của thầy thông Xuân quí lắm chớ không phải hèn. Tại cái nghèo đó mà được thiên hạ kính trọng. Mà cũng vì ái mộ cái nghèo đó nên bà mới gả cháu.
- Thiệt con Cẩm Nhung còn khờ quá, nó không thấy xa như mình. Nó thuở nay ăn ở sung sướng quen rồi. Nay vợ chồng nó không còn sung sướng như vậy nữa, rên nó buồn chớ có gì đâu. Hổm nay nó nói với tôi mấy lần, nó muốn vợ chồng nó về bên nây mà ở. Tôi nói không được. Chồng nó không chịu đâu nhà nói thất công.
- Nói không được đâu. Cháu có về thăm, bà rán cắt nghĩa cho cháu hiểu. Có chồng như vậy, mỗi ngày được về bên nây chơi hoài, vậy thì thôi còn buồn giống gì.
- Bữa nào nó về tôi cũng khuyên nó luôn luôn, tôi biểu đừng thấy người nghèo mà khinh khi phải chiều chuộng, phải cung kính mẹ chồng, phải giữ cho trọn đạo làm dâu.
- Chị Hương văn dễ lắm, chớ có gắt gao gì đâu. Hễ thầy thông đi làm việc, chỉ thấy bộ cháu buồn, thì chỉ biểu chạy về bên nây chơi. Mẹ chồng dễ như vậy còn buồn gì nữa. Có thầy thông thì hơi khó một chút. Thẩy khó là khó cái nầy: cái nào phải, cái nào quấy, thẩy nghe thoảng qua thì thẩy biết liền. Nhưng thẩy tập tánh trầm tịnh, ôn hòa, nên biết thì thẩy để bụng, không chịu nói ra. Mà sẵn tánh ngay thẳng, hễ quá bụng thẩy, nên thẩy phải nói, thì thẩy nó hẳn hòi, không vị ai hết. Người ta sợ thẩy tại cái đó.
- Nó khó như vậy hay sao ?
- Khó như vậy. Hồi mới đổi lại đây thẩy ở đậu trong nhà tôi, thẩy nói với ông Kinh rằng ở đời thấy quyết lấy bốn chữ “Thanh cao chánh trực” mà xử sự. Thiệt trót năm sáu năm nay thẩy ở một bên tôi, vợ chồng tôi thấy thẩy nghinh nhơn tiếp vật không bao giờ thẩy xa bốn chữ đó. Thanh liêm ngay thẳng luôn luôn, không nhơ bợn, không thấp hèn, không sợ ai, không bợ ai. Bởi vậy người nào không đúng đắn thì kiêng nể thẩy lắm, mặc dầu ai làm quấy mặc ai, thẩy không thèm nói tới.
- Ở đời phải vị tình nhau mới vui, chớ gắt quá không kể ai hết, thì làm sao mà thân thiết với nhau cho được.
- Thẩy thường nói làm việc gì hay đối với ai thẩy cũng do lẽ phải mà cư xử. Ai thương thẩy không cần, mà ai giận thẩy cũng không kể.
- Nói như vậy sao được. Ví như bà con trong thân rủi ro bị chuyện gì, nó cũng không vị tình mà giúp đỡ nữa sao.
- Trường hợp đó tôi chưa nghe thẩy nói tới, bởi vì thẩy mới cưới vợ ở đây chớ thẩy gốc gác ở Gò Công, thẩy có bà con ở xứ nầy đâu.
- Đâu cũng vậy, hễ lâu rồi thì gieo tình gây nghĩa, tự nhiên phải vì tình, vì nghĩa, chớ bình thường thì tử tế, chừng người có chuyện thì trở mặt ngó lơ, ăn ở như vậy coi sao được.
- Thẩy thường nói thẩy giúp người, chớ không bao giờ thẩy hại người. Nếu ai phải mà rủi ro bị tai nạn thì thẩy cứu chớ, người dưng thầy còn cứu huống chi là bà con.
- Còn như bà con lỡ làm quấy rồi bị họa nó cứu hay không ?
- Cái đó tôi không hiểu. Tôi chưa nghe thẩy nói chuyện như vậy.
- Phận tôi góa bụa, lại nhà có ruộng, có vườn, nên hay có chuyện nầy, chuyện kia với tá điền, tá thổ. Hai thằng con trai tôi không biết nói tiếng Tây. Con Hai tôi có chồng thầy giáo, nó không hiểu pháp luật, lại ở trên Sai gòn. Tôi nong nả gả con Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân thiệt tôi có ý nhờ cậy thầy thông học giỏi, có oai, có thế, đặng trong nhà có việc chi thì lo lắng giùm cho tôi. Nếu tôi hoặc bà con trong dòng họ có việc chi mà chồng con Cẩm Nhung cũng ngó lơ không chịu giúp, thì còn gì đâu mà kể.
Bà Kinh thấy thâm tâm của bà Chủ rồi thì bà không được vui, nhưng bề ngoài bà phải rán làm vui, nên bà cười ngã ngớn mà nói: “Nói chuyện mà chơi, chớ nếu nhà bà có chuyện mà thầy thông làm lơ, thầy không tiếp giúp, thì sập trời lở đất còn gì. Bà lo chuyện đó làm chi”.
Bà Chủ cũng cười rồi bắt qua chuyện khác mà nói.
Bà Kinh về, bà sợ Vĩnh Xuân buồn, nên không dám đem câu chuyện của bà Chủ mà thuật lại cho Vĩnh Xuân nghe. Nhưng bà thỏ thẻ học với ông Kinh, nói Cẩm Nhung buồn là vì thấy nhà chồng nghèo, nên cô muốn vợ chồng về bên nhà bà Chủ mà ở cho sung sướng; còn bà Chủ đã ló đuôi bà nong nả gả Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân, cố tâm lợi dụng tài học với quyền thế của thầy, chớ không phải ái mộ đạo đức, tánh tình chi hết.
Ông Kinh nghe như vậy thì ông châu mày mà nói: “Nhà giàu đầu óc của họ giống nhau hết thảy, làm việc gì cũng vậy, ngoài miệng thì họ nói nhân nghĩa nghe êm tai lắm, mà trong bụng thì họ tính phải có lợi cho họ, họ yêu tiền bạc, chớ có biết yêu thứ gì khác đâu. Tâm chí hai bên khác nhau xa quá, tôi sợ không bền. Mà thôi, mấy vỉệc đó không nên cho thầy thông biết làm chi. Mình biết thì để bụng, đợi có xảy ra việc chi bất hòa rồi mình sẽ khuyên giải”.
Chiều thứ bảy Cẩm Nhung đi bên Chợ Cũ về, cô thưa cho bà Hương văn hay và nói trước mặt Vĩnh Xuân rằng bà Chủ nhắn sáng chúa nhựt cả hai vợ chồng cô qua bển chơi và ở ăn cơm trưa tới xế mát sẽ về.
Bà Hương văn nghe như vậy thì nói: “Chúa nhựt rảnh, hai con qua bển chơi và ở ăn cơn cho chị vui”.
Vĩnh Xuân không có lý gì mà từ chối, nên sáng chúa nhựt thay đồ rồi thì có xe cao xu qua: vợ chồng lên xe mà đi qua Chợ Cũ.
Bước vô nhà, Vĩnh Xuân thấy anh vợ là Ba Khai, đương ngồi tại phòng tiếp khách mà nói chuyện với chú vợ là Hương Thân Quế, cùng một người nữa, Vĩnh Xuân không biết là ai. Cả ba người đều đứng dậy mà chào. Vành Xuân đáp lễ, rồi đi thẳng vô trong nhà mà trình diện với má vợ.
Bà Chủ mừng rỡ hỏi thăm sức khỏe của chị sui rồi nói: May quá, bữa nay có chú Mười con đi chợ, chú ghé thăm má, rồi lại có thằng Hai Thăng bên Bến Tranh nó qua thăm nữa. Má nói bữa nay chúa nhựt có vợ chồng con về chơi. Má cầm hai người ở lạí ăn cơm cho vui, Thằng thông ra nói chuyện chơi với chú Mười đi con. Không mấy khi có chú cháu được gặp nhau. Còn thằng Hai bên Bến Tranh đó, nó là cháu của má, vườn của nó giáp ranh với vườn thằng Tư ở bển.
Vĩnh Xuân trở ra phòng khách.
Ba Khai mời ngồi một bên, cậu rót nước trà ép uống, hỏi thăm lúc nầy làm việc khó mệt thế nào.
Vĩnh Xuân hỏi Hương Thân Quế mùa nầy vùng Chợ Gạo năm nay trúng mùa hay thất, lúa bán có giá hay không, rồi lại hỏi Hai Thăng đi qua đây bằng cách nào, đi thuyền hay là đi xe, đường bộ tốt hay xấu.
Ba bà con thấy thầy thông Vĩnh Xuân vui vẻ, chiếu cố đến mỗi người thì hết sụt sè ái ngại như hồi mới gặp.
Thừa tình cảm đương nồng nàn, cậu Ba Khai mới nói với Vĩnh Xuân:
- Theo lời chú Mười nói chuyện hồi nãy, thì làng Bình Phan lần nào cử Hương chức họ cũng cử phe đảng của họ, không kể luật phép gì hết dượng Năm à. Như hồi trước chú Mười làm Hương Hào đủ hai năm rồi, khuyết chức Thôn Trưởng, tự nhỉên nhắc chú lên chức đó mới phải. Họ vị ông Cả, họ cử con ổng làm Thôn Trưởng mặc dầu chưa làm chức Hương Hào. Còn chú Mười thì họ đưa chú lên chức Hương Thân. Mãn ba năm rồi, sắp cử Thôn Trưởng nữa, chú Mười muốn trở lại chức đó, coi bộ Hội Tề không chịu, họ bàn soạn cử con Hương Sư, bỏ rơi chú Mười nữa. Họ làm như vậy thì ức chú Mười quá. Dượng Năm nghĩ coi phải làm sao, chớ để họ hiếp bà con mình quá.
- Theo Tổng lý qui điều thì vô Hội Tề phải làm Hương hào đủ hai năm rồi lên Thôn Trưởng. Nhưng Thôn Trưởng có thâu xuất, tự nhiên phảỉ giữ công nho trong tủ, bởi vậy phải lựa thổ hào vật lực mới cử làm Thôn Tưởng. Chú Mười có vườn ruộng hay không ?
- Chú đứng bộ điền chút đỉnh, không tới hai mẫu.
- Có lẽ Hội Tề sợ chú rủi ro thâm thủng chú không đủ sức thường, nên không dám cử chú.
- Con ông Cả có đứng bộ điền mẫu nào đâu. Bây giờ con Hương Sư cũng vậy.
- Chắc ông cả với Huơng Sư có làm tờ bảo kiết, hễ con có thâm thủng thì cha thường.
- Nếu muốn có người bảo kiết thì chú mười có ông già chú cũng đủ sức bảo kiết cho chú làm Thôn Trưởng vây. Dượng phải giúp giùm, chớ để người ta hỉếp chú hoài thì tội nghiệp chú quá.
- Cử Hương chức thuộc quyền của Hội Tề, tôi làm sao mà giúp được.
- Dượng kêu thầy Cai dượng dặn phải cử chú làm Thôn Trưởng thì họ hết dám lộn xộn.
- Làm như vậy gọi là lộng quyền. Phạm luật hình, chớ không phải dễ đâu.
- Họ kiêng dượng quá, ai dám nói gì mà sợ. Dượng làm ơn giùm cho chú Mười, kẻo họ khi chú quá.
- Đề coi. Nếu họ hiếp thì tôi can thiệp. Còn như họ làm theo luật thì tôi không thể nói được.
- Còn anh Hai đây, ảnh bị người ta lấn ranh đất, ảnh cũng muốn hỏi thăm dượng coi bây giờ phải làm sao. Chuyện của anh sao đâu anh nói cho dượng Năm nghe rồi dượng dạy cho.
Hai Thăng mới nói: “Vườn của tôi một bên thì giáp với vườn của dì đây, bây giờ chú Tư Thông ở đó, còn bên kia thì giáp với vườn của tên Điều. Ranh hai bên đều có khai mương rành rẽ. Thuở nay vườn ai nấy ăn, không ai cãi lẩy ranh rấp gì hết. Năm ngoái tên Điều Chết. Vợ tên Điều bán sở vườn cho tên Thân. Tên Thân về ở đó mấy tháng rồi quỉ thần gì xúi giục nó không biết, mà khi không nó làm đơn thưa với làng, nó nói tôi lấn ranh vườn của nó. Anh nó làm Hương Quản trong làng, nên chấp đơn đặng tra xét. Hương Quản đến đo mặt tiền vườn tên Thân, cũng đo luôn mặt tiền vườn của tôi nữa, rồi nói tôi lấn qua vườn của tên thân hơn hai thước, xử tôi phải trả lại cho tên Thân và giao một hàng dừa của tôi trồng trên phần đất tôi lấn đó. Làng xử như vậy thì ức tôi quá. Dừa tôi trồng đã chín, mười năm rồi, còn tên Thân mới mua vườn hồi năm ngoái đây. Tôi lấn ranh của tên Thân làm sao được. Tôi không chịu giao gì hết. Hương Quản hăm giải Tòa cho tôi ở tù. Tôi sợ quá, không biết chuyện như vậy tôi có tội hay không ? Nghe nói dượng Năm giỏi lắm, dượng thông pháp luật hết thảy. Vậy xin dượng làm ơn dạy cho tôi biết coi tôi phải giao hàng dừa cho tên Thân theo lời Hương Quản xử, hay là không nên giao ?”.
Vĩnh Xuân hỏi:
- Thuở nay ruộng vườn trong làng có quan Kinh Lý của nhà nước sai xuống đo hay chưa ?
- Chưa có, thuở nay tôi không thấy ai đo đất hết.
- Hồi tên Thân mua sở vườn của tên Điều, tên Thân có mướn Kinh lý đo rồi mới làm giấy mua hay không ?
- Thưa, không có.
- Vậy thì anh đừng giao gì hết.
- Tôi sợ Hương Quản nói tôi không tuân lịnh làng rồi bắt tôi mà giải tòa.
- Không phép. Lấn ranh đất thuộc về hộ chớ không phải việc hình mà giải Tòa. Việc lặt vặt trong làng, Hương Chức cho phép xử, nhưng xử theo cách hòa giải vậy thôi. Nếu tiên cáo hoặc bị cáo, đàng nào không bằng lòng lời của làng phân thì đàng kia phải vào đơn tại Tòa Hộ mà kiện. Làng không còn quyền hòa giải nữa, phải đợi Tòa Hộ lên án phân đàng nào phải, đàng nào quấy rồi Hương Hào tuân theo án đó mà thi hành.
- Nhưng Hương Quản rúng ép bắt tôi mà giam rồi làm sao ?
- Anh cười mà để cho Hương Quản giam. Chừng họ thả anh ra, anh làm đơn đưa ra quan Biện Lý mà kiện về tội giam trái pháp luật.
- Kiện lên quan Tham Biện được hôn ?
- Không được, vì tội giam trái phép thuộc về luật hình, phải Tòa Án lên án phạt tù, hoặc phạt vạ rồi bên Tòa Bố mới chiếu án đó mà cách chức.
Cậu Ba Khai nghe cắt nghĩa rành rẽ, cậu khoái quá. Cậu khuyên Hai Thăng về biểu tên Thân muốn nói Thăng lấn ranh thì ra Tòa mà kiện, chừng nào có án Tòa rồi sẽ giao. Nếu Hương Quản làm ngang bắt giam thì ra cho hay rồi Vĩnh Xuân chỉ cách cho mà kiện Hương Quản.
Vĩnh Xuân bước ra vườn hoa ở thước sân, đi thủng thẳng xem hoa chơi.
Vĩnh Xuân đi dạo một hồi trở vô nhà thấy bà mẹ vợ đương ngồi tại phòng khách nói chuyện với Ba Khai, Hai Thăng và Hương Thân Quế, chủ khách thảy đều hớn hở, vui cười.
Bà Chủ Thiệu biểu Vĩnh Xuân ngồi và bà hỏi:
- Thằng Ba nó sửa soạn vườn hoa như vậy, con coi được hay không ?
- Thưa vườn hoa trồng đủ thứ hoa trong xứ vậy thôi. Xứ mình nóng nực, mỗi năm mưa dầm dề đến 6 tháng, rồi nắng chang chang đến 6 tháng, bởi vạy hoa không thể tốt được. Phải ở xứ ôn đới hoa mới tốt được, bởi vậy có thứ hoa trồng ở mình thì nó còi cọc, trổ bông nhỏ xíu. Có thứ hường phải trời lạnh nó nới trổ bông, trồng xứ mình vun phân tưới nước thì nó sống, nhánh lá sum sê, góc bằng cẳng cái, mà không ra bông được.
- Nó trồng bông trang, bông bụp, nở ngày, tý ngọ, là bông trong xứ, chớ làm sao mà có thứ lạ. Gần Tết nó mới ương vạn thọ, móng tay, mồng gà.
- Thưa, trồng hoa sửa kiểng, đấp hòn non, là những thú chơi của người xưa chơi đặng giải trí. Mỗi thứ chơi đó đều có một điệu riêng. Con nghe nói như vậy mà con mắc làm việc đặng nuôi sống, con không rảnh mà nếm mấy thứ giải trí đó.
- Phải con về ở bên nây con coi trồng hoa, sửa kiểng mà chơi cho vui. Anh Ba con nó không hiểu cách trồng hoa phải trồng thứ gì xem cho đẹp. Còn mấy chậu kiểng đó là đồ của cha con hồi trước để lại. Anh Ba con tưới nước vô phân cho sống vậy thôi, nó không biết uốn, không biết sửa, nên cây lên lùm tùm, coi không được. Con về bên nây thì anh Ba con nó giao vườn hoa đó cho con. Con muốn sửa thế nào tự ý con.
- Thưa con về bên nây không được. Đi làm việc xa quá.
- Nhà có xe. Đi làm thì xe đưa đi. Gần tan hầu thì xe qua rước về. Má mua thêm một con ngựa nữa để thay đổi mà đi. Hay là con muốn đi xe kéo, thì má sẽ mua cho một chiếc, rồi mướn một đứa để nó đưa rước con.
- Thưa, không được đâu, có lẽ nào con bỏ má con ở bển một mình mà về ở bên nây được.
- Có bỏ bê gì đâu. Mỗi bữa đi tàm việc, con ghé thăm chị một lát. Con ở bên đó chị phải to cơm nước, cực chị quá. Con về ở bên nây thì chị khỏe hơn.
- Thưa, không thế được. Con không phép rời má con.
- Con Cẩm Nhung nó nói ở bển buồn quá, nên nó muốn về bên nây ở. Nhà bên nây rộng minh mông. Nếu con chịu về ở bên nây thì dồn anh Ba, chị Ba con ở khúc bên tay trái, má ở giữa, để hết khúc tay mặt cho vợ chồng con. Má dọn cho một phòng ngủ, một phòng tiếp khách và nằm chơi. Có khách đông thì tiếp phòng khách lớn đây, thiếu gì chỗ.
Vĩnh Xuân không trả lởi nữa.
Bà Chủ nhận thấy bà càng khuyên dụ thì Vĩnh Xuân càng buồn thêm, bà không muốn nói nữa, tính để thủng thẳng rồi sẽ lập thế khác mà dụ.
Bà đi vô trong.
Ba Khai hỏi: “Dượng Năm học đờn với ông Kinh phải hôn Dượng Nãm ?”.
- Phải.
- Dượng mới học có mấy năm mà người ta đồn dượng đờn hay lắm, đờn đủ bản, chắc nhịp, ngón tươi.
- Họ nói quá đáng. Tôi đờn vừa được, sao dám sánh với mấy tay nhà nghề.
- Người ta khen dượng giỏi lắm, chơi hay là làm thứ gì cũng hơn thiên hạ.
- Anh chẳng nên nói như vậy. Tôi cũng như người ta, có giỏi hơn ai đâu.
Cẩm Nhung ra mời vô ăn cơm, bà Chủ mới nói với Vĩnh Xuân:
- Chị Hai con gởi thơ nó nói nó bịnh. Má tính mai má đi Sài Gòn thăm nó và ở chơi vài bữa. Má muốn đem Cẩm Nhung theo. Con cho Cẩm Nhung đi với má hay không con ?
- Thưa, được chớ. Ở nhà có làm gì. Chừng nào má đi thì vợ con qua đi với má.
- Đi xe khuya lụp chụp lắm. Để đi chuyến 4 giờ mấy tiện hơn, vậy Cẩm Nhung sửa soạn rồi trưa mai qua đây đi với má nghe hôn con.
Ăn cơm rồi, Hương Thân Quế với Hái Thăng từ mà về trước.
Vợ chồng Vĩnh Xuân ở chơi đến xế mát xe mới đưa về.