Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26

dạng PDF

Tơ Hồng Vương Vấn

ĐOẠN THỨ BA

LẢNG LƠ DUYÊN MỚI

(11) I

Cải cách cơ quan hành chánh, nhà nước sắp đặt lần lần trong mấy mươi năm, đến lúc nầy người ta đã nhận thấy có nhiều tục cũ bị thủ tiêu và có nhiều cách mới được phát hiện trong xứ.

Hai mươi hạt tổ chức hồi ban đầu, bây giờ gọi là hai mươi tỉnh. Tham Biện cai trị mỗi tỉnh thì gọi là Tham Biện Chủ Tỉnh.

Nhà nước cũng đã ban hành đạo luật gọi là „Tổng Lý qui điều“ chỉ định cách tuyển cử Hương chức Hội tề trong mỗi làng và cách thâu xuất giữ gìn tiền bạc công nho.

Trường học của làng thì chuyên dạy chữ quốc ngữ chớ không được dạy chữ nho nữa. Nhơn dân đến Tòa Bố hoặc Tòa án yêu cầu hay thưa kiện việc chi, thì đơn từ phải viết bằng chữ quốc ngữ mới được quan chấp để tra xét.

Cơ quan y tế đã bắt đầu tổ chức.

Chánh sách bắt đầu, đắp lộ để giúp thuận tiện cho cuộc giao thông, có lẽ tại ngân sách eo hẹp nên chưa áp dụng. Lúc ấy người ta chỉ thấy có:

l)        Một đường xe lửa từ Sài gòn xuống Mỹ Tho, khởi công kiến trúc hồi năm 1885;

2)   Một đường xe lửa nhỏ từ Sài gòn vô Chợ Lớn, chạy ngang Ô Ma (Camp des mares-gọi tắt: aux mares, có lúc là trụ sở Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến, về sau là trụ sở tổng cuộc Công an Cảnh sát);

3)      Một đường xe lửa nhỏ từ Gò Vấp ra Sài gòn rồi thẳng vô Chợ Lớn, chạy dọc theo mé sông;

4)      Đường xe lửa xuyên Đông Dương, khởi công từ năm 1900, chỉ mới đưa hành khách tới Bên Hòa mà thôi.

Còn lộ để giao thông liên tỉnh, vì chưa có xe hơi, nên không cần thiết, bởi vậy tổ chức cuộc giao thông đường thủy thấy tiện lợi hơn.

Mỗi ngày đường Chợ Lớn xuống Gò Công và đường Sài gòn lên Thủ Dầu Một đều có tàu đi tàu về.

Đường Sài gòn đi Vũng Tàu, Bà Rịa, mỗi tuần có hai chuyến tàu chạy.

Đường Sài gòn lên Tây Ninh mỗi tuần có một chuyến.

Đường Sài gòn lên Nam Vang mỗi tuần có hai chiếc tàu lớn chạy ngã sông Cửa Tiểu, ghé Mỹ Tho.

Dường Sài gòn xuống vùng Tiền Giang và qua Hậu Giang thì mỗi tuần ba chuyến, có tàu lớn gọi là Tàu Lục Tỉnh chạy ngã kinh Chợ Gạo, cũng ghé Mỹ Tho.

Hành khách ở Lục Tỉnh lên Sài gòn hay là ở Sài gòn về Lục Tỉnh thảy đều phải đi ngang qua tỉnh lỵ Mỹ Tho. Mà đến 95% bận lên tới Mỹ Tho rồi người ta đi xe lửa cho mau và bận về người ta cũng đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi mới đi tàu.

Vì vậy nên người ta mở nhiều đường thủy lộ cho tàu nhỏ chạy để đưa rước hành khách từ tỉnh lỵ Mỹ Tho xuống mấy tỉnh miệt dưới, mỗi đường đều có tàu của hãng người Pháp mà lại có thêm tàu Hoa Kiều. Mỗi ngay có tàu đi tàu về đường Bến Tre, đường Trà Vinh, đường Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, (tới Đai Ngãi phải sang tàu khác), đường Vĩnh Long, Sa Déc, Long Xuyên, Rạch Giá.

Ấy vậy tỉnh lỵ Mỹ Tho chiếm vị trí trung tâm về cuộc giao thông giữa Sài gòn và Lục Tỉnh. Tàu ở Lục Tỉnh vô tới đó phần nhiều nhằm ban đêm. Hành khách phải trú ngụ đợi đến gần sáng mới có xe lửa chạy lên Sài gòn. Khách sạn mở ra rước khách rất nhiều, mà luôn luôn có khách ra vào, không bao giờ ế, bởi vì có người đi Sài gòn về, nếu họ có mua đồ nhiều, họ xuống trước buổi chiêu ở đó nghỉ một đêm đặng sáng đem đồ xuống tàu cho tiện, khỏi phải lật đật sợ hết tàu.

Tuy vậy mà mỗi ngày đúng 8 giờ rưỡi sớm mơi, khoảng đường từ nhà ga xe lửa lại bến tàu, thiên hạ rần rộ, lại qua náo nhiệt. Cả chục chiếc tàu đậu chực dưới bến đốt lửa cho nóng máy sẵn sàng, chờ khách xuống đặng mở dây chạy liền, chiếc nào cũng muốn chạy trước đặng giành rước khách dọc đường. Hễ nghe xe lửa síp lê đặng vô ga, thì các tàu ở mé sông đều đua nhau súp lê vang dội. Hành khách lóng nhóng chờ xe ngừng thì chen nhau nhảy xuống rồi người dắt con, kẻ xách đồ đi riết lại bến tàu, gây ra một quang cảnh om sòm lật đật, kêu réo lăng xăng, làm cho người vô sự đứng coi cũng phải mệt.

Phan Vĩnh Xuân có ở học hai năm tại Mỹ Tho, thầy đã từng xem cái quang cảnh náo nhiệt nầy.

Sáng hôm nay thầy ngồi xe lửa từ trên Sài gòn đi xuống dưới Mỹ tho tựu chức, có giấy nhà nước cho thầy đi hạng nhì, nên trong toa xe không có hành khách đông như bên hạng ba, chỉ có một bà sồn sồn với một thiếu nữ sang trọng ngồi trong một góc. Thầy không dám ngó, không thế gì nói chuyện được, nên thầy lột cái nón trắng mới mua trên Sàigòn hồi chiều hôm qua mà cầm trong tay, cứ day mặt ra cửa sổ xem đồng ruộng với xóm nhà dọc theo đường. Thầy tính trong trí coi chừng xuống tới Mỹ Tho thầy sắp đặt bề ăn ở cách nào, phải kiếm nơi trú ngụ đỡ ít bữa rồi mới mướn phố mà ở được. Trú ngụ nhà ai ? Thầy chỉ quen có một anh bạn học ở bên Chợ Cũ. Mà anh bạn đó không có đi thi ký lục. Anh đi làm việc gì ở đâu ? Anh có ở nhà hay không ? Nếu mình chở rương đi thẳng qua đó, rủi không có anh bạn ở nhà thì làm sao xin ở đậu cho được.

Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi quyết định xuống tới Mỹ Tho thầy sẽ mướn một căn phòng trong khách sạn mà để rương đặng đi trình diện. Trưa thầy ăn cơm tiệm. Chiều thầy sẽ qua Chợ Cũ tìm bạn rồi cậy sắp đặt giùm chỗ ăn ở ít bữa.

Nghĩ tới khách sạn, Vĩnh Xuân chẳng khỏi nhớ tới quang cảnh tưng bừng náo nhiệt khi xe lửa tới ga, tàu xúp lê vang rân, hành khách chen nhau đi riết, hè hụi, lăng xăng, người bồng con, kẻ xách gói. Nhớ cảnh đó như thấy trước mắt, thầy day vô ngó bà với cô ngồi trong góc miệng thầy chúm chím cười. Bà nọ tưởng thầy cười là muốn làm quen, nên bà nhìn thầy trân trân, không dè thầy cười là vì thầy nghĩ chừng xe tới thầy khỏi xung xăng, lật đật như họ.

Thiệt vậy chừng xe chạy ngang nghĩa địa thổi xíp lê thì hành khách trên mấy toa xe lao nhao, kẻ đứng dậy soạn đồ người biểu con đội nón. Chừng xe ngừng, Vĩnh Xuân bình tĩnh chống tay dựa cửa sồ mà ngó. Bà với cô đi hạng nhì với thầy, xách đồ đi xuống, bộ đi cũng hăm hở như người ta. Thầy nghĩ ở đời chẳng có chi vui sướng cho bằng mình vô sự, trí không lo, lòng không sợ, đứng nhìn thiên hạ xâu xé tranh đua nhiều khi lật đật, lăng xăng mà rồi không mau hơn ai, không ích chi hết.

Đợi người ta đi hết rồi, Vĩnh Xuân mới kêu một anh phu mướn vác rương đem vô khách sạn ở ngang nhà ga. Thầy lấy một căn phòng nhỏ để rương rồi rửa mặt thay đồ sạch sẽ. Thầy mặc quần lụa trắng mới với áo xuyến dài, đầu đội nón trắng, chưn mang giày đen, lại đứng trước cái kiềng nhắm nhía rồi khóa cửa phòng đi Tòa Bố, y phục đàng hoàng, tướng đi cứng cỏi phải điệu thầy thông, thầy ký lắm.

Giờ đó tại Tòa Bố làng dân đương hầu rất đông, làng bịt khăn đen, bận áo dài, còn dân thì mặc áo vắn, để đầu trần nên dễ phân biệt.

Vĩnh Xuân đi ngoài hành lang phía trước, đi giáp ba phòng, thấy phòng nào cũng có mấy ông, mấy thầy ngồi làm việc, cả thảy đều mặc áo dài nhưng người bịt khăn đen, người bịt khăn đầu rìu xanh, mà cũng có người không bịt khăn gì hết. Trong cái phòng giữa rộng lớn, có năm sáu thầy ngồi hai hàng bàn đặt hai bên. Phía trong sâu, có một bàn lớn. Một ông quan Pháp, để râu bó hàm ngồi day mặt ra ngoài, đương hút thuốc và nói chuyện với một ông quan Pháp khác, trẻ tuổi hơn, đứng tại đầu bàn bên tay trái.

Vĩnh Xuân nhắm nhía muốn vô, nhưng vì mới lãnh chức thầy ký nên còn bợ ngợ, lại không biết hai ông quan Pháp nầy là ai, tự nhiên đứng dụ dự. May có chú cai hầu ở trong phòng đi ra, hai tay áo có gắn lon vàng cháy. Vĩnh Xuân chận chú lại mà nói:

-         Tôi là ký lục, có giấy bổ tôi làm việc tại đây. Tôi muốn trình diện với quan Chánh Tham Biện. Hai ông đương nói chuyện trong phòng đó ông nào là ông Chánh ?

-         Té ra thầy đổi lại đây. Xin lỗi thầy tôi không dè. Hai ông đó không phải quan lớn Chánh. Ông có râu ngồi đó là quan Phó nhứt, còn ông nhỏ đứng một bên đó là quan Phó nhì. Quan lớn Chánh ngồi phòng phía trong nữa. Phải đi vòng vô phía sau mới hầu ngài. Mà thầy mới đổi lại, nên trình diện với quan lớn Phó nhứt, rồi sẽ vô quan lớn Chánh. Cho hầu rồi, bây giờ hai ông nói chuyện chơi. Thầy cứ vô đại đi, vô trình giấy cho quan lớn ngồi giữa đó.

Vĩnh Xuân nghe nói như vậy mới lấy giấy của quan Tham Biện Gò Công phát cho đi đường mà cầm trong tay, rồi lột nón đi ngay vô, cúi đâu chào hết hai ông và đưa giấy đi  đường cho quan Phó nhứt.

Quan Phó coi giấy rồi vui vẻ hỏi Vĩnh Xuân phải mới thi đậu kỳ nầy và phải gốc ở Gò Công hay không. Vĩnh Xuân nói phải. Ông đứng dậy kêu cai hầu, hỏi quan lớn Chánh hồi sớm mơi ngồi xe đi quan sát vùng Chợ Cũ đã về rồi hay chưa. Cai hầu bẩm quan lớn Chánh đã về nãy giờ rồi.

Quan Phó nhứt biểu Vĩnh Xuân đi với ông rồi ông mở cửa phía sau lưng, dắt Ký Xuân qua trình diện với quan Chánh Tham Biện.

Khác hẳn với quan Phó, quan Chánh lớn tuổi, nhưng nhỏ vóc, nghiêm chỉnh, nói ít lại nói chậm.

Quan Phó giới thiệu thầy ký mới, rồi quan Chánh ngó qua Vĩnh Xuân mà nói rằng quan Phó sẽ chia việc cho thầy làm. Còn nhỏ tuổi, mới tập sự, thầy phải siêng năng, hăng hái lo cho tròn bổn phận, đừng trễ nải, nhứt là đừng kiếm cách làm khó cho làng, cho xã, đừng ăn tiền, bởi vì ăn hối lộ là tội trọng, luật pháp sẽ trừng trị thẳng tay.

Mới xuất thân mà nghe lời hăm dọa, Vĩnh Xuân thấy hổ thẹn. Thầy muốn cãi rằng không phải quyết chí bóc lột nên thầy thi mà làm ký lục, nhưng thấy Quan Chánh oai quá, thầy phải ẩn nhẫn mà nói thầy sẽ cố gắng làm việc, làm việc siêng năng, ngay ngắn cho đẹp lòng quan trên, không dám để lỗi phận sự.

Quan Chánh gật đầu, khoát tay, tỏ ý câu chuyện đã chấm dứt. Quan Phó dắt Xuân trở ra, kêu thầy Khuê, người trộng tuổi, bịt khăn đen, ngồi cái bàn gần đó, biểu dắt Xuân đi giới thiệu với mấy ông, mấy thầy trong Tòa Bố.

Trước hết thầy Khuê dắt Xuân qua trình diện với quan Phủ, ngồi trong phòng phía tay trái. Quan Phủ bịt khăn đen, không có râu, ốm yếu, mặt thon, nước da mét như người có bịnh. Tuổi ông đã quá 50, tánh ôn hòa, tiếng nói nhỏ, ít hay cười. Ông nói ít lời rồi có Hương chức vào chầu, nên ông biểu thầy Khuê dắt đi giới thiệu với mấy thầy, để bữa khác rảnh ông sẽ nói chuyện dài.

Thầy Khuê dắt ra bàn quan Huyện, ông ngồi phía trước. Quan Huyện cao lớn, mập mạp, để râu ngạnh trê bịt khăn đầu rìu xanh, tuổi đã trên 40, tướng khỏe mạnh. Vừa nghe thầy Khuê tiến dẫn thầy ký mới thì ông vui vẻ đưa tay ra bắt tay Vĩnh Xuân kêu bếp hầu biểu nhắc lại hai cái ghế, ép Vĩnh Xuân ngồi và hỏi Xuân:

-         Thầy ký ra trường năm nào, thầy được bao nhiêu tuổi ?

-         Thưa tôi mới ra trường kỳ rồi đây. Năm nay tôi được 22 tuổi.

-         Có vợ hay chưa ?

-         Thưa, chưa.

-         Làm ít tháng rồi cưới vợ. Ở đất nầy thiếu gì gái đẹp. Lựa cô nào có sắc, lại có tiền, thì đem về cất nhà cửa nhà ở, sắm xe ngựa đi chơi. Làm việc ở Tòa Bố nhà giàu họ giành mà gả con, lo gì ế vợ. Cha mẹ còn song toàn lay không ?

-         Thưa, tôi mồ côi cha, còn bà mẹ già.

-         Thầy lại đây hồi nào ? Tính mướn phố dọn nhà hay là ở đậu với người ta ?

-         Thưa, tôi đi xe lửa mới tới hồi 8 giờ rưỡi đây. Tôi ghé khách sạn mướn phòng mà để rương. Để chiều tôi đi hỏi thăm coi có nhà nào chịu nấu cơm tháng cho tôi thì tôi xin ở đậu ít ngày, đợi kiếm phố mới được rồi sẽ ở riêng.

-         Ở khách sạn rầy rà quá, nghỉ sao được. Lại làm thầy thông, thầy ký mà ở như vậy khó coi. Nhà tôi đông quá, nhứt là có bầy cháu ngoại giỡn trửng rầy rà dữ. Chớ chi nhà tôi rộng, tôi mời lên nhà tôi mà ở đỡ. Mông xừ Khuê coi trong Tòa Bố thầy nào có nhà rộng, thì nói giùm cho thầy ký ở đậu. Anh em thuộc một ty phải giúp nhau. Đó là cuộc vần công. Bây giờ mình giúp thầy ký đây, sau mình đổi qua tỉnh lạ, thì sẽ có thầy khác giúp mình lại.

Thầy Khuê suy nghĩ một chút rồi nói: “Mấy thầy ai cũng có gia đình đông quá. Duy ông Kinh Lịch Lương có lẽ ổng cho Mông xừ Xuân đùm đậu đỡ được. Ông ở một căn phố rộng rãi mát mẻ, mà nhà chỉ có hai ông bà. Con gái lớn của ổng có chồng về ở dưới Bình Đại. Còn người con trai thì làm thông ngôn Tòa án trên Long Xuyên. Ông cho thầy ký ở ăn cơm với ổng thì tiện lắm”.

Quan Huyện nói: “Đâu thầy mời ông Kinh qua đây đặng tôi nói giùm thử coi ổng chịu hay không ?”.

Thầy Khuê đi một chút rồi dắt ông Kinh Lương qua.

Quan Huyện nói:

-         Ông Kinh, thầy ký Xuân mới được bổ lại làm việc với mình đây.

-         Thưa, hồi nãy tôi thấy vô trình diện với quan lớn rồi.

-         Ừ, quan Phó biểu thầy Khuê dắt đi trình diện với mấy ông, mấy thầy. Mới đi tới đây chưa kịp qua ông. Tôi hỏi thăm mới hay thầy không có quen với ai hết thảy phải mướn phòng ở ngoài nhà ngủ. Ở như vậy không coi được. Tôi nghe nhà ông chỉ có hai ông bà. Vậy ông làm ơn cho thầy ký Xuân ở đậu đỡ ít ngày đặng thẩy kiếm phố được rồi thẩy dọn nhà. Thẩy đáng em cháu, ông bà ăn gì thì thẩy ăn nấy. Làm một ty với nhau, cũng như bà con một nhà, nếu giúp đỡ thẩy trong bước đầu, Thẩy không quên ơn đâu.

-         Tôi ở có một căn phố, tôi sợ chật hẹp bất tiện cho thẩy. Như thẩy bằng lòng tá túc với tôi thì vợ chồng tôi vui mà cho thẩy ở đặng có người hủ hỉ chơi.

-         Được lắm, được lắm. Vậy thì xong rồi.

Xuân cám ơn ông Kinh, cám ơn quan Huyện, thấy ai cũng chiếu cố sẵn lòng giùm giúp thầy mừng hết sức.

Ông Kinh Lương biểu Xuân đợi tan hầu rồi ông sẽ dắt về nhà ở với ông.

Xuân cám ơn quan Huyện một lần nữa, rồi theo thầy Khuê đi thăm hết mấy thầy trong Tòa Bố.

Chừng thăm đủ rồi, quan Phó kêu Xuân mà nói bữa nay thứ bảy, vậy buổi chiều ông cho Xuân nghỉ ở nhà đặng lo bề ăn ở cho yên rồi sáng thứ hai sẽ bắt đầu làm việc.

Xuân cám ơn rồi lại bàn ông Kinh Lương ngồi nói chuyện.

Ông Kinh Lịch Lương đã trên 50 tuổi, để râu le the, tóc râu đều điểm bạc, tướng đi khoan thai, nói chuyện hòa hưỡn. Vốn nhà nho học nên y phục đàng hoàng, đầu vấn khăn nhiễu đen, mình mặc áo xuyến đen trong có áo dài trắng. Ông bận quần nhiễu trắng, chưn mang giầy tàu, kiểu hắc mã vĩ.

Xuân thấy ông đang ngồi dịch một tờ bán đất chữ nho ra chữ quốc ngữ, mới hỏi ông dịch chi vậy, bây giờ người ta còn được vô đơn từ bằng chữ nho hay sao.

Ông Kinh cắt nghĩa rằng mấy năm nay đơn từ phải viết chữ quốc ngữ, hoặc chữ Lang sa, chớ không được viết chữ tàu nữa. Nhưng có nhiều giấy tờ cũ thuở cựu trào lập bằng chữ tàu, như tờ chúc ngôn, tờ tương phân, tờ đoạn mãi điền thổ, tờ hôn thơ, bây giờ có người đem những giấy tờ ấy đến xin đóng bách phần cầu chứng đặng nạp cho Tòa. Mấy thầy bây giờ học giỏi chữ Tây mà không biết chữ nho, làm sao hiểu cho được mà làm việc, Vì vậy nên mỗi Tòa Bố phải có một vị Kinh Lịch đặng dịch giấy tờ chữ nho cho mấy thầy. Lại mấy tờ cáo thị nếu làm bằng chữ quốc ngữ thì ít người đọc được. Phải dịch chữ nho một bên để phổ thông khắp dân gian.

Xuân hỏi làm Kinh Lịch cần phải biết chữ tây hay không. Ông nói không cần, như ông thì ông biết chữ nho với quốc ngữ mà thôi. Nếu tờ nào quan lớn muốn hiểu cho rõ thì thầy thông ngôn coi bổn quốc ngữ của ông rồi dịch ra chữ Tây. Đúng 11 giờ nghe trống tan hầu, mấy thầy đều dẹp đồ đi về ăn cơm. Vĩnh Xuân đi theo ông Kinh Lương. Ra ngoài đường ông hỏi Xuân vậy chớ hành lý để đâu, nên lấy đem luôn lại nhà ông cho rồi. Xuân dắt ông lại khách sạn, trả tiền phòng rồi kêu xe kéo chở rương vô nhà ông Kinh.

Ông Kinh Lương ở đường từ cầu tàu Lục Tỉnh chạy vô trường học, qua khỏi Tòa Án một đỗi, có dãy phố bên phía tay mặt, ông ở căn thứ nhì.

Ông dắt Xuân vô nhà, kêu xa phu biểu đem rương vô, chủ khách nói chuyện lao xao. Bà Kinh ở sau bếp coi cho chị bếp dọn cơm. Bà nghe nói chuyện phía trước, biết ông đi hầu về nhưng không biết ông nói với ai, bởi vậy bà xăng xớm đi ra trước mà coi. 

Ông Kinh đương cởi áo dài, ông thấy bà ra thì chỉ thầy Xuân mà nói: “Thầy thông đây mới thi đậu, quan trên bổ xuống làm việc tại Tòa Bố mình. Đến đây thầy không quen với ai hết. Quan Huyện nói để thầy ở nhà ngủ và ăn cơm tiệm coi kỳ quá, nên ngài hỏi tôi có sẵn lòng cho thầy ở tạm, đợi kiếm phố mướn được rồi thầy sẽ dọn nhà. Tôi nghĩ nhà mình tuy không rộng, song có 2 vợ chồng chen ngoẻn, cho thầy ở đậu không hại gì, bởi vậy tôi rước thầy vô đây. Bà nó coi cơm rồi thì dọn ăn”.

Bà kinh mừng rỡ nói: “Cơm gần rồi đa. Thay đồ rồi thì con bếp sắp đặt cũng rồi. Ông nó rước thầy thông vô ở với mình thì phải lắm, chớ để ở ngoài nhà ngủ coi kỳ quá. Thầy đừng ngại gì hết thầy thông. Không biết nhau chẳng nói làm chi, chớ làm chung một chỗ cũng như bà con trong nhà. Thầy cũng như em cháu. Thầy mới tới còn chưn ướt, chưn ráo, không quen với ai. Thôi thì ở đây cho vui. Mỗi bữa thầy đi làm với ông Kinh. Tối tôi giăng mùng cho thầy ngủ bộ ván trước đây. Còn cơm nước, không có thầy, tôi cùng nấu cho ổng ăn vậy. Có thầy thì thêm một cái chén với một đôi đũa, chớ có thất công gì đâu. Thôi, thầy thay đồ mát đi, thay đồ rồi tôi biểu nó bưng cơm lên.

Vĩnh Xuân cám ơn bà, thấy bà niềm nở sẵn lòng như ông, thầy vui mừng hết sức. 

Bà Kinh đi vô trong coi dọn cơm.

Thầy Xuân mở rương lấy đồ mát ra thay. Thầy dòm trong nhà thấy trong ngoài sạch sẽ, vén khéo, ghế bàn tốt, tủ ván bóng ngời, có một tủ sách nhỏ, lại có treo đờn kìm, đờn tranh, đờn cò với một ống tiêu trên vách. Trên bàn có để một bộ chén uống trà với một bình nhỏ. Thấy như vậy thầy biết ông Kinh ưa thú phong lưu, trưa uống trà, tối khảy đờn, không kể thị phi, không màng danh lợi.

Ông Kinh vô trong thay đồ rồi ra trước thấy thầy Xuân mặc bộ đồ mát, chưn mang guốc, đương đứng tại cửa ngó ra đường. Ông kêu mà nói: “Mời thầy vô thầy thông, vô đặng tôi dắt đi từ trước ra sau cho thầy biết. Vô đặng rửa mặt rồi ăn”.

Ông Kinh dắt thầy Xuân vô trong, chỉ cái giường mà nói vợ chồng ông ngủ chỗ đó, chỉ có bàn để tại cửa sổ phía sau nói chỗ đó ăn cơm, gần đó có lót một bộ ván gõ nhỏ để nằm chơi hoặc để ông nghỉ trưa. Ông dắt luôn xuống nhà bếp, mở cửa sau chỉ chỗ đi đại tiện hoặc tiểu tiện cho Xuân biết rồi trở lại chỉ thau nước cho Xuân rửa mặt.

Thầy Xuân nhận thấy nhà tuy chật hẹp, nhưng từ trước ra sau, chỗ nào cũng sạch sẽ,  đồ đạc có đủ dùng, trong có chỗ ngủ chỗ ăn, ngoài có bàn tiếp khách uống trà, lại có ván để nằm nghỉ. Xuân mong muốn được như vầy thì mẹ con ở thong thả.

Chị bếp bưng mâm cơm dọn lên để trên bàn. Ông Kinh mời thầy Xuân ngồi lại ăn cơm với ông bà. Mâm cơn có một tộ canh, một dĩa thit, một dĩa cá với một dĩa rau chớ không có phẩm thực gì quí, nhưng nấu khéo lại chén đũa sạch, nên ăn ngon vô cùng.

Trong lúc ăn cơm, bà Kinh hỏi thăm gốc gác và gia đạo của Xuân. Thầy lấy sư thiệt mà tỏ ông bà, cũng như thầy đã tỏ cho quan Huyện trong Tòa Bố nghe hồi sớm mơi. Thầy cũng không giấu phận thầy là con nhà nghèo, một mẹ một con, mẹ già hẩm hút phải bán bánh trái mà độ nhựt. Vì vậy nên từ nhỏ thầy phải gắng công học tập đặng lập thân mà nuôi mẹ.  Thầy cậy bà Kinh coi có căn phố nào rẻ rẻ chỉ giùm cho thầy mướn đặng rước mẹ lên ở với thầy, không cần mướn phố tốt và gần chợ, bởi vì lương hướng không bao nhiêu, phải tiện tặn cho khỏi thiếu hụt.

Vợ chồng ông Kinh thấy Xuân khiêm nhượng lại thành thiệt thì đem lòng thương. Bà Kinh nói: “Làm thầy thông, thầy ký phải ở phố khá khá mới được, chớ mướn phố  cho rẻ tiền thì phải ở ngoài xa lại phải chung chạ với hạng bình dân, rầy rà tối ngày chịu không nổi đâu.  Vậy để thủng thẳng kiếm cho phải chỗ rồi dọn mà ở, không nên gấp lắm. Thầy thông đừng ái ngại chi hết. Thầy ở đây với vợ chồng tôi, ở bao lâu cũng đươc mà. Vợ chồng tôi có hai đứa con, đứa lớn con gái, ổng gả lấy chồng, nó ở theo bên chồng nó ở Bình Đại mấy năm nay. Còn đứa, nhỏ, con trai, năm ngoái nó thi đậu thông ngôn Tòa án, nó đổi lên làm việc trên Long Xuyên. Chật hẹp, mà có thầy đùm đậu vợ chồng tôi vui, chớ có sao đâu bà ngại”.

Vĩnh Xuân nói:

-         Đến xứ lạ quê người mà tôi gặp được ông bà đem lòng thương tôi như con cháu, thiệt tôi cảm đức lung lắm. Tôi xin ở đỡ năm ba ngày chớ ở lâu cực lòng ông bà, nhứt là bà phải lo cơm nước nhiệt tôi không dám.

-         Ấy, tôi nói không có cực lòng chỉ hết. Thầy đừng ngại, để thủng thẳng coi gần gần đây có phố trống rồi sẽ mướn đặng thầy tới lui cho tiện.

Ăn cơm rồi, ông Kinh với thầy Xuân ra bàn phía trưởc ngồi uống trà. Xuân ngó mấy cây đờn treo trên vách rồi hỏi ông Kinh.:

-         Ông đờn đủ cây hay không ông Kinh ?

-         Tôi chuyên về cây kìm. Còn mấy cây kia tôi không thích nên đờn được, nhưng ngón không tươi.

-         Sách nho ông có nhiều quá.

-         Nhà nho thì có sách nho chớ sao ? Thầy học Tây, mà có biết nho chút đỉnh gì hay không thầy thông ?

-         Hồi tôi còn nhỏ, ông thân tôi cho tôi đi học chữ nho. Chừng tôi được 13 tuổi, ông thân tôi mất, ông cậu tôi ép bà già tôi phải cho tôi học chữ Tây đặng lập thân với người ta, chớ học nho nhiều không ích gì. Bà già tôi nghe lời mới biểu tôi bỏ nho mà đi học Tây.

-         Nếu vậy thì thầy biết chữ nho.

-         Tôi có nghe giảng trọn bộ Tứ Thơ.

-         Vậy à ? Học hết bộ Tứ Thơ thì khá lắm. Thầy học với ai ?

-         Thầy tôi là ông Giáo Huân ở chợ Giồng Ông Huê.

-         Chà Thầy học với ông Giáo Huân ? Tôi không biết ổng nhưng tôi có nghe danh ổng học rộng lắm. Thầy coi truyện được hay chưa ?

-         Từ ngày qua học chữ Tây, tôi không cố đến chữ nho nữa. Để dọn nhà ở yên rồi tôi sẽ tập lại.

-         Tôi có truyện đủ thứ. Thầy có buồn thì cứ lấy mà đọc. Thầy nên đọc Tam Quốc, Đông Châu, Tây Hớn, Thuỷ Hử cho biết. Thầy có tập làm thi hay không ?

-         Chưa.

-         Để thủng thẳng tôi chỉ thể thức giùm cho, rồi anh em mình xứng (xướng) họa với nhau chơi, thầy cũng nên học đờn đặng dưỡng chí phong lưu. Uống trà ngon, làm một bài thi rồi đờn chơi vài bài, thú vị biết chừng nào. Tôi thích sống với cảnh đời đó.

-         Cảnh đời đó là cảnh đời phong lưu nhàn lạc, tôi cũng thích lắm.

-         Vậy thì anh em mình là đồng thinh, đồng khí mà. Tôi mừng lắm. Để tôi tập cho thầy biết đờn, biết làm thi phú, đặng vui hưởng thú vị thanh cao với nhau chơi.

-         Trong Tòa Bố có thầy nào giỏi chữ nho như ông vậy hay không ?

-         Không có, bởi vậy tôi buồn quá. Có vài thầy trộng tuổi như thầy Khuê hồi sớm mơi đó, họ học lỏm ít câu trong sách Minh Tâm, rồi tới đám tiệc họ nói chữ lốp bốp, không dùng được vào chỗ nào hết. Bây giờ mấy người xưng là nhà nho đó thì ai cũng học chữ nho chút đỉnh chớ có học đạo nho đâu, bới vậy nhà nho đời nay không hiểu tâm để của thánh hền, không hiểu nghĩa lý sâu xa của đạo học nên xử sự họ làm nhiều việc chướng tai gai mắt hết sức. Thầy còn trẻ tuổi, mới bước chưn vào đường đời, thầy chưa thấy đời đê tiện. Để rảnh rồi tôi sẽ nói cho thầy nghe. Chiều nay thầy được nghỉ mà tôi mắc đi làm. Để mai chúa nhựt, tôi sẽ dắt thầy đi thăm mấy ông mấy thầy, phải thăm cho đủ hết. Mới đổi lại phải thăm kẻ bề trên với bạn đồng liêu, thăm như vậy người ta mới cho thầy là người biết lễ.

-         Quan Phủ tên gì vậy ông Kinh  ?

-         Tên Hậu, Nguyễn Trung Hậu. Ngài ưa lập nghiêm lắm, lại có bịnh hút nên hay quạu quọ. Còn quan Huyện tên Lê Thành Kiên. Ngài có tật uống rượu, tánh tình vui vẻ, giản dị biết thương kẻ dưới, nên ai cũng yêu ngài.

Nhà còn lạ mà người cũng chưa quen, thầy Xuân nằm lim dim muốn gây giấc ngủ mà cứ thao thức hoài. Thầy nhớ thầy vào Tòa Bố trình diện hồi sớm mơi, quan chánh, quan phó đều dễ chịu, còn mấy ông, mấy thầy vui vẻ, hoan nghính. Thầy thấy bước đầu trong đường đời đã có mòi dễ dàng, duy có lời quan lớn Chánh Tham Biện dặn đừng hối lộ, lời ấy làm cho thầy hổ thẹn. Rồi thầy nhớ tới ông Kinh nho nhã, bà Kinh bãi buôi, vợ chồng đều sẵn lòng giúp, dìu dắt thầy, thì thầy lại càng thêm mừng. Nhưng thầy nghĩ không lẽ đùm đậu với người ta nhiều ngày, thế nào cũng mướn dọn cho mau, trước khỏi làm nhọc lòng vợ chồng ông Kinh, sau rước mẹ lên ở đặng mẹ con khỏi phân cách.

Hai giờ ông Kinh thức dậy tắm rửa rồi thay đồ đi làm việc. Ông mở tủ lấy bộ truyện Tam Quốc Chí để trên bàn, dặn Xuân ở nhà có buồn thì đọc thử chơi mà giải muộn.

Ông đi rồi, bà cứ theo nói chuyện với Xuân, hỏi chuyện học hành, nói chuyện kiếm đôi bạn, học chuyện mấy thầy làm việc ở đây đều khá hết, bà tỏ ý muốn cho Xuân hiểu cách ở đời của thiên hạ trong thời đợi kim tiền nầy.

Câu chuyện càng kéo dài bà Kinh càng tỏ tình thân thiết. Xuân cứ ngồi nghe bà giảng dạy, dầu có điều không hạp ý thầy cũng cười chớ không dám cãi, vì thầy không muốn trái ý bà là người trưởng thượng sáng suốt tình đời.

Gần 3 giờ rưởi, Xuân mới thay đồ thưa với bà Kinh để thầy đi viếng nhà trường là chỗ thầy có ở ăn học hai năm, rồi qua chợ Cũ tìm một người bạn hồi trước coi còn ở đó hay đã dời đi chỗ khác.

Vĩnh Xuân đội nón đi vô trước trung học Mỹ Tho, đứng ngó một hồi rồi trở ra chợ, lên cầu quây mà ra Chợ Cũ. Vào nhà của người bạn cũ hỏi thăm, thì người nhà nói anh bạn xin làm giáo viên nên quan trên đã bổ đi dạy học trường tỉnh bên Tân An. Xuân thầm nghĩ, nếu hồi sớm mơi mình chở rương qua dây thì bơ vơ vô ích. Thầy càng thấy phải có phước mới được gặp ông Kinh Lương. Thầy càng kính mến hai ông bà, cả hai đều hảo tâm làm nghĩa.

Thầy đi xem phố hai bên đường, thấy dãy nào cũng tệ quá, phố lá thì nhiều, còn phố ngói thì cũ lại căn nào cũng có người ta ở buôn bán đồ lặt vặt, thấp thỏi, dơ đáy không phải chỗ mấy thầy ở được.

Thầy trở lại cầu quây rồi đi dọc theo mé sông mà chơi. Thầy vô mấy đường trong có ý kiếm phố trống, té ra đãy nào cũng có người ta ở đủ, không thế gì chen vô được nữa.

Gần 6 giờ, Vĩnh Xuân mới về tơi nhà. Tan hầu hồi 5 giờ, nên ông Kinh về đã lâu rồi, ông nằm trên ván coi truyện Tam Quốc Chí, còn bà Kinh đứng dựa bàn têm trầu ăn.

Thầy Xuân bước vô, ông Kinh ngồi dậy hỏi Xuân đi chơi phía nào. Xuân nói thăm trường cũ rồi qua Chợ Cũ kiến phố, sau trở ra phía nhà ga nữa.

Bà Kinh nói: “Phố bên chợ cũ tệ quá, thầy ở sao được mà kiếm. Còn phía ngoài ga bao giờ có trống mà mong. Tôi biểu để thủng thẳng vậy mà, gấp làm chi. Tôi nghe phong phanh dãy mình đây có một người tính đi, họ về An Hoá. Vậy để đợi họ đi rồi tôi sẽ mướn giùm cho thầy, đặng bà con mình ở gần nhau cho vui”.

Xuân nói: “Nếu được vậy thì tốt lắm”.

Bà Kinh nói: “Phố nầy sạch sẽ lại thị tứ, mà một tháng có năm đồng, rẻ quá”.

Ông Kinh nói: “Buổi chiều nay vô nhà hầu, tôi có nghe một chuyện ngộ ngộ. Số là thuở nay thầy Sung coi bộ đinh (dân cư, thuế thân)  mà coi luôn bộ sanh ý (ngề nghiệp, thuế hành nghề) nữa. Bây giờ buôn bán thạnh phát, dân sự đến xin sanh ý nườm nượp. Thầy Sung làm tới hai việc thầy làm không xiết, để bê trể người ta kêu nài hoài. Quan Phó nhứt mới nói với quan lớn Chánh xin thêm một thầy ký nữa đặng chia công việc với thầy Sung. Hổm nay được mấy quan trên cấp bằng thầy xuống đây ai cũng tưởng quan Phó sẽ chia cho thầy hoặc bộ đinh, hoặc bộ sanh ý. Hồi sớm mơi thầy vô trình diện với quan Phó, rồi ổng dắt thầy vô quan lớn Chánh. Chừng trở ra ổng biểu Thầy Khuê dắt thầy đi giới thiệu với mấy ông, mấy thầy trong nhà hầu. Hồi nãy đi về chung một khúc đường với thầy Huấn coi về điền thổ, thầy nói nhỏ với tôi rằng quan Phó nhứt sẽ bắt thầy đứng thông ngôn cho ông chớ không phải coi bộ đinh hay là sanh ý”.

Vĩnh xuân la lớn :

-         Trời ơi ! Tôi mới vô làm việc, tôi chưa biết gì hết, tôi đứng thông ngôn sao nổi. Phải để tôi tập sự lâu lâu cho tôi thông thạo việc nhà nước đã chớ. Mà sao thầy Huấn biết việc đó nên thầy nói với ông.

-         Thầy nói lúc thầy Khuê đưa thầy đi chào mấy ông mấy thầy đó thì quan Phó nhì qua nói chuyện với quan Phó nhứt; hai ông đồng khen thầy ký mới nói tiếng Tây bặt thiệp rành rẽ. Quan Phó nhứt lại nói ổng sẽ bắt thầy đứng thông ngôn thế cho thầy Khuê vì thầy Khuê chậm lụt, nói tiếng Tây không chạy.

-         Thưa, không được. Nếu quan Phó biểu thì tôi xin từ, để cho tôi làm việc gì dễ dễ đặng tôi học tập. Tôi chưa hiểu việc nhà nước mà đứng thông ngôn nỗi gì. Làm không kham nói bậy bạ họ cười chết.

-         Thông ngôn với quan Phó có gì đâu mà khó. Họ hầu đặng xin sách ghe, đóng sanh ý, mua bán trâu bò với điền thổ, hoặc xin phép về việc lặt vặt vậy thôi. Mấy việc lớn thì hầu trong quan lớn chánh. Thầy đứng thông ngôn chừng một tuần lễ thầy thạo hết.

-         Tôi cũng phải từ, vì nếu tôi chịu, té ra tôi giựt chỗ thầy Khuê.

-         Tại lịnh quan Phó định, chớ có phải thầy xin hay sao mà sợ mích lòng. Thầy Khuê giao việc của thẩy cho thầy làm thì thẩy coi sanh ý hay là bộ đinh cũng có lợi vậy, tuy thua bộ thuyền một chút. Nếu thầy đứng thông ngôn thì thầy coi bộ thuyền, giấy súng với đơn xin phép lặt vặt, thầy làm nếu có việc chi chưa hiểu tôi chỉ giùm cho, đừng lo chi hết. Thầy thay đồ rồi đi ăn cơm.

Vĩnh Xuân thay đồ mà sắc mặt buồn xo.

Bà Kinh ngó ông mà nói:.

-         Quan Phó thấy có tài nên bắt đứng thông ngôn, vinh vang hết sức mà thầy thông không vui, cái đó mới là kỳ.

-         Vui hay buồn cũng vậy, mình tùng sự với quan Tham Biện, quan muốn biểu mình làm việc gì, mình phải làm chớ cãi sao được. Để ăn cơm rồi tôi sẽ cắt nghĩa tư cách của thầy thông ngôn ký lục cho thầy nghe. Bà đi dọn cơm đi.

Từ hồi trưa đến giờ, bà Kinh thấy Vĩnh Xuân mềm mỏng, nhỏ nhoi hiền lành, thành thiệt, bà đem lòng yêu, lại nghe nói nhà nghèo, mẹ góa con côi nên thầy rán ăn học đặng làm việc mà nuôi mẹ thì bà phới động từ tâm, bà quyết giúp đỡ thầy đặng làm ơn, làm nghĩa. Bây giờ bà nghe ông Kinh nói quan Phó nhứt khen Vĩnh Xuân bặt thiệp, nói tiếng Tây gọn ghẽ dễ dàng; ổng định bắt thầy đứng thông ngôn thế cho thầy Khuê lù mù, chậm chạp thì bà thêm mến tài học của thầy nữa. Bà thầm nghĩ, thầy mới để chưn vào hoạn lộ, thì được quan trên yêu chuộng liền; nếu không học giỏi, không nói hay hơn người, thì làm sao mà được vậy. Thầy thông trẻ tuổi nầy không phải là người tầm thường, thầy sẽ đi xa, sẽ vượt lên cao, rồi đây thầy sẽ lần lên thông ngôn cho quan lớn Chánh, sẽ bước tới địa vị ông Huyện, ông Phủ cho mà coi. Giúp đỡ thầy không uổng công đâu.

Ngồi ăn cơm, bà thấy Vĩnh Xuân vẫn còn sắc buồn bà mới cười mà nói:

-         Mấy thầy đi làm việc, ai cũng mong mỏi được đứng thông ngôn cho vinh vang. Nhiều khi họ dùng cách cúi lòn, bợ đỡ, hoặc âm mưu hại bạn đặng giựt cái địa vị đó. Thầy thông mới lại tới, quan Phó tự nhiên muốn bắt thầy đứng bàn, thầy không bợ đỡ không âm mưu giành giựt chỗ của ai. Dày công ăn học giỏi hơn người, tự nhiên thầy được phần thưởng, chớ có gì đâu mà thầy lo ngại nên buồn đến muốn thoái thác.

-         Thưa bà, vì nghèo nên cực chẳng đã tôi phải theo tân học đặng làm việc lãnh lương mà nuôi mẹ. Tôi ước mong được ngồi yên trong một góc bàn mà biên chép, chờ cuối tháng lãnh tương ăn vậy. Tôi thưa thiệt với ông bà, tôi không ham danh, ham lợi chút nào hết, nhứt là danh không chánh đáng và thứ lợi không hạp nghĩa.

-         Không ra làm thầy thông, thầy ký thì thôi chớ thầy đã mang cái lớp thầy thông thây ký thì còn nệ cái gì nữa. Thầy đã vào trường danh lợi rồi thì phải chen lấn tranh đua với người ta, không nên để thua sút họ. Tuổi thầy đáng em cháu của vợ chồng tôi, vậy để tôi nói sự thiệt cho thầy nghe. Thầy côi cút nhà nghèo, phải nuôi mẹ già lại chưa có vợ. Thầy cần phải có tiền, có danh hơn người ta, chớ sao lại chê. Phải có tiền đặng nuôi mẹ cho sung sướng, phải có danh đặng cưới vợ chỗ sang giàu. Tôi khuyên nhập gia tuỳ tục, người ta làm sao, thầy cứ làm vậy, đừng thèm ngại chi hết. Với tài học đã cao của thầy, chắc thầy sẽ hiển đạt mau lẹ.

-         Hôm tôi được trát đòi đi làm việc, tôi có đến từ giã ông thầy cũ của tôi là ông Giáo Huân. Thầy tôi có giảng dạy việc đời cho tôi nghe, có nhắc đời quân tử theo trong sách rồi chỉ đời thực tế theo bây giờ. Thầy tôi cặn đặn dầu việc chi cũng đừng quên đạo nhân nghĩa của Khổng Mạnh, mặc dầu người đời nay họ chê đạo ấy đã lỡ thời, là thối hoá. Tôi đã có hứa với thầy tôi, dầu phải nghèo khổ, dầu bị hoạn nạn, tôi cũng chẳng dám bỏ nhân nghĩa, là căn bản tấn hoá của người Việt nam. Tôi lại quyết định lấy bốn chữ „Thanh cao chánh trực“ làm tiêu biểu, để nhắm vào đó mà bước tới. Tôi nghĩ đã làm thân trâu ngựa thì còn kể danh lợi làm chi. Sống giữa đời hỗn độn thì giàu sang càng thêm hổ.

Nãy giờ ông Kinh ngồi ăn lóng tai nghe bà Kinh với Vĩnh Xuân bàn cãi, ông không muốn chen vô. Đến đây ông mới cười và nói:

-         Tôi hiểu tâm trí của thầy thông rồi. Môn đệ của ông Giáo Huân dầu hèn cũng thể, có lẽ nào thua sút người ta. Câu chuyện thầy nói với bà nó đó tôi xin thầy đình lại, để thầy làm việc ít ngày cho thầy thấy thế thái nhân tình, cho thầy nếm mùi đời cay đắng rồi tôi sẽ bàn luận với thầy. Bây giờ tôi xin cãi với thầy về điểm nầy: thầy nói đã làm thân trâu ngựa thì còn kể danh lợi làm chi. Thế thì quan Phó muốn thá ví phía nào thì thầy phải đi phía đó, chớ sao thầy cự nự, dầu đi qua sình lầy, thầy cũng phải rán mà bước, làm sao mà cãi được.

Vĩnh Xuân suy nghĩ một chút rồi nói:

-         Thiệt vậy, đã làm tay sai thì người ta biểu làm gì thì mình phải làm theo, chớ đâu được phép cãi. Nhưng nếu việc người ta biểu mình làm đó quá sức của mình thì mình phải nói trước cho người ta biết đặng khỏi trách mình.

Ông Kinh gặc đầu nói:

-         Nói như vậy thì phải. Làm việc mà thầy biết dè dặt như vậy thì ai dám khinh khi.

Ăn cơm rồi thì trời đã tối. Ông Kinh đốt cái đèn treo cho sáng, rồi ông với Vĩnh Xuân ngồi tại bàn mà uống trà. Không hiểu vì muốn khoe ngón đờn tươi, hay là vì cảm hứng gặp bạn đồng đạo, mà ông Kinh uống vài chung trà rồi ông lấy đờn kìm treo trên vách, đem lại ván ngồi vít đốc (khêu tim đèn) mà lên dây. Bắt đầu ông đờn nuột bản nam xuân rồi sửa dây đờn một bản lưu thủy. Sau hết ông đổi dây oán, đờn thêm lột bản tứ đại nữa..

Vĩnh Xuân ngồi nghe, vì ngón đờn giéo giắt, tiếng đờn thanh tao, nên thầy mê mẩn tâm thần. Thầy liếc mắt ngó ông Kinh, thấy ông đờn mà sắc mặt ông vui sướng như nương mây mà bay, như ngồi trên đỉnh núi cao nhìn xuống đồng áng. Phong lưu biết chừng nào ! Thú vị biết chừng nào !

Ông Kinh đờn mấy bản rồi ông để cây đờn trên ván, lại rót chung trà mà uống. Nghe Vĩnh Xuân khen ông đờn tươi, ông hứng chí lấy ống tiêu ngồi ngang thầy mà thổi chơi ít bài.

Vĩnh Xuân càng mê mẩn hơn nữa.

Ông Kinh để ống tiêu trên bàn mà nói:

-         Thầy thông đã thấy đời sống của tôi về bề ngoài rồi. Để tôi dở bề trong cho thầy xem luôn. Tôi cũng như thầy, tôi không màng danh lợi. Làm việc thì tôi đi đúng giờ, không khi nào bê trễ. Mà làm việc là có ý để lãnh lương đủ cho vợ chồng sống thong thả mà thôi, không cần dư. Giữ xã giao đủ lễ, đám tiệc mời phải đi. Không ham thả đi chơi. Thú vui của tôi là lúc rảnh rang, uống trà ngon, ngâm ít câu thi, đờn chơi vài bản, rồi nằm đọc truyện, đọc sách. Ai tranh đua danh lợi mặc ai, tôi cứ giữ thú vui của tôi, ai nói khôn không mừng, ai chê dại không giận.

-         Bề, cư xử của ông như vậy thì ông là quân tử rồi.

-         Tôi không dám lãnh lời thầy tặng đó. Tôi chỉ lo thủ phận cho an thân vậy thôi.

-         Tôi ước mong được như ông thì nguyện vọng đã thỏa mãn. Nếu tôi dọn nhà cửa yên rồi và nếu ông sẵn lòng với tôi thì tôi sẽ xin thọ gáo đặng ông dạy tôi đờn kìm, vì tôi nghe tiếng đờn kìm sao tôi thích quá.

-         Được chớ. Tôi sẵn lòng chỉ cho. Tôi muốn thầy học đờn mà cũng tập thi phú chơi nữa. Khảy đờn ngâm thi là thú phong lưu cao thượng đệ nhứt, người có học ai cũng phải biết thưởng thức cái thú ấy. Đợi ít bữa thầy lãnh việc làm quen rồi thì bắt đầu tập liền, cần gì phải chờ dọn nhà.

Ông Kinh mở tủ lấy tập thi của ông làm thuở nay đưa cho Vĩnh Xuân xem. Hai người đọc và bình luận với nhau đến khuya mới đi ngủ.

Sáng bữa sau, ông Kinh Lương dắt thầy Vĩnh Xuân đến thăm mấy ông, mấy thầy trong Tòa Bố, thăm đủ hết không bỏ sót một nhà nào.

Qua sáng thứ hai, Vĩnh Xuân bắt đầu theo ông Kinh đi làm việc.

Quan Phó nhứt lại nhà hầu, vừa ngồi thì ông kêu thầy Khuê, thầy Sung với Vĩnh Xuân lại mà nói ông nhứt định bắt thầy Xuân đứng thông ngôn cho ông. Ông biểu thầy Khuê giao việc của thầy cho Xuân làm, còn thầy Sung thì giao bộ đinh  cho thầy Khuê coi.

Vĩnh xuân nhỏ nhẹ nói với quan Phó rằng mình mới vô làm chưa hiểu công việc nhà nước, nên xin cho phụ vơi một thầy nào đó, để tập sự một thời gian cho quen, rồi làm một mình mới được. Ông Phó nói không có gì khó, làm trong ít bữa thì quen. Ông dặn thầy Khuê phải chỉ cách thức mỗi việc cho Xuân biết. Xuân không dám cãi nữa.

Thế thì lời ông Kinh nói không sai. Mới vô lãnh việc Vĩnh Xuân đã được đứng thông ngôn cho quan Phó và coi bộ thuyền với giấy súng. Trong nhà hầu ai cũng nể, vì lịnh của quan Bố nhứt đã định, nên không ai dám bàn luận gì hết.

Chừng tan hầu đi về dọc đường, ông Kinh mới thỏ thẻ nói cho Vĩnh Xuân hay rằng theo lời người ta đồn thì quan Phó nhứt đổi thông ngôn thiệt cũng tại thầy Khuê nói tiếng Tây không rành, mà phần nhiều là tại thầy Khuê phát giấy súng thầy ăn tiền sao đó thấu tới tai quan Phó nên ổng mấy (mới) đổi thầy qua coi bộ đinh.

Về tới nhà ông Kinh kêu bà mà cho hay quan Phó đã bắt Vĩnh Xuân đứng thông ngôn thế cho thầy Khuê rồi. Bà vui mừng mà nói: “Có phước thì có phần. Hữu tài tất đắc dụng”.

Vĩnh Xuân nói: “Thế nào tôi cũng không quên tiêu biểu của tôi: “Thanh cao chánh trực”.